Chương 4
Tác giả: Patrick Süskind
Madame Gaillard tuy chưa tới tuổi ba mươi mà như thể đã lìa đời. Bề ngoài bà có cái diện mạo của tuổi thật nhưng đồng thời già gấp hai, gấp ba, gấp trăm lần, giống như xác ướp của một cô gái, còn bên trong thì bà đã chết từ lâu. Lúc nhỏ bà bị ông bố nện que sắt cời lò sưởi vào trán, ngay phía trên sống mũi, từ đó bà mất khả năng ngửi cũng như mọi cảm giác về tình người nồng nàn hay lạnh lẽo và mọi xúc cảm. Do cái đánh đó mà sự dịu dàng cũng trở thành xa lạ giống như sự ghê tởm, niềm vui hay tuyệt vọng. Bà chẳng cảm thấy gì cả sau này, khi ăn nằm với một người đàn ông hay khi đẻ con. Đứa chết bà chẳng buồn mà đứa sống bà cũng chẳng hề vui. Bà không nhúc nhích khi bị chồng đánh mà cũng chẳng nhẹ nhõm khi ông ta chết vì bệnh tả ở Hotel Dieu. Bà chỉ biết có hai thứ cảm giác, đó là hơi ủ dột mỗi khi tháng tháng sắp đến kì bệnh đau nửa đầu làm tình làm tội và hơi thoải mái khi nó biến mất. Kỳ dư người phụ nữ chết mòn này không cảm thấy gì hết.
Mặt khác thì…hoặc giả có thể chính vì sự hoàn toàn không xúc động mà Madame Gaillard có một ý thức lạnh lùng về trật tự và công bằng. Bà không ưu ái riêng mà cũng không để thiệt đứa bé nào được gửi cho bà. Bà cho chúng ăn ngày ba bữa chứ không thêm một chút xíu nào. Bà thay tã cho chúng ba lần trong ngày và chỉ đến năm đầy hai tuổi thôi. Sau đó đứa nào còn bậy ra quần thì sẽ bị ăn bạt tai mà không hề được cảnh cáo trước và bị cắt một bữa ăn. Bà chỉ cho chúng đúng một nửa số lệ phí, giữ đúng nửa còn lại. Trong thời buổi rẻ rúng bà kgtìm cách giữ phần hơn, gặp lúc khó khăn cũng chẳng đòi thêm một xu nào dù lúc ấy là cả một vấn đề sinh tử. Nếu không thì việc bà làm chẳng đáng gì nữa cả. Bà cần tiền. Bà đã tính toán rất kỹ. Khi về già bà muốn mua hưu bổng, ngoài ra vẫn còn thừa tiền để bà đợi chết ở nhà chứ không chết khốn khổ ở Hotel Dieu như chồng bà. Bà chẳng đếm xỉa gì đến cái chết của chồng. Nhưng mà phải chết chung với hàng trăm người lạ làm bà rùng mình. Bà muốn được chết kín đáo vì thế bà cần trọn cái phần trong lệ phí. Đúng là có mùa đông chết tới ba hay bốn trong hai tá đứa ở trọ. Nhưng mà như thế là ít hơn hẳn so với phần lớn các bà vú khác, vượt xa những trại mồ côi lớn của nhà nước hay giáo hội mà tỉ lệ tử vong lên đến chín phần mười. Không sợ thiếu trẻ thay thế. Mỗi năm Paris cho ra đời hơn chục nghìn trẻ vô thừa nhận, hoang và mồ côi. Thành ra hơi đâu mà bận tâm trước những mất mát như thế.
Đôi với thằng nhỏ Grenouille thì cơ sở của Madame Gaillard là một phúc lớn. Có lẽ nó không thể sống ở một nơi khác. Nhưng ở đây, nơi người đàn bà ít phần hồn này, nó mau lớn. Cơ thể nó dẻo dai. Ai sống sót khi sinh ra trong bãi rác như nó thì không dễ bị tống khỏi cái thế giới này. Nó có thể ăn chỉ có cháo loãng ngày này qua ngày khác, nó chịu nổi thứ sữa loãng nhất cũng như rau thối và thịt ôi. Thời thơ ấu của nó qua được cái bệnh sởi, bệnh lị, bệnh tả, ngã xuống giếng sâu sáu mét và ngực bị phỏng nước sôi mà không chết. Tuy phải mang thẹo, da bị lở và đóng vẩy, thêm một cái chân bị tật nhẹ khiến phải đi cà nhắc nhưng nó sống. Nó dai dẳng như một con vi khuẩn dã quá quen thuốc và không đòi hỏi gì nhiều như một con bọ chét lặng lẽ ẩn trên cây, sống chỉ với một chút xíu máu hút được từ nhiều năm trước. Nó chỉ cần một chút tối thiểu thức ăn và quần áo. Còng chẳng cần gì cho phần hồn cả. Sự che chở, môi quan tâm, sự dịu dàng, tình yêu, những tình cảm mà người ta gọi bằng đủ thứ tên và cho rằng một đứa bé nhất thiêt phải có, thì với thằng nhỏ Grenouille là hoàn toàn không cần thiết. Hay đúng hơn có vẻ như tự nó không cần những thứ ấy để mà có thể sống sót được ngay từ đầu. Tiếng khóc khi nó chào đời, tiếng khóc vang ra từ dưới gầm bàn để được chú ý đến và đã đưa mẹ nó đến nơi hành quyết, không phải là tiếng khóc bản năng đòi được được sự thương xót hay tình yêu. Đó là tiếng khóc đã được cân nhắc, có thể nói là đã được cân nhắc chín chắn, qua đó đứa trẻ sơ sinh đã quyết định chống lại tình yêu, vì cuộc sống. Trong hoàn cảnh lúc ấy chọn cái sau là phải bỏ cái trước chứ nếu đòi hỏi cả hai thì chắc chắn nó sẽ chết khốn khổ ngay. Tất nhiên lúc ấy nó vẫn có thể chọn cái khả năng thứ hai, tức là không khóc và đi thẳng từ cửa sinh sang cửa tử mà không cần phải đi vòng qua cuộc sống, như thế nó sẽ bớt cho thế giới và cho bản thân không ít phiền lụy. Để từ giã cõi đời khiêm nhường như thế cần phải có đôi chút tối thiểu lòng tốt bẩm sinh nhưng Grenouille lại không có. Ngay từ đầu nó đã là một đứa khả ố. Nó quyết định chọn cuộc sống chỉ vì ngang ngạnh và độc ác.
