Thức Ăn Của Người
Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Hắn phát hiện ra năng lực ấy vào buổi sáng mùa thu.
Liệu có nên nói điều đó ra cho mọi người biết hay không?
Hắn có là kẻ nguy hiểm không nếu những người đọc biết tất cả câu chuyện này, bí mật này?
Những bóng người lướt qua hành lang buổi sáng cùng tiếng rao khô khốc của một gánh hủ tíu ướt sượt ngoài vỉa hè. Tôi ngồi câm lặng và chán ngán nhìn ánh nắng từ cánh cửa song sắt trắng, căn phòng trắng chiếu xuống những nệm chăn ẩm mốc. Chúng nhún nhảy như một vũ điệu đốt cháy sự ủ dột cố hữu trong căn phòng này. Những thảm nắng vàng tươi như đám sáp mật ong non, ngon lành, gây hấp dẫn cho tôi, làm dịch vị tiết ra liên tục trong cổ họng nóng, tôi không sao điều khiển được suy nghĩ gì ngoài việc lao vào nhai ngấu nghiến nó. Trong khi đó, bao tử tôi không ngừng co bóp, sẵn sàng công việc tiếp nhận thức ăn.
Và:
Thực phần điểm tâm quen thuộc cách đây hai năm về trước mà tôi vẫn thường dùng: một tô phở bò có đôi lòng trứng đỏ, hai miếng bánh mì sandwich kẹp chả lụa và một li nước trái cây. Rất tiếc, hôm nay không có sữa tươi. Bà giúp việc bảo với tôi rằng sữa bây giờ cũng chứa nhiều hóa học. Tôi hiểu, bà đang tuân lệnh của mẹ và có ý ngăn chặn tôi đưa sữa vào cái cơ thể phì nộn này. Mẹ tôi thường có những cách nói dối rất chuyên nghiệp để can thiệp vào khẩu phần của đứa con trai mắc chứng béo phì. Thực ra bà cũng rất muốn tốt cho tương lai và nòi giống.
Nhưng sau đó.
Tôi sẽ nằm sấp xuống phản. Như một con cá mập mắc cạn và nhe răng liếm vào không trung, nơi ánh nắng đầu ngày ngọt ngào nhất, ánh nắng chảy trên lưỡi tôi, qua cổ họng, nóng ran và đôi khi dòng chảy ngọt ngào ấy gây cho tôi bị sặc vì chúng xộc vào hai lỗ mũi tẹt của tôi. Không sao. Tôi đã tập thói quen này từ lâu và càng ngày càng ít nguy cơ bị sặc nắng. Cái vạt nắng lúc bảy giờ kém bốn ba phút tôi vẫn gọi là món ngon nhất trong loạt thực đơn được gởi đến từ mặt trời. Đó là thời cao điểm của phản xạ vị giác. Tôi ngây ngất hút những dòng chảy vô tận của ánh sáng vào trong mình. Tôi nhắm mắt và thấy những tế bào khí ấm áp thấm vào trong lưỡi tôi, trôi xuống cổ họng tôi. Lồng phổi mở căng và tim đập mạnh. Thậm chí có thể cảm nhận thấy vị cay của những hạt tán sắc ánh sáng cũ bị hâm nóng và đốt cháy trên đầu lưỡi.
Tôi thường gọi đó là mùi vị của giấc mơ.
