Chương 8
Tác giả: Nhất Linh
Dũng mỉm cười bước vào nhà Định, cất tiếng hỏi:
-Cho tôi đánh một hội với. Có ai muốn nghỉ không?
Thuận nói:
-Có, đánh xong ván này thì bác Bản thôi, chú vào thay.
Nàng cười ngặt nghẽo rồi tiếp theo:
-Độ này nghe chừng đã quen, gọi bác cả là bác Hàn không thấy ngượng mồm, chướng tai nữa.
Lời nói bông đùa mỉa mai của Thuận, Dũng thấy ngụ ý tức tối; Thuận luôn luôn chế giễu cái chức hàn lâm của Trường để khỏi tủi thân khi người ta gọi mình trơ trẻn là mợ Hai. Trường yên lặng. Dũng đứng gần nên nhận thấy hai tai Trường đỏ rần rần.
Dũng ngồi xuống ghế đưa mắt nhìn mọi người, mỉm cười nói:
-Vui đấy, mình đương buồn không biết làm gì?
Thuận hỏi:
-Chú tú vừa sang thăm đất trên Lạch về đấy à?
-Vâng, nhưng tôi đã đỗ tú tiếc gì đâu. Lười như tôi thì đỗ thế nào được. Chị gọi tâng bốc thế làm tôi tủi nhục.
Nói xong, Dũng mới biết mình lỡ lời. Chàng ngẫm nghĩ:
-Không thể nói câu chuyện gì thẳng thắn, tự nhiên được, lúc nào cũng phải giữ kẽ.
Định hạ bài ù, Trường vứt mạnh bài xuống chiếu, mắt đỏ ngầu, nói một mình:
-Phải, thằng này xấu hổ, thằng này nhục nhã.
Thuận nói:
-Chú Dũng đâu dám bảo bác thế. Bác nghĩ lầm.
Trường vịn vào câu của Thuận, nói luôn:
-Tôi chẳng nghĩ làm gì cả. Tôi biết thừa đi rồi. Chẳng phải bây giờ chú ấy mới kính tôi. Phải, tôi đâu được bằng chú ấy...
Trường đứng dậy chụp khăn lên đầu:
-Nhưng tôi bảo thật cho chú ấy biết. Chú ấy đừng có lấy nê thầy yêu mà lộng hành. Không xong đâu.
-Ô hay chưa?
Dũng bàng hoàng, nhìn Trường không hiểu là mình tỉnh hay mê. Lời nói của Trường cho chàng biết những điều mà chàng không thể nào tưởng tượng ra được. Trường giận chàng không phải vì câu nói lỡ, kể ra chưa độc ác bằng những câu mỉa mai của Thuận, Dũng buột miệng nói:
-À ra thế?
Đã từ lâu, cách cư xử không được công bằng của ông tuần đã làm cho Trường và Định ngấm ngầm ghét Dũng; Dũng vẫn biết thế nhưng thực chàng không ngờ rằng Trường lại cho là chàng định tâm mua chuộc lòng yêu của cha để cướp lấy hết của về phần mình.
Dũng không muốn phân bày phải trái về một chuyện có dính líu đến tiền tài, của cải. Chàng cúi đầu yên lặng.
Khi Trường đi khỏi, Thuận nhìn Dũng nói:
-Bác cả vẫn nóng tính. Chú Dũng đừng nghĩ ngợi làm gì.
Dũng cười nhạt. Hiền nói:
-Có gì đâu, bác ấy vẫn tức sẵn chú vì hôm nọ bác ấy xin thầy bán miếng đất ở trên Lạch để ăn khao, nhưng thầy không nghe, vì miếng đất ấy thầy muốn để cho chú. Vả lại cứ để tự do thì bao nhiêu bác cả cũng bán hết. Thật là oan cho chú Dũng quá.
Dũng cầm bài lên tay, nhìn mọi người và giục:
-Thôi đánh đi chứ. Việc đã qua không nên nhắc đến làm gì nữa.
Hiền nói:
-Phải đấy.
Nàng đưa mắt nhìn sang gian bên, bảo Chi, đứa con gái đầu lòng của Định:
-Cháu đọc nốt chỗ ấy đi.
Chi cầm tờ báo lên hỏi:
-Thưa cô, chỗ nào cơ ạ?
-Chỗ người sắp bị bắt, bắn súng lục tự tử. Tên anh ta là gì, anh Hai nhỉ?
Định nói:
-Tên là Thái, người huyện ta đấy.
Dũng giật mình, buột miệng hỏi to:
-Ai? Làm sao?