Tất nhiên là nó không quyết định giống như người lớn, ít nhiều dùng đến lý trí và kinh nghiệm để chọn lựa giữa các khả năng. Nó quyết định giống như cây cỏ, như một hạt đậu rơi vãi tự quyết định nảy mầm hay không.
Hay giống như con bọ chét nọ trên cây mà cuộc đời không mời chào gì hơn là giấc ngủ đông triền miên. Cái con bọ chét nhỏ bé ghê tởm ấy cuộn cái thân màu xám chì thành hình cầu để thu diện tích tiếp xúc với bên ngoài đến mức nhỏ nhất, nó làm cho da nhẵn và khô cứng để không toả gì ra cả, dù chỉ một chút mồ hôi. Nó hết sức thu nhỏ mình kín đáo để không ai thấy và xéo chết nó. Con bọ chét cô đơn thu mình nằm cuộn trên cây, mù, câm và điếc, chỉ lo đánh hơi, đánh hơi suốt năm, hàng dặm xa, mùi máu của những con vật mà nó không bao giờ tự sức bò tới nổi. Con bọ chét có thể để tự rơi mình xuống chứ. Nó có thể để rơi trên đất rừng, bò bằng sáu cái cẳng nhỏ xíu vài milimét tới chỗ này chỗ nọ rồi rúc xuống dưới lá nằm chờ chết chứ, và lạy Chúa, chẳng có gì đáng tiếc cả. Nhưng con bọ chét ngang ngạnh, ngoan cố và ghê tởm cứ co mình lại trên cây, sống và chờ đợi. Chờ cho đến khi mà hết sức ngẫu nhiên, máu, dưới dạng một con vật, tới ngay dưới gốc cây. Chỉ khi ấy nó mới không còn thận trọng, buông mình xuống, bấu, xoi và cắn vào thịt con vật lạ…
Thằng bé Grenouille là một con bọ chét như thế. Nó sống khép kín và chờ thời. Nó chẳng cho thế giới cái gì khác ngoài phân, không cười mỉm, không khóc, không ánh mắt và không cả mùi của chính nó. Gặp phải người phụ nữ khác thì cái đứa nhỏ quái dị này đã bị tống cổ đi rồi. Madame Gaillard không thế. Bà không ngửi ra được rằng nó không có mùi và cũng không hề chờ đợi một sự xúc động trong tâm hồn nó vì chính tâm hồn bà đã bị khoá chặt.
Lũ trẻ kia ngược lại, cảm thấy ngay Grenouille muốn gì. Ngay ngày đầu kẻ mới tới đã là mối đe doạ đối với chúng. Chúng né tránh cái thùng gỗ nó nằm, và nằm sát nhau hơn như thể căn phòng bị lạnh hơn vậy. Thỉnh thoảng những đứa nhỏ nhất khóc trong đêm, chúng thấy như có gió lùa qua phòng. Những đứa khác chiêm bao đã bị cái gì đấy lấy đi hơi thở. Có một lần mấy đứa lớn hùa nhau định làm nó chết nghẹt. Chúng phủ giẻ, chăn và rơm lên mặt nó rồi lấy gạch đè lên. Sáng hôm sau khi Madame Gaillard lôi nó ra khỏi thì nó nhầu nát, bầm dập, thâm tím nhưng không chết. Chúng thử thêm mấy lần nữa nhưng vô ích. Cách chắc chắn hơn là bóp cổ nó bằng tay, hoặc bịt mũi, bịt mồm nó thì chúng không dám. Chúng không muốn đụng chạm vào nó. Chúng ghê tởm nó như thể ghê tởm một con nhện to mà người ta không muốn tự tay bóp chết.
Khi nó lớn hơn thì chúng bỏ ý định giết nó. Hẳn chúng đã thấy rằng không thể diệt nó được. Thay vào đấy chúng né tránh, chạy xa nó, bằng mọi cách tránh chạm vào người nó. Chúng không ghét nó. Chúng cũng không ghen hay tranh ăn với nó. Trong nhà của Madame Gaillard không có cơ hội nhỏ nào cho những cảm nghĩ như thế. Chúng bị xáo trộn vì sự có mặt của nó, thế thôi. Chúng không ngửi thấy mùi nó. Nên chúng sợ nó.