watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đêm Nghe Tiếng Đại Bác-Lời Giới Thiệu - tác giả Nhã Ca Nhã Ca

Nhã Ca

Lời Giới Thiệu

Tác giả: Nhã Ca

Giới thiệu







Đêm nghe tiếng đại bác









Đây là tác phẩm văn xuôi đầu tiên được in của Nhã Ca. Nhưng ngay từ khi cuốn sách nầy chưa ra đời, Nhã Ca đã có một chỗ đứng trong khu vực văn nghệ, không những nhờ cuốn thơ được xuất bản năm ngoái, mà còn nhờ những truyện ngắn, truyện dài, kịch in trên các báo của Nhã. Đó chắc chắn là một điều có lợi – lợi cho nhà xuất bản trước hết – nhưng cũng là một điều có hại.

Sau khi đọc ít nhiều tác phẩm rời rạc ấy, tôi và những bạn đọc có cùng một nhận xét với tôi, đã có một ấn tượng về văn chương của Nhã. Nhã viết rất lưu loát, có con mắt quan sát rất tinh tế, sự phân tích tâm lý bao giờ cũng thông minh, phồn thịnh, nhưng hầu hết các nhân vật đều mới, lạ ở trên mức trung bình.

Đọc Nhã Ca phải cố gắng để theo kịp nhân vât, để hiểu ý tác giả. Giữa cái "thế sự bồng bềnh" trên đất nước ta hiện nay, tôi có cảm tưởng đa số độc giả đã bắt đầu sợ phải mệt mỏi thêm vào cái mệt mỏi mà bất cứ ai cũng phải chịu đựng hàng ngày.

Giới trí thức trung lưu tìm đọc truyện võ hiệp nhiều hơn để giải trí. Các bạn trẻ muốn đi ngược dần lại con đường mà tuổi trẻ cách đây năm năm còn hăng hái vượt lên: họ tìm đọc những tác phẩm giản dị hơn, gần hơn với sự thật.
Tôi coi đó như một triệu chứng tốt. Bởi vì ở vị trí người viết, tôi vẫn nghĩ rằng nghệ thuật cao nhất, khó thể hiện nhất, là nghệ thuật gần gũi nhất với đời sống, đời sống bình thường của lớp người bình thường.

Còn ở vị trí người đọc, tôi khao khát từ lâu một tác phẩm thật đơn sơ mà đầy tràn thơ mộng: một tác phẩm diễn tả thành công niềm hạnh phúc, hay nỗi thống khổ hết sức quen thuộc, vì nó xảy ra luôn luôn, nhưng lại hết sức đằm thắm hay thê lương, vì nó có thể đến với bất cứ người nào đang đọc sách.

Không biết Flaubert hay Maupassant đã bắt một môn đồ văn nghệ phải tả ngọn lửa trong lò sưởi thế nào cho nó không giống bất cứ ngọn lửa nào trong một lò sưởi khác. Tôi nghĩ Nhã Ca vừa mới làm xong việc đó.

Đêm nghe tiếng đại bác không giống bất cứ tác phẩm nào nói về chiến tranh.

Tác phẩm nầy – và đây là điều mà riêng tôi cho là quan trọng – không giống bất cứ một tác phẩm nào trước của Nhã, nếu không kể một vài đoản tác mới đăng trên các báo Văn hay Nghệ thuật…
Đêm nghe tiếng đại bác trong như một chén nước mưa mà trung thực như một tấm gương soi thuận chiếu ánh sáng. Điều chắc chắn sẽ làm cho bạn đọc vui lòng nhất, là câu truyện xảy ra trong một gia đình trăm phần trăm vừa phải.

Người nghèo quá còn bận kiếm ăn, không có thì giờ cho tình cảm. Nhà văn viết về nhà nghèo hay tăng cái khổ của họ để làm ra vẻ ta đây có tinh thần xã hội. Tôi không ưa những người đến uống nước hàng ngày ở La Pagode, xong lúc về cầm bút lại khăng khăng muốn tả cảnh khốn cùng, để bắt độc giả phải nhiều ít suy tư về một cuộc cách mạng lý tưởng.

Thật là hiếm có, những nghệ sĩ dám trung thành với hoàn cảnh và tâm sự của chính họ. Một trong những nguyên nhân của sự kiện nầy là viết như thế có bao hàm sự xác nhận rằng tác giả không có những bận tâm cao siêu về triết học.

