watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đi Mãi Trên Đường - tác giả Phan Triều Hải Phan Triều Hải

Đi Mãi Trên Đường

Tác giả: Phan Triều Hải

1.Trời đổ mưa khi xe vừa rời khu mỏ đá. Lúc ấy đã bốn giờ ba mươi chiều và công nhân bắt đầu đạp xe ra về.
Gió tạt những màn bụi nước dày phủ lấy đoàn người đang đạp xe xiêu vẹo. Từ đây ra đến đường lớn mất ba mươi phút và lớp bụi xám dày trên mặt đường, trên lá, trên rào kẽm thưa bên ngoài những ngôi nhà thấp lè tè ven đường, hóa sình lầy khiến chiếc xe có lúc trượt xuống một cái hố cạn đầy nước. Khi bánh xe quay tít trườn qua được miệng hố tôi nhận ra một công nhân vừa đạp xe đến phía sau bị đất ướt bắn lên tận khóe môi, anh ta một tay giữ xe thăng bằng chống lại gió ngược, tay kia đưa lên lau mặt, và tôi nổi gai người lên khi thấy anh ta nhìn theo chúng tôi bình thản như nhìn một thứ vô tri vô giác ngang qua.
Tôi nhắc người lái xe đi chậm lại. Tôi không biết anh ta tên gì nhưng cũng không có ý định hỏi, vì biết chỉ sau chừng một quãng đường tôi sẽ quên tên anh ta ngay; đây chỉ là một trong bao nhiêu chuyến đi buồn tẻ khác; một loại hành trình đã được sắp xếp gọn gàng; đến đâu, làm gì, lúc nào sẽ quay trở lại. Tất cả góp phần thực thi cái chương trình đã được định sẵn cho vài mươi năm nữa; khi tôi ở tuổi bốn mươi hay năm mươi, chừng nào tôi vẫn còn sống đời công chức này. Từ đây cho đến khi ấy, chi tiết của một ngày, một tuần, một tháng hay một năm rõ ràng và đơn giản đến nỗi những bất thường khác, nếu có, cũng chỉ là những gắn kết tạm bợ, và vì thế sẽ không có gì khác giữa người lái xe và chiếc xe, giữa một ngày mưa hay một ngày nắng, nơi này hay nơi khác.
Ban đầu người ta giới thiệu cho tôi một lái xe trẻ măng nhưng chiếc vỏ xe anh ta đang dùng cũ mòn đến mức một mẩu ruột mỏng bên trong lấp ló chực phình ra. Tay lái xe yên hùng gân cổ cãi, "Em chạy từ nam ra bắc bao nhiêu chuyến mà có sao đâu, sá gì đường miền Tây dèn dẹt thế này. Anh lo gì cho mệt người." Tôi không chấp nhận lập luận ấy vì tôi chính là người đang đi bán vỏ xe, anh ta không thấy hai bàn tay tôi sạm đen màu cao su đây sao. Ví như ngày xưa, việc thay đổi xe cộ bất thường trước khi đi là không hay. Nhưng với tôi thì khác, vì cái nghề mà tôi đang làm. Mẹ tôi ngày trước có những nguyên tắc riêng của bà khi đi xe; một trong số đó là nhất nhất không được nói chuyện với người lái vì sợ họ phân tâm. Nhưng cha tôi thì có lý lẽ hoàn toàn ngược lại, rằng cần phải bắt chuyện với họ nếu không họ sẽ ngủ. Thật thế, tay vẫn nắm lấy vô-lăng, mắt vẫn nhìn phía trước, nhưng thật ra họ đang ngủ. Mẹ tôi bảo rằng, cha tôi khăng khăng như thế chẳng qua để biện minh cho tật xấu của ông là không bao giờ nhìn thấy thứ mình cần tìm đang nằm ngay trước mặt, mà lúc nào cũng sẵn sàng la toáng lên, "Đôi vớ của tôi đâu? Tìm cho tôi đôi vớ nào, tôi vừa mới để đây kia mà." Mẹ tôi sẽ nhanh nhẹn nhặt ngay đưa cho ông kèm theo lời cảnh cáo giàu sức thuyết phục,"Cái ông này lúc nào cũng như mơ ngủ."
