watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tôi Viết Văn - tác giả Nguyenthitehat Nguyenthitehat

Tôi Viết Văn

Tác giả: Nguyenthitehat

M ọi nguời trong gia đình phàn nàn cho rằng tôi viết được nên cứ tha hồ đưa mọi người lên báo để bêu xấu. Không chừa một ai, kể cả con chó trong nhà cũng không thoát khỏi.

- Người ta viết văn, người ta nói tốt về chồng con chứ đâu có ai như em, toàn là kể xấu chồng con, gia đình. Em giỏi em viết về em cho mọi người đọc đi...

Tôi bật cuời:
- Anh rõ khôi hài, đang không viết về em làm gì? Vả lại em thì có gì đáng nói để phải viết về mình?

- Sao lại không? Em làm như em hoàn toàn lắm không bằng.

- Anh nói chứ không phải em đó nghe, anh định bỏ chữ vào miệng em phải không? Vừa thôi, bộ muốn gieo tiếng xấu cho em hả?

Thật là oan, oan thật, oan như oan Thị Kính chứ chẳng phải oan Thị Mầu. Có bao giờ tôi dám nói xấu chồng con, cha mẹ, chị em đâu. Chỉ tại mình là người ngay thẳng, thành thật có sao nói vậy, không thêm, không bớt, không thể bẻ cong ngòi viết cho dù ngày nay có phải dùng 10 ngón tay dễ thương của tôi để gõ trên keyboard cũng vậy. Chỉ vì cái tính thành thật ấy mà tôi bị bố tôi giận cũng như phải nghe lời than vãn:
- "Cô biết không? Sau khi đăng truyện của cô, tôi bị bạn bè giận oan, họ trách tại sao tôi lại dám lôi chuyện gia đình của họ lên báo, cho dù đã nói tôi không phải là tác giả mà họ vẫn không tin..."

À, thì ra thế, thì ra chuyện gia đình tôi cũng giống như chuyện thiên hạ...

Để cho vơi những ấm ức của mọi người trong gia đình, để khỏi phải nghe những lời phàn nàn, trách móc. Tôi xin được phép nói về cái "tôi" tầm thường của tôi một chút, mà chữ "tôi" ở đây chẳng dám viết hoa, kẻo không lại bị đay nghiến "khôn nhà dại chợ" hay ngu dại "vạch áo cho nguời xem lưng" mà nguời khôn thì chẳng bao giờ làm như thế, hoặc là nhát gan không dám viết về mình. Thành ra hôm nay tôi nhất định phải uống thuốc liều, để viết về cái "tôi" của mình. Nhưng sao khó quá, chưa viết mà đã thấy dị hợm, kỳ cục vô duyên làm sao... cho dù tôi đã viết đi viết lại, xé bỏ cả chục lần mà viết vẫn không xong. Lần này, nhất định phải lấy hết can đảm để viết cho vừa lòng những người chung quanh, về "cái tôi" bất đắc dĩ và kính mong người đọc hải hà lượng thứ cho.

Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình đông chị em, nhưng hình như, hình như thôi nhé, tôi là người nhỏ nhẹ nhất nhà nên được lòng mọi người, tuy nhà tôi hay châm biếm cái nhỏ nhẹ của tôi:
- Phải rồi, cái nhỏ nhẹ của em 10 căn còn nghe được.

Dĩ nhiên, đâu phải lúc nào cũng nhỏ nhẹ? Giận quá cũng phải để cho người ta hét lên với chứ. Chẳng thế mà thằng con khi bị bố đánh, vừa khóc vừa thở đã bị ông bố quát lên:
- Im ngay, không được khóc, không được thở.

Thằng bé ấm ức cãi lại:
- Ba đánh đau thì Vũ phải khóc chứ, Vũ không thở, Vũ chết làm sao?

Thấy chưa? Thằng bé lúc ấy mới có 3, 4 tuổi mà đã biết trả lời một câu chí lý như vậy, thì tôi có lỡ nói to đến 10 căn nghe được cũng là chuyện bình thuờng. Thật sự ngày xưa giọng nói của tôi cũng nhỏ nhẹ, êm đềm lắm, ai cũng khen, chỉ tại từ khi lấy chồng đến nay, bị bắt nạt, chèn ép quá thành ra cái giọng của tôi hôm nay trở nên chua chat, không ngọt ngào là thế. Quý vị cứ thử nghĩ mà xem, cô bé nào trước khi lấy chồng mà chẳng hiền ngoan như mèo, ngơ ngác như nai? Nhưng lấy chồng được vài ba năm, con mèo biến thành con sư tử lúc nào không hay, như vậy là lỗi tại ai? Có phải là …lỗi tại tôi, nhưng lôi thôi tại anh không?

