Phần V
Tác giả: Phạm Quỳnh
Nay hẵng trở lại đầu bài mà nói chuyện đi chơi Lục tỉnh. Nghỉ răm ba bữa, người đã thư thái, bèn khởi ra đi. Ngày 9 tháng 9 tây ra xe lửa xuống Mỹ Tho. Muốn đi về mặt Tây nam tất phải do Mỹ Tho. Mỹ Tho ở Nam Kỳ cũng tức như Nam Định ở Bắc Kỳ vậy. Tỉnh thì là một tỉnh trù mật, đông người nhất, và thành phố là một nơi đô hội nhất nhì trong Lục châu. Tự Sài Gòn xuống Mỹ Tho có con đường xe lửa ước 70 cây lô mét, chạy chừng ba giờ đồng hồ. Đường ấy với đường Sài Gòn - Phan Thiết nữa, cả Nam Kỳ chỉ mới có hai đường xe lửa đó mà thôi. Trong này sự giao thông tiện lợi lắm, phần nhiều là bằng đường thủy, sông, lạch, kênh, không biết bao nhiêu mà kể, thử coi trên địa đồ chằng chịt như mắc cửi vậy. Từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, từ quận nọ sang quận kia, từ chợ nọ sang chợ kia, đều có đường cái tốt lắm, cây trồng đôi bên, đá đổ phẳng lì, chẳng kém gì đường trong thành phố, chỗ nào qua sông qua lạch đều có xây cầu xây cống bằng xi-manh cốt sắt (cimentarmé), xe tay, xe ngựa, xe hơi, đi đi lại lại, dễ dàng lắm. Cho nên không cần đến xe lửa cho lắm. Xe lửa là để đi những dặm dài thôi thẳng, đồng rộng khoảng không, nửa ngày đường mới gặp một cái quán lơ thơ, trăm ngàn thước mới có một nơi tỉnh lỵ nhỏ. Chớ như ở Nam Kỳ này thì dân thôn trù mật, làng xóm liền nhau, đất đồng bằng cả, đi lại như thường. Trừ mấy tỉnh ở Đông Bắc là đất cao nguyên, dân cư có ít, đi lại không nhiều, không cần gì phải đặt xe lửa; lại mấy tỉnh Tây Nam hoang địa còn nhiều, nhưng toàn thị là đất thấp đất lầy cả, có đặt cũng không được; còn sự giao thông trong lục tỉnh đường thủy đường bộ đã thừa tiện lợi, không phải cần đến xe lửa lắm như ở Bắc Kỳ và Trung kỳ. Hiện nay Nhà nước đã có dự định đặt mấy đường thêm, nhưng không lấy gì làm khẩn lắm, có cũng được mà không cũng được. Nam Kỳ có ít đường xe lửa như vậy, nên nhà Ga Sài Gòn coi tầm thường lắm, bé nhỏ lúp xúp, không ra cái phong thể một nơi công sở.
Mỹ Tho thì thật ra cái phong thể một tỉnh lớn; trên bến dưới thuyền, nhà cửa đông đúc, phố xá rộng rãi. Tỉnh thành ở ngay trên bờ sông Tiền Giang, xe lửa gần đến tỉnh đi men trên bờ sông, trông ra trời nước mênh mông thật rõ cái cảnh tràng giang đại hải. Sông này tức là sông Mê Kông đây. Nhưng vào đến tỉnh thì giữa sông có cái cù lao lớn nên trông lòng sông hẹp lại, chỉ bằng sông Nhị Hà trước Hà Nội mà thôi. Buổi chiều đứng trên nhà lầu trông xuống dưới bến, thuyền bè đậu xan xát, đèn lửa thắp lô nhô, tiếng hát dưới đò, giọng ca trên bến, không gì vui bằng.
Trước khi ra đi, những ngại ngùng rằng không có người quen biết. Tuy vẫn ngâm câu cổ thi để tự lệ, mà không ngờ rằng sự thực được y như lời thơ, khách du lịch được gặp người “tri kỷ”. Người đời thường dạm dùng chữ “tri kỷ” mà cho nó lắm cái nghĩa sai lầm. Nếu người tri kỷ là người biết mình, biết cái bụng mình, biết cái chí mình, biết điều hay điều dở của mình mà vì biết mình nên có lòng yêu chuộng mình, thì bỉ nhân tới Mỹ Tho thật đã gặp người tri kỷ như lòng sở nguyện. Người tri kỷ ấy tên là gì, họ là gì, cái địa vị trong xã hội thế nào, tưởng không cần phải bộc bạch ra làm chi. Ông không ẩn dật mà cũng tức như người ẩn dật, ông tuổi chửa bao nhiêu mà đã mang cái chủ nghĩa chán đời: ông có cầu cạnh gì với đời mà nỡ đem tên họ phô bày cho thiên hạ biết? Chỉ nên biết ông là người có chí mà khổ vì cái chí chưa thành được, ông là người biết nghĩ mà nghĩ quá thành ra buồn nhiều, thường cách xa muôn dặm cảm cái chí của bỉ nhân, nên một buổi gặp nhau đem lòng quyến luyến, bao nhiêu những điều nghĩ, những nỗi buồn, những sự mưu toan, những điều mong mỏi, cùng nhau rãi bày than thở, khi đi thơ thẩn trên bến Tiền Giang, lúc tựa bao lơn mà đàm luận dưới bóng nguyệt tờ mờ. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì chẳng qua là chuyện tri kỷ tầm thường, ai chẳng từng gặp người bạn như vậy, có hề chi mà kỷ thuật làm chi? Tôi cũng nghĩ như thế, nhưng xét kỹ cái chí của hai người cũng hơi có chút quan hệ với xã hội, nên tưởng thuật ra đây cũng không phải là chuyện vô ích.