Nhưng trong trường hợp này thì tôi không có lựa chọn nào khác vì chỉ cần chậm trễ một ngày là lịch trình của tôi sẽ thay đổi, điều đó sẽ rất phiền cho một cuộc đời từ lâu dựa dẫm hoàn toàn vào những chương trình được sắp xếp sẵn. Và thế là người ta giới thiệu cho tôi một chiếc xe khác, là chiếc tôi đang dùng đây, và một lái xe khác, là người tôi đang nhìn cái lưng của anh ta đây. Tôi không xác định được tuổi tác của người lái xe; khuôn mặt anh ta trẻ nhưng tóc đã bạc, một khuôn mặt vừa nhẹ nhàng vừa rắn rỏi, mà tôi đoán chừng điều quyết định sự tương phản ấy nằm ở cái mũi thẳng và ở đôi mắt lì lợm.
Suốt buổi sáng anh ta rất ít nói, hầu như im lặng. Tôi tìm thấy sau lưng ghế anh ta một quyển tự điển nhỏ đã quăn gáy, và một tập truyện nhỏ, cố đọc để ngủ cho đường bớt dài. Nhưng bây giờ thì không cần phải đọc, vì từ lúc ra khỏi nhà máy anh ta đã cởi mở hơn rất nhiều.
2.Mưa bắn vào cửa kính rồi tóe ra. Hai thanh gạt nước cuống quít trượt bần bật sang trái rồi lại sang phải, như hai đấu thủ đang chơi quần vợt trên sân Rolland Garros, đôi co, dai dẳng, bàn chân trượt sang phải rồi lại vội vã quay ngay về bên trái. Bây giờ ở Pháp cũng đang vào mùa quần vợt ấy, tháng Sáu, sân đấu bốc lên bụi đỏ, nhưng trên đường chúng tôi đi chỉ có mưa, đúng vào lúc dầm dề nhất. Chiếc xe đi qua tốp công nhân cuối cùng. Tôi ngoái nhìn theo họ, những cái lưng cong rạp xuống trong màn nước. Công nhân ở đâu cũng có cái lưng giống nhau, cũng như nông dân ở đâu cũng có bàn chân giống nhau. Có vẻ như được mặc áo mới, áo đẹp, họ cũng không thể thoát ra được hình dáng nhọc nhằn ấy.
- "Mưa thế này, hút một điếu có lẽ rất hay." Người lái xe nói.
- "Anh cứ hút đi."
- "Cảm ơn."
Anh ta châm thuốc bằng một tay và hạ kính xuống một ít để nhả khói ra ngoài. Mưa ngược chiều bắn vào làm vạt lưng ghế ướt đẫm.
- "Anh chắc đã đi nhiều."
- "Lúc nào cũng đi mãi trên đường," tôi nói, "cũng như anh."
- "Tôi thì chỉ mỗi con đường này, đi hết ngày này qua ngày khác."
Anh ta dụi thuốc lên cửa kính rồi vứt ra ngoài. Điếu thuốc bám tuyệt vọng lên mặt kính, rồi bay ngược về sau.
- "Hút thuốc khi trời mưa có gì hay?" Tôi hỏi.
- "Không biết tại sao tôi lại có ý nghĩ đó." Anh ta nói, hơi ngượng nghịu, "Tôi thử làm một cái gì đó hơi bất thường để xem có thú vị hơn không, nhưng cũng chẳng có gì khác biệt."
Anh ta hơi ngước nhìn về sau qua kính chiếu hậu, và tôi thấy một cái trán rộng và phẳng. Tôi không biết làm sao để nhận ra một người lái xe khi họ mặc quần áo đẹp. Từ đôi bàn tay quen ôm vô-lăng? từ đôi mắt quầng thâm vì đêm khuya? từ hiểu biết của họ về nơi chốn, về những con đường? Rất khó, họ cũng như đám trí thức công chức, không có một biểu hiện rõ rệt nào như cái lưng của công nhân hay đôi bàn chân của nông dân. Tôi nói.
