Phần VI
Tác giả: Phạm Thành
Từ xưa, làng này gọi là làng ốc. Đến thời ông Nam Cao mới đổi tên thành làng Vũ Đại. Từ hồi cách mạng thành công đến nay, làng Vũ Đại vẫn là làng Vũ Đại.
Võ Đức Bá, gọi là lão Bá, là người hay chữ có tiếng ở làng Vũ Đại. Nghe nói, từ thời Tây, lão đã đọc thông viết thạo Eng-Lich, Phờ-răng-xe, và cả Lăng-lủng-trẻo nữa.
Nhưng đã hơn mười năm nay, tủ sách của lão để cho lũ nhện tự ý giăng tơ. Hơn mười năm nay, lão bỗng dưng mang bệnh. Bệnh lão là bệnh gì? Thực, dân Vũ Đại không được tường tận cho lắm. Chỉ cùng nhau xác nhận: Gặp ai, lão cũng giương mục kỉnh ra nhìn, và thỉnh thoảng mở miệng cười mà không thành tiếng.
Nhưng, dân Vũ Đại thật cũng không mấy ai ngờ, một ngày kia, bệnh lão khỏi hẳn.
Dù khi lão còn điếc, tai lão đục, mắt lão mờ, dân làng Vũ Đại vẫn thừa nhận gia thế lão thuộc loại danh giá nhất. Thời cách mạng này, con lão: đứa giáo viên, đứa kỹ sư, đứa sinh viên đại học; còn thằng con trưởng của lão thì khỏi nói: đại tá, bác sĩ quân y.
Hồi lão đổ bệnh, con cái lão chạy chữa ghê lắm. Thuốc đông, thuốc tây, điện tâm đồ, ướp khô, ướp lạnh, châm cứu Đông, Tây y kết hợp, thôi thì đủ cách, đủ trò. Dân Vũ Đại nghĩ: "Con cái lão tận tâm, tận lực như thế, có tứ chứng nan y cũng phải sợ". Ấy thế mà bệnh của lão cứ không khỏi. Lạ thế, cứ như đài, báo cho biết thì cái bệnh của lão có "nan y" gì? Thế mà, từ nhà ra trạm xá, lên bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, đến cả trung ương, rồi lão lại trở về nhà, bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Vậy, lão mắc bệnh gì? Thằng con trưởng, đại tá, bác sĩ quân y từng chữa bệnh cho hàng trăm người, đã từng moi óc, moi tim hàng trăm người, nói rằng: Lão rối loạn thần kinh, lục phủ ngũ tạng bất ổn định. Nói gọn lại là lão rối loạn cơ địa. Để cho dễ hiểu, thằng con trưởng giải thích thêm: đại khái bệnh của lão như bệnh của gà bị mắc tóc. Muốn cho gà khỏi bị mắc người ta không thể gỡ từng cái tóc ra khỏi chân gà, mà thường phải dùng dao, hoặc kéo cắt nó đi. Lão Bá cũng đang bị mắc như vậy. Nhưng lão Bá là con người, dùng dao, dùng kéo cắt mổ cái mớ bòng bong ấy, rồi sau đó mới sắp xếp lại thì còn gì là người. Bởi vậy, y học đành bó tay. Với lại, lão Bá già rồi, có thấy được, nghe được, nói được cũng thế thôi. Con cái cứ chăm sóc lão cho tốt vào là trọn chữ hiếu rồi. Con hàng đàn, cháu hàng đống, lo cho cả, sợ gì!
Thế là mấy chục năm nay lão mang bệnh ở trong người. Mắt lão vẫn mở đấy, nhưng lão có thấy gì không, cũng không mấy người dám chắc. Miệng lão vẫn cười đấy, nhưng có ai nghe rõ tiếng cười của lão không, cũng không mấy người dám chắc. Một đồn mười, mười thành một trăm, một trăm thành một triệu rằng: Đã từ lâu, lão Bá bị điếc, bị mù, bị câm.