Cái tật hay khóc và hay hờn nếu không có, hay mất đi thì chẳng còn là tôi, cho dù khi bé đã bị nhiều trận đòn chỉ vì cái tội hay khóc. Biết thế nhưng không làm sao sửa đuợc. Chẳng thế mà trước khi lấy chồng, mẹ tôi đã thủ thỉ bên tai chàng:
- "Con bé nó nóng tính nhưng mà tốt, có gì các con nhớ nhường nhịn nhau..."

Đấy, bà cụ biết nết con gái bà cụ nên đã nhỏ nhẹ với ông con rể như thế. Vậy mà chàng có nhường nhịn tôi cho cam, lúc nào cũng so đo tính toán thiệt hơn. Sau này chàng hé môi nên tôi mới biết. Xét ra thì tôi cũng tốt thật. Nếu không thì làm sao mà chàng ung dung cho đến hôm nay? Cũng chỉ vì tôi dại muốn làm nguời cao thượng, nên phải cắn răng nhịn nhục đó thôi. Cái nóng thì thật sự tôi không chối, nhưng lại mau nguôi, chẳng vậy mà khi đi làm về thấy những cái tức có thể tung nóc lên đuợc, muốn hét lên đuợc... gọi điện thoại cho chàng tính hỏi tội, nghe rõ ràng tiếng chàng cám ơn người đưa điện thoại, thế mà giọng của chàng vẫn bặt tăm. Cầm điện thoại đến mỏi tay, chờ mãi không được đành cúp điện thoại để ấm ức một mình... thế rồi, cái nóng cũng từ từ dịu lại để biến mất.

Những lúc không vui, bực mình về một chuyện gì, ngồi làm việc cũng chẳng được vì đầu óc cứ lung tung cả lên, thế là đứng dậy bỏ về, thang thang một mình trong shopping. Những lúc như thế thật là nguy hiểm, vì hay lỡ dại mua những cái không ra gì. Thật ra lúc ấy mua chỉ để mà mua, để tiêu diêu cái nỗi bực mình, cái buồn đang có, ai không tin cứ thử xem sẽ thấy hiệu quả ngay, cái bực mình sẽ biến mất, cái buồn sẽ nguôi ngoai liền.

Phải nói tôi thích giầy, đi shopping mà gặp sale là không bao giờ mua một đôi, nhất là gặp những đôi vừa ý, thành ra giầy của tôi không phải là ít, vì thế nên khi dọn nhà, biết thân, biết phận nên lo di chuyển giầy dép, quần áo của mình trước để chàng không phải bận tâm, khỏi phải phiền lòng, thế mà cũng đâu có tránh khỏi khi lòng tử tế của chàng ghé vào, khi chàng gallant nhường cái walking clothes lớn hơn cho tôi, thế là cái mặt chàng nhăn-nhăn, nhó-nhó, khó ưa:
- Còn đôi giầy nào chưa xếp vào nữa không?

Tôi nhìn chàng hơi thẹn, giả lả cười:
- Hết rồi, chỉ có bấy nhiêu thôi.

Nhà tôi trợn mắt:
- cái gì? Chỉ có bấy nhiêu mà đã hết nửa cái walking clothes?

Tôi ngượng ngùng phân bua:
- Đâu có bao nhiêu, em mua sale không à, rẻ rề...

Nhà tôi châm biếm:
- Phải rồi, mai sale còn 50 cents một đôi, có mua nữa không?

Tôi đùa:
- Trời ơi! Sale còn 50 cents mà không mua thì đợi lúc nào mới mua? Anh nhớ chỉ cho em biết...
Vừa nói, tôi vừa vội vàng quay lưng, đi để khỏi phải nhìn thấy cái trợn mắt của ông kẹ.

Không những tôi thích giầy dép mà còn thích cả sách báo và nhạc. Ngày xưa mỗi lần đi với mẹ, con bé có tạt vào tiệm sách một tý thì bị lôi đi ngay, đi nhanh như ma đuổi. Ngày còn bé, hằng tháng mỗi lần ba lãnh lương đều cho chúng tôi tiền ăn quà, lúc nào tôi cũng để dành tiền để mua truyện. Truyện tôi mua là những truyện về công chúa, hoàng tử, về bà phù thủy và những con rắn 9 đầu, hay những hòn đảo kinh dị, bùa phép. Những truyện thần thoại ấy luôn hấp dẫn tôi lúc đó và cho cả đến bây giờ cũng vậy.

