Phần I
Tác giả: Phan Quế
Lão nhìn tôi. Đôi mắt như tan hết sương khói, ánh lên màu kim loại được mài sáng. Tôi nhìn đôi mắt người đã từng cầm cuốc, cầm súng, cầm chìa khóa giữ kho bây giờ thì cầm giày, quết lên đấy cái màu xi pha trộn, tự tạo, cùng cái miệng ngọt ngào tiếp thị để rồi “có được là bao đâu” như lời lão thường nói.
Không biết ông lão có biệt tài gì trong pha chế để được một loại xi đặc biệt đến thế. Xi của lão vừa bóng lại vừa bền. Ai có giày nhờ lão đánh xi chỉ một lần là có thể nhớ lâu, nhớ đời. Cách đây mấy năm tôi có mua một đôi giày da nâu, đế cao su đỏ, đồ nội thôi nhưng sau lần nhờ lão đánh xi đi đến đâu người ta cũng chỉ trỏ, bàn tán. Bạn thân thì bảo: “Con mày vừa gửi ở Tây về đấy à?”. Người lạ thì ý tứ trầm trồ: “Đôi giày của ông giá chắc đắt lắm?”. Tôi nói thật, chả ai tin lại còn nở nụ cười khen tặng nữa. Lúc ấy, chỉ nghĩ do tính chững chạc của mình mà người ta suy ra, cứ cái gì tôi dùng đều cho là đồ quý, đồ ngoại cả.
Như vậy là trên đời này cũng có loại người làm cho đồ đạc của mình sang lên. Tỷ như tôi chẳng hạn. Cái áo mua ở vỉa hè có 18.000 đồng nói vống lên 120.000 đồng cũng có người tin. Đấy là chuyện của một lần, tôi nói phét và xấu hổ mãi đến bây giờ. Thực ra, cái áo ấy, tôi mua của một hãng gia công có cửa hàng tại vỉa hè. Còn lần này, về cái đôi giày da nâu ấy, cố nói thật lại chả ai tin. Vậy thì cái sự kỳ diệu ấy hẳn phải có từ ông lão đánh giày, bởi ai nhìn cũng bảo cái đồ của anh vừa bóng, vừa mịn, mắt đi dép lê của tụi tôi còn nhìn ra chất ngoại của nó nữa là các vị đi dép có quai hậu, đi sục có tất, đi giày có dây.
Tôi đã phát hiện ra cái sự có được của mình là từ tay lão. Mà cái sự có được ấy của ông lão là nhờ vào chất nâu nâu sền sệt của chất xi gia truyền đựng trong hộp sắt tây gỉ. Tôi được sang trọng vì đôi giày mặc dù cố tình không muốn có và không muốn chấp nhận. Dẫu sao thì sự đã rồi. Và chính ông lão đánh giày và sửa chữa giày ấy đã làm tôi sáng dạ dần về sự đời biến hóa so với cái cố chấp cổ lỗ của gã đồ tân thời như tôi.
Sau tiếng vang của đôi giày nâu tôi đến tâm sự với lão. Lần này tôi mang đến biếu lão một bao thuốc Thăng Long và một lon bia nội nhưng có đề chữ ngoại:
- Biếu cụ lon nước có men và bao thuốc mà cụ thích.
- Cảm ơn chú. Có lộc gì mà đem cho lão đậm thế này?
Tôi cười:
- Lộc giày cụ ạ!
Lão hóm hỉnh:
- Lạ. Xưa nay thường nói lộc miệng, lộc tay chứ mấy khi người ta nói đến lộc chân.
Tôi như đùa, như thật:
- Thời buổi bây giờ cái gì cũng có cả. Đâu chỉ đến lộc chân, còn lộc lưng, lộc gối nữa cụ ạ. Cái thứ tôi mang biếu cụ là lấy từ lộc chữ để mừng cái lộc giày cụ ban cho đấy.
