- 18 -
Tác giả: Nguyễn Vạn Lý
Tháng 11 năm 1941, trong lúc đô đốc Yamamoto đang chuẩn bị cho cuộc tấn công Trân Châu Cảng, thì tướng lục quân Yamashita, tư lệnh Quân đoàn Quan Ðông tại Mãn Châu, được triệu hồi về Ðông Kinh, để nhận chức tư lệnh quân đoàn 25. Quân đoàn 25 đang chuẩn bị mở cuộc tấn công vào Mã Lai Á trong trường hợp Nhật khai chiến, và Yamashita có nhiệm vụ đánh chiếm Tân Gia Ba, căn cứ quân sự quan trọng nhất của Anh quốc tại Á Ðông.
Yamashita không được thoải mái khi nhận nhiệm vụ quan trọng này, vì ông biết các tướng cấp trên như Ðông Ðiều và Sugiyama không ưa thích ông. Trong thập niên 1930, có hai phe chống đối nhau tại Nhật Bản: phe ôn hòa chủ trương thiết lập một chính phủ dân sự dưới sự lãnh đạo của Nhật Hoàng, trong khi phe quá khích chủ trương phải đánh chiếm Trung Hoa, dù hậu quả có thể đưa đến chiến tranh với Anh và Mỹ. Yamashita ủng hộ phe ôn hòa trong khi Ðông Ðiều và Sugiyama lãnh đạo nhóm quá khích. Cuối cùng nhóm quá khích thắng thế, và Ðông Ðiều trở thành thủ tướng và Sugiyama nắm chức tổng tham mưu trưởng lục quân. Yamashita bị tống đi biên giới Mãn Châu, chỉ huy Quân đoàn Quan Ðông. Bây giờ Yamashita bị gọi về, và phải thi hành một trọng trách nặng nề. Yamashita biết rằng mình sẽ bị theo dõi kiềm chế gắt gao, và bất cứ một lỗi lầm nào cũng đưa tới trừng phạt sỉ nhục.
Kế hoạch đánh chiếm Tân Gia Ba đã được soạn thảo trước khi Yamashita nắm quân đoàn 25. Khu vực quân đoàn 25 đổ bộ sẽ là một giải đất nhỏ hẹp tại Kra Isthmus, nằm giữa Thái Lan và Mã Lai Á. Ba địa điểm chính là Singora và Patani thuộc Thái Lan, và Kota Bharu tại bắc Mã Lai Á. Thoạt đầu người ta đề nghị giao cho quân đoàn 25 năm sư đoàn trong nhiệm vụ tấn công Tân Gia Ba. Khi Yamashita đến bộ chỉ huy của quân đoàn 25 tại đảo Hải Nam, ông duyệt lại tình hình và đưa ra một đề nghị rất ngạc nhiên. Trong lần họp với Sugiyama, Yamashita cho biết ông chỉ cần ba sư đoàn để tiến chiếm Tân Gia Ba.
Lời đề nghị của Yamashita quả thực đáng ngạc nhiên, vì phần lớn các tướng chỉ huy thường đòi hỏi có nhiều quân hơn. Trường hợp Yamashita, ông nhận thấy địa hình tại Mã Lai Á không thuận lợi cho việc tập trung quá nhiều quân. Yếu tố chính để chiến thắng là quân ít nhưng phải thật tinh nhuệ. Yamashita là một viên tướng chuyên nghiệp, một thiên tài chiến tranh và có rất nhiều kinh nghiệm chiến trường. Ðối với ông và một số đông quân nhân Nhật Bản thì chiến tranh không phải là một việc xấu, trái lại đó là một nhiệm vụ thiêng liêng.
