Chương 1
Tác giả: Phương Hồng Thủy
Dăm bảy cô bé vây quanh hai nhân vật chính. Đó là Diệp Trúc và Thùy Linh. Đôi bạn này thân nhất lớp, có nhiều sở thích giống nhau. Chẳng hạn như cùng mặc áo dài phi bóng, cùng cắt tóc kiểu con trai và tay trái của mỗi đứa đều đeo một chiếc vòng bạc trên đó lủng lẳng cái chuông nhỏ xíu. Đó là đôi vòng duy nhất ở hội chợ triển lãm năm ngoái mà cả hai may mắn mua được.
Sở thích sơ sơ là vậy tuy nhiên về sắc vóc thì Diệp Trúc có phần trội hơn Thùy Linh với chiều cao, đôi mắt to tròn đẹp láy. Và hai cánh môi cong cong ...lúc vui vẻ thì hồn nhiên lí lắc còn khi gặp chuyện bực mình tức giận thì ...khỏi chê !
Thùy Linh có đôi mắt mí lót, môi tròn, sống mũi suông. Cái vẻ nhu mì có phần hơi rụt rè ấy là lớp vỏ hữu hiệu che giấu sự ''bản lĩnh'' không thua gì nhỏ Diệp Trúc.
Lũ ma nữ hết đứa này đến đứa kia lần lượt đưa từng cọng cỏ cành cây và những chiếc lá bàng để Diệp Trúc và Thùy Linh ráp vào ngôi nhà nhỏ cất bên gốc cây phượng già.
Mỗi đứa một câu, mỗi đứa một lời trầm trồ tạo nên bầu không khí ồn ào háo hức.
– Xong tầng trệt rồi kìa! Thích thật!
– Ừ, Thùy Linh khéo tay thiệt tụi bây. Cánh cửa sổ có rèm nữa chứ.
Thùy Linh dùng lá bàng làm rèm cửa. Cô bé đục thủng ''tấm'' rèm bằng đầu cây viết bíc, Diệp Trúc tập trung cao hơn vào khâu làm trần nhà, cho tầng một rồi lợp mái tầng lầu - cũng bằng những chiếc lá bàng xanh ngắt.
Thùy Linh hỏi Diệp Trúc:
– Theo mày thì nó sẽ đứng vững ở đây được bao lâu vậy?
Diệp Trúc tự tin:
– Ở chỗ này kín gió, nếu không bị ai đó phá đi thì nó phải đứng vững hơn nữa tháng?
Một cô bé reo lên:
– Tuyệt quá !
Thùy Linh cười thích thú:
– Nhưng chừng đó để tụi mình phải lợp lại cho nó cái mái mới!
– Sao vậy?
– Tụi mình bây giờ đang lợp nó cẩn thận rồi mà !
Cả đám nhao nhao.
Diệp Trúc gân cổ để át tiếng của cả bọn:
– Sao mà tụi mày chậm tiêu quá vậy? nhìn mấy cái lá bàng đi, chỉ hai ngày là khô queo. Cái nhà này lặp tức thành khách sạn ngàn sao ngay!
Cả bọn phá lên cười.
Chợt ...bum! soạt!
– Ối !?
Diệp Trúc chớp chớp hai rèm mi. cô bé bàng hoàng. Ngôi nhà gần hoàn thành đã bị sập hoàn toàn. Nhỏ Trân Trân ôm trán. Trái bóng văng ra bên ngoài hàng rào ma nữ và đang tiếp tục lăn theo chân một thằng nhóc. Chừng như nó không hề bận tâm xem chuyện gì vừa xảy ra và đang dẫn bóng về khoảng sân cát bên trường học.
Thùy Linh nghiến răng:
– Lại là thằng quỉ đó ! Nó làm hư hết trơn rồi !
Diệp Trúc ném mạnh cành cây đang cầm, cô bé giận đến mức phát run:
– Phải cho nó một trận mới được. Tụi mày thấy thế nào? Nhất trí không?
Mấy cặp mắt thoáng e dè rồi nhỏ Hương nói:
– Đánh nó không khó khăn gì. Nhưng ... tao thấy không ổn lắm!
– Sao lại không ổn? - Thùy Linh bực bội.
– Vì đúng ra thì tụi mình không biết chính xác có phải thằng quỉ đó là thủ phạm hay không mà. Thiếu bằng chứng mà ra tay với nó, nếu giám thị với tụi cờ đỏ bắt được thì tụi mình gay go!
Diệp Trúc bần thần. Cô bé biết chắc chắn là thằng quỉ đáng ghét đó. Nó nổi tiếng là nghịch ngợm ở khối lớp 9. nhưng nhỏ Hương nói cũng có lý. Nếu bị thầy giám thị hoặc mấy đứa trực đội cờ đỏ bắt được thì phiền.
Diệp Trúc hậm hực:
– Mai mốt tụi mình hãy chú ý nhiều hơn đi. Chỉ cần phát hiện rõ ràng một lần là yên tâm xử nó rồi.
Thùy Linh thở dài:
– Uổng công trình của tụi mình quá !
– Thì đành chịu thôi. Mai mốt rảnh mình làm lại cái khác đẹp hơn. Giờ về lớp thôi, cũng sắp vô tiết cuối rồi kìa!
Đám con gái lục tục kéo đi. Không còn vui vẻ ồn ào như lúc nãy. Nhất là Diệp Trúc và Thùy Linh thì im ru. Lũ bạn biết hai thủ lĩnh của mình đang suy nghĩ tìm cách phá hại thằng tiểu quỉ ở khối 9. đứa nào cũng biết thằng đó nổi tiếng là phá phách. Có khi chính nó đã vô ý phá hỏng cái nhà chòi của nhóm.
Diệp Trúc! .... Trong đầu của các cô bé nữ sinh là hàng lô ý nghĩ lộn xộn, đan chéo vào nhau!
Nói thì nói vậy chứ ở cái tuổi học trò, còn lắm chuyện để rù rì với nhau. Đến giờ sinh hoạt dưới cờ thì nhóm Diệp Trúc đã tạm quên chuyện buồn lúc nãy và tranh thủ bàn tính chuyện đi câu cá chiều mai.
Nhà nội của Thùy Linh ở ngoại thành, có kênh mương, vườn rẫy. Nghe nói mùa này nước luôn đầy và rất nhiều cá rô và cá sặc, tha hồ mà câu. Cả nhóm thỏa thuận với nhau sáng sớm mai sẽ đạp xe đạp đến nhà nội Thùy Linh.
Chợt Diệp Trúc la lên nho nhỏ:
– Tụi mày coi kìa!
