Hai cha con
Tác giả: Phương Hà, Vĩnh Hồ
Truyện ngắn Pháp.
Pierrot biệt hiệu "Thộn" ngồi tù lần này là lần thứ tư kể từ khi ra chào đời. Cũng như ba lần trước, lần này bản án lại xác nhận biệt hiệu của gã rất hợp với con người gã: gã thộn tới mức liên tiếp nhiều lần định vượt ngục bằng những thủ đoạn không giống ai sau khi giở trò chôm chỉa cũng chẳng giống ai. Như lần mới đây chẳng hạn: gã lẻn vào ngôi nhà vắng chủ, cầm dao định... nậy cửa két sắt của người ta. Hì hục mãi không bật được cửa, gã ném chiếc két xuống thang gác, tưởng sẽ làm nó vỡ tung. Thấy nó vẫn gan lỳ, gã ôm lên ném qua cửa sổ. Két vẫn trơ trơ. Tức điên lên, Pierrot chôm luôn một chiếc xe tải nhẹ chở chiếc két sắt ma quái về nhà gã. Trong nhà có sẵn đồ nghề: xà beng, búa tạ và nhiều thứ khác... nên sau một hồi loay hoay toát mồ hôi hột, Pierrot buộc được chiếc két ngoan cố phải phơi bày hết kho tàng trong lòng nó: vừa đúng 25 frans. Một thành quả thảm hại!
Càng thảm hại hơn bội phần vì nó khoác lên cổ gã cái án 5 năm tù, để lại ngoài đời cô vợ trẻ với đứa con thơ. Kể ra thì cũng đáng đời, vì Pierrot tái phạm nhiều lần rồi. Bà con xóm giềng thấy gã bị còng tay lần thứ tư đều thở phào nhẹ nhõm: ít ra họ cũng khỏi lo bị khua khoắng các đồ vặt vãnh trong 5 năm gã ngồi đếm lịch. Mà gã có phải con nhà cầu bơ cầu bất hoặc thất cơ lỡ vận gì cho cam! Bố là lính sen đầm rất oai vệ trong bộ quân phục bảnh bao, mồm hét ra lửa đe nẹt dân bất lương, chỉ phải mỗi tội: hết phiên trực tại đồn lại la cà hết quán rượu này đến hộp đêm kia, chẳng lo dạy dỗ gì thằng nhỏ thành ra mới mười lăm tuổi nó đã nuôi miệng bằng bánh mỳ của nhà trừng giới, và lúc này đang lao động cải tạo trong một nhà tù tỉnh lẻ, bằng việc nhồi rơm vào nệm ghế với số tiền công 80 xu một nệm. Năm nay vừa đến tuổi "tam thập nhi lập" gã bắt đầu biết suy nghĩ: bạn bè đều có nghề có nghiệp, cuộc sống ít nhiều ổn định, con cái đàng hoàng. Cả xóm chỉ có một mình gã chưa đâu vào đâu. Lần đầu tiên trong đời Pierrot mới nhận ra rằng: sống lương thiện được nhiều mất ít, sự kính trọng của mọi người đáng quý hơn sự tha thứ. Một bữa cuối năm 1955, Pierrot nằng nặc xin gặp quan tòa. Gã nói với quản ngục:
- Thả tôi ra, tôi có công chuyện cực kỳ hệ trọng phải hoàn tất. Nếu tự do là cái đúng như các vị đại diện pháp luật vẫn giải thích thì ông không có quyền từ chối. Thả ra?
Đúng là lời lẽ gã Thộn. Làm gì có chuyện ra khỏi nhà tù dễ dàng như vậy, nhất là khi mới đếm hết một năm cuốn lịch phải đếm. Chưa đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách tù nhân thuộc diện xét cho ân xá nữa là!
Mà việc gặp quan tòa đâu có dễ, phải có lý do cực kỳ chính đáng, cực kỳ khẩn thiết, tuyệt đối bất khả kháng mới được xét. Pierrot thấy mình có một lý do đủ tiêu chuẩn: gã vừa sực nhớ tới thằng con.
- Tôi có đứa con trai. Bổn phận tôi phải chăm lo cho nó. Việc này không quan trọng sao?
Ông quản ngục có dám cho rằng chăm lo dạy dỗ con cái là không quan trọng không?