Cuối cùng ba sư đoàn gồm sáu chục ngàn quân tham gia chiến dịch Tân Gia Ba. Ðó là các sư đoàn 5 và 18, hai sư đoàn thiện chiến nhất của Quân đội Hoàng Gia Nhật. Sư đoàn thứ ba thuộc Vệ binh Hoàng gia. Ba sư đoàn này được hai trung đoàn pháo binh và một lữ đoàn chiến xa yểm trợ. Ngoài ra còn có 600 phi cơ bảo vệ, gồm có 450 phi cơ nằm trên căn cứ đất liền, và 150 phi cơ trên hàng không mẫu hạm. Hai trong ba sư đoàn trưởng của Yamashita cũng là những viên tướng rất nhiều kinh nghiệm và can trường, đó là trung tướng Matsui nổi danh tại chiến trường Trung Hoa, chỉ huy sư đoàn 5, và trung tướng Mutaguchi từng là tham mưu trưởng cho Yamashita, chỉ huy sư đoàn 18. Yamashita rất hài lòng với hai tướng Matsui và Mutaguchi, nhưng viên tướng chỉ huy sư đoàn Vệ binh là Nishimura thì thực là một khó chịu nhức đầu cho Yamashita. Nishimura là bạn thân với cấp trên của Yamashita là tướng Terauchi, tư lệnh Nam Á Châu, và cũng là bạn của Sugiyama, tổng tham mưu trưởng lục quân Hoàng gia Nhật. Nishimura quyết định bất hợp tác và gây nhiều khó khăn cho Yamashita.
Một người nữa gây khó khăn cho Yamashita là đại tá Tsuyi, trưởng phòng hành quân của Yamashita. Tsuyi là một thứ gián điệp dò xét các tướng lãnh cho thủ tướng Ðông Ðiều. Như vậy, Yamashita phải đương đầu với kẻ thù không những trực diện với mình là quân Anh, mà còn phải lo đối phó với kẻ thù ở ngay cấp trên và cấp dưới của mình, và cả trong bộ tham mưu của mình. Ðó không phải là điều kiện thuận lợi để chiến thắng.
Quân Nhật dự định đổ bộ tại ba bãi biển, hai tại Thái Lan và một tại Mã Lai Á, rồi tiến quân qua rừng già từ phía bắc xuống Tân Gia Ba. Bán đảo Mã Lai Á dài khoảng 400 dặm, ở giữa là núi và hai bên là đồng bằng duyên hải. Ðường tiến quân của quân Nhật phải vượt qua rất nhiều sông ngòi, rừng rậm và đồng lầy, một địa hình rất bất lợi cho cuộc hành quân. Chính vì thế, quân Anh không quan tâm lo phòng thủ khu vực này. Bộ tham mưu Nhật quyết định hai sư đoàn 5 và 18 sẽ đổ bộ trước, thiết lập một đầu cầu cho sư đoàn Vệ binh ít kinh nghiệm đi sau.
Từ tổng hành dinh tại Sàigon, tướng Terauchi đánh điện cho Yamashita, ấn định ngày tấn công là 8-12, một ngày sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng của đô đốc Yamamoto. Ðồng thời Terauchi cũng ra lệnh cho Yamashita phải hủy bỏ cuộc tấn công ngay tức khắc, nếu cuộc điều đình đang diễn ra tại Hoa Thịnh Ðốn thành công. Lực lượng tấn công được phân tán thành 5 đoàn tầu đổ bộ khác nhau để tránh nghi ngờ. Ngày 8-12 là ngày định mệnh cho Nhật Bản. Ngày đó quân đoàn 25 nức lòng vì tinh thần quốc gia. Họ nghĩ rằng cơ hội đánh đuổi "quân bạch quỷ" để giải phóng Á Châu cho người Á Châu đã tới.