– Hả? Cái gì?
– Coi cái gì?
Diệp Trúc trở về phía thềm văn phòng. Vị trí ấy xem như khán đài cho những buổi sinh hoạt cùng lễ lạt của trường.
– Thằng nhỏ đó ...cũng được thưởng kìa !
Mãi lo rù rù nói chuyện nên mấy cô nàng không nghe thầy hiệu phó đọc danh sách các học sinh dẫn đầu phong trào thi đua của tuần. Nhìn lên thấy sáu nhân vật ưu tú đang hớn hở ôm những gói giấy bóng kính sặc sỡ to đùng!
Diệp Trúc rên:
– Ôi trời! Không thể tưởng tượng được. Nó mà đứng đầu thi đua tuần à?
Thùy Linh sửa lại:
– Nó là một trong những đứa đạt thi đua tốt thôi!
– Phá phách như nó mà được thưởng thì không thể chấp nhận được!?
Thùy Linh kêu lên:
– Chứ mày bảo phải làm sao? Thầy cô chỉ dựa vô kết quả học tập và nhận xét tiết học A – B của giáo viên bộ môn. Còn chuyện nó phá phách, đương nhiên nó cáo già, thầy cô nào mà biết được.
Diệp Trúc hứ một tiếng:
– Dù sao tao cũng tức lắm.
Thùy Linh phẩy tay:
– Tao thấy mày nên tìm cách phục thù tốt hơn là ở đó mà tức tối. Cũng có gì to tát đâu. Chỉ hai ba gói kẹo thôi mà.
Diệp Trúc trợn mắt:
– Mày khoan dung nó từ bao giờ vậy? cái bản mặt thằng đó thì một viên kẹo cũng không xứng đáng đâu.
Thùy Linh bình tĩnh:
– Tao không hề khoan dung! Chẳng qua tao thấy vấn đề đó không quan trọng lắm. Chả phải bây giờ mục tiêu của tụi mình là phục thù à? Mày nghĩ ra cách chưa?
– Rồi!
Thùy Linh háo hức:
Diệp Trúc ra hiệu cho cả nhóm chụm lại gần hơn.
– Tạm thời, Diệp Trúc nói - tao thấy biện pháp hay nhất là xì bánh xe của nó!
Ý kiến hay! Cả bọn đồng tình. Nhưng ngay lúc này chưa biết xe thằng quỉ nhỏ là chiếc nào nên chưa thể hành động. Phải nhận dạng mục tiêu trước đã !
Cuộc thảo luận chớp nhoáng và kế hoạch cũng được thông qua chớp nhoáng, nhóm Diệp Trúc bắt đầu theo dõi thằng quỉ nhỏ đáng ghét đó. Cũng chẳng khó khăn gì. Đó là chiếc xe đạp kiểu leo núi với tay cầm ngang và vè sau vểnh lên thật ngứa mắt. Đã vậy chủ nhân nó vênh váo trên mình nó và lạng qua lách lại thì càng dễ ghét hơn.
Ngay hôm sau bọn Diệp Trúc ra tay. Dĩ nhiên người trực tiếp hành động không ai khác hơn Diệp Trúc. Bởi cô bé là “thủ lĩnh” luôn nhanh nhẩu và dứt khoát. Mấy đứa khác được giao nhiệm vụ canh chừng - báo động. Diệp Trúc vắt mép tà áo dài vào lưng quần, thận trọng leo qua lan can sắt xăm xăm đi về hướng chiếc xe đạp của thằng quỉ nhỏ. Quá dễ dàng! Nhưng nếu để trả thù nó mà chỉ xì ''sút bắp'' thôi thì đơn giản quá !
Diệp Trúc suy nghĩ thật nhanh! Sẵn cây kim tây gài trong xâu chìa khóa, cô bé bật ra đâm mạnh vào vỏ xe. Hơi trong ruột xe xì ra nhanh chóng. Thấy chưa hả, Diệp Trúc đâm thủng luôn vỏ xe còn lại.
Tất cả trót lọt, êm thấm. Bọn Diệp Trúc tan học tranh thủ ra trước, chạy tới gần nhà xe ngóng nhìn vào. Đúng như dự đoán? ''kẻ thù'' mặt mày ỉu xìu. Nó lủi thủi dắt xe ra cổng ...
Bọn Diệp Trúc đập tay vào nhau, đầu khoái trá ! OK, number one. .
Nhưng bí mất theo dõi, Diệp Trúc và Thùy Linh hơi thất vọng vì “kẻ thù”.
chỉ buồn buồn có vài phút. Nó đem xe qua bên kia đường, tới chỗ gốc cây me tay có ông thợ sửa xe đạp. Mươi phút sau xe vá xong, lại lạng lách vòng vèo, vô tư huýt sáo vang trời.
Qua hôm sau, lặp lại nhưng cũng như hôm trước, nó không buồn gì mấy. Coi bộ chẳng ''xi nhế' gì nó. Diệp Trúc quyết định ngưng hành động. Cô bé sợ bị phát hiện. Mặt khóc, muốn có thời gian nghĩ cách khác hạ gục thằng quỉ nhỏ.
Oái oăm thay, khi Diệp Trúc chưa tìm ra cách thì lại xảy ra chuyện tiếp.
Chẳng biết khoái chí cái gì mà lũ con trai rượt đuổi nhau, chân nện huỳnh huỵch trên sân cát bụi bay mù mịt. Rồi khi chạy ngang qua chỗ Diệp Trúc, “kẻ thù”.
của cô bé bị xô té nhào. Nó té đè lên Diệp Trúc. Cô bé đau điếng, hoàn hồn thì nó đã lồm cồm ngồi dậy rồi.
Diệp Trúc hét lên:
– Ê thằng kia! Mày đứng lại đó.
''Kẻ thù'' khựng lại, trố mắt:
– Hả?
Diệp Trúc đứng dậy, hầm hầm:
– Cũng là mày, tao hỏi đây! Tao có thù oán gì với mày mà mày theo phá tao hoài vậy hả?
''Kẻ thù'' ngớ ra một giây rồi trợn mắt:
– Nhỏ này tức cười chưa? Tao phá mày hồi nào?
Diệp Trúc sấn tới:
– Còn nói nữa hả? Mấy bữa trước mày đá cho bóng bay vô làm hư nhà của bọn tao. Còn bây giờ mày ...
– Ê, ê tao té vô mày là xui xẻo thôi nha. Mà ai biểu thấy người ta đang đùng đùng chạy tới mày hổng chịu tránh qua một bên?
