Mật bánh cay đắng
Tác giả: O. Henry
Trong khi chúng tôi đang lo lùa đàn bò ở Frio, một nhánh cỏ khô trên mặt đất làm vướng chân con ngựa tôi đang cưỡi khiến tôi ngã nhào, và bị trặc cổ chân. Tôi phải nằm dưỡng một tuần trong lán.
Đến ngày thứ ba, vì buồn chán tôi bò ra gần chiếc xe goòng dùng làm bếp nấu ăn, thúc thủ nằm đấy trong lửa khói đối thoại của Judson Odom, anh bếp của lán trại. Jud có tính hay độ thoại, cái tật Định Mệnh đã ban cho anh làm anh cứ mãi khát khao tìm thính giả. Thế là tôi phải cố nằm chịu trận nghe anh cà kê.
Đến một lúc, tôi thèm ăn một thứ gì đấy mà không phải là các món hàng ngày của lán. Trong trí tôi hiện ra một chiếc bánh nướng mẫu tử “dầy như mối tình đầu, và hoang sơ với mọi nuối tiếc”. Nên tôi hỏi:
-Jud, anh có thể làm bánh rán cho tôi ăn được không?
Jud xông đến tôi, và tôi thấy anh có dáng vẻ đe dọa pha bất bình, đôi mắt xanh của anh chằm chằm nhìn tôi trong hồ nghi và lạnh lùng:
-Này, anh có ý thẳng thắn không, hay là chế nhạo tôi? Có phải mấy đứa đã kể cho anh nghe về tôi và câu chuyện bánh rán không?
Tôi thành thật nói:
-Không có đâu, Jud. Tôi nói thật mà. Tôi hầu như có thể đổi con ngựa của tôi kể cả yên cương để lấy một chiếc bánh rán nâu dòn phết bơ với nhựa1 New Orleans đầu mùa. Có một câu chuyện về bánh rán à?
Jud dịu lại ngay khi anh thấy là tôi không có ý gì xỏ xiên. Anh mang ra vài cái bao và hộp thiếc kỳ bí từ chiếc xe goòng nhà bếp. Tôi nhìn anh bắt đầu thong thả sắp xếp các món này và tháo ra các dây buộc. Jud nói:
-Không, không phải là một câu chuyện. Chỉ là mấy điều tiết lộ về trường hợp của tôi và cái tên nuôi cừu đau mắt đỏ Trại Mired Mule Canada với cô Willella Learight. Tôi có thể kể cho anh nghe.
***
Thời ấy, tôi đang chăn bò cho ông già Bill Toomey ở San Miguel. Một ngày nọ, tôi cảm thấy thèm ăn thừ gì đấy trừ món đã từng kêu “mu-u” hoặc “ba-a” hoặc khụt khịt hoặc cục tác. Nên tôi phóng ngựa đến quán tạp hóa của bác Emsley Telfair tại Pimienta Crossing vùng Nuecess.
Khoảng ba giờ chiều tôi bước vào cửa hàng bác Emsley. Tôi leo lên ngồi tại cái quầy, bảo bác Emsley là mọi dấu hiệu đều cho thấy sản lượng trái cây của thế giới bị tàn phá. Trong vòng một phút, tôi đã có một bao bánh nướng dòn và một chiếc thìa cán dài, với mỗi thứ một hộp: mơ, dứa, anh đào, vân vân. Tôi cảm thấy như mình là ông Adam trước khi nếm phải trái cấm. Khi đang làm việc với chiếc thìa cán dài thì tôi bất chợt nhìn qua cửa sổ trông ra khu vườn nhà bác Emsley gần cửa hàng.
Một cô gái đang đứng đấy – một người con gái được nhập khẩu toàn bộ kể cả phụ tùng, nhìn tôi đang khuyến khích công nghệ đóng hộp.
Tôi tuột khỏi cái quầy và hỏi chuyện bác Emsley. Ông nói: “Cháu gái tôi đấy, Willella Learight, từ Palestine2 tới chơi. Anh muốn tôi giới thiệu với nó không?”
Tâm tư chao đảo, tôi nghĩ: “Thánh thần ơi! Tại sao lại không? Chắc chắn là có đầy cô tiên ở cái xứ Pales – “. Nên tôi nói to với bác Emsley: “Tôi muốn lắm, bác Emsley ạ. Tôi thiết tha muốn gặp cô Learight”.