Tân Gia Ba là thuộc địa của Anh Quốc kể từ năm 1819, rộng từ tây sang đông 27 dặm, và từ bắc xuống nam 13 dặm. Tân Gia Ba và Mã Lai Á rất quan trọng cho đế quốc Anh vì tài nguyên phong phú về cao su và thiếc. Việc phòng thủ Tân Gia Ba lúc đầu rất xao nhãng vì quân Anh cảm thấy an tâm vì được rừng già bao bọc. Ðường tấn công duy nhất là từ biển vào. Nhưng đến đầu thập niên 1930, sau khi Nhật Bản chiếm Mãn Châu, thì sự phòng thủ mới được tăng cường bằng cả hải lục không quân. Trung tướng Dobbie được cử làm tư lệnh tại Mã Lai Á, có tướng Percival làm tham mưu trưởng. Dobbie đã nhiều lần xin chính phủ Anh Quốc tăng cường hệ thống phòng thủ tại Mã Lai Á và Tân Gia Ba, nhưng không được đáp ứng, một phần vì tình hình tại Âu Châu đang bất lợi cho Anh Quốc.
Tháng 3-1941, Percival nhận lãnh chức vụ tư lệnh Mã Lai Á. Ông đòi bộ chiến tranh phải tăng cường thêm sáu sư đoàn, hai trung đoàn chiến xa và nhiều đơn vị chống chiến xa và phòng không. Bộ chiến tranh bác bỏ lời yêu cầu của ông. Percival đành phải bằng lòng với những gì ông đang có, gồm có 88 ngàn binh sĩ, trong đó có 19 ngàn quân Anh, 15,200 quân Úc, 37 ngàn quân Ấn Ðộ, và 16,800 quân tình nguyện bản xứ. Percival phải trải quân số này khắp Mã Lai Á. Như vậy Percival không đủ quân số để bảo vệ các địa điểm trọng yếu, như phi trường và bờ biển. Lúc đó Percival không có cả xe tăng, và các đồ quân nhu đều thiếu thốn. Quân sĩ thì phần lớn là Ấn Ðộ, không được huấn luyện đầy đủ. Percival chỉ còn trông cậy vào những cỗ súng nặng dọc bờ biển và hai chiến hạm Prince of Wales và Repulse. Hai chiến hạm này được phái tới Tân Gia Ba tháng 10-1941, để nâng cao tinh thần quân trú phòng. Percival cũng cho xây dựng lại hệ thống phòng thủ, nhưng dù sao cũng quá trễ và quá ít.
Ngày 4-12, đoàn tầu chiến của Yamashita rời tổng hành dinh tại đảo Hải Nam, và đến tối ngày 7-12 thì tới ngoài khơi Mã Lai Á. Ðúng nửa đêm đó thì các vị trí của quân Anh tại Kota Bharu bị các chiến hạm Nhật pháo kích. Rồi các tầu đổ bộ ào tới. Phi cơ của quân đội Hoàng gia Anh cũng gây lúng túng cho quân Nhật, nhưng vị trí của quân phòng thủ Ấn Ðộ bị quân Nhật tràn ngập mau lẹ. Các vị trí của quân Ấn Ðộ nằm sát bờ biển, một vị trí rất thuận tiện để tiêu diệt quân đổ bộ của Nhật, nhưng quân Nhật tiến mạnh như vũ bão vào hỏa lực của quân Ấn Ðộ, rồi bao vây và tấn công các vị trí này từ bốn phía. Quân Ấn Ðộ hoảng hốt bỏ chạy vì tưởng phòng tuyến bị chọc thủng, nhưng thật ra lúc đó quân Nhật cũng đang gặp khó khăn.
Cuộc đổ bộ tại Singora và Patini của Thái Lan dễ dàng hơn nhiều. Cảnh sát và quân đội Thái Lan không phải là đối thủ của quân Nhật. Ðúng 5:20 sáng ngày 8-12, Yamashita lên bờ và thiết lập tổng hành dinh tại Singora. Chỉ trong vài giờ sau, chính phủ Thái Lan chấp thuận cho phép quân Nhật được xử dụng lãnh thổ Thái Lan.