- "Khi đến một nơi chốn lạ tôi cũng nghĩ như anh: ta sẽ tắm, thay quần áo và xuống đường mua một thứ lặt vặt nào đó để khi có dịp nhìn lại sẽ nhớ toàn bộ thời gian ấy, nơi chốn ấy, tuổi tác ấy. Nhưng thường tôi chỉ thực hiện được một nửa dự định: Tắm xong, tôi mở tivi, mắt nặng trĩu và tôi nghĩ, nào, chỉ cần chợp mắt một tí thôi rồi khi thức dậy hoàn toàn tỉnh táo, ta sẽ làm điều ta muốn. Yên tâm với lời hứa đó, tôi nằm xuống và ngủ một mạch đến sáng bạch, để rồi bắt đầu một ngày mới với cảm giác tuyệt vọng rằng ngày tháng của mình như cát trong nắm tay. Ta càng cố nắm chặt thì chúng càng dễ dàng trôi tuột đi."
Người lái xe im lặng. Phía trước con đường thẳng tắp, hai bên là những ngôi nhà lẩn khuất trong lá, những ngọn đèn lấp lánh ẩn hiện như ánh sáng đom đóm đơn độc. Và bóng tối nhẹ nhàng phủ trên những khu vườn.
3.Trời đã tối hẳn.
Bên phải là một con kênh rộng và thẳng tắp, một dòng nước vô cùng yên lặng. Vào mùa khô, nông dân trong những đêm nhàn hạ sẽ lót rơm ngồi trên mép đường tán gẫu, rượu trắng một chai nhét dưới cỏ, lưng quay ra ngoài lộ cong lúp xúp, mỗi lần xe qua gió lại rạt lên tốc áo, sáng loang loáng như lưng cá. Nhưng lúc này trời hãy còn mưa, mưa khi dịu xuống đột ngột, khi lại ào lên, và xe cứ đi mãi, đi mãi như thể ra vào từng miền khí hậu khác nhau.
Người lái xe nói.
- "Nếu anh cứ nhìn mãi con đường, anh sẽ bị trấn áp bởi sự đơn điệu của nó. Anh sẽ tự hỏi, mình sẽ phải lái xe suốt đời ư? sẽ ngồi sau tay lái và nhìn mặt đường chạy ngược về sau mãi như vậy ư? Kiểu băn khoăn ấy không ích gì cho anh cả, vì ngay từ đầu cuộc đời anh đã được xếp đặt để làm công việc ấy rồi. Chỉ còn một cách giải thoát, đó là cố gắng hiểu con đường dài chính là thời gian của mình, đi trên con đường ấy là đang đếm lùi ngày tháng của mình, lúc ấy ta sẽ mong sao con đường sẽ dài bất tận. Nhưng cuối mỗi buổi chiều luôn xuất hiện một nơi chốn để dừng lại nghỉ ngơi. ở đó, một ngày được đếm xong."
Cách đây năm năm tôi đã từng đi trên con đường này, và con kênh dài ngút mắt ấy là những gì tôi còn nhớ suốt chuyến xe đêm xộc xệch gần tám tiếng đồng hồ. Lúc ấy, tôi hai mươi sáu tuổi. Trên đường ra đảo, tôi ngồi trên mui tàu với Vũ, người mời cả bọn về đây. Vũ lúc ấy chỉ mới chừng hai mươi, trắng trẻo thư sinh. Vũ có vẻ không vui vì suốt chuyến đi nhiều người than vãn không tắm được, không ăn không uống được; nước nhiều phèn quá, nhà tắm chỉ là vách lá dừa thưa thớt, ăn uống chỉ là đồ biển luộc chín. Vũ rọi đèn pin theo đàn cá bơi dọc mạn tàu, sóng vỗ soàm soạp, nhưng đàn cá vẫn giữ đúng hướng, đuôi vẫy lia lịa. Gió thổi tóc và áo bay ngược về sau. Lúc ấy tôi chỉ mới là một nhân viên tập sự, ngực lép và ống tay khẳng khiu mặc cho sáng nào cũng tập tạ, khi ngồi trên mui tàu gió lồng lộng ấy, tôi nghĩ rằng chỉ cần gió mạnh hơn một tí nữa thôi, tôi sẽ như một chiếc lá, bay mất.
