Chiếc cầu thời thơ ấu
Tác giả: Quan Dương
Mỗi khi lái xe qua chiếc cầu Causeway dài 40 cây số của tiểu bang Louisiana nơi hiện định cư, tôi đều liên tưởng đến chiếc cầu Dinh ngẳn củn dài chưa đầy 200 mét ở Ninh Hòa . Chiếc cầu dài nhất thế giới này ai cũng biết, còn chiếc cầu Dinh thì số người biết chỉ đếm trên đầu ngón tay, vậy hà cớ gì mỗi khi lái xe qua chiếc cầu nổi tiếng lại nhớ về chiếc cầu vô danh ? Hay có lẽ vì chiếc cầu nơi tôi đang sống quá đài và chiếc cầu nơi tôi đã sống quá ngắn ? Sự tương phản đó đã gây ấn tượng ? Chiếc cầu Causeway nơi xứ người được xây vô cùng hiện đại và kiên cố bắt qua biển nối liền hai thành phố Metarie và Mendevill, Chiếc cầu nơi xứ tôi xây bằng xi măng bắt qua sông Dinh nối liền xóm chợ và Vĩnh Phú. Một nơi có nhu cầu về vật chất . Một nơi có nhu cầu về tinh thần. Con sông Dinh có tự bao giờ ? Không ai biết. Nhưng chiếc cầu thì chắc chắn phải có sau con sông .Chính xác hơn là tại bởi vì có con sông nên mới có chiếc cầu . Tóm lại ngoại hình chiếc cầu Dinh chẳng có gì đặc biệt nhưng bởi vì nó dính liền với thịt da, cho nên mỗi lần lái xe qua một chiếc cầu nào đó hồn tôi thường bâng quơ thổn thức về một chiếc cầu thời thơ ấu. Và có mấy ai biết được dưới chân gầm cầu đầy rác rến mấy chục năm về trước là nơi tôi khóc tiếng chào đời . Tôi là một đứa bé không được hưởng cái hạnh phúc được sinh ra từ một nơi bình thường đại khái như tại một nhà bảo sanh hoặc giả tại nhà thương của quận lỵ. Má tôi kể lại vào ngày đó, tháng đó, năm đó, khi bà đang đứng đón xe xuống Hòn Khói thì còi báo động vang lên inh ỏi . Lính Tây đang dẫn bảy ông Việt Minh ra chợ cá xử bắn . Má sợ quá mới chạy vô nhà cô ba tôi ngay đầu cầu . Cô dẫn má trốn Tây dưới chân cầu sát mé sông. Khi tiếng súng khai tử của Tây nổ chát chúa vang lên từ phía chợ cách đó không xa, bà sợ quá "té đẻ" ra tôi . Vì má té đẻ bất đắc dỉ ở dọc đường không dự trù trước nên tôi vừa mới ra đời thì chân đạp đất bờ sông và trên đầu là bầu trời bao la bát ngát . Ba tôi chờ cho đến sẫm tối mới dám lén bồng về nhà. Nghe má kể lại, tôi đâm thắc mắc tại sao Tây dẫn Việt Minh đi bắn có liên can gì đến má khiến má phải sợ khi má chỉ là một người dân lại là phụ nữ ? Má giãi thích lúc đó ba tôi cũng có hoạt động cho mấy ổng và trong giỏ đồ của má có thuốc Tây mang xuống Hòn Khói tiếp tế . Tôi hỏi tiếp tế cho ai, má bảo Việt Minh . À thì ra như vậy, má có tịt nên quịt đuôi.
Má tôi con đông, đẻ năm một, đẻ bình thường và tự nhiên, lại bận lo bươn chãi buôn bán nên má ít khi nhớ ngày tháng năm sinh của con mình, nhất là tôi má đẻ trong cơn són sợ. Tôi lớn lên không có giấy khai sanh. Chỉ mãi sau này nhờ đi học nên tôi mới được ba tôi làm cho một tờ giấy chứng chỉ thế vì lót lưng. Như vậy tôi bao nhiêu tuổi được sinh ra ngày tháng năm nào cả ba má tôi đều không nhớ chính xác, hỏi thét chỉ được trả lời là tuổi con trâu . Con trâu thì cái số trời định phải kéo cày không được làm quan ở nhà mát ăn bát vàng như thiên hạ, chỉ hy vọng nhờ đẻ ở bờ sông mệnh số trâu cày biến thành trâu nước bớt hắc ám phần nào.