Cái tên lãng mạn ấy mẹ tôi làm sao hiểu được. Ngay cả đời bà không nghĩ ra được một câu nói nào ngọt ngào như màu nắng mà tôi đang ăn. Bà ngồi bên một núi tiền. Ba mươi năm nay. Bà vẫn ngồi như thế, âu sầu. Trong căn phòng trắng. Màn lụa trắng. Cửa sổ trắng. Và những xấp tiền được bọc giấy trắng. Dạo trước, thật tệ hại, còn có bọn người mặt trắng phệt vì đói, cũng mặc đồ trắng được bà mời về làm công việc đếm tiền. Họ đi ngang hành lang với màu nắng nhợt nhạt những buổi sáng tôi đói lả. Họ cần mẫn như những thiên thần làm công việc đếm và xáo xào tiền bạc, múa tiền trong căn phòng trắng của mẹ tôi. Chỉ điều ấy làm cho bà thỏa mãn và thấy cuộc sống thực sự ý nghĩa. Một ngày đếm, ngửi, xáo và múa tiền, họ lại lướt qua hành lang trong màu chiều xuống đùng đục và sắc trắng của áo họ nhòe ngoài khung cửa kính câm lặng. Tôi thường leo lên sân thượng nhìn bóng họ lướt qua hàng cây ủ rũ muộn phiền. Tôi nghe họ cười nói và chia nhau những cọc tiền lớn. Khi đi hết dãy hành lang, vài người trong số họ (vì nghĩ rằng không ai có thể phát hiện hết những chiếc quần lót phù căng của mình) đã móc tiền ra khoe với cả nhóm những cọc tiền mà họ cuỗm được của mẹ tôi. Họ cười nói với nhau trong bóng đêm tờ mờ buông xuống. Bóng đêm hay ánh sáng cũng đều làm cho tôi không bao giờ thấy rõ mặt của họ.
Nhưng điều tôi quan tâm là: “ Nơi sự sống bắt đầu?”
Ba tôi nói: - Ánh sáng.
Và ông đi ngủ.
Hẳn trong giấc mơ của ông không có ánh sáng.
Nửa đêm, tôi thò đầu ra khỏi chăn, bước xuống gian nhà dưới và cảm thấy đói bụng vô cùng. Tôi bật đèn lên và ngôi há mồm dưới ánh đèn. Dòng điện đắng trôi vào cổ họng tôi. Thứ điện 220V từ chiếc bóng đèn này không đều đặn và không bao giờ làm cho tôi thỏa mãn cơn đói ánh sáng. Và tôi thường tìm cách thay đổi khẩu phần ăn khuya bằng cách chịu khó bước ra đường ngồi dưới bóng đèn cao áp. Nhưng khoảng cách từ đèn cao áp đến chỗ ngồi của tôi quá xa. Nhưng ở đó còn chút ánh sáng đạm bạc để lót dạ khuya. Thức ăn khuya của tôi là một khẩu phần khá đơn điệu. Hành trình từ cái bóng neon của toilet đến bóng cao áp. Khổ thân chúng. Sau một vài tuần bị tôi ăn ánh sáng, chúng thường cháy râu vì mức độ tăng giảm biến thiên đột ngột lượng điện quá cao. Tội nghiệp, bọn nhân viên trạm đèn cứ thay nhau leo lên cột cao áp trước nhà tôi. Nếu có ai hỏi vì sao sự cố ấy cứ xảy ra, chúng sẽ bảo rằng do pha đèn ở đây thường xuyên có dòng điện lạ phạm vào. Nó là gì thì chẳng ai biết được. Mọi người lại lạc vào một mê cung bí hiểm xoay quanh câu trả lời ba chớp ba nháng ấy.
Với cái bóng đèn toilet của nhà tôi thì không sao. Tôi thường trữ sẵn mấy hộp bóng neon dưới giường ngủ của mình để cứ sau 5 bữa là có thể thay 1 bóng. Ba mẹ tôi không để ý đến chuyện này.
Lúc bấy giờ, xảy ra:
Tôi đi ngang phòng ngủ của mẹ và thấy bà chìm ngập trước núi tiền với đôi mắt thâm quầng. Bà quỳ bất động trước đống tiền và hít thở mạnh, há miệng theo hình chữ O, trong ánh sáng lờ nhờ, tôi nhận ra những đám hơi từ núi tiền bay chờn vờn lên mũi bà và trôi vào miệng bà như cách mà ánh sáng đã theo vào lục phủ ngũ tạng của tôi. Tôi hốt hoảng khi phát hiện điều lạ này. Tôi cảm thấy choáng váng. Thì ra lâu nay chuyện bà không dùng bữa với tôi, bà ngồi trước đống tiền là có lý do của nó. Một lý do thầm kín và sâu xa khó ai biết được. Tôi là người đầu tiên khám phá năng lực kỳ lạ của bà. Không thể chối cãi được. Tôi không tin đấy là một cơn mơ. Trong suy nghĩ của tôi bỗng nhiên nảy ra những thông đồng, thỏa hiệp.
