watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mẫn và tôi-Chương 17 - tác giả Phan Tứ Phan Tứ

Phan Tứ

Chương 17

Tác giả: Phan Tứ

Bà “dì” đánh tiếng thật to:
- Con Tám lên vá lưới coi nhà, dì ra bến đây. Cha, ngó đi ngó lại xế mất, khoai củ chưa ra sao hết, động trời là treo niêu đó cháu.
Vẫn ngồi đun bếp, chị Tám Giàu nói với lên:
- Mấy giờ mà dì đi đón cá?
- Hai giờ kém.
Tôi nín cười, bứt một mẩu lá dừa nước trên mái thả rơi xuống phản, báo rằng tôi vẫn còn thức, không cần gọi. Bà dì S.26 cười nhỏ, quảy đôi quang gánh lên vai, len giữa những nong khoai xắt phơi trắng lốp như bạc đầm xoè, ra ngõ.
Chị Tám đóng vai cháu về thăm dì rất ngon. Chị đàng hoàng ngồi lên đầu chõng, thay dì vá tấm lưới cước treo túm lưng cột. Áo ni-lông hồng mỏng thấy rõ cái coóc-xê viền rua bên trong, quần lụa ba biên ống chật, dây chuyền vàng tây có mặt chữ vạn đeo cổ, dầu thơm láng tóc và nước hoa rẻ tiền thoang thoảng, trông chị rất giống một cô thợ may hay chị hàng xén ở chợ quận, quen chưng diện để làm đỏm, câu khách và quảng cáo hàng, mặt nào cũng lợi. Hôm nào vắng đại đội biệt kích quân có mấy đứa quen mặt, chị theo dì ra bến đợi ghe cá của “dượng” về, coi tàu Mỹ cập bến quân sự dưới kia, đếm xe pháo, mau Ru-by mời mấy thằng sĩ quan hải thuyền hút, lài rài hỏi đủ thứ chuyện.
Chị Tám thoải mái bao nhiêu, tôi cực bấy nhiêu. Kiếp trâu trắng mà. Tôi nằm trên lớp giàn ván kê sát mái, suốt ngày mồ hôi đầm đầm ướt chiếu, phẩy cái quạt mo cũng phải rất nhẹ tay. Ngủ cấm ngáy. Đái vào ống sữa bột Ghi-gô, cấm ra tiếng. Ho, khịt mũi, hắt hơi, cựa mình, cấm hết. Bị nhốt cả ngày trên cái chuồng chim này, tôi tự an ủi rằng dù sao cũng dễ chịu hơn nằm dưới hầm chim, nhất là được việc hơn nhiều: không trông thấy bến, nhưng tôi có thể xem rất rõ con đường ô tô chạy vào sân bay và cả khu Bắc của căn cứ Chu Lai.
Mỗi ngày hai lượt, chị Tám đóng cửa nhà trên cho tôi ngồi dậy ăn cơm, nhưng hễ chạm chén đũa một cái là tôi lại nghe kêu: “Mèo lục tra cá hay sao á!”. Chị rất thạo đặt tên cho mỗi kiểu khua ồn vô ý của tôi để phân bua với những ai tình cờ nghe lọt. Tùy theo tiếng động, tôi biến thành con mèo, con chuột, con chồn bắt gà, con gà mắc đẻ tìm ổ không ra, đủ thứ. Đôi lần tôi được coi gần bằng con người: làm rớt chén là con nít láu táu, hu sù sụ thì đúng là con bệnh cảm gió chẳng sai. Chỉ khi đêm đến, tôi lập cập “xuống thang” bằng cặp chân tê, vặn người, đấm đá một hồi cho dãn gân, mới được phục hồi là anh Tư nghe rất mát tai.
Tôi ghi sổ tay những gì lượm được về lính thuỷ đánh bộ Mỹ. Tôi góp nhặt đủ thứ như một con ác là táy máy, nắm sấp trên cao này cũng hệt như mọt con ác là trên tổ. Khi tay và vai trái đỡ ngực đã mỏi, tôi lật ngửa ra đọc báo, ngủ chập chờn, mở mắt và lại đếm đòn tay. Những đòn tay tre đón ánh sáng từ dưới hắt lên qua kẽ hở giữa mái và vách đất, hiện ra trên xám dưới trắng. Má tôi hay rầy con: “Ăn no, nằm đếm đòn tay cho tiêu cơm hả Thiêm?”, hẳn khó đoán hôm nay con má đang chơi lại cái trò ấy giữa rốn quân Mỹ.
Đài quan sát của tôi cũng lắm khách ra dáng. Mấy chú chuột quen đường chạy xộc tới đụng tôi, hoảng hồn nẩy ngược lại, chít một tiếng, có con chùm bốn chân rớt xuống đất. Đến thăm ung dung nhất chỉ có cô rắn rồng. Đang đọc báo, duỗi tay sang bên, chạm phải một khúc gì mềm và lạnh, tôi giật mình không kém lũ chuột khi húc người. Có lúc cô ta nhô cao đầu bên hông tôi, giương cặp mắt tò mò ngắm tôi rất kỹ, tôi nghển cổ nhìn lại thì cô lảng, trườn xa. Má tôi dặn gặp rắn rồng đừng ngó lâu, nó mắc cỡ trốn mất, để nó săn chuột cho mình, ổ chuột trong đáy ống tre thì mèo thua mà rắn bắt được hết. Cô này cũng mắc cỡ nhưng không lâu. Chợp đi một lát, mở mắt, tôi lại thấy một khúc ruột chuối trắng lốp vắt chéo giữa hai đòn tay, cách mặt tôi chừng vài gang. Hẵng cứ tạm vơ vào, coi như cô Bạch xà nương này muốn kết thân với tôi đi, nhưng có thể cô đòi chỗ ở bị tôi chiếm, hay coi tôi là một con chuột to, biết đâu. Môn xem tướng của tôi bị trượt một keo nặng rồi, hết thiêng. Tưởng đã hiểu Mẫn đến tim đen tim đỏ, độp một cái, tôi bị cô em lót lá dắt tay mời ra của rất êm, từ nay tôi chỉ dám tự tin khi đoán tính nết thằng Mỹ. Tôi cố tránh nghĩ đến Mẫn. Vai trò anh con trai bị đá không có gì hấp dẫn.
