Phần III
Tác giả: Phạm Ngọc Tiến
Thực ra ý định dâng hiến sự trinh bạch của chị đã mãnh liệt ngay từ loạt bắn đầu tiên của kẻ thù. Có lẽ không phải thế, ý định ấy đã đến với chị từ trước. Nó hình thành ngay từ buổi sớm hôm nào bên bờ suối. Chị không hề đắn đo. Còn đắn đo gì nữa, biết đâu chỉ trong khoảnh khắc cả chị và người lính sẽ không còn. Chàng trai trẻ thế. Không, em ơi hãy nhận một chút ít tâm hồn chị để trở thành người đàn ông chân chính, để đừng phải mang niềm tiếc nuối đơn giản kia, nếu chẳng may em vĩnh viễn ra đi từ cuộc chiến tranh khốc liệt này.
Người lính thoáng chút ngỡ ngàng. Rồi anh chợt hiểu. Anh run rẩy áp thân thể thanh xuân của mình vào chị. Tràn ngập trong cảm giác hạnh phúc đến mãn nguyện. Chị nín thở cố giữ thật lâu niềm hạnh phúc ấy. Hạnh phúc ơi! Ðấy là nỗi ám ảnh đã dầy vò chị. Ðấy là mất mát chia ly làm đau đớn chị. Ðấy là niềm nuối tiếc trẻ trai, chị cần san sẻ. Ðấy là sự dâng hiến của chị. Hạnh phúc. Dòng máu ấm, âm ỉ lan tỏa khắp cơ thể chị. Nước bỗng rút. Mưa bỗng tạnh. Ðạn ngừng nổ. Tiếng máy bay câm bặt. Và thời gian ngừng trôi.
Chị hoàn toàn mãn nguyện. Sau này, khi có những chàng trai trẻ đi qua cuộc đời chị, trở thành đàn ông, chị vẫn giữ nguyên vẹn được cảm giác mãn nguyện của lần đầu tiên dâng hiến. Người lính trẻ xúc động tràn nước mắt: "Chị, đời con gái của chị...". Lúc ấy, chị khe khẽ lắc đầu. Hình như chị đã mỉm cười. Chị âu yếm vuốt tóc người lính. "Ðừng khóc em. Kìa nín đi. Ðàn ông sao lại khóc". Chị thoáng thấy bóng anh. Mặt anh rạng rỡ. Nỗi ám ảnh nhẹ dần. Ðúng là chị đã mỉm cười. "Suốt đời, không bao giờ em quên được chị". Chẳng cần phải thế đâu em. Chị hạnh phúc lắm rồi.
Cảm giác mãn nguyện của hạnh phúc làm chị vững tin. Vững tin đến lạ thường. Ngay cả lúc chị đứng trước cơn giận dữ của đồng đội đang kết tội chị, chị vẫn thấy lòng mình thanh thản. Chị im lặng đón nhận sự giận dữ tất yếu ấy.
Chị không nói một lời thanh minh. Thanh minh điều gì nữa. Mọi thứ đã rõ ràng. Chị thấy thương đồng đội của mình. Họ tốt quá. Họ vất vả vì chị. Chị biết ơn họ. Ðồng đội ơi, tôi xin gánh chịu tất cả. Chỉ đến khi người ta lôi ra từ bồng tay của chị vài thứ kỷ vật nho nhỏ những người lính để lại khi chia tay, thì lòng chị thực sự cồn lên. Mặt chị tái đi. Bất giác chị đưa tay áp vào vùng bụng. ở đấy phát ra những nhịp thở mỏng manh, yếu ớt. Chiếc bút máy, tấm ảnh ghi dòng địa chỉ, một cánh bằng lăng ép khô, chiếc huy hiệu, cái lược từ xác máy bay, có cả một chiếc nhẫn bằng bạc để chị đeo kỵ gió... Từng khuôn mặt hiện lên. Họ đã trở thành đàn ông. Những người nào trong số ấy đã nằm xuống. Chị lảo đảo ôm chặt lấy bụng. Niềm hạnh phúc của chị đang quẫy đạp. Anh ơi, con của chúng mình...