Lão cười. Nụ cười thiếu răng nên có khoảng tối, khoảng sáng, trông tồi tội và thương vô cùng. Tôi nói rõ cái sự thật về đôi giày nội được phong mác ngoại. Ông lão nhướng mắt ngạc nhiên rồi chụm miệng, gật gù. Tôi muốn nghe lão nói một câu gì đó với mình mà sao lão cứ giữ nguyên cái động tác ấy.
Bao thuốc tôi biếu lão tự bóc rút ra một điếu, châm lửa. Lon bia tôi mời, lão lấy ngón tay gầy khô, bật nắp, nhấp một ngụm. Với cách thưởng thức này là lão không chê mình. Khi tôi thanh thản lại cũng là lúc lão thôi gật gù, nở nụ cười thiếu sáng, hỏi:
- Ông chú không thích chuyện ấy à?
- Không!
- Lạ!
- Lão bảo sao?
- Tôi nói là lạ, ông chú lạ. Đời này, người ta thích được khen, được nịnh. Còn ông chú khi được cả hai điều ấy lại ra vẻ khó chịu là cớ làm sao? Có Trâu Quỳ không thế?
Lão hơ hớ cười. Lon bia được đặt mạnh xuống mặt hè, sánh men ra ngoài. Lão lắc lắc người rồi lấy tay đập đập vào vai tôi. Lúc này thì chỉ mắt lão nói. Đôi mắt đã vào độ sương khói như vần vụ cơn giông và lóe lóe những tia sáng như tia chớp. Trông lão như đang ngồi trên sóng nước.
- Số một chứ không phải phải là số hai đâu, ông chú ạ!
- Thì lão cứ nói toẹt ra là tôi hâm có được không?
- Dễ thế kia à? Hâm mà như chú rồi khối người muốn. Tỉnh mà như tôi liệu mai mốt còn mấy đứa thèm? T
iếng nói của lão sầm xuống, u tối. Giọng lão như có nước mắt.
- Tay nghề tốt như anh liệu được mấy người?
- Chú khen anh thế là bằng chửi vào mặt anh còn hơn. Cái nghề đánh giày nó vậy. Hay đấy, dở đấy.
- Nhưng...
- Tôi biết chú định nói gì rồi!
- Không!
- Thế thì ông chú lại phải càng tự hào chứ! Giả như thật mà.
- Nhưng…
- Lại nhưng…? Mấy cậu có chữ nghĩa bây giờ là chúa ba phải. Còn lão, tôm là tôm, tép là tép. Lão làm một hơi nữa hết lon bia. Thuốc Thăng Long lão đã hút đến điếu thứ hai.
Có một người đàn ông ăn mặc là lượt từ xa đi lại:
- Này ông cụ, đánh giúp đôi giày…
- Mời ông ngồi ghế đây. Ông đợi cho một lát?
Tôi biết lão vì tôi mà từ chối khách, nên nói:
- Xin phép lão…
- Chú cứ ngồi. Tôi chưa nói hết.
Lão vẻ dứt khoát. Ông khách đánh giày tỏ ra khó chịu:
- Không nhớ tôi là ai à? Người ta cần là cần ngay lúc này?… Được rồi!...
Người khách quay ngoắt đi với dáng vẻ khinh khi, dọa dẫm. Tôi biết vì tôi mà lão bị khách giận. Tuy vậy lão vẫn bình thản xếp đồ vào hộp như thể sắp nghỉ làm việc:
- Tôi thì chả lạ gì cha này. Loại có máu mặt đấy. Có đôi lần qua lại gã ta nhắc nhở tôi ngồi dẹp dẹp vào lấy lối đi. Chú tính, lưng đã dựa vào cái gốc cây bàng này thì còn lùi vào đâu được nữa.
- Thế sao lão không đánh luôn cho người ta để đỡ phải mất lòng…
- Tôi là tôi chúa ghét cái câu này ông cụ…
Và rồi như lẽ tự nhiên của cảm xúc có đà ông lão đánh giày kể cho tôi nghe về lai lịch của mình