Mảnh tường vàng ở phố Vườn Xoài
Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Trong truyện ngắn này, những con người mải miết ràng buộc đời mình với nghiệp văn chương đã phải đối mặt với nỗi hồ nghi chua chát nhưng cũng rất người về những gì mà mình theo đuổi, khi mà ngay cả lời chia sẻ của họ cũng có thể là "những bài học giáo huấn xúc phạm nặng nề hơn đến nhân phẩm của những con người chẳng có gì để mất nữa".
Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979 tại Ninh Thuận, đã xuất bản 3 tập sách, là một nhà văn trẻ rất được chú ý mấy năm trở lại đây.
Trong thư Hạc gởi cho tôi có đoạn: "Làm gì thì làm. Nếu trở về thì nhớ ghé lại chỗ anh chơi. Chín năm trời, sự thay đổi thật khốc liệt...".
Dạo đó tôi cũng có viết lại cho anh vài dòng. Đề đúng địa chỉ nhà ở ngõ chín xuyệt chín hẻm năm xuyệt tám phố Vườn Xoài. Nội dung thư là tôi đang quá bận với công việc làm ăn, có thể lúc nào đó sẽ quay lại. Lúc nào đó có nghĩa là có thể hôm nay và có thể xa lắm, và cũng không ngoại trừ khả năng chẳng bao giờ trở lại. Nhưng thư gởi đi và được trả lại. Lá thư được trả đã nhàu nhĩ và lem luốc nhiều màu mực sau cuộc chu du. Dòng cuối ngoài phong bì, một bưu tá ghi nguệch ngoạc: "Xin trả lại cho người gởi. Người nhận thư đã biến mất khỏi Vườn Xoài".
Nhưng rồi sự bận rộn cũng làm cho tôi quên chuyện này đi. Thi thoảng, trong giấc mơ, tôi lại bắt gặp hình ảnh lạ thế này: Hạc đã nhận được thư tôi và bảo rằng, anh đã thay đổi địa chỉ, một địa chỉ bí mật mà mọi người chẳng nhất thiết phải biết, cứ viết thư và không cần gởi, anh ta cũng nhận được. Tôi vẫn thường có những giấc mơ như thế. Những giấc mơ tôi không sao lý giải được, như là một dự cảm bất an. Chuyện lá thư gởi cho Hạc, tôi cũng đã quên. Nhưng thỉnh thoảng tôi lại thấy anh cầm lá thư ấy đọc và lại nói chuyện với tôi về nó. Suốt thời gian ăn dầm nằm dề ở nhà Hạc, tôi không viết một chữ nào. Có phải vì đó là thời gian yên bình và chẳng có gì để nghĩ? Không. Hoàn toàn không. Chỉ cần nhắc đến Hạc, tôi nhớ ngay đến bức tường trước cửa nhà anh. Một bức tường đổ án ngữ và loang lổ như thế. Cứ như chẳng có lý do gì để tồn tại mà vẫn phải tồn tại cạnh một mái nhà lụp xụp, oặt oẹo như đời chủ nó.
Bức tường ấy luôn hắt vào cửa nhà một màu vàng đục của vôi vữa. Màu buổi chiều. Từ bức tường ấy làm phông nền, ngày hai buổi, tôi thấy bà mẹ Hạc gầy guộc tong teo nách kẹp mâm bánh giò đi bán dạo. Bước đi nặng nhọc, bước về buồn bã. Tôi lại thảng thốt những đêm khuya; giữa cơn men, thấy bóng chị Hiên chị gái của Hạc bã bời son phấn trôi về, lẻn vào nhà rồi nằm khóc rỉ rả giữa đêm khuya. Tôi và Hạc vẫn ngồi đó, giữa mâm chén bát ngổn ngang, mùi tỏi ớt, mùi rượu gạo và mùi tanh tưởi của những thức ăn, thức ói xông lên. Hạc vẫn lẩm nhẩm nói với tôi về văn phong của E. Hemingway, về những trận võ đài bức tử trong cái thế giới không có đàn bà. Rồi Hạc gào lên: "Ôi đàn bà... Ha ha ha, có cả mẹ tao và chị tao!".
