CHÀNG QUAN TRIỀU
Tác giả: nhiều tác giả
Quan Triều mồ côi cha mẹ từ ngày còn nhỏ. Chàng được các bác các chú trong làng nuôi nấng dạy dỗ. Năm mười tám tuổi chàng lấy vợ.
Nghề chính của chàng là quăng chài, kéo vó ở ngoài sông. Vợ chàng thì vào rừng hái củi, mặc dù hai vợ chồng làm việc rất siêng năng nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn.
Làm nghề câu cá, chàng phải dậy trước gà chuồng để ra sông đặt vó từ lúc cá đang đói lòng và thức khuya để đón cá chơi trăng. Vì phải thức khuya dậy sớm như vậy nên có nhiều lần chàng ngủ vật bên bờ sông, bờ suối.
Một hôm, gặp phải ngày trời sương muối nặng hạt, gió bấc rít từng hồi. Quan Triều ngồi kéo vó khuya, hai con mắt chàng cứ ríu dần, cuối cùng chàng ngả lưng vào một gốc cây to rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Có một đoàn người đi qua đường, thấy chàng nằm co quắp ở dưới gốc cây : một người trong bọn họ bèn cởi áo đang mặc đắp cho chàng. Trời sáng rõ, chàng thức dậy. Thấy có cái áo không biết là của ai, liền cứ thế mặc vào rồi thu xếp trở về nhà.
Chàng về nhà giữa lúc vợ chàng đang sửa soạn đi kiếm củi. Điều lạ là Quan Triều gọi vợ, đi lại sát bên người vợ mà vợ vẫn không thấy chồng, mãi đến khi Quan Triều cởi bỏ áo ngoài ra, vợ chàng mới nhìn thấy chồng. Biết là áo có phép tàng hình, chàng sung sướng cất kỹ ở đầu giường để chờ dịp dùng đến ?
Năm ấy nhà vua thu nhiều vàng bạc chất vào kho để chi vào việc xây lâu đài cung điện. Nhân dân trong nước ngày càng đói khổ. Vợ chồng Quan Triều cũng lâm vào cảnh túng thiếu. Một hôm, chàng mặc áo thần rồi đi thẳng đến kinh đô, chàng thử vào kho nhà vua lấy trộm một ít vàng bạc về chi dùng. Chàng bước vào cổng, bọn lính gác, mắt mỏ tròn thao láo mà vẫn không thấy chàng. Quan Triều ôm một dúm bạc đi ra, bọn lính cũng mù tịt. Lần đầu tiên lấy được bạc, chàng càng thấy rõ giá trị của áo thần. Chàng lại vào kho lần thứ hai, thứ ba, không một ai phát hiện ra chàng. Từ đó ngày nào chàng cũng vào kho nhà vua lấy vàng bạc về phân phát cho bà con làng xóm. Rồi dần dà chàng đem vàng bạc chia cho cả những dân nghèo ở quanh vùng mọi người rất cảm phục. Vì dùng áo thần hàng ngày nên áo đã có chỗ rách. Thấy áo bị rách chàng cắt mảnh giấy dán lại, vì vậy mỗi khi chàng mặc áo thần đi lại, người ta thấy mụn vá tung tăng nhảy nhót tựa như một con bướm đang bay lượn trong không trung.
Hàng ngày vào kiểm tra, bọn quan quân thấy kho vàng của nhà vua ngày càng hao hụt thì lấy làm lạ, chúng tra hỏi bọn lính canh. Bọn lính cũng rất ngạc nhiên vì hàng ngày chúng canh gác cẩn mật, không hề thấy một người nào bén mảng, mà sao lại có chuyện mất trộm. Chúng bàn nhau chú ý canh gác nghiêm hơn. Suốt ngày hôm sau, chúng chỉ thấy ngoài một con bướm bay đi bay lại thì không có một người lạ nào, nhưng đến chiều khi xem lại đống vàng thì đã thấy mất hẳn bốn thỏi vàng thoi. Chúng nghĩ xa nghĩ gần “Hay là con bướm đã lấy trộm” lập tức chúng chuẩn bị săn con bướm. Hôm sau lại một con bướm bay vào, lưới liền sập xuống, chụp ngay được. Quan Triều liền bị bắt. Chúng giải chàng lên nộp vua. Nhà vua bèn hạ lệnh tống chàng vào nhà giam chờ ngày xử án.