Hay là:
Tôi sẽ nói cho mẹ biết về thói quen ăn ánh sáng và trao đổi kỹ năng ăn hơi tiền của bà.
Tôi sẽ chơi trò chơi trộn tiền vào ánh sáng để cả hai mẹ còn cùng dùng bữa. Chúng ta sẽ rất khó chịu nếu chỉ quen dùng một trong hai món. Nhưng nếu có khả năng thích nghi thì hoàn toàn có thể sau một thời gian, mọi thứ sẽ trở nên quen. Từ lâu, tôi cũng không dùng bữa với bà.
Và tôi sẽ học được ở bà cách vận khí để đưa ánh sáng (thức ăn) vào trong bao tử, khống chế sự phát triển của tế bào mỡ, nguyên nhân gây mập và tăng xông khi huyết áp thay đổi.
Và như thế, tôi đã quyết định:
Buổi sáng nọ, trời âm u, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Tôi đến bên cửa sổ song sắt trắng và thè lưỡi ra. Bữa ăn sáng đạm bạc với một mẩu ánh sáng lợ lợ chẳng có gì thú vị. Và tôi cứ thè lưỡi như thế, thỉnh thoảng nuốt xuống bao tử một ngụm vô hình. Tôi bực bội hết sức vì những giờ phút chào ngày đạm bạc và đầy tính thủ tục thế này. Nó không nói lên điều gì tươi sáng trong một ngày. Nó không giải quyết được thực trạng cái bao tử lồng lộn trống vắng sau một đêm buồn tẻ. Tôi nguyền rủa tại sao mình không là người dùng thứ thức ăn như bao con người bình thường khác, không thể dùng những thức thức ăn hữu hình, có thể “rờ sờ mó” được. Tôi nguyền rủa thức ăn và nguyền rủa chính mình. Nhưng trong cơn đói cồn cào, tôi vẫn nằm xuống và cố liếm lên mặt bàn. Cái chân bàn rung rinh bởi sức nặng 98 kg của cơ thể tôi. Nó xiêu vẹo theo những nhịp liếm ánh sáng của tôi. Trong khi đó, tôi vẫn hình dung mẹ còn ở trong căn phòng trắng. Buổi tờ mờ, đã có nhiều người đàn ông đi ngang lang căn phòng tôi. Họ nói cười và dẫn theo một bầy ba bốn đứa trẻ nhỏ. Hôm nay có thể là một ngày bất an. Họ sẽ cho lũ nhỏ quậy tưng bừng và xáo xào hết những hộp tiền mới cứng vừa được rút từ ngân hàng về để mùi tiền mới bốc lên ngập cả căn phòng trắng ấy. Những người đàn ông sẽ chụm đầu lại vuốt ve trên cơ thể mẹ tôi. Bà sẽ thở ra những hơi thở dài khoái lạc và hít vào mùi tiền mới cứng. Tiền sẽ được những người đàn ông lau đi lau lại khắp người bà. Trong lúc đó, họ cũng tranh thủ nhét chúng vào trong quần và bình tĩnh nhận tiền công đi về. Ba tôi chẳng mảy may quan tâm. Từ lâu, ba mẹ tôi không gặp nhau, không ngủ với nhau dù họ ở chung một ngôi nhà. Mỗi người có một nỗi đam mê riêng, mỗi người có một thức ăn riêng. Và bà già giúp việc, người chỉ đến với tôi vào những bữa ăn sáng với câu hỏi quen thuộc vẫn suốt ngày chìm trong giấc ngủ li bì. Bà có thể kể về những giấc mơ ngon tìm đến và ra đi đầy tiếc nuối. Bà là người tiêu thụ những giấc mơ một cách hữu hiệu nhất. Nguyên liệu nuôi sống bà cũng không đến nỗi khó kiếm. Nhưng đó là thứ nguyên liệu bị động. Ba tôi có lần bảo rằng, lẽ ra bà ấy không nên làm người giúp việc vì đó là môi trường ít những ám ảnh, ít những ác mộng. Bà ấy nên làm một kẻ cướp, những giấc mơ sẽ ngon hơn. Nhưng thôi, người ta chọn nghề cũng đã mang lấy một mẫu số nhân duyên nào đó. Khó thay đổi được.