Chị Hiên đứng đường mười năm. Tôi đã mắng sả vào mặt Hạc về chuyện này. Anh bình thản dốc ly rượu, lạnh lùng bảo: "Đ.M! Lớn cả rồi. Mỗi người có một số. Tao ngồi đây có cái số của tao. Mày ghé qua ngồi đó có cái số của mày. Ông già ngồi trên bàn thờ có cái số của ông già. Bà già đi chợ bà chị đứng đường đều có cái số của họ!". Tôi đổ ly rượu xuống mâm. Tôi chưa từng thấy thằng nào trong đời này nói về những con người ruột thịt của mình lạnh lùng như Hạc. "Tại sao anh không cho tôi biết chuyện này?". "Chẳng để làm gì. Ông già tao chết. Tao sống thừa thãi trong mái nhà này. Chị tao phải làm đĩ. Mẹ tao phải ra đường thất thểu với mẹt hàng rong. Tao làm văn chương. Tao chỉ có bạn bè". "Nếu biết trước thế này, tôi đã không sang đây thăm ông và ở lại lâu như thế". "Tuỳ mày. Muốn đi đâu thì đi. Dù sao, tao với mày cũng chỉ biết nhau qua văn chương thơ phú, qua những lá thư... Nếu mày coi thường tao thì hãy đi khỏi nhà tao. Tao thì chẳng thấy mình tầm thường gì cả. Nghề gì cũng là nghề".
Rồi cơn say lại đánh tôi ngã gục xuống nền nhà ẩm ướt trong xóm Vườn Xoài. Phía trước là bức tường. Màu vàng vôi vữa cũ. án ngữ khung cửa. Gió máy không thể len vào. Nhưng đến màu nắng vàng buổi sáng cũng không thể lọt vào. Màu vôi hắt vào ngôi nhà chút ảm đạm của những chiều đông lạnh lẽo và ẩm iu. Tiếng rao: "Ai bánh giò đây!" của mẹ Hạc lê dài đến cuối ngõ. Rồi lặng dần. Rồi chỉ tí tách vài bước chân, cánh cửa kéo ót ét, bóng người tong teo lẻn vào cùng đợt gió buốt. Bên ngoài tối, bên trong cũng tối. Tôi nằm co ro, cố để tiếng thở mình không phá vỡ những âm thanh rón rén của đêm. Một tiếng thở dài buông. Tiếng kéo hộc tủ két sắt loạch xoạch đếm tiền. Rồi tiếng cửa tủ kéo lại. Tiếng thở dài. Tiếng bước chân lại gần.
Và tiếng bật lửa. Mùi nhang trầm. Rồi nhẹ hẫng, cái bước chân ấy trôi về phía căn buồng lạnh. Đêm trở mình sau tiếng thở dài heo hút. Lặng yên. Lặng yên cho đến khi đợt gió thứ hai lùa vào nhà cùng mùi son phấn. Tiếng bước chân có nặng hơn, vội hơn. Tiếng đặt lại đôi guốc mộc ở góc nhà. Tiếng kéo phécmơtuya và sột soạt áo sống. Mùi phấn son nhễu nhại đẫm sương và mồ hôi đàn ông rã rượi lưu cữu như một thứ men ủ úng gió. Tiếng loạch xoạch đếm tiền. Tiếng kéo cửa tủ dứt khoát hơn. Rồi tiếng xấp giấy bất cần được ném xoạch vào đó. Tiếng đóng két tủ. Rồi bước chân đến gần. Tiếng thở dài trôi dần về phía căn buồng bên phải. Tiếng rên rỉ ngả lưng ê ẩm.
Lúc ấy, Hạc cũng trở mình nói mớ câu gì đó. Rồi lại lịm dần.
Ba con người trong ngôi nhà ấy dường như là ba thế giới. Hạc vừa túm ba góc tờ báo lớn và đổ những miếng kẹo đậu phụng vỡ vào đĩa, rồi cho thêm hai chiếc bánh giò còn lại vào một tô nước mắm ớt nhiều hơn nước mắm xông xè, bảo: "Lấy cái này uống tạm. Trưa bà già về, tao vay tiền, mua thịt vịt nhậu tiếp. Ngày mai bên toà báo mới có nhuận bút. Nhuận bút thơ cũng chả bao nhiêu. Thây kệ. Mày cũng không khá hơn tao là mấy...". Nói rồi, cười khẩy, gõ bát hát dăm câu rất sến.
Tôi dừng chân nhà Hạc, ở lại Vườn Xoài với những cơn say và nỗi buồn triền miên. Hạc coi ngôi nhà của mình là chốn bạn bè văn bút ghé chân từ sơ giao đến thân giao. Anh lấy làm tự hào về chuyện đó. Bỏ ngang xương năm hai đại học. Cắt đứt mọi nguồn sách vở và giáo khoa cũng chỉ vì không chịu nổi những bài lên lớp của những vị giáo sư, giảng viên ở trường. Những ngày tháng lay lứt ăn nhờ ở đậu trên chính ngôi nhà mình và lêu bêu mộng mị chữ nghĩa làm cho Hạc không còn quan tâm đến người chị ngày một tàn tạ và người mẹ gần như kiệt sức. Những con người câm lặng. Sống vừa nương theo lại vừa phản kháng dòng đời kia bằng sự lầm lũi của mình. Tôi không hiểu đêm đêm, những thằng đàn ông trốn vợ mò đến với chị Hiên tìm được khoái lạc gì khi mặt áp mặt với khuôn mặt chảy dài mỏi mệt kia, với thân hình đã nhão nhề kia và với đôi mắt sâu như hai cái giếng rêu cỏ phủ lâu năm kia. Họ có nhận thấy bên trong là một khối đá lạnh lùng lãnh cảm hay không.
