Thành phố không tạnh mưa
Tác giả: Phạm Thanh Thúy
Có người nói yêu em. Rất yêu. Yêu mãi mãi... Em muốn bắt đầu câu chuyện của mình trong buổi chiều mưa thu hiu quạnh bên ô cửa sổ căn hộ tầng ba của khu chung cư đã ẩm mùi xưa cũ.
Căn hộ tầng ba, nơi có những cành phượng vĩ sà vào tận chấn song cửa sổ. Cây phượng vĩ lạ lùng, đến mùa xuân lại rắc lá vàng đầy các góc tường, các khe hở. Lọt vào nhà theo gió...
Những chiếc lá phượng vàng nhỏ xíu chẳng bao lâu sẽ âm thầm khô mục ở các góc tường. Những cơn mưa khiến chúng bốc lên mùi ẩm mốc, mà sống chung với chúng lâu ngày, chúng sẽ trở thành một phần trong nỗi nhớ.
Chị từng nói với em. Ở Van-cu-vơ xa lạ, có lần Du đã thốt lên: “Trời ơi! Em nhớ mùi ẩm mốc bên cửa sổ nhà Hạc quá!”. Em tin chị nói thật. Và em cũng tin Du.
Mỗi lần về nước, rồi đến thăm em, trông chị lại càng đẹp hơn trước. Vẻ đẹp và sự sang trọng của chị chỉ khiến em nhận thấy chị xa lạ hơn thôi. Xa lạ đến nỗi, sau mỗi lời chia tay em tưởng là sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại. Nhưng chị đã trở lại, lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Sự xuất hiện bất ngờ luôn khiến trái tim em thắt lại, như thể đứng trước em, không phải là chị, mà là Du...
...Chị đưa bàn tay trắng hồng mập mạp lên vén tóc. Mưa thu rì rầm trên tán phượng vĩ đã qua mùa hoa đỏ, đã lúc lỉu những quả buông dài như những thanh đoản kiếm xanh xanh.
“Sao lạ thế Hạc ơi! Lần nào đến thăm em, trời cũng mưa, cứ như thành phố này chẳng bao giờ tạnh mưa ý”.
Sự phát hiện của chị đối với em chẳng có gì mới lạ. Bởi vì em nhớ như in những lần ít ỏi chị đến thăm em, mang cho em những điều em muốn biết về Du. Lần nào trời cũng mưa, lần nào những điều em muốn biết về Du cũng làm em buồn tan nát.
Người ta thường nhớ rất lâu những kỷ niệm buồn.
Ở cửa sổ phòng em có thể nhìn sang cửa sổ căn hộ cũ của gia đình chị ở dãy nhà C4. Suốt nhiều năm, em và Du đã ở hai cửa sổ ấy để trông sang nhau.
Có một lần, em nhớ đó là lần đầu tiên chị về nước, đến thăm em và cùng em ngồi nhìn xuống con đường nhỏ xòe bóng mát bên dãy nhà C4. Thấp thoáng trong tán xanh của lá là những người đi qua đi lại.
Chị đã cho em biết rằng: Mỗi khi tạm biệt nhau ở những ngả chia tay, em luôn bước đi ngay mà chẳng bao giờ ngoái đầu nhìn lại... Quay đầu nhìn lại, với nhiều người, đó là một thói quen, một phép lịch sự, hay chỉ là một phản ứng tự nhiên, không chủ ý.
Nhưng em thì khác, em luôn chẳng ngoái nhìn lại, vì thế nên em không biết rằng: Bao giờ Du cũng đứng lại để nhìn theo em cho đến khi bóng em khuất sau dãy cầu thang tối, Du mới một mạch chạy về nhà, đến bên cửa sổ để đợi em mở cửa sổ bên kia.
“Nó muốn giữ điều đó cho riêng nó - chị chầm chậm nói - chị biết, Du là một cậu bé khác biệt với bạn bè đồng trang lứa. Chị luôn cảm thấy nó là một người lớn trong cái vỏ của một đứa trẻ. Nhưng nó lại là một đứa trẻ trong cái vỏ của một người lớn khi nó đã trưởng thành. Rất nhiều khi nó làm chị sợ. Vì nó là người không bình thường...”.