Ông tính trầm mặc, lúc mới giao tiếp coi như lạnh nhạt, nhưng rồi sau mới biết là người chí thành. Ông ưa đọc Nam Phong, mà thích riêng là những bài triết học: cứ coi những câu ông nghi vấn thì đủ biết ông đọc đã kỹ và nghĩ đã thâm. Nhưng ông chủ ý nhất là về những việc quan hệ đến nước nhà; vốn là người hay nghĩ mà lại thường nghĩ tới những chuyện xa xôi, lo cho cái tiền đồ nước mình không biết có được như lòng sở nguyện không. Ông nói: “Tôi thường đọc báo, đã biết cái chí của ông. Chỉ hiềm nhân tài nước mình còn ít lắm, nếu những chủ nghĩa hay có nhiều người tán thành thì lo gì mà nước chẳng chóng tấn bộ như người. Nhưng than ôi! Thời thế này, nhân tâm ấy, còn mong mỏi gì! Tôi kỳ vọng cho ông to lắm, ông ạ. Chưa biết ông tôi đã biết cái chí ông rồi; nay được gặp mặt lại thêm biết người; cái lòng kỳ vọng trước sau cũng như vậy. Tuy ông chưa làm nên sự nghiệp gì mà tôi mong mỏi cho ông lắm lắm, không phải vì ông, vì cái nhân thân ông, nhưng vì một cái mục đích cao xa ông đã biết. Xin ông chớ phụ lòng tôi!” Ôi! Nghe những lời như vậy cầm lòng sao được? Nghe mà không mừng, mà sợ, mà lo, mà tủi, mà thẹn, tưởng mỗi lời nặng như đá dơi, nghĩ đến mà rùng mình! Người đâu mà quá thâm như vậy, bỗng dưng trao cho cái gánh nặng không thể kham? Không biết thân này chẳng qua là một mảnh thư sinh, trả công đèn sách còn chưa rồi, đã đâu dám ra chịu phần trách nhiệm với xã hội. Trước sau chỉ có một chút lòng thành, cũng muốn đem ra làm đại giá với đời, nhưng biết rằng có đắt hay không? Nhưng mà thôi, bạn hiền đã có lòng kỳ vọng cho như vậy, tuy cũng tự biết là quá đáng, mà tổng thị còn là chuyện tương lai cả, dù phải, dù chăng, dù thua, dù được, xin phó mặc cho cái thần may rủi. Nay chỉ cam đoan với bạn rằng: xin hết sức hèn tài mọn mà cố gắng cho khỏi phụ lòng người; mỗi khi làm việc gì, mỗi khi cầm bút viết, xin nhớ rằng ở chốn chân trời nơi góc bể vẫn có một người đương chú ý xem xét mình, mình làm phải tất người trọng, mình làm trái tất người khinh, được người trọng thì dù thất bại cũng cam mà phải người khinh thì dầu đắc thắng cũng hổ. Đã tự miễn tự lệ như vậy, mà không được mỗi ngày một hơn, mà rút cục không thành chuyện gì, thì bấy giờ đành xin cam chịu tiếng hèn với đời. Nhưng mà đã vội lo chi? Đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, con đường tương lai còn dài!...
Có lúc bàn chuyện văn chương. Ông nói: “Tôi vẫn biết ông không phải là một nhà văn chương. Cái văn ông không phải là văn chương, theo cái tư tưởng cũ của người mình. Văn không lộ ra ngoài mà ẩn vào trong khó cảm người, người có biết mới cảm được. Dễ cũng vì thế nên ông đối với văn chương không được công bằng. Tôi có đọc cái bài bình phẩm Giấc mộng con của Nguyễn Khắc Hiếu. Ác lắm, ác thiệt! Mới đọc một lượt, tức thay cho Khắc Hiếu. Đọc lại lượt nữa, muốn cố tìm xem có chỗ nào bẻ bác lại được không, nhưng ông khôn quá, ông đã rào trước chắn sau cả. Đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lượt, vẫn tức mà vẫn không thể nói sao, chỉ riêng trách: con người thế mà quá khắc”. Nói đến đấy ông tủm tỉm cười mà lại láy lại: “Ác lắm! ác thiệt!”. - Tôi nghe bấy nhiêu lời, không biết đáp lại làm sao, chỉ dám quyết rằng thủy chung đối với ông Tản Đà không có cái ác tâm gì; những lời bình phẩm đó cũng là xuất ư thành thực cả; nếu có ác thật, thời là cái ác vô tâm mà thôi.
Ấy đó, một lời nói, một câu văn mà cái ảnh hưởng xa như vậy. Đã tự răn mình, lại xin khuyên các nhà làm văn chớ nên lấy việc ngôn luận là sự thường.
Lại có lúc, ông ngồi nghĩ giờ lâu, rồi đột nhiên nói: - Tôi thường lo cho ông lắm, ông ạ. - Lo sao? Lo ông ốm. - Ông này lo xa quá. Tôi tuy người yếu, mà không hay tật bệnh. Tôi đi chơi xa như thế này còn chẳng ngại chi, nữa là ở nhà. - Ấy thế mà phải giữ mình lắm mới được, chớ nên làm việc quá cho mệt nhọc...".
Một người như vậy mà chưa gọi được là tri kỷ thì thật không biết ở đời thế nào mới là người tri kỷ.
Ông lo cho tôi, mà tôi cũng lo thay cho ông. Ông là người đa tư, đa lự, đa cảm, đa sầu, bởi ông nghĩ lắm mà cái thể lực ông cũng chẳng hơn gì tôi. Tôi lo rằng ông mắc phải cái bệnh u sầu vậy. Nhưng bệnh này khó chữa biết dường nào! Tôi đương vì ông tìm một phương liệu trị mà chưa được. Cũng dám xin ông chăm giữ mình mới được. Trong nước được lắm người biết nghĩ như ông, dù không thi thố việc gì, mà thật là cái trợ lực vô hình cho những kẻ trì trục trên trường lao động. Tôi được biết ông thật là một sự hạnh ngộ vậy.
Trước chỉ định qua Mỹ Tho một ngày, rồi đi thẳng về Long Xuyên, nhưng nhân gặp bạn hiền mà du di đến mấy bữa. Ngay hôm đầu, ông muốn cho nếm qua cái thú điền viên ở Nam Kỳ, bèn giắt về chơi vườn(4). Ông có ông cậu làm ruộng và buôn bán ở Chợ Giữa, cách tỉnh thành Mỹ Tho mươi cây lô mét. Chợ Giữa là một làng lớn, có tiếng thanh lịch nhất trong hàng tỉnh. Tự tỉnh về đi “xe kiếng”(5) mất hơn một giờ đồng hồ. Thường gặp chuyến thì đi xe hơi tiện hơn, vì có một đường xe hơi tự tỉnh lên Cay Lậy, qua Chợ Giữa.
Không ngờ mà gặp, mong đợi mà sai, cả cái phong thú của đời người là ở sự bất kỳ vậy. Nếu công việc ở đời dự định được như cái học khóa trong nhà trường, việc gì định thế nào tất sẩy ra như thế, thì tưởng đời người không còn thú gì nữa. Nay thế này mà không biết mai thế nào, mỗi ngày một mới, mỗi buổi một lạ, chỉ trong khi du lịch mới có cái thú bất kỳ đó mà thôi. Nhất là người có tính suy nghĩ, đối với người nào, cảnh nào, sự gì, vật gì, thường trong trí đã có cái quan niệm sẵn, khi bước chân ra ngoài thấy sự thực có khi đúng mà lắm khi sai hẳn cái quan niệm của mình, thật không gì vui bằng. Trước khi về Nam Kỳ vẫn an trí rằng đất này chắc không còn đâu cái phong vị cũ nữa; vẫn rắp trong bụng rằng mình vốn con nhà nho mà đã đem mình vào chốn phong trào mới đời nay, trong người hình như có hai cái nhân cách khác nhau, một cái nhân cách cũ, một cái nhân cách mới, khi thường vẫn cố sức điều hòa mà chung đúc làm một, nhưng về đến Nam Kỳ chắc chỉ cần phải biểu lộ cái nhân cách mới, mà cái nhân cách cũ tưởng không nên bày ra cho khỏi mang tiếng hủ lậu với các bạn đồng bang trong này, đã chịu âu hóa sâu hơn ngoài ta nhiều. Cái thái độ đó tuy ở nơi tỉnh thành đô hội thì rất là chánh đáng thật, mà về đến chốn điền viên lắm khi không hợp. Trong này cũng như ngoài ta, chỉ nơi tỉnh thành mới chóng nhiễm cái phong thói mới mà thôi, chốn nhà quê, nhất là ở mấy tỉnh cũ về miền trung ương và miền đông bắc, hiện nay vẫn còn tồn cổ nhiều. Không biết mười năm nữa, hai mươi năm nữa, thì thay đổi đến thế nào, mà hiện bây giờ vẫn còn có nơi giữ được cái phong thể cũ như ngoài mình. Đó thật là một sự mình không ngờ, một sự trái với cái quan niệm sẵn của mình về nhân vật xứ Nam Kỳ. Người Bắc ai là người tin rằng đất Lục tỉnh còn có những bậc lão nho ngâm Đường thi, bàn triết lý, đọc Ẩm băng, sớm giảng kinh truyện cho con cháu, chiều họp nhau dưới đèn mà hùng biện về việc đương thời, ra công bảo tồn lấy cái đạo đức cũ mà duy trì cho nền Hán học xưa? Chắc không ai tin như vậy, tôi cũng không ngờ như vậy, mà về đến Chợ Giữa được gặp mấy bậc trưởng giả ông bạn giới thiệu cho, thật phải chịu rằng mình xét lầm. Có người nói những nhân vật ấy ngày nay cũng không phải là còn nhiều, dễ chỉ có một nơi Chợ Giữa hay là một vài nơi khác nữa còn sót được răm ba người như vậy mà thôi; lượt ấy mất dần đi thì rồi sau này hạng người đó không tìm đâu cho thấy nữa; bọn tân nhân vật mỗi ngày một tiến lên mà tràn khắp cả, mà tính cách bọn tân nhân vật ấy thế nào thì cứ coi ngay ở Sài Gòn là đủ biết. Nếu quả như vậy thì lại là một sự may cho mình lắm nữa, vì tình cờ mà được biết một hạng người sau này tất không còn nữa, đủ làm biểu chứng cho cái tình trạng xã hội xứ Nam Kỳ hai ba mươi năm về trước.