Sau khi nghe tin Kota Bharu thất thủ, Percival ra lệnh rút quân về phòng thủ Jitra. Tướng Matsui chỉ dùng 500 quân và 10 xe tăng tiến tới Jitra mau lẹ như sấm sét. Cuộc chiến đấu thực ác liệt, nhưng quân Nhật tiến qua rừng già đánh bọc hậu địch quân, và chiếm được Jitra ngay. Quân Nhật tiến ngay tới mục tiêu kế tiếp là Aloi Star. Ðiều nhục nhã cho quân Anh là trong mấy ngày đầu của trận đánh, quân Nhật không cần phải xử dụng sư đoàn 5. Các chiến công đầu là do một đơn vị tiền phương đạt được, và quân Nhật chỉ thiệt hại khoảng 50 binh sĩ.
Không những quân Nhật chiếm được các vị trí phòng thủ quan trọng, mà quân Ấn Ðộ kinh hoàng bỏ chạy, để lại rất nhiều quân nhu vũ khí. Quân Nhật càng tiến về phía nam thì càng lên tinh thần, và mặc sức dùng đồ ăn, đạn dược, xe cộ và nhiên liệu của quân Ấn Ðộ bỏ lại. Chiến thuật của Yamashita là "tràn ngập, truy kích và củng cố". Quân Nhật tràn qua phòng tuyến địch, tấn công quân địch bằng xe tăng và lúc nào cũng gia tăng áp lực, khiến cho quân Anh không có đủ thì giờ để củng cố lại một vị trí hoặc phòng tuyến mới. Ðây là một cuộc chạy đua về phía nam. Quân bộ binh Nhật dùng cả xe đạp để tiến quân. Họ đạp xe dọc theo các đường lộ và các lối mòn, và vác xe đạp lên khi phải qua sông, nhưng luôn luôn truy kích ráo riết địch quân đang rút lui.
Yamashita chủ trương dùng chiến thuật đánh bọc hậu địch, trong khi viên tham mưu trưởng của Yamashita là Tsuyi phản đối chiến thuật này và cho rằng quá tốn quân. Trong một cuộc tranh luận nẩy lửa, Tsuyi thua và bị mất mặt. Tsuyi đệ đơn từ chức, nhưng không được Yamashita chấp thuận, và từ đó hắn để tâm trả thù, và tìm cách hãm hại Yamashita. Việc hãm hại Yamashita được chính thủ tướng Ðông Ðiều khuyến khích khiến cho Yamashita không được hưởng kết quả chiến thắng do chính mình tạo ra.
Ðối với Percival thì hết thất bại này tới thất bại khác. Trưa ngày 8-12, đô đốc Tom Phillips chỉ huy hai chiến hạm Prince of Wales và Repulse và bốn khu trục hạm khác ra khơi để tấn công các vị trí đổ bộ của quân Nhật. Ðô đốc Philips hy vọng được sự yểm trợ của không quân, nhưng vào phút chót, hạm đội của Phillips không có một phi cơ nào. Ðó là một hoàn cảnh rất nguy hiểm nếu hạm đội bị không quân Nhật tấn công. Trong suốt ngày 9-12, hạm đội được mưa rào che chở, nhưng đến chiều thì trời bỗng quang đãng, và hạm đội của Phillips bị phi cơ tuần thám của Nhật khám phá. Do đó hạm đội Anh mất yếu tố bất ngờ, nên đô đốc Phillips quyết định trở về căn cứ Tân Gia Ba.
Ngay sau đó đô đốc Phillips nhận được tin quân Nhật đang đổ bộ tại Quantan. Không thông báo cho bộ tư lệnh tại Tân Gia Ba, Phillips dẫn hạm đội tiến về Quantan với mục đích tấn công quân đổ bộ Nhật. Không may cho hạm đội Anh, một tiềm thủy đỉnh Nhật trông thấy hạm đội Anh vào lúc 2:10. Thế là phi cơ tuần thám của Nhật được tung ra tìm kiếm vị trí của hạm đội Anh. Khi Phillips dẫn hạm đội của ông tiến về phía Quantan, thì hạm đội Nhật phái một lực lượng gồm 34 oanh tạc cơ và 51 phi cơ phóng thủy lôi để đối phó với hạm đội Anh.