Chị lại đưa tay vén tóc. Những ngón tay trắng hồng mập mạp lùa vào mái tóc nhuộm nâu sóng sánh. Em rất sợ phải nghĩ những nhận xét về chị. Rất sợ phải thừa nhận những nét Việt phôi phai ở chị... Nó khiến em hình dung về Du.
... Trong suốt nhiều năm trời, em không hề có thêm một người bạn mới. Cuộc chia tay với chị em chị đã để lại trong em một khoảng trống lạ lùng. Em yêu Du, còn với chị, là một tình bạn đẹp. Nên khi chị và Du sang Van-cu-vơ sinh sống em đã không tin mình có thể nhớ chị và Du đến thế.
Em đã tự biến mình thành một cô gái cô đơn giữa biển người. Bố mẹ em chỉ có mỗi mình em. Sự lặng lẽ của em khiến họ rất đau lòng. Nên khi em đưa Cường về nhà xin được kết hôn thì họ mới tin là con gái mình sẽ sống...
... Em rất hay buồn. Đầu tiên em nghĩ mình vì có chuyện buồn nên mới buồn. Sau này em nhận thấy, ngay cả khi em hạnh phúc trong tổ ấm mới của mình nhất, em vẫn buồn.
Em nhận ra: Từ khi Du ra đi, với em, nỗi buồn đã trở thành tính cách. Người ta ở đời: Buồn vui, sướng khổ, hỉ nộ ái ố phần lớn phụ thuộc vào tính cách. Những người hay buồn, an lòng với cách sống thầm lặng, thích lắng nghe hơn là tranh luận.
Khi em kết hôn, Cường từng nói: Anh rong ruổi nhiều năm trên đường đời để tìm kiếm một người ít nói, vì anh cho rằng những người ít nói là những người luôn biết lắng nghe. Kết quả ngoài mong đợi. Người mà anh gắn bó cả cuộc đời, chẳng những ít nói, mà dường như chẳng mấy khi nói gì.
... Trong căn phòng của em và Cường, sự nổi bật, gây chú ý nhất không phải là những vật dụng tiện nghi, hay cái gì đó khác, mà là sự hiện diện của những bức tượng thiếu nữ khỏa thân hay bán khỏa thân, chúng đều nho nhỏ và được đặt ở nhiều nơi trong phòng.
Những thiếu nữ thạch cao khỏa thân ở mọi tư thế, mà trong những chuyến đi công tác Cường chịu khó sưu tầm đem về. Lần đầu tiên gặp chị, Cường đã nói với em: “Hạc này, em có biết ở chị Yên, điều gì khiến anh cảm thấy rất thân quen không?”.
Em im lặng và hồi hộp đợi câu trả lời của Cường. Quả nhiên, Cường tự trả lời câu hỏi mà anh đã hỏi.
“Anh thấy, chị ấy giống... những bức tượng nhà mình...”. Rồi như sợ em hiểu lầm, Cường vội vã bổ sung thêm:
“Ý anh nói là... gương mặt chị ấy...”.
Em đã dành thời gian để nhìn ngắm lại tất cả những gương mặt của những thiếu nữ thạch cao khỏa thân trong nhà và rút ra một phát hiện thú vị: Gần ba chục bức tượng đó đều có những gương mặt từa tựa như nhau... và chúng đều có nét gì đó giống chị: Dịu dàng, thánh thiện, hơi có chút đa tình, phóng khoáng.
Phát hiện đó không làm em vui lên hay có thêm chút ấm lòng. Vì nếu những bức tượng kia có bóng dáng gương mặt chị, thì có nghĩa đó cũng là gương mặt của Du. Nghĩa là dù đã rất cố gắng để xóa đi hình bóng Du, thì Du vẫn tồn tại quanh em, dõi theo em như hơi thở của niềm vui, nỗi buồn...
Cường yêu thích những bức tượng khỏa thân ấy và coi nó là sự hiện diện tất yếu, hết sức tự nhiên như hơi thở cuộc sống này. Những bức tượng khiến một vài đồng nghiệp nữ của em đến chơi, thường ý tứ chỉ nhìn em và Cường, hay nhìn xuống bàn uống nước mà không tự nhiên quay ngang quay ngửa.