Ở Chợ Giữa một đêm một ngày, được các cụ có bụng yêu mà tiếp đãi tử tế quá, không biết lấy lời gì mà tỏ lòng cảm tạ cho xứng. Trông thấy những bậc trưởng giả tuổi cao đức lớn, lấy lễ quốc sĩ mà đãi một kẻ thư sinh bất tài, lắm lúc tự nghĩ lấy làm hổ thẹn vô cùng. Tưởng giá sinh vào một nước văn minh thì thân này chửa chắc đã làm nổi một chân bàng thính học sinh trường Đại học, mà sống ở một nước bán khai như nước mình đã dám tự phụ ra đảm nhiệm một phần ngôn luận trong quốc dân, thật là ngượng thay cho mình tài chưa xứng việc, lại than thay cho nước nhà đương buổi nhu tài mà thiếu kẻ nhân tài xứng đáng! Than ôi! Đã tự biết mình thiếu thốn mà mỗi lần được người ta quá trọng quá yêu lại như nhắc lại sự khuyết điểm của mình, trong lòng thật canh cánh không được an ủi chút nào, há lại còn dám tự cao tự phụ nữa ru? Khi mới tiếp mặt, các cụ hơi có ý lấy làm lạ, sau mới nói rằng: “Đọc văn ông, chúng tôi vẫn tưởng ông đến bốn năm mươi tuổi, không ngờ người còn thanh niên như vậy”. Cho hay cũng có cái văn nó làm cho già người đi được, kỳ thay! Đến nhiều nơi khác cũng thường thấy có người trông người mà lấy làm lạ như vậy. Nghĩ kỹ thì tôi thiết tưởng rằng văn tức là lời nói ý nghĩ của người ta, tuy có tùy tính chất người mà khác nhau, nhưng thực là theo cái thời vận chung trong một nước. Nước đương lúc thái bình vô sự thì văn chương tất vui vẻ tươi cười, nhẹ nhàng hớn hở, như người đương buổi thanh xuân, lấy sự đời làm khoái lạc. Nước gặp buổi phân vân đa nạn thì văn chương tất triền miên u uất, thiết thực mà cẩn nghiêm, vì người thường lo đến việc nước, lấy lời văn mà giãi bụng ưu tư. Người mà gặp lúc thảnh thơi, dẫu già cũng trẻ thêm ra được; người mà gặp buổi nhiều việc thì thường để bụng lo nghĩ, dẫu trẻ măng mà cũng ra vẻ chín nục, có khi thổ lộ ra những giọng thiết tha, tưởng như người già sọc. Chắc cái tuổi văn chương cũng có quan hệ ở tính chất, tư tưởng người, nhưng quốc vận thật là có một phần to ở đấy. Cho nên ngày nay những người nào lấy văn chương làm một sự chơi bời, hoặc làm một việc buôn bán thì không nói làm chi, còn ai đã biết để bụng đến việc nước, muốn đem lời quốc văn mà cảnh tỉnh chấn hưng cho nước, thì tất cái giọng phải cẩn nghiêm thiết thực, vì trong lòng thường khắc khoải băn khoăn. Trong bụng “hữu sở tư” thì dẫu trên trán non cũng có lúc thành ngấn trũng được. Già non có ở đâu người?...
Các cụ thấy trẻ tuổi mà không khinh, lại càng khiến cho mình thêm cảm phục cái bụng trưởng giả khoan dung. Trong khi đàm luận thì thật là hết sức vẫy vùng: nào là so sánh dân tình phong tục trong Nam ngoài Bắc, nào là phẩm bình các nhân vật đương thời, khi nói chuyện triết học, lúc bàn việc văn chương. Có điều lạ là tuy người Bắc kẻ Nam, kẻ già người trẻ, mà cái tư tưởng in nhau như một, lời ăn tiếng nói không có gián cách nhau chút nào; lại lạ nhất là tuy giọng Nam giọng Bắc có hơi khác một đôi chút mà nghe ít lâu thật không lấy gì làm khó cả, các cụ nói gì tôi cũng hiểu mà tôi nói gì các cụ cũng nghe được, dù nói những sự cao xa cũng vậy. Tôi có ý nhận càng những lời có dùng ít nhiều chữ Hán lại dễ nghe dễ hiểu hơn là những chỗ thuần nói tiếng nôm, dù các cụ nói cũng vậy, dù tôi nói cũng vậy. Xét ra thì bởi lẽ như sau này: nói thuần nôm thì tiếng đường trong đường ngoài có chỗ khác nhau, hoặc cùng một vật mà trong gọi một khác ngoài gọi một khác, hoặc cái cách cú có khi không giống nhau, nên lắm lúc nghe hơi ngờ ngợ khi chậm hiểu; nói có chữ thì chữ Hán là chữ công đồng, dẫu đàng trong hay đàng ngoài cũng dùng như vậy, nên nghe hiểu ngay. Ấy đó, chữ nho không những không phải là một mối gián cách kẻ Bắc người Nam, như nhiều người nông nghĩ thường tưởng lầm, mà thiệt là một cách liên hợp người đàng trong đàng ngoài không gì bằng, vì là thứ chữ công đồng chung cho cả nước. Cứ nghiệm ngay chữ Pháp ngày nay thì đủ biết: lấy hai người tây học không biết chữ nho, một người Nam Kỳ một người Bắc Kỳ, nói chuyện với nhau hơi cao một chút, nếu dùng thuần tiếng An Nam lại khó nói khó hiểu hơn là dùng tiếng Pháp, cho nên các bậc đó giao tiếp với nhau, ngoài mấy câu hàn huyên, có nói được tiếng ta bao giờ. Ấy chữ nho đối với quốc dân ta cũng tức như chữ Pháp đối với hạng tây học đó, không khác gì. Chỉ khác là chữ nho dữ với tiếng ta còn có cái quan hệ mật thiết hơn là chữ Pháp, vì tiếng ta phần nhiều do ở chữ nho mà ra; lại chỉ khác là các nhà tây học không nói thông tiếng ta còn có thể mượn tiếng tây mà thay được, chớ nhất ban quốc dân thì không sao dùng được cái kế đó. Nhưng nghiệt thay, hiện nay những người biết chữ nho tức là những người thông tiếng ta, vì có biết chữ nho mới thông tiếng ta được - mỗi ngày một ít dần đi, hết thảy người Nam Kỳ không phải là những bậc lão nho như các cụ Chợ Giữa cả; như vậy thì quốc dân ta, ngoài sự nhật dụng thường đàm, đành không bao giờ có một thứ tiếng, một lối văn riêng hay sao? Đành phải bó tay đợi cho đến ngày chữ Pháp truyền bá khắp trong nước, mà mượn chữ Pháp làm quốc văn hay sao? Mà chữ Pháp có thể truyền bá được khắp trong nước hay không? Có thể mượn làm quốc văn được hay không? Túng sử được nữa có phải là một điều hay, một điều lợi, một sự người mình nên mong mỏi hay không? Đó là mấy cái vấn đề phàm người có bụng với nước nhà phải lưu tâm mà cứu xét và cố giải quyết cho hợp lẽ vậy.