Sáng ngày hôm sau, khi hạm đội Anh tiến gần tới Quantan thì không thấy tầu đổ bộ của Nhật. Ðô đốc Phillips ra lệnh cho hạm đội tiến ngược về phía bắc, hy vọng tìm được địch quân. Nhưng đúng lúc đó thì radar của chiến hạm Repulse phát hiện phi cơ Nhật đang tiến tới. Ðúng 11 giờ sáng thì trận tấn công của phi cơ Nhật bắt đầu. Từng đợt phi cơ Nhật nhào xuống hạm đội Anh. Các hạm trưởng Anh trổ hết tài để tránh thủy lôi của Nhật, nhưng cuối cùng cả hai chiếc Prince of Wales và Repulse đều bị đánh chìm. Gần một ngàn binh sĩ Anh tử trận cùng với hai chiến hạm Prince of Wales và Repulse. Ðây là một thất bại nặng nề nhất trong lịch sử hải quân Anh, và quân Nhật đã phá hủy huyền thoại bất bại của người Anh, và niềm hy vọng của quân Anh tại Mã Lai Á. Ðô đốc Phillips đã mắc phải những lỗi lầm quan trọng, nhưng ông không bị trừng phạt, vì ông tử trận ít lâu sau đó.
Tin chiến thắng đánh bại hai chiến hạm quan trọng của hải quân Anh đã đem hứng khởi cho quân Nhật, và gia tăng huyền thoại bất bại của quân Nhật. Trong khi đó trận chiến trên bộ vẫn tiếp diễn, và quân Anh vẫn phải tiếp tục rút lui về miền nam. Trong sáu tuần lễ, quân Nhật đã chiếm trọn Mã Lai Á. Trên hai chục ngàn quân Ấn Ðộ đầu hàng, và Percival bây giờ chỉ trông cậy vào sư đoàn Úc đóng tại Jahore ở miền nam Mã Lai Á. Mặc dầu quân Úc cũng phải rút lui, nhưng họ cũng đánh lại quân Nhật những đòn chí tử. Quân Anh tuy có khả năng chiến đấu cao, nhưng lại quá ít. Khi Yamashita mở cuộc tấn công tại Jahore, đánh bại lữ đoàn Ấn Ðộ tại đây thì Percival đành phải rút lui về cố thủ Tân Gia Ba, và cho nổ tung con đê nối liền Tân Gia Ba và Mã Lai Á.
Báo chí Nhật hết lời ca tụng Yamashita là anh hùng dân tộc, nhưng chỉ tạo bất lợi cho Yamashita, vì sự ghen ghét của thủ tướng Ðông Ðiều. Yamashita tập trung quân và mở cuộc tấn công cuối cùng vào Tân Gia Ba. Quân trú phòng Tân Gia Ba gồm có 85 ngàn binh sĩ, và sáu tiểu đoàn mới được tăng cường từ Anh Quốc. Percival có nhiều quân hơn Yamashita, và đáng lẽ có thể đẩy lui được mọi cuộc tấn công của quân Nhật. Thủ tướng Anh Churchill ra lệnh phải phòng thủ Tân Gia Ba và không được để mất một tấc đất.
Yamashita chỉ có sáu chục ngàn quân. Trọng pháo bị hư hại nhiều, và đạn dược chỉ đủ dùng cho một thời gian ngắn. Quân Nhật chỉ có lợi thế về không lực, vì Nhật có tới 200 chiến đấu cơ so với một phi đội Hurricane của quân Anh. Yamashita biết rằng phải tốc chiến tốc thắng trước khi quân Anh nhận ra được nhược điểm của quân Nhật. Nếu quân Anh lấy lại được tinh thần, và thiết lập được một phòng tuyến phòng thủ hữu hiệu thì Yamashita phải bại trận.
