Chương 1
Tác giả: Nhật Tiến
Ai mang tôi đến chốn này .
Ban đêm thì tối, ban ngày thì đen...
Tiếng đàn rời rạc bật lên giữa những ngón tay của bác Tốn. Bác ấy đứng ở đằng sau. Không cần nhìn, Ích cũng biết hai con mắt của bác lim dim dưới ánh đèn sáng. Có thể bây giờ bác đang nhếch miệng cười vì tiếng đàn của bác đột nhiên căng lên phừn phựt. Những lúc hứng chí, bác hay bật dây đàn như thế. Bật xong thì bác cười, nụ cười vu vơ bao giờ cũng chỉ nhếch ra ở nửa miệng, làm bờ môi hơi trễ xuống, đồng thời gò má của bác dúm lại thành mấy nếp nhăn. Ích đứng ở đằng trước. Nó đang hát. Tiếng hát của nó rơi lạc lõng vào tiếng ồn ào của cửa tiệm. Những lúc ấy, đầu óc của Ích hay vấn vương ở trên ngọn đèn ống có những con thiêu thân đang nhảy múa. Nhiều khi chúng nó bay chấp chới quanh mấy sợi dây đèn hoặc trước cái mồm đỏ hỏn của những con thạch sùng. Mỗi lần mấy chú này chớp được một con thì Ích lấy làm khoái, cái khoái như lúc người ta ném vào mũ của bác Tốn một đồng bạc. Mắt Ích nhìn đi vẩn vơ như vậy mà miệng nó vẫn hát, vì thế có lúc chính Ích cũng không hiểu mình đang hát cho mọi người nghe bài gì. Điều ấy làm cái giọng đang trơn tru của nó tự nhiên tắc lại. Nó quên tịt ngay câu hát ở dưới, và nó đứng ì ra với một vẻ mặt hết sức đần độn. Bác Tốn thấy nó tự nhiên câm họng vội lấy cái cùi chỏ dúi vào lưng nó:
"Nhà ông làm sao thế?"
Ích nói:
"Quên mất rồi."
Bác Tốn vội búng sợi dây đàn dạo lại mấy nốt nhạc lúc trước. Ích vụt nhớ ra, nó vội vàng rít lên qua hai hàm răng sún:
"Chiều... chiều nhớ em khôn lòng nguôi... nhớ em khôn lòng nguôi...”
Tiếng đàn của bác Tốn lại kêu ròn ở phía đằng sau. Chắc bác ấy lại đang cười. Hát xong một bài, Ích lùi lại mấy bước. Bây giờ thì nó lại nhìn ra xung quanh. Mọi người có vẻ không nhớ rằng họ vừa được thưởng thức xong một bản nhạc. Những cái thìa vẫn múa lên trong từng bát phở bốc khói. Mùi nước dùng toả ra ngào ngạt. Ích hếch mũi lên cho cái hương vị thơm tho ấy thấm vào tận ruột. Nó nghĩ đến mấy khoanh hành tây trắng nõn xếp gọn gàng bên cạnh những lá hành hoa xanh biếc, rồi lại có cả tương ớt đỏ rưới lên những miếng thịt óng ánh mỡ vàng nữa. Tự nhiên nước bọt ứa ra chân răng làm Ích phải nuốt vào ừng ực. Bàn tay xương xẩu của bác Tốn chợt sờ soạng lên đầu Ích. Nó biết ý dẫn bác ta đi chầm chậm. Một tay nó nắm vào vạt áo tây vàng của bác, một tay nó chìa cái mũ dạ xuống từng bàn, không nói. Có một vài đồng bạc rơi vào lòng mũ. Ích nhón lên ấn vào túi bác. Bác Tốn mỉm cười gật gật. Sợi dây đàn bật lên rất khẽ dưới mấy ngón tay. Âm thanh rung nhè nhẹ và ngân dài trong bầu gỗ. Chợt thằng Ích đứng lại. Bác sờ tay lên đầu nó dò dẫm, thì ra nó thoáng trông thấy một lưng bát phở. Bát phở không có khói nhưng vẫn còn có thịt. Ích úp cái mũ lên đầu và bưng bát phở lên môi. Tiếng sợi phở kêu lách chách trên đầu lưỡi của nó. Mùi nước dùng thơm ngậy đưa thoang thoảng qua mũi bác Tốn, làm bác hếch mặt lên cười:
"Phở hả?"