Diệp Trúc gân cổ hét to:
– Thằng này! Mày còn trả treo tao hả? Tao ...tao sẽ cho mày biết tay!
Nó vênh mặt:
– Sao? Muốn đánh à? Hễ liệu đánh được tao thì hẳn đánh nghe.
Xem phim thấy ''cú đá ống quyển'' có hiệu quả lắm. Diệp Trúc bèn áp dụng thực tế. Hình như thằng quỉ kia đã đoán biết ý đồ của Diệp Trúc nên né được.
Đá hụt nên Diệp Trúc tức điên? Cô bé lanh trí nhìn xéo bên vai đối phương, vờ nhìn thấy ai đó đang đi tới. Đối phương làm lạ, nhìn theo cô bé. Ô là la! Sập bẫy rồi.
Không chậm trễ, Diệp Trúc vung nắm đấm với tất cả giận dữ căm ghét vào giữa ngực đối phương.
Lần này thằng nhỏ lãnh đạn cú đấm muốn xiểng niểng. Nó trợn mắt toan sừng sộ thì đồng minh của Diệp Trúc kéo đến.
Nó hậm hực:
– Nè, tao nói cho mày biết! Tao không đánh mày không phải vì tao sợ mày đâu.
Thùy Linh đứng kế bên Diệp Trúc, trề môi dài thượt:
– Xời ! Còn bày đặt lối nữa chứ!
Nó thản nhiên:
– Ừ, vậy đó. Dù sao làm con trai cũng phải rộng lượng bỏ qua cho đám con gái tầm thường chứ!
Mấy thằng bạn nó nãy giờ chứng kiến, lúc này mới cười rộ lên:
– Mày xứng đáng là bạn của tụi tao lắm Nguyên à. Còn vụ ''phá nhà'' người tá' mày tính sao?
Nguyên cũng cười mũi, nheo mắt giễu cợt:
– Nè con nhóc, nhà mày ở đâu? Tao đã phá như thế nào mày cứ chỉ cho tao xem. Tao sẽ xây lại nhà mới cho mày. Hì hì!
Buổi chiều hôm đó, Diệp Trúc tan học mang về nhà một bộ mặt ủ ê làm ba mẹ phải chú ý.
Nhất là anh Điền, cha của cô bé là lo nhiều hơn cả. Bởi anh biết cô con gái mình vốn “siêu quậy” từ hồi mới vô mẫu giáo!
– Có chuyện gì mà mặt con khó coi vậy Diệp Trúc?
Diệp Trúc vuốt mặt phồng má :
– Nếu vậy thì ba đừng có nhìn con!
Chị Hương mềm mỏng hơn:
– Ở trường nếu có xảy ra chuyện rắc rối gì thì con hãy nói với mẹ, mẹ sẽ giải quyết cho.
Diệp Trúc tặc lưỡi:
– Mẹ đừng dõng dạc như vậy! ví dụ bài vở thầy cô cho đề khó quá, mẹ bảo mẹ giải quyết cho con thế nào đây?
– . ....!?
Diệp Trúc đi lên phòng và chạm mặt em gái của mình ngay trên đầu cầu thang.
– Chị Hai! - Chi Mai rụt rè - có đứa nào ức hiếp chị phải không?
Diệp Trúc lắc đầu, vuốt tóc em gái:
– Đứa nào mà dám ức hiếp chị chứ?
– Sao em thấy chị buồn buồn? - Chi Mai thắc mắc.
– Nhỏ này bày đặt học tánh tò mò thắc mắc từ bao giờ vậy? Lo học hành cho tốt đi!
Diệp Trúc vào phòng nằm vật xuống giường. Cô bé ấm ức lắm. Cô vắt óc tìm cách phục thù. Lúc chiều cô bé đã muốn tán ''bốp'' vào mặt cái thằng tên Nguyên đó nhưng lại không đủ can đảm. Nó là con trai lại cao to hơn cô. nếu như nó độp lại chắc ...!?
A, hay là. ....!
Diệp Trúc bật dậy chạy bay xuống nhà.
Chị Hương đang dọn cơm, thấy con gái có vẻ gấp gáp thì gọi giật:
– Diệp Trúc! Chuẩn bị ăn cơm rồi mà con đi đâu vậy? thiệt tình nãy giờ chưa chịu thay quần áo nữa hả?
Diệp Trúc đã ra tới hành lang. Vừa dắt xe đá chân chống lên cô bé vừa đáp vọng vào nhà:
– Con có chuyện gấp phải đi ngay mẹ à. Ở nhà mọi người cứ ăn trước, đừng chờ con!
Anh Điền từ trên lầu chạy xuống hỏi vợ:
– Ủa, Diệp Trúc còn đi đâu vậy em?
Chị Hương nhún vai:
– Em không biết. Hôm nay con bé kỳ kỳ làm sao ấy? Chắc em phải hỏi thêm nó một lần nữa mới được. Anh thấy sao?
– Ừ, con gái ngày một lớn rồi, em nên chú ý đến nó nhiều một chút.
Chi Mai lững thững vào phòng ăn.
– Mẹ ơi! Ăn cơm được chưa? Con đói quá rồi nè.
Chị Hương liếc nhìn chồng rồi quyết định:
– Bây giờ chúng ta sẽ ăn trước. Chị Hai con khi nào về thì ăn sau.
Chuông điện thoại reo. Anh Điền nhấc máy:
– Alô! ....a, chào chị ! Dạ ...., chúng tôi vẫn khỏe! Anh chị cũng vậy chứ?
Chị Hương nhướng mày:
– Ai vậy anh?
Anh Điền ra hiệu rồi nói vào ống nghe:
– Làm gì có chuyện đó. Tụi tôi vẫn nhắc đến anh chị thường xuyên đấy chứ.
Sở dĩ không liên lạc vì dạo này công việc lu bu quá ! À, chị nói chuyện với nhà tui nhé dạ, tôi chưa nói đâu.
Anh Điền trao ống nghe cho vợ. Chị khẽ lườm anh. Bày đặt úp úp mở mở không chịu nói điện của ai!?
Bé Chi Mai ngồi ở chỗ của mình, nhìn cha mẹ bằng ánh mắt cố gắng kiên nhẫn. Anh Điền ngồi xuống nhẹ nhàng bảo nó:
– Con đói bụng thì cứ ăn đi.
– Nhưng mẹ ....
– Không sao. Mẹ nghe điện thoại xong sẽ ăn. Vài phút thôi mà. Nè, ba cho con miếng thịt gà.
Dạ ....
Ít phút sau cuộc điện thoại kết thúc.