Một chiếc lá bị thổi bay giữa biển thì biết tìm đằng nào. Kinh khủng. Kinh khủng vì lúc ấy mà chết thì tiếc biết mấy, vì tôi còn rất trẻ, mỗi sáng luôn luôn có một câu hát bất chợt nào đó ám mãi trong đầu, tất cả đều là những giai điệu hân hoan. Với tôi lúc ấy ngày nào cũng là một ngày mới, vừa lạ, vừa vui. Tôi hỏi Vũ học xong sẽ làm gì. "Em sẽ về nhà, ở đây." Vũ đáp ngay. Tôi bảo, "ở đây thật đẹp. Bầu trời rộng. Tôm cá nhiều, lại tươi." Vũ bảo, "Em về vì ở đây có bà ngoại. Em thương bà ngoại. ở Sài Gòn nhiều đêm không nhớ ba nhớ mẹ, chỉ thấy nhớ bà ngoại móm mém cười, muốn chảy nước mắt."
Người lái xe mỉm cười.
- "Rất có thể anh ta nay là một gã đen đúa, cổ tay tròn ních, những ngón tay húp híp, bụng xệ và trơ trẽn."
Ai cũng có thể nói như thế bởi không ai có thể ganh đua với thời gian, nhưng trong ý nghĩ tôi Vũ vẫn luôn như thế, trong sáng và xa lạ với đời sống này. Người lái xe tiếp tục.
- "Chuyện qua một đêm anh biến thành một người khác, thậm chí một thứ gì khác hẳn là hoàn toàn có thể. Nhân đi qua quãng đường này, tôi kể anh nghe câu chuyện của tôi."
4.Con đường hẹp lại như phố trong thị xã. Những chiếc xe kéo ì ạch lên dốc, những cây cầu chỉ vừa một chiếc xe qua. Dọc theo dòng kênh, những ngôi nhà gỗ nâu cũ kỹ giăng giăng dây đèn lập lòe đỏ vàng xanh tím. Xe đi chầm chậm sát hàng rào. Mưa nhỏ xuống dọc theo những tàng lá lợp đã cũ. Bên trong, dưới ánh sáng trắng bệch, các cô gái quê mắt xanh môi đỏ đầy đặn trong những bộ áo váy mỏng ngồi trên phản mộc, quây quần đánh bài và uống nước lọc chắt ra từ những chiếc ca nhựa đã sờn mép phai màu.
- "Dạo ấy ước mơ của tôi là gửi được đứa con gái đầu lên Sài Gòn học. Tôi đã làm ngày làm đêm, dành dụm chắt bóp suốt bao năm để thực hiện ước mơ đó." Người lái xe kể. "Khi đưa con vào trường, nhìn cách nó bước qua cổng nhẹ nhõm vô ưu, thay vì cảm thấy hạnh phúc vì thực hiện xong nghĩa vụ của một người cha, một người chồng, thực hiện xong giấc mơ của đời mình, tôi lại thấy mồm miệng nhạt thếch, rã rời. Thế có lạ không? Tôi có một cảm giác phi lý rằng, tôi đã bỏ ra hai mươi năm trời của cuộc đời mình để chăm lo cho con gái, cũng như cha tôi hẳn cũng đã từng bỏ ra từng ấy năm của cuộc đời ông để nuôi tôi trưởng thành. Rồi sau đó thì sao? Con gái tôi sẽ tiếp tục con đường ấy, sẽ bỏ ra năm tháng còn lại cho nghĩa vụ làm mẹ. Đâu phải lúc nào ta cũng được đầu thai làm người, hẳn tự nhiên đã phải cân nhắc kỹ càng, đã có gửi gắm hay kỳ vọng gì đấy vào một sinh linh vừa mới ra đời chứ, vậy mà anh dễ dàng bỏ đi cuộc đời mình để lo toan