watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đồng hồ nói tiếng người - tác giả Phạm văn Khôi Phạm văn Khôi

Đồng hồ nói tiếng người

Tác giả: Phạm văn Khôi

Đã mười hai tuổi, nhưng thằng Đăng vẫn được bố mẹ trìu mến gọi là thằng cu Tý.

Của đáng tội, nếu đem so nó với những đứa cùng trang cùng lứa quả nó có phần loắt choắt hơn. Nó hiếu động và ranh mãnh như một con rận. Có lẽ vì thế mà người nó sắt lại. Ở nó, từ vóc dáng đến khuôn mặt hình như cái gì cũng ngắn!? Chân tay cũng vậy. Bù lại, nó là một đứa trẻ thông minh và đã bộc lộ cá tính. Tổng kết học kì một, cu tý được một chiếc giấy khen cũng nhỏ xíu. Nhưng cu tý đã gây ra được một áp lực để vòi ông bố mua cho một chiếc đồng hồ báo thức điện tử nói được tiếng người. Cu tý đã mê loại đồng hồ này ngay từ cái buổi tối xem quảng cáo trên ti vi. Sự thèm thuồng gia tăng không ngừng khi thằng Trung bạn nó được một ông cậu tặng làm quà sinh nhật một chiếc đồng hồ đen trũi nói tiếng người sà sã không biết mệt.

Lần này thì cu Tý được thoả mãn. Nó không ngờ một mảnh giấy khen nhỏ xíu đã đánh đổi được chiếc đồng hồ báo thức bằng tiếng người mà nó hằng mơ ước. Cu Tý khoái trí nở từng khúc ruột. Cu Tý sung sướng và si mê. Chỉ sau vài giờ hí hoáy…ấn, vặn. Nó đã biết cách sử dụng. Cu Tý giải thích với bố mẹ rằng: Cái đồng hồ này chỉ cần hẹn báo thức một lần là mãi mãi “cô” ấy gọi dậy, không cần phải lên dây cót. Nói rồi nó ấn vào một cái phím nào đấy và giọng một cô gái ẽo ợt cất lên: “Bây giờ là mười ba giờ ba mươi mốt phút…”cứ như vậy, “cô” ta nói đi nói lại dai dẳng hàng phút. Tính cu Tý là vậy! Nó ưa số lẻ. Mười ba giờ ba giờ ba mươi phút cu cậu phải dậy để đi học, nhưng nó để đồng hồ báo thức thêm một phút nữa, không phải nó muốn ngủ thêm một phút nữa mà nó thích thế.

Mẹ của cu Tý thích đọc sách tử vi tướng số. Nhiều lần mẹ nó nghiêm túc dặn nó rằng: “Con đã chớm bước vào tuổi gặp hạn, cái hạn năm tuổi rất nặng. Phải cẩn thận đề phòng!”.

Bố của cu Tý nguyên trước đây là một công nhân xây dựng. Nhưng từ khi ông nội bán đất chia cho vài chục lạng vàng, bố cu Tý bèn xin nghỉ việc. Mẹ cu Tý cũng “một mũi”.Có tiền có khác. Hai người bỗng trở nên quan trọng trong những quan hệ mà trước kia họ thường tỏ vẻ kém vế. Họ nhanh chóng nhận ra điều đó. Có túi bạc kè kè, họ đang tìm cách “làm ăn lớn!”.

Cu Tý nhận thấy dạo này nhà nó vui quá. Bạn bè của bố nó bỗng nhiều vô kể. Ngày bố nó làm thợ xây đâu có thế! Trong số vô kể ấy, có một người đáng kể. Đó là chú Đẹn. Hình như bố cu Tý sắp hùn vốn với chú Đẹn làm một cái gì độc đáo lắm, ngày kiểm tiền triệu như bỡn. Nghe nói chú Đẹn vốn là diễn viên sân khấu có khuôn mặt lý tưởng để sắm những vai đểu. Ngoài đời, trông chú hào hoa, ăn diện đúng mốt. Chú luôn sử dụng những loại xe máy đời mới nhất và đắt tiền nhất. Năm nay chú Đẹn ba mươi sáu tuổi, lấy vợ bảy năm vẫn chưa có con, hiện vợ chồng chú là chủ một tiệm vàng ở giữa trung tâm thành phố. Có điều, không hiểu sao…cứ mỗi lần chú Đẹn cười là cu Tý cảm thấy sợ? Nỗi sợ bằng chính sự nhậy cảm bẩm sinh của những đứa trẻ.