Ích nói qua miệng bát:
"Phở!"
"Chín hay tái!"
"Chín!"
"Sướng mê đi rồi!"
Hàm răng bác Tốn đưa ra phía đằng trước. Mũi bác cũng hấp háy. Một dúm nước bọt quyện ở trong hàm, trôi một cách khó khăn qua cổ. Bác nghe thấy tiếng thằng bé mút chùn chụt và nhai khoái trá. Nghĩ đến món bở của nó bác gõ ngón tay lên bầu đàn rồi cười vu vơ. Nụ cười làm hai bờ môi của bác trễ xuống, kéo theo làn da má dúm dó lại. Mặt bác ngửa lên. Bác nom thấy một khoảng đục lờ lờ có những cái bóng mờ thấp thoáng phía đằng trước. Đứng ở đấy bác có thể nghe thấy tiếng quạt chạy vù vù trên đầu. Gió mát lùa qua lần cổ áo và mơn man trên lưng. Đâu đó quanh đây có mùi nước hoa và phấn thơm thoang thoảng. Cái hương vị rạo rực ấy khiến bác nhớ đến mỗi lần cô Huệ đi qua hàng rào vào lúc nửa đêm. Tiếng guốc của Huệ khua lóc cóc trên mặt đất gồ ghề. Một đôi lần có tiếng hỏi bâng quơ của mấy người phu xe tinh nghịch:
"Mệt không cô Huệ ơi?"
Huệ đáp chanh chua:
"Mệt cái phải gió! Cha tổ bố, ít tiền mà cứ muốn của đẹp!"
Cái chanh chua của Huệ làm bác Tốn rất khoái. Bác cười một mình trong bóng tối. Và bác hít nhè nhẹ mùi phấn thơm của nàng còn thoang thoảng trong gió mát ban đêm.
Khi Ích ăn xong bát phở, nó lại kéo bác đi chầm chậm. Cái mũ dạ lại chìa xuống từng bàn. Nhưng lần này không có đồng bạc nào được ném vào đấy cả. Bác bảo Ích:
"Tao đói rồi."
Ích vừa quệt ngang cái mồm còn bóng mỡ vừa hỏi:
"Về chưa?"
Bác Tốn hỏi lại nó:
"Mấy giờ rồi nhỉ?"
Ích bước ra ngoài, nhìn lên nền trời lặng lẽ có sao lưa thưa trên đỉnh đầu. Nó trông về phía những nóc nhà cao ngất đứng im lìm trong ánh sáng mờ nhạt. Ích đoán phỏng:
"Chắc gần một giờ."
Hai bác cháu dẫn nhau đi lầm lũi. Gió về đêm thổi lành lạnh. Bầu không khí nhẹ nhàng, mất hẳn cái ngột ngạt trong hiệu ăn. Đèn cuối phố úa vàng trên những lùm cây. Vài chiếc xích lô đi chầm chậm vào bóng tối. Mắt Ích bắt đầu thấy díu lại. Nó ngáp một cái thật dài và có mấy giọt nước mắt ứa ra nhếch nháp ở bờ mi. Ích nghĩ đến cái ổ rơm đầy muỗi và bóng tối. Nằm đấy, Ích có thể nhìn ra khung cửa đục lờ lờ của đêm mùa hạ. Những hôm có trăng, ánh sáng êm mát lùa vào tới tận mép chiếu. Khoảng sân đằng trước cũng sáng lên, soi rõ cái bể nước thấp lè tè xây cạnh mấy chum tương của u nó vẫn làm để bán ngoài chợ. Về đêm, lúc bắt đầu ngủ, Ích hay nghe thấy tiếng con Vện nằm nhá cái ống bơ lóc cóc ngoài ngõ. Xa xa, có tiếng bác Tốn hát vu vơ một mình vẳng lại từ phía bên kia bờ rào. Và trong bóng tối của nhà trên, Ích nghe thấy cả tiếng ngáy rất nặng nề của dượng Tám nữa. Thấy nó lâu không nói, bác Tốn hỏi:
"Ích nghĩ gì thế?"