Thế rồi, một hôm, lão Bá đang ngồi trước hiên phía Đông hóng mặt trời, bất ngờ nghe có tiếng reo ầm ĩ từ ngoài đình dội vào. "Chuyện gì thế? Làng Vũ Đại vài chục năm nay có ầm ĩ như thế nữa đâu!". Tiếng reo càng gần lại và hình như đang tiến về phía ngõ nhà lão. "Đúng rồi!" - lão thầm khẳng định. Khi tiếng reo và đám đông đến gần nhà lão, theo thói quen, lão giương mục kỉnh ra nhìn. Lão thoáng thấy một con lợn bị cạo trọc đầu, đang lắc lư trên chiếc xe bò. "Hì! Hì! Lạ thế!" - Lão muốn phì cười. Lão muốn cười thật. Bọt mép trên miệng lão bắt đầu phì ra. "Hừ. Hết trò. Thật hết trò. Xe bò chở thóc, chở phân bây giờ lại chở lợn trọc đầu đi đâu thế này? Xe bò để bò kéo, bây giờ lại người kéo thay bò. Hết trò! Thật hết trò! Tức cười thật!" Và cổ họng lão lục bục, khúc khắc ho.
Vợ lão, người đàn bà nhân hậu, theo thói quen đến ghé miệng vào tai lão thì thầm:
- Cụ Chí bị đấu đấy!
- Cái… cái… gì? - Tiếng lão Bá nghèn nghẹn.
- Cụ Chí bị đấu đấy! - Vợ lão nhắc lại.
- Đấu… đấu - Lão Bá nấc lên.
- Ông nghe đài, đọc báo suốt ngày mà không thấy à?
- Thấy… thấy… cái gì?
- Cái gốc, cái cành gì đó! Đài nói bấy lâu nay mà!
- Đài… đài nào?
- Đài Vũ Đại chứ còn đài nào? Ông Võ Đức Nội đánh đổ cụ Chí đấy.
Lão Bá như bị lò xo ép lâu ngày, đứng phắt dậy, tay chém chém vào không khí, miệng lầm bầm:
- Đáng kiếp cho tay Chí. Thế chứ! Thế chứ! Cái lão mọt dân ấy. Lẽ ra hắn phải bị đánh đổ từ lâu rồi mới phải. Được! Được lắm! - Thế rồi nước mắt lão Bá chảy tràn xuống hai gò má từ lúc nào. Lão cười. Những sợi râu bạc của lão bần bật rung lên.
Vợ lão cũng cười theo. Rồi tiếng cười của bà đột ngột ngừng lại. "Đúng. Ta vừa nghe lão nói". Bà ngạc nhiên tới cao độ. Bà vừa chạy ra cổng, vừa reo ầm lên:
- Ới làng Vũ Đại ơi! Ông nhà tôi nói được rồi. Nói được rồi…!
Trước sự mừng vui quá mức của bà vợ, lão Bá phải vội vàng gạt lệ, đứng dậy, quát với theo:
- Bớt, bớt cái mồm lại. Bà tưởng lâu nay, tôi mù, tôi câm, tôi điếc đấy hẳn?
Tin lão Bá nói được, nghe được lan nhanh khắp dân làng Vũ Đại. Nhiều người vui với tin này. Nhưng vui nhất vẫn là dòng họ Bá của lão Bá. Niềm vui như niềm vui chiến thắng. Bao nhiêu thuốc thang không khỏi. Thế mà tự nhiên lại nói được, nghe được, nhìn được. Thế mới gọi là người chứ. Là người, ngoài tứ khoái ra, phải nói được, nghe được, thấy được, rồi đánh giá, bình luận phải, trái, trước, sau, hơn thiệt… Ngược lại, chỉ biết ăn cho đầy bụng, nặng cân béo tốt; mặc cho lịch sự, hào nhoáng khoe "mẽ" với đời, thì chỉ như cái giá khoác áo, hoặc cái túi đựng cơm, mai sau đều chết đi cả, phí phạm công sinh thành lắm.