cho một cuộc đời khác. Rồi cứ luẩn quẩn mãi như thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác, như hoa nở ra rồi héo tàn, như những vòng tròn sinh ra những vòng tròn, lặp đi lặp lại. Tôi quay về mà trong lòng chỉ còn sự trống rỗng, tôi không biết mình sắp tới sẽ phải làm gì nữa. Lúc ấy tôi thấy quãng đời phía trước mình vừa dài, vừa vô vị. Có hay không có tôi trên cõi đời này thì cũng thế thôi, không đông hơn, cũng không ít đi. Hôm ấy trời cũng mưa như thế này, và cảm giác vô vị ấy đã đưa đẩy tôi ghé vào một quán như thế."
Anh ta đang nói về những quán xá chúng tôi vừa mới đi qua. Lúc này, bên phía đó chỉ còn lại dòng kênh. Con kênh tối om tiếp tục ôm sát con đường, chạy mãi.
- "Trong những quán ấy, toàn những chuyện lạ lùng. Những đứa con gái ngồi uống nước tán gẫu thản nhiên để khách cho tay vào váy kiểm tra xem đã đủ tuổi chưa, những trò nghịch ngợm dạo đầu ấy mà. Phía sau nệm trải xếp lớp trên sàn mục ẩm, chua loét, không tấm màn che trong khi trên đầu đám thợ mộc loay hoay lợp lại mái nhà. Việc người nào người ấy làm. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất lại là cái lỗ tiểu tiện rất to trong nhà vệ sinh. Một cái lỗ to để khách thập phương thả mình xuống thuyền chờ sẵn dưới kênh trốn khi có biến. Và khi rơi như thế, chín mươi chín phần trăm khách có cảm giác chính xác rằng mình là một cục phân lớn, không hơn không kém."
- "Một cảm giác lạ lùng."
- "Rất lạ lùng." Người lái xe nói. "Tôi bước vào một quán và không biết phải làm gì tiếp theo. Nhưng những đứa con gái ấy quả thật tài tình, và thế là tôi đã làm những gì tôi vừa kể với anh với một cô bé liến láu dung tục. Không may (hay là may?) hôm ấy tôi buộc phải lật tung tấm ván mục ruỗng tìm đường thoát thân. Ngồi trên thuyền trốn chạy mà tôi vẫn còn bàng hoàng không biết mình là ai, bởi khi rơi xuống, tôi thấy rõ ràng mình là một quả phân to, nặng sáu mươi ký, chính xác từ trọng lượng đến màu sắc và bản chất. Chuyện phi lý mà rất thực là như thế. Tôi ngồi trên thuyền mà nghĩ mãi, không hiểu nổi mình đang là ai? Nghĩ cho đến tận khi về đến nhà. Nhưng sau một giấc ngủ dài cảm giác nhạt thếch biến mất, lại thấy vui. Bởi có gì sánh bằng khi mình tìm lại được chính mình một cách bất ngờ như thế."
5.Dòng kênh đã biến mất từ lúc nào, trong bóng đêm không còn thấy mặt nước lấp loáng ấy nữa. Và núi chậm rãi hiện ra, phía trước, đen thẫm.
Con đường quanh co chạy giữa một bên là biển và bên kia, dưới chân núi, là dải cánh đồng hẹp xơ xác ngập nước. Suốt mười lăm phút xe đi không có lấy một bóng người, không có lấy một ngôi nhà. Xung quanh đêm đen mịt mờ, chỉ có ánh sáng phản quang hắt ra từ đầu những cọc chắn an toàn, những bảng chỉ đường, bảng hiệu nhà trọ vẽ trên những tấm tôn lồi lõm. Lẫn trong đám biển hiệu lướt qua ấy, có một cái tên không hiểu vì sao tôi cứ phải nhớ suốt đường đi cho đến khi vào đến thị xã: Khách Sạn Hoa Hồng. Chữ in rất to. Giữa núi non khô héo này cái tên ấy quả tự tin hết sức. Phía dưới tên của khách sạn, lóe lên một mũi tên hướng vào núi tối om om.