Tôi trách họ vì tôi yêu sự lặng thinh cam chịu của chị trước cuộc đời. Tôi yêu gót chân rón rén và tiếng giội nước, cọ mình sạch sẽ khi khuya về của chị. Giữa thanh vắng, những thanh âm ấy là tiếng thảng thốt trong veo của đời sống. Đó là một cuộc tẩy rửa tinh tuyền nhất trong những cuộc tẩy rửa của cõi người trần ai này. Nó không làm cho tôi thấy cái nghề của chị là sự ô nhục mà nói lên một thứ triết lý nào đó của đời sống này. Góc tối nhất của cuộc đời lại thoát ra một hơi thở, thanh âm lung linh, thánh thiện nhất.
Rồi bước chân lướt qua nền nhà, chỗ tôi và Hạc đang ngủ, bước chân được bao trùm bằng một vòm mây hương thơm và một thoảng gió nhẹ. Tôi nhắm mắt nằm co ro dưới làn hương của đám mây ấy. Vệt vải lụa mềm của bộ đồ ngủ ấy lướt qua tôi làm cho tất cả các giác quan trên mình xôn xao như đợt sóng dồn, tất cả mở căng, chỉ đôi mắt tôi cố nhắm nghiền. Tôi mở mắt ra thì lập tức ánh sáng của đám mây ấy sẽ làm mình không còn thấy gì nữa. Hạc ơi, tôi gào lên trong ý nghĩ. Hạc ơi, sao mày ngủ mê quá vậy? "Về rồi Hiên?". "Dạ. Mạ chưa ngủ hở?". "Có ngủ được mô. Hai thằng hắn vừa uống xong, đọc thơ đọc văn cãi cọ đinh tai nhức óc...". "Kệ tụi hắn. Chắc lâu ngày mới gặp nhau". "Cũng tội thằng nhỏ. Từ thành phố bỏ việc ra đây để gặp thằng Hạc nhà mình. Nhà mình chẳng ra chi cả!" "...". "Mi ngủ rồi hử?"...
Người mẹ nén tiếng thở dài. Tôi nghe từ trong buồng chị Hiên tiếng trở mình và sụt sịt khóc. Những tiếng khóc thầm vừa như của một đứa bé gái vừa như tiếng khóc của một người đàn bà oan khuất không sao giải toả được. Lần ấy, tôi quyết định sáng mai trở về thành phố và có lẽ không bao giờ trở lại đây nữa. Sự có mặt của tôi càng làm hằn thêm vết thương nhức nhối của gia đình Hạc. Có lẽ cũng đã nhiều bạn bè văn chương từng ghé qua đây với Hạc. Nhưng hình như ít ai ở lại lâu như tôi và hiểu cặn kẽ chuyện gia đình khúc mắc của Hạc như tôi. Tôi tự trách mình lắm chuyện. Tôi tự nguyền rủa đầu óc tôi tăm tối và hay xét nét chuyện người ta. Tôi sẽ ra đi khỏi ngôi nhà này. Tôi không thể cứ sống bám vào sự khắc khoải này mãi.
Tôi muốn chị Hiên hiểu điều này trước khi tôi ra đi: rằng tôi muốn chị mãi mãi được tắm và được toát ra làn hương thánh thiện ấy. Rằng chị không thể trôi dạt trên những cánh tay tham lam của bọn đàn ông bỏ tiền mua lấy ái ân. Tôi muốn chị không còn bã bời son phấn những đêm khuya như thế nữa. Tôi muốn chị sẽ gặp người yêu thương hay giả như thương hại cũng được, để hắn cứu vớt cuộc đời chị. Tôi muốn tôi được cưu mang chị. Để chị không phải trôi dạt như thế mãi... Nhưng những điều tôi nói sẽ chỉ là bài học giáo huấn xúc phạm nặng nề hơn đến nhân phẩm của những con người chẳng có gì để mất nữa. Tôi không phải là một nhà lý thuyết về cuộc sống. Vì thứ lý thuyết và những ảo tưởng tốt đẹp kia khiến cho tôi sớm già đi, cái già của một kẻ thiếu vốn sống nhưng hay tuyên ngôn và dạy đời. Tôi chỉ là đứa bé tập quan sát và nói lại những điều nó thấy ở cuộc sống này theo cách bi bô của nó.