Vào buổi trưa chủ nhật hai mươi ba tháng chạp thì lời phán của mẹ cu Tý đăng nghiệm! Cu Tý gặp “hạn”! Chiếc đồng hồ báo thức điện tử nói tiếng người đã không cánh mà bay! Nó khóc rống lên tưởng như cha mẹ nó “chán cơm chán gạo”. Chân nó dẫm bành bạch, tay nó đấm lên ngực thình thịch. Nước mắt nước mũi giàn giụa. Mồm méo xệch réo” “ới… cô ơi! Cô đi đâu mất rồi…đứa nào đã lấy cô…ô…ô…” Hàng xóm cứ tưởng cô nó bị bọn bất lương đem bán qua biên giới. Phải vài chục phút sau, bố mẹ nó mới ngăn được cơn lũ nuối tiếc kiểu ăn vạ của thằng cu Tý. Mẹ nó nhai đi nhai lại lời an ủi sặc mùi mê tín, lời nói này đã trở thành câu thần chú cửa miệng cho những đệ tử của ông quỉ cốc tiên sinh:

- Của đi thay người! Của đi thay người…mà con!
Bố nó bảo:
- Trong cái rủi, có cái may! Bố mày may thì mày phải rủi. Chốc nữa, cả nhà mình sẽ đến nhà chú Đẹn ăn tiệc chúc mừng cho sự hợp tác sắp thành của một công ty mang tên con: Công ty TNHH Huy Đăng.

Lời vỗ về thành thực này đã khiên cu Tý ngừng nức nở. Chứng tỏ nó là một đứa con có hiếu. Bố mẹ cu Tý to nhỏ với nhau:
-Này, bố thằng Tý, phải cảnh giác đấy! Nhà mình từ trước có bao giờ mất trộm đâu.
-Ừ mà kể ra cũng lạ? Nhà mình kín cổng cao tường. Trẻ con không dám bén mảng vì chó dữ. Còn người lớn thì toàn khách khá giả hoặc dầu “nứt đố đổ vách”…cái đồng hồ giá trị không bằng chục chai bia có đem biếu người ta cũng chẳng thèm. Thôi, chấm dứt cái chuyện vặt vãnh này. Ngày mai mua cái khác. Hai mẹ con thay đồ, còn tôi vào thu xếp cái khoản tiền hùn. Mau lên kẻo chú Đẹn đang chờ. Chuyện này mà trễ là “sái” chứ chả chơi đâu.


Gia đình cu Tý vi vu trên chiếc xe Dream-đó là loại xe khi ngồi lên bắt người ta phải mơ ước.Bố cu Tý mơ thành tỉ phú.Mẹ cu Tý mơ thành một ngôi sao trong giới thượng lưu.Cu Tý mơ ngày mai có chiếc đồng hồ nói tiếng người để cứ đến mười ba giờ ba mươi mốt phút lại được “cô” ấy đánh thức.

Cu Tý thấy mặt chú Đẹn sáng lên trước cái túi lặc là trên tay của mẹ nó. Trong thâm tâm nó bây giờ chỉ mong sao chú Đẹn đừng cười. Nó cẩn thận quay đi chỗ khác. Nó giật mình khi chú Đẹn mở Sâm Panh.

Bàn ăn bày la liệt những món ăn đặc sản thơm phức nhưng cu Tý cũng chẳng thiết. Không hiểu sao nó cảm thấy lo sợ? Giống như tâm trạng của những đứa bé sợ ma. Một nỗi lo sợ vô hình!? Cu Tý chỉ biết nắm chặt lấy tay mẹ.

Chú Đẹn nói sang sảng:
-Chúng ta nâng cốc chúc sức khoẻ và tình nghĩa. Cạn chén trăm phần trăm để tự tin bước vào giai đoạn “chung lưng đấu cật”. Chúng ta nguyện có phúc cùng hưởng có nạn cùng chịu…

Tất cả đều trang trọng đứng lên, trên tay lăm lăm ly rượu màu hổ phách…Bỗng nhiên, từ trong ngăn kéo của chiếc tủ tường tráng lệ nhà chú Đẹn dội ra tiếng nói ẽo ợt của một cô gái:


“Bây giờ là mười ba giờ ba mươi mốt phút!”…

Hàng Giầy Hà Nội

Các tác phẩm khác của Phạm văn Khôi

Xóm vẩy

Vết nhọ

Tầu đã đến ga

Tập truyện ngắn Phạm văn Khôi

Ông hàng xóm dạy con

Một giấc mơ

Kẻ chơi chim

Dung dịch trắng

Dòng đời vô tận

Chuyện của đàn ông

Cám ơn đài truyền hình !

Bức tranh