Khi theo tụi bạn đi xem thầy tướng, ông thầy đòi hỏi sanh tháng nào ngày nào mới có thể gieo số tử vi, tôi chỉ biết trơ mắt ếch ấp a ấp úng. Tụi bạn gái cùng lớp cho là tôi dấu tuổi có âm mưu . Âm mưu khỉ khô gì khi chưa ráo cứt mũi, mép mới mọc mấy sợi lông măng xam xám loe hoe .Tuy thế khi về đến nhà tôi cũng chạy tìm má hỏi cho ra lẽ. Cho dù tra vấn má cách nào chăng nữa thì câu kết luận cuối cùng vẫn là "con đi tìm người lớn, ai đó nhớ ngày xử bắn bảy ông Việt Minh là ngày sanh ra con". Biết tìm ai để hỏi và hình như tôi cũng chẳng thiết tha vì không hơi sức đâu truy nguyên ngày đám giổ của những cái chết không cần thiết nhân danh để di lụy thêm nhiều cái chết oan ức sau này. Như vậy nếu căn cứ theo lời má thì khi hồn bảy ông Việt Minh lìa khỏi xác thì tôi được sanh ra đời . Khi họ đi thì tôi đến. Giữa sự đi của họ và sự đến của tôi giống như định mênh. Điều định mệnh này lập lại vào năm 1975, nhưng được đảo ngược. Năm 1975 khi họ đến thì tôi đi biệt xứ. Lần nào cũng có tiếng súng nổ - cùng họ - và tiếng khóc - cùng tôi.. Điều lập lại chẳng có gì khác nhau, có chăng tiếng khóc lần sau đã biết thế nào là lễ độ với trường đời nên nước mắt chảy ngược vào trong chứ không ồ ạt chảy ra ngoài vô tư như hồi được đẻ.
Cây cầu Dinh trấn thủ giữa phố Ninh Hòa như một cái rốn trên vuông bụng của một thiếu nữ xuân thì và chính vì vị trí toa. lạc đặc biệt đó mà nó trở thành hình tượng quê hương. Nhờ có nó nằm gát mình từ phía bên này phố chợ nên tôi mới có thể bước qua bên kia Vĩnh Phú để những lá thư tình có cớ tuôn về Phước Đa rồi quẹo lên Cầu Sắt, Quang Đông. Nó cũng là cái cớ cho tất cả những nhà văn thơ Ninh Hòa đem vào sáng tác. Đối với họ con sông Dinh là biểu tượng. Đối với tôi con sông Dinh cũng chính tông là nơi chôn nhau cắt rốn. Khi bà mụ bất đắc dĩ nào đó nghiến răng bứt cuốn rốn tôi nối liền từ bụng má và đào lỗ chôn vội thì những giọt máu nhỉ ra từ cuống nhau vĩnh viễn muôn đời thấm sâu vào cỏ đất của bờ sông . Sau này lớn lên tôi vẫn thường tò mò một mình chui xuống gầm cầu để định vị chính xác đâu chính là nơi tôi lọt lòng ? Cỏ trên bờ sông xơ xác vì rác rến, có cả một quãng thời gian dài tất cả rác rến ngoài chợ đều đổ ập lên núm đất cằn cọt phía dưới là đùm nhau.Tôi thật tình vô tri .Tôi đứng vớ vẫn quan sát cảnh vật chung quanh chẳng có gì thơ mộng hay xúc động, vậy mà không hiểu nguyên cơ nào tôi có thể trở thành một nhà thở Chẳng lẽ làm thơ giống như đi thi tú tài gặp bữa trúng tủ hả họng ngáp trúng phải con ruồi ? Hay nguyên cơ từ những cơn mưa dầm vào tháng chín tháng mười nước từ thượng nguồn Krông- But Ban Mê Thuột đổ xuống cuốn phăng ra cữa biển Hà Liên tất cả rác rến để đọng lại những ý thơ chứa đầy lãng mạn và thơ mộng? Tôi chịu thua không tìm ra câu giãi lý. Sau này tôi phát giác thêm cũng có thể tôi làm được thơ khởi nguyên không phải từ nơi cảnh vật mà từ nơi con người . Những người con gái tay yếu chân mềm chỉ cần dùng một phần công lực phủi nhẹ cũng đủ làm cho tôi té xuống văng ra thơ.