Anh Điền mỉm cười:
– Chị Vạn Đại nói gì mà em có vẻ vui dữ vậy?
Chị Hương kéo ghế:
– Anh đoán xem. Em không ngờ anh chị Vạn Đại vẫn còn nhớ lời hứa hẹn của hai gia đình tư mấy năm trước. Chị ấy nói muốn tới nhà mình dùng cơm vào vài ngày tới. Anh thấy thế nào?
Anh Điền gật đầu:
– Được quá đi chứ! Có lẽ anh chị Vạn Đại thật sự muốn kết thông gia với nhà ta và đang có ý để hai đứa thân mật nhau hơn đây mà.
Chị Hương hoan hỉ:
– Thời buổi này tụi nhỏ cứ thích làm theo ý của chúng. Thật là hiếm những cuộc hôn nhân được cha mẹ hai bên chọn lựa. Anh chị Vạn Đại giàu có hơn nhà mình nhiều mà vẫn giữ ý kết thân với mình thì thật là quí hóa, phải không anh?
Chi Mai nhìn mẹ, rụt rè:
– Mẹ ....tính gả chồng cho chị Hai con ạ?
Anh Điền cười:
– Đúng hơn là ba mẹ chỉ bàn vậy thôi con à. Chuyện còn xa vời lắm. Chị Hai con mới học lớp chín thì chồng con cái gì?
Chi Mai nghiêng nghiêng đầu:
– Con tưởng bây giờ không còn kiểu đám cưới bắt đầu bằng sự đính ước như vậy nữa chứ!
Anh Điền, chị Hương nhìn nhau mỉm cười. Ừ, đã cuối thế kỷ hai mươi rồi mà con nói chuyện đính ước, giữa hai gia đình thì cũng hơi buồn cười thật.
Nhưng dẫu sao đó vẫn là điều tốt đẹp. Anh chị Vạn Đại chỉ có một đứa con trai.
Chị Hương thầm mong sao hai đứa trẻ sẽ vui vẻ đồng ý nhau. Như vậy sau này con gái chị sẽ hạnh phúc nhất đời!
Trong lúc ba mẹ đang vui cười và vẽ trong đầu những viễn cảnh tương lai tốt đẹp thì Diệp Trúc có mặt trong các shop bán đồ dùng thể thao. Cô bé vừa ghi danh vào một lớp võ thuật và theo yêu cầu của lớp, cô bé đang tìm mua một bộ đồ võ phục.
Diệp Trúc đã suy nghĩ và quyết tâm học võ - đây sẽ là cách tốt nhất để cô trả thù tên tiểu yêu. Cầm bộ võ phục trắng tinh trên tay, Diệp Trúc hình dung cảnh cô đến từ phía sau lưng ''hắn''. Bất thần tung cú đấm vào mặt hắn, máu mũi ''hắn'' tuôn dòng, hắn xiểng niểng muốn té thì bị cô bồi tiếp bằng hai cú đá song phi ngoạn mục ...
Cứ nghĩ đến cảnh hắn ngã quỵ dưới tay mình mà Diệp Trúc thích thú vô cùng!
Chuyện đăng ký học võ của Diệp Trúc chỉ giấu ba mẹ được bốn ngày.
Cũng không có gì để ngạc nhiên lắm. Vì Diệp Trúc tự gay giặt bộ võ phục rồi đem phơi trên sân thượng!
Chị Hương ca cẩm:
– Trời ơi!? Thiếu gì môn cho con học mà lại chọn học võ hả? Con gái đi học ba cái thứ đánh đấm thì còn gì là dịu dàng nữa chứ?
Anh Điền trầm tĩnh hơn. Anh nhẹ nhàng:
– Nói ba mẹ nghe đi Diệp Trúc! Có chuyện gì mà con đi học võ?
Diệp Trúc đáp tự nhiên:
– Thì người ta vẫn nói học võ để tự vệ mà ba.
Anh Điền xoa cằm:
– Con nhất thiết phải tự vệ bằng những cú đá và nắm đấm hay sao?
Diệp Trúc phàn nàn:
– Thời này lũ con trai mười thằng thì có đến chín thằng rưỡi là cà chớn. Mà đối với tụi cà chớn ấy nói bằng lời lẽ đàng hoàng phí lắm ba ạ.
Anh Điền đoán:
– Ở trường có đứa nào ức hiếp con nên con mới nảy ra ý học võ đặng trả thù phải không nào?
Diệp Trúc còn đang lúng túng thì mẹ cô xen vào:
– Nghe mẹ nói đây Diệp Trúc. Bây giờ con muốn mua sắm gì mẹ cũng chiều theo hết! Chỉ xin một điều kiện duy nhất là ...con đừng học võ nữa, nhé?
Diệp Trúc mím môi, lắc đầu dứt khoát:
– Không được đâu mẹ à. Con đã đóng học phí trọn khóa rồi. Vả lại, con thật sự thích học võ.
Con quyết tâm rồi mẹ ạ. Sau này nhất định con phải học giỏi võ mới được!
Thế là anh Điền chị Hương đành lắc đầu nhượng bộ. Tuy nhiên hai người cũng hơi lo. Họ đang chuẩn bị mời cơm ông bà Vạn Đại, nếu ông bà sui gia tương lai mà biết Diệp Trúc đi học võ thế này thì sẽ nghĩ sao đây không biết!?
Riêng Diệp Trúc, đang hăm hở với viễn cảnh tự mình ''hạ nốc aó' kẻ thù nên ngoài học phố thông là chuyên tâm ở võ trường. Cô bé mong mau chóng giỏi võ nên dự định hỏi võ sư phụ trách xem khoảng bao lâu thì có thể thi đấu. Nhưng Diệp Trúc đã may mắn khi chưa hỏi điều này. Đúng là may mắn? Trong một buổi giải lao, Diệp Trúc vô tình nghe một đồng môn ở lớp trên hỏi võ sư:
– Sư phụ à, em năn nỉ thầy mà ! Thầy không thể dạy em mấy ngón đòn hiểm ư? Chỉ cần em hạ được hắn, em thật sự không nhịn được lâu hơn nữa thầy ạ.
Võ sư nhìn cô học trò như nhìn một sinh vật lạ. Một hồi lâu ông nói nghiêm khắc:
– Tôi cho em ba ngày để suy nghĩ. Nếu vẫn còn muốn học võ để trả thù thì tôi không thể dạy em được nữa. Võ công là gì? Mục đích chúng ta học võ công là gì? Những điều này tôi đều nói rõ ngay buổi học đầu tiên rồi mà. Em quên rồi ư?