Không trông thấy gì, nhưng tôi nghĩ nếu thật sự ở đó có hoa hồng, hẳn phải là một vườn hồng đẹp.
6.Tôi đóng cửa phòng và bước xuống nhà khi đồng hồ mới chỉ mười giờ tối. Cửa chính khách sạn đã đóng, một cánh cửa nhôm cuốn phủ xuống phẳng lì, kín mít. Tiếp tân khách sạn, một thanh niên gầy gò có đôi mắt kiêu hãnh đầy khát vọng của một sinh viên làm thêm đang loay hoay trải tấm chiếu sờn mép bên trong quầy cùng một chiếc gối không rõ màu xám hay màu xanh và một chiếc chăn mỏng cũng cũ như thế. Anh ta đứng thẳng dậy, hai tay đặt trên quầy, nghiêm chỉnh trong chiếc áo thun mỏng.
- "Anh định đi dạo à? ở đây không có gì thú vị đâu."
- "Có biển."
- "Không ai ra biển vào giờ này cả." Anh ta nói.
Ngoài kia có rất nhiều gió, tôi chắc như thế. Tôi còn cảm thấy cả từng cánh tay gió đánh phầm phập vào vách. Trong khi anh ta loay hoay với chùm chìa khóa thì tôi nói, tôi nhận ra hôm nay tôi đã nói rất nhiều, vậy mà bây giờ tôi vẫn còn muốn nói.
- "Anh có đi máy bay bao giờ chưa? Chưa à, nếu có dịp đi anh chớ bỏ qua dịp nhìn thành phố từ trên cao. Anh sẽ thấy mọi ngôi nhà to hay nhỏ đều trở nên nhỏ bé không hơn gì những hộp diêm, những hộp diêm bày biện lộn xộn, chen chúc, chồng chất. Vậy mà người ta đang bỏ cả cuộc đời làm lụng để kiếm cho mình một cái hộp diêm như thế đấy, đi đi lại lại và tự mãn trong cái không gian ấy. Thế nên tôi phải ra biển. Anh chưa ra biển vào giờ này bao giờ à? Nếu thế thì làm sao anh biết được ngoài đó giờ này có gì."
Anh ta nhìn tôi như nhìn một kẻ tâm thần. Và mỉm cười rộng lượng, anh ta đáp.
- "Anh cứ việc đi một mình, trông anh có vẻ hơi căng thẳng, nhưng chẳng sao. ở đây rất an toàn. Không nơi nào an toàn như nơi này. Tôi sẽ để cửa chờ anh về.
7.Chiếc cầu phao dài bồng bềnh trên sóng mềm mại như dải lụa tuôn ra từ phía núi đồi đen thẫm. Gió luồn vào ngực khi tôi cúi xuống chui qua thanh chắn. Bên trong trạm thu phí đầu cầu tối om vẫn còn một đầu thuốc lá lập bập cháy. Người bảo vệ chưa ngủ. Mỗi lần đầu thuốc rít lên tôi như thấy được những dòng chữ trắng trên chiếc bảng xanh đen. Tôi dừng ở giữa cầu, tựa vào sợi dây thừng lớn.
