Chương 2
Tác giả: Ðoàn Thạch Biền
Khi Ðăng đến lấy bản thảo màn cuối của vở kịch về tập dượt, để thưởng công lao chăm chỉ làm việc của tôi, anh mời tôi đi ăn sáng ở nhà hàng Palace.
Chúng tôi ngồi ở một bộ bàn ghế đan bằng mây, sơn trắng, đặt ngoài hiên rộng. Ðăng uống cafe đen, tôi uống cafe sữa và chúng tôi cùng ăn bánh paté chaud.
Ðẩy tách cafe đã cạn một nửa sang bên, Ðăng móc túi lấy sổ tay có kẹp một cây bút chì nhỏ đặt trên bàn. Anh cúi xuống vẽ hí hoáy một hồi rồi giảng giải cho tôi biết ý định dàn cảnh trên sân khấu cho màn đầu của vở kịch.
Một tấm màn xám nhạt căng ở phía cuối sân khấu, tượng trưng cho bầu trời ban đêm. Một tấm bìa sơn đen cắt hình những mái nhà, tượng trưng cho thế giới ở xa. Một hàng rào màu trắng, phía sau có những bóng đèn màu tím chiếu hắt lên để tạo khoảng cách giữa thành phố và công viên. Ở phía trái sân khấu có một gốc cây vươn thẳng lên cao, tàn cây sẽ căng bằng những chiếc dù có mắc những bóng đèn xanh. Ở phía phải sân khấu đặt một ghế đá, đèn spotlight màu vàng sẫm sẽ chiếu thẳng xuống ghế đá có đôi tình nhân đang ngồi. Phần nhạc đệm sẽ dùng bài Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn, độc tấu bằng kèn saxo để có âm hưởng lê thê thích hợp với không khí màn đầu của vở kịch...
Nghe Ðăng nói, tôi luôn gật đầu tán thành. Tuy là người viết ra vở kịch, nhưng thú thực tôi cũng không biết phải làm thế nào cho vở kịch được sống động trên sâu khấu đúng như ý mình muốn. Khi xem một vở kịch, khán giả thường chú ý đến các diễn viên để nhận xét vở kịch thành công hay thất bại. Họ không biết một phần lớn của sự thành công hay thất bại đó chính là đạo diễn, người luôn luôn núp phía sau hậu trường.
Uống xong ngụm cafe, Ðăng nói:
- Dàn cảnh vậy có đúng ý tác giả?
Tôi cười:
- Còn hơn tác giả nữa vì tôi chưa nghĩ ra những điều đó trong khi viết.
Ðăng nói:
- Kịch mà. Nó đòi hỏi nhiều người cùng góp sức với nhau để xây dựng. Không như viết văn, chỉ một người lầm lũi làm việc.
Tôi nói:
- Chính vì vậy tôi thích viết kịch hơn viết văn làm thơ. Sau khi một mình cặm cụi làm việc trong phòng, tôi thích được ra ngoài cùng các bạn làm việc. Không khí bằng hữu giúp người ta dễ thở hơn.
Nhìn đồng hồ đeo tay, Ðăng nói:
- Tôi có hẹn lúc 8 giờ nên đi trước. Buổi chiều cậu nhớ đến hội trường lúc 4 giờ xem anh em tập dượt. Bây giờ cậu cần đi đâu, tôi chở cho một đoạn.
- Cám ơn. Tôi sẽ ngồi đây đến gần trưa rồi đi ăn cơm ở một quán cơm bình dân gần đây.
- Cậu làm gì trong suốt thời gian chờ đợi?
- Tôi nhìn bãi cỏ trước mặt.
Ðăng nhún vai:
- Cậu khó mà trở thành đạo diễn với tâm hồn thi sĩ.
Tôi cười:
- Cậu cũng khó mà trở thành người viết kịch nếu thiếu tâm hồn thi sĩ.
Ðăng cười, đứng dậy bắt tay tôi:
- Có lẽ tại kẻ thừa người thiếu nên chúng ta phải cộng tác với nhau.
