Cám ơn đài truyền hình !
Tác giả: Phạm văn Khôi
Tôi không khỏi bất ngờ khi thấy vợ tôi thời gian gần đây chợt thay đổi tính nết đột ngột. Chưa bao giờ tôi được nàng săn sóc và âu yếm như bây giờ. Gần hai mươi nam nay mới xảy ra cơ sự này. Tâm trạng tôi cũng trở nên thích thú, nhưng đôi lúc vẫn cảm thấy nghi hoặc? Bởi vợ tôi vốn có tính hiếu thắng và thưc dụng. Theo tôi, hai đức tính này đều có cái hay, cái dở của nó. Nó hay với những ai có vốn kiến thức rộng và lòng vị tha. Dở với những người đầu óc nông cạn lại muốn hưởng thụ. Vợ tôi rơi vào nhóm người thứ hai. Tôi có tính cẩn thận và chịu nhịn cho nên sự thay đổi của nàng (phải nói là nếu tôi được một điều ước thần diệu thì cũng chỉ cần ước như vậy!) đã làm cho tôi choáng váng mất mấy ngày. Nói thật, đã sống với nhau trong “ tổ ấm ” mười bảy năm ròng và có với nhau bốn mặt con nên tôi có chủ trương: sống trong hòa bình. Không nói xấu nhau. Chúng tôi có bốn mặt con, chắc mọi người nghĩ rằng vợ chồng tôi luôn “ vỡ kế hoạch ”? Xin thưa rằng : Không ! Vợ tôi sinh hạ đúng hai lần. Lần đầu thì đã “ ruộng sâu trâu nái… ” nhất! Một đại Kiều. Lần thứ hai cũng sau năm năm, nhưng thật là có lộc. Vợ tôi đẻ ríu ba! Thượng Kiều, Trung Kiều, Tiểu Kiều. Hàng xóm, họ hàng thán phục bọn tôi sanh đúng sách Tàu: “Tứ nữ bất bần!” Vì sự giàu có mai sau cho nên chúng tôi quên cả nỗi buồn con gái.
Nhiều đêm, tôi thao thức vì sự biến đổi hoàn hảo của vợ tôi. Tôi điểm lạ những sự kiện điển hình để khẳng định xem do đâu mà có.
Lần đầu, nàng có bàn bạc với tôi xin phép tôi cho nàng đi học và mở cấp tốc tiệm uốn tóc ngay tại nhà. Mười bảy năm có lẻ sống chung, bây giờ mới thấy nàng “ xin phép ”. Tôi bảo:
- Nhà mình ở lầu ba khu tập thể. Khách nào có đủ bản lĩnh để trèo lên mà uốn tóc, sửa móng tay?
Bàn tay nàng dịu dàng vuốt lên mái tóc rễ tre của tôi, nàng nói:
- Miễn là anh dồng ý! Em có đủ trí thông minh và lòng kiên nhẫn để làm việc này. Em muốn góp thêm sức lực của mình để cho anh đỡ vất vả.
Tôi có cảm giác mình là một nam min tinh màn bạc đang vào vai nữ minh tinh. Làm sao mà tôi dám dùng chữ: Không!