Bây giờ thì có thể nhìn thấy rõ mũi những chiếc phao chân cầu là những đầu thuyền bập bềnh lên xuống. ở đầu một mũi thuyền, hai thiếu nữ đang ngồi tựa vào nhau, lưng cong rất đẹp, mái tóc dài khi quấn quýt ở vai, khi bay ngược về sau. Một vạt khăn mỏng. Một gót chân chạm hờ xuống nước mỗi khi cầu phao nhấp nhô theo sóng. Tôi im lặng ngắm họ, và nhận ra hình như chưa bao giờ tôi có dịp nhìn ngắm ai. Vì không có thời gian, vì không có sự yên tĩnh, hay vì ngại ngần. ở thành phố, người ta có thể đọc được ánh mắt của nhau, biết người khác nghĩ gì, muốn gì, có phải vì thế không mà tôi ít khi nhìn lâu, nhìn thẳng. Nhưng ở nơi heo hút này thì khác, chắc chắn vẫn còn có một khoảng cách về cách thức tiếp nhận đời sống giữa họ và tôi, nơi mà những đối thoại âm thầm như thế này chưa chắc đã được họ hiểu hết. Đây là một cái thị xã nhỏ bé, đi ngủ lúc chưa đầy mười giờ tối, giờ bắt đầu các cuộc vui ở thành phố mà tôi đang sống, thành phố lớn nhất đất nước này, đô thị đứng thứ năm mươi trong các đô thị lớn nhất thế giới.
Và tôi đứng trong đêm nhìn ngắm họ, thẳng thừng như nhìn ngắm nhũng bức tranh bày trong bảo tàng, hay những đồ lưu niệm bằng vỏ ốc thường bán dọc bờ biển. Xa xa ngoài khơi hình như có những ngọn đèn trắng, và tôi cố gắng hình dung ra vị trí của tôi lúc này, một chấm nhỏ rất sâu, heo hút trong một góc bản đồ, nơi tên của huyện lị hơn cả đường ranh giới.
8.Tôi ngửi thấy mùi hương nhè nhẹ lúc cả hai quay lại, trong phút giây ngắn ngủi ấy, một làn gió luồn theo sống lưng. Trước mặt là hai khuôn mặt đàn ông trắng bệch. Những vết sần sùi của móng tay rảnh rang tỉa tót trên gò má. Khuôn mặt họ chia thành những mảng tối sáng, thành những hốc đen, những gò sáng loang lổ, bạc nhược. Họ nhìn tôi bằng những đôi mắt đờ đẫn, ngây dại, rồi không ai nói với ai lời nào, cả hai cùng lúc đứng dậy im lìm như những con thú ăn thịt biếng lười trở mình khi nhận ra một con mồi từ đâu tìm đến lúc đang nghỉ ngơi.
Tôi buông sợi dây thừng lớn giăng làm thành cầu và bước đi, thong thả như đang đi dạo. Để tin chắc rằng đó chỉ là một cuộc đi dạo bình thường, tôi hít thật sâu một làn hơi dài như thu lấy toàn bộ khí trời vào ngực, và vì bên ngoài chỉ còn là một không gian rỗng không, tôi nghe tiếng bước chân của họ vang trên cầu phao rõ mồn một. Khi đến đầu cầu, nơi lẽ ra có trạm thu phí, tôi nhận ra đã phạm một sai lầm có thể khiến mình cứ phải đi mãi đến cuối cuộc đời: trước mặt tôi không có gì cả, không nhà không trạm, chỉ có núi, và con đường dài hướng về thành phố. Tôi định quay lại nhưng đã muộn, hai gã đồng tính ấy từ trên cầu đang âm thầm đi xuống. Có lẽ nhà họ ở phía đầu cầu bên này, nếu vậy tôi chỉ cần đi tiếp một đoạn ngắn nữa.
Tôi đi qua những cái am nhỏ lạnh ngắt từ lâu không nhang khói. Rồi tôi đi qua một chiếc xe ủi đất bánh xích đứng nghiêng nghiêng bên vệ đường.
Không ai trông nom chiếc xe. Trong bóng tối nó vô dụng như một đống sắt vụn.