Cuộc sống nơi đây vội vàng, hấp tấp như thời gian càng ngày càng có rút lại, nên hầu như không đủ thời gian cho riêng mình. Khi có gia đình, con cái, công việc hằng ngày bận rộn như một cái máy cho đến nửa đêm. Những lúc mọi người lên giường ngủ, tôi được sống cho tôi với cái TV trước mặt, không một tin tức, một bình luận, hay tranh luận nào mà tôi bỏ qua, cái gì tôi cũng có thể xem được. Cũng như một hôm sau bữa ăn tối, sẵn tờ báo để trên bàn, tôi lật qua lật lại xem hết mọi mục trong tờ báo, từ tin tức cho đến những mục cáo phó, nhắn tin, chia buồn, chia vui, tôi nhâm nhi đọc một truyện ngắn, đọc được nửa truyện, tôi quăng tờ báo xuống bàn kêu lên:
- Trời ơi, truyện dở như vậy mà cũng đăng.

Nhà tôi ngẩng lên nhìn:
- Lối, em lối, em có viết bằng họ không mà chê?

Tôi quay lại đùa:
- Sao lại không? Hơn là cái chắc, tại anh không biết đó thôi, anh đang ở bên cạnh một "nhân tài" mà anh không biết.

Nhà tôi ngạc nhiên:
- Nhân tài nào?

Tôi ghé sát vào chàng vênh mặt:
- Thì em đây chứ còn ai? Từ ngày lấy anh đến giờ, em thấy mình mụ nguời đi, bao nhiêu tài năng của em bị anh làm hỏng, mai một mà anh chẳng biết gì.

Nhà tôi bỉu môi:
- Chỉ được cái nói dóc, em giỏi em viết thử anh xem.

Tôi cười:
- Viết thì viết thật chứ cần gì viết thử, anh khinh thuờng vợ anh quá, để khi nào rảnh em viết cho anh coi, lúc đó cho anh sáng mắt...

Trong cuộc sống, chắc chắn ai cũng phải có một điều gì đó mà mình ao uớc, muốn thực hiện cho bằng được, đó là sự đam mê. Sống mà không có sự đam mê chắc đời sống sẽ trở nên tẻ nhạt và buồn chán. Có nguời đam mê tiền bạc, có nguời đam mê vàng, hột soàn, hay đam mê ca hát. Còn tôi, tôi chỉ đam mê với những con chữ mà thôi, những con chữ không ai có thể lấy đi hay tách ra khỏi cuộc sống riêng biệt của tôi được, cho dù người đó có là một nửa của tôi đi chăng nữa. Tôi mê viết, vâng, nỗi đam mê của tôi đã được đánh thức bởi một câu thách đố của nhà tôi, vì thế những lúc ngồi vào bàn computer là tôi quên hết mọi sự. Tôi quên tôi, tôi quên tất cả, quên chồng con, quên bếp núc, quên cả nồi cá đang kho, nồi bún đang luộc. Có khi trong giờ làm việc, mải mê đánh bài trên computer, quên cả giờ ăn trưa, ông xếp đứng sau lưng lúc nào cũng không hay, hoặc có lúc quên cả giờ về, bất chợt nhìn chung quanh thấy vắng lặng, mọi nguời đã về từ lúc nào.

Có những đêm con chữ chợt thức giấc, ngọ ngoạy trong cái đầu bé nhỏ của tôi cứ đòi chui ra, nhưng khổ nỗi tôi đâu dám ngồi dậy, sợ đánh thức người bên cạnh nên cứ thế nằm yên chịu trận cho đêm mất ngủ, cho đêm dài ra. Nhưng cũng có lúc con chữ thích chơi trò ú tim, trốn kỹ quá làm tôi tìm không thấy, lôi không ra đến nỗi chỉ viết có vài hàng thôi mà viết cũng không xong, đọc chẳng ra làm sao. Nhớ những lúc làm báo cho cộng đồng hay cho hội đoàn, mải mê đến mất ăn mất ngủ, có đêm chờ nhà tôi ngủ say, len lén bước xuống giường, vô ý quên vặn nhỏ âm thanh, nên khi vừa mới bật computer lên đã nghe lồng lộng "Welcome to Aol.." làm nhà tôi trở mình, làm tôi hết hồn quýnh quáng leo vội lên giường nằm im. Có những lúc say mê đánh bài đến nỗi ngủ gục trên keyboard lúc nào không hay, để thỉnh thoảng cứ phải nghe những lời xỏ xiên mai mỉa:
- Nhờ làm cái gì cũng kêu mệt, vậy chứ ngồi suốt đêm với cái Computer thì chẳng thấy than lấy một câu...