Họ nhà lão điện tứ phương cho con cái lão. Thế là, những đứa con chí hiếu lục đục kéo về. Sự kiện này, chắc có liên hoan to. Đúng. Họ Bá có liên hoan to. Nội, ngoại, thân thích xa, gần, bè bạn thân sơ đều có thiếp mời đủ mặt. Đến cụ Chí mà lão Bá ghét cay, ghét đắng cũng được mời nữa là…
Cụ Chí lúc đầu cũng không muốn đến. Nhưng thằng trưởng, đại tá, bác sĩ quân y đến tận nhà mời, cụ Chí không thể không đến. Cụ Chí tức, không phải vì lão Bá xưa nay chẳng xem cụ Chí ra gì, mà còn hiện nay, con cháu làng Vũ Đại cứ xì xào bàn tán, cho rằng: Cụ Chí bị mất chức nên lão Bá mới nói được.
Có chén, cuộc liên hoan đã vui lại càng thêm vui.
Khi người ăn đã no, uống đã say về vãn, thằng con trưởng, đại tá, bác sĩ quân y mới đi giày đinh đến trước mặt lão Bá, cung kính:
- Thưa bố! Bố có thể cho biết, vì sao bố bỗng dưng nói được không ạ?
Lão Bá cười khà khà. Đại tá vòng tay trước ngực có ý đợi câu trả lời. Thấy lão Bá lại đưa tay cầm chén rượu và nhẹ nhàng đưa lên môi, đại tá giục:
- Thưa bố! Vì sao bố lại nói được?
- Cái tay Chí. Cứ hỏi cái tay Chí…
- Sao lại hỏi tôi? Bệnh ông, ông khỏi, sao lại hỏi tôi?
Lão Bá thấy thế lại càng cười mạnh, chòm râu bạc trên cằm càng rung mạnh hơn. Đại tá vẫn giục:
- Có phải cái điện châm và bài thuốc "cải bặt, quy ngôn" của con ngày trước, bây giờ mới ngấm không ạ.
- Anh cứ hỏi cái tay Chí ấy. Làng Vũ Đại ai mà không đồn ầm lên.
Cụ Chí nghe thế, mắt trợn lên, dằn chén rượu xuống giữa mâm, gay gắt:
- Tôi đéo vào liên hoan nhà ông nữa. Uống chén rượu mừng ông mà cứ tức anh ách. Bệnh ông, ông khỏi. Tôi biết đếch gì. Sao lại hỏi tôi? - Nói rồi, cụ Chí quay ngoắt người về phía sau, thả chân xuống giường tìm dép. Thấy thế, râu lão Bá lại càng rung dữ hơn.
- Ấy, ấy…, chờ đó, - Lão Bá xua tay - ngồi lại, tôi nói đây. "Dẫy (Dĩ) dân vi bản". Mi làm lãnh đạo mà bấy lâu nay mi ngu. Mi cứ tưởng mi là nhất ở cái làng Vũ Đại này. Mi cậy cái thâm niên lãnh đạo của mi. Mi hãy xem dân tình…
- Này. Lão Bá - Cụ Chí cướp lời - Ông định nói tôi thế nào thì ông cứ nói toạc ra đi. Đây đếch biết cái "Dẫy (Dĩ) dân vi bản. Nhất cứ vi sư, bán cứ vi sư" là cái củ khoai gì. Dù sao thì cái thằng trưởng, thằng hai, thằng ba nhà ông cũng là tay tôi phê duyệt…
- Đúng đấy, bố ạ - Đại tá đế vào - Nhà mình được như thế này công bác Chí đây lớn lắm ạ. Bố cứ nói toạc ra. Con là con nhà lính cũng thích thế.
Như bị gáo nước lạnh dội vào người, lão Bá ngồi lặng đi. Lão giương mục kỉnh lên nhìn chằm chằm vào đại tá. Lão nói với đại tá, giọng rầu rầu:
- Cả anh cũng như tay Chí này sao?