9.Tôi đi trên con đường bao quanh núi ngổn ngang đá vụn lẫn đất khô. Phía sau vẫn là những bước chân ấy, tiếng bước chân đều đều như nhau. Tôi nghe tiếng dép quẹt trên mặt đường, âm thanh ấy nghe u mê, nhưng liều lĩnh, bởi chúng vang lên đều đặn không chút ngập ngừng. Nỗi lo âu manh nha bám rễ lấy ngực tôi và tôi cố tìm cách thích nghi với nó như đã từng thích nghi với những điều khác trong cuộc đời. Tôi không rõ trong những điều vốn cấu thành đời sống của tôi có sự lo âu không, hay chúng hiện diện thường trực và âm thầm đến nỗi tôi không nhận thấy mà chỉ ở một nơi chốn lạ, trong không khí lạnh hờ hững này, mới rò rỉ qua được cái vỏ tự tin cố hữu xưa nay.
Tôi cố gắng nghĩ đến những chuyện khác, những chuyện nhẹ nhàng vốn thường là gia vị của các cuộc đi dạo thanh bình.
Tôi nhớ đến con chó ở nhà, hung hăng với mọi người nhưng sợ quắp đuôi trước bất cứ thú nhồi bông nào làm bằng lông mượt. Tôi nhớ đến con chuột đã chết khô sau tủ cuối tuần qua mà tất cả anh hùng hảo hán trong nhà không ai dám tình nguyện gắp ra.
Rồi tôi nghĩ đến người lái xe lúc này đang ngủ. Anh ta đã nói rất nhiều về chuyện này chuyện nọ, nhưng rốt cuộc anh ta vẫn ngủ. Anh ta chỉ biết dành sức cho một chuyến đi mới, vẫn không biết có bao nhiêu lần mùi vị khác nhau trong ngày, dù luôn than vãn về điều đó. Anh ta đang ngủ. Thật tầm thường nhưng an toàn biết bao.
10.Tôi không biết đi đã bao lâu rồi. Càng đi xa biển, trời càng tối. Những biển hiệu tên khách sạn lần lượt hiện lên với thứ tự ngược lại. Tôi biết rằng mình đã đi rất xa, đi hướng về phía thành phố. Một thành phố càng lúc càng trở nên xa lạ bởi tôi biết sẽ không bao giờ đến được đó nếu cứ đi mãi như thế này. Mỗi lần tôi muốn nghỉ ngơi thì tiếng bước chân phía sau lại vang lên, thong thả, đều đều, không hề lơi lỏng.
Tôi đi chậm lại họ cũng đi chậm, tôi đi nhanh họ cũng đi nhanh.
Một lần ở khúc quanh tôi đã cố gắng đi nhanh hơn nữa, nhưng hầu như ngay lập tức tiếng bước chân phía sau vang lên cũng nhanh như thế, như một thông điệp cảnh báo bất cứự ý định chạy trốn nào. ở nhà, muốn có một mẩu thông tin cách xa hàng chục ngàn cây số, tôi chỉ cần mở máy, nhấp chuột vào mạng, và tất cả nằm trong bàn tay. Nhưng giờ chỉ mươi bước phía sau là những con người đơn giản và quê mùa nhưng tôi hoàn toàn không hiểu được ý định của họ. Một lỗ hổng tri thức lớn, một cuộc tước khí giới nhẹ nhàng. Và nỗi sợ hãi lạ lùng dâng lên tràn ngập khi tôi nhận ra tất cả mọi hiểu biết trở nên vô dụng trong màn đêm này, trên con đường vắng này; nhận ra những điều vốn đem đến sự tự tin xưa nay thật ra chỉ giúp che giấu sự mỏng manh dễ vỡ trong một con người quen sống trong bình yên. ýự nghĩ tôi mỗi lúc một lộn xộn vì mỏi mệt, nhưng đôi bàn chân thì vẫn cứ miệt mài đi trong bóng đêm.

Các tác phẩm khác của Phan Triều Hải

Rau và Hoa

Phía sau nổi buồn

Những lá thư mùa đông

Những con đường không đến Seattle

Người ở thành phố lạ ngày cuối năm

Một tối ngồi ở quán bar

Một Ngày Bình Yên

Một Chuyện Tình Cũ

Một biển thông tin

Góc của phố

Có một người nằm trên mái nhà

Chuyện vườn