Tiếng xe từ cảng lên bắt đầu rền to. Tôi chống tay ngồi dậy thật êm, nhưng giàn vân vẫn nghiến kít, chị Tám ở dưới vội than phiền nhà bị mọt ăn nát hết, chưa gió đã lung lay. Giá chị có phép gì cho tôi nhỏ bằng con mọt để nằm trên bàn tổng Giôn… Tôi vạch tấm lá dừa nước, nhìn qua khoảng trống dưới đầu mái có cái tên lạ là “khu đĩ”.
Một đoàn xe Mỹ vừa đổ bộ đang chạy trên con đường lớn rải đá, ngoài rào ấp chiến lược. Những đống sắt lắm hình kỳ quặc, mấu cần gai dây chằng chịt đầy mình, rù rù rột rột rảng rảng, diễu qua mãi đến sốt ruột. Cao nhất là xe cần trục rướn cái cổ cò tới trước. kềnh càng như toa xe lửa là xe trộn bê tông với những cái tĩnh sắt to bằng bồ lúa. Lô-cốt dã chiến đúc sẵn nằm chè bè trên những xe mười bánh. Đợt này toàn xe công binh, có lẽ là tụi Ong biển(1) vào mở rộng sân bay và xây thêm công sự. Đám lính được sơ múi gì không chưa rõ, nhưng các ngài sĩ quan thì phải ở nhà hầm bằng “chất cứng”, đủ điện, nước, máy điều hoà không khí, mới có sức mà đánh nhau được chứ.
Hết xe lớn. Đến sáu chiếc xe vịt(2) đắp một lớp bụi rất dày ở phần dưới thân, chắc ướt vì từ tàu biển bơi thẳng vào, đầy những nửa mặt đỏ lừ dưới mũ sắt. Hai xe bọc sắt khoá hậu. Tất cả bám nhau cà rịch cà tang, kéo một đuôi bụi xù dài như đuôi chồn, chạy về phía sân bay trong xa kia, nơi có cái ống gió bập bềnh trên trụ cao như vỏ sâu kèn rỗng còn mắc sợi tơ treo vào cành. Cái ổ Mỹ nhung nhúc trong ấy đang phình lên rất nhanh.
Những mảng mặt trời loé trắng trên thép xanh lá đã biến hết, tiếng xe tắt, chỉ còn cặp tàu rà đảo mãi như chuồn chuồn bị buộc chỉ sau đuôi. Tôi đếm các cụm lều vây bao cát của quân gác đường, xem lại các đỉnh đồi gần xa đã thuộc nét, thoáng nổi cáu. Mẹ cha nó, giữ đường như giữ mả tổ, nổ mìn trên quãng này không dễ. Thôi được, ngày khó đánh đã có đêm, quả đất còn xoay là Vi-xi còn đem bánh tét bánh hộc(3) vào tăng Mỹ.
Tôi với chồng báo Sài gòn gối đầu, định đọc tiếp các bài về “quân đội đồng minh”, bỗng nghe tiếng đàn bà chửi ré lên, rất tục, tiếp giọng đàn ông lè nhè. Lại lính nốc say quịt tiền. Tôi buông tờ báo, ghé mắt vào kẽ lá, xem một lần nữa cái cảnh đã quen thấy nhiều lần trong năm nhưng chối mắt. Đằng cuối xóm có bốn cái nhà lá phải trông chừng, ở đấy có năm sáu ả là vợ lính kiêm gái đĩ kiêm chỉ điểm kiêm chủ quán, một hạng người bám tụi ngụy kiếm sống như hàu bám ghe biển, nay đang tập uốn lưỡi nói tiếng oeo được coi như văn minh hơn tiếng ô-kê. Chị S.22 đã nắm một người trong số đó, lấy hộ chúng tôi được nhiều tin quí. Lúc này, hai ả đang co kéo một trung sĩ ngụy say mèm, lột xong cái đồng hồ mới thả cho hắn đi. Các bà gánh cá trông thấy hắn từ xa đã tạt vào trong ngõ, né tên cướp ngày. Rồi con đường chật men rào ấp lại vắng tanh.
Cái ấp chiến lược sát cửa sông này còn nguyên, một của hiếm trong năm 65. Nó là một kiểu làng nửa giả nửa thật, như bộ mặt người soi xuống nước xao. Cũng còn sót những rặng đường nhỏ ven con đường đắp đất thịt đè trên cát, năm ba cây dừa cây bàng che bóng trên miếu gạch cũ, một cái cầu gỗ cong lưng chở nhiều nỗi nhớ, nó chưa mất hết. Nhưng nó không phải làng quê ta nữa. Nhiều lớp rào lông nhím và kẽm gai bao kín nó cả ngoài lẫn trong, khoang riêng từng cụm nhà, cắt nghiến những lối vắng hẹn hò, đi tới đâu cũng mắc những tuyến một, tuyến hai, điểm tựa, bốt gác, chòi canh. Một cơn động đất nào đã để lại trên mình nó không biết bao nhiêu đường nứt nẻ được gọi là chiến hào, thông hào, mương chông. Mấy khoảng đất còn lại biến thành bãi nấm với vô số lều tôn lều rạ xô đẩy nhau chiếm chỗ. Nhà chẳng ra nhà, không nền, không sân, không ngõ, chỉ khác lều chợ ở chỗ có phên che qua loa. Chó từ cửa này đái vót tới hè kia, người ngồi ỉa trước mắt nhau, cả nhà cũng tắm một thùng nước giếng vừa giành được bằng trần đòn gánh, trẻ con giãy nảy không ăn được thứ gạo xám và nhão nhoẹt của Mỹ phát mà bọn tề gọi là gạo lúa miêu… Không phải làng quê nữa đâu, những Côn Đảo thu nhỏ có đủ chúa ngục với cạp rằng cưỡi trên lưng mấy ngàn dân bị tù không án. Sau ngày Diệm đổ, cái làng dị hình dị tướng này được đổi gọi là “ấp tân sanh”, và sự mỉa mai được nhân đôi. Bà con vùng này tởm đến mức không chịu gọi làng là ấp nữa, làng của ta, ấp của giặc, như huyện với quận đấy thôi.
Kể cũng buồn cười, chính cái ấp này đã buộc chị S.22 phải phá cữ, vất lá xanh(4) cho chị Tám với tôi vào ở, tuy chúng tôi chưa có dịp trổ tài chịu đòn cho chị xem. Sau khi xin lỗi đã ngờ chúng tôi, chị gạ ngay: “Hễ các anh nổ to, ở đây tôi cho cháy lớn, ừ nghen?” Còn phải nói!