Đến bây giờ tôi mới hiểu rằng không chỉ có quan niệm hay tư duy mới có thể chia rẽ con người mà thói quen ăn uống cũng có thể chia rẽ chúng ta thành những cụm nhỏ: KẺ ĂN CỎ, NGƯỜI ĂN CÁM, KẺ ĂN LÁ CÂY, NGƯỜI ĂN ÁNH SÁNG, KẺ ĂN BÙN, NGƯỜI ĂN ĐẤT, KẺ ĂN HƠI TIỀN, NGƯỜI ĂN HƯƠNG HOA...
Trong giải pháp tình thế khi nhu cầu tình dục không hài hòa, ba tôi thường leo lên những đọt cây và ăn lá. Điều đó thành một thói quen. Vườn cây nhà tôi toàn những cây cụt đọt. Và đây cũng là một bí mật mà ít ai biết. Ba tôi bảo những lá cây nặng vị có khả năng làm kìm hãm sự đòi hỏi thái quá về tình dục của đàn ông. Ba tôi thường mặc nguyên bộ đồ ngủ và bò lên cây như một con sâu đo. Ông vươn người qua những tán cây bên ngoài cửa sổ phòng mẹ tôi và bẻ những nhành cây đầy lá và kiến càng, nhai nhồm nhoàm. Những nhành cây sầu đâu rồi đến cây cóc, cây xoài dần dần bị vặt trụi phần đọt. Cứ mỗi tháng cái chu kỳ leo cây của ông diễn ra một lần. Hàm răng của ông ngày càng vẩu và nhiều vết xước trên nướu do chất nhựa cây và chất xơ của cành cây gây ra. Các viện nha khoa đều chối từ gã bệnh nhân lạ lùng này. Họ bảo, thức ăn của anh có vấn đề. Từ lâu lắm anh thiếu chất vôi vì thế các răng đang mòn đi, thay vào đó, những chất xơ và nhựa độc đang thấm vào xương hàm, chân răng, hút dần các tủy. Anh có thể chết vì mất răng trước khi bị những ngộ độc từ thức ăn mang lại. Điều đó làm ông vô cùng đau đớn và khổ tâm. Ông đang nghĩ đến giải pháp không dùng bữa bằng lá nữa. Vì không phải bữa ăn lá nào cũng ngon lành. Có khi đó là cách phải lấy thói quen này tiệt trừ thói quen khác.
Tôi thật khó hình dung được.
Trong những tình cảnh ngặt nghèo khi đang ở công ty (là giám độc một công ty xuất nhập khẩu rượu!) thì ba tôi làm sao có thể “dùng bữa” bằng lá cây một cách đầy tự do như thế. Có lẽ trước những em chân dài, ông chỉ biết để cho bản năng ấy phát triển thay cho phương pháp dùng lá cây. Nhưng có điều này, tôi tiện thể nói ra luôn là ông không ưa chuyện trật váy và đưa dương vật vào cạp váy các em bằng cách leo cây ăn lá đọt. Vì tính ông, tôi biết, là người tương đối mẫu mực và biết chiếc ghế mình đang ngồi có sự đòi hỏi như thế nào. Cái mà ông ta thường làm cho tôi khâm phục đó là khả năng luôn tìm giải pháp quái dị cho những tình huống ngặt nghèo.
Và như thế, tôi không thể nào nghi ngờ về kỹ năng vượt qua thèm muốn của ông. Tuy nhiên, nếu cứ để thân hình còm cõi của ông bò trên những nhành cây thì cuộc đời xem ra thật bế tắc. Đời sống gần với sâu bọ hẳn không làm cho ông thoải mái chút nào. Một con sâu bọ lặng lẽ trong một khu vườn tĩnh mịch và phía sau những cánh cửa sang trọng là một bi kịch.