Vào mùa hè lòng sông cạn rong xanh đọng lại thành những mãng rêu màu xanh đậm trôi lềnh bềnh, mùi nước nồng mùi cá biển. Cái mùi kỳ cục thật trừu tượng ngữi được mà không tả được . Những ngày đầu tiên đến Mỹ suốt ngày ru rú trong nhà với máy lạnh có lần vừa mở cửa bước ra, không khí ập đến đã cho tôi cái cảm giác rất đột ngột. Tôi ngữi được cái mùi đó và bất giác kêu lên "mùi cầu Dinh". Sau này cái mùi cầu Dinh đại trà phổ quát hơn, tôi ngữi được khắp mọi nơi, trong những cơn mưa bất chợt làm con đường khuya thêm u ám lái xe một mình âm thầm đến hãng vào giờ ca ba , trong những giấc mơ nhất là vào những ngày giáp tết. Nói cho cùng chiếc cầu ngắn củn bé nhỏ ở tận nơi cùng trời cuối đất toa. lạc ở một địa thế gần như vô danh tên gọi là Ninh Hòa giống y như cái ngăn đông đá trong tủ lạnh mỗi khi bất chợt tay chạm phải , hơi lạnh chuyền đột ngột qua các sợi tế bào trên từng ngón tay rồi chuyễn lẹ làng vào tim vào óc. Mỗi lần chạm phải như thế tôi phát giác ra một điều chân lý, đó là chiếc cầu với rong rêu trôi lền bềnh vào những mùa nước cạn không có chút gì thơ mộng kia chính là cái tủ lạnh kiên cố đặt sâu trong tiềm ức. Nó gắn liền với cuộc sống , những khi vui vẽ yên lành thì tôi quên bén nó đi, mỗi khi trái gió trở trời thì hơi lạnh quê nhà tỏa ra làm da dẽ nổi đầy gai góc.
Tôi tong teo giống như con cò ma lừng khừng lớn lên trong cái xóm nhỏ khoảng hai, ba chục gia đình trú ngụ tên gọi là "Đường luồng cây Thị" Xóm nằm trong hẽm rộng vừa lọt một chiếc xe đạp. Những gia đình chen lấn san sát nhau không ngày nào là không xãy ra chuyện để nói, và vì có quá nhiều chuyện để nói nên thét rồi được mọi người xem như chẳng có nói chuyện gì. Người lớn ban ngày kiếm một cái gì đó bưng ra chợ để buôn bán, chiều về mạnh nhà ai nấy ở, thỉnh thoảng chửi mắng nhau vì chuyện không đâu xem như là một cách để thay đổi không khí . Lách ra khỏi hẻm là con đường Võ Tánh rộng hơn, nhưng cũng đủ vừa hai chiếc xe đạp tránh né. Giáp góc đường cạnh nhà bác Hai Thiện có một trụ điện với bóng đèn 80 watt trên cao tỏa xuống vàng vọt . Đám con trai ban đêm thường tụ tập để chia phe bắn lộn với " đám Tàu " xóm chợ. Tụi tôi bẻ gấp đôi cọng điệp lại rồi dùng dây thun bắn nhau, đứa nào cũng muốn trở thành anh hùng. Hình như làm anh hùng thì không cần phải ăn, cần phải ngủ, thậm chí không cần phải đi cầu . Người lớn khi kể chuyện đời xưa không có nhắc đến những điều đó, đôi lúc trong trí óc non nớt của tôi loé lên nghi vấn mà không dám hỏi, đó là nếu làm anh hùng mà không ăn, không ngủ, không đi cầu thì làm người thường có vẽ có lý hơn. Tôi đem thắc mắc này giãi bày với một thằng