Thế là bác Emsley dẫn tôi đến khu vườn và giới thiệu hai đứa tôi với nhau.
Tôi không bao giờ e thẹn với phụ nữ. Tôi không thể hiểu tại sao lại có người có thể thuần hóa một con ngựa rừng xong xuôi trước bữa sáng và cạo râu trong bóng tối, nhưng đứng trước phụ nữ tay chân lại lóng ngóng, mồ hôi nhỏ giọt và cứ ríu rít xin lỗi! Chỉ trong vòng tám phút, tôi và Willella đã trở nên thân thiết với nhau cứ như hai anh em cô cậu ấy! Cô chế diễu tôi về số lượng trái cây đóng hộp tôi tiêu thụ, và tôi trả đũa lại về chuyện có một phụ nữ tên Eva đã bắt đầu làm rối reng với cái quả trong cánh đồng cỏ tự do đầu tiên của nhân loại. Tôi nói, dễ dàng như thể trói con bò một tuổi: “Chuyện này xảy ra ở Palestine phải không?”
Đấy là cách tôi tiếp cận thân mật với cô Willella Learight, và tình thân nảy nở dần. Cô đang đến ở chơi tại Pimienta Crossing để dưỡng sức khỏe, thế là rất hay, và khí hậu ở đây nóng hơn khoảng 40 phần trăm. Tôi phóng ngựa đến thăm cô mỗi tuần một lần, và rồi tôi tính ra nếu tôi tăng gấp đôi số chuyến đi, tôi sẽ được gặp cô nhiều gấp hai lần.
Có một tuần, tôi lẻn đến đấy lần thứ ba, và đấy là lúc chuyện bánh rán và cái tên nuôi cừu đau mắt đỏ bắt đầu.
Chiều ấy, trong khi tôi đang ngốn ngấu một quả đào và hai quả mận trong miệng, tôi hỏi thăm bác Emsley về cô Willella. Ông bảo: “Sao hở? Cô ấy đang cưỡi ngựa đi chơi với Jackson Bird, người nuôi cừu ở trại Mired Mule Canada.”
Tôi nghẹn cổ họng, nuốt nhầm luôn hạt đào và hai hạt mận. Hình như có ai đấy giúp nắm chặt cái quầy khi tôi tuột xuống, và rồi tôi bước thẳng ra ngoài đến khi đầu tôi va phải bụi gai nơi tôi cột con ngựa. Tôi thầm thì vào tai nó: “Cô ta cưỡi ngựa đi chơi với Jack, cái tên lừa chở thuê của trại Man’s Canada. Mày có nghe không?” Con ngựa của tôi khó rưng rức theo cách của nó. Nó đã được nuôi nấng thành ngựa của dân chăn bò nên không khoái mấy tên nuôi cừu.
Tôi trở vào trong, hỏi bác Emsley: “Ông nói hắn là tên nuôi cừu à?”
Ông bảo: “Tôi nói anh ấy nuôi cừu. Anh chắc đã nghe nói về Jackson Bird. Anh ấy có tám khu đồng cỏ và bốn nghìn con cừu thuộc dòng Cotswolds tốt nhất, ở vùng Arctic Circle.”
Tôi đi ra ngoài, ngồi dưới mái hiên cửa hàng, dựa vào một cây lê gai. Hai tay tôi thơ thẩn rót cát vào đôi giày ủng trong khi ca cẩm với chính mình về cái con chim nọ với bộ lông vũ mà Jackson khoác lên người.
Tôi không bao giờ muốn hại dân nuôi cừu. Một ngày nọ tôi thấy một anh chăn cừu học ngữ pháp Latin trên lưng ngựa, thế mà tôi vẫn không động đến anh ta. Họ không làm phiền đến tôi nhiều như dân chăn bò. Tôi luôn tẳng lờ họ như là bạn tảng lờ thỏ rừng, với ít câu lịch sự về mưa nắng, nhưng chưa bao giờ ăn uống với nhau. Tôi không bao giờ nghĩ đáng công gây sự với họ. Và vì tôi dễ dãi, để cho họ sống sót, nên giờ đây có một tên nuôi cừu rong ngựa đi chơi với cô Willella Learight!