Còn những người bạn của Cường thì luôn hồn nhiên bày tỏ quan điểm thẩm mỹ của họ về cơ thể phụ nữ. Mỗi khi họ tụ tập vui vẻ em cũng góp vui bằng những nụ cười.
Thế mà dù em đã cố gắng hết mình, thì một lần, cậu đồng nghiệp trẻ của Cường vẫn thốt lên: “Eo ơi! Chị Hạc cười cứ như mếu ấy”. Cường lập tức bênh em: “Chú mày chả biết gì cả. Buồn là một nét đẹp cổ điển đang cần phải “phục hưng” đấy”. Nhưng dù thế nào thì em và Cường cũng khá vất vả mới cưới được nhau, vì mẹ Cường rất có lý: “Buồn tuyệt đối không phải là quý tướng”.
...Ô cửa sổ căn hộ cũ của gia đình chị nhiều năm không mở. Chủ mới của nó là một người đàn ông cô đơn. Ông ta không thích không gian của lá cây và những áng mây trời.
Em đã biết bao lần đau đáu nhìn vào khoảng im lìm quạnh quẽ ấy và tự hỏi: Vì sao người ta lại thay thế nỗi buồn này bằng một nỗi buồn khác, còn thăm thẳm hơn, còn tê tái hơn?
Nỗi nhớ Du và nỗi buồn cuốn lấy em. Khiến em có lúc ngỡ mình không chịu nổi. Nhưng em không có đủ can đảm để dời cha mẹ đến sống ở nơi khác, hay đóng cửa sổ lại... Nên em vẫn ngày ngày mở cửa để cái mùi ẩm mốc xưa cũ phả vào qua chấn song.
Cây phượng vĩ bao mùa thay lá, bao mùa ra hoa. Bao mùa chim về nhảy nhót trong vòm biếc. Em nhận thấy một điều lạ: Chim đã về đây hót suốt bốn mùa. Nhưng không bao giờ thấy có tổ chim nào cả. Không có một tổ chim nào được xây trong vòm biếc ấy...
... Mấy năm gần đây, căn hộ cũ của gia đình chị lại có chủ mới. Đó là hai chàng trai trẻ. Họ là sinh viên của một trường nghệ thuật. Họ hay mở cửa sổ, luyện thanh và chơi đàn. Luôn có những cô bạn gái đến chơi, và họ cười, họ hát. Nhưng rồi các cô ấy không xuất hiện mà lại xuất hiện những cô nàng khác. Một lần, em cố ý hỏi một trong hai chàng trai khi gặp cậu ta mua hàng ở quầy tạp hóa:
“Cô gái tóc vàng rất dài, lâu rồi chị không thấy đến”.
Cậu ta cười toe toét, nói một câu như một triết gia:
“Chị ơi! Có những mối tình rất đẹp, cuối cùng vẫn là tình cũ”.
Nói chuyện một lúc, cậu ta chợt hỏi:
“Chị luôn nhìn thấy bọn em à?”.
Em xác nhận: “Ngày xưa bạn chị đã từng sống ở căn phòng em đang sống”. “Thế ạ?” - Cậu ta tròn xoe mắt. Rồi với bản tính đặc trưng của những người làm nghệ thuật: Đó là hoài cổ.
Cậu ta hỏi: “Người đó có để lại điều gì ở đó không chị?”. Em mỉm cười, không trả lời cậu ta. Nhưng em có thể tự trả lời mình rằng: Trong căn hộ đó, chị và Du không ai để lại điều gì. Nhưng lại không có gì bị mang đi cả.
Lần nào về nước chị cũng đến thăm em, cũng cùng ngồi bên cửa sổ nhà em để trông sang cửa sổ căn hộ cũ, nơi rất nhiều năm gia đình chị đã sống. Nhưng... vì sao chị lại không một lần trực tiếp trở lại đó? Vì chẳng có gì để chị tìm lại, hay chị không phải tuýp người khó thay đổi tâm tư? Chị không trở lại đó, đơn giản vì đó là điều không cần thiết.