- Con cũng thích thế. Bố cứ nói toạc ra, chúng con biết, để còn…
- Toạc. Toạc - Lão Bá như gầm lên, hùng hồn. - Mấy chục năm xa tao, mày quên "Dẫy (Dĩ) dân vi bản" là cái gì à? Tàu nói à? Tây nói à? Không đâu! Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ Nguyễn Trãi chẳng nói sao? Mày thích bố mày nói toạc. Tao nói toạc cho mày hiểu một lần nữa. Chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Dân là gốc, cái cơ sở. Khi gốc đã mục thì cành lá tươi xanh làm sao được? Phải biết cái gốc của người nó ở đâu. Nói toạc. Mày muốn tao nói toạc, tao nói toạc đây? Cái thằng Chí đây - lão Bá chỉ thẳng tay vào mặt cụ Chí - nếu không có "Dẫy (Dĩ) dân vi bản", thì hắn còn đè dầu, cưỡi cổ dân làng Vũ Đại tới bao giờ nữa?
Trong khi lão Bá nói, cụ Chí cũng chỉ cười cười. Đến khi lão Bá chỉ thẳng tay vào mặt, thì cụ Chí cũng lại cười mạnh hơn. Đến nỗi, chiếc dép nơi chân cụ xỏ, định đi về nhà, bị tung lên và bất ngờ rơi vào giữa mâm rượu, nơi cụ và lão Bá đang ngồi. Cùng lúc, cụ ngoái cổ lại, tay cũng chỉ thẳng vào mặt lão Bá:
- Lão Bá chớ có mừng vội. Mắt lão đã nhìn được, hãy xem cái gì đây? - Nói rồi, tay cụ xòe ngay ra một tờ giấy tới sát mặt lão Bá. Thuận mắt, lão Bá giương mục kỉnh ra nhìn. Một tờ giấy đỏ có dấu của công an gọi lão Võ Đức Nội lên trụ sở. Mặt lão Bá biến sắc, giọng run run:
- Gọi lão Võ Đức Nội lên để làm gì?
- Lên để chịu tội vu cáo tôi, chứ còn làm gì nữa - Mặt cụ Chí vênh lên.
- Vu cáo ai? - Giọng lão Bá tắc nghẹn.
- Vu cáo tôi, chứ ai? Tôi bị nó vu cáo là mọt dân, là cường hào mới. Huân chương tôi còn, Đảng tôi còn, thế mà dân Vũ Đại dám láo, bảo tôi là cường hào mới, là mọt dân. Đừng thấy tôi nghỉ chức rồi mà mừng. Bí thư, chủ tịch bây giờ cũng nơi bàn tay tôi đào tạo mà ra cả. Những đứa đi kiện, rồi có ngày. "Con kiến mà kiện củ khoai". Sức chi…
- Bao giờ thì Võ Đức Nội bị bắt? - Lão Bá hỏi lại cụ Chí.
- Ngay ngày hôm nay. Cụ Chí khẳng định.
Lão Bá chừng như vẫn chưa tin ở đôi mắt mờ đục của mình, đưa giấy cho đại tá xem, và hỏi:
- Có đúng không đại tá?
- Theo giấy này thì đúng đấy bố ạ.
- Trời ơi!… Trời đất ơi! Tôi nhầm!!! Tôi nhầm rồi!!!
Lão Bá khóc rống lên như một con trâu đang bị cắt tiết. Từ miệng lão một cục máu hồng trào ra. Đang ngồi xếp bằng tròn trên chiếu rượu, lão Bá ngã gục mặt vào giữa mâm rượu. Kính lão đập vào bát canh, vỡ tan. Một số mảnh vỡ chọc vào mi mắt lão. Lão bất tỉnh nhân sự ngay. Con cái lão vực ngay lão dậy. Cụ Chí thấy thế, bỏ dép chạy thục mạng ra ngoài cổng. Đêm tối như mực, cụ Chí vẫn chạy ra đúng cổng, mất hút. Lũ chó nhà lão Bá chưa kịp sủa lên một tiếng.
Cấp cứu suốt đêm thâu, lão Bá dần dần tỉnh lại. Nhưng một ngày, hai ngày, ba ngày…, mắt lão vẫn không chịu mở ra. Thỉnh thoảng thằng con trưởng đại tá, bác sĩ quân y lại phải banh mắt lão ra xem con ngươi lão còn tụ hay đã tán. Cũng từ đó, miệng lão lại im bặt trở lại.