Nghe chuyện người khác mà Diệp Trúc hú hồn!? Thế là cô bé quên đi dự định gặp võ sư. Thay vào đó, Diệp Trúc tâm niệm cần phải có thời gian. Hãy kiên nhẫn và cố gắng. Mà nếu vậy thì có lẽ cô phải nhịn nhục nếu bị thằng tiểu quỉ ấy phá rối.
Không khí mấy ngày sau đó có phần lắng dịu hơn. Tuy vậy mấy nhỏ trong nhóm và nhỏ Thùy Linh thì hỏi Diệp Trúc:
– Sao rồi? Mày vẫn chưa tìm ra lối sách để hạ thằng quỉ đó à?
Diệp Trúc lừng khừng:
– Gấp gáp gì? Nó chưa phá phách tiếp thì mình cũng thư thả hẳn tính.
Thùy Linh gục gặc:
– Ừ, kể cũng lạ ! Hổm rày sao nó hiền quá !
Một đứa trong nhóm lanh chanh:
– Không dám hiền đâu! Mày quên là đang vô đợt thi đua học tập à? Mới vô đợt đương nhiên nó phải co vòi lại dè chừng chứ.
– Có lý há !
Chiều hôm đó trong tiết sinh hoạt cô giáo chủ nhiệm thông báo sắp tới lớp sẽ phải tham gia chương trình văn nghệ với vở kịch câm mang tên ''cô bé có tim đèn''.
Cô giáo nói:
– Ngày mai Diệp Trúc và Thùy Linh đến họp để nghe phân vai và báo lịch tập dợt nhé !
Diệp Trúc và Thùy Linh là hai thành viên trong ban văn nghệ của trường.
Oái ăm là không có thêm một đứa nào dù nó là con trai. Vì vậy sau buổi sinh hoạt,Diệp Trúc và Thùy Linh bị lũ bạn trai trêu ghẹo:
– Giá mà tao là thành viên ban văn nghệ thì hay quá !
– Tao cũng vậy nữa. Tao nhất định xin vai vua hoặc hoàng tử để có quyền ra lệnh nhỏ Diệp Trúc và Thùy Linh.
Diệp Trúc đỏng đảnh:
– Xời ơi? Tướng tụi mày có mà đóng vai quân hầu cũng là may mắn lắm rồi!
Lũ con gái ré lên cười khoái trá ...
Nói vậy mà khi đi nghe thông báo mới hay Diệp Trúc được phân vai làm cô gái cỏ tim đèn. Nhỏ Thùy Linh trong vai bà già nấu ăn cho lâu đài của chàng quí tộc - chàng trai sau đó cưới cô có tim đèn làm vợ ...
Nghe tin này lớp đã cười Thùy Linh một trận. Nhưng Thùy Linh rất lo lắng bởi vai bà già nấu ăn là một vai không dễ, nó đòi hỏi cô bé phải diễn xuất thật tốt.
Diệp Trúc cũng bận tâm cho vai diễn của mình. vai chính của vở kịch. Cô được trao cho kịch bản và mấy bộ trang phục thật lộng lẫy. Trong đó có bộ váy áo mặc cho màn cuối, là váy dạ hội màu trắng đính cườm và kim sa lấp lánh thật đẹp.
Không chỉ tập dợt mà các diễn viên còn phải tự bảo quản trang phục của vai mình diễn.
Chuyện này không lớn lắm! Diệp Trúc nghĩ và hai hôm sau cô bé đi học sớm để tranh thủ thời gian giặt phơi mấy bộ trang phục diễn kịch.
Đúng lúc này thì ''kẻ thù tiền kiếp'' của Diệp Trúc xuất hiện. Có lẽ hắn sau này lớn lên sẽ làm cầu thủ đá banh. Vừa dồi banh hắn vừa nheo mắt cười cợt:
– Chào nữ diễn viên chính! Phen này cố mà diễn cho tốt nghen!
– Hừ! Tao không cần cỡ mày nhắc nhở đâu.
– Vậy à? Vậy thì tốt quá !
Hắn sút nhẹ rồi đuổi theo banh.
Thùy Linh đột ngột xuất hiện:
– Ê! hình như mày vừa nói chuyện với kẻ tử thù của chúng ta hả?
Diệp Trúc nạt khẽ:
– Mày có điên không? Tao thì có chuyện gì để nói với thằng quỉ đó. Chỉ có nó tự nhiên tạt ngang qua rồi cười cợt. Thấy mà muốn để một đấm vô giữa mặt nó cho đã !
Thùy Linh nhìn sào đồ:
– Phơi đồ ở đây à?
– Ừ, Có sao không?
– Chỗ này nắng ngon quá. Tao phơi phía sau thư viện, ít nắng chắc sẽ lâu khô hơn của mày.
Diệp Trúc rủ:
– Vậy thì đem qua đây phơi đi. Còn nhiều chỗ trống trên sào mà.
– Thôi, tao làm biếng lắm.
– Vậy thì thôi. Tụi mình cùng vô lớp nào.
Đôi bạn khoát vai nhau vui vẻ vào lớp.
Buổi học hôm nay có hai tiết toán, hai tiết giáo dục công dân và một tiết sử - toàn thầy cô nghiêm lạnh nên cả lớp im re.
Cho đến phút chuông cuối giờ reo vang cả lớp môi thở phào như vừa cất đi gánh nặng.
Diệp Trúc đi ra chỗ phơi đồ phục trang diễn kịch và khựng lại sững sờ!? Một bên vạt áo bị rách toạc ton ten dưới đất. Có cả dấu đất với những góc đa giác của trái banh in lên đó.
Là hắn! Diệp Trúc đoán chắc là vậy. cô bé nghe máu trong người sôi lên và cứ áo dài tha thiết như thế cô bổ nhào đi tìm thằng quỉ nhỏ mà cô đoán chắc là thủ phạm.
Nhưng Diệp Trúc không gặp hắn vì lớp hắn hôm nay học có bốn tiết nên về sớm!?
...Thùy Linh là người thứ hai biết sự cố xảy ra cho bạn. Cô bé khuyên Diệp Trúc báo với cô đội trưởng đội văn nghệ để xin ý kiến. Chỉ còn bảy ngày nữa là công diễn. Tuy nhiên bên cạnh vấn đề thời gian, còn vài khó khăn khác. Chiếc áo dành cho vai diễn của Diệp Trúc được đặt tận Sài Mộng Xuân - một trung tâm áo cưới nổi tiếng của Sài Gòn.
Chỉ còn cách duy nhất là dùng kim khâu tâm để chiếc áo liền lại. Cô giáo phụ trách văn nghệ hy vọng nhờ những hạt cườm và kim sa, người ta sẽ không phát hiện ra đường khâu vá !