Yamashita là người gặp nhiều nghịch cảnh. Không những thiếu thốn các đồ tiếp liệu quan trọng, mà còn bị các cấp trên quấy rầy nữa. Tướng Terauchi, tư lệnh khu Nam Á luôn luôn ra lệnh cho Yamashita phải chiến đấu như thế nào. Có lần Terauchi gửi cho Yamashita một cọc giấy ghi những điều Yamashita phải làm khi mở cuộc tấn công. Yamashita tức giận, xé nát những mẩu giấy này và liệng vào thùng rác. Ngày 4-2, quân Nhật sẵn sàng mở cuộc tấn công. Yamashita họp các tướng tư lệnh sư đoàn và ra lệnh tấn công. Sư đoàn của Nishimura mở cuộc tấn công giả tại phía đông vào tối ngày 7-2 để dụ quân Anh về phía đó. Ðến đêm tối, các sư đoàn 5 và 18 vượt qua góc tây bắc của hòn đảo. Nishimura than phiền Yamashita coi thường mình và giao cho một nhiệm vụ không xứng đáng. Nhưng Yamashita đặt hết tin tưởng sẽ lừa được Percival ở trận tấn công giả này.
Sáng ngày 8-2, cuộc tấn công bắt đầu bằng cuộc oanh kích nặng nề của phi cơ và pháo binh. Mặc dù súng máy của quân Anh quạt dữ dội vào quân Nhật, nhưng sáng ngày hôm sau quân Nhật đã có mặt tại hòn đảo và tiến xuống phía nam. Yamashita di chuyển bộ chỉ huy tới một rừng cao su tại đảo Tân Gia Ba. Ðúng trưa ngày hôm đó, hai sư đoàn 5 và 18 vượt qua được eo biển, nhưng sư đoàn Vệ binh của Nishimura dừng lại, vì Nishimura cảm thấy mất mặt. Trong cơn giận dữ, Nishimura ra lệnh chặt đầu 200 quân Úc và Ấn Ðộ bị kẹt tại Jahore. Nishimura làm đủ chuyện để gây khó khăn cho Yamashita. Mỗi khi nhận được lệnh của Yamashita, Nishimura hay hỏi vặn lại và nhiều khi từ chối không thi hành lệnh. Trong khi đó Terauchi đã hứa với Ðông Kinh sẽ chiếm được Tân Gia Ba vào ngày 11-2, ngày lễ lập quốc của Nhật Bản.
Nhiều trận đánh cận chiến dữ dội xảy ra tại nhiều nơi. Percival quyết định lập một tuyến phòng thủ bao quanh thành phố. Ðến ngày 10-2 thì các đường dẫn vào Tân Gia Ba đã lọt vào tay quân Nhật, và quân dân trong thành phố Tân Gia Ba bắt đầu lo sợ kinh hoàng. Nhưng chính lúc đó Yamashita cũng bắt đầu lo sợ vì nhiên liệu và đạn dược thiếu một cách trầm trọng. Nếu phải bao vây Tân Gia Ba trong một thời gian lâu dài thì quân Nhật phải bỏ cuộc. Trong một buổi họp của ban tham mưu, các tướng cho Yamashita biết nếu không được tiếp tế thì chỉ sáu ngày nữa súng của quân Nhật sẽ im tiếng. Nhưng Yamashita biết rằng ông vẫn phải tiếp tục cuộc chiến, và ông ra lệnh mở cuộc tấn công như thường, để cố gắng che giấu không cho quân Anh nhận thấy nhược điểm của quân Nhật. Yamashita gửi một lá thư sang tổng hành dinh của tướng Percival, kêu gọi Percival đầu hàng, và nếu kháng cự sẽ bị tàn sát.
