Xa Rồi Kỷ Niệm
Tác giả: Nguyenthitehat
Thế là tôi xa thành phố ấy, xa một cách thật bất ngờ vội vã, không kịp một lời chào, không kịp một chia tay khi sự hỗn loạn về chính trị, về đất nước trong cơn mù mịt. Tất cả như quay cuồng, như bão táp... Người người rủ nhau ra biển, người người rủ nhau tìm đường vượt biên giới, băng qua rừng sâu, băng biển dữ để tìm một lối thoát mà tôi là một trong những người bị cuốn hút trong giòng sông lịch sử đó.
Khi tất cả mọi chuyện tạm ổn định. Khi còn đang tranh tối, tranh sáng với những đường lối chính trị vừa thay tên đổi chủ, tôi trở về thăm lại thành phố cũ, thành phố của một thời kỷ niệm ngọt ngào để tìm, để kiếm những gì còn vương vãi hay rơi xót ở một góc xó nào, nhưng tìm hoài vẫn không gặp, vẫn không thấy... Đi ngang ngôi nhà cũ của mình nay cũng đổi chủ cho dù không bán, không sang nhượng. Hai cây dừa cảnh trồng 2 bên cổng không còn nữa, cây leo 1 bên tường với những chiếc lá to như chiếc dù con chỉ còn lác đác vài lá trên cao, cái xích đu nằm 1 góc sân thường ngồi một mình trong tối nhìn trăng sáng trên đầu những ngọn thông nay cũng không còn... Tất cả như bị đảo lộn, như trống trơn, nhìn lên căn gác lửng của những tối học bài, của những đêm không ngủ cắn bút tập làm thơ, của những đêm hốt hoảng nhìn hỏa châu chiếu sáng một góc trời... kỷ niệm nhiều quá, kỷ niệm chênh vênh trên những cành ổi của những trưa hè im lặng, vừa học bài vừa cắn dòn những trái ổi xanh chưa kịp chín... Tuổi thơ tôi, hạnh phúc tôi đã bỏ lại đằng sau, bỏ lại một cách vội vàng không dự đoán như những tình cảm nào đó cứ lẽo đẽo theo sau nhưng tôi cứ ngu ngơ không quay lại, tại tôi kênh kiệu hay tại tôi chưa đủ lớn, chưa đủ trưởng thành trong tôi để đưa tay bắt lấy.
Những bước chân như không định hướng cứ thả dài trên cát, bãi biển ít người qua lại... ngoài xa thật xa, cù lao xanh mù mịt tít ngoài khơi với ngọn hải đăng cô độc, sừng sững chứng kiến những đổi thay như chứng kiến một ngọn sóng thần vừa đổ ập lên bờ, cuốn tất cả nụ cười hạnh phúc ra khơi. Ghềnh Ráng vẫn vậy, những tảng đá to như rêu mốc nằm kềnh lên nhau như thách đố thời cuộc. Những con sóng vẫn ồ ạt đập mạnh vào những tảng đá dưới chân núi, dưới ghềnh làm bắn tung toé nước như vô tình không biết đến cái đau ngút ngàn của người đang đi tìm kỷ niệm, đang bị kỷ niệm đùa cợt như nắm cát đang từ từ rơi qua kẽ những ngón tay cho dù cố nắm thật chặt, nhưng không nắm nổi, không giữ được cho mình. Suối tiên không còn nước ồ ạt như xưa, chỉ còn róc rách tuôn trên những tảng đá không đều nhau tạo thành những âm thanh buồn bã. Leo từng bước, lách luồn qua những bụi gai, len lỏi mãi rồi cũng lên được đến mộ Hàn Mặc Tử. Con đường cheo leo vẫn khó đi như ngày nào. Đứng bên mộ nhìn ra biển, nhìn ra khơi, vài chiếc thuyền con lênh đênh trên sóng, nhìn lên đỉnh núi, một thế giới riêng biệt cách ngăn với thế giới bên ngoài, nhìn quanh nhìn quẩn, những chùm chà là chín quả nằm giữa những bụi gai vẫn ở chỗ cũ như không thay đổi, nhưng cũng không còn làm cuống quýt, hăng hái lần mò len vào bụi gai để hái cho bằng được những chùm chà là đen bóng đang nằm xoải theo sườn núi, mặc kệ người khác cứ phải cuống quýt lo âu đưa tay chụp đỡ, hay lại nhõng nhẽo vòi vĩnh những trái cây rừng muốn ôm đầy tay.
Tất cả như những chiếc lá rừng bị gió cuốn đi, như bọt biển tan vỡ rồi lại từ từ cuốn ra xa. Tất cả như xa ngoài tầm với, như một thất vọng, hụt hẫng, cứ đeo theo bên mình để rồi kết tụ lại thành những nỗi buồn cứ bị giằng co, xâu xé, héo mòn dần như những con mọt đang gậm nhấm những cuốn sách hay, đã bị bỏ quên trong hộc tủ.
Một ngày của 30 tháng 4 đi qua như một cuồng phong quét sạch mọi sự bình an, mọi hạnh phúc. Tất cả như chơi vơi, bồng bềnh trên biển cả mênh mông, không phương hướng. Sài Gòn ngơ ngác buồn đau, Sài Gòn thê lương ảm đạm, Sài Gòn chít khăn tang để tang cuộc tình, để khóc người ra đi, khóc người ở lại. Khóc như khóc cho cái tên Sài Gòn đang bị niêm phong, đang bị truất phế... Sài Gòn ngày ấy tội nghiệp, Sài Gòn thoi thóp, chỉ còn nghe những tiếng thở dài, những tiếng thầm thì to nhỏ nơi những quán cóc, nơi những góc đường. Sài Gòn mất dần niềm tin, Sài Gòn không còn hy vọng...