Chiều tan học Diệp Trúc mang về nhà bộ mặt nặng như chì! Chưa lúc nào ý muốn trả thù trong đầu Diệp Trúc lại lớn đến vậy. nhất định cô phải dần cho hắn mềm xương!
Ăn vội mấy hộp cơm Diệp Trúc chuẩn bị đến lớp học võ.
Chị Hương nói với con gái:
– Diệp Trúc à, vài ngày nữa chúng ta mời gia đình bác Vạn Đại tới dùng cơm thân mật, con thấy thế nào?
Diệp Trúc lầm bầm:
– Khách người lớn của ba mẹ thì ba mẹ cứ liệu mà tiếp. Con không biết tới đâu.
Nhưng mà ...
– Mẹ à, con bận lắm. Chỉ ít ngày nữa là con phải dợt kịch rồi. Con không thể phụ giúp mẹ một tay đâu nha!
Chị Hương thoáng thất vọng rồi vụt tươi tỉnh:
– Hay quá! Con lại được chọn đóng kịch à? Vậy thì tới bữa đó ba mẹ cùng tới xem con diễn kịch nha?
Diệp Trúc thở dài thườn thượt:
– Không chắc là con sẽ diễn tốt đâu mẹ à. Có lẽ ba mẹ đừng đến xem thì hơn!
Chị Hương ngạc nhiên:
– Sao vậy con? Ở trường con vẫn là hạt nhân của phong trào văn nghệ, năm vừa rồi cũng đã được khen thưởng mà giờ nói lạ vậy con?!
Diệp Trúc nghiến răng:
– Cũng tại cái thằng chết bầm đó. Nó ...mà thôi, mẹ không cần biết làm gì.
Giờ con đi học võ đây. Tối nay có kiểm tra mà.
Diệp Trúc đã kịp dằn cơn tức giận của mình. cô bé sợ ba mẹ phát hoảng lên và nhất quyết cấm cửa cô đến lớp học võ khi biết rõ cô đang nung nấu ý định hành hung thằng quỉ nhỏ học cùng trường!
Rồi cũng đến ngày bọn Diệp Trúc công diễn vở kịch “cô bé cỏ tim đèn”.
Cô giáo phụ trách đội văn nghệ tranh thủ khích lệ Diệp Trúc lúc hóa trang cho cô bé:
– Cô tin là em sẽ diễn tốt như lúc tập dợt. Yên tâm đi Diệp Trúc à. Sẽ không ai để ý thấy chiếc áo bị rách đâu. Em cũng quên nó đi thì mọi việc tốt đẹp cả thôi, nhé Diệp Trúc?
– Dạ ....
Diệp Trúc đáp nhỏ, không tự tin lắm, dù bụng đã bảo dạ:''thì phải cố gắng hết mình thôí'.
Vở kịch ''cô bé cỏ tim đèn '' là vở kịch dựa theo một câu chuyện cổ tích của Anh Quốc, nói về cô bé hiền ngoan hiếu thảo nên cuối cùng đã có được tình yêu và hạnh phúc thật sự. Nhờ có năng khiếu đóng kịch, tập dợt kỹ nên Diệp Trúc thể hiện và diễn rất tốt. Thêm vào đó là vẻ đẹp hài hòa về sắc vóc của Diệp Trúc nên mọi người đều nồng nhiệt tán thưởng.
Cô bé cỏ tim đèn vì nói với cha mình rằng “tình yêu thương cô dành cho ông giống như thịt với muối” mà bị ông nổi giận đuổi ra khỏi nhà. Qua bao lận đận gian truân cô đã gặp một chàng quí tộc và được chàng yêu thương. Để dành lại tình phụ tử, cô bé thức tỉnh cha bằng cách cho ông ăn món ăn ở tiệc cưới của cô toàn món lạt, không nêm muối. Tới lúc này ông mới hiểu ra ý nghĩa câu trả lời trước kia của con gái:
thịt không muối thì không thể thành một món ăn ngon được. Ông hối hận vì đã nhẫn tâm xua đuổi con gái. Và rồi ông hết sức vui mừng vì biết rằng con gái mình chính là cô dâu nhà quí tộc ông đang được dự tiệc cưới ! ....
Diệp Trúc vào trong cánh gà, mệt phờ sau khi vở kịch kết thúc.
Cô bé khựng lại khi ánh mắt bất chợt nhìn thấy ''thằng tiểu quỉ'' đáng ghét?
Nó đứng với hai thằng bạn. Diệp Trúc xăm xăm đến gần.
– Ê! mày còn dám vác mặt đến đây hả? - Diệp Trúc trừng mắt hất hàm - chắc bụng đinh ninh tao bị rách áo thì không diễn được nữa chứ gì?
Một trong hai thằng bạn nó nhếch môi cười cười:
– Con nhỏ này lúc nào cũng dữ dằn vậy cà?
Diệp Trúc quay qua sừng sộ:
– Nè, việc của mày sao mà xen vô?
Thằng quỉ đáng ghét nói lúng túng:
– Tao ...thật tình thì ...tao không cố ý ! .... tao đền cho mày nè!
Nó giơ cái túi xốp đựng một hộp giấy vuông vắn. Bây giờ Diệp Trúc mới thấy cái túi.
– Cái gì?
Thằng bạn thứ hai của nó lên tiếng:
Đền cho bà chằn cái áo đó. Áo mới đàng hoàng nghen! Đẹp hơn áo bà đang mặc luôn?
Diệp Trúc quát lên:
– Đẹp cái đầu mày. Tao cóc cần mày đền, Đồ cà chớn! Đồ tồi tệ ! Cút xéo đi!!!
Nó nhìn trân trân Diệp Trúc một giây rồi nói:
– Tao đã có thiện chí mà mày không nhận thì tao đành chịu thua vậy!
Nói xong nó nhún vai bỏ đi.
Diệp Trúc siết chặt nắm tay thành nắm đấm, rít qua kẽ răng:
– Hừ! Quỉ tha ma bắt mày đi. Nếu không thì hãy chờ đấy! Nhất định sẽ có một ngày ta đây sẽ dần mày mềm xương luôn, đồ khốn!
Chủ nhật! Nhà Diệp Trúc bận rộn chuẩn bị bữa cơm chiêu đãi vợ chồng ông bà Vạn Đại. Diệp Trúc không nhớ rõ hai người bạn này của ba mẹ vì họ luôn bận rộn công việc làm ăn, rất ít khi họ đến nhà chơi.