Ðăng đi vào quầy tính tiền rồi anh đi ra bãi đậu xe lấy chiếc vespa. Nhà hàng xây trên đồi cao nên một lúc sau tôi thấy Ðăng phóng xe chạy trên con đường phía dưới thấp. Tóc anh để dài, gió thổi bay bồng bềnh về phía sau như một cụm mây. Trông dáng anh rất nghệ sĩ nhưng anh luôn luôn làm việc với một tinh thần khoa học. Ðó chính là lý do giúp anh thành công trong những công việc.
Còn một mình, tôi nâng tách cafe lên uống chậm rãi và ngắm nhìn bãi cỏ xanh trước mặt. Ở Ðà Lạt màu xanh có quá nhiều khiến tâm hồn con người thoải mái. Khác hẳn khu phố tôi ở Saigon, nơi màu xanh quá hiếm hoi nên đầu óc tôi thường căng thẳng.
Nắng buổi sáng vàng óng phủ lên bãi cỏ như một lớp mật. Những ngọn cỏ xanh mướt như những chiếc lưỡi nhỏ bé xinh xắn đang khoan khoái nếm hương vị mật ngọt dịu kia.
Tôi ngồi im say mê nhìn bãi cỏ gần nửa giờ. Rồi đầu óc quen hoạt động của tôi bắt đầu nhàm chán khung cảnh tĩnh lặng trước mặt. Tôi không biết phải làm gì để khỏa lấp khoảng thời gian chờ đợi đến giờ cơm trưa. Tôi không có thói quen ngồi viết ở nhà hàng như một vài nhà văn và phóng viên. Có lần đang ngồi viết trong phòng riêng, chợt ngẩng mặt lên nhìn thấy bóng mình trong gương, tôi đã phải đứng dậy đem chiếc gương soi để xa bàn viết vì không chịu được khuôn mặt của tôi trong gương. Khuôn mặt đó khi suy nghĩ trông "thộn" ra và ngu đần kinh khủng.
Tôi không có can đảm khoe "khuôn mặt đang suy nghĩ" ở chốn này.
Tôi móc túi lấy một món đồ chơi trẻ con mà tôi vẫn thường đem theo để đùa vui khi ngồi một mình rảnh rỗi.
Ðồ chơi là một chiếc hộp dẹp lớn bằng bao thuốc, mặt trên bằng nhựa trong suốt, đáy là lớp nhựa dày màu đen có đường rãnh chạy quanh co và nhiều ngõ ngách. Một hòn bi nhỏ mạ kền sáng loáng nằm sẵn trong lòng rãnh. Muốn chơi trò này chỉ cần lắc chiếc hộp cho hòn bi lăn đến đích nằm ở trung tâm chiếc hộp. Trò chơi rất giản dị nhưng không phải dễ thành công. Có lần tôi đã ngồi chơi suốt buổi sáng mà vẫn không đạt được kết quả. Ðường rãnh trơn trượt, nếu không khéo tay chỉ cần động nhẹ chiếc hộp, hòn bi sẽ lăn vào các ngõ ngách dẫn đi xa dần đích đến.
Ðồ chơi này tôi đã mua ở hè đường Lê Lợi Saigon. Chính người bán hàng cũng không biết gọi nó tên gì và tôi đã đặt cho nó cái tên "trò chơi giết thời giờ". Cái tên nghe hung bạo nhưng trò chơi rất hiền lành.
Tôi châm một điếu thuốc và bắt đầu trò chơi. Một tay nâng chiếc hộp lên, tôi giữ nó nằm ngang rồi khẽ nghiêng cho hòn bi chạy về điểm khởi hành. Tôi rung nhẹ bàn tay và hòn bi lăn đi, lăn đi...
- Lan Hương, con làm gì vậy?
- Con đi tìm nó.
