Phần II
Tác giả: Phan Thị Thu Loan
Sau một thời gian, tôi thuê chỗ ở khác, và đi chợ ngay trong khu tái định cư. Không còn gặp người đàn ông lạ lùng đó nữa, hình ảnh anh ta cũng phai dần trong tâm trí tôi.
Buổi tối đi làm về ngang qua bãi đất trống gần chung cư, lâu lâu tôi lại gặp người đàn bà dở hơi nằm ngủ lăn lóc trên đám cỏ. Bên cạnh là đứa trẻ lấm láp, bò lổm ngổm, cứ rúc vào nách mẹ mò mẫm, sục sạo. Chị ta há miệng ngáy rất vô tâm. Đứa trẻ khóc váng lên cho đến khi tìm được vú mẹ nó.
Tuy rất xót xa trước cảnh ngộ đó, nhưng tôi chẳng làm được gì, chỉ lâu lâu bỏ xuống cạnh chị ta gói giấy báo đựng cái bánh mỳ không nhân. Cứ đến sáng là người đàn bà đó biến mất. Chắc đang bồng con đi lang thang xin ăn. Làm sao chị ta nuôi được đứa nhỏ chớ?
Tôi thường đón cu Tuấn từ trường mẫu giáo về sớm, gởi cho hàng xóm trông giùm rồi mới đi làm. Tôi muốn tránh cho nó khỏi nhìn thấy cảnh tượng thương tâm. Hẳn nó vẫn còn sợ khi nhớ đến người đàn ông trong chợ đã khinh khi tờ bạc nhỏ, và quắc mắt tức giận nhìn nó ra sao.
Một bữa tôi nhận việc làm thêm nên về muộn hơn mọi ngày. Cu Tuấn đã được bà nội đón về quê nghỉ hè vài hôm trước. Gần bãi đất trống là khúc đường đất lổn nhổn đầy ổ gà. Như mọi lần, tôi xuống xe dắt bộ một đoạn. Rồi tôi đứng chết trân giữa đường. Bụi cây gần đó bất ngờ lay động.
Định thần lại, tôi thấy người đàn bà ngây ngô nằm ngửa, thò mặt ra ngoài. Trên người chị ta là một gã đàn ông. Cả hai trần trùng trục. Có tiếng con nít khóc thét ngay bên cạnh. Tôi vội vàng leo lên xe, đạp thục mạng. Đôi lốp cũ cứ dằn bình bịch, xót ruột quá chừng. Vào đến nhà, tôi không bật đèn.
Đứng lặng trong bóng tối, người tôi nóng bừng, tim nảy thon thót trong lồng ngực. Lâu lắm rồi tôi đã quên cảm giác được làm đàn bà. Từ trước ngày chồng tôi bỏ mình vì bệnh lao. Căn bệnh của người nghèo, lại thiếu tiền thuốc thang chữa chạy. Vì sợ lây chứng bệnh đáng sợ ấy mà chẳng người đàn ông quen biết nào lại dám gần gũi tôi.
Mặc dầu tôi không hề ho lao như người ta vẫn đồn thổi, rỉ vô tai nhau. Tôi chỉ thật sự hòa đồng với mọi người qua những câu chuyện tôi vẫn đánh máy thuê cho một nhà xuất bản. Ám ảnh bởi những nhân vật trong các trang sách đó, đôi khi tôi không đồng tình với người viết và tưởng tượng ra một kết cục khác. Có lẽ đó cũng là bệnh nghề nghiệp chăng?
Tôi đứng lặng, suy ngẫm miên man, nhưng ý nghĩ rõ nét nhất là mình thật bất hạnh. Người đàn bà dở hơi kia còn sung sướng hơn. Chị ta vẫn có kẻ thèm muốn, ôm ấp. Còn tôi khỏe mạnh, sáng trí lại chẳng được ai dòm ngó tới. Nước mắt chảy tràn trên má. Lần mò lại chiếc giường gỗ tạp, tôi nằm lăn ra đó, lòng tràn ngập đắng cay.
Nỗi xót xa càng lúc càng dâng lên, khi tôi nhớ lại thời gian gần gụi người chồng đã khuất. Mười năm về trước, anh là một chàng trai tầm thước nhưng rất mực dẻo dai. Chúng tôi đã từng đam mê, yêu đương đến rồ dại. Khi anh còn ở trong phòng tập thể nam của nhà máy, tôi đã có lần từ quê lên thăm chồng. Làm gì có tiền để mướn một phòng trọ riêng, anh đưa tôi đến ở nhờ nhà vợ chồng người bạn.
Hai người nhường cho tụi tôi chiếc giường một, còn họ nằm trên giường đôi bên kia cùng với đứa con. Cách nhau chỉ một chiếc riđô vải, tôi và anh lúc đầu không dám cựa quậy gì. Chiếc giường mục chân cứ cọt kẹt kêu rên sau mỗi cử động nhỏ. Hai đứa tôi vuốt ve nhau đến đê mê, tê tái cả người.
Đầu óc tôi sắp phát cuồng thì anh ngồi dậy, lôi tuột tôi xuống đất. Rón rén kéo chiếc chiếu trải vội xuống nền nhà, anh trườn lên người tôi, sung sướng ấn mình vào thân thể đàn bà lúc bấy giờ đã căng mọng, nảy nở hết độ. Chúng tôi tan vào nhau, ngọt ngào và đắm đuối. Cảm giác hạnh phúc tràn ngập con tim.
Tôi thấy mình đang trôi bồng bềnh trên một dòng sông êm ái. Không còn mùi bụi đất ẩm mốc, mùi nước tiểu trẻ nít khai mù. Cũng không hề thấy mắc cỡ khi phải đối mặt với chủ nhà vào sáng sớm mai.
Năm năm sau, khi được về sống bên nhau, tôi mới biết chồng mình đã mắc bệnh phổi vì bụi xi măng và ăn uống kham khổ. Sau khi sinh được cu Tuấn, anh ốm yếu hẳn đi. Miếng ăn ngày thường đã khó kiếm nay lại phải nhường phần lớn cho con. Tôi nhìn anh ấy chết dần mà đành thả tay.
Thời gian cuối, anh đòi chuyển về quê, sống cách ly vợ con vì sợ lây bệnh cho cu Tuấn. Chồng tôi chết đi mà không kịp nhìn mặt con trai lần cuối. Được tin bệnh tình anh trở nặng, tôi cuống cuồng đưa con về quê, chỉ còn kịp thấy hình hài gầy guộc, võ vàng của anh trước giờ khâm liệm.