Chẳng biết nàng học được nghề ở đâu mà nhanh thế? Chưa đầy một tháng, nàng đã lôi về vô số đồ nghề để thực tập. Nang đốt cháy giai đoạn hết sức ngoạn mục. Nàng đè cổ bốn cô Kiều của chúng tôi ra để thực hành. Vài hôm sau, tôi như sống trong một tổ hợp hóa chất. Mùi thuốc uốn tóc, mùi sơn móng tay, mùi keo xịt, mùi gôm, mùi tóc cháy… chúng tổng hợp với nhau tạo thành một thứ cực hình cho đường hô hấp. Tôi nửa sống nửa chết, nhưng vẫn thản nhiên im lặng. Kiên nhẫn “ ngậm bồ hòn làm ngọt ”. Nàng có vẻ biết điều đó, cho nên nàng càng gia tăng “ cơi nới ” tình cảm! Đi làm về, thay vì trăm công ngàn việc như ngày trước… bây giờ tôi chỉ còn một việc là ngồi nghỉ để hưởng thụ một chế độ săn sóc tuyệt đối. Ngay cả việc cởi giày, tôi cũng không được phép! Tôi cảm tưởng mình như một ông vua tám tuổi. Đàn con gái của tôi bỗng biến thành một lũ nô lệ. Bởi mẹ của chúng đã xiềng xích tư tưởng của các con bằng chính cái xích vô hình mà nàng tự cột vào cổ mình. Tôi thấy thương các con quá, nhiều lúc lén rơi rớt nước mắt, nhưng vẫn phải im lặng vì tôi không thích sóng gió. Tôi yêu hòa bình, quyêt không xích mích với vợ, không nói xấu nhau.
Tôi trở về nhà sau một tuần lễ đi kiểm tra một số thiết bị điện tử ở một công ty ngoại tỉnh ( tôi là một kỹ sư điện tử ). Vợ và con đón tôi ở chiếu nghỉ tầng hai. Cả một bầy ong cái quây lấy tôi. Vo ve, nhốn nháo. Bọn trẻ giằng nhau xách túi đồ. Còn vợ tôi, nàng dìu tôi lên như dìu một bệnh nhân mới mổ bao tử. Dòng xoáy của sự săn sóc cẩn thận khiến tôi chóng mặt. Có lẽ, sau một tuần không được săn sóc ai, cho nên tần số tình cảm dao động lên hết cỡ? Khi tôi được rửa mặt xong mới nhận ra trang trí nội thất phòng khách đã thay đổi hoàn toàn. Tất cả các cửa có bản lề giờ đã thay bằng cửa đẩy. Bộ bàn ghế quá khổ mà tôi mua thanh lý dược ở một nhà hàng vỡ nợ cũng biến như một phép lạ. Có sáu miếng thảm được trải quanh một chiếc bàn thấp lè tè trông rất lạ. Khung cảnh này, tôi ngợ là đã gặp ở đâu thì phải? Không để tôi kịp hoàn hồn vợ tôi đã lễ phép nói:
- Anh ngạc nhiên lắm phải không? Vấn đề là gọn, đơn giản và tiện trong sinh hoạt.
- Không sao, không sao! Thoáng mát lắm. – Tôi lắp bắp.
Tôi đang định hỏi thăm nàng về công việc làm đầu, vì tôi nhìn mãi không thấy bóng dáng của những đồ nghề. Ngửi mãi mà vẫn chưa phát hiện ra cái mùi ngai ngái khai khai của “ nước quỉ ” thì nàng đã nói, như đoán ra ý tôi:
- Em đã quyết định thôi cái nghề làm đầu rồi! Vì khi làm em mới phát hiện ra tay em bị “ hỏng ”. Bà ngoại bảo hồi nhỏ em đã có tật ở khuỷu tay, anh nhìn xem này…
Nàng nắm tay phải lại. Tôi nhìn thấy cánh tay hơi cong và các ngón tay run lẩy bẩy. Tôi mừng quá! Thế là nàng đã bỏ nghề uốn tóc. Tôi thầm cảm ơn trời Phật đã phù hộ độ trì cho tôi, đã sai khiến nàng bỏ nghề uốn tóc! Trời ơi… mừng quá! Trong lòng tôi tưng bừng rộn rã cứ như tâm trạng của một người trúng xổ số. Chỉ thiếu chút nữa tôi đã quỳ dưới chân nàng để tạ ơn.
Bốn đứa trẻ đã vào buồng trong. Chỉ còn tôi và nàng. Nàng ấn tôi xuống thảm rồi lả lướt trong bộ đồ Kimônô sang phía bên bàn đối diện với tôi. Nàng không ngồi xếp chân chữ ngũ như tôi. Nàng quỳ xuống thảm. Tôi cảm thấy ngờ ngợ răng mình đang ở một khung cảnh nào đấy mà đã thấy ở đâu? Tôi chưa kịp cảm nhận điều gì, nàng đã bảo:
- Em xin phép anh ngày mai cho em đi buôn cá!