Và sự cố đã xảy ra.
Ba tôi vào bệnh viện vì bị trật khớp. Những nhân viên đếm tiền trong phòng mẹ tôi phát hiện ra ông đang nằm ngáp dưới gốc cây. Họ bế ông lên và hỏi rằng: sao ông lại leo cao thế? Ông đáp: có lẽ tôi bị say diệp lục. Hãy cho tôi đến phòng cấp cứu súc ruột của bệnh viện!
Trong lúc đó, mẹ tôi đang nằm úp mặt trong đống tiền. Bà say sưa với cơn khoái lạc vừa trôi qua và với tất cả khả năng hưởng thụ thức ăn đầy mùi vị. Bà xé những cọc tiền lớn và ngấu nghiến nhai chúng như cách những bà cụ nông thôn nhai trầu. Rồi bà nhả chúng ra đầy nền nhà. Những đồng polime mới cứng bị rách toạc và những đồng tiền xu rơi leng keng. Một thứ âm thanh nặng nề và chẳng lấy gì làm thú vị. Nhưng bà cứ quằn mình trong nó và há mồm chữ O nuốt tất cả trong sự thỏa thuê cực độ. Trong khi đó, bà giúp việc nhà đang mải mê đuổi theo những giấc mơ ngon trong một cơn ngủ kéo dài từ sáu giờ sáng hôm trước đến sáu giờ sáng hôm sau. Sự hấp dẫn của thức ăn trong giấc ngủ đang đe dọa trí nhớ vốn cần mẫn của bà.
Những nhân viên đưa chồng của bà (tức là ba tôi) vào phòng bệnh viện. Họ bảo ba tôi bị trật gân. Có thể trở về nay mai. Nhưng ông bảo: Ngày mai tôi còn leo cây ăn lá!
Bây giờ đang mùa lá non.
Ngày mai con sẽ leo giúp ba. Con sẽ hái diệp lục, trộn với tiền và ánh sáng và gia đình chúng ta sẽ dùng bữa. Không. Ba đã nghĩ đến giải pháp đó nhưng không ổn con ạ. Thức ăn chúng ta hoàn toàn khác nhau. Ba chúng ta là ba thế giới khác nhau. Con có thể lấy tiền của mẹ để đi mua cho ta một túi cây giống, cỏ giống trồng đầy trên mặt đất. Và ngập cả khu vườn. Ta sẽ ăn chúng mà không cần phải leo cây. Trong khi đó, phải thuê nhân công đến gặt những cây rau thơm, cỏ dại, đọt tràm đem bán để dành tiền cho mẹ con ngồi trong phòng với cơn khoái lạc cơ chế tự động. Trong khi đó, ta sẽ móc những bóng đèn ra đầy những gốc cây trong khu vườn phục vụ cho bữa ăn khuya và những bữa điểm tâm vào ngày không nắng của con. Chúng ta sẽ phối hợp nhân lên ánh sáng, sự phát triển của cỏ cây và tiền bạc để kiếm lợi, để phục vụ những bữa ăn cho mình. Chúng là một chuỗi liên hoàn, một chu trình công nghiệp khép kín. Con hiểu không?
Dạ, con hiểu. Nhưng những kẻ đếm tiền của mẹ sẽ phát hiện ra khả năng kỳ lạ của chúng ta như họ đã phát hiện ra sự cố ba bị rơi từ đọt cây xuống mặt đất.
Không. Con đừng lo. Những rủi ro trong công nghiệp hóa hiện đại hóa khu vườn và chu trình kết hợp sản xuất thức ăn này, ngôi nhà này phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta mang trong mình những bí mật và chúng ta biết cách xử lý nó.
Vậy chúng ta cần tiền, ánh sáng hay diệp lục trước hết?
Tiền? Ánh sáng? Diệp lục? Tiền? Ánh sáng? Diệp lục? Hay những giấc mơ ngon???...