Tác giả viết về những người trung bình sẽ bị coi như chính hắn đã là một phần tử trung bình, không chứa đựng những ý kiến lạ lùng mà người ta tưởng chỉ có trong những thiên tài đặc biệt.
Vậy gia đình của nhân vật xưng tôi trong tác phẩm của Nhã Ca có thể là một gia đình nào đó ở khu Phú Thọ, hay Bàn Cờ, hay Phú Nhuận. Ông bố đi làm, người con cả đi lính, bà mẹ ở nhà trông nom cơm nước cho chồng con, có cô con gái lớn giúp việc. Hai đứa em, một gái một trai, của cô ta còn đi học. Kim, cậu em út, có chiếc xe gắn máy còn mới tinh. Như vậy là gia đình nầy không nghèo. Nhưng cũng không giàu. Một vé số kiến thiết trúng 500 đồng cũng đủ làm cho cả nhà vui vẻ bàn luận về cách tiêu dùng. Và chính cái vé số nầy cũng sẽ là một yếu tố động cơ của truyện. Bà mẹ cho lĩnh số tiền về, đã quyết định dùng nó đế mua sắm, làm một bữa chả giò thết anh chàng Phan, trung úy, sắp về nghỉ phép.
Nhưng Phan không về, không bao giờ về cả. Phan đã tử trận từ hai bữa trước rồi, nhưng cả nhà không ai biết. Sự chờ đợi làm bằng âu yếm chen lẫn với lo sợ làm cho bầu không khí trở nên phập phồng, mệt nhọc. Rất nhiều động tác khác, bề ngoài như vô tình, nhưng bên trong là kết tinh của hoàn cảnh, cũng dự vào việc xây dựng hẳn thành một thứ tâm hồn tập thể hướng trọn về người vắng mặt. Ông bố, bà mẹ, những người con, cùng thương nhớ, nhưng mỗi vị trí có một tâm sự, một phản ứng khác nhau. Phượng, in hệt người tình nhân dưới "mái Tây" của không biết bao nhiêu thế kỷ trước, đã vội nghe tiếng im lặng của bước chân của người sai hẹn. Bà mẹ sợ những câu nói gở. Cô Quyên thấy chị buồn mà lo sợ cho mình. Sự thương nhớ sẽ trở thành một công thức chung – và tác phẩm sẽ nặng nề hay buồn tẻ nếu không có tuổi trẻ và nhựa sống của Kim; một phút trước khi được biết anh Phan tử trận, anh Phan vẫn còn sống. Kim vẫn không có lý do gì để không đòi ăn chả giò. Bằng những nét đơn sơ nhất, tác giả kể lại cho người đọc những cảnh sinh hoạt linh động mà cặn kẽ, như chúng ta thường thấy ở đâu đây. Tôi đoán chắc Nhã Ca đã thành công theo kiểu người thợ nề bắt đầu làm ngôi nhà cho chính anh ta trú ngụ.
Rất có thể Nhã Ca không đồng ý, sẽ trả lại những lời khen không chờ đợi.

Nhã với Từ dắt tay nhau đi trên con đường tìm kiếm. Họ chưa tới đích, nhưng họ đã viết nhiều về những gặp gỡ giữa đường. Kỹ thuật của họ đã hơn một lần xây dựng thành những tác phẩm có giá trị. Cho nên, theo ý tôi, họ - họ ở đây, là những người viết trẻ như Nhã và Từ - thường lầm chúng như mục đích.

Độc giả lầm theo họ. Nhà phê bình vội cho rằng họ chỉ biết có hoài nghi và đập phá không thôi. Tôi vốn không tin như thế. Tôi chờ đợi có những người có khả năng đủ vững, có ngày tháng đủ dài, và có hoàn cảnh thuận lợi.