Tôi giật mình bỏ hộp đồ chơi xuống bàn. Giọng trả lời vừa rồi chính là giọng của cô bé tôi đã gặp đêm qua. Tôi nhìn ra sân cỏ và nhận ra ngay cô bé nhờ chiếc khăn quàng cổ màu xanh lá cây có những đường kẻ ô vuông màu đỏ. Sáng nay em mặc áo len màu vàng nghệ và chiếc váy dài màu trắng, trông em rạng rỡ hơn đêm qua mặc y phục màu xanh đen. Người đàn bà nói chuyện với em đang đứng chống tay ở lan can ngoài hành lang. Bà ăn mặc rất sang trọng và kiểu cách.
- Ði vào con. Nó không có ở đó đâu.
Cô bé vừa bới tìm ở những bụi cỏ vừa trả lời:
- Con mới thấy nó nằm ở đâu đây mà.
- Má nói con đi vào, nghe chưa.
Giọng người đàn bà nghe có vẻ gay gắt. Cô bé ngước nhìn mẹ rồi đứng dậy. Người đàn bà rời lan can đi vào nhà hàng trước và cô bé cúi đầu lững thững đi từ sân cỏ vào hành lang một cách miễn cưỡng. Khi cô bé đi ngang qua bàn tôi đang ngồi, không ngăn được niềm vui khi gặp lại em, tôi nói:
- Này cô bé, em đã tìm thấy cái đó chưa?
Cô bé dừng lại, ngơ ngác nhìn tôi, có lẽ em không nhận ra tôi là người đã nói chuyện với em trong đêm qua:
- Ông nói tìm cái gì vậy?
- Cái mà em muốn tìm đó.
Cô bé tròn xoe đôi mắt, hỏi:
- Ông đã tìm thấy nó rồi à?
- Chưa. Nhưng chắc chắn tôi sẽ giúp em tìm thấy nó.
- Ông biết nó nằm ở đâu không?
- Ngoài bờ hồ.
- Ngoài bờ hồ? Ðêm qua em đã tìm ở đó rồi mà.
- Nhưng em chưa tìm kỹ. Có thể nó nằm lẫn trong những bụi cỏ.
Giọng người đàn bà lại réo gọi:
- Lan Hương.
Cô bé quay nhìn về phía nhà hàng, người mẹ đang đứng ở cửa giơ tay vẫy. Em quay lại nói với tôi:
- Xin lỗi, em phải vào với má. Tối nay em sẽ đến tìm lại ở bờ hồ. Ông có đến tìm giúp em?
- Tôi sẽ đến.
- Cám ơn ông.
Cô bé cúi đầu chào tôi rồi bước đi. Ðôi mắt em mở lớn như nhìn vào cõi xa xăm nào đó, nên bước chân của em thỉnh thoảng va chạm vào bàn ghế đặt ở hành lang. Tôi không tin cô bé đã mất trí nhớ. Tôi nghĩ tại em quá chú tâm đến cái mà em muốn tìm kiếm, nên em đã quên đi những sự việc xảy ra chung quanh. Ðã nhiều lần tôi cũng ở tình trạng như vậy. Khi đầu óc mải suy nghĩ một nhân vật trong vở kịch, tôi đã sống luôn trong bầu không khí của nhân vật và quên đi thực tế bên ngoài.
Ngày xưa, triết gia Socrate người Hy Lạp đi dạo trong vườn vì mải suy nghĩ ông đã xẩy chân rơi xuống giếng và phải nhờ người hầu gái kéo lên. Câu chuyện nghe có vẻ buồn cười. Nhưng nếu Socrate không có sự chú tâm suy nghĩ, ông đã không viết được những tác phẩm giá trị còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Cô bé kia chắc cũng vậy. Em cần phải chú tâm suy nghĩ mới nhớ đã đánh rơi cái đó ở đâu.
Chưa đến 11 giờ, tôi cũng kéo ghế đứng dậy rời khỏi nhà hàng. Kinh nghiệm ở quán cơm bình dân cho biết, tôi cần phải đến sớm để có chỗ ngồi tốt và được những món ăn nóng hổi.