Lại thuốc thang các kiểu, lại châm cứu các trò, nhưng mắt lão vẫn cứ nhắm, miệng lão không nói được nửa lời, một tay, một chân và một nửa người lão không cử động được. Lão bị bán thân bất toại.
- Thật khổ! - Vợ lão than thở - Chỉ tại cái tay Chí mà ra, tranh luận mà ra cả! Mười năm bỗng dưng nói được. Nói được, bỗng dưng lại im bặt - Bà nấc lên - Khổ cái thân ông - Bà mếu máo nói với thằng con trưởng:
- Con ơi, hay là nhà mình có động mồ, động mả gì? Để mẹ dọn lại cái bát hương, mời thầy cúng tới. Nói rồi, bà đưa tay lên với cái bát hương. Thằng con trưởng thấy thế, quát:
- Cúng, cúng cái gì? Mẹ chỉ độc nghĩ chuyện vớ vẩn.
Bà Bá nghe tiếng quát thì giật mình. Cái bát hương thờ tổ tông đang cầm trên tay bất ngờ rơi xuống nền nhà vỡ tan.
Đại tá, ngay lúc ấy, thoáng thấy lão Bá hình như có giật mình. "Kỳ vậy! Hay là nhà mình có động mả thật!. Mời thầy cúng đến cúng thử xem? "Tay đại tá, bác sĩ nghĩ vậy trong tư thế bần thần, đứng lặng. Rồi bất ngờ, đại tá đưa tay lên sờ vào ve áo. Ở đó có gắn quân hàm với hai gạch bạc và bốn sao trên nền đỏ. "Nhà mình trí thức cả, cúng bái còn ra thể thống gì?". Đại tá kiên quyết không cúng bái. "Nhưng tiếng động đã làm ông giật mình, ta thử chữa bằng tiếng động xem sao". Đại tá bảo mẹ:
- Mẹ đưa cái nồi đất ra đây cho con.
Mẹ đại tá run run, hỏi lại:
- Nồi đất nào?
Đại tá:
- Nồi đất, cái của gia bảo của nhà ta ấy.
Mẹ đại tá chưa hiểu đại tá cần nồi đất gia bảo của bà, chồng bà, của cả dòng họ nhà bà để làm gì. Nhưng bà vẫn vào trong buồng lấy ra.
Đại tá bình tĩnh cầm chiếc nồi đất trong tay, giơ lên cao rồi dứt khoát ném mạnh xuống nền nhà. Tiếng nồi đất vỡ, vang lên tiếng "bụp".
Lúc đó, chính đại tá nhìn thấy đôi tai lão Bá hình như có rung rung và đôi mắt có nhay nháy. Đại tá không hề biết mẹ đại tá lúc đó đang tan nát cõi lòng. Lòng bà cũng đang "vụn" ra như chiếc nồi đất gia bảo. Nó không phải của đời bà, vợ chồng bà, nó là của ông cụ, ông kỵ, ông tổ, ông tiên, đời đời, lớp lớp của dòng họ Bá.
Đại tá bảo mẹ:
- Mẹ ơi, cái lư hương đồng mắt cua của nhà ta đâu?
Đại tá không nghe thấy tiếng mẹ trả lời. Đại tá ngước mắt lên nhìn mẹ và thấy mẹ đang khóc. Đại tá ngạc nhiên, an ủi mẹ:
- Nhà ta chẳng động đất, động nước gì đâu. Có thể con sẽ chữa khỏi bệnh cho bố bằng cách dùng âm thanh tác động vào thính giác của bố. Mẹ thấy không, cái bát hương vỡ, tai bố rung, mắt bố nhay nháy; cái nồi đất vỡ thì tai rung và mắt nháy mạnh hơn; cái âm thanh của cái lư hương đồng phải to hơn, mắt bố không chỉ nháy và tai không thể chỉ rung rung.
Mẹ đại tá sụt sịt:
- Anh là bác sĩ, anh hơn tôi, chứ tôi thì biết gì.