nhóc thì nó lên mặt thầy đời " làm anh hùng có một cái lợi là oai phong lẫm liệt, tất cả anh hùng đều khôi ngô tuấn tú " Khi tôi hỏi căn cứ vào đâu mà nó dám cả quyết tất cả, nó đáp nếu không tất cả thì ít nhất chín phần mười , có nghĩa là mười anh hùng thì đã có chín người đẹp trai đàn bà con gái đều mê mẫn ." Còn người thứ mười thì sao?" Nó đáp " người thứ mười làm hiệp sĩ bịt mặt đi giết kẻ gian nên không ai biết dung mạo" Tôi học sử ký bảo quân Tàu đô hộ dân tộc ta đến cả ngàn năm, xóm chợ là nơi tập họp của người Tàu nên có mối thù bất tận đáy thiên. Thù thì phải trả và nếu trả được thù thì mới là anh hùng , mà nếu đã là anh hùng thì tự nhiên diện mạo sẽ trở thành khôi ngô tuấn tú và khỏi cần phải đi ỉa. Hồi đó nhà tôi không có cầu tiêu, mỗi lần đau bụng muốn giải quyết phải xách quần chạy một lèo đến gò mả cạnh Lăng Bà Vú hơn cả nữa cây số, nhiều khi đang chạy "cầm lòng không đậu " rớt rơi rãi dọc đường thiệt là thê thảm. Lăng Bà Vú được vua Gia Long sau khi đoạt ngôi từ Tây Sơn ra lệnh xây lên để ghi ơn người đàn bà đã chứa chấp khi người còn là bại tướng bị truy đuổi. Nội tôi khi còn sống thường kể về nhiều huyền thoại linh thiêng của Lăng Bà . Nhưng trong trí óc non nớt của tôi đó chỉ là một cái gò có bờ thành xây bằng vôi bao bọc chung quanh , cỏ và cây cối không người cai quản mọc chen chúc nhau um tùm . Hai con kỳ lân xây bằng vôi ngồi chồm hỗm trên bờ thành theo truyền thuyết vào những đêm rằm biến thành kỳ lân thực xuống tắm quậy nước ầm ầm trong ao sen . Đám nhóc chúng tôi nghịch ngợm trèo đầu cỡi cổ mà hai con kỳ lân chẳng dám có phản ứng gì. Trong các huyền thoại tôi teo nhất về chuyện một cặp rắn thần sống từ mấy trăm năm nay , một con có mồng màu xanh. một con có mồng màu đỏ tía nằm giữ mộ . Bợm bãi cách mấy đứa nào cũng ngán rắn cắn cho nên mỗi khi bất chợt "đau lòng xót dạ" thì rũ nhau cả bầy cho có tà có tụi . Trẻ con vô tư lự, ngồi sắp hàng nhìn chim nhau cười khúc khích. Sau này lớn thêm một chút, đến tuổi biết mắc cở không còn cái thú đi ỉa tập thể , đo đó mỗi khi chuyễn bụng cả là một vấn đề nan giải. Bởi những lý do vừa trực khởi, vừa lung khởi trên mà tôi muốn trở thành anh hùng, vừa đẹp trai lại khỏi phải ăn, khỏi phải di cầu dù là đi đồng một cái thú sướng khỏi chê dân thành phố đừng hòng được nếm trãi. Thế giới có nhiều kẻ xấu nên làm anh hùng mới có ý nghĩa . Anh hùng chưa kịp thấy đâu chỉ biết nhiều đêm mò ra xóm chợ bị tụi tàu le phục kích đánh cho tơi tả, ôm đầu máu chạy không kịp thở. Chỉ tội nghiệp những cây phượng ở sân trường tiểu học Ninh Hoà bên Vĩnh Phú bị chúng tôi leo lên bẻ cành không kịp mọc da non.