- Quan trọng, quan trọng, tối ư quan trọng, biết rồi, khổ lắm. Thằng con chú mày được sáu tháng rồi, phải không? Đáng nhẽ chú mày phải hiểu được điều này từ lâu. Và chịu thương chịu khó làm ăn thay vì ôm két sắt nhà người ta ném qua cửa sổ hòng cuỗm tiền bên trong. Vả lại, chú mày chỉ là bố nó thôi, thằng nhóc còn có mẹ nữa chứ. Mẹ nó chăm sóc con nhất định hơn hẳn chú mày. Chui đầu vào tù rồi, đâu còn xứng đáng mang danh hiệu làm bố! Thôi, nghỉ khỏe, để mẹ nó lo.
Khốn nỗi thằng bé nhà Pierrot tuy có mẹ nhưng là cách đây mấy tháng. Mới bữa vừa qua, gã vừa nhận tin từ con đường chính thức gửi tới tận xà lim. Từ khi vào tù đến giờ gã có lần nào nhận được thư của ai, vậy mà bữa qua lại được trao tờ giấy in tiêu đề cơ quan chính quyền, chi chít những dấu mộc, lời lẽ cộc lốc và hách dịch: "Gửi đương sự Jean X... Báo để đương sự biết: Cô X... người vẫn chung sống ngoài hôn thú với đương sự, người đã nhận là mẹ đứa trẻ do thụ thai với đương sự đã từ bỏ vĩnh viễn quyền làm mẹ thông qua việc cô giao con đương sự cho cơ quan Cứu trợ xã hội. Đứa con trai mang tên Jean, hai tháng tuổi. Xét hoàn cảnh hiện tại, đương sự không có khả năng đảm đương nuôi dạy đứa trẻ vừa nêu, ban giám đốc cơ quan Cứu trợ xã hội đã giao thằng nhỏ cho những người nhận về làm con nuôi. Sinh hoạt phí của nó sẽ do các tổ chức từ thiện chi trả một phần, một phần do đương sự lo liệu tùy khả năng ban quản lao ấn định. Ký tên: Không rõ". Từ sau khi đọc thư, Pierrot không ngớt la to:
- Cho tôi gặp quan tòa, phải thả tôi ra... thằng nhóc nhà tôi gặp khó khăn.
La tới mức quản lao chịu không thấy, phải mách nước hòng xoa dịu:
- Làm đơn xin cấp trên, ban quản lao sẽ chuyển cho.
Thấy đây là một lối thoát, Thộn nghuệch ngoạc viết tờ đơn kể lể tình đầu thảm thiết nói lên nỗi lo về số phận người kế nghiệp vừa tròn sáu tháng tuổi. Mảnh giấy hồi âm viết: "Khỏi lo vô ích. Con đương sự đang ở trong tay những người rất tốt, nó sẽ được nuôi dạy chu đáo. Nếu đương sự lo lắng về mức sống của nó, ngoài giờ làm trong xưởng, hãy nhồm rơm đệm ghế thêm nhiều nữa để tăng tiền gửi nuôi dưỡng con. Chúng tôi có thể giúp đương sự chừng đó là tối đa". Pierrot bắt đầu nhồi đệm cật lực. Tiền công mỗi ghế được 80 xu, tiền ăn phải phụ thêm cho con mỗi tháng 120 frans, vị chi phải làm ngoài giờ 150 ghế. Buổi trưa, buổi tối, sáng tinh mơ, trong lúc các tù nhân ngủ, chơi bài, đi dạo quanh sân... các giám thị đều thấy Pierrot ngồi tựa lưng vào tường xà lim với đống rơm và xấp vỏ đệm, luôn tay nhồi nhồi, khâu khâu. Khi thằng nhỏ lên hai, Thộn đã nhồi được 4700 ghế, được trả công xấp xỉ 4000 frăng. Vậy là gã một mình cáng đáng toàn bộ tiền ăn của thằng con. Nhưng Thộn chưa cho thế là đã làm tròn bổn phận. Gã nói:
- Phải thả tôi ra. Năm nay thằng nhỏ đã lên hai, cần có bố. Tuổi đó là tuổi đứa con rất cần bố. Nó đang học nói, ai dạy nó nói? Nếu không phải là tôi! Tôi không dạy, sau này hai bố con làm sao hiểu được nhau? Tôi là bố nó.
Pierrot được trả lời:
-Yên chí. Nó đã có bố khác rồi, không phải thứ bố tạm thời, chốc lát như cậu. Họ sẽ chính thức nhận nó làm con, nếu cậu chịu cải tạo tốt. Như vậy thằng nhóc sẽ có cuộc sống bình thường nhưng những đứa trẻ khác, khỏi vướng mặc cảm là con một kẻ ở tù vì chôm chỉa.