Mấy quân bài trên tay chàng rơi xuống chiếu.
Định hỏi:
-Chú quen anh ta?
Dũng nhặt mấy quân bài lên đặt liền vào một chỗ, rồi nói:
-Không. Thấy nói là người huyện ta, nên ngỡ là quen. Chị Hai đánh cho xin một cây đi.
Dũng nhìn quân bài Thuận vừa đánh ra, lắc đầu:
-Ván đầu mà bài xấu quá, đến phải ngụp thôi.
Chàng hất cây bài cho Định ngồi cuối cánh rồi hút thuốc lá, đánh diêm châm hút. Hai tay chàng run mạnh nên châm mãi thuốc mới cháy, Dũng ngồi ưỡn người tựa vào thành ghế rồi bảo Chi:
-Cháu đưa cho chú tờ nhật trình. Chú đương đọc giở tiểu thuyết, đến đoạn này.
Định nói:
-Cái anh Thái ấy hình như bắn xoàng. Bắn ông phủ hai phát không trúng, bắn mình một phát lại trúng ngay.
Nói xong Định cười vì câu hỏi khôi hài của mình, Thuận cười theo chồng, nói:
-Còn kém cậu một tí. Hôm nọ bắn hai còng giằng lại chết một con cò. Anh chàng Thái ý chừng mới tập súng lục.
Định nói:
-Chừng như thế. Không biết anh ta con cái nhà ai? Chắc nhà giàu vì người ta khám thi thể thấy có gần trăm bạc trong túi. Bao nhiêu, chú Dũng nhỉ?
Dũng đương mãi đọc không nghe thấy lời Định hỏi, Hiền nói:
-Kìa chú Dũng, anh Hai hỏi. Đọc truyện gì mê mải thế?
Dũng gấp báo lại, hỏi:
-Anh Hai ù đấy à?
Mọi người cất tiếng cười rộ. Thuận nói:
-Chú Dũng mê ngủ hay sao. Chưa đánh được hai quân bài.
Dũng nói:
-Hay tôi nghỉ đánh thôi. Anh cả anh ấy làm tôi đánh mất cả hứng thú.
-Được, chú để đấy, ván sau tôi cầm hộ cho.
Dũng đứng lên, bước vội ra sân. Chàng lấy làm lạ rằng mình chỉ bàng hoàng ngây ngất như người mới nhận được một tin đột ngột quá, chứ không thấy đau khổ, không thấy thương xót người bạn mới khuất. Sau một hồi khích động mãnh liệt, Dũng thấy dần dần thấm vào lòng một nỗi êm ả xưa nay chưa từng thấy. Chàng có cái cảm tưởng rằng mình sắp thoát một nơi u ám nặng nề và một sự gì mới mẻ sắp nảy nở ra trong tâm hồn. Cái chết của Thái đối với Dũng chỉ là một sự thoát ly, nhưng Dũng thấy rằng người được thoát ly lại là chàng chứ không phải Thái. Nhiều ý nghĩ trái ngược hỗn độn hiện ra một lúc khiến Dũng không biết rõ hẳn lòng mình ra sao. Chàng cũng không muốn nhân cái chết của một người bạn để suy nghĩ về mình và hờn tủi cho mình.
Không muốn nghĩ ngợi mặc dầu, Dũng cũng tự nhiên cảm thấy rằng đã có thể không cần gì cả, liều chết như không thì những nỗi bực dọc của chàng ở trong gia đình, những duyên cớ vẫn làm chàng đau khổ bấy lâu, chiều hôm nay không đáng kể đến làm gì nữa, Dũng lẩm bẩm:
-Hay phải lúc nào cũng đợi cái chết thì sống mới không sợ sống.
Dũng ngửng đầu lên. Trời về chiều cao và yên tĩnh: Mảnh trăng thượng tuần sau rặng cây soan trông như một cái diều trắng ai mới thả lên ở đầu làng.
Dũng nghĩ đến Trúc và các bạn khác ở rải rác trong các làng quê, giờ này có lẽ cũng đương như chàng nghĩ đến Thái và ngẫm đến thân phận riêng của mình. Các bạn chàng đối với nhau chỉ có mỗi một dây liên lạc chung là tình bạn hữu, còn ngoài ra mỗi người đi theo một ngả đường, sống theo một cảnh đời riêng, yếu ớt, rời rạc. Thỉnh thoảng lại nghe tin một người trong bọn chết đi hay bị tù tội, rồi ai nấy trước số mệnh, chỉ việc cúi đầu, yên lặng, nơm nớp đợi đến lượt mình.