*
* *
À ơi, con ngủ cho ngoan.
Chị sẽ được làm mẹ. Vào những lúc một mình, chị khe khẽ hát bài ru con. Chị mong nó sẽ là con trai để được mang hình hài anh. "à ơi con ngủ cho ngoan", cây hát ấy lần đầu tiên bật ra trong giây phúc chị dâng hiến cho người lính trẻ. Chẳng hiểu sao người lính mãi rúc khuôn mặt non tơ của mình vào ngực chị. Chị thấy âm ấm vùng ngực. Có một dòng máu rần rật chuyển.
Ngực chị cương lên. Chị thấy lòng ấm áp quá. Cảm giác lạ lùng lần đầu tiên òa đến khiến chị xao xuyến. Chị thấy thân thể mình lớn vút và hồn mình rộng ra, rộng mãi. Cõi lòng chị mênh mông, bao dung. Có một cái gì đấy nhè nhẹ, nhè nhẹ... động cựa nơi bụng chị. Cảm giác ấy rõ dần. Chị thấy váng vất. ý nghĩ được hạnh phúc làm mẹ vụt đến lớn quá. Chị sẽ được làm mẹ! Và câu hát ru của ngàn đời ngàn đời, chẳng biết ký thác vào tâm hồn chị từ bao giờ, khoảng khắc ấy bật ra, ngân nga: "à ơi con ngủ cho ngoan". Cả chị, cả người đàn ông đang thiêm thiếp trên ngực chị đều sửng sốt, lặng đi trước lời ru dịu dàng của mẹ. Hạnh phúc. Chị sắp được làm mẹ.
Đêm nay, chị cố thức để khâu xong cho con bộ quần áo lọt lòng. Giá không có chặp bom lúc nửa đêm hẳn chị đã hoàn tất công việc. Vừa khâu chị vừa khe khẽ hát. Chợt một bóng người lao vào hầm. Ðèn pin lấp lóe rọi thẳng vào mặt chị. Chị giơ tay. Bộ quần áo bé xíu thành tấm chắn luồng sáng độc ác. Chị không lạ gì hắn. Người đó cùng đơn vị. Từ lâu hắn đã khao khát chị. Rất nhiều lần chị đã thẳng thừng cự tuyệt nỗi ô nhục ấy. Giọng hắn rít lên khác thường:
- Sao? Cô không biết gì à? Trận bom vừa rồi tám đồng chí của ta đã trở thành liệt sĩ. Vậy mà cô vẫn thản nhiên chuẩn bị cái công việc nhơ nhuốc kia. Thật xấu hổ.
Chị đứng phắt dậy. Chị có thể bị nhục mạ, có thể mất mát tất cả và chịu đựng đến cùng. Song, chị không thể để đứa con của chị, đứa con của những người lính bị xúc phạm. Ánh đèn pin quét xuống ngực chị. Linh cảm chẳng lành, chị lùi lại, lấy tay che ngực. Khoảng khắc của dục vọng. Người đàn ông sấn đến, hổn hển: "Tôi đã giữ cô ở lại. Tôi đã bỏ qua cho cô tất cả. Hôm nay chúng ta sòng phẳng. Cô hãy cho tôi điều mà những người lính khác được làm". Một cảm giác kinh tởm ập đến. Làm sao chị có thể chấp nhận điều nhục nhã ấy. Chị phải đâu sống cho đam mê của bản thân mình. Giọng chị đau đớn van vỉ: "Xin anh đừng làm thế. Ðừng làm nhục đứa bé. Ðừng làm nhục những người lính đã từng làm cha của nó. Có thể trong số họ có người nằm xuống. Xin hãy để linh hồn họ thanh thản yên nghỉ...". Chị chỉ kịp nói đến đây, chị bỗng thấy mình tối tăm mặt mũi. Chị bị quật xuống nền đất. Chị dãy dụa thật mạnh. Chị chồm dậy được, chị cố nhoài tay với khẩu AK treo trên vách. Không kịp. Một lần nữa chị bị quật ngã. Lần này mạnh hơn. Chưa bao giờ chị phải gánh chịu đau đớn đến thế. Con ơi! Thế là hết. Mẹ không giữ được con rồi. Tha lỗi cho mẹ.