Thưa Ngài,
Tôi, tư lệnh quân đội Thiên Hoàng, đặt căn bản trên tinh thần thượng võ Nhật Bản, trân trọng gửi cho Ngài lá thư này để khuyên Ngài nên đầu hàng tất cả lực lượng tại Mã Lai Á. Tôi hết sức kính trọng quân đội của Ngài, đã theo đúng tinh thần cổ truyền Anh Quốc, đã anh dũng bảo vệ Tân Gia Ba và đang bị cô lập và không còn hy vọng tiếp cứu. Sĩ quan và quân sĩ của Ngài đã chiến đấu nhiều trận đánh oai hùng ác liệt theo đúng tinh thần chiến sĩ Anh Quốc. Nhưng hiện tình đã chấm dứt số phận của Tân Gia Ba rồi, và nếu cứ tiếp tục cuộc chiến mong manh này thì chỉ tạo ra thêm nhiều tổn thất chết chóc cho hàng ngàn người dân đang sống trong trong thành phố, đẩy họ vào những nỗi thống khổ và kinh hoàng của chiến tranh, mà cũng chẳng thêm được gì cho danh dự của quân đội Anh. Ðể chấm dứt lá thư này, tôi xin bày tỏ lòng tôn kính của tôi đối với Ngài một lần nữa.
Tomoyuki Yamashita
Percival không có ý định đầu hàng. Tuy nhiên ngay ngày hôm đó, quân Nhật chiếm được một bệnh viện lớn của quân đội Anh. Khi các nhân viên bệnh viện định đầu hàng thì quân Nhật tràn vào và dùng lưỡi lê đâm chết 230 bệnh nhân và 93 nhân viên bệnh viện. Một vài người trốn thoát chạy vào Tân Gia Ba và kể lại cảnh tàn sát dã man của quân Nhật. Tin đồn lập tức lan truyền khắp thành phố rằng, nếu Percival không đầu hàng thì mọi người sẽ chịu chung số phận như các nạn nhân tại quân y viện.
Tinh thần quân dân trong thành phố xuống thấp mau lẹ. Việc tàn sát dường như giúp đòn tháu cáy của Yamashita thành công, mặc dầu Yamashita không ra lệnh tàn sát quân y viện. Bây giờ đối với Percival thì đầu hàng là con đường duy nhất. Thủ tướng Churchill đánh điện cho phép Percival hoàn toàn quyết định theo đúng tình trạng của Tân Gia Ba.
Ngày 14-2, đường tiếp tế nước duy nhất của Tân Gia Ba là một trạm bơm nước chỉ còn cách vị trí của quân Nhật chừng nửa dặm. Nhiều nơi trong thành phố đã không có nước dùng. Percival biết rằng chỉ trong 48 giờ nữa thì Tân Gia Ba hoàn toàn không có nước nữa. Ngày chủ nhật 15-2, Percival họp với thuộc cấp để thu thập ý kiến của họ. Sau buổi họp, Percival cảm thấy tuyệt vọng. Vào lúc 10 giờ sáng, một toán quân nhân Anh mang cờ trắng tiến ra gặp đơn vị của tướng Mutaguchi. Ngay sau đó Yamashita được thông báo bộ tư lệnh Anh sẵn sàng thảo luận điều kiện đầu hàng. Yamashita đã thắng canh bạc tháu cáy. Yamashita yêu cầu tướng Percival phải ra gặp Yamashita tại một địa điểm chỉ định. Ngay chiều hôm đó, Percival mang cờ trắng ra và ngồi đối diện với Yamashita.