Khoảng một giờ sau họ phi trở về, dừng lại trước cánh cổng của bác Emsley. Anh cừu đỡ cô xuống ngựa, và họ đứng trao đổi một lúc với nhau vài câu liến thoắng và tâm đắc. Và rồi cái tên Jackson có lông vũ này bay lên yên trở về trại cừu của hắn. Đến lúc này tôi đã trút hết cát ra khỏi đôi ủng và dứt người tôi ra khỏi mấy cây gai. Cách nửa dặm thì tôi bắt kịp hắn, cho ngựa chạy sóng hàng bên hắn.
Tôi nói dân chăn cừu có mắt đỏ, nhưng hắn thì không. Mắt hắn đủ xám, nhưng lông mi thì hồng và tóc màu cát. Như thế là bạn hiểu như thế nào rồi. Anh ta chăn dắt cừu à? Hắn không hơn gì anh bồng bế cừu non, nhỏ thó với khăn quàng lụa màu vàng khoac trên cổ, và đôi giày có cột nơ.
Tôi bảo hắn: “Chào. Anh đang đồng hành với Judson đây, biệt hiệu Tử thần Đạo đức, theo cách tôi bắn. Khi tôi muốn một người lạ biết đến tôi, tôi luôn luôn tự giới thiệu mình trước khi ra tay, vì tôi không muốn bắt tay với hồn ma.”
Hắn đáp lại lời chào: “À”, chỉ có thế. “À, hân hạnh được biết anh Judson. Tôi là Jackson Bird, ở Trại Mired Mule.”
Đúng lúc ấy tôi thấy một con chim chạy4 ngậm một con nhện lông trong mỏ, và một con diều hâu đang đậu trên một nhánh cây. Tôi rút súng bắn lần lượt cả hai con, để cho anh ta thấy tài thiện xạ của tôi. Tôi nói: “Hai trong số ba con chim. Chim chóc ở đâu cũng cứ làm tôi ngứa tay.”
Tên nuôi cừu không hề nháy mắt: “Bắn khá đấy. Nhưng có khi nào hụt phát thứ ba không? Tuần rồi có cơn mưa làm cỏ non xanh tốt, phải không ông Jackson?”
Tôi kề ngựa chạy sát vào hắn, nói: “Willie, cha mẹ anh có thể từ anh với cái tên Jackson, nhưng anh thay lông trở thành con chim Willie ríu rít. Nhưng anh nên bỏ qua việc phân tích mưa nắng để lo nói chuyện bên ngoài ngữ vựng của mấy con vẹt. Anh có thói quen không hay khi cưỡi ngựa đi chơi với các cô gái trẻ ở Pimienta. Tôi đã từng thấy chim chóc bị nướng vì tội nhẹ hơn. Willella không hề muốn cái tổ nào kết bằng lông cừu của mấy con chim chích họ Jackson đâu. Bây giờ anh muốn bỏ cuộc hay đấu tay đôi với tôi?”
Jackson cười: “Anh Judson, anh nghĩ lầm rồi. Tôi có đến gặp cô Learight, nhưng không phải với mục đích mà anh tưởng tượng. Mục đích của tôi là về ẩm thực.”
Tôi rút súng ra: “Tên chó sói nào dã man…”
Nhưng Jackson đã chặn lời: “Thong thả, để cho tôi giải thích. Tôi muốn có cô vợ để làm gì chứ? Nếu anh đã từng thấy trang trại của tôi! Tôi làm lấy mọi việc bếp núc may vá. Tôi chỉ khoái ăn – đấy là thú vui duy nhất từ nghề nuôi cừu. Anh Judson, anh đã từng nếm qua bánh rán do cô Learight làm chưa?”
Tôi bảo hắn: “Tôi à? Chưa. Tôi chưa từng nghe nói cô có tài nấu nướng.”
Hắn bảo: “Bánh rán do cô làm cứ như là ánh mặt trời vàng, nâu đậm màu mật ngọt. Tôi đã bỏ ra sáu năm để tìm công thức làm bánh rán. Tôi tìm gặp cô Learight chỉ vì việc này. Đây là công thức gia truyền trong dòng họ được bảy mươi lăm năm nay. Họ truyền nó từ đời này sang đời kia, mà không hề truyền cho người ngoài. Nếu tôi có thể lấy công thức này để tôi có thể tự làm trong trại của tôi, là tôi đủ mãn nguyện.”
Tôi hỏi lại hắn: “Có chắc là anh chỉ theo đuổi bàn tay làm bánh rán không?”