Nhân dân quanh vùng, được tin Quan Triều bị bắt giam, liền rủ nhau kéo đến gặp vua, đồng thanh xin tha tội cho chàng. Nhưng vua sai quân lính đuổi họ ra khỏi cung.
Sáng hôm sau, giữa lúc nhà vua đang cùng các quan trong triều họp bàn xử tội Quan Triều thì chợt nghe cấp báo ở ngoài biên ải, quân giặc đông như kiến cỏ, đang hung hăng tiến sâu vào đất nước cướp của giết người. Nghe tin, nhà vua hốt hoảng hoãn ngay việc xử tội Quan Triều, dồn sức vào việc chống giặc. Thế giặc mạnh như vũ bão, quân nhà vua bị thua ở khắp nơi. Chúng đang tiến thẳng về kinh đô, nhà vua run lên bần bật, các tướng võ, các quan văn mặt mày tái mét, vì quân tung ra bao nhiêu bị tiêu diệt bấy nhiêu. Đã có kẻ bàn đến việc treo cờ hàng, hoàng hậu, phi tần cũng như các bà lớn nhà quan đều khóc sướt mướt. Nhân dân trong kinh thành kêu khóc như ri, ai nấy cuống cuồng đi tìm nơi lánh nạn.
Chợt có người nhớ tới Quan Triều là người có nhiều phép lạ, liền tâu vua xin tha cho chàng để chàng đem tài ra dẹp giặc cứu nước cứu dân. Nhà vua rất tức giận Quan Triều vì đã lấy mất của kho hơn bẩy trăm thỏi vàng, nhưng nghĩ tới ngai vàng, vua liền chuẩn lời tâu, ra lệnh ân xá cho chàng và cử chàng cầm quân đánh giặc. Vua hứa :
- Nếu nhà ngươi dẹp được giặc nước, ta không những tha tội chết cho mà còn phong chức tể tướng, hưởng lộc cao nhất trong các hàng văn võ...
Quan Triều được thả ra giữa lúc quân giặc đang rầm rập kéo đến chân thành vây kín kinh đô, giữa lúc mọi người đang hoang mang, hoảng hốt.
Sau khi nhận lệnh vua, Quan Triều liền kéo đại quân ra ngoài thành rồi đóng ở một nơi, chàng bảo họ :
- Để ta sang trại giặc dò thám tình hình, các người hãy sẵn sàng chờ lệnh ta tiến lên diệt giặc.
Nói xong chàng mặc áo thần vào rồi đi thẳng sang dinh trại giặc sục sạo khắp nơi. Bọn lính đông như kiến cỏ nhưng không một ai nhìn thấy chàng. Giữa lúc tên tướng giặc đang hung hăng thúc quân tiến đánh thì Quan Triều giật phắt thanh kiếm, thét lên một câu, chém đứt đôi người nó chết không kịp ngáp. Quân giặc mất tướng xôn xao như ong vỡ tổ, chúng giẫm đạp lên nhau, chạy trốn cả về biên ải, không một đứa nào dám ngoái cổ lại. Thừa thắng Quan Triều quay về trại, dẫn quân sĩ đuổi theo, tiêu diệt.
Thắng trận trở về, Quan Triều được nhà vua sai bày yến tiệc khoản đãi. Vua phong chức tể tướng cho chàng giữa muôn tiếng reo hò của quân sĩ và các quan văn võ triều đình.
Sau đó, chàng tâu vua bãi bỏ lệnh thu vàng bạc của dân để xây lâu đài, lại xin đem vàng bạc trong kho phân phát cho những người nghèo. Nhà vua nhất nhất nghe lời.
Trăm họ được no ấm. Nước nhà trở lại yên vui.
Về sau, khi Quan Triều chết, dân lập đền thờ để ghi nhớ công của chàng.*
Theo lời kể của cụ Hoàng Huy Toại
Thị xã Cao Bằng