Những lúc ấy chợt thấy lòng ân hận, chỉ vì cái di sản văn chương, cái máu văn nghệ của ba tôi đang tuôn chảy trong tôi, làm tôi mất ý thức thời gian lẫn không gian. Cũng bởi câu thách thức của nhà tôi, nên tôi mới nhất định dùng chàng là người mở đầu cho cái nghiệp văn chương, bất đắc dĩ của tôi cho bõ ghét. Tôi viết về ông chồng Nam Kỳ với một bút hiệu mà không muốn ai biết đến. Bài của tôi được đăng trên báo nơi tôi ở đã làm xôn xao trong giới độc giả, họ thắc mắc và muốn tìm xem ông nào Nam Kỳ mà có vợ Bắc Kỳ? Thế rồi họ đã tìm ra. Truyện của tôi được ông Bác-Sĩ cộng tác với tờ báo gởi đi các tiểu bang khác, rồi lại gởi báo về cho tôi xem và không quên kèm theo những quyển sách hay, báo để tặng. Sự tử tế của ông làm tôi cảm động, làm tôi áy náy, cảm thấy như mắc nợ lòng tử tế của ông, thế là tôi gởi bài tiếp, thế là cái duyên chữ nghĩa đền trả cứ níu kéo cho đến hôm nay, để rồi chàng không dám coi thường tôi nữa, chàng dè dặt tử tế với tôi hơn, chỉ vì tôi dọa "anh mà ấm ớ là em cho anh lên báo ngay.."

Nhà tôi chẳng bao giờ thông cảm cho nỗi đam mê của vợ, nên lúc nào cũng nhăn nhó khó chịu mỗi khi thấy vợ kéo ghế ngồi vào bàn computer. Có những lúc đang thả hồn theo từng ngón tay gõ trên Keyboard, nhà tôi cứ lượn ra, lượn vào. Đóng cửa, mở cửa cả trăm lần. Biết nhà tôi đang dở hơi nên cứ giả vờ như không để ý, thế là chàng hậm hực, kiếm cớ hỏi luôn miệng, hỏi những câu nghe thật bực mình, những câu thật là ngớ ngẩn, hỏi chỉ để mà hỏi thế thôi. Nhà tôi cứ như người ngoài đường, nên không biết hộp trà, cái ly, cái kéo, con dao hay cái khăn tắm để ở chỗ nào?... Thậm chí, còn hỏi những cái đang nằm sờ sờ trước mắt, nhưng vẫn cứ muốn hỏi như thường. Những lúc ấy tôi biết chàng đang cố tình làm khó tôi, cố tình dày xéo những con chữ của tôi, bởi chàng biết tôi đang bay bổng với những tư tuởng cuồn cuộn trong đầu, thế mà nỡ lòng nào nhẫn tâm, đầy đọa nỗi đam mê của tôi cơ chứ. Nhất định là chàng đang ghen với cái "tài" của tôi đây mà…

Viết đến đây tự dưng tôi thấy ganh tị với những nguời tôi quen, có những ông rất thương vợ, biết vợ thích hát, nên tìm đủ mọi cách cho vợ lên sân khấu, không xếp cho vợ hát thì mặt mày sưng xiểng, giận hờn. Vợ lên sân khấu, ông chồng lăng xăng cầm máy ảnh ngắm nghía chụp đủ phía, vợ hát xong vỗ tay không ngừng, đi đâu cũng lẽo đẽo theo sau, ôm tập nhạc mà ông đã in từ internet cho bà. Họ tâm đầu ý hợp đến thế thì thôi, cũng như có những cặp vợ chồng cùng viết văn, cùng làm thơ. Họ hổ trợ cho nhau, bổ túc cho nhau, như trong bài hát nào đó mà tôi quên tên... cả 2 vợ chồng cùng làm thơ, con 8 đứa cũng làm thơ, cả nhà cùng làm thơ. Thơ dán khắp nhà, đến nỗi lấy cả thơ ra hứng nuớc mưa. Họ thuần thảo như vậy mà sao không hạnh phúc cho được. Chẳng bù cho tôi, tôi cứ phải đơn phương độc mã giữa giòng sông đam mê của mình, bởi chồng tôi là người vô tình, không hiểu vợ, và chắc chắn chẳng thương vợ, nên đâu có thèm quan tâm đến những sở thích của tôi. Vì thế chẳng bao giờ tôi dám hỏi:
- "Mình đọc thử xem em viết thế nào? Có được không?"