"Răng em về sớm rứa?". "Dạ, em có việc ở nhà". "Răng khóc? Về rồi mai mốt lại ghé nhà chị chơi nghen?". "Dạ, chắc là...". "Răng khóc?". "Dạ, không có chi. Chị bảo Hạc em về nhé, không đợi anh ấy dậy được". "Chị nói em nghe... - chị nắm tay tôi, bàn tay đàn bà mềm mại và mùi hương sau đêm toả vào tôi khiến cho tôi ngây ngất - Chị nói em nghe, em đến thăm Hạc, mà em đi khi nó chưa thức dậy, nó trách chị và mẹ không biết giữ em. Thôi, em cứ đợi...".
Tôi ngồi trước mặt chị. Trời ngoài kia dần hừng sáng. Thi thoảng, hồi còi tàu phía ga vọng lại vệt thanh âm hắt hiu buồn. Gió sớm lùa vào câu chuyện thi thoảng. Chị hỏi tôi vợ con chưa, hỏi tôi về gia đình về việc làm ăn và về nhịp sống của đô thị. Tôi trả lời như bị thôi miên. Tôi ngồi trước chị. Đôi mắt chị luôn ướt. Vừa dữ dội vừa lạnh lùng dứt khoát trước đời sống này. "Hồi nào chị lấy chồng?". "Chị không biết nữa. Cái chi tới thì tới..." - Chị cúi mặt, cười buồn. "Chị Hiên...". "Chi rứa?". "Em...". "Thôi, để chị nấu cơm cho em ăn. Phải ăn sáng rồi đi. Mấy hôm vừa rồi chị nấu cơm trễ, hai đứa uống rượu ban đêm, chắc chẳng ăn được chi vô bụng. Đói, rách bao tử như chơi. Ngồi đợi chị...". Chị bước qua tôi dứt khoát. Chị không muốn nghe tiếp câu nói ngập ngừng của tôi. Chị đi về phía bếp. Bếp lửa sáng tháng chạp ấy bập bùng. Mùi củi, mùi dầu đèn và mùi khói cơm sôi lọc bọc, hai bắp chân người đàn bà ấy vẫn tròn căng, hai bầu vú mỏi mệt dưới làn áo mỏng sau đêm căng tròn đầy và khuôn mặt ánh lên hồng hào, trong veo. Tôi cứ sợ chị có thể đứng lên và bay lên trời ngay lúc ấy như nàng Remediod trong Trăm năm cô đơn của G. Márquez. Nhưng chị đã không bay.
Lần ấy, người mẹ lại nách mâm bánh giò, đầu đội nón tơi đi ra con hẻm lát đá gập ghềnh lần về phía ga tàu. Hạc thức dậy, rót cho tôi li rượu mới. Chúng tôi uống, chẳng nói chẳng rằng. Chị Hiên đứng trước bức tường vôi cũ màu vàng chiều nham nhở. Chị nói, thôi em về mạnh giỏi. Tôi dừng lại nhìn vào mắt chị. Buổi sáng mùa đông. Gió từng đợt sượt qua tôi rồi hút sâu vào từng đốt xương làm cho tôi không đứng yên được. Đôi mắt ấy buồn diệu vợi hút mất dưới ga tàu.
Tôi bước theo tiếng rao đứt quãng của mẹ Hạc mà đi ra phía ga tàu...
. . .
Tôi lật xem trên lá thư cuối cùng mà Hạc gởi tôi đề ngày 20.12.1996. Cách đây chín năm rồi. Chín năm rồi anh mới gởi lá thư này cho tôi. Hay có thể anh nhờ ai đó gởi giúp mà kẻ này vì đãng trí nên quên. Dù sao thì thư cũng đến tay người nhận. Trong dòng cuối của bức thư này, Hạc có chua thêm một dòng buồn bã: "Chỉ còn tao ở lại ngôi nhà ấy. Mẹ tao qua đời rồi. Còn chị Hiên thì...".
Tôi muốn trở về tìm lại Hạc và ngôi nhà ở phố Vườn Xoài. Tôi muốn tìm lại dấu ba chấm lửng suốt chín năm trời đã gieo vào tôi biết bao nhiêu là ám ảnh khó nguôi ngoai. Nhưng tất cả đã biến mất như những dòng địa chỉ nhập nhoè trên bao thư: "Xin trả lại cho người gởi. Người nhận thư đã biến mất khỏi Vườn Xoài".
Sài gòn, tháng 9/2005