Nhưng!... Sài Gòn như một đốm lửa trong đống tro tưởng đã tàn lụn, đã tất ngấm... Sài Gòn lại bùng lên. Cái tên Sài Gòn lại chễm trệ trên môi người ra đi, trên môi người ở lại... nhưng Sài Gòn bây giờ sao xa lạ quá, SG không còn là SG của ngày xưa. SG không còn êm ả, trữ tình ngày nào, SG bây giờ vội vã hơn, tất tả hơn, xô bồ hơn, bụi bặm hơn và hình như mưa, nắng cũng thất thường hơn.
Sài Gòn từ từ biến mất phía dưới, nắng chiếu qua khung cửa sổ của máy bay, tôi nhếch người ngồi dựa vào thành ghế, sửa lại thế ngồi để tránh cái nắng đang chiếu vào mặt.
- Xin lỗi, cô vừa về thăm nhà?
Giật mình nhìn sang bên cạnh:
- Thưa vâng
Người bên cạnh bắt chuyện:
- Cô về thăm nhà thường xuyên lắm phải không?
- Dạ không, đây là lần đầu, thế còn ông? chắc ông cũng đã về nhiều lần:
- Không, tôi cũng như cô, đây là lần tiên tôi về thăm nhà sau 20 năm.
Tôi mỉm cười im lặng, người đàn ông ngồi bên cạnh lên tiếng tiếp:
-Từ khi lên máy bay đến giờ, tôi thấy cô cứ đăm chiêu nhìn ra cửa sổ đã lâu, chắc là cô đang nhớ Sài Gòn phải không?
Tôi lắc đầu:
- Nếu nói nhớ SG thì chẳng có gì để nhớ nữa, chỉ thấy tiếc nuối thôi. SG bây giờ khác lạ quá, không giống ngày xưa nữa. Tôi có cảm tưởng như mình không có chỗ đứng khi trở về. Thấy mình lạc lõng...
Chợt thấy mình nói hơi nhiều, bộc lộ cảm nghĩ của mình hơi nhiều với người khách đồng hành bên cạnh nên mỉm cười chữa thẹn:
- Xin lỗi ông nhé, đó chỉ là cảm nghĩ riêng của tôi thôi.
- Không không, cô nhận xét đúng, SG bây giờ thay đổi nhiều, nhanh quá đến nỗi tôi không thể tưởng tượng được, nhưng đó chỉ là bề mặt, SG đàng sau cũng vẫn lam lũ, nghèo khổ không đủ ăn, đủ mặc... à, Cô về kỳ này định bao giờ trở lại?
Tôi đăm chiêu nhìn ra cửa sổ:
- Có lẽ còn lâu lắm, tôi có cảm tưởng SG không có chỗ cho tôi nữa, ông biết không? đi giữa thành phố SG mà mình có cảm tưởng như đi giữa một nơi thật xa lạ, không quen thuộc, không liên hệ, đi giữa phố đông người nhưng mình lại cảm thấy cô đơn, cái cô đơn không giống cái cô đơn của mình ở ngoại quốc, cái cô đơn ngay tại quê hương mình thấy xót xa, thấy thương mình, tội nghiệp mình lắm. Có lẽ tại tôi đa cảm nên cái nhìn có vẻ lệch lạc, buồn cười lắm phải không? Thế còn ông, ông về lần đầu thấy thế nào? vui chứ?
Như một thói quen, người đàn ông đưa tay vào túi móc gói thuốc ra, rút một điếu, ngập ngừng vài giây rồi lại bỏ điếu thuốc vào chỗ cũ, giọng chậm rãi:
- Đêm qua ngồi một mình ở quán cafe, không hiểu sao tôi lại cứ dằn vặt mình bằng những câu hỏi nếu ngày ấy tôi đừng đi thì tôi sẽ ra sao? hay nếu lần này tôi đừng trở về... phải chi tôi đừng trở về thì hơn.... nhưng, dù sao thì cũng đã trở về, dù sao trở về lần này cũng tốt, để mình có thể nhìn kỹ mọi sự việc hơn, để hiểu rõ người, hiểu rõ mình hơn... có lẽ cô và tôi cùng giống nhau trong cái nhìn của người trở về...
Nghe tiếng nói đều đều của người ngồi bên cạnh như tâm sự, như kể lể, phân bua làm lòng tôi chùng xuống. Tôi im lặng, người ngồi bên cũng im lặng. Cái im lặng như hai con đường song song, cứ đi hoài trên lộ trình như quen, như xa lạ... Tất cả chìm vào im lặng. Máy bay đi vào vùng tối, hình như là đêm của một không phận nào đó nên bên ngoài trời đen thẫm. Mọi người trong tàu mệt mỏi ngủ vùi trên tuyến đường dài. Người đàn ông đứng lên với lấy cái gối, cái chăn ở hộc tủ phía trên trao cho tôi, ân cần:
- Cô mệt không? lạnh không? Nhắm mắt một tý cho khoẻ. Chuyến bay còn dài lắm.
Tôi mỉm cười, đưa tay đỡ lấy cái gối, cái chăn đắp trên tay người đồng hành bên cạnh. Nhìn người đàn ông cúi xuống lấy quyển sách trong túi xách dưới chân, tự dưng thấy mệt mỏi, thấy ngậm ngùi, tự dưng thấy thèm một bờ vai để dựa, để kê đầu....
Xoay người nhìn ra của sổ, kéo tấm chăn đắp kín phía trước, kéo che cả hai vai mình... bên ngoài trời vẫn tối, những vì sao lấp lánh trong bầu trời đêm, dựa đầu vào khung cửa... một vì sao băng vừa đổi chỗ, quá nhanh không kịp đọc một lời nguyện ước...
Nguyenthitehat