Khi tôi lên lớp đệ tứ, đám con trai tự cho là mình đã trưởng thành, đứa nào cũng chững chạc bước vào đời với điếu thuốc ngất ngưỡng trên môi . Năm này thì xóm tôi xãy ra một biến cố vô cùng trọng đại, đó là sự xuất hiện của Phan với gia đình từ Tu Bông dọn vào nhập cự Phan có mái tóc quăn cắt ngắn úp vào khuôn mặt thanh tú với nút ruồi bên gò má bên phải trông thật bắt mắt . Nhất là thân hình đang chớm nẫy nỡ ở tuổi 16 với hai cái vú tròm ủm chưa biết mặc xú chiêng . Phan dọn đến không tuyên bố chiến tranh cũng không kêu gọi hòa bình nhưng phe ta tự nhiên hoàn toàn tan rã. Đứa nào cũng bận rộn viết đơn nộp cho Phan để xin tình yêu không còn nghĩ đến chuyện đánh nhau. Con đường vào tình yêu là con đường ăn không no, mặc không ấm, nhưng không hiểu sao đứa nào cũng thích. Tụi nó không còn nghĩ đến chuyện đánh nhau với phe Tàu nhưng lại âm thầm tiến hành cuộc chiến tranh lạnh với phe mình để mong lọt vào đôi mắt của Phan. Cuối cùng trong cuộc tuyển chọn đầy căng thẳng, lá đơn xin tình yêu của tôi được Phan chấp thuận . Thế là dù muốn dù không mối tình đầu của tôi đã bắt đầu xãy ra . Tôi vốn học không giỏi lại không siêng,yêu Phan tôi lại càng thêm phần lười biếng. Ba má tôi suốt ngày ngoài chợ đâu có rỗi rãnh mà kềm kẹp đám con. Tôi như được tháo cũi xổ lồng. Những mãng rêu xanh dưới dòng sông Dinh bình thường trông dơ dáy như thế, nhưng có tình yêu vào rồi ban đêm nhìn xuống dưới ánh trăng trông lấp lánh như màu ngọc bích . Tôi và Phan trốn cha, trốn mẹ, trốn cả bạn bè hẹn nhau mỗi đêm ở sân đánh tenis Trường Tàu, ngồi ngay dưới gốc cây Phượng mà mới hôm nào suốt ngày tôi giống như con khỉ đu tòng teng trên đó . Cái sân tráng xi măng vô cùng sạch sẽ lý tưởng, bốn phía đều có thành bao bọc kín đáo, ở đây mặc sức tôi và Phan thề non hẹn biển. Mãi đến sau này trong những ngày lầm than của đất nước, mỗi lần đứng xếp hàng ở bến xe Ninh Hoà đợi mua được cái vé đi Nha Trang , phản ứng của tâm ức vẫn còn xui khiến hai con mắt tôi bâng khuâng nhìn về hướng đó, nơi của tôi và Phan với mối tình đầu . Sân Tenis thành bao quanh bốn phía chỉ thấy được những cành khẳng khiu chĩa ngang chĩa dọc của cây phượng già in dưới màu trời đen thẩm . Thỉnh thoảng đôi khi hai đứa tôi đổi chổ, đạp xe đèo nhau chun rào vô sân trường Trần Bình Trọng, ngồi ở những mé thềm trước những lớp học nào khuất ánh sáng . Phan thua tôi hai lớp, học cùng trường nên tất cả ngóc ngách chung quanh hai đứa tôi rành như đường chỉ tay trong lòng bàn taỵ Chúng tôi mê mẫn dọ dẫm bằng một tình yêu ở ngưỡng cửa dậy thì không so tính xem như bổn phận của hai đứa khi trời xui đất khiến gặp nhau là phải yêu nhau vậy. Có thể nói tôi hãy còn quá nhỏ để có thể hội đủ trình độ lắng nghe để còn phân tách cái cảm giác lãng mạn mà tôi vẫn thường gặp trong tự lực văn đoàn . Chỉ biết khi kề cận bên nhau , được hôn phớt lên gò má trắng ngần ẩn hiện nhiều sợi lông tơ của Phan là trong lòng tôi vô cùng rộn rã .Tôi chưa bao giờ nghĩ đến lúc bị Phan đá đít hoặc là tôi phụ bỏ Phan làm như là Phan