Theo ý kiến các cụ thì nước ta quyết là cần phải giữ Hán học không nên bỏ; thiết tưởng cái ý kiến ấy thật là ý kiến chung của hết thảy mọi người có tri thức trong quốc dân, của hết thảy mọi người có cái trí nghĩ ngay thẳng, không bị những nỗi hiềm kỵ riêng nó làm cho mờ ám con đường chân lý. Các cụ thường khuyến kích con cháu ngoài thì giờ học chữ Pháp nên nghiên cứu thêm chữ Hán, lại thường mua những sách vở cũ như kinh, truyện, sử, tử, mà ngày ngày giảng diễn cho con cháu nghe. Ôi! ước gì cái gương tốt đó được nhiều người theo, Ước gì trong khắp Lục tỉnh, trong suốt nước Nam ta, được nhiều những bậc phụ huynh biết cái phép giáo dục phải đường như vậy, khéo điều hòa mới cũ mà giữ được cái nền nếp nhà, thì sự tiến hóa của dân ta sau này chắc được vững vàng chắc chắn mà không đến nỗi lạc lối sai đường vậy. Được như vậy, thì may lắm, may lắm.
Trưởng giả lại là những người rất giàu cái lòng nghĩa vụ, rất trọng những việc công ích. Thường nói: “Cổ nhân đã có câu: Nước nhà thịnh suy, dẫu người sất phu cũng có trách. Thật thế, làm người trong xã hội phải biết trọng việc công ích hơn sự tư lợi; nếu ai ai cũng chỉ chăm mối lợi riêng mà bỏ việc ích chung thì xã hội tất có ngày siêu tán; việc công đã đồi nát thì việc riêng còn thịnh sao được. Cho nên nhất cử nhất động phải nên nghĩ đến xã hội, nghĩ đến nước nhà trước. Ích lợi cho xã hội, ích lợi cho nước nhà, tức là ích lợi cho mình vậy. Xã hội có bền, nước nhà có mạnh thì nhân thân mình mới được hưởng cái hạnh phúc lâu dài. Những kẻ chỉ biết ham mê sự cận lợi thật là kẻ vụng suy vậy”. Ôi! Lời lời thâm thiết, thật đáng làm câu cách ngôn trong đạo xử thế vậy.
Người ta thường nói người có tuổi là cái trụ cốt trong xã hội, xã hội nhờ đấy mà được vững bền. Những người có tuổi trong nước mình thường hay mang cái chủ nghĩa chán đời, hoặc tự đặt mình ra ngoài việc đời, mấy người được có cái chí khí cương nghị như mấy bậc trưởng giả trên kia. Ví trong nước được nhiều người như vậy làm trụ cốt cho xã hội, thì phong trào nào mà lay đổ được cái xã hội mấy nghìn năm này? Tôi được biết các cụ cũng lại là một sự hạnh ngộ nữa vậy. Được các cụ quá yêu thật lấy làm hân hạnh vô cùng. Không ngờ mà được gặp, được gặp mặt mà được cả lòng, há chẳng phải là một sự đặc thú trong cuộc du lịch rư? Một ngày một đêm ở Chợ Giữa này, bỉ nhân sẽ lấy làm một sự kỷ niệm không bao giờ quên vậy.
Phong cảnh Chợ Giữa cũng lại là cái phong cảnh rất mến người: trên bến dưới thuyền, giữa một tòa Chợ Lớn, chung quanh dãy phố bán hàng, bốn bề thời các ngõ các xóm. Đường rộng thênh thênh như đường cái quan, nhà cửa rộng rãi cao ráo, chẳng khác gì một tỉnh nhỏ ngoài mình. Cứ coi cái cảnh tượng sáng sủa vui vẻ, mĩ miều mà khả ái của một chốn nhà quê đó, thì đủ biết xứ Nam Kỳ giàu có trù mật là dường nào. Ôi! Cũng thì một nhà quê mà sánh với nhà quê này thì nhà quê ngoài mình quê mùa cỏ rả biết bao nhiêu! Mà thật, làm dân xứ Nam Kỳ sướng thật, cầy cấy ít ruộng vườn cũng thừa đủ nuôi thân, không phải khó nhọc, suốt năm vô lo vô lự, nhàn hạ dong chơi, lụt không có, hạn không có, mưa dầm gió bấc cũng không, tiền công trong làng đã nhiều, bổ bán đóng góp không phải chịu, pháp luật Nhà nước đã nghiêm, đàn anh bắt nạt cũng khó lòng, ưu du tuế nguyệt, suốt năm như một ngày, anh áo cánh trắng bong, quần thâm lĩnh bóng, chị kiềng vàng đeo cổ, ô soạn cầm tay; còn cảnh tượng gì vui thú bằng! Cao hơn một bậc nữa thì đến các ông điền chủ lớn, thật là lục địa tiểu thần tiên. Thiết tưởng suốt nước Nam, từ Nam chí Bắc, không có hạng người nào sướng bằng bọn điền chủ lớn ở Nam Kỳ. Giàu hàng ức triệu, sa sỉ thật vô song, cửa nhà như cung điện, trang sức không ai bằng, mà người thường mộc mạc, lo nghĩ chẳng bận lòng; cứ vật chất thượng, thử hỏi trần gian còn gì khoái lạc bằng! Xét về phương diện ấy, đất Nam Kỳ thật là nơi quí địa của cái “vật chất chủ nghĩa” (matérialisme) vậy.