Nghe mẹ nói thế, đại tá vững tin hơn, đưa tay lên bàn thờ lấy cái lư hương đồng mắt cua. Đại tá dứt khoát:
"Choang" - Tiếng lư hương đồng mắt cua va xuống nền gạch.
"Choang" - Lại một tiếng nữa.
"Choang" - Lại một tiếng nữa.
"Choang" - Lại một tiếng nữa.
"…" - Tiếng nữa
"…" - Tiếng nữa.
Đại tá đánh vật cái lư hương đồng mắt cua cho tới khi nó chỉ còn là cục đồng mang hình thù kỳ quặc. Mồ hôi đại tá túa ra. Nhưng bệnh câm, liệt của lão Bá vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm cơ bản. Lúc lư hương đồng mắt cua "choang choang" nện xuống sàn nhà, toàn thân của lão Bá chỉ rung lên, giần giật như một người bị tai nạn xe máy, hoặc ô tô đang giẫy chết. Đại tá đứng lặng suy nghĩ. Mẹ đại tá đứng trong buồng ra nói với đại tá:
- Con ơi. Con lấy cái mâm đồng với cái dùi sắt mà gõ có hơn không?
Đại tá như tỉnh ra.
- Đúng! Mẹ mang mâm đồng ra đây cho con.
"Pheng… pheng… pheng… pheng… pheng… pheng…" - ba tiếng một, dùi sắt trên tay đại tá gõ liên hồi, mắt đại tá chăm chú nhìn vào lão Bá. Lạ chưa, như nghe được âm thanh thúc giục, toàn thân lão Bá rung lên theo nhịp gõ.
Đại tá thấy có hy vọng. Dùi trên tay đại tá gõ liên hồi. Nhưng gõ mạnh và nhanh đến mấy, thân lão Bá cũng chỉ rung rung, không ngồi bật dậy được. Đại tá mệt lử, mồ hôi chảy ròng ròng trên má. Đại tá ngồi bệt xuống đất, hai lỗ mũi thi nhau "phì phò". Đại tá suy diễn: "Nhất định lão Bá chưa thể chết được. Nhưng chẳng lẽ cứ duy trì sự sống của lão Bá bằng những âm thanh chói chang liên hồi, sức đâu? Của gia bảo lấy đâu cho đủ?”. Đại tá đứng phắt dậy. Đại tá có sáng kiến mới:
- Mẹ! Con bắn súng lục qua tai bố thử xem. Nếu tiếng mâm đồng làm cho bố rung toàn thân, thì nghe tiếng súng lục, nhất định bố phải ngồi dậy được.
Nói rồi, khi mẹ đại tá mới chạy ra đến bậu cửa đã nghe thấy tiếng súng lục nổ: "Đoàng, đoàng, đoàng".
Đúng như đại tá, bác sĩ quân y dự đoán, lão Bá trong khi hốt hoảng đã ngồi bật dậy và mắt lão hé mở, miệng lão ú ở nói một tiếng gì đó. Nhưng khi tiếng súng đã biệt tích vào không trung, lão Bá lại ngã ngửa đánh "uỵch" xuống giường. Mắt lão lại nhắm lại. Miệng lão lại câm. Bán thân vẫn bất toại.
Đại tá thay mấy bộ quần áo, mấy đôi giày mà mồ hôi vẫn túa ra, ướt đẫm cả áo lẫn giày. Đại tá vẫn quyết tâm tăng cường độ âm thanh cao hơn nữa.
Sau một thời gian chuẩn bị, lão Bá được đặt trên chiếc võng "Trường Sơn" và khiêng tới trận địa pháo. Tại trận địa pháo, lão Bá được binh lính vực dậy và đặt trên chiếc giường bạt, đẩy tới tọa độ của đạn pháo rơi và nổ.
Sau khi lệnh cho pháo thủ kiểm tra các khâu an toàn cho lão Bá, đứng lên bục chỉ huy, giơ cao ngọn cờ lệnh, đại tá dõng dạc hô:
- Bắn!
- Bắn!
- Bắn!