Nó uể oải:
"Buồn ngủ ghê!"
Tiếng đàn bật lên khe khẽ. Bác Tốn không hỏi nữa, và lẩm nhẩm hát một mình trong miệng. Ích quay lại nhìn. Khuôn mặt trắng xanh và xương xương của bác có ánh đèn chiếu sáng một nửa. Mái tóc cắt ngắn ép sát vào vầng trán cao hơi dô. Hai mắt bác lúc nào cũng nhắm nghiền, cái miệng hay cười một nửa làm tăng vẻ ngạo nghễ, khôi hài. Ích thấy mến bác ở cái cười như thế. Điều mà nó khoái nhất là bác luôn luôn coi nó như một người lớn thật sự. Bác hay thủ thỉ với nó đủ các loại chuyện, từ chuyện nhà cửa, chuyện vợ chồng, chuyện đi ô tô, tầu bay, tầu ngầm, cho đến cả chuyện gái điếm nữa. Những lần hai bác cháu dẫn nhau đi qua ánh đèn đỏ gay gắt của các tiệm nhảy trên phố, có tiếng kèn xoáy vào không khí tĩnh mịch ban đêm, tiếng cốc tách va vào nhau lách cách, bác Tốn thường lắc lắc vai nó:
"Nhảy đầm khoái chứ nhỉ?"
Ích đáp có vẻ thành thạo:
"Khoái đứt đuôi đi ấy chứ lị."
"Dơ bỏ bố đi."
"Dơ mà lại khoái!"
"Khoái nhưng dơ! Đếch gì ôm nhau thế này, rồi lại đi uốn éo như vào xiếc. Tao thì tao khoái ở nhà với vợ hơn."
Ích cãi:
"Bác có vợ đếch đâu mà nói."
Bác Tốn cười hề hề:
"Không có nhưng mà phải biết chứ. Mày nhớn như tao rồi mày cũng biết."
Ích nói:
"Vợ chồng hay đánh nhau bỏ xừ đi."
Bác Tốn cười:
"Dào, vợ chồng như dượng với u mày thì nói làm chó gì. Phải biết hy sinh."
Ích hỏi:
"Hy sinh cái gì?"
"Cái gì mà không được. Nghĩa là nhường nhau. Tao mà có vợ thì tao nhường phải biết. Yêu không chê được."
Rồi bác lại bật dây đàn, hát lẩm nhẩm trong miệng:
"Cô Huệ ơi!
Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng..."
Hàm răng của bác lại đưa ra phía đằng trước. Nụ cười có vẻ ngạo nghễ lại nở trên vành môi. Nghĩ đến Huệ, lòng bác tự nhiên thấy nôn nao, cái nôn nao đầy êm ả.
Về đến vườn hoa, bác Tốn đòi nghỉ. Hai người ngồi xuống chân cột đèn. Cây đàn va vào nền xi măng reo lên một tiếng khô khan. Bác Tốn bảo:
"Bây giờ đếm cái đã."
Vừa nói, bác vừa chậm rãi móc túi lấy ra những tờ giấy bạc. Ích vuốt lại cho thẳng rồi xếp lên nhau. Bác hỏi:
"Mấy?"
Nó kiểm lại một lần nữa rồi nói:
"Hai mươi hai!"
"Vậy tao mười một, mày mười một."
Chia tiền xong hai người lại đứng dậy, Ích dặn:
"Về nhà bác nói chín thôi nhé."
Bác Tốn cấu vào lưng Ích, mắt bác tìm về phía nó:
"Ôn con, mày giấu hai làm gì?"
Ích vừa nhét hai đồng bạc vào sâu trong cạp quần, vừa đáp:
"Để đành ăn một chầu ga tô thật no."
"Ăn no thì hết mấy. Sức mày chỉ ba cái chứ gì."