Hắn trả lời: “Đúng thế. Cô Learight là người rất dễ thương, nhưng xin anh tin là tôi không có ý định vượt quá môn ẩm…” Hắn thấy tôi đưa tay xuống bao súng, nên chữa lại: “vượt quá thiết tha muốn có một bản công thức làm bánh rán.”
Tôi cố tỏ ra công bình nên bảo hắn: “Tôi nghĩ anh không phải tệ. Tôi đã định làm đàn cừu của anh thành mồ côi, nhưng tôi để cho anh bay lần này. Nhưng anh chỉ nên lo chuyện bánh rán thôi, chứ đừng ăn nói chuyện đường mật lẫn lộn với mật làm bánh, nếu không sẽ có màn đồng ca ở trại anh mà anh không thể nghe được.”
Anh ta bảo tôi: “Để anh tin là tôi thành thật, tôi xin anh giúp tôi. Cô Learight và anh thân nhau, có thể cô ấy sẽ theo lời anh yêu cầu mà không nghe tôi. Nếu anh tìm cho tôi công thức bánh rán ấy, tôi hứa sẽ không đến gặp cô nữa.”
Tôi nói: “Thế là công bằng, tôi vui lòng giúp anh nếu có thể được.” Rồi tôi bắt tay Jackson Bird.
Năm ngày sau tôi mới có dịp ghé ngang Pimienta. Willella và tôi có một buổi tối vui vẻ với nhau ở nhà bác Emsley. Cô hát ít bài, chơi dương cầm với vô số trích đoạn từ nhạc dao hưởng. Tôi bắt chước tiếng rắn chuông cố hò hát, tôi nói về kỹ thuật lột da bò mới của ông Snaky McFee, và về chuyến đi của tôi đến Saint Louis. Hai đứa tôi tỏ ra khá thân ái với nhau. Thử nghĩ xem, nếu con chim Jackson chịu di thê thì kể như tôi thắng chắc. Tôi nhớ lại lời yêu cầu của hắn về công thức bánh rán, và tôi nghĩ nếu tôi thuyết phục được Willella để đưa cho anh ta cái công thức này thì xem như anh ta chỉ có thể nhảy nhót trên cây.
Thế nên, lúc khoảng mười giờ tối, tôi nở nụ cười cầu tài với Willella: “Bây giờ nếu có thứ nào làm anh mê hơn là một con bò thịt đỏ trên cỏ xanh, thì đấy là hương vị một chiếc bánh rán phết ngập mật đường.”
Willella bỗng giật nảy người trên chiếc ghế cô đang ngồi để đàn dương cầm, nhìn tôi một cách tò mò. Cô bảo: “Thế à, kể cũng hay. Con đường mà anh nói đã đến ở Saint Louis, tên là gì thế?”
Tôi nói: “Pancake Avenue – Đại lộ Bánh Rán”, và nheo mắt với cô để cho cô thấy là tôi có đủ thân thiết được nhận công thức gia truyền chứ không thể ở bên lề gia đình. Tôi bảo: “Này em Willella, nói cho anh biết em làm bánh rán như thế nào. Bánh rán đang quay mòng mòng trong đầu anh như là mấy bánh xe thồ. Bắt đầu xem nào: nửa cân bột, tám tá trứng, còm gì nữa…Danh sách các nguyên liệu cần thiết là như thế nào?”
Willella bảo: “Xin lỗi anh một chút.” Hình như cô thoáng liếc xéo tôi, rồi lướt ra khỏi chiếc ghế đánh đàn. Cô quày quả bước đi phòng trong, rồi bác Emsley bước vào, với một bình nước trong tay. Ông quay người đi lấy một chiếc cốc, và tôi nhìn thấy khẩu .45 giắt trong túi. Tôi nghĩ: “Ghê quá! Cái gia đình này xem công thức nấu nướng gia truyền quá trọng đại nên sẵn sàng dùng vũ khí để bảo vệ, trong khi mình đã từng thấy những tay lục lâm không đến nỗi dữ dằn đến thế này trong mấy mối thù truyền kiếp.”
Bác Emsley đưa tôi cốc nước, nói: “Uống đi. Hôm nay anh buông thả quá đáng, Jud, nên bị quá kích động. Cố nghĩ đến việc khác đi.”
Tôi hỏi: “Bác có biết làm bánh rán không, bác Emsley?”