Chị Hương phân công hai cô con gái giúp mình trang trí bàn tiệc. Xem ra không dễ với hai cô bé con còn ở cái tuổi mê chơi hay phá này. Nhưng Chi Mai rất thích thú. Riêng Diệp Trúc thì cằn nhằn:
– Mẹ à, thời đại văn minh qua thế kỷ hăm mốt tới nơi rồi mà mẹ còn bày đặt chưng dọn tiệc tùng cho mệt! Cứ đặt ngoài nhà hàng có phải là khỏe thân hơn không?
Chị Hương kêu lên:
– Con gái con lứa nói vậy mà nghe được sao? Hãy cố gắng làm cho đẹp đi.
Chắc chắn vợ chồng bác Vạn Đại sẽ rất thích đó. Sở dĩ mẹ tổ chức ở nhà là cũng vì con thôi. Nè, lát nữa nhớ phải nói năng dịu dàng lễ phép nghe con.
Diệp Trúc nhoẻn cười:
– Con vốn dĩ là con gái ngoan của ba mẹ mà.
Cô nàng Chi Mai láu táu:
– Bữa nay chị cần phải ngoan nhiều hơn nữa mới được chị Hai à.
– Tại sao chứ? Diệp Trúc ngạc nhiên:
Chi Mai hồn nhiên:
– Em nghe ba mẹ nói chị sẽ là con dâu tương lai của bác Vạn Đại đó?
Chị Hương thần người. Có thấu trời không chứ? Nhanh như chớp đi nữa cũng chẳng bịt kịp cái miệng của con bé ấy lại. Chị đã định giấu Diệp Trúc vì dù sao Diệp Trúc và con trai nhà Vạn Đại cũng còn quá nhỏ. Với lại cũng chỉ mới là mấy lời nói dạo đầu của chị Vạn Đại với chị Hương, nhắc lại lời hứa vui lúc hai đứa trẻ mới hơn tháng tuổi. Chưa biết sẽ thế nào! Có điều chị Hương hy vọng khi nhìn thấy con gái mình đang thì thiếu nữ xinh xắn như hoa thế này vợ chồng Vạn Đại sẽ ưng ý ngay. Chị Hương nghĩ vậy đồng thời cũng thầm mong cậu con trai nhà ấy bây giờ cũng đang trở thành thiếu niên khôi ngô tuấn tú, xứng đôi với con gái mình!
Diệp Trúc bỏ dở việc trang trí dĩa đồ nguội. Cô bé hỏi mẹ bằng giọng run run hồi hộp:
– Mẹ ơi, có đúng như vậy không mẹ?
Chị Hương cười giả lả:
– Con đừng khẩn trương như vậy Diệp Trúc à. Thật ra hai gia đình thân nhau nên chỉ nói vui vậy thôi. Trước giờ hai bác ấy vẫn xem con như con cháu trong gia đình mà.
Diệp Trúc nhăn nhó:
– Mẹ đừng nói chơi nữa. Nghe thật là kỳ cục! Chuyện hứa hẹn ấy bây giờ lỗi thời quá rồi mẹ ơi.
Chị Hương cười hề hà:
– Đúng là lỗi thời thật. Nhưng con thử nghĩ xem sao. Nếu được chọn làm dâu nhà bác Vạn Đại thì sung sướng nhất đời đó. Hai bác ấy chỉ có một cậu con trai.
Họ lại rất giàu có ... !
Nhà mình cũng khá giả vậy mẹ.
– Phải. Nhưng còn lâu mới bì với bác Vạn Đại được con à. Mẹ thấy con nên kết bạn với con trai bác ấy rồi sau này ...
Diệp Trúc ngó mẹ đăm đăm ...
– Xem ra thì mẹ có dự tính hẳn hoi rồi! Nhưng con nói nghiêm chỉnh với mẹ là con vẫn không thích chuyện này. Con sẽ lo học, học thật giỏi! Hai ba chục năm sau mới lấy chồng.
Chị Hương trợn mắt:
– Cái gì mà hai ba chục năm?!
Đúng lúc ấy chuông reo. Cả ba mẹ con luống cuống. Khách đến rồi! Dĩ nhiên đã có anh Điền chờ sẵn và đón tiếp bên ngoài phòng khách. Tuy nhiên chị Hương cũng phải đi chào theo phép lịch sự.
Trong Diệp Trúc lúc này là cả sự khó chịu và háo hức tò mò đang xen lẫn vào nhau. Trời đất ạ, đã là thời nào mà còn chuyện đính ước hứa hẹn chứ?
Chẳng biết thằng nhóc con trai bác Vạn Đại mặt mũi trông như thế nào nhỉ? Lạy trời! Nếu nó là một thằng con trai lơ ngơ láo ngáo vừa lùn vừa chậm, mắt hí môi dày thì ...dứt khoát Diệp Trúc sẽ mời nó về nhà ngay tức khắc!
Giao Chi Mai làm cho xong dĩa đồ nguội, Diệp Trúc lên phòng khách.
Nhỏ Chi Mai hôm nay nhiều chuyện quá chừng.
Nó cười khúc khích:
– A, hai năm rõ mười rồi nghen! Miệng thì nói hổng ưa hổng thích mà bây giờ muốn ra gặp người ta ngay há!
Diệp Trúc lườm em gái:
– Hứ! Nhiều chuyện! Lo làm xong phần việc của mình đi nhỏ.
Chi Mai bất bình:
– Nói em còn chị lại không làm?!
– Chị sẽ vào ngay đây.
Diệp Trúc đáp nhanh rồi ra ngoài.
Trên phòng khách,vợ chồng Vạn Đại và cậu con trai đã làm xong thủ tục chào hỏi chủ nhà, họ đang ngồi xuống salon. Diệp Trúc nấp sau rèm cửa phòng, cô bé khó chịu vì ở vị trí này chỉ có thể nhìn thấy “thằng nhóc” kia từ phía sau.
Nó cũng khá cao ráo và tươm tất. Quần tây màu nâu, áo sơ mi dài tay trắng tinh.
Nó đang gật đầu lễ phép với ba Diệp Trúc để đáp lại lời mời dùng nước của ông.
Làm thế nào để nhìn rõ mặt hắn ta nhỉ?
Trong lúc Diệp Trúc suy tính thì nơi sa lon, bà Vạn Đại bắt đầu đưa mắt ngắm nghía căn phòng:
– Hình như căn phòng này vẫn không thay đổi là mấy so với trước, chị Hương nhỉ?
Chị Hương gật đầu:
– Dạ, tụi này thích kiểu trang trí của các cụ nên cứ giữ nguyên như vậy chị ạ.