Những viên đạn pháo nổ long trời lở đất. Mọi người đến xem vội vạng bịt tai lại. Đại tá cũng phải bịt tai lại, nhưng mắt vẫn chăm chắm nhìn tới lão Bá. Đại tá thấy lão Bá ngồi bật dậy và miệng mở ra, hét thật to: "Cứu, cứu, cứu…". Mừng quá! Pháo thủ reo lên và đồng loạt rời khẩu pháo cùng đại tá xô đến bên lão Bá! Nhưng, lạ thật! Khi mọi người chạy đến nơi thì lão Bá lại bất ngờ đổ xuống. Qua một hồi khám xét, đại tá thất vọng. Đại tá quỳ xuống đất, chắp tay lạy bố:
- Đến đại bác mà bệnh bố cũng không khỏi. Thưa bố! Chỉ còn nguyên tử, may ra…
Lão Bá được đưa trở về làng Vũ Đại trong bệnh tình nguyên có từ đêm vui. Đối với đại tá, ngày về vui bao nhiêu thì ngày trở lại đơn vị lại buồn bấy nhiêu. Nhưng, biết chữa bệnh cho lão Bá bằng cách gì, và ai chữa được?
Đứa con út của lão Bá, sinh viên khoa văn năm cuối cùng, là người duy nhất không có mặt ở nhà trong thời gian xảy ra các sự kiện trên. Lúc nhận điện về nhà liên hoan, anh đang bận học để thi môn cuối cùng. Khi mọi người đã đi hết, anh mới về tới nhà. Nghe mẹ kể lại toàn bộ sự việc, anh nửa tin nửa ngờ. Nhưng, ý chí chữa cho lão Bá khỏi bệnh của anh cũng sục sôi không kém ngài đại tá.
Khác với cách chữa bệnh của đại tá, anh sinh viên đã xâu chuỗi lại toàn bộ sự kiện. Và theo phương pháp lần tìm (truy nguyên) của triết học Mac- Lenin anh đã lần tới cái "nút" của căn bệnh. Anh phán bệnh: "Bố anh nói trở lại được là do một đầy tớ có hạng của làng Vũ Đại bị đánh đổ. Nhưng rồi, chính hắn đã làm cho ông thất vọng. Ông không những bị mù, bị câm, bị điếc trở lại mà bệnh tình còn tăng thêm: Bán thân bất toại". Anh nghĩ, bệnh của bố anh phải có thuốc đặc biệt thì mới chữa được.
Anh quyết chí lên rừng tìm thuốc. Bắt đầu anh đi tìm thuốc ở các loại cây phong lan. Nhưng rồi anh nhận ra:, tuy phong lan là loại cây sống nhờ gió, nhưng chúng đều có gốc. Anh lần tới các loại cây tầm gửi khác. Nhiều lắm! Chúng mọc chi chít trên cả thân lẫn gốc những cây đại thụ. Nhưng cũng như phong lan, chúng cũng có gốc, tuy là gốc bám vào sống nhờ cây khác. Thất vọng, anh khái quát: "Trên đời này không có cây nào lại không có gốc. Không có gốc, chúng sống bằng gì?". Anh đành quay về nhà mà lòng buồn rười rượi.
Một đêm trăng sáng, anh đi loanh quanh trong khu vườn, lòng man mác nhớ tới kỷ niệm tình yêu ngày nhỏ, từ một lối mở nhỏ, nơi bờ rào cúc tần. Tự nhiên lòng anh vang lên lời thơ buồn: "Người xưa đã vắng rồi, ơi bờ rào cúc tần ơi!".