Ích xì một cái rồi bĩu môi:
"Ba! Ba cái chả bõ dính răng. Bác thử bỏ chục cái ra đây xem nào. Cháu chỉ đớp một cái là hết xoẳn."
Vừa nói nó vừa nghĩ đến những cánh hoa bằng kem xanh đỏ rực rỡ rắc ở trên mặt bánh. Nó tưởng tượng nếu được ngoạm một miếng như thế thì chắc sướng phải biết! Nước bọt lại ứa ra trong mồm. Ích tắc lưỡi mấy cái y như nó đang được thưởng thức món thần tiên ấy. Bác Tốn nói:
"Tao thì tao khoái phở hơn."
"Sao hôm qua có mấy bát, bác không ăn?"
"Ai lại đi húp thừa ấy."
"Thế thì mua hẳn một bát. Phở gầu ròn, muối tiêu chanh ớt vào. Tuyệt!"
"Đắt bỏ bố đi. Những bẩy đồng một tô. Gần một buổi đi hát của nhà cháu đấy ông ạ!"
Ích cười khanh khách:
"Thế thì cả đời không bao giờ bác được ăn phở cả."
Bác Tốn cãi lại:
"Có chứ! Ngày xưa thì tao ăn khối ra. Lúc nào khoái là tao có phở ngay..."
"Ngày xưa thì nói làm đếch gì! Kể bây giờ cơ chứ. Cháu mà như bác thì gọi mua đàng hoàng. Phở nóng hổi, húp vào bỏng môi, cay sè lưới ra... khoái phải biết."
Bác Tốn cười vu vơ:
"Nói như bố chó xồm ấy. Phở nóng thì còn chê thế đếch nào được."
Nói đến chuyện phở, Ích chợt nghĩ đến em gái. Cái Ngoan vẫn ước ao được ăn một mình một bát phở, mặc dầu một đôi khi nó cũng đã được nếm cái hương vị thơm ngon ấy. Nhưng phở của nó chỉ là phở trộn cơm nguội mà dượng Tám ăn thừa cho nó, hết cả nóng, hết cả thịt, chỉ lõng bõng ít nước đục lờ đờ đỏ ửng lên vì ớt. Ích thấy thương em. Nó vẫn định bụng khi ăn bớt được tiền thì một bận nào đó sẽ dẫn em ra chợ. Nó sẽ ăn một chầu ga tô thật no, và em nó sẽ ăn riêng một mình một bát phở. Tuy vậy nó nơm nớp sợ dượng Tám. Nếu dượng ấy mà biết thì ốm đòn. Ích rùng mình khi nghĩ đến những lần dượng Tám say rượu đánh u chúng nó ở ngoài sân, chán tay rồi ngủ gục ngay ở bực cửa. Trong khi trên nhà xô xát ầm ĩ thì anh em nó lén xuống bếp ngồi trong xó tối. Ngoan khóc thút thít vì sợ. Tiếng dượng Tám gọi tên chúng nó giận dữ bên ngoài. Nhưng không bao giờ chúng nó dám thưa cả. Thưa thì chết. Dượng sẽ tóm chúng nó như tóm củ khoai. Và chúng nó sẽ bị dượng đá lăn lông lốc từ thềm hiên xuống sân đất. Bởi vậy chúng nó chỉ nín thở, nép mình vào ổ rơm, lặng yên nhìn ra khung cửa bếp in rõ nền trời lấp lánh những vì sao. Trời càng về khuya, gió lùa trong sân đất càng trở nên mát mẻ. Tiếng động trong xóm bớt dần dần, cho đến khi chúng nó chỉ còn nghe thấy tiếng u Tám nỉ non khóc một mình ở bậc cửa và tiếng dượng Tám ngáy pho pho ở đầu hè. Ánh trăng sáng tỏ soi rõ khuôn mặt ngây thơ của con bé. Má nó bầu bĩnh, miệng nó bĩu ra. Hai mắt nó còn ngấn lệ. Nhưng cũng có lần Ngoan thức đến khuya với anh. Hai đứa ngồi thủ thỉ nói chuyện với nhau. Ngoan kể với anh chuyện buổi sáng, chuyện