Dì S.26 gánh cá về, thì thào với chị Tám một lát. Chị gài cửa, bắc ghế lên trên phản, nhô đầu lên giàn ván:
- Mỹ nó chào cách sao quên rồi, anh?
- À… cứ hê-lô cho gọn.
- Chiều nay, Mỹ bắt đầu tuần đường. Không chừng vô ấp nữa. Đám biệt kích quân bị đẩy lên trên đường Một hết rồi, tụi nó sợ lưng tim lưng mật, vợ con ở nhà cúng vái lu bù.
- Vậy chị thơ rồi, tôi còi miết!
Chị toét miệng cười, rất trẻ, bước xuống dẹp ghế. Tôi đã tập mô tê răng rứa chừ theo xứ Quảng, đang bắt chước những tiếng hay hay, thơ là dễ chịu, còi là khổ cực chẳng hạn. Út Hoà nghe tôi nói cứ cười rũ, gọi réo: «Anh Tư Bình ịnh, thấy ịch ở âu không».
Tôi rút cây súng ngắn P.38 đã lên đạn khoá cò ra khỏi bao, nhét trần nó vào thắt lưng, ép trên bụng, nằm ngửa đọc báo, thỉnh thoảng liếc qua kẽ lá xem con đường. Nếu một thằng Mỹ ló cổ lên đây, nó sẽ lộn đầu chết ngay. Lập tức chị Tám tung lựu đạn vào bọn ở dưới, ngoài ngõ cũng nổ, cơ sở trong ấp đã xếp đường sẵn cho chúng tôi chạy đến chỗ núp, đợi tối, bà dì S.26 sẽ thoát theo 2 chúng tôi, bỏ nhà đi cho chúng nó đốt. Chị S.22 sắp xếp đã cao tay lắm... Tôi lật báo rất êm. Cả quân đội Mỹ mắc cái bệnh dịch quảng cáo của xã hội Hoa-kỳ. Này là súng cầm tay bắn đạn nguyên tử nhỏ xíu, mỗi phát diệt một trung đoàn địch. Này là kính đeo ban đêm thấy sáng như ban ngày, là ra-đa xách tay phân biệt được đàn ông với đàn bà đi cách ba cây số. Nói láo không sách. À, vô số những rao vặt Help wanted(5) bằng tiếng Anh, chúng mộ thông dịch viên, đả tự viên(6), chiêu đãi viên, tất cả đều phải biết tiếng Anh. Kèm theo đấy là một bài thơ mỉa đời cay cú:
Xếp chữ ta vào, học chữ Anh
Theo thời, thôi cốt kiếm tiền nhanh...

Bếp bồi Tây với thông dịch Mỹ đều sướng hơn anh kỹ còm, và anh thở dài đánh sượt khi đầu hàng đồng đô-la:
Khẳng khái còn đâu đến thứ mình!

Có tiếng lộp bộp dưới bếp. Cửa hông bị xô mạnh. Nhiều chân đi giày đinh bước lên nhà trên. Tôi rút súng, nhè nhẹ nghiêng đầu, mặt thoáng ngứa muốn gãi.
- Hê-lô!
- Hê-lô!
Tiếng đàn ông khê nồng đáp lời chào của chị Tám. Mỹ đến nhà. Nó đi đường nào mà chui phía chuồng heo? Hai đứa, ba đứa. Tôi không dòm xuống được, chỉ nghe. Một thằng hỏi ồm ồm những câu ngắn: biết tiếng Anh không, những người đàn ông đi đâu, thấy Vi-xi không. Tên này có cái giọng đãi dài của miền Nam nước Mỹ, biết kiểu nói cho người ít biết tiếng Anh dễ hiểu. Đã từng ở Ô-ki-na-oa? Nghĩa là thuộc sư Một lính thuỷ đánh bộ?
Chị Tám cười rất tỉnh, trả lời gọn:
- Nô in-lít! Nô!... Nô Vi-xi!(7)
Chúng không soát nhà, lại hê-lô, bỏ đi lộc ngộc. Vào ấp chiến lược có gì mà lùng. Gót giày nện trên sân gạch nhà bên cạnh. Tiếng chó sủa lan rần rần khắp xóm. Đông quân lắm.
Tôi lại rón tay vạch lá dừa nhìn xuống. Chúng đi như kéo quân dọc con đường ven rào ấp, lấp ló sau các bụi cây, mái lều, như một đám mây châu chấu vừa chụp xuống vạt đậu. Hai tên đứng bác bên cổng, cách đầu nhà mươi thước. Mắt tôi quay phim rất gấp, óc tôi ghi vội. Áo giáp giống áo trấn thủ không tay, cộm lên những ngấn như vảy cá dưới vải. Áo quần lụng thụng rộng hơn nguỵ, à, nhớ cái này để nhận ra Mỹ từ xa, khi Mỹ với nguỵ không đi chung với nhau như cha bên con, hơn kém nhau hẳn một cái đầu như dạo trước. Mũ sắt bọc thêm lớp vải nguỵ trang mỏng, bớt bóng. Súng Ga-ran M.2 cả. Ba-lô vuông trên lưng, có tấm pông-sô quấn tròn, xẻng nhô cán. Hai bình nước móc vào thắt lưng. Gì nữa? Mỗi đứa hai trái hình trụ sơn đen, lựu đạn khói hay lửa, chắc để sẵn sàng đốt nhà khi có lệnh chứ đánh nhau mấy khi dùng của ấy. Gác khá kỹ nhưng dáng sợ sệt. Mặt trẻ, da trắng chưa bắt nắng mấy, hẳn là lính mới bóc tem…
Chúng nó rút ra khỏi ấp, súng cứ cầm ngang, lưng khom một cách máy móc đến buồn cười, đi trong mấy lớp rào mà lấc láo như lội rừng. Tụi này chưa nếm đạn, chưa có cái vẻ vừa uể oải vừa ngổ ngáo của lính nhà nghề đạn lửa. Chắc đã nghe đồn những chuyện đứng tim động trời về Vic-tơ Sác-li(8), nên mặt đứa nào cũng căng như dây đàn.