vĩnh viễn thuộc về tôi . Trời có sập xuống, biển có thể trồi lên nhưng Phan không thể là của người khác. Dưới nhiều cặp mắt của người lớn tôi đúng là thằng con nít ranh, là con chim chưa dập bụng cứt , không lo học hành bày đặt mọc lông làm người lớn . Dưới những cặp mắt bạn bè đồng trang lứa thì tôi là thằng chó ngáp phải ruồi, Phan đui nên mới chấm trúng tôi. Tôi không thích ai xem tôi còn con nít, nhưng lại không dám tự cho mình đã là người lớn . Tôi lươn ươn ở trạng thái dùng dằng làm con nít không xong mà làm người lớn không được. Hình như ngay cả chính má tôi cũng không khẳng định được lằn ranh đó , bởi vì mỗi khi sai tôi làm hư một chuyện gì thì thế nào cũng bị mắng " lớn đầu có thể lấy vợ đẻ con được rồi mà cái chuyện bé tí tẹo đó làm không được " Còn hễ mỗi khi bắt gặp tôi lén la lén lút chải tóc sắp sửa trốn đi mèo thì câu mắng quẹo liền một góc 180 độ " còn con nít con nôi không lo học hành chỉ lo trai gái đàn đúm .. " Tôi yêu Phan ở lứa tuổi học trò nào nghĩ đến một ngày nào đó phải cưới Phan làm vợ, yêu nhau để gọi là yêu giản dị vậy thôi .Yêu nhau giống như hai con ngựa bị bịt mắt đi giữa đám rừng thì thế nào cũng có ngày đầu tột vô góc cây . Chuyện lao vào nhau không cần tính toán tương lai đó đến một hôm thì bị Ông già của Phan phát giác . Một trong những lá thư tình Phan giắt cạp quần bị sơ ý rớt xuống đất, ông già lượm được thế là ông nổi trận lôi đình, tên tôi được liệt kê đầu sổ phong thần. Tôi teo quá trốn biệt, đi học không dám hiên ngang đạp xe cái vù ngang qua trước cửa nhà Phan như trước nữa mà phải vòng qua đường luồn nước mía của chú sáu Dẹo . Cái kiểu vưa cầm cự mê gái vừa cầm cự với bài vở ở trường không cần diễn tả ai cũng biết sức học của tôi tệ lậu đến chừng nào vậy mà không bị đội sổ hoặc ở lại lớp, đúng là phước đức ông bà ba đời ỉa trên đầu trên cổ.
Năm đó tôi vừa leo lên lớp đệ nhị vì sợ rớt tú tài bị nắm đầu đi trung sỉ, tôi hối hả lao vào ôn bài vở. Thư từ qua lại của hai đứa tôi vì thế mà thưa hơn trước vã lại cộng thêm sự kiểm soát chặt chẻ của ba Phan đám bạn bè chim xanh không đứa nào dám hó hé.Cuối năm đó hú hồn tôi thi đậu tú tài chưa kịp leo lên võng về làng báo tin mừng thì Phan sau mấy tháng xa mặt cách lòng hát bản tình xa .Tôi chưa kịp vui thì cõi lòng đã nặng trĩu nỗi buồn. Mỗi một người, mỗi một ngày đều đứng trước nhiều sự lựa chọn khác nhau . Nếu không biết bỏ đi những thứ yếu để nhanh tay lẹ chân chụp giựt riêng mình những thứ cần thiết thì sẽ vĩnh viễn thất bại . May mắn không đến với đời người hai lần nhất là may mắn của tình yêu, mà tình yêu thì khó mà chơi màn chụp giựt cho nên tôi đành thất bại. Tôi đã thất bại vì hồn quá còn non nớt không dự trù sẽ ra sao nếu có một ngày bỗng nhiên Phan biến mất khỏi đời mình .Nghe nói có một viên thiếu úy nào đó trong chi khu Ninh Hòa theo đuổi Phan và được ông bà già chấp thuận. Ông già Phan đúng là ông già hắc ám, ra lệnh truy nã tôi và cấm cửa Phan lấy lý do Phan còn nhỏ không được yêu đương. Ông còn thề độc cho dù mai mốt Phan lớn