Những người đó sẽ hoàn thành được tác phẩm sau cùng của họ: tác phẩm mà, so với nó, bao nhiêu tác phẩm là bấy nhiêu bước chân đi tới. Và, đến bây giờ, tôi sẽ cười thầm trong tinh thất của tôi sau một lời phân bua đắc thắng: có phải không, nghệ sĩ không "bịa" ra đề tài bao giờ?
Rất có thể Nhã Ca đang cười trả lại cho tôi. Không, tôi biết lắm, cốt truyện nầy của Nhã làm tôi nhớ cốt truyện của Saroyan, tác giả Mỹ. Tôi có lần đã giới thiệu bản dịch cuốn sách ấy với thính giả đài V.O.A, nhưng bây giờ tôi đã quên tên nhân vật chính. Tôi chỉ nhớ có đoạn sau cùng: người lính về tỉnh nhỏ, thăm gia đình người quá vãng. Truyện của Nhã cũng có người lính ấy. Giá nghiêm khắc, tôi sẽ buộc Nhã vào tội phỏng theo người đi trước. Nhưng tôi không làm như thế, vì tôi đã có kinh nghiệm bản thân, những điều tôi viết ra, tưởng là mới nhất, nào ngờ đâu có cả chục người đã viết trước tôi nhiều. (Người ta bảo Việt Nam có những màu sắc riêng tư, mà không đâu có trên thế giới. Tôi nghe theo, nhưng tôi đã nhầm. Kể cả mắm tôm, nước mắm, cứ chịu khó tìm, sẽ thấy có nơi có đủ!)
Tôi đành chịu. Nhất là về tình cảm. nhân loại thật mênh mông, thời gian dài đằng đẵng. Tôi thèm khát học hỏi và hưởng thụ, nhưng tôi chối từ so sánh hơn thua. Sự không ngoan đôi khi che giấu cái hèn của tuổi tác. Nhưng nghệ sĩ vốn có tâm hồn kiêu hãnh tuyệt trần, nên đọc tác phẩm nào tôi cũng thấy phần thành công trước phần thất bại. Đêm nghe tiếng đại bác nhất định chưa phải là công phu tới đích của Nhã Ca, nên đối với riêng tôi. Nhã vẫn có phần hụt bước. Tiếng đại bác trong đêm gợi ý chiến tranh, mà tôi nghĩ đến chiến tranh rất ít. Phan đi lính. Phan chết trận. Nghĩa đi lính. Nghĩa mất tích. Bữa chả giò để mừng Phan nhưng cũng để tiễn Hoàng đi Thủ Đức. Không kể Mẫn, Đông, Đảo… rất nhiều truyện lính tráng và tiếng đại bác trong đêm. Nhưng trong khi đọc, và sau khi đọc xong tác phẩm của Nhã, cái mà người ta nhớ nhất, mà người ta thương yêu hay ao ước hơn cả, là gia đình. Ông bố, bà mẹ, Phượng, Quyên, Kim, Hoàng – với cả Phan, Nghĩa và Mẫn – mỗi người đã giữ đúng vai trò của mình. Vai trò bà mẹ cố nhiên có phần trội hơn vai trò của ông bố, cũng như Phan tuy vắng mặt mà "hiện hữu" hơn Hoàng, nhưng tất cả những vai trò ấy không riêng lẻ, không cô đơn, kể cả Mẫn ra đi thật buồn. Tất cả họp lại thành một gia đình, cùng một số người thân, đang chịu đựng chiến tranh. Sự chịu đựng không nói thành lời ấy dai dẳng, mà cái chết tàn nhẫn của Phan không cắt đứt được: Phan chết, đã có Hoàng thay thế. Sự chịu đựng tiếp tục. Chịu đựng như thế có phải đâu là tiêu cực.

Con người bằng cách tụ họp thành những đơn vị lớn hơn, đang chống trả thắng lợi với ý chí tiêu diệt của chiến tranh – ngoại cảnh.
Sự thắng lợi còn to lớn hơn. Ông bố già đánh rơi hai giọt nước mắt.

Phan để lại một tên lính tương lai, nếu chiến tranh còn tiếp tục. Người ta đau khổ, rên la, khóc lóc, nhưng rõ ràng là đời sống vẫn tiếp tục, với Hạnh thêm vào gia đình Quyên. Có phải chăng một người bạn nhiều tuổi mà lạc quan như tôi, có thể căn cứ vào hình ảnh sau cùng ấy, và lời Nhã Ca đề tặng "cho con sắp ra đời của đời mẹ " ở cuối tập truyện nầy, để quả quyết rằng, mặc dù hoàn cảnh thế nào, nếu chúng ta muốn, chúng ta bao giờ cũng có lý khi chúng ta hy vọng.






Nguyễn Mạnh Côn


17 tháng VI, 1986







ĐÊM NGHE TIẾNG ĐẠI BÁC
… Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Tôi đang nghe. Tôi đang nghe đây. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Hãy gọi anh Phan về đêm nay cho mẹ tôi thấy. Hãy mang anh Nghĩa về đêm nay cho chị Phượng tôi thấy. Hãy mang tất cả về đêm nay cho tôi thấy. Cho ba tôi thấy. Cho em Kim tôi thấy. Cho chị Hạnh thấy. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Cho tôi gửi ra những bông hồng. Những khăn tay, những bữa ăn, những gói thuốc lá. Hãy nhắn với họ. Với Đông. Với Hoàng. Với tất cả. Tiếng đại bác. Còn gửi gì nữa không. Còn. Tôi còn gửi. Ngủ đi Ba. Ngủ đi Mẹ. Ngủ đi chị. Ngủ đi em. Ngủ đi tiếng đại bác. Đại bác. Ngủ đi. Ngủ đi. Tôi còn gửi. Để cho tôi gửi. Gửi cả tương lai tổ quốc ta theo đó.




Tháng chạp, 1965.


Viết cho con sắp ra đời của mẹ.


NHÃ CA
Đêm Nghe Tiếng Đại Bác
Lời Giới Thiệu
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10 (chương kết)