buổi chiều. Có khi nó khoe với anh tờ giấy một đồng mới tinh mà nó kiếm được. Ngoan tuy nhỏ nhưng nhanh nhẹn, giỏi dắn. Nó giữ việc đi mua bán đồ đồng nát rồi đem về đổi cho bác Vang ở trong ngõ. Mới mười tuổi đầu, nhưng nó cũng đỡ được cho gia đình một món chi tiêu không phải là nhỏ. Câu chuyện của chúng nó chẳng bao giờ dứt. Chúng nó hay đố nhau xem ban ngày đã được ăn món gì sang nhất. Cả đời Ngoan chỉ nói được món ô mai vì ô mai rẻ nhất và hợp với ý thích của nó nhất. Còn thằng Ích thì nói ngay món phở thơm tho mà nó vẫn thưởng thức ở trên hiệu. Ngoan chịu thua ngay vì đối với Ngoan, phở là món quà lý tưởng rồi. Tuy vậy, nếu được ước ao, thì Ngoan không ước ao món phở. Nó mê một cái lược xanh thật đẹp cài trên đầu hơn. Chúng nó nói chuyện với nhau quên cả ngủ. U Tám đã hết khóc và nhà trên đã hoàn toàn im lặng. Ngoài ngõ chỉ còn thấp thoáng một vài cô áo trắng đi về. Có tiếng xe xích lô lăn khấp khểnh trên nền đất lồi lõm. Họ hỏi thăm nhau:
"Mệt không cô Huệ ơi..."
Vẫn tiếng chanh chua của Huệ:
"Mệt cái phải gió. Cha tổ bố, ít tiền mà cứ muốn của đẹp!"
Những lúc như thế là phải hơn hai giờ. Hai anh em Ích nằm ngủ quên trên đống lá. Giấc ngủ đến với chúng nó thật dễ dàng. Khuôn mặt thơ ngây của chúng thấp thoáng dưới ánh trăng lọt qua khung cửa. Cái Ngoan gối đầu lên chân của thằng Ích. Nhiều khi chúng nó ngủ quên, lăn mãi vào gầm chạn hay ghếch đùi lên cạnh liếp. Đến sáng, Ngoan dậy sớm, quẩy hai cái sọt xinh xinh đi lên phố. Ích ở nhà thổi cơm, gánh nước cho đến chiều thì đi hát với bác Tốn. Ngày trước hồi chưa có nó thì bác nuôi thằng Đăng, cũng bằng trạc tuổi nó. Thằng Đăng láu cá hơn Ích nhiều. Nó lại xin tiền dai như đỉa nên kiếm cho bác Tốn khá bộn. Cũng vì thế bác Tốn để dành được một món tiền lớn. Một dạo bác ta tầm ngầm có ý định cưới vợ. Những đồng bạc để dành, bác cẩn thận nhét vào cái ống tre ở thành chõng. Nhưng có lần bác để cho thằng Đăng trông thấy. Nó "chớp" luôn mấy nghìn bạc và trốn đi bịệt. Bác Tốn tiếc ngẩn tiếc ngơ như người mất vợ. Những đêm buồn, bác hay mang đàn ra gẩy ở ngoài sân rồi cất tiếng hát:
"Tôi mấy cô... không duyên, không nợ...
Tôi mấy cô... không vợ, không chồng..."
Giọng hát của bác buồn buồn vang trong ngõ vắng. Tiếng hát vẳng sang nhà Ích vào những đêm trời nóng nực, mọi người thao thức không ngủ. Dượng Tám nằm đập muỗi trong mùng nói vọng ra:
"Cái thằng, không mù thì khối đứa cảm."
Rồi không hiểu nghĩ lan man thế nào, dượng điều đình với bác cho Ích thay chỗ của thằng Đăng. Ích bỏ nghề kiếm củi khô để đi hát với bác từ dạo ấy.
*
Về đến nhà, Ích còn dặn bác Tốn một câu trước khi chia tay:
"Dượng cháu có hỏi thì bác nói chín thôi nhé."