Tôi ngạc nhiên đến sững cả người.
- Em định đi buôn cá ?
Tuy tôi hỏi nàng, nhưng trong thâm tâm tôi cứ nghĩ là nàng nói đùa.
- Giá ở biển thì tốt biết mấy. Nhưng mình ở trong đất liền thì buôn cá hồ vậy.
Giọng của nàng nghe chắc ăn lắm. Nàng không thể nói đùa.
- Em định bỏ nghề rệt thảm à?
- Có việc đâu anh, em tranh thủ buôn cá buổi sáng, chiều về đi làm.
- Cá ở các hồ trong thành phố đều do quốc doanh quản lí, em buôn sao được?
- Ừ nhỉ… vậy thì, em buôn cá cảnh vậy! Làng Yên Phụ đầy.
Tôi không ngờ nàng lại xoay trở nhanh như vậy. Nhưng đến đây thì không khỏi hồ nghi về cái đầu của nàng. Không hiểu vì động cơ gì mà nàng bỗng dưng làm trò làm ve dữ như vậy? Chả lẽ trong cái đầu kia có con IC nào bị chập? Hay điện áp nguồn cấp cho bộ não bị đoản mạch? Tôi trộm nhìn nàng và tự nhủ thầm: Không! Nàng vẫn tỉnh lắm. Vả lạ, mọi thay đổi và khát vọng của nàng đều hướng thiện, đậm đà nữ tính. Hơn nữa, những ngày vừa qua tôi sống như mơ. Nàng quyết định đi buôn cá cảnh! Tôi ủng hộ nàng.
- Buôn cá cảnh được đấy! Anh sẽ đi vớt giun và bọ gậy.
Nàng cảm động thổn thức:
- Ôi! Anh Văn Lâm… anh thật tốt quá, em cảm ơn anh vô cùng!
Không hiểu sao, tôi vẫn có cảm giác rằng những gì xảy ra chỉ la phù phiếm, rằng tôi đang bị rơi vào một vai diễn bất đắc dĩ, và cái cảm giác vẫn ngờ ngợ vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu…
Bỗng gái lớn Đại Kiều của tôi xuất hiện. Nó cũng uốn éo trong bộ Kimônô màu hoàng yến trông hệt như cô gái Nhật, giữa một khung cảnh Nhật. Bộ nhớ của tôi bỗng gia tăng hoạt động. Tất cả những cái ngờ ngợ luẩn quẩn trong đầu bấy lâu nay như được giải mã?
Tuy nói nhỏ, nhưng tôi nghe rất rõ.
- Thưa mẹ! Đã đến giờ ti-vi chiếu phim O-Sin, mời mẹ vào xem.
Nàng vội vàng đứng dậy, đôi mắt rực lên những thèm muốn thực sự.
Nàng xúc động nói với tôi:
- Em xin phép anh… em vào xem phim
- Em cứ tự nhiên, vào xem đi!- Tôi lắp bắp.
Trong lòng tôi bỗng lâng lâng một niềm vui khó tả. Cái ngờ ngợ luẩn quẩn tôi bây giờ không còn gì nữa. Tất cả là sự thật. Vợ tôi đã “ đẹp ” lên nhờ vào tấm gương cô gái Nhật có tên là O-Sin trong bộ phim cùng tên đang rền rĩ chiếu trên ti-vi. Nàng đang học cách tự vươn lên của một cô gái thông minh và tự tin. Có thể, có những cái nàng “ rập khuôn ” thái quá. Nhưng nàng đã tỏ ra trí tuệ ở cái đoạn học O-Sin đi buôn cá cảnh.
Rõ ràng, tôi đang sung sướng thật sự bởi một phần cuộc đời tôi (là nàng) đã bắt sáng.