Ông nói: “Tôi không tò mò muốn biết như người khác, nhưng tôi nghĩ anh lấy thuốc bả chuột trộn với ít bột mỳ với ít bột nở và bã bắp, rồi trộn với trứng và kem sữa như thường lệ. Có phải ông già Bill sắp chở bò đến Kansas City mùa xuân này không, hở Jud?”
Đêm ấy tôi lấy được cái công thức bánh rán như thế. Tôi không lạ gì mà Jackson Bird cứ như là lội dòng nước ngược để lấy nó. Nên tôi bỏ qua việc này và trong một thời gian nói chuyện với bác Emsley về loài bò có sừng rỗng và giông bão. Rồi Willella đi đến và tôi cảm thấy như nhận được luồng gió mát.
Khoảng một tuần sau, tôi gặp Jackson Bird từ Pimienta đang phi ra khi tôi đang phi vào. Chúng tôi dừng lại trên đường, trao đổi vài chuyện vẩn vơ. Tôi hỏi hắn: “Lấy được cái công thức chưa?”
Jackson bảo: “Chưa. Xem ra không thành công gì cả. Anh có thử hỏi không?”
Tôi đáp: “Có. Cứ như là cố dụ con chuột đồng ra khỏi hang với một cái vỏ đậu lạc! Cái công thức bánh rán này chắc là món gia bảo bí truyền, xem cách họ cứ khư khư bảo vệ thì biết!”
Jackson nói với giọng chán nản đến nỗi tôi cảm thấy tội nghiệp cho hắn: “Tôi gần như muốn bỏ cuộc, nhưng tôi hết sức muốn làm thế nào để có thể làm bánh rán mà ăn trong trang trại cô đơn của tôi. Tôi thao thức nhiều đêm cứ tưởng tượng nó ngon như thế nào.”
Tôi bảo hắn: “Anh tiếp tục dò hỏi, tôi cũng thế. Chẳng bao lâu một trong hai ta sẽ quăng được sợi dây lên sừng của nó.”
Anh biết không, đến lúc này thì hai đứa tôi đã ở trong tình trạng hòa nhã nhất. Khi tôi thấy hắn ta không theo đuổi Willella, tôi lại càng thấy khinh thường dai dẳng thêm cái tên chăn cừu này. Để giúp cho cao vọng tham ăn của hắn, tôi tiếp tục cố gắng lấy cái công thức từ Willella. Nhưng mỗi lần tôi vừa mở miệng “bánh rán” là cô tỏ ra xa cách với tôi, đôi mắt trở nên bất an, cố lái câu chuyện sang hướng khác. Nếu tôi cố nằn nì, cô sẽ chạy vọt ra rồi lùa bác Emsley vào với cái bình nước và khẩu súng giắt túi.
Một ngày kia, tôi phi đến cửa hàng với một bó hoa mã tiền xanh mà tôi cắt từ đồng cỏ. Bác Emsley nhìn bó hoa chỉ với một con mắt và hỏi: “Anh có nghe tin gì không?”
Tôi hỏi: “Bò đã lên giá à?”
Bác bảo: “Willella và Jackson Bird đã cưới nhau tại Palestine hôm qua. Tôi mới nhận thư sáng nay.”
Tôi ném bó hoa vào cái thùng rác nứt nẻ, từ từ để cái tin thấm vào tai tôi cho đến khi nó xuống đến chân tôi. Tôi nói: “Bác Emsley, xin bác vui lòng lặp lại cho tôi nghe được không? Có thể là tai tôi đã điếc, hay bác chỉ muốn nói là bò tơ nằm giá 4,8 đô một con hoặc đại loại như thế?”
Bác bảo: “Cưới nhau hôm qua. Đã đi Waco và Thác Niagara để hưởng tuần trăng mật. Anh không thấy dấu hiệu gì hết à? Jackson Bird đã đeo đuổi Willella ngay từ ngày đầu tiên anh ta mời cô đi cưỡi ngựa chơi.”
Tôi hỏi, gần như thét: “Thế thì cái chuyện hắn nói về bánh rán là như thế nào? Cho tôi biết xem!” Khi nghe đến “bánh rán”, bác Emsley né ra, bước thối lui. Tôi nói: “Có người chơi xỏ tôi về việc bánh rán, và tôi nghĩ là bác biết. Nói ra, nếu không tôi sẽ quậy đầy một chảo mỡ ở đây.” Tôi nhảy đến cái quầy theo sau bác Emsley. Ông định chụp lấy khẩu súng nhưng nó ở trong ngăn kéo, và ông bị chậm mấy phân. Tôi thộp lấy áo ông, kéo ông đến một góc. Tôi hỏi: “Nói về việc bánh rán đi. Willella có làm bánh rán không?”