Bác Tốn mỉm cười, gật gật. Bóng của bác quờ quạng đi trong sân đất. Tiếng đàn bật nhẹ và kêu rung rung trong bóng tối. Ích rẽ sang phía cổng nhà mình. Con Vện hực lên mấy tiếng. Ích vuốt lên đầu con vật mấy cái rồi đi thẳng lên thềm. Đèn trong nhà tối om om. Có tiếng cười rúc rích ở giường dượng Tám. Trong bóng tối, bàn tay cái Ngoan thò ra nắm lấy tay nó kéo xuống bếp. Ích hỏi:
"U đâu?"
Ngoan thì thào:
"U đi làm hồ từ hồi chiều rồi."
"Còn tương thì sao?"
"Mẻ tương này chậm vì lần trước không có đỗ ngon. Bác Nhan rủ, u đi rồi."
"Ai trong nhà thế?"
"Cô xóm trong!"
Hai đứa dừng lại. Tiếng cười len qua vách lá to hơn rồi im bặt. Ích dắt em ra đầu nhà. Thỉnh thoảng u chúng nó đi vắng, dượng Tám vẫn ngủ với một vài người như thế. Nhưng chẳng lần nào chúng nó dám mách cả. Cứ chỉ nhìn vào đôi mắt đỏ như tiết và nom như bốc lửa của dượng là bọn chúng nó cũng đủ dúm người lại rồi.
Hai đứa ngồi xuống thềm đất. Ngoan lấy ra cho Ích một gói nhỏ:
"Kẹo tây đây này!"
Ích mở to mắt trong bóng tối:
"Ở đâu ra thế?"
"Em mua đấy. Một đồng năm cái."
Ích xuýt xoa:
"Sang nhỉ! Hôm nay mày được bao nhiêu?"
"Có tám đồng."
Ích vội khoe:
"Tao có riêng gần một chục đây này."
Ngoan nắm lấy tay anh:
"Ở đâu ra mà nhiều thế?"
Ích định thú thật với em rằng mình đã ăn bớt tiền đi hát được, nhưng rồi nó lại ngập ngừng:
"Thì người ta cho chứ ở đâu."
Hai đứa im lặng một lúc lâu. Ích chợt nói:
"Tao sẽ cho mày ăn riêng một tô phở và mua thêm một cái lược."
Ngoan náo nức:
"Lược mầu xanh biếc ấy anh nhá."
"Được rồi, mai cùng đi rồi tha hồ mày chọn."
"Nhưng mua rồi thì giấu ở đâu."
Ích đáp:
"Tao có chỗ này kín lắm. Mai tao chỉ cho. Dượng Tám có tìm một ngày cũng không thấy được."
Ngoan chép miệng:
"Mình chán nhỉ. Có tiền mua mà cũng không dám dùng hẳn hoi."
Tự nhiên Ích thấy buồn buồn và thương Ngoan. Ít khi tình thương đến với nó một cách rõ ràng như thế. Thường thường có nghĩ đến em thì nó cũng chỉ biết để dành cho em cái bánh, cái kẹo là cùng, chứ không bao giờ Ích lại thấy lòng nôn nao một cách khó tả như thế. Nó nhìn trộm sang phía Ngoan. Khuôn mặt bầu bĩnh của con bé chìm mờ trong bóng tối. Bất giác Ích giơ tay tìm tay em. Ngoan lặng lẽ nắm hờ lấy anh, mắt nó nhìn long lanh ra phía ngoài sáng. Giây lâu nó bóc kẹo trao cho Ích. Hai anh em ngồi ngậm kẹo. Bốn bề im lặng chỉ có tiếng gió rì rào trên lùm cây xanh đen, xen lẫn tiếng chó sủa vu vơ ở phía đằng xa. Hai đứa cùng như cảm thấy một điều gì nhẹ nhõm. Mãi Ích mới nghĩ ra rằng tại u Tám đi vắng và dượng Tám đang ngủ với cô gái ở trên nhà. Chúng nó được tự do ngồi với nhau, lại có cả kẹo ngậm nữa. Vì thế đêm đã khuya rồi mà chúng nó chưa buồn ngủ. Ngoan kể với anh chuyện ban ngày, chuyện ở dọc đường, ở mọi nhà mà nó đến đổi đồ đồng nát. Nó nói với anh như mới khám phá một điều lạ:
"Anh Ích này, bé như em mà người ta cũng mượn đi làm cơ."