Đã biết bao lần em trở lại, đứng trước cánh cửa đó. Em đã trở lại như một thiếu nữ mộng du. Có lần, người đàn ông cô đơn từ sau cánh cửa hiện ra. Ông ta nhìn em với ánh mắt chẳng hề tò mò, ngạc nhiên, mà nói một câu không thừa, không thiếu: “Cháu tìm bạn cũ à? Họ chuyển đi rồi”.
Đó là câu nói ấm áp nhất mà em đã được nghe về chị và Du khi hai người chuyển đi. Em ra về và tự hỏi: Tại sao người có câu nói ấm áp ấy lại cô đơn? Mấy năm sau ông ấy vẫn cô đơn. Khi ông ấy chuyển đi em không biết ông ấy có còn cô đơn hay không nữa.
Ở Van-cu-vơ - Canada, Du cưới một cô gái Canada gốc Pháp. Họ có một đứa con trai. Khi con trai ba tuổi, cô ta bỏ bố con Du để theo trai.
“Nó đã nghĩ rất nhiều về em Hạc ạ. Chị khuyên nó cưới một cô gái Việt. Nó nói: “Không có Hạc trong đời, em thề sẽ không lấy một cô gái Việt nào hết...”.
Du đã nói yêu em. Rất yêu, yêu mãi mãi.
Khi yêu, ai chẳng muốn yêu một người mãi mãi. Nhưng từ yêu đến mãi mãi là khoảng cách xa vời vợi. Mà điều đó, không phải ai cũng có can đảm để thừa nhận. Nhiều khi, người ta quá khờ để nghĩ rằng: Chỉ cần yêu chân thành là sẽ không thể mất nhau.
... Mẹ em bàn với bố em: Phải làm sao để em tránh xa Du càng sớm càng tốt. “Nhưng cậu bé đó ngoan đấy chứ”. Bố em bênh Du. Mẹ em khẳng định: “Thằng bé đó lập dị lắm. Yếu ớt lắm. Đàn bà cần có bờ vai vững chắc của đàn ông mà dựa dẫm...”.
Trong những năm thơ ấu, chị giống một người anh trai, luôn dắt tay Du đi bên để bảo vệ. Du mắc chứng sợ đám đông, sợ những thứ quá ồn ào. Một tiếng nói to bất ngờ cũng khiến Du giật mình, co rúm người lại, mặt mày tái xanh.
Chị bảo Du mắc chứng đó từ khi còn nhỏ xíu, trong một lần mẹ cho hai chị em đi xem phim rạp. Khi tan buổi chiếu, không hiểu sao Du lại bị lạc, bị cuốn theo dòng người ồn ào, nhốn nháo.
Lúc tìm thấy Du từ một cô gái tốt bụng, Du đã gần như tím tái vì khóc và sợ hãi. Du lớn lên bên chị và khẩu hiệu của mẹ: “Đừng để em ở chỗ đông người”... Vì thế, Du gần như không có bạn để chơi cùng. Ở khu tập thể, ở trường lớp thời thơ ấu, em là người bạn đầu tiên cũng là người bạn duy nhất của Du. Ở tuổi trăng rằm, em và Du đã thề trọn kiếp bên nhau trên tầng thượng nhà C4.
Mười sáu tuổi, chị thích một anh bạn ở tầng một nhà C4. Anh ấy có ông bố làm quan trong thành phố, mỗi lời ông ta nói, ai cũng nể. Anh ấy khá bảnh và biết chơi vĩ cầm.
Khi bộ phim về Romeo và Juliet công chiếu trên truyền hình, thì bài hát “A time for us” đã trở thành nổi tiếng. Ở trường, chị là một hoa khôi được nhiều người yêu dấu, nhưng chị bị tiếng vĩ cầm với giai điệu “Atime for us” hút hồn, nên cứ hay kéo em và Du theo chị đến ngồi nghe anh ấy chơi đàn.
Em và Du luôn tò mò ngắm nhìn đồ đạc trong nhà anh và mơ ước một ngày nào đó cũng được ở trong căn nhà có tiện nghi như vậy. Muốn đi vào phòng khách nhà anh ấy phải đi qua một gian bếp nhỏ, đồng thời là khu chứa đồ cũ. Em thấy có một tấm riđô cũ mèm không bao giờ rung rinh vì chẳng bao giờ có gió.