Pierrot không chịu, nắm tay đập cửa ầm ầm, đòi được gặp nhà chức trách có thẩm quyền, gặp cha tuyên úy trại giam... kiên trì cuộc đấu tranh giành quyền làm cha, cuối cùng, quản lao đành phải cho Thộn gặp quan tòa chịu trách nhiệm thi hành án. Vị này chính là vị quan tòa "của" Pierrot. Vị đã nhẵn mặt Thộn. Lần nào bị điệu ra hầu tòa gã cũng chạm trán ông ta. Và lần nào cũng nghe ông mắng, nửa mắng nửa dạy bảo:
- Pierrot, càng ngày anh càng trượt dài. Phải dừng lại chứ! Anh không phải là người bất trị, không phạm trọng tội, hãy thử tu tỉnh một phen, cố trở thành người ra người coi thử. Nhất định được, cố lên!
Vị quan tòa này rất nhân hậu. Là một trong số không nhiều những người tin chắc vào khả năng cải tạo những kẻ phạm tội với xã hội. Một trong những quan tòa bao giờ cũng giải thích, khuyên răn trước khi lên án, cho dù việc làm đó thường không có tác dụng trong hai trên ba trường hợp, thậm chí chín trong mười trường hợp. Trước mặt vị quan tòa tốt bụng, Pierrot lại mở chiếc đĩa hát cũ:
- Tôi muốn ra khỏi đây, thưa ông. Vì thằng con tôi. Lúc này nó đang rất cần bố. Xin ông thả tôi ra. Xin thề thật độc là sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
- Pierrot, anh còn những ba năm nữa. Không thể cho anh ra. Vả lại, ai dám tin lời anh, trước sau gì anh cũng đào tường khoét gạch nhà thiên hạ, không thì lần lưng móc túi người ta. Anh sinh ra không phải để làm bố. Muộn quá rồi, Pierrot. Muộn quá. Tôi đã mấy lần báo động cho anh biết anh đang xuống dốc đấy, nhưng anh đều bỏ ngoài tai. "Thật bất công hết mức", Pierrot nghĩ bụng rồi nói:
- Các vị giảng giải đến nhàm cả hai lỗ tai tôi về công lý suốt bao năm nay. Bây giờ, xin hãy để tôi nói ngài hay cái công lý của ngài đang sắp làm nên trò trống gì. Nó sẽ biết thằng nhóc nhà tôi thành một thằng thộn như tôi. Ngài có biết tại sao tôi dám nói chắc như vậy không? Vì khi tôi bằng tuổi nó bây giờ thì bố tôi qua đời, mộ ông chưa xanh cỏ thì bà mẹ quý mến của tôi đã vội vã khăn gói ra đi theo tiếng gọi của một người đàn ông. Pierrot này bị gửi vào nhà tế bần ở thôn quê, và mới lên năm đã biết giở trò mất dạy. Lên bảy đã biết lấy trộm áo của nhà chủ, lên mười đã biết móc bóp của cô nuôi dạy trẻ lấy tiền đi chơi hội chợ, mười hai tuổi ăn cắp xe đạp, mười ba vào trại cải huấn, mười lăm đi cải tạo, mười bảy vào tù. Sau đó cứ đà ấy tiếp tục dài dài... Thằng con tôi sẽ lặp lại y hệt bố nó nếu không ai đưa nó thoát ra khỏi cái vòng ma quỷ ấy. Ai sẽ đưa nó ra, nếu không phải là tôi? Tôi sẽ lấy lại thăng bằng cho cái cân không cho nó lệch. Phải thả tôi ra!
Quan tòa rất đỗi phân vân:
- Anh biết con anh như thế nào không?
- Tôi có tấm hình đây.
- Chưa gặp mặt, anh có yêu nó không?
- Vì con, tôi quên ăn quên ngủ, nhồi ghế cả ngày lẫn đêm. Tôi sẽ làm tất cả vì con, tất cả mong sao con không trở thành như bố nó.
- Nếu được tha, anh sẽ tiếp tục phấn đấu hết mình vì con chứ?
- Xin thả tôi ra, chỉ như vậy tôi mới có cơ may.
- Chịu khó đợi ít lâu, rồi sẽ được tha.
- Đợi tới ngày đó thì muộn mất. Ngay từ hôm nay nó phải biết gọi tôi bằng bố, tôi phải có mặt để hỉ mũi cho nó hoặc đá đít nó khi cần. Dạy cho nó biết cách sống với người thương yêu nó, thuộc về nó, nó có thể đòi, có thể hiểu mọi thứ, mọi điều... Tôi van ông, hãy cho tôi ra...