Mười lăm phút sau, tôi xem đại đội Mỹ đi tuần tiếp dọc đường ô-tô. Vẫn lối hành quân chiến đấu rất mệt người, lội cát hai bên bãi chứ không bước trên nền đường, cự ly ba thước khá đều. Chỉ có một nhóm hai lính da đen đi trước xa, quơ quơ cái cần rà mìn, đeo bộ đàm nhô cây cần ăng-ten mềm, ngúc ngoắc như cái roi cày ghép bằng xương rắn. Thí da đen, chứ không thí da trắng…
Chị Tám lại nhô lên, mặt hơi tái, nói dồn:
- Hồi nó rúc cửa sau xộc lên cả bầy, tôi cuống, thấy lạ quá mà. Hê-lô một tiếng mới hết hoảng. Anh sợ không?
- Không.
- Ừ, giết nó miết mà sợ gì. Nó bỏ mấy cái kẹo chỗ phản kia.
Chị trụt xuống.
Thật tình tôi không có một chút xúc động nào hết, không sợ, không tức giận, bởi bận dồn sức vào xem, nghe và nhớ như cái máy, trong đầu chỉ tuôn tuôn những nhận xét rất nghề nghiệp. Chị Tám dễ cuống là phải. Xóm vắng quá, bà con bị bắt đi làm ấp chiến lược gần hết, nhà nào còn người phải lo kiếm cá, đón cá. Ngay giữa phố Đà Nẵng, tụi Mỹ không chỉ chia đồ hộp thừa ra rủ ô-kê xọp xọp(9), mà còn véo đùi lôi tay đàn bà đòi ô-kê bum bum(10), những tiếng lóng kỳ quặc hình như không có trong cuốn từ điển nào cả. Còn khi đi càn, nếu vắng bà con níu kéo la làng thì chúng vẩy nước hoa lên người các cô, hiếp luôn, chẳng nói gì hết.

*

Đi với nhau đã nhiều đêm trắng, đến nay chị Tám mới chuyện trò với tôi hơi lâu một chút. Cũng tại tôi, ham cái gì là lao vào quên cả trời đất, kéo chị đi ào ào từ ấp này qua ấp khác gặp từng cơ sở, cố nhặt không sót một nét về Mỹ, nhắc nắm thêm mặt này, mặt nọ. Có lần về đến nhà dì S.26 lúc gà gáy đầu, tôi mới nhớ rằng suốt đêm chị Tám phải nghe toàn những sự súng đạn bom mìn, không chen được một câu hỏi nào về đấu tranh chính trị hay binh vận. Tôi xin lỗi, chị cười:
- Anh là con vạc, tôi là con gà. Theo anh để học lỏm quân sự, chớ lính của tôi làm ăn ban ngày ban mặt kia.
Trở lên cái giàn ván, tôi ngủ bù được một ít, còn chị Tám phải lo đi bắt mối, dò tụi địch ở cảng, thay phiên với bà dì canh chừng cho tôi. Chị làm việc gấp đôi tôi. Nhưng, cũng như Mẫn dạo xưa, chị vẫn coi «thầy Thiêm» là trụ cột trong đợt đi chung này.
Đêm nay chúng tôi đợi gặp một lính hải thuyền, em ruột anh S.14. Tụi hải thuyền nguỵ hay bắn bậy chíu chíu dọc cửa sông vậy đó nhưng rất sợ thủ pháo thả vào khoang, đợi tối trời là len lén ghé vào một cồn đất giữa sông, nín hơi nằm ngủ, nửa đêm còn đổi chỗ lần nữa, đánh hơi có động thì dong tuốt ra cù lao ngoài biển. Chúng tôi phải đi sớm để vượt hai ấp vào đúng phiên gác của «người mình», đến cửa sông ba tiếng trước giờ hẹn. Anh S.14 đón bờ nước, vợ anh gác mé sau, chị Tám và tôi ngồi đợi trong bãi sú.
Bấy nhiêu công khó cũng vì một mình tôi, chứ ba người cùng đi có thể gọi tay hải thuyền kia vào quán, cà rà ăn mì uống bia cả buổi mà đếm Mỹ. Nếu không ngại tụi ngụy bắt lính rất ẩu – chúng thấy ai trẻ trai là chụp như chụp ếch, đói quân số quá rồi – tôi sẽ mượn áo nin-phờ-răng quần téc-gan, tém tóc đít vịt, chừa râu mép kiểu tướng trẻ bầu bò, đập ngón tay trỏ bộp bộp trên điếu Ru-by, duỗi cái cẳng chân dài ra nhún nhún, lắc vai ngoáy đít mà đi công tác ban ngày cho khoẻ xác. Nhưng H.68 cấm ngặt tôi không được «đánh bạc với Giôn-xơn», chịu vậy.
Thấy chị Tám ngáp, tôi bàn:
- Còn đợi lâu, chị ngủ tôi gác cho. Lát nữa thay.
- Thay tôi gác chị ngủ, ừ không?
Chị này coi bộ hiền mà đùa ngầm chẳng vừa. Không ở bộ đội nhưng rất thạo những tiếng lóng của con nhà lính, chắc chị tập để nói với chồng khi anh ấy về.
- Nè ông tướng, cổ con Hai Mẫn bữa nay còn bị trẹo đó. Ai kêu đằng sau, nó phải xoay cả người.
- Chết cha!
Tôi buột mồm kêu xong mới nóng bừng cả mặt.
Tối qua chị Tám lên Tam Sa. Sao Mẫn đi kể cái chuyện vớ vẩn ấy với chị? Miếng võ đoạt súng, tôi đã giảm nhẹ nhiều lắm mà!
- Giỡn chơi thôi. Thương nhau vặn chéo cổ nhau, quân sự có khác. Sắp tới đại hội chi bộ, cầm chắc con Mẫn vô chi uỷ, ông Luân đang dỗ nó nhận làm bí thư, ông xin rút lui chữa chứng tê thấp. Nói trối vái miết, kêu tánh nó khùng khùng hư việc hết, như hôm đó...
- Anh Luân nói sao?
- Ổng nói khùng mà chạy lui mới xấu, khùng xách súng chạy tới thì bà con được nhờ, đừng lo. Hễ nó không chịu...