Một buổi chiều, khi em và chị đang ngồi nghe anh ấy kéo đàn, thì Du ra ngoài và không thấy quay trở lại. Em ra ngoài tìm Du. Đi qua căn bếp, linh cảm thế nào, mà không ai cho phép em cũng bước vào.
Ở đó, em thấy Du đứng bất động như một bức tượng ai đó bất thình lình đặt vào. Trước mắt em, ngoài Du ra còn có cánh riđô vén mở. Trong bóng tối nhàn nhạt một mùi ẩm mốc, khăm khẳm bốc ra, xộc vào mũi.
Khi em bình tĩnh hơn, thì nhìn thấy đằng sau tấm riđô giữa khoảng trống hẹp, chật chội của những thùng các tông và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác là một cái giường nho nhỏ.
Trên cái giường nhỏ là một thân hình gầy nhóp, già nua, cũ xỉn, một mái tóc bạc trắng, một gương mặt nhăn nheo với hai hốc mắt đục mờ. Thân hình ấy cựa quậy và phe phẩy cái quạt nan. Em cảm thấy mỗi khi cánh quạt nan phe phẩy là phẩy về phía khách một mùi khăm khẳm.
Em nghẹn ứ trong cổ vì em quá ngạc nhiên, quá sững sờ. Khi em và Du còn đang bất động như thế thì bạn chị và chị cũng đã đứng ở sau lưng. Em nghe giọng chị trong và vang: “Ai đấy hả Trung?”. “À, bà nội mình đấy mà”. - Anh ấy trả lời. “Sao bà lại phải ở đây?”. Chị tiếp tục hỏi nhưng anh Trung chẳng nói gì. Chị cũng không hỏi gì thêm nữa.
Du trở nên câm lặng suốt mấy ngày liền. Nhưng có thể chị biết vì sao Du không nói.
Tầng thượng nhà C4 là nơi Du thường lên đó ngồi một mình. Đó cũng là nơi em và Du hò hẹn. Vì nơi đó quá cao nên không có cây xà cừ, cây phượng vĩ nào vươn cành tới được. Đứng ở trên tầng thượng ban đêm, tất cả những ánh đèn thành phố đều ở dưới sao trời. Ở đó chỉ có trăng, sao và những đêm đen thẫm.
Du dùng con dao tem dùng để cạo râu của bố, rất nhẹ, rất êm cứa vào cổ tay mình. Du nhìn em: “Hạc ơi! Du chẳng muốn sống. Sống thì có ý nghĩa gì? Rồi cuối cùng cũng bị đối xử như bà của anh Trung thôi”.
Dòng máu đỏ từ cổ tay Du ứa ra như dòng nhựa của một thân cây non bị bẻ gãy... chảy từ từ xuống vạt áo trắng Du đang mặc.
“Du chỉ muốn trước khi chết, được nhìn thấy Hạc ở bên Du...”.
Dưới sao trời lấp lánh, gương mặt Du em không nhìn rõ được. Nhưng em tin nó không hề biểu hiện một sự đớn đau. Và em... bằng một sức mạnh lạ kỳ nào đó, đã không hề sửng sốt, không hề kêu la, không hề hoảng sợ. Trái lại, còn cảm thấy cái chết là một điều thật giản đơn, và nên như thế...
Em vén tay áo mình lên. Nhặt con dao tem Du vừa để xuống đầu gối, nhìn Du. Em từ từ cứa dao vào cổ tay mình...
Em và Du không ai chết cả. Em và Du không chết, vì chị lúc nào cũng dõi theo Du và dõi theo em nữa.
Chuyện em và Du cắt mạch máu tự tử trên tầng thượng nhà C4 đồn ầm lên ngay lập tức ở khắp các khu nhà. Không ai biết thực sự vì sao em và Du lại dại dột thế. Người ta dứt khoát xây bít lối lên tầng thượng. Có lẽ chị biết vì sao em và Du tự tử. Vì từ đó, chị không bao giờ gặp anh Trung nữa. Mấy tháng sau, bà cụ tội nghiệp cũng qua đời. Du đã khóc...