Bà Vạn Đại hình như đã phát hiện ra Diệp Trúc.
– Hình như là ...Diệp Trúc phải không? Sao cháu lại đứng đó? Ra đây xem nào!
Không thể tiếp tục đứng đó hay rút lui, Diệp Trúc đành bước ra:
– Cháu chào bác ạ.
Chị Hương cười với khách:
– Nó định ra chào anh chị nhưng còn mắc cỡ đó.
– Sao lại vậy chứ? - Ông Vạn Đại cười – chà chà, cháu lớn thật rồi ! Nếu tình cờ gặp ngoài đường bác sẽ không nhận ra cháu đâu.
Diệp Trúc cúi đầu:
– Dạ, cháu chào hai bác ạ ....
Cô bé trợn mắt? Cậu con trai nhà Vạn Đại cũng sững sờ. Rồi cả hai cùng kêu lên thảng thất:
– Là mày ư??
Mọi người ngạc nhiên:
– Ồ, thì ra là hai đứa biết nhau à. Hay quá !
Hay ư? Điên tiết lên thì có.
Diệp Trúc gầm gừ:
– Đúng là oan gia ngõ hẹp. Nhìn thấy bản mặt mày là tao muốn khùng rồi.
Hắn cười nhạt:
– Tưởng tao ham đi tới đây lắm à? Nếu biết đây là nhà mày thì có mướn tao cũng không thèm đến đâu nghen!
Bà Vạn Đại cau mày còn ông Vạn Đại thì khẽ nạt con trai:
– Con ăn nói vậy đó hả Nguyên?
Nguyên chưa kịp trả lời cha mình thì nghe Diệp Trúc cao giọng:
– Chưa biết nhà tao nên mày mới tới hả? Vậy bây giờ biết rồi mày cút xéo cho tao nhờ.
Nguyên ưỡn ngực:
– Khỏi đuổi, tao đi ngay đây. Mà này nhóc nhỏ! Tao cầu mong mọi chuyện sẽ kết thúc ở đây nghe. Trăm năm sau tao cũng chả dám làm bạn với mày đâu:
Diệp Trúc cũng không vừa:
– Á à, tao đây thì khoái thứ con trai giỏi tài phá phách như mày chắc. Có lạy tao cũng không thèm!
Nguyên quay sang vợ chồng anh Điền:
– Cháu xin lỗi cô chú, cháu phải về thôi. Chào cô chú ạ - day qua ba mẹ, Nguyên tiếp – ba mẹ cứ ở đây thư thả hẳn về. Con về trước đây.
Hai ông cha và hai bà mẹ nhìn nhau, vẫn chưa hết ngở ngàng. Thế này thì còn bàn tính được gì nữa chứ?! Mới gặp lần đầu tiên mà đã bùng nổ chiến tranh ác liệt rồi!?
Nguyên đi rồi chị Hương nghiêm nghị nhìn con gái:
– Diệp Trúc! Mẹ nghĩ là con nên kiểm điểm lại hành động của mình hôm nay.
Anh Điền thì ái ngại nói với ông Vạn Đại:
– Tôi xin lỗi anh chị! Lẽ ra ...
Ông Vạn Đại cười điềm đạm:
– Không sao. Chuyện của bọn trẻ cũng bình thường thôi mà:
Tôi không bận tâm lắm đâu.
Bà Vạn Đại cũng cầm tay chị Hương, đỡ lời cho Diệp Trúc:
– Chị đừng mắng cháu. Xem bộ giận dữ thế kia tôi nghĩ cùng là chuyện lớn lắm đó.
Diệp Trúc cúi đầu:
– Thưa hai bác, cháu thật sự xin lỗi hai bác. Nhưng cháu mong hai bác thông cảm cho cháu. Thật tình cháu rất ghét Nguyên. Kết quả học tập thế nào cháu không biết chứ ở trường nó nổi tiếng là đứa phá phách.
Anh Điền xen vào:
Dễ chừng con không phá phách nghịch ngợm chắc.
Diệp Trúc không chịu thua:
– Con đồng ý với ba. Lứa tuổi học trò của tụi con rất hiếu động, quậy phá.
Nhưng cũng vừa phải thôi chứ. Thằng Nguyên vừa phá lại vừa lì. Chẳng những không thừa nhận mà còn khiêu khích lại người ta nữa. Con nói thật, con rất quí hai bác nhưng không bao giờ con chấp nhận nó đâu!
Rốt cuộc bữa cơm chẳng vui vẻ gì, nhất là với vợ chồng anh Điền, chị Hương. Cả hai người cảm thấy khó mà có một tương lai tốt đẹp kết nối hai đứa nhỏ cũng như hai gia đình.
Trái với cha mẹ, Diệp Trúc thấy nhẹ người như vừa cất đi gánh nặng. Ăn xong, cô bé phụ mẹ dọn dẹp rồi ra ngoài mua sách. Vợ chồng ông Vạn Đại còn lưu lại trò chuyện. Họ có an ủi anh Điền, chị Hương để hai người hết bận lòng, ái ngại.
Ông Vạn Đại nói:
– Lúc nãy chứng kiến cảnh hai đứa nhỏ đấu khẩu với nhau tôi lại nhớ chuyện tôi với bà nhà thuở ưước. Hồi ấy tụi tôi cũng có ưa gì nhau đâu. Ấy vậy mà cuối cùng đã thành vợ chồng, hạnh phúc ấm êm như bao nhiêu nhà khác?
Bà Vạn Đại vui vẻ:
– Đúng vậy. biết đâu có duyên nợ sau này hai đứa nó sẽ mến nhau. Dù sao bây giờ cũng còn là quá sớm để kết luận. Theo ý tôi chúng ta cứ để thời gian trả lời, còn trước mắt chỉ cần hai gia đình chúng ta vui vẻ thôi cũng được anh chị ạ- nói đến đây bà nhìn chồng - không biết mình thấy sao chứ còn tôi thì tôi lại thích tánh cách mạnh mẽ của Diệp Trúc. Con bé giống con trai mà vẫn dịu dàng và vô cùng lễ phép. Nó là đứa con gái đặc biệt đó nghe.
– Ừ, tôi cũng nghĩ như mình - Ông Vạn Đại gật đầu đồng tình.
Anh Điền và chị Hương nghe vợ chồng người bạn nói chân tình cởi mở nên cũng bớt đi phần nào sự ngần ngại. Xem ra hy vọng vẫn còn nhiều. Hai anh chị cũng mong sao rồi đây quan hệ giữa hai đứa nhỏ sẽ tốt đẹp hơn!