Con chim đêm nổi kêu một hồi «kíu kíu» bên trái chúng tôi. Có người. Tôi đứng lên, căng mắt nhìn về phía những chấm đèn dầu dùi thủng vết đen dài của bờ bên kia. Tiếng róc rách đến gần. Thuyền cá ra biển. Thân thuyền chìm vào nền nước đen, tôi chỉ thấy phần trên cùng của lá buồm thiếu gió, một mảnh tam giác trắng mờ trôi lừ lừ giữa các chòm sao trong tiếng chèo nặng nhọc. Dạo này thuyền ra khơi lo chèo đi rất sớm, không đợi gió đất nổi, bởi phải ghé vào năm sáu trạm gác dọc sông cho địch xét giấy, soát khoang. Thuyền tới bến còn bị tàu tuần hay ho-bo(11) của Mỹ chặn hỏi, có khi trực thăng sà sà thả thang dây bắt chủ thuyền đem thẻ lên, cuốn buồm không kịp thì gió cánh quạt nhận chìm. Những ngọn măng sông treo cao trên các thuyền rờ, dăng dăng rất đẹp như điện phố, đã biến hết từ khi địch cấm đánh cá đêm. Mặt sông sẫm lại, chỉ còn đèn pha của tàu biển tàu sông quét ngang, của trực thăng rọi chéo xuống, hỗn như những ngón tay xỉa vào mặt người ta, từng lúc chen mấy trái đèn dù nhểu một thứ lửa trắng ma quái, biến da người sống thành da bềnh bệch cạn máu của xác chết.
Ngồi im một lát, chị Tám buông chậm rãi:
- Nói tình thiệt nghen… coi bộ anh ưng Hai Mẫn hả?
Dù chị không rào đón trước, tôi vẫn cảm thấy câu hỏi ấy ắt sẽ đến. Giấu mãi làm gì, phải nói thôi, dù chỉ một lời thú muộn màng cũng đủ nhẹ người. Tôi đáp trong hơi thở:
- Có.
Tôi đã mến nhiều bạn trai hay bạn gái gặp trên đường dài. Gặp rồi xa, nhớ nhau ít lâu rồi quên. Tất cả những mê say tôi dành cho Mẫn bấy lâu, tôi muốn buộc túm thành một gói, đem gửi vào kho kỷ niệm cho đỡ nặng ba-lô, sau này trà dư tửu hậu sẽ giở ra xem và cười mình hồi trẻ sao mà ngây thơ tệ. Tôi ép mình nghĩ đến Mẫn như một cái gì trôi qua đã lâu, cũ rồi, thích bùi ngùi một chút cũng được nhưng mọi xúc động đã phai hết. Tôi cố triết lý như ông cụ non vậy đó, và thấy dễ chịu hơn. Hòn than lửa vùi mãi dưới tro sẽ tàn.
- Nó cũng thương anh lắm. Thiệt tội.
Chị Tám nói trầm ngâm, tôi nghe như hơi xót xa thì phải. Tôi đợi tiếng “nhưng” rơi xuống, như leo ra mút cành khô và đợi tiếng gãy dưới chân không tránh khỏi.
- Sao anh chưa nói với nó?
Một búng hơi nóng thốc lên cổ. Tôi nuốt nó xuống. Nhắc đến Mẫn phải thờ ơ mới đúng chứ, người ta lạnh ngắt với tôi… Một búng nữa. Một nữa. Cái bình thuỷ ngoài mát trong sôi đã thổi bật nút, pưng một tiếng, bốc hơi cuồn cuộn. Thôi được, cứ kể hết một lần cho hả tức rồi sẽ nguội, nguội hẳn. Người ta còn giả bộ không biết, đợi tôi phải lạy lục nữa ư, đời nào! Người ta hiểu tôi chán chê mê mỏi rồi chị ơi, từ những ngày cứu lụt, dạo nổ súng che chở nhau trên gò hoang, tới cái đêm trăng không bao giờ quên. Không biết, thì việc gì lại xảy ra cuộc lánh né như chuột tránh mèo hiện nay, mà nghĩ kỹ tôi lại thấy là mèo vờn chuột? Nghĩa là gì? Mẫn không hề yêu tôi, dê-rô. Hay Mẫn nghĩ rằng càng thương càng phải rút vào cố thủ trong boong-ke, đứng trong ấy mà ú tim ú oà, thương kiểu đó thì anh em tôi xin kiếu. Hay Mẫn lỡ ưng tôi bây giờ hối lại, bắt đầu dò xem có ông nào cấp tỉnh hay ông trung đoàn nào chưa vợ?
Chị Tám nghe giọng Bình Định lấp gấp của tôi chắc chỉ lọt tai một phần, tới đấy bỗng cắt ngang, gắt:
- Đừng nghĩ bậy, oan nó. Không hiểu con gái mà cứ nghi như Tào Tháo!
Tôi mím môi ngậm cơn tức đang trào đầy miệng, đòi bật ra. Mấy chiếc thuyền nữa chèo qua, men bờ sông bên kia, chỉ thấy chấm đen bò chậm.
- Nó quý anh, phục anh, mà anh rẻ rúng nó vậy à? Coi nó tàn tệ vậy à? Nó chỉ nói với tôi một đời nó không dám ước gặp một người như anh. Hễ anh sách súng đi là nó kiếm cớ đi theo, có gì nó đưa ngực cản đạn cho anh. Nó năn nỉ tôi ngó chừng anh, đừng để anh xông xáo quá. Thuốc phòng sốt rét tôi đưa anh uống mấy bữa nay là nó gửi đó. Chao, con gái chưa nói một tiếng ưng mà thương trai quá chừng vậy, hèn gì anh... chưa chi mà đã...
Đến lượt chị Tám cố nén giận. Hình như tôi đã trao cả gánh giận sang vai chị cho nên người cứ nhẹ bẫng, ngây ngất. Chùm sao trên trời co lại, giãn ra, từ từ xoay tròn. Tôi nhắm mắt mỉm cười, đợi chị sạc thêm. Cứ nạt tôi một trận đã nư đi chị. Tôi ngu, tôi xấu nết, còn Mẫn của tôi tuyệt quá, tha lỗi cho anh nhé, nện cho anh một báng các-bin nữa đi.
Nhưng tại sao em tránh anh, tại sao?
- Thương anh đứt ruột giả đò ngó ngơ, tội nghiệp con Mẫn…
Tôi nghĩ theo như tiếng vang: tội nghiệp. Nhưng cái miệng tôi cứ buông xóc hông.