Bố mẹ em kiên quyết cấm em không được gặp Du từ đó. Vì bố mẹ em cho rằng Du là một kẻ lập dị, nguy hiểm. Trước sau gì cũng dụ dỗ em lặp lại cái trò dại dột đó. Bố mẹ thi hành chính sách đưa đi đón về, nhờ bạn học phong tỏa quan hệ của em và Du. Vì thế em và Du chẳng có cách nào gặp nhau được. Đành đứng ở cửa sổ trông sang. Nhưng rồi cửa sổ cũng bị cấm.
Hai năm sau, chị báo tin, chị và Du sẽ theo bố mẹ sang Canada sinh sống...
“Nhiều khi chị tự hỏi: Nếu em và Du đến được với nhau thì liệu hai đứa có hạnh phúc không nhỉ?”.
Em cũng đã ngàn lần tự hỏi điều đó mỗi khi đi qua những con ngõ hẹp rợp bóng cây đìu hiu từng trưa vắng. Mỗi khi mưa thu mưa xuân rồi lại mưa đông khoan nhặt trên tán phượng vĩ ngoài cửa sổ. Một năm, ngoài cửa sổ, trên cây phượng vĩ không bao giờ có tổ chim ấy... xuất hiện một chú mèo hoang.
“Chỉ có đàn bà cô đơn mới hay nuôi mèo”. – Cường nói với em như thế. “Anh đã dồn hết vốn liếng để yêu em. Sao em vẫn cô đơn vậy”.
Em hiểu Cường đang ngầm khiêu khích, bởi chuyện em và Du tự tử ngày xưa Cường không thể không biết.
Em không cô đơn, cũng không còn nghĩ là mình bất hạnh. Em đã nuôi con mèo hoang đó, có lẽ vì lòng trắc ẩn đối với những thân phận bị bỏ rơi, hay vì miền kỷ niệm xa xưa như một nỗi buồn thầm lặng. Em hiểu là em cần phải dành hết những yêu thương còn lại trong đời cho Cường. Kẻ đã “yêu em hết mình” như anh ta đã nói.
“Vì anh yêu và tin em, nên dù trong quá khứ, em và Du có là gì của nhau, với anh cũng không quan trọng. Chỉ xin em đừng bao giờ giấu anh...”.
Tết Dương lịch trước ngày gia đình chị lên đường, em và Du cuối cùng cũng đã có một cuộc hẹn hò bí mật. Khi người ta yêu chân thành, có điều gì trên đời là không làm được?
Lúc đó, Du đã trở thành một chàng trai không sợ đám đông từ lúc nào. Du cầm tay em siết chặt.
“Hạc ơi! Nếu Hạc còn thương Du, thì từ nay, chúng ta sẽ không bao giờ xa nhau nữa”.
Chúng em nhìn nhau, nước mắt rơi mặn môi hồng.
Thành phố bắn pháo hoa. Vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo của pháo hoa khiến người ta choáng ngợp hạnh phúc. Người ta đồn rằng những điều ước tình yêu dưới pháo hoa sẽ trở thành hiện thực. Vì thế, nên hàng trăm người trẻ tuổi và theo nhau để đón đợi điều kỳ diệu. Sức mạnh của họ làm em và Du bị tách xa nhau...
Em đứng giữa biển người mà nức nở. Phải chăng là định mệnh. Phải chăng em và Du không có cách nào ở bên nhau trọn đời. Em nghĩ đến Du với chứng sợ đám đông... Em càng khóc to hơn.
...Pháo hoa bắn mãi rồi cũng hết. Người ta cũng tản ra. Còn em cứ đứng nguyên ở đó. Nhưng rồi Du đã hiện ra trước mặt chỉ cách em mấy bước chân. Khi ôm chặt em trong tay, Du nói:
“Mình sẽ không bao giờ để lạc mất Hạc nữa...”.
Khuya lắm, người ta cũng dần về với tổ ấm của mình để ngủ hay thao thức. Em và Du cứ tay trong tay lang thang hết con phố này sang con phố khác. Bỗng nhiên, thành phố rùng mình lạnh và đổ mưa...
“Nếu bây giờ về nhà, chúng mình sẽ xa nhau mãi mãi...”.
Khi em và Du gõ cửa một nhà nghỉ trong ngõ hẻm, chủ nhà vừa ngái ngủ, vừa nói giọng khinh khỉnh:
“May cho hai đứa nhé! Vẫn còn phòng trống”.