Trở về Mỹ Tho, ông bạn giữ ở thêm vài ba ngày nữa: trong mấy bữa đó, cuộc giao tình lại càng đằm thắm, càng đậm đà, càng thâm thiết, càng thanh cao. Hết chuyện xa đến chuyện gần, hết việc nước đến nỗi lòng, khi đứt, khi nối, khi nói, khi ngừng, có lúc giờ lâu mới cất tiếng mà tưởng càng lẳng lặng lại càng như thấu hiểu mối tâm tình. Có buổi đương trưa nóng nực, ngồi trên lầu cao trông xuống dưới bến, pha chén trà ngon mà đối diện đàm tâm; có lúc đêm khuya gió mát, bắc cái ghế dài ngoài sân gác mà cùng nhau hùng biện cao đàm về văn chương cùng triết lý. Lại buổi chiều kia, trời u ám, gió chiều như giục cơn sầu, cùng nhau thơ thẩn trong vườn hoa, ngay trên bến nước, đương tìm phương giải quyết một nỗi tâm sự gian nan, chợt trông thấy chiếc thuyền thấp thoáng bên kia sông, ngọn đèn lấp ló trong bụi cây um tùm, sực nhớ đến câu
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên..., mà cái cảnh thê lương như thấu đến cõi lòng...
Cuộc vui nào cũng có lúc chia tay. Vậy thì cuộc tương tri này tưởng đẫy tháng đầy tuần chưa phỉ, cũng phải đến buổi tương biệt vậy.
Buổi đó là một buổi sớm mai, còi tàu rúc trên bến nước, giục khách du lịch biệt bạn thâm tình. Trời nước mênh mang, đường xa bát ngát, bỏ chốn quen đi nơi lạ, tấc dạ ngậm ngùi khôn xiết kể. Thôi, vẫn biết đời người là một cuộc lữ hành, đi, đi hoài mà chẳng hay chốn tới là đâu, buổi tới ngày nào; đâu là lạ, đâu là quen, chẳng qua là chiếc quán bên đường làm chốn nghỉ chân một ngày cho khách quan san nghìn dặm. Như vậy thì cái ái tình, cái luyến tình, cái cảm tình, cái thâm tình, phảng phất như hương thơm trước gió, não nùng như tiếng thổi trên cành, biết gởi vào đâu cho chắc chắn? Nếu phải vùi dập trong tâm khảm, không biết chia sẻ cùng ai, thì chẳng là thêm gánh nặng nề cho khách tha hương lắm tá?...
Sáng sớm đánh dây thép cho quan Phủ Bảy Long - Xuyên để báo ngài biết sắp tới. Rồi xuống chiếc “xà lúp” hiện Pluvier của công ti Hỏa Thuyền Nam Kỳ, tự Mỹ Tho đi 7 giờ rưỡi sáng. Tàu chạy hai ngày một chuyến, hành khách không vắng mà cũng không đông, nghe nói bao giờ cũng thường thường như vậy. Tàu coi bộ sạch sẽ bảnh bao, vững vàng xinh xắn, thật là khác những “xà lúp” chạy các sông ngoài ta. Cái cảnh tượng trên tàu cũng khác: hành khách đi thường không đem đồ hành lý nhiều, mỗi người chỉ có cái “va li” con, đàn bà thì cái quả sách bằng gỗ sơn khảm, coi gọn ghẽ lắm, không có những bồ, những bịch, những thúng, những đẫy, ôm đồm sếch mếch, bề bộn ngổn ngang như các hành khách ngoài ta. Coi đó thì đủ biết là những người nhàn hạ đi chơi bời, không phải là người có công việc tất tả. Đến những hạng buôn bán, gồng gánh, cất chở các hàng hóa ồn ào rộn rịp như các nơi bến tàu ngoài ta, thì tịnh không có ai: người Nam Kỳ không cần phải buôn bán, bao nhiêu thương quyền để dành cho chú “Chệt” cả! Cứ coi cái cảnh tượng một chuyến tàu thủy như vậy mà suy biết được cái tình hình một xứ về đường kinh tế, có khi lượng được cả dân tình phong tục xứ ấy nữa. Người biết quan sát thì cái cảnh tượng gì cũng làm một bài học cho mình vậy. Có thế thì sự du lịch mới có ích lợi. Ngó bộ những người hành khách ngồi quanh mình đầy, cũng đủ biết dân Nam Kỳ này không phải là một dân lao động cần cù, nếu có cái đặc tính với dân các xứ khác thì cái đặc tính ấy chắc là tính lười vậy.
Tự Mỹ Tho lên Long Xuyên phải đi ngược sông Tiền Giang (Bassac ou Fleuve antérieur), đi tàu chạy thường vừa mất đầy một ngày, từ sáng sớm đến tối mịt. Vậy suốt một ngày được ngắm phong cảnh sông Mê Kông. Nhưng thật đi trên sông Mê Kông mà không ngờ là sông Mê Kông, lắm khi tưởng ở trong cái kênh cái lạch nào, không mấy lúc có cái cảm giác là ở giữa chốn tràng giang. Vì trong khoảng từ Mỹ Tho lên Châu Đốc, trong sông đầy những cù lao cùng bãi cát, lắm nơi to rộng lắm, từng làng từng tổng ở vừa, đầy những cây cỏ um tùm, chật mất cả lòng sông, nên coi hẹp đi; tàu lại thường chạy len lỏi ở trong kênh trong vàm gần những nơi có dân cư, để đỗ khách đón khách, không mấy khi ra đến mặt ngoài sông, nên không biết sông rộng chừng nào. Cách nửa giờ một giờ, tàu lại đậu vài ba phút, có khi đậu ngoài xa xa, khách lên xuống phải thuê đò ngang để đáp tàu hay là ghé bờ, có khi đậu ngay bên bờ, nhìn vào thì thấy nhà cửa san sát, phố xá đông đảo, thường những cây cối ùm tùm che lấp, đứng ngoài xa trông không rõ. Có khi tưởng tàu đậu ở trước cái bãi bỏ hoang, chỉ trông thấy những cây cỏ xanh dì, nhìn kỹ mới biết là có làng xóm ở trong đám cây đó, và chắc là làng xóm to nên tàu mới dừng như vậy. Coi đó thì biết cây cối trong này sầm uất là dường nào, không phải là những cây cao cỗi lớn như các miền rừng núi, nhưng là những cây cỏ tốt tươi rậm rạp như thi nhau mà mọc, đủ biết chất đất màu mỡ biết bao nhiêu. Lắm khi chiếc tàu như đi ở giữa hai bức tường cây vậy. Mà ở trong đó là có các làng xóm người ở cả, vì những đất ở bờ sông này dễ cầy cấy nên không mấy chỗ bỏ hoang. Chưa khai khẩn đến là phần nhiều những đất ở xa sông lớn, đào kênh thoát nước khó và đi lại giao thông cũng chưa tiện; chớ đất gần sông màu mỡ đệ nhất, tiện lợi có một, thường là những nơi giàu có trù mật cả. Thường trông bên bờ có những nhà ngói nền cao, cửa kính cửa chớp, hàng rào sắt chạy dài, thềm xây ngay trên mặt nước, ngoài đặt cái cầu nhỏ dựng nhà thủy tọa con, lại thấy vài ba cái “thuyền máy” (canots automobiles) để chung quanh; hỏi ra thời là nhà thày cai tổng, cụ điền chủ, hay ông “hội đồng” nào, toàn là những mặt phú hào trong một xứ. Coi những cơ ngơi đó thì đủ biết các bậc chủ nhân ông giàu có là dường nào. Có nơi xây trên bờ sông dài đến mấy trăm thước, trong những nhà, những vườn, những lầu, những gác, nhấp nhô như một cái thành nhỏ, tàu chạy một thôi mới hết, mà toàn là dinh cơ của một người! Thôi, đến sự phong lưu sa sỉ của các bậc giàu có trong này, về đường ăn ở tiêu xài, thì thật không kể sao cho xiết được, mỗi bước như trông thấy cái biểu chứng hiển nhiên vậy.