Luật sư của Pierrot, ông chủ tịch đoàn luật sư, các bạn tù đều đồng thanh:
- Nên thả anh ta ra. Bằng cách nào đây? Có lẽ phải gộp án này vào án trước, coi vụ két sắt có 25 frans bên trong cũng nằm trong vụ đó luôn, coi vụ vượt ngục không nghiêm trọng như đã kết luật trước đây, cân nhắc kỹ mọi khả năng giảm tội và phải nghĩ thêm những mẹo khác nữa dù có nguy cơ phải gánh chịu nhiều nguy hiểm có thể trút lên vai những người chịu trách nhiệm thi hành án.
Pierrot có may mắn gặp được vị quan tòa rất tốt bụng. Xưa nay ông vẫn tốt bụng với những kẻ trót phạm lỗi lầm. Thấy Pierrot lần đầu tiên tỏ ra thộn một cách khôn ngoan, ông nói:
- Để thử anh xem sao.
Và nhìn Pierrot đang chảy nước mắt vui mừng. Vị quan tòa mang hết tài năng, kinh nghiệm cùng với tấm lòng nhân hậu của mình để xóa tội cho Pierrot.
Ít bữa sau đó Thộn ra khỏi trại giam. Việc đầu tiên là phải tìm cách làm quen với thằng con. Thằng nhỏ vừa thấy cái ông nó chưa gặp hồi nào, mang đầu tóc bù xù, bộ râu gớm chết, nước da xám ngoét, cúi xuống định ôm nó vào lòng thì khóc thét lên, bỏ chạy một mạch không quay lại. Pierrot rất thông cảm, bảo bà nuôi trẻ:
- Nhờ bà nuôi cháu giúp tôi ít bữa nữa. Và nói về tôi cho nó hiểu. Tôi phải đi kiếm tiền nuôi con và nuôi thân. Không lâu đâu. Giờ đây tôi đã đủ can đảm rồi, không sợ khó sợ khổ như trước nữa. Chỉ nhờ bà luôn luôn nói với cháu về bố cho nó quen dần, nói tôi sắp trở về và sẽ ở bên nó mãi. Nếu nó quậy phá, bà hãy nhắc đến tôi và răn dạy cháu... luôn luôn nói về tôi. Tôi sẽ nhanh chóng trở về...
Nhưng con đường hoàn lương đâu có xuôi chèo mát mái như Pierrot tưởng, nó đòi hỏi rất nhiều ý chí, nghị lực. Tình thương con, quyết tâm làm lại cuộc đời để nuôi dạy con đã giúp Pierrot vượt qua mọi trở ngại. Không một xu dính túi, ngay đêm đầu được tự do anh không kiếm đâu ra chỗ ngả lưng, cuối cùng phải trở lại trại giam xin tá túc qua đêm đông tuyết phủ. Trại không nhận, anh phải trà trộn với đám người cầu bơ cầu bất, hòng kiếm chút hơi ấm mong manh từ họ truyền sang. Từ bữa sau, anh đi lượm ve chai ngửa tay xin việc khắp hang cùng ngõ hẻm nhưng chẳng ai dám thu nạp con người có lý lịch tư pháp ghi lắm án tù như anh. Biết thân biết phận, Pierrot không nề hà bất cứ việc gì: kéo bễ lò rèn, lượm giấy lộn cho Đội quân Cứu nạn, bốc dỡ xe tải, chùi rửa bàn cầu, quét đường, gác kho, ban ngày đi bán dạo vài thứ đồ lặt vặt, đêm ngủ vạ vật dưới gầm cầu, thỉnh thoảng may mắn dành được một chỗ trong dạ lữ viện. Và tháng tháng vẫn trả đủ 120 frans tiền ăn của con.
Sông có khúc, người có lúc, hết cơn bĩ cực ắt tới ngày cam lai. Mãi cũng tới ngày Pierrot kiếm được chân nhân viên giao hàng cho một cửa hiệu có ông chủ thương người. Anh được cấp phiếu chấm công, có tiền thuê căn phòng nhỏ, và dám tậu cả một... chiếc quần mới cứng. Bữa đó, Thộn đóng bộ đàng hoàng chễm chệ ngồi tàu hỏa đi đón con, đưa nó tới khoe quan tòa, vị quan tòa tốt bụng "của mình". Đứng trước quan tòa, Thộn ngẩng cao đầu nói dõng dạc:
- Xin ông nhìn kỹ thằng nhỏ này. Đây là con trai Thộn, tên Jean, ba tuổi. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nó tới trình diện ông trong tư cách ông là một quan tòa. Thộn này dám cam đoan như vậy. Cho tới nay, tin cho biết: Pierrot tức Thộn đã giữ đúng lời hứa. Anh nuôi dạy thằng con trở thành một công dân lương thiện được bà con lối xóm tin yêu.