Căn phòng lạnh cóng khi em và Du bước vào. Chẳng có gì ở đó ngoài một chiếc giường đôi với chăn gối xếp ngay ngắn, nhưng trông vẫn cũ kỹ và nhàu nát. Bức tranh vẽ hoa hồng treo trên bức tường lạnh lẽo như đang nhếch mép cười nhạt.
Bên ngoài, mưa vẫn rì rầm rơi.
Em và Du chỉ ngồi nhìn nhau, im lặng. Hai đứa cứ nhìn nhau như thế, tay vẫn trong tay, cho đến khi cả hai mệt lả, thiếp đi cho đến sáng...
Có lẽ em và Du ở bên nhau đêm ấy như những thiên thần, nên em đã không thể nào quên Du được. Vì thế, em chẳng có gì để giấu Cường. Nhưng em càng không có gì giấu Cường thì Cường lại càng tin em có gì để giấu.
...Du vẫn theo gia đình ly hương. Ước mơ đêm pháo hoa không linh nghiệm với tất cả mọi người.
Chị đã ba lần trở lại quê hương. Nhưng Du thì chưa một lần trở lại.
“Nó vẫn nghĩ về em rất nhiều Hạc ạ. “Chị lặp lại câu nói của mình... Câu nói của chị khiến em cảm thấy bờ môi em khẽ run lên. Em đã muốn nói một điều gì đó...
Ngoài trời, mưa không ngớt hạt, thi thoảng có một cơn gió nhẹ đưa hơi nước và mùi ẩm mốc của lớp lá mục nằm trong các kẽ tường vào phòng. Con mèo hoang em nuôi hồn nhiên cuộn tròn trong lòng chị.
Có thể ở Van-cu-vơ xa lạ, Du đã hình dung về em, một thiếu phụ ôm mèo ngồi bên cửa sổ và hoài tưởng. Người thiếu phụ cô đơn bên tình yêu của người đàn ông yêu cô ấy hết lòng.
Nhưng em không cô đơn. Em là người hạnh phúc.
...Em tiễn chị về khi trời vẫn mưa. Chị không thể kiên nhẫn chờ mưa tạnh vì chị còn có bao nhiêu việc phải làm. Đi bên chị, mùi thơm sang trọng từ trang phục của chị cứ quện lấy chân em khi bước qua từng bậc cầu thang cũ. Chị đã không còn thuộc về nơi này nữa, ngay cả khi chị vẫn còn muốn thế. Một ngày nào đó, có thể em cũng sẽ không còn thuộc về nỗi nhớ của Du.
“Lần này, chắc phải rất lâu chị mới lại về thăm quê được”. - Chị nói trước khi xòe ô bước vào mưa thu.
“Vâng”- Em chỉ đáp lại có thế. Ngày rất lâu ấy chị trở lại biết đâu sẽ có nhiều thay đổi. Những khu nhà cũ ẩm mùi rêu và lá mục. Những cây xà cừ vang bóng xa xưa... sẽ thay thế bằng những công trình mới.
...Cường gọi điện từ thành phố biển Nha Trang, khoe với em rằng: Trên thế giới, người ta vừa tìm thấy trong lòng đất một bức tượng nữ thần khỏa thân cao những 1m70. Rất đẹp. Đã bị chôn vùi từ hàng thế kỷ. Tiếc là Cường không thể mang bức tượng ấy về nhà. “Đó là tượng của vị nữ thần nào vậy?” - Em hỏi. Cường cười hăng hắc: “Còn chưa xác định được danh tính”.
Nhưng em không quan tâm đến sự tiếc nuối của Cường. Ở đời những thứ không thuộc về mình thì nhiều. Thứ thuộc về mình lại rất ít. Chẳng sao cả. Trong phạm vi cuộc đời một kẻ bình thường, những thứ ít ỏi sẽ có thể làm cho cả đời ấm áp. Ngày xưa Du nói Du yêu em. Rất yêu, yêu mãi mãi.
Có nhiều người không có duyên để được yêu mãi mãi. Hay có nhiều người khác, căn bản không hiểu thế nào là mãi mãi...?
9/2008