- Vậy mới kỳ cục!
- Kỳ, kỳ, anh cứ nói được phần anh thôi, chẳng cần biết nó rầu nó rối sao hết. Rốt cuộc, ông Mít cũng như ông Xoài… Mấy cô đoàn viên hay du kích mới lớn lên, tìm tới các anh nhờ bày vẽ cho làm công tác, lập tức các anh nay bỏ nhỏ, mai gởi thơ, cô nào sạch mắt một chút thì coi như tối tăm mặt mũi. Không trả lời là kiêu, nói “em chưa nghĩ tới” là điệu, từ chối phứt thì kêu cạn tàu ráo máng. Người ta mắc việc nước việc nhà ngập đầu lại còn phải lo dỗ ngọt, phân bua hoài, còn nơm nớp sợ các anh giận nữa.
- Tụi tôi đánh giặc cứ đánh, thương ai cứ thương có bận bịu gì đâu. Chị làm như…
- Thì biết các anh thương chớ sao! Có điều ba bảy cách thương lựa cách nào cho phải, để chị em kịp tiến bộ với chớ. Hồi muốn nói cho xiêu, các anh hẹn mấy năm cũng đợi. Lỡ ừ một tiếng thì đòi cưới liền tay, lần chần xin hoãn ít bữa đã thấy các anh nặng mặt, hờn lẫy, đòi cắt, búi!
- Chớ để lửng lơ con cá vàng làm gì?
- Đó, con Mẫn sợ anh cũng bấy nhiêu thôi!
Tôi cười xoà, bị “suỵt” một cái. Những con chim kíu kíu vẫn gác chung quanh.
- Hồi ở ngoài gò, anh tuyên bố cắn cưa là anh chưa ưng ai, tới khi ưng thì nay gật mai cưới, không dằng dai gì hết, đúng chưa?
Tôi ngẩn ra. Ờ mà có vậy thật.
Hôm ấy, giữa bữa cơm, đội du kích xúm bàn hăng về đường nhân duyên của một cậu đang vấp đau, tôi bốc đồng cũng phát luôn mấy cái ngôn. Rằng tôi ngại trói buộc nên chưa muốn rước một đấng vợ về thờ - điểm này chẳng sai mấy. Rằng đến khi tôi phải lòng cô nào thì nay gật mai cưới, dằng dai xin rút đơn ngay, đang bận đánh Mỹ không có thì giờ xếp hàng, cả hai miền nước ta những cặp đợi nhau đã đông lắm rồi, tôi không muốn góp thêm một cặp nữa - phần sau này tôi huyên hoang cho oai nhiều hơn, tỏ ra chí khí trượng phu không chịu luỵ đàn bà, để khuyên cậu kia đừng buồn khi bị “đổi gác”. Ai ngờ Mẫn nghe kỹ nhớ dai đến thế!
Cho dù tôi nghĩ sao nói vậy đúng trăm phần trăm chứ không vui miệng đấu hót, thì đó vẫn là những ý nghĩ trước khi yêu Mẫn. Khác xa lắm chứ. Hăm tám tuổi chưa gắn với ai, nhưng từng lúc tôi vẫn tưởng tới cô gái sẽ cùng tôi ăn đời ở kiếp, thích nghe những chuyện vui buồn của anh em đã có vợ con, đọc được cuốn sách nào hay thì cố nhớ vài nét về tâm lý phụ nữ, để rồi ngày càng thấy cái việc chung thân đại sự ấy sao nó “dại” quá mất, tốt hơn hết là hãy khoan! Lại còn một chỗ buồn cười nữa: hễ bắt gặp ở đâu một nét dễ thương, tôi hay đem ghép cho người yêu mai sau, buộc cô ấy phải có đủ tất cả những gì đẹp nhất quí nhất trên đời, giá tôi vẽ mẫu đặt com-măng cho xưởng nào đúc giùm cũng chưa chắc đã vừa ý! Mẫn đến, lẳng lặng bước vào đời tôi từ bao giờ chẳng hay, tôi chưng hửng nhận thấy cuộc tình duyên tưởng tượng của tôi từ mây khói lại tan ra mây khói. Tôi đâu có ngờ sẽ yêu một người như Mẫn, trong một thời buổi gay cấn như khi Mỹ đang đổ bộ, và gặp những vấp váp như vừa rồi. Mẫn đã đảo lộn tất cả, còn kể gì một câu nói yêng hùng thoảng qua…
Nhất ỳ nhì nín lặng. Không nghe tôi trả lời, chị Tám coi như tôi gật. Chị không gằn hắt nữa, mà dịu giọng như thương hại đám con trai hay vòi quấy nhưng cũng biết nghe lời dỗ ngọt:
- Chị em tôi quen, ai cũng lo chạy theo không kịp phong trào, rớt lại sau. Ngó lên lửa núi cháy lan, bạn ơi khoan đã lửa tàn sẽ bay. Năn nỉ vậy, các anh có nghe đâu, mà thôi nhau thì… thì không đủ sức. Rốt cuộc, mới mười chín đôi mươi các anh đã cưới gấp, ném cho người ta cái ba-lô mang sao được đó mang, đi biến, lâu lâu viết về nói là trời sinh voi trời sinh cỏ, em đừng lo. Cỏ nào chạy tới miệng voi? Anh thấy đó, chưa đẻ mang con trước bụng, đẻ mấy năm rồi cũng y nguyên đồ đạc sau lưng đeo con trước bụng, có gì thân mẹ che thân con. Cực hết chỗ nói đã đành, mà còn chịu thua em kém chị đứt đi mấy năm. Có phải miền Bắc đâu mà sẵn nhà giữ trẻ cho mẹ gửi con đi làm? Ba-lô đằng sau là việc nước, ba-lô đằng trước là việc nhà, cứ vậy mà đội bom đạn đi công tác, lâu lâu không có món gì gởi cho chồng thì lại nuốt cơm không xuống. Còn ông chồng nữa… ừ, ông chồng thiệt tới hay. Ông ra đi cứu nước thì giỏi bằng trời, xin phục ông sát đất, mà nghe ông tích chuyện nhà thì nhịn cười không thấu. Hay tin con biết đi ông mới về bồng thử, chà, thằng nhỏ nặng tay quá ta, mau lớn đánh Mỹ với ba nghe con. Coi bộ nó có em được rồi, người ta nói con một nó hay trái chứng!