Rồi, theo phản xạ không định trước, anh đưa tay bứt lấy một chiếc lá nơi bờ rào, vò nát nó trong tay. Sau đó, anh đưa lên mũi ngửi: "Ôi! Sao lá cúc tần năm nay hăng xè đến thế này? Anh xòe bàn tay ra nhìn. Dưới ánh trăng mờ, anh nhận ra trong lòng bàn tay anh không phải là cúc tần, mà là những sợi tơ hồng đỏ. Anh đưa mắt nhìn lướt trên bờ rào cúc tần. "Ôi chao! Sao chúng nhiều thế này". Tơ hồng kết thành từng mảnh dầy, đè nặng trĩu trên bờ rào cúc tần. Những cây cúc tần, thân xanh, lá xanh, cố cụm lại với nhau chống đỡ, nhưng cũng không chịu đựng nổi sức đè nặng của những mảnh tơ hồng. Thuận tay, anh lần tìm gốc của tơ hồng. Anh vô cùng ngạc nhiên thấy tơ hồng là loại cây không gốc. Chúng quen sống nhờ trên thân thể của loài cây xanh. Lòng anh như reo lên: "Thuốc đây rồi!" Anh vội lao vào nhà tìm sách. Dưới ánh trăng, anh mở sách thuốc ra tìm. Mừng quá! Tơ hồng là loại cây không gốc mà lại có tác dụng chữa bệnh thần kinh cho người. "Bố mình bị liệt thần kinh chứ còn gì? "Lặng lẽ suốt thâu đêm, anh cắt toàn bộ tơ hồng trên bờ rào và kéo hết chúng vào trong sân. Sáng đến, anh dùng dao thật sắc băm vụn chúng ra thành từng đoạn. Sau đó anh đem chúng phơi héo, rồi rang vàng hạ thổ, sắc cho lão Bá uống. Lạ kỳ chưa! Chỉ trong vòng mười ngày uống thuốc, bệnh câm, mù, điếc của lão Bá biến mất hẳn. Lão Bá ngồi dậy, đứng lên, đi lại, ăn nói như người bình thường.
Đấy là một ngày tháng nóng. Mặt trời ban mai mới ló ra đã rực rỡ, gay gắt. Nắm tay người con út, rưng rưng, lão Bá gào lên:
- Hỡi mặt trời! Muốn "Dĩ dân vi bản" thì tơ hồng trời cho phải băm nhỏ cho bàn dân thiên hạ uống cái đã. Kẻo không… Kẻo không… Rồi hai bố con lão Bá ôm ghì nhau mà cười, mà hát, mà rằng:
Cây tơ hồng không trồng mà mọc
Vòi tơ hồng vòi dọc vòi ngang
Ngó sang hàng xóm mách rằng
Tơ hồng không gốc thuốc trời đã ban.
Nghe tin lão Bá khỏi bệnh, cả làng Vũ Đại ngạc nhiên lắm! Cả làng kéo đến xem lão Bá chữa bệnh bằng thuốc gì mà "thánh" thế? Lão Bá quen tính nửa đùa, nửa thật nói với mọi người rằng: "Chữa bằng thuốc đè bờ rào". Hỏi thêm lão: "Thuốc đè bờ rào là thuốc gì?" - Lão Bá chỉ cười không nói. Có người làng Vũ Đại suy ra cây không gốc là cây tơ hồng. Nhưng phán đoán này bị cả làng vặn lại: "Cây tơ hồng không thể là vị thuốc thánh như vậy!". Vậy, cây đè bờ rào là cây gì? Lão Bá cho biết thêm: "Cây đè bờ rào thuộc loại cây không có gốc". Cả làng Vũ Đại ồ lên: "Đích thị là cây tơ hồng rồi". Nhưng rồi vẫn có người vặn lại: "Cây không gốc ở trên đời này thiếu gì, đâu phải chỉ mình cây tơ hồng. Cây tơ hồng không thể "thánh" như vậy được".
Một người nữa nói: "Nếu lão Bá chỉ uống độc mỗi cây tơ hồng mà khỏi bệnh, thì tôi cam đoan rằng, cây tơ hồng nhất định là cây thuốc thần, thuốc thánh".
Cả làng Vũ Đại lại ồ lên! Họ không thể tin như thế được. Lão Bá cậy mình nhiều chữ, hay đùa thiên hạ, chắc hắn ám chỉ tơ hồng với con người chi đây? Tơ hồng nhất định không thể thánh như vậy được.
Tay Chí thấy dân đem tơ hồng đùa vui với lão Bá trong lòng không khỏi lo buồn. Đối với hắn tơ hồng là một vị thuốc độc.