Yamashita hỏi Percival có đồng ý đầu hàng vô điều kiện không. Percival trả lời đồng ý. Yamashita đặt câu hỏi thứ hai: Quân Anh có giữ tù binh Nhật nào không. Percival cho biết không có tù binh Nhật. Ðến đó Yamashita đặt văn bản đầu hàng trước mặt Percival. Percival đọc văn kiện xong và yêu cầu ngày hôm sau mới ký. Yamashita không thể chờ đợi lâu hơn nữa, vì e rằng quân Anh có thể nhận ra nhược điểm của mình, nên Yamashita yêu cầu Percival phải ký ngay, nếu không cuộc chiến sẽ tiếp tục ngay tức khắc. Viên thông ngôn Nhật nói không được lưu loát lắm nên dễ khiến Yamashita nổi nóng. Yamashita hét vào mặt tên thông ngôn: "Quân Anh có ký hay không? Trả lời Có hay Không!"
Ðến đây Percival giật mình hoảng sợ, và trả lời đồng ý ký ngay. Văn kiện đầu hàng được ký lúc 6:10 chiều hôm đó. Sự đầu hàng của Percival đem lại cho Yamashita một chiến thắng lớn nhất trong lịch sử quân đội Thiên Hoàng. Căn cứ hùng mạnh Tân Gia Ba rơi vào tay Yamashita trong vòng 73 ngày. Sự thất thủ Tân Gia Ba là một cơn xúc động khủng khiếp tràn ngập khắp Á Châu, và chứng tỏ rằng địa vị của người da trắng tại Á Châu sẽ không bao giờ được như trước nữa. Lực lượng sáu chục ngàn quân của Yamashita bắt giữ được 130 ngàn quân Anh, Úc, Ấn Ðộ và Mã Lai trong khi quân Nhật chỉ thiệt hại 9,823 binh sĩ.
Yamashita quả thực xứng đáng được mệnh danh là "Hùm Xám Mã Lai". Dù thiếu thốn quân nhu trầm trọng mà Yamashita vẫn điều khiển cuộc hành quân đến thắng lợi ngoạn mục. Yamashita tỏ ra có tài chỉ huy những trận đánh phức tạp, đòi hỏi việc xử dụng nhiều binh chủng khác nhau. Ðòn tháu cáy những ngày cuối cùng đã giúp tránh cho Nhật một cuộc chiến tiêu hao trường kỳ.
Ðáng lẽ sau chiến công hiển hách này, Yamashita phải được tưởng thưởng xứng đáng. Trái lại thủ tướng Ðông Ðiều tìm cách cướp đi vinh dự và công trạng của Yamashita bằng cách đầy Yamashita trở lại biên giới Mãn Châu. Mãi đến khi Ðông Ðiều bị mất chức thủ tướng, Yamashita mới được gọi về làm tư lệnh quân Nhật tại Phi Luật Tân. Tuy vậy cấp trên của Yamashita vẫn tiếp tục hãm hại ông khiến ông không thể điều khiển cuộc chiến tại Phi Luật Tân theo ý muốn. Khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, Yamashita bị đồng minh xử tử như là một tội phạm chiến tranh, mặc dầu ông chỉ là một quân nhân phải hành động theo lệnh của cấp trên. Ông vốn là một người chống lại việc gây chiến.
Yamashita bị xử tử vì một tội ông không làm, cũng như trường hợp tướng Matsui, cựu tư lệnh Nhật tại Trung Hoa. Matsui là một tướng có tài và hết sức giữ quân kỷ và không cho binh sĩ nhũng nhiễu người Trung Hoa. Về sau ông bất mãn vì không ngăn cản được tội ác chiến tranh của quân Nhật, ông xin từ chức, và cạo đầu vào chùa đi tu. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, ông vẫn bị đồng minh lôi ra khỏi chùa và xử tử ông. Có lẽ tây phương không cho phép những kẻ một thời chiến thắng tây phương được sống sót.
Tướng Percival là tù binh của Nhật cho tới lúc đệ nhị thế chiến chấm dứt. Ngày 2-9-1945, viên tướng bại trận gầy nhom này được hiện diện trên chiến hạm Missouri để chứng kiến sự đầu hàng của Nhật Bản. Trong dịp này, tướng MacArthur của Mỹ trao tặng Percival một cây viết dùng để ký văn kiện đầu hàng của Nhật Bản.