Nghe cái giọng giỡn giỡn của chị, tôi không buồn cười mà thấy tim thắt lại. Ra vậy đó. Tôi mới nghĩ đến Mẫn như cô gái đáng mê nhất, quên biến rằng Mẫn sẽ phải làm bí thư chi bộ, đứng đầu mấy ngàn bà con chọi sức với Mỹ trên mảnh đất vành đai. Trong lúc này… Mẫn chưa thể làm vợ, làm mẹ. Mẫn yêu tôi mà vẫn thấy cái Chu Lai lù lù trước mặt. Tôi không tỉnh được thế. Tôi say Mẫn nhưng chưa thật hiểu và thương Mẫn. Khi bị lảng, tôi chỉ đoán Mẫn đo nước mắm, ngắm dưa hành trong tình cảm, chẳng nghĩ rằng Mẫn chịu hi sinh vì những gì ngàn lần lớn hơn hạnh phúc riêng. Tôi còn vì tôi mà yêu Mẫn. Và Mẫn rất nhạy sắc đã cảm thấy điều ấy từ rất sớm. Mẫn bước lùi, nén mình, giả đò ngó ngơ…
Một đèn dù bật xa, những mảng sáng và tối chạy lừ lừ trên mặt chị Tám, từ cằm đến tóc. Mắt chị long lanh. Có lẽ chị nói với mình, rất nhẹ:
- Con gái bây giờ vậy đó. Các anh đổ xương máu đánh giặc, chịu cực trăm bề, không yêu các anh thì yêu ai nữa, chị em còn lo con trai đi hết, mình bị ế chồng, về già không được chút con, đủ thứ. Có điều trăm mối tơ xe vò một sợi, gì thì gì chị em cũng phải gánh việc nước cái đã. Thêm tay phụ với các anh dẹp cho hết Mỹ, kiếm chút độc lập cho bà già đỡ khổ, con nít đỡ chết, phần mình quá lứa nhỡ thì một chút có sao đâu. Bụng nghĩ vậy mà cứ sợ các anh chê thiếu tình cảm, khô, trông lên… Mẫn nó biết anh bực, nó bồn chồn hoài, hôm qua nó khóc với tôi: “Thôi, ảnh giận trước khỏi giận sau, em gần ảnh miết thì… chắc ảnh biểu sao em làm vậy, em thương ảnh quá rồi. Làm sao bây giờ chị ơi. Ảnh nói vậy đó, mà không nói em cũng biết tánh ảnh, làm gì cũng ào ào tới tới, tận bờ sát góc. Hễ em… em chưa chịu cưới, ảnh lại giận nữa. Mỹ tới sát bên hông, chú Luân cứ sưng khớp hoài, chi uỷ hết người, em vướng chồng con bỏ việc cho ai…” Tôi hỏi: “Vậy em cắt nghiến hết à?”. Nó hoảng, nói: “Không, không, cắt sao nổi, đợi ảnh đi rồi em viết thơ xin lỗi, rồi em ở vậy đợi miết. Vài ba năm, sáu bảy năm, tới hồi thơ thới một chút, hễ ảnh không chê em nghèo em dốt thì em lấy ảnh, hễ nửa chừng ảnh ưng người khác cũng quyền ảnh tự do, chẳng ngại gì hết. Ảnh gan lắm, khí khái lắm chị à, hẹn một câu thì sống chết không đổi không dời. Em chẳng muốn ảnh hứa đâu chị, lỡ sau này em què cụt hay hết đường con cái, làm khổ ảnh cả đời…”
Tôi không nhịn được nữa, bật kêu:
- Tầm bậy! Một mình Mẫn biết nghĩ thôi à? Tôi là cục đất à?
- Ai muốn mua thêm đường mà đi cho mệt, trăm tội trút trên đầu thằng Mỹ chớ trút đâu. Anh tính với nó sao thì tính tuỳ lòng. Chuyện này bàn góp khó lắm. Thuyền chài lơ lửng, tới thuyền câu cũng lơ lửng giữa dòng...
Nãy giờ tôi quên mất chị Tám Giàu, chỉ nhớ đang nói chuyện với một cán bộ đứng tuổi. Mười một năm, hai lá thư, một tấm ảnh nhỏ bị hoen dọc đường, tôi mới biết có vậy.
Sau một lát, tôi hỏi khẽ:
- Chị mấy cháu rồi?
- Nó đánh quá... truỵ thai.
Một chiếc thuyền khác xuôi gần bờ bên này, chim đánh rộn. Chúng tôi lặng im nhìn mảnh buồm trôi trên trời, tắt và bật từng chấm sao. Rồi lặng im mãi đến khi anh S.14 kêu ba tiếng cú báo hiệu, dắt lên một người mặc quần đùi ướt sũng: cậu em đã lặn và bơi gần hai cây số dưới đèn pha pháo sáng để đến với chúng tôi, sau đó sẽ bơi trở về chỗ cồn cát neo bầy hải thuyền, bò vào chỗ ngủ.

*
* *

Út Liềm đạp xe xuống gặp chị Tám trong ấp, đưa mấy tin mới. Nguỵ càn vào Nhơn Phước, khi băng đồng qua Nhơn Ái bị ta xả súng bắn giữa bãi chông, mang về non hai chục khiêng. Trận này Năm Ri cầm quân. Đợt tám xã nhập thị vừa rồi cũng khá, chỉ một cánh bị chặn còn vô được hết. Mẫn xuống Nhị Lộc thay Năm Tuất, chỉ huy phá dứt điểm hai ấp vùng cát, nâng mức làm chủ mỗi ngày lên từ ba giờ chiều đến chín giờ sáng, tiến tới giáp vòng cái mặt đồng hồ. Mẫn nhờ chị Tám cho người đi đêm lên Lộc Chánh lấy cái ống dòm của H.68 gửi cho anh Thiêm, chứ Út Liềm mang xuống dễ bị soát. Vòng vo gớm chưa, cô em không nhắn tôi về lấy cho gọn! Lần này tôi chỉ buồn cười.
Đêm sau ngớt việc, chị Tám và tôi lên Lộc Chánh.