Lâu nay, số tiền mẹ vay mượn từ ngân hàng đã đưa chúng ta vào tình trạng mất khả năng chi trả. Họ sắp lấy căn nhà và khu vườn. Hoặc họ sẽ cho bọn trẻ con của giống dân tinh quái của mình vào sống và đục nát khu vườn. Bọn trẻ ngỗ nghịch ấy sẽ ăn hết ánh sáng và lá cây. Chúng sẽ mang tiền đến sử dụng trong ngôi nhà, khu vườn chúng ta và dần dần trở thành chủ của cái không gian này. Chúng ta đi vào buồn rầu vì mọi quyền quyết định đã thuộc về chúng. Tôi sẽ là tay phì nộn vô tích sự đến ánh sáng cũng không có mà ăn. Ba tôi sẽ là một lão già hom hem nằm dài trong căn phòng bất động và mơ về những đọt cây xum xuê lá non. Mẹ tôi sẽ là một người buồn tủi tiều tụy trong cơn thèm mùi tiền cực độ giữa lúc không còn ngân hàng nào cho chúng ta vay mượn. Không. Chúng ta sẽ thay đổi cách nhìn. Hay là chết. Về lâu dài, bọn trẻ sẽ lớn lên. Chúng sẽ là những chủ nhân mới của ngôi nhà và khu vườn tràn ngập cây non và ánh sáng. Chúng sẽ ăn cây non, ánh sáng và sản xuất tiền phục vụ nhu cầu quái dị của chúng. Khu vườn này, ngôi nhà này sẽ tiếp tục sinh ra những loại người biết ăn đất, ăn thịt người, ăn gió, ăn khói và ăn chính phân mình để sống...
Có thể lắm chứ. Đó là một bi kịch.
Cuộc tranh luận của chúng tôi không thể đi tới hồi kết. Và những điều ba tôi bàn tính khi ở bệnh viện thật chẳng bao giờ xảy ra. Riêng với tôi, đó là một kỷ niệm không vui. Vì sáng hôm sau, ông lại leo lên nhành cây cao nhất và gào thét như một cái loa oang oang cửa sổ của phòng tôi: “Hãy xem chúng ta không thể sống với những cây già nua này. Chúng làm ta thiếu diệp lục. Chúng chỉ là chất xơ. Hãy chỉ giùm ta lá non ở đâu?”. Tôi thò miệng qua cửa sổ và trả lời: “Bên trái còn một chùm lá. Hãy hái chùm lá đó đi và để ánh sáng lọt vào phòng của con. Ánh sáng nhiễm bẩn đang lấy mất bữa sáng ngọt ngào của con...”. Trong khi đó, mẹ tôi, trong bộ đồ màu trắng mang túi tiền ở cổ, đạp tung phòng và phóng ra lan can: “Đâu rồi những người đàn ông biết làm dậy mùi tiền? Tôi đói lắm rồi. Tôi sẽ chết sau năm phút nữa các người có biết không? Thằng phì nộn kia, ánh sáng ô nhiễm sẽ làm cho mày ung thư và ông già sâu bọ kia sẽ lại lăn xuống thảm cỏ lấy hết tiền của tôi đi vào bệnh viện. Không. Tôi cần tiền...”
Và từ cửa sổ căn phòng cao nhất, tôi nhìn xuống thành phố, tất cả những cây đều trụi ngọn, ánh sáng mặt trời ban mai vẩn đục và phía đối diện cửa sổ ngân hàng ánh lên một vệt son đỏ của logo, bảng hiệu choáng ngợp. Thế giới của chúng tôi đang chìm xuống, chìm dần xuống, nhỏ bé vô cùng trước những khối sắt, bê tông và bảng hiệu, building mọc lên san sát nhau...
Lát nữa thôi, bà giúp việc, theo thói quen sẽ lừ đừ tiến đến bên hắn với đôi mắt của kẻ mất trí: - Xin lỗi, ông muốn ăn sáng chưa?
Vâng, cho tôi một ít ánh sáng, loại tinh khiết nhất!.
(Rút từ tập truyện ngắn Khu vườn lưu lạc- Nguyễn Vĩnh Nguyên, NXB Văn nghệ, Việt Nam, 2007)