Bác Emsley nói: “Trong đời nó chưa từng làm bánh rán, và tôi cũng chưa hề thấy một cái bánh rán nào. Bình tĩnh lại, Jud, bình tĩnh lại đi. Anh bị kích động, và vết thương trong đầu anh gây rối loạn trí óc của anh. Cố đừng nghĩ đến bánh rán nữa.”
Tôi nói: “Bác Emsley, tôi không có vết thương nào trong đầu. Jackson Bird bảo tôi là hắn đến tìm Willella chỉ để tìm công thức bánh rán gia truyền, và hắn nhờ tôi giúp. Tôi đã làm theo lời hắn, và kết quả như bác đã thấy. Có phải cái tên nuôi cừu đau mắt đỏ đã chơi tôi rạt gáo không, hay là sao?”
Bác Emsley nói: “ Anh buông áo tôi ra để tôi kể cho anh nghe. Đúng vậy, có vẻ như Jackson Bird đã lừa anh một cú. Cái ngày sau khi anh ấy dẫn Willella cưỡi ngựa đi chơi, anh ta trở về bảo với tôi và con nhỏ là phải đề phòng mỗi khi anh nói đến bánh rán. Jackson bảo ngày nọ anh đang ở trong lán khi người ta đang làm bánh rán, và có một tên lấy cái chảo nện cho anh một cú vào đầu. Jackson bảo mỗi khi anh bị kích động, vết thương gây nhức nhối và làm anh trở nên gần như là điên dại, rồi anh sẽ nói lung tung về bánh rán. Anh ta bảo chúng tôi chỉ cần đánh trống lảng và làm anh dịu xuống, và anh không phải là nguy hiểm gì. Thế nên, tôi và Willella cố gắng tìm mọi cách né anh như anh biết đấy. Hà hà! Cái tên Jackson Bird đúng là loại dân nuôi cừu hiếm có!”
***
Trong khi kể chuyện, Jud đã chậm rãi nhưng khéo léo pha trộn các phân lượng khác nhau từ mấy cái bao và hộp. Khi kể gần xong, anh đã đặt trước mặt tôi sản phẩm cuối cùng – một cặp bánh rán trên chảo thiếc. Từ một kẽ ngách nào đấy, anh lôi ra một thỏi bơ thơm ngậy và một chai mật vàng óng.
Tôi hỏi anh:
-Chuyện đã xảy ra bao lâu rồi?
-Ba năm. Bây giờ họ đang sống ở Trại Mired Mule. Nhưng tôi chưa từng gặp lại họ. Nghe nói Jackson Bird đã sửa sang trang trại của hắn với mấy cái ghế xích đu và màn cửa suốt cả quãng thời gian hắn cho tôi leo cây bánh rán. Dần dần tôi cũng nguôi ngoai. Nhưng bọn con trai cứ nhắc đến mãi.
Tôi hỏi anh:
-Có phải anh làm mấy chiếc bánh này với công thức nổi danh kia không?
-Có phải tôi đã nói cho anh biết là chả có công thức nào không? Bọn con trai cứ mè nheo đòi ăn bánh rán nên tôi phải cắt một công thức từ một tờ báo. Ăn được không?
-Ngon lắm. Sao anh không ăn một ít, Jud?
Tôi đoán chắc tôi đã nghe thấy một tiếng thở dài.
Jud nói:
-Tôi à? Tôi không bao giờ ăn bánh rán.
Chú thích
1. Nhựa được trích theo mùa từ một loài cây tích thụ (Anh ngữ: “maple” – cây phong), trông giống và ngọt tựa mật ong, thường được phết lên bánh rán.
2. Palestine ở đây là một thị trấn nhỏ ở Mỹ.
3. Judson xỏ xiên. Tên “Bird” nghĩa là chim chóc. Vài đoạn sau Judson cũng có ý nói xỏ tương tự.
4. Anh ngữ: “roadrunner” – loài chim nhỏ, bộ long màu sọc nâu và trắng, thường chạy hơn là bay, và chạy rất nhanh.