Lửa đốt rào ấp mấy năm truớc bốc cao như dãy tháp bơm dầu bị cháy, từ biển khơi nhìn vào cũng thấy, nay chỉ còn phần phật ngang đầu người: tre và dương liễu trong các làng gần sạch rồi, chỉ còn cọc sắt với kẽm gai. Tụi nguỵ đóng ở đây bị Mỹ nống sau lưng, ta chặn trước mặt, thêm đất nổ dưới chân hoài, đêm đến kéo đi ngủ lang thang trên các gò cát vắng, mặt trời lên cao mới dám vào ấp. Thằng Chinh con hậm hực thúc đám dân vệ đi nhổ chông, xăm hầm, lần nào cũng trúng mìn gài, chúng co lại đợi máy rà mìn hay xe ủi đất. Quân của hắn thấm vào cát, vài ngày lại một tên biến mất. Ta chưa đủ sức đẩy địch ra ngoài hẳn, chỉ «thêm xôi bớt đậu» ở Nhị Lộc.
Tôi đợi chỗ hộp thư ngoài ấp. Cái bè cỏ gấu đã đưa Mẫn với tôi đi chơi trên biển cát ngập trăng, lao xao những ngấn sóng lưỡi búa, trong đêm tối trời này biến thành tấm thảm nhám dệt bằng xơ dừa. Tôi nằm ngửa xem sao, nhớ một truỵên cổ Bắc Âu, thấy mình đang dạo Ngân Hà trên tấm thảm bay... Pháo Chu Lai đánh thức tôi dậy. Gần thằng Mỹ, giấc mơ chỉ đếm bằng phút thôi.
Dứt đợt pháo hơn bốn chục trái bủa vòng quanh ấp, chị Tám dắt ra giao cho tôi một cô xã độ trưởng khiếp hồn như cáy vào hang cua, mất tinh thần chẳng phải vì địch. Mẫn ấp úng nói gì đấy, mở vội bao lưng lấy cái ống dòm đựng trong hộp da đưa cho tôi, khi quay lại chị Tám đã bốc hơi đâu mất. Cũng như lần trước, chị vắng mặt đúng lúc. Tôi đón cái hộp, đón luôn hai bàn tay lẩy bẩy của Mẫn. Từ đó trở đi tôi không nhớ mấy. Chũng tôi nói với nhau một câu chuyện sóng gió, rối tinh, có lẽ dài, từ tiếng đàn bầu cho đến tiếng thuốc nổ đều có đủ. Đến đâu nửa chừng, tôi hôn Mẫn thất kinh. Em có thật đây mà. Em của anh không còn là cầu vồng năm sắc lùi mãi xa người. Má em thơm mùi gì nhỉ, mùi mít chín. Em cười thổn thức rất ấm bên tai anh. Con chim xinh mà anh không dám đến gần sợ bay đi đã vào tay anh rồi nhé, em đậu trên vai anh mà đi cùng trời cuối đất nhé.
Tôi nghe tiếng Mẫn, loáng thoáng nhận ra những là địa đạo, lỗi tại em, chè vườn, ông thầy Mười, mấy đêm em không ngủ được, lại địa đạo nữa, Út Hoà, anh cười đi em mới tin, cười đi. Tôi cười, chẳng hiểu gì cả. Giọng người yêu là nhạc không lời, từng đoạn có những nốt rơi khía vào tim, tôi thương buốt đi vài giây. Một lúc chúng tôi ngẩn đi, nhìn nhau, cùng bật cười, lạ nhỉ, sao lại cãi nhau được nhỉ. Dạo ấy chúng tôi trẻ con, nay là người lớn, hay ngược lại chẳng biết. Tôi đòi Mẫn hôn. Mẫn chỉ áp hai bàn tay nâng mặt tôi, soi đôi mắt đen trong mắt tôi thật gần, thật lâu đến nỗi tôi tỉnh ra hẳn. Nhiều lần tôi thấy Mẫn với cháu Hoàn nựng nhau như thế. Có lẽ Mẫn đã ngắm mẹ và các em như thế. Anh đọc ra rồi, em ơi. Tình yêu của em lớn quá đến nỗi em phát sợ, bởi em dồn hết cho em cả phần thương mẹ, thương con nuôi, thương cha bị đày vắng tin, em nối vào cho anh tất cả những sợi dây máu của tim em, nhiều lần bị giặc cứa ngang, vẫn nhỏ giọt chưa cầm. Anh đã làm gì mà được đón nguyên vẹn cả một thế giới yêu thương như thế trong tay?
Chị Tám đến, vẫn nhớ gõ ba tiếng tín hiệu bằng cái nắp bật lửa để chúng tôi kịp giải tán. Mẫn chỉ cười. Mẫn đợi chị tới gần, kéo chị ngồi xuống, nói dịu dàng:
- Em vui lắm. Chị ngồi với em một chút.
Mẫn nắm tay chị, cứ ngả đầu trên vai tôi, không ngượng - lại một sự lạ nữa, không biết đến khi nào tôi mới hết ngạc nhiên về Mẫn - và ba chúng tôi lặng im dưới một trời sao vui, ngắm những đống lửa đốt rào ấy lụi dần ngoài xa. Tôi muốn có anh Ba Tơ ở đây quá. Có lẽ Mẫn và tôi bưng hạnh phúc mới như đỡ một trái mít mật thơm lựng, muốn bổ ngay cho những người thân ăn chung mấy múi.
Lát sau, tôi trở về cái chuồng chim trong ấp chiến lược, ở với lũ chuột và cô rắn rồng. Cái ống dòm trong hộp da áp vào hông tôi nóng hổi, Mẫn mang nó trong bao lưng suốt mấy ngày hôm nay. Chân tôi đi không chạm đất. Nếu tôi nhảy một cái, chắc sẽ vút lên cao năm sáu thước, như người trên cung trăng ấy mà.


Chú thích:
(1)Công binh của hải quân Mỹ
(2)Tiếng lóng gọi xe lội nước
(3).Thủ pháo và gói bộc phá.
(4)Đồng bào Tây Nguyên thường cắm lá xanh trước cổng làng hoặc trước nhà để báo đang « cữ », cấm người ngoài đi vào.
(5) Cần người giúp
(6)Người đánh máy chữ.
(7) Không (biết) tiếng Anh. Không… Không (có) Việt cộng.
(8) V.C tức Việt cộng (theo lối đánh vần của lính thông tin Mỹ)
(9)Ăn nhé.
(10) Ngủ nhé.
(11) Xuồng máy nhẹ, chạy nhanh.
Mẫn và tôi
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25