Mấy nơi tỉnh thành lớn tàu đi qua là Cái Bè, Vĩnh Long, Sa Đéc, đáng lẽ thì lên chơi qua mấy nơi đó rồi mới đến Long Xuyên, nhưng đã có hẹn rồi nên đi thẳng về Long Xuyên trước, định khi trở về hẵng ghé vào. Tàu đến Cái Bè vào 11 giờ, đến Vĩnh Long vào quá trưa và Sa Đéc vào ba bốn giờ chiều, ở ngoài trông vào cũng biết là những nơi đô hội lớn. Còn các nơi khác tàu ghé chỗ răm ba phút, chỗ mươi phút, thì nhiều lắm, không nhớ là những nơi nào. Nói tóm lại thì suốt một ngày ngồi trong tàu mà không mỏi không chán, rất lạ rất vui, tàu chạy dưới sông như cái xe chạy trên phố, tựa hồ như hai bên là cửa nhà phố xá đông đúc cả, chốc chốc lại đỗ một lát, kẻ lên người xuống, coi rất ngoạn mục; lúc nào cũng có cái cảm giác một sự sinh hoạt mạnh mẽ của tạo vật phát hiện ra cây cỏ tốt tươi, đất bùn màu mỡ, đối với sự sinh hoạt êm đềm của người dân hoặc đi lại ung dung trên đường phố không vội không vàng, hoặc đứng ngồi nhàn hạ trong những chốn nhà lầu ủ ê kia xây ngay trên bờ sông dưới bóng mát. Trời thì sáng sủa ấm áp, nước sông lấp loáng, cây cỏ xanh tươi, người ta hớn hở, thư thả dong chơi, thật là một cảnh rất êm đềm, tựa hồ như cảnh vật hết sức chiều đãi người ta cho được nhẹn hàng sự sống và biết hưởng cái thú ở đời. Một cái cảnh như cảnh này không thể nào khiến cho người ta đem lòng “yếm thế” được: tạo vật tươi cười, không lẽ người đời ủ dột. Cảnh này là cái cảnh tối “lạc sinh” vậy.
Chừng 7, 8 giờ tối thì tới Long Xuyên. Long Xuyên như chia ra hai tỉnh khác nhau: một bên là chợ có hàng quán phố xá đông, một bên là tỉnh, có dinh các quan và các công sở. Tàu đến chợ trước, rồi mới đến tỉnh, cách nhau một thôi đường dài. Quan Phủ đã dặn trước đừng ghé vào chợ phải đi về xa, đến tỉnh hẵng lên thì tiện hơn. Tôi cũng y lời, đợi cho tàu đỗ ít lâu, rồi quanh lại tỉnh, bấy giờ mới lên bộ. Bên chợ còn đông đúc, kẻ đi người lại, đèn lửa sáng quang, bên tỉnh thì tối mò, vài mươi thước mới có một cây đèn lo ló, không rõ đường đi. Vẫn chắc bụng rằng quan Phủ tiếp được dây thép thế nào cũng cho người ra đón, kẻo mới đến xa lạ khó tìm được nhà. Lên đến bến, nhìn trước nhìn sau chẳng thấy ai cả, phần nhiều hành khách ghé bên chợ hết, chỉ còn một mình với vài người nữa, người ta đi thẳng về nhà, còn mình đứng đấy. Nhận kỹ thật không thấy ai là người ra đón, bèn kêu cái xe bảo kéo về nhà quan Phủ. Té ra quan Phủ cùng cả quí quyến sang chơi bên Cù lao Giềng tự mấy bữa trước, chừng mai mốt mới về. Cái dây thép mình đánh sớm hôm nay tên người nhà có tiếp được mà quan đi vắng không dám dở xem, không biết chuyện gì. Chắc quan Phủ tiếp được thơ đã lâu cũng có ý chờ đợi, nhưng vì mình khó ở chưa đi ngay được, lại khi tới Mỹ Tho lần lữa ở những mấy ngày, nên ngài không biết chừng nào tới mà đợi, thành ra hai bên mới nhật nhau như vậy. Quan Phủ đã vắng nhà, bèn mượn người đưa sang ông quản lý Đại Việt tập chí là ông Nguyễn Văn Cư. Ông cũng đi dự tiệc vắng, đợi ít lâu mới thấy về. Ông tiếp tử tế lắm, nói rằng quan Phủ có nói chuyện mình về chơi, nhưng không rõ ngày nào nên không biết mà ra đón trước, ông lấy làm tiếc lắm. Ông giữ ở chơi ngay nhà ông tức là tòa báo Đại Việt vậy. Bạn đồng nghiệp mà lại là đồng chí, vẫn biết tiếng nhau đã lâu, nay được gặp mặt còn gì vui bằng! Ông nói nếu Phủ đài có đây thì còn vui lắm nữa, vì ngài thật là người tốt bạn và mến khách, nhất là bạn tri thức, khách văn chương thì lại càng quí lắm. Ông cũng là người ôn hậu, chân thực và giản dị lắm, giao tiếp tự nhiên như thường, không có chút kiểu sức gì. Hết nỗi hàn huyên đến chuyện chức nghiệp, ông nói chuyện Đại Việt tôi nghe, tôi nói chuyện Nam Phong ông rõ. Càng biết lịch sử nhau, càng rõ sự nghiệp nhau, lại càng hiểu cái chủ nghĩa, cái tôn chỉ thật có một không hai, kẻ Nam người Bắc thật là cùng theo một mục đích chung, tức là thâu nhập các tư tưởng học thuật mới của Thái Tây, duy trì nền đạo đức quốc túy cũ của nước nhà, và thứ nhất là gây dựng lấy một nền quốc văn cho xứng đáng. Các bạn Long Xuyên cũng là chỉ vì một cái mục đích cao đó mà mở ra tập Đại Việt, không phải vị sự doanh lợi gì. Nên các nhà giúp bút vào báo là lấy cái hảo tâm, lấy cái nghĩa vụ mà giúp cả, không phải vị lợi gì, vì báo có tư bản đâu mà cung cấp cho xứng đáng được. Nguyên báo Đại Việt là tự quan Phủ Bảy xướng suất ra, các hội viên hội Khuyến học Long Xuyên tán thành vào, nay làm cơ quan của Hội. Hội xuất tư bản để in mấy số đầu, mong rằng báo phát hành tốt thì chẳng bao lâu cũng có cơ đủ cung sự kinh phí được, không cần phải đợi trợ cấp ở ngoài. Mới xuất bản đã được tới ngót ngàn người mua đồng niên, nhưng phần nhiều còn chưa trả tiền cả, nên việc lý tài của báo còn chưa lấy gì làm dư dụ lắm. Lại thêm các ông soạn báo phần nhiều là những chân làm việc Nhà nước cả, không kể bận việc quan không chuyên cần được lắm, lại còn có khi phải đổi đi nơi khác, tòa soạn không thể tổ chức cho vững vàng nhất định được. Đó cũng là một cái nhược điểm cho tiền đồ báo Đại Việt vậy. Hiện mấy người chủ trương trong báo thì có quan Phủ Bảy, chuyên về khoa chánh trị, ông Nguyễn Văn Cư chuyên khoa pháp luật lại kiêm quản lý, ông Hồ Văn Trung chuyên khoa lý tài, ông Đặng Thúc Liên chuyên khoa văn chương. Tuy có tùy tài phân nhiệm cả, bề ngoài thì coi là chỉnh đốn hoàn bị lắm, mà kỳ thực quan Phủ Bảy bận việc quan, ông Trung mới phải đổi về Gia Định, ông Liên thì ở tận Sa Đéc. Duy