nhiều tác giả
Ai cũng thi
Tác giả: nhiều tác giả
Trước kỳ thi tốt nghiệp trung học sơ sở, sếp đầu ngành giáo dục tỉnh triệu tập các trưởng phòng giáo dục các huyện, ra chỉ thị: "Tỉnh ta không được để mất mặt với các tỉnh bạn, nhất là khi lãnh đạo của bộ quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục của tỉnh ta. Do đó, tôi ra chỉ tiêu không huyện nào có học sinh thi rớt. Phải đậu 100%".
- Sếp yên tâm... - Các trưởng phòng giáo dục đồng thanh nhất trí nhận chỉ thị. Các ngài nghĩ: "Chuyện này giao cho các trường tự lo".
Vừa về đến nơi, các trưởng phòng giáo dục liền triệu tập hiệu trưởng các trường trong huyện nhà, ra chỉ thị:
- Huyện ta không được để mất mặt với các huyện khác, nhất là khi lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục huyện ta. Do đó, tôi ra chỉ tiêu không trường nào có học sinh thi rớt. Phải đậu 100%...
- Sếp yên tâm... - Hiệu trưởng các trường đồng thanh nhất trí nhận chỉ thị. Các ngài nghĩ: "Chuyện này giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp tự lo".
Các ngài hiệu trưởng, tất nhiên, không muốn trường mình bị tụt hạng, vì điều đó có nghĩa là hiệu trưởng không có năng lực. Mà không có năng lực nghĩa là con đường tiến thủ của các ngài đi tong. Do đó, các ngài bèn triệu tập giáo viên chủ nhiệm để ra chỉ tiêu:
- Các lớp phải đậu 100%, không có học sinh yếu kém...
Các giáo viên chủ nhiệm biết rằng nếu lớp mình có một học sinh thi rớt thì mình sẽ mất tiên tiến và con đường phát triển sẽ rất là lầy lội nên đồng thanh nhất trí.
Nhưng vấn đề là làm sao 100% học sinh đậu đây! Các giáo viên chủ nhiệm chặc lưỡi: "Chuyện này để gia đình học sinh tự lo". Thế là một chiến dịch "tém dẹp" bắt đầu. Các giáo viên chủ nhiệm bèn điểm mặt học sinh yếu có khả năng thi... không đậu để hành xử. Bước đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh học sinh lên và bảo:
- Con của anh (chị) không đủ sức học trường này, tội nghiệp. Tôi đề nghị anh (chị) đưa nó sang hệ bán công...
- Nhưng gần cuối học kỳ rồi, đâu có trường nào nhận?
Giáo viên chủ nhiệm cố thuyết phục:
- Con anh (chị) thi kỳ này cũng chẳng đậu... Nếu gia đình đồng ý chuyển sang trường nào khác, sang năm nếu không đậu thì trường sẽ nhận lại...
Đó là cách giải quyết nhẹ nhàng nhất. Nhưng còn những phụ huynh không đồng ý thì sao? Lúc ấy giáo viên chủ nhiệm sẽ chuyển sang chương trình "học sinh tự loại". Các học sinh yếu sẽ bị truy bài liên tục và giáo viên càng nhồi thì các em càng không hiểu gì cả... Và càng không hiểu gì cả thì càng bị kêu lên bảng, đứng trình diện trước lớp, được nêu tên trong danh sách học sinh yếu kém nhiều hơn... Sau cùng, không chịu đựng nổi sự tra tấn tinh thần, chính các em học sinh phải tự động... trốn học, hàng ngày vẫn cắp sách đến trường nhưng không đến trường mà lại đi đâu đó... Đến khi cha mẹ phát hiện thì cũng phải xin chuyển trường hoặc bị đuổi học mà thôi.
Từ lúc lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đến khi có kỳ thi thì các trường cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu làm sạch học sinh dốt. Các em đó đi đâu về đâu, giáo viên chủ nhiệm không cần biết. Lãnh đạo tỉnh, huyện lại càng không cần biết. Chuyện ấy xã hội lo. Điều mà họ quan tâm là con số phần trăm sau các kỳ thi... thành tích mà họ phải đậu cho được.
Đời ai cũng phải thi cả mà!