Có uống thuốc liều, tôi cũng không dám nhõng nhẽo hỏi một câu như thế, nhỡ anh chàng phang ngay một câu chí tử:
- "Ối giời, viết chẳng ra gì mà cũng bày đặt viết"

Lúc đó chắc chắn tôi sẽ tối tăm mặt mũi, khóc òa thôi. Bởi thế những truyện tôi viết, các báo đăng, các sách gởi về, và nhà tôi cứ thế mà đọc, cứ tự nhiên mà đọc, chẳng cần thắc mắc, hay khen chê lấy một lời. Nhà tôi thế đấy, dân Nam kỳ chính hiệu, nên có biết thông cảm và thương vợ đâu cơ chứ.

Nhà tôi khó chịu thế đấy, nhưng nhà tôi cũng chưa bao giờ lên tiếng cản ngăn hay phê bình nỗi đam mê của vợ, và tôi cũng không dám lợi dụng cái sự "nhuờng nhịn" không nói ấy để "được đằng chân, lân đằng đầu", nên vẫn cơm nóng, canh ngọt, nhà cửa sạch sẽ, cho dù cái bàn computer của tôi chẳng bao giờ ngăn nắp, và dưới gầm bàn thì không thể gọi là sạch sẽ bởi toàn những giấy là giấy, nằm ngổn ngang lả tả dưới chân. Biết tâm hồn chồng mình là sỏi đá, đâu biết rung động truớc sự đam mê văn chương của vợ, nên hôm nào thèm viết quá, mê viết quá, tôi lại giả bộ sụt sùi gọi điện thoại vào văn phòng kiếu đau để ở nhà viết bài. Nhưng cũng có lúc đời thật dễ thương, khi hai đứa giận nhau, khi nhà tôi tự ái xách chăn gối ra phòng khách ngủ, và tôi lúc đó như rồng gặp mây, tha hồ tung hoành múa những ngón tay trên keyboard mà không cần phải áy náy hay ân hận. Phòng ngủ lúc đó thật yên lặng. Không gian riêng của tôi êm đềm, không còn nghe những tiếng cửa mở ra, đóng vào. Không còn nghe những câu hỏi ngớ ngẩn, để rồi phải bực mình hậm hực, đứng lên tắt máy cho người ta vừa lòng...

Đấy, cái nghiệp đam mê chữ nghĩa của tôi là đấy, cho dù văn tôi không hay bằng văn nguời, nhưng ít nhất, đã cho tôi những giây phút thoải mái, hạnh phúc nhỏ nhoi khi được sống cho riêng mình. Cho tôi một khoảng trời riêng của những đêm một mình với keyboard, một mình trong đêm khuya vắng lặng, để ngồi móc những con chữ lại với nhau thành những bài viết, những đoản văn, những câu chuyện về những nguời thân yêu chung quanh, về một câu chuyện tình tưởng tượng nào đó mà đôi khi bố cục, đã làm tôi bâng khuâng, làm lòng tôi chùng xuống, để nỗi buồn man mác kéo dài trong ngày, như chính mình là nhân vật trong câu chuyện do tôi tạo nên. Nhưng dù sao tôi cũng cám ơn cái gia tài văn chương mà ba tôi đã trao lại, để tôi được thấy cuộc đời này có nhiều ý nghĩa như những chiếc cầu vồng đủ màu sắc, đang bao bọc chung quanh, cho dù có lúc chiếc cầu vồng không mang đủ sắc màu, chỉ có màu tím, máu xám báo hiệu bầu trời không nắng, báo hiệu những cơn mua sắp đến...


Nguyễn Thị Tê Hát

Các tác phẩm khác của Nguyenthitehat

Xa Rồi Kỷ Niệm

Vùng Trời Bỏ Lại

Tiếng Người Xa

Nửa Căn Duplex

Người Đàn Ông Cuối Cùng

Lao Xao Mảnh Đời

Em Tôi!

Cuối Đường

Con Suối Dưới Chân Đồi

Cho Anh Làm Lại Từ Đầu

Chỉ là kỷ niệm