Ích đáp:
"Dĩ nhiên! Bằng mày mà không chạy được khối việc à."
"Em tưởng phải nhớn cơ chứ?"
"Nhớn công nhiều, bé công ít."
"Ít là bao nhiêu?"
Ích tịt mít. Nó cũng không hiểu cỡ như cái Ngoan đi ở thì một tháng được bao nhiêu tiền. Nhưng Ngoan đã ước lượng hộ nó:
"Chắc một trăm."
Ích cãi:
"Hơn chứ!"
"Một trăm có cơm nuôi. Đến tết lại được một bộ quần áo."
"Sao mày rõ thế?"
"Em hỏi mà lị. Giá dượng cho em đi làm như thế thì em đi ngay. Ở nhà, u với dượng hay đánh nhau, chán chết!"
Ích nói:
"Nhưng cũng còn hơn là làm đầy tớ người ta."
"Ồ! Mình cũng phải làm chứ có đi xin đâu mà sợ."
Rồi nó thấy mình lỡ lời, nên vội chữa:
"Như anh đấy, cũng phải hát mới có tiền chứ!"
Ích ngập ngừng:
"Chắc dượng không cho đâu!"
Ngoan thấy cái náo nức trong lòng đang nhen nhúm tự nhiên tắt hẳn. Anh nó nói đúng. Chẳng bao giờ u nó và dượng nó lại cho đi như thế. Ở nhà, nó còn đỡ được nhiều việc. Nó mà đi thì chỉ mình nó sướng thôi. Ngoan nghĩ đến những chiếc nhà tây hai, ba tầng, quét vôi sáng sủa. Buổi chiều có nắng chiếu lên những dàn hoa sặc sỡ. Sân gạch ở đằng trước đầy gió và bóng mát. Đã có lần nó đi theo người ta vào trong ấy khuân các đồ chai lọ. Nó đã được đứng trên mặt đá hoa mát lạnh mà chưa từng bao giờ nó đặt chân đến. Những vòi nước máy bằng đồng sáng loáng, mở ra có nước tuôn xối xả quyến rũ nó một cách lạ lùng. Ở trong căn nhà ấy, thứ gì, vật gì đối với nó cũng đều lạ mắt cả. Từ cái quạt cao hơn đầu dượng Tám dựng đứng, xoay khắp trong phòng, đến những ổ điện nhằng nhịt, những bàn, ghế, giường, nệm, tất cả tạo thành một thế giới riêng biệt, thần tiên, khác xa hẳn với căn nhà lá ẩm thấp và tối tăm của dượng nó ở xóm Cỏ này. Vì thế mà Ngoan vẫn nuôi cái mộng trong đầu là được rời xa chốn khốn khổ ấy. Nhất là nó sẽ chẳng còn phải chứng kiến cái cảnh dượng Tám uống rượu say rồi nắm từng mớ tóc của u nó mà giật. Những khi ấy, Ngoan có cảm tưởng như chính những mảng tóc của nó đang bị bật ra, và nó chỉ biết ngồi ôm mặt khóc.
Về phần u Tám, thì nhiều lúc u lầm lì như cục đất. Trong nhà, u chẳng hay nói với ai một lời vui vẻ, ngay cả đến anh em nó. Chúng nó nhận ra sự im lặng của u có một vẻ khác thường. Hình như u sống với chúng nó đấy, mà đầu óc chẳng để ý gì đến ai cả. Cặp mắt của u bạc nhược, khuôn mặt trắng xanh nổi lên những nét khắc khổ và mệt nhọc. U rất chăm làm, làm như một con vật mà lại là thứ con vật vô tri giác. Ấy thế mà dượng Tám chẳng mấy khi để cho u được yên cả. Tiền u kiếm được, dượng moi bằng hết để đi đánh bạc. Mỗi lần không có, thì dượng gây sự với u để lại túm lấy u và đánh như đánh một quân thù không đội trời chung. Nhiều khi u Tám cũng chống cự lại bằng sức lực yếu đuối của mình. Như thế, trong nhà lại tán loạn lên vì tiếng khóc và tiếng chửi rủa. Anh em Ích lại rúc vào ổ rơm mà trốn bịệt.