Chị bươn bả chạy khắp rừng. Trong đêm tối, không xác định hướng chị vẫn lần tìm đến khúc suối dạo nọ. Ban mai. Sương bàng bạc. Nước bàng bạc. Da thịt cũng bàng bạc. Tất cả một mầu bàng bạc. Chị bất động giữa dòng suối như một pho tượng tạc vào thiên nhiên, im lặng tận hưởng đến cùng hạnh phúc và khổ đau vừa nếm trải. Chị khỏa nước nhè nhẹ. Chị áp tay vào bụng và chị hát thật khẽ: "à ơi con ngủ cho ngoan". Chị thấy lòng mình ấm áp. Vào chính giây phút ấy, chị hiểu rằng, linh hồn anh không hề lang thang với niềm tiếc nuối. Anh đã bình yên an nghỉ. Và họ, những người đàn ông đi qua cuộc đời chị, có ai trong số đó đã hy sinh vì Tổ quốc, chắc chắn trước lúc vĩnh viễn ngã xuống họ đã nghĩ đến chị.
III
Khi tôi vào chiến trường, câu chuyện về người đàn bà ấy đã lan truyền khắp các hướng mặt trận như một huyền thoại.
Ở mặt trận phía Ðông, người ta kể rằng, xác người đàn bà trôi dạt đến cuối nguồn. Phải đến tuần lễ sau mới tìm được. Không có một cỗ áo quan nào vừa thân thể chị. Phải hạ một cây dẻ to để lấy gỗ đóng hòm. Một trung đội công binh mất đến ngày trời mới hoàn thành nhiệm vụ. Ðó là chiếc áo quan to nhất, xưa nay chưa từng có ở chiến trường.
Ở mặt trận phía Tây, người ta kể rằng, không biết bằng cách nào người đàn bà leo lên được và treo cổ chết trên ngọn cây chò lớn vài chục người ôm, cao đến trăm mét và sống đến ngàn năm có lẻ. Phải vất vả mới hạ được xác chị an toàn. Sau đó một hôm, không bom đạn, không gió, mưa, sấm, sét, bỗng dưng cây chò sập đổ. Trước đấy, kể cả B52 cũng không đánh gục nó.
Ở mặt trận phía Nam, người ta kể rằng, sớm ấy, bất thần bom tọa độ chụp xuống khúc suối. Xác chị văng thành ngàn, vạn mảnh. Sau đó khu rừng trở nên tốt tươi kỳ lạ. Hoa lá, cỏ cây, chim chóc chen chúc ríu rít. Bom đạn, chất độc tàn phá thế nào cũng không hủy diệt nổi.
Còn ở binh trạm, người ta xếp chị vào quân số mất tích. Không ai biết gì hơn về số phận của chị.
*
* *
Tôi không có cách nào để trả lời cô gái. Có điều, tôi nghĩ rằng, người đàn bà năm xưa hẳn phải có một khuôn mặt dịu dàng, thánh thiện như cô sinh viên năm thứ tư này. Tôi đành câm lặng chịu lời kết tội là kẻ độc ác của cô gái. Duy nhất, tôi chỉ có thể làm được mỗi một việc, là viết lại câu chuyện này để ít nhiều tôn trọng một sự thật. Quyền phán xét nó thuộc về bạn đọc.
HẾT