lên thì cũng không gã cho tôi, nếu ông trái lời thì ông đội quần thiên hạ. Có lẽ kiếp trước tôi và ông có ân oán giang hồ chưa thanh toán, nên kiếp này làm khó tôi chơi. Lấy lý do Phan còn nhỏ cấm tôi, nhưng nhưng tại sao không cấm luôn thằng cha thiếu úy may mắn kia ? Tôi yêu Phan chứ không phải yêu ông già cho nên bản án tử ông treo trên cổ tôi tôi không quan trọng, chỉ quan trọng chính là ở nhân vật trong cuộc. Tôi tìm Phan để hỏi xem như để giải tỏa một ấm ức, nhưng Phan trốn biệt. Đến nước này thì đã rõ ràng, tôi là thằng bị đá đít . Khi những thứ còn trong tầm tay thì mình không biết quí, đến khi nó mất đi thì mới thấy cần thiết, cái chân lý cũ mèm bất cứ ai học i tờ trong bài vỡ lòng của tình yêu cũng đều biết được vậy mà tôi lại vấp té thiệt đúng là vô duyên. Trong nỗi buồn sâu thẳm tôi ngữi được mùi tóc mùi hương con gái phãng phất đâu đây. Tôi ôm khoảng không khí trống rỗng trước mặt vẫn có cảm giác đang ôm Phan với hơi ấm da thịt ngọt ngào còn sót lại. Mất Phan tôi mới biết là tôi yêu nàng tha thiết. Tôi vừa kịp trưởng thành để có thể chính chắn nói chuyện tương lai thì tôi không còn gì nữa hết .Tôi đau khổ tựa chừng bị ai đâm cho nhiều nhát dao trí mạng. Đường đời có trăm vạn hướng đi, tôi không biết phải đi theo đường nào, cuối cùng tôi chọn con đường vào lính . Không có sự đau buồn khi phải chia tay thì làm sao hiểu được niềm vui khi sum họp. Đời người có duyên thì không cần phải lo sẽ có ngày đụng nhau bôm bốp , nhưng tôi thì không còn hy vọng có một ngày được gặp lại Phan.
Tôi ra đi bỏ lại Ninh Hoà với bờ sông Dinh đỏ thấm giọt máu đầu đời để vào quân đội với lòng ấm ức là Phan chia tay không một lời giải thích, thậm chí không nói một câu giã từ.
Dòng đời đẩy tôi trôi về phía trước. Dòng sông Dinh đẩy ngược tôi về phía sau . Tôi loay hoay bì bõm giữa hai dòng cuộc sống sém chết đuối mấy lần. Tôi chưa bao giờ được chết cho nên không có kinh nghiệm nói về điều đó, nhưng tôi đã từng được sống và trên thế gian này nếu sống chỉ là một sinh hoạt theo nhu cầu ngày hai buổi và cứ thế tiếp diễn đến ngày nằm xuống gọi là cái chết thì sống và chết có gì khác nhau ? Vì thế cái chết chưa chắc hẳn đã là điều phải sợ. Riêng tôi giả dụ như nếu trong tâm lý có sự hiện diện của trạng thái sợ chết chẳng qua tôi còn thèm sống để còn nuôi một hy vọng nhỏ nhoi như hạt bụi là đất nước tôi được chuyễn mình . Cuối cùng từ một người lính tôi trở thành một người tù, tôi không còn bì bõm bơi trên dòng sông Dinh nữa mà bơi qua biển Thái Bình Dương, tôi trở thành người biệt xứ . Những giây phút an bình hạnh phúc hay những lúc gian nan khốn nhục cây cầu hiền lành kia vẫn lừng lững xuất hiện trong giấc mơ, bắt nhịp từ bờ dĩ vãng bước qua bờ tương lai . Tôi khập khễnh bước lên. Thầy giáo tôi dạy té ngã từ chổ nào thì nên đứng dậy từ chổ đó, nhưng từ nơi tôi đứng dậy hành trang đầy nặng trĩu hình bóng của quê nhà và những người thân. Tôi còn đang mệt mỏi khom mình thì một cái vèo như chớp mắt, người lính năm nào nay đã là một gã trung niên...
Hết