Nghĩ lan man thế nào, Ngoan tự nhiên rưng rưng khóc. Thấy nó không nói, Ích ngẩng lên nhìn và trông thấy những giọt nước mắt ứa ra trên hai má của Ngoan. Nó hỏi em:
"Ngoan làm sao thế?"
Ngoan không đáp chỉ lắc đầu, và bắt đầu khóc thành tiếng nho nhỏ. Ích vỗ lên lưng em, dỗ dành:
"Mày đi làm làm gì. Ở nhà có anh, có em sướng hơn.”
Ngoan càng lắc đầu mạnh. Nó biết không phải nó khóc vì không được đi làm. Nó chỉ tủi thân thôi. Mà tủi thân thì nói thế nào cho Ích hiểu được. Vì thế nó chỉ ôm hai tay lên mặt, im lặng cho dòng nước mắt nóng hổi chảy trên từng ngón tay nhớp nháp. Ích cũng ngồi yên không nói nữa. Cái vui nhẹ nhàng ban nãy không còn. Bây giờ chúng nó lại cảm thấy buồn hơn hết. Chúng nó nghĩ đến ngày mai, ngày kia và mãi mãi, buổi sáng phải đi mót củi khô và lá rụng ở mặt đường, buổi trưa nắng gắt, đi quẩy nước ở ngoài giếng, chiều tối, lúc dượng Tám uống rượu lảo đảo trở về, chửi lảm nhảm đến khuya. Mỗi cử động mạnh của dượng, ngay lúc dượng chẳng đánh ai cả, cũng đủ làm cho tim Ích đập nhanh trong lồng ngực. Ích nghĩ, dượng Tám thật là tráo trở, vui đấy, mà cũng giở mặt ngay đấy. Nhiều khi Ích dám có ý nghĩ là mình được cầm một con dao nhọn hoắt mà đâm mạnh vào tim dượng. Máu đỏ phun ra sẽ làm nó rất kinh sợ nhưng hẳn cũng hả hê biết mấy. Hả hê ngay từ khi nó mới chỉ tượng tượng ra như thế mà thôi. Cũng có lúc Ích ao ước mình được dẫn em bỏ trốn nhà ra đi. Nhưng điều ấy lại còn khó khăn hơn là sự cầm dao giết dượng Tám. Vì trong thành phố ồn ào này, tuy rộng rãi thật, nhưng nó chẳng biết là mình sẽ đi về đâu. Bất giác Ích thở dài, ngẩng lên nhìn về phía nhà trên. Ở trong vẫn tối om và chắc dượng Tám đã cùng cô gái ngủ say rồi. Nó trông lên nền trời xanh đen. Bây giờ có một lớp sương trắng đùng đục che mờ những vì sao thưa. Gió càng về đêm càng lạnh hơn và sương đêm hắt vào vai nó một cảm giác âm ẩm. Nó kéo Ngoan đứng dậy. Hai anh em dắt nhau xuống ngủ ở nền lá khô dưới bếp. Ngoan trở mình một lúc rồi nằm yên. Còn Ích thì nhìn rất lâu ra khung cửa đùng đục trắng. Ánh sáng nhàn nhạt lùa vào đống lá một vệt sáng nhờ. Ích thấy những mơ ước vẩn vơ của mình hiện lên ở trên nền cửa ấy. Những con thiêu thân trên ngọn đèn sáng ở ngoài tiệm phở bay mơ hồ qua lại. Tiếng đàn của bác Tốn văng vẳng bên tai nghe xa xôi. Ích thiếp đi trong những cảm giác chập chờn như thế...