có ông Cư đã xin thôi việc Nhà nước ra mở một phòng biện sự riêng, là còn chút thì giờ thư thả mà chăm nom về việc báo được. Ông phàn nàn với tôi rằng một mình đương mọi việc, thật là khó nhọc quá. Ông thấy tôi ngao du tưởng được nhàn hạ lắm, không biết cái phần việc của tôi cũng chẳng nặng nhọc kém gì ông. Một mình coi việc biên tập, việc xuất bản một tập báo trăm trang, muốn làm cho xứng nghĩa vụ, thiệt không phải là một việc dung dị tầm thường vậy. Nhưng mà thôi, đã để mình vào báo giới phải biết rằng nghề này chưa phải là chốn sinh nhai dễ dàng, phải lấy hết lòng nghĩa vụ mà làm cho xứng chức, chẳng quản chi những sự nhọc nhằn, đường hơn thiệt. Vả đã tự phụ ra đương một phần ngôn luận trong quốc dân, đương lúc trong nước hiếm kẻ nhân tài, dầu nặng nhọc đến đâu mà nỡ bỏ cho đành. Nếu cổ động được điều hay, truyền bá được lẽ phải, có ích cho nước nhà, có lợi cho xã hội, đó tức là cái thưởng vô hình của bọn mình vậy. Thiết tưởng cái thưởng đó cũng đủ cao quí mà đền cho cái công phu tâm huyết của mình những khi đêm khuya thanh vắng một bóng một đèn, ngồi kỳ khu cặm cụi trước tờ giấy trắng ống mực đen mà đào gan nạo óc để mong đem những lời thiết thực cảnh tỉnh cho bạn đồng bào. Ôi! Cái thiên chức của nhà làm báo, há phải là sự thường rư? Lấy báo làm một kế doanh nghiệp thường thì thật là cái kế cùng, không tài nào thành công được, và cứ tình hình nước mình sớm trưa tất đến phá sản; lấy báo làm một cái nghĩa vụ cao, đủ khiến cho mình hết tài hết sức mà làm cho trọn, đừng quản những sự thiệt thòi khó nhọc, thì thật không có nghề gì cao thượng bằng. Nói tóm lại thì nghề báo bây giờ chưa lấy làm một kế sinh nhai, một đường doanh nghiệp được, phải coi là một cái nghĩa vụ và cần đến những người có bụng có chí hơn là những người có của có tài. Nếu có tài có của mà lại có chí có bụng nữa thì còn gì hay bằng, nhưng có tài mà muốn lợi dụng cái tài ấy để cầu lấy sự phú quí cho mình, có của mà muốn lợi dụng cái của ấy để sinh sôi nẩy nở cho nhiều, thì báo giới quyết không phải là một nơi trường sở tốt cho những người yêu hãnh như vậy.
Tuy vậy, xét tình hình báo Đại Việt như trên kia đã nói thì cũng là một việc nặng nhọc cho ông Nguyễn Văn Cư vậy. Tôi có bàn với ông nếu hợp một được Đại Việt với Nam Phong mà làm một cái tạp chí chung cho cả Nam Bắc thì hay lắm. Ông lấy làm đậm lắm, quan Phủ Bảy cũng ưng như thế và cả hội Khuyến học Long Xuyên cũng tán thành. Nhưng còn phải đợi cho công việc Đại Việt thanh thả cả, phải đợi cho sổ sách kết toán đâu vào đấy, rồi mới có thể nghĩ cách thực hành được cái lời bàn ấy. Nếu sớm trưa thành được thì còn gì hay bằng.
Ông Cư giữ ở luôn nhà. Bữa sau ông giắt đi chơi chợ và dạo quanh trong thành phố, lại giới thiệu cho quen biết các quan lại trong hàng tỉnh. Tỉnh Long Xuyên này không có gì lạ cả, sánh với các nơi khác thì cũng là một tỉnh lỵ nhỏ. Tự bên tỉnh sang bên chợ đi qua cái cầu dài; bên tỉnh thời tẻ lắm, là chốn làm việc quan và nơi quan lại ở mà thôi, bên Chợ thì có tấp nập một chút, nhưng sự buôn bán công nghệ cũng chẳng có gì. Buôn bán thì vào cả tay các Chú đặt phố chung quanh Chợ, công nghệ thì hầu như không có. Tỉnh Long Xuyên này là một tỉnh thuần chuyên nông nghiệp mà thôi. Nghe nói ở Cù Lao Giềng có dệt the dệt lụa, nhưng chừng mới thí nghiệm làm nhỏ, chưa thành công nghệ gì...
Xưa như nhà nho ta cùng học một đạo thánh hiền, cùng theo một đường khoa hoạn, đã quen biết nhau dễ thành bạn chí thiết. Cái giao tình của các cụ ngày xưa còn thâm thiết biết bao nhiêu! Ngày nay trong bọn tây học cũng vậy: cùng học một đường, cùng ra một trường, cùng thi một lớp, khó gì mà không chóng thân mật được. Thí như các hàng quan lại ở Long Xuyên, tuy về đường giai cấp quan hàm có người mới kẻ cũ, kẻ thấp người cao, mà cũng là một bọn tây học, các ông cũng là do chân các thầy mà ra, các thầy rồi cũng thẳng tới các ông, bấy nhiêu người cùng có một cái gốc giáo dục như nhau, lại là những người bụng dạ tốt cả, thì khó gì mà chẳng coi nhau như anh em một nhà vậy. Cho nên nói rằng bất luận cái giá trị của sự giáo dục thế nào, phàm người ta hễ đã có cái giáo dục giống nhau thì dễ thân cận nhau lắm, như người cùng một nền một gốc mà ra. Xét về phương diện ấy thì dù tây học, dù nho học, đã thành một nền giáo dục phổ thông dễ gây nên đoàn thể nhất trí. Nếu cái giáo dục ấy lại là cái giáo dục chánh đáng, hợp lẽ, phải đường, mà phổ cập được suốt trong quốc dân, thì còn thế lực gì mạnh bằng? Biến hóa được xã hội, chuyển dịch được nhân tâm, dựng được nhà, gây được nước, cũng bởi cái thế lực ấy. Sự giáo dục thật là có cái sức “kết tinh” (puissance cristallisatrice) rất mạnh: lấy những người tính chất rất khác nhau mà hóa hợp lại thành một đoàn thể cố kết được. Nếu biết khéo lợi dụng cái sức đó cho phải đường thì làm gì mà chẳng được. Đó là cứ lý tưởng mà nói, cứ thực sự thì trong một xã hội nhỏ cái gương tốt của người trên cũng mạnh lắm. Như ở Long Xuyên này nghe nói cách giao tế của các quan lại sở dĩ được hồn hậu như thế cũng là bởi cái gương tốt của quan Phủ Bảy một phần vậy. Ngài lấy sự bình đẳng tự do, tình thân ái đôn hậu mà xử với các bằng bối, tất ai ai cũng bắt chước mà xử lẫn nhau theo một cách như vậy. Một người hay thật là một cái nguyên động lực rất quí cho xã hội. - Ấy thanh danh quan Phủ Bảy to rộng như vậy, nay chỉ mong đợi ngài kíp về mà tiếp mặt cho phỉ lòng.
Phủ đài mãi đến chiều bữa sau mới về. Ngài vồn vã ân cần, phàn nàn rằng không có ở nhà bữa mới tới. Ngay lúc mới tiếp đã biết là người đôn hậu, rồi càng quen thân mới càng rõ cái tính tình trí thức khác người. Có lắm người có cái thanh danh quá đáng, khi gặp mặt không được bằng lúc mới biết tên. Quan Phủ đây thì thật là xứng cái tiếng ông quan cần, người bạn tốt, và là một tay nhiệt thành muốn khai hóa cho dân trí nước nhà, mở mang những lợi nguyên trong nước. Ngài cũng là một người giàu cái bụng nghĩa vụ, hạng người đó nước ta hiện còn hiếm lắm. Có giàu cái bụng nghĩa vụ mới biết trọng việc công ích hơn việc tư lợi, biết ra công khởi xướng những công cuộc không ích lợi riêng cho mình mà ích lợi chung cho cả quốc dân xã hội. Một nước như nước ta trăm mối còn phải chỉnh đốn cả, nghìn việc còn phải sắp đặt hết, dân trí chưa khai thông, thế nước còn kém cỏi, người hèn của hiếm, tài mọn được sơ, rất cần phải có những người biết vị nghĩa vụ như vậy. Chớ những kẻ dù tài giỏi khôn khéo đến đâu mà chỉ biết khu khu một mình, mài miệt trong cuộc danh lợi riêng, đi một bước sợ ngã, làm một việc sợ thua, coi cái danh dự cỏn con, cái địa vị hẹp hỏi của mình làm trọng hơn là cái vận mệnh trong nước, sự sinh tồn của dân, tưởng nước đổ dân tan mà cái sự lợi lộc riêng của mình còn trọn vẹn cũng chẳng động lòng, những kẻ như vậy thì tài mà làm chi, giỏi mà làm chi, khôn ngoan khéo léo mà làm chi, ngoài cái nhân thân của mình còn có bổ ích cho ai, thật là những nhân tài vô dụng cho nước vậy. Cho nên một nước hơn hay kém, thịnh hay suy, không một bởi nhân tài nhiều hay ít, thực bởi cái bụng nghĩa vụ thấp hay cao vậy.
Cách giao tiếp của Phủ Đài cũng đậm đà mà giản dị, có cái vẻ xuân phong hòa hí vậy. Trong mấy ngày lui tới chuyện trò, thật là vui vẻ vô cùng. Có lúc bàn việc chính trị, có lúc nói chuyện văn chương, có lúc đi coi hát, có lúc đi chơi xe, thiếu gì những câu chuyện hay, lời nói thực, ý kiến lạ, tư tưởng cao. Phủ đài là một nhà quan lại, mà không có cái thiên kiến của bọn quan lại. Phàm nghị luận phán đoán rất là chánh trực công bằng, hợp với lẽ phải và thiết với sự tình. Có lắm cái ý kiến mình suy lý mà nhận ra, ngài kinh nghiệm mà nghĩ tới, không hẹn mà gặp nhau, mới biết rằng phàm tư tưởng mà thành thực thì thế nào cũng đồng ý nhau được. Như thuộc về cái vấn đề giáo dục đàn bà con gái, tôi vẫn thường nghĩ riêng rằng đàn bà con gái ta không cần phải học chữ Pháp làm gì, chỉ nên học cho thông quốc văn và thêm một ít chữ Hán cho biết lẽ cương thường đạo lý là đủ vậy. Vì cái phận sự của đàn ông là phải tiến thủ mà cái phận sự của đàn bà lại là phải bảo tồn. Tiến thủ thì phải ra công thâu nhập lấy những tư tưởng học thuật mới, nên phải biết tiếng nước ngoài mới được; bảo tồn thì chỉ cần gìn giữ lấy cái nền nếp trong gia đình, trong xã hội, hà tất phải học tiếng ngoài chữ ngoài làm gì. Đàn bà mà chịu cái giáo dục của ngoài thì phi thành người hư tất ra người hỏng, đàng nào cũng là sai cái chức vụ thiên nhiên làm vị thần chủ trì trong nhà trong nước. Tôi suy lý mà xét ra như vậy, ngài kinh nghiệm mà cũng kết luận như tôi. Ngài nói: “Tôi nghiệm ra con gái ta học tây không ra gì, thường hư hỏng cả, không được mấy người thành tài, mà cho dẫu thành tài nữa cũng không được mấy người trọn đức. Năm nọ tôi có tán thành cho trường trung học con gái Sài Gòn, nay coi cái kết quả tôi lấy làm hối. Con gái tôi, tôi không cho học chữ tây nhiều làm gì. Chỉ cho theo các bà Phước học sơ sơ mà thôi, rồi cho chuyên về nữ công, về gia chánh, cho học thêu, học dệt, học may, và dạy cho biết cái bổn phận đàn bà trong nhà thế nào, thế là đủ”. - Lại thuộc về cái chủ nghĩa “Pháp Việt đề huề”, nhiều người tin rằng người Pháp nước Nam có thể lấy tình thân ái mà xum hiệp làm một nhà, coi nhau như anh em và cùng nhau ra công giúp sức cho nước Nam được tiến bộ. Tôi thiết tưởng rằng cái chủ nghĩa ấy cứ lý thuyết thì còn gì hay bằng, mà cứ thực sự thì khó lòng mà thành hiêu được. Một người đối với một người, họa may có cái tình thân ái coi nhau như anh em một nhà chăng. Chớ lấy toàn thể mà nói thì khó lòng cho được như vậy. Người Tây bao giờ cũng giữ bề trên, người Nam bao giờ cũng chịu phần dưới, có bình đẳng đâu mà thiệt lòng thân ái nhau như anh em một nhà được. Về đường giao thiệp, về đường chánh trị, thì chắc bao giờ cũng vẫn lấy sự lễ nhượng, sự khiêm kính mà đãi lẫn nhau. Nhưng mong lấy tình thân ái mà gây thành một nền Pháp - Việt vững bền, thì e còn sớm quá. Quan Phủ cũng nghĩ như tôi, và ngài lấy sự kinh lịch, rộng của ngài mà chứng rằng cái chủ nghĩa ấy quả chưa đến ngày thực hành được. Chắc cũng là một cái mộng tưởng hay, nhưng còn lâu nữa cũng vẫn là cái mộng tưởng vậy.