watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Còn Nỗi Bùi Ngùi - tác giả Quan Dương Quan Dương

Còn Nỗi Bùi Ngùi

Tác giả: Quan Dương

Một cuộc tình mỏng như khói sương
Là khói mây tụ về hậu kiếp?
Mò chai rượu nửa khuya bật nút
Nhớ đen thui con mắt hạt huyền
Hai mươi tuổi, cấp bậc chuẩn úy, chức vụ trung đội trưởng tác chiến, tôi được bổ nhiệm về một đại đội biệt lập trực thuộc Tiểu khu Darlac.
Từ Ban Mê Thuột quá giang theo chiếc GMC tiếp tế cho chi khu Buôn Hô, tôi vượt quãng đường dài ngót nghét hơn 50 cây số để tìm đến đơn vị mình. Đơn vị đóng quân ở Buôn Wik cách Buôn Hô 10 cây số. Trung úy đại đội trưởng cho lính mở đường đưa chiếc xe dodge duy nhất của đại đội để đón thằng sĩ quan non choẹt vào rừng. Chiếc xe ì ạch trồi lên trụt xuống trên hương lộ đất đỏ rộng bằng cườm tay lởm chởm, bụi tung đầy trời ngập đất phủ lấp khoảng niên thời tôi vừa bỏ lại sau lưng. Tôi thực sự đi vào chiến trận. Chỉ có hiện tại, không còn quá khứ và không có tương lai. Cây cối hai bên đường rậm rạp, âm khí của núi rừng xâm nhập vào trạng giác khó diễn tả như là tôi càng lúc càng đi xa ánh mặt trời để đi vào địa phủ. Chấp nhận và bỏ mặc. Tôi đang trưởng thành dù mới ngày hôm qua đây thôi chứ mấy tôi hãy còn là một gã học trò lòng chất đầy mộng mợ Hơi rừng lạnh, âm u, bất giác nhớ dáng má gầy hôm đón chiếc xe đò từ Ninh Hoà lên Ban Mê Thuột. Má không nói gì vì tôi không phải là đứa con duy nhất rời xa mái ấm gia đình để lăn vào cuộc chiến. Nhớ đến má trong khi đi vào ngày mai mịt mùng. Tôi bỗng cười xoà với nỗi nhớ trẻ con này. Mấy người lính Thượng bụi đất đỏ bám đây mặt mày chỉ chừa tròng trắng hai con mắt và hàm răng. Những khuôn mặt trông ngô nghê hiền lành khác hẳn với sự hiện diện súng đạn vũ khí hung bạo họ đang mang trên người.
"Chuẩn úy trông còn trẻ quá"
Tiếng lơ lớ không bỏ dấu của một người lính Thượng chìm vào tiếng rì rào của chiếc xe dodge dang ì ạch leo lên con dốc. Trung úy đại đội trưởng lớn hơn tôi khoảng vài ba tuổi, nhỏ con chắc nịch. Chùm râu xỉa ngang xỉa dọc trên mép, nét tự tạo cô hồn vẫn không che lấp được cốt cách phong nhã của một thanh niên thành phố chấp nhận lăn thân vào trò chơi sinh tử của chiến tranh. Ông cho trung đội tập họp, nói ít lời qua loa rồi giao tôi toàn quyền chỉ huy trung đội. Hai mươi mốt khuôn mặt, không khuôn mặt nào giống khuôn mặt nào và cũng không khuôn mặt nào còn búng ra sữa như tôi. Trên danh nghĩa là cấp chỉ huy, nhưng trong thực tế tôi chỉ bắt đầu học ở họ bài học vào đời của mình. Buổi chiều đầu tiên sống với núi rừng, nghe tiếng gió hú rớt đầy buôn Thượng, chạnh lòng nghĩ ngợi lung tung, tôi thấy hồn vương vấn điều gì rất mơ hồ thoáng ẩn hiện không thể nào hình thành trong trí óc. Tôi hãy còn độc thân, chưa có người yêu để còn chút nỗi nhớ ký trao. Những người lính Thượng nhúm những khúm lửa nhỏ nấu vội vã ít thức ăn được đựng trong những chiếc gà mên nhà binh. Dân làng người Rhadé đang lục tục kéo nhau về từ các nương rẫy. Sự cô quạnh đổ ập lên buổi chiều hắt hiu sớm hơn qui trình của đất trời dành cho một ngày. Một người lính sau khi cơm chiều xong ôm chiếc kèn làm bằng trái bầu phơi khô kéo ò e... lê thê nghe trầm thống vô cùng. Một người lính khác cất giọng hát. Tiếng hát khàn đục từng chữ một nghe như tiếng gào đêm của con mèo đực thất tình đi tìm ý trung nhân giữa đêm cuồng tịch.
"Họa say mô dam, bed lamp mô miê... Ơh yang ơh băp tay yăng..à.. à... "
Tôi không hiểu được ý nghĩa của lời nhưng giọng hát xoáy vào cảm giác như những tiếng nỉ non. Tôi hỏi trung sĩ trung đội phó:
"Câu hát đó, tiếng Kinh có nghĩa gì vậy?"
"Dạ, ăn cơm không có cái canh, ngủ không có đàn bà. Trời cao có thấu .."
"Sao thảm thiết như vậy, tâm trí dành hết cho ba cái thường tình lục dục đó thì làm sao còn ý chí để chiến đấu?"
"Chuẩn úy sống thêm ở đây thêm một thời gian rồi chuẩn úy sẽ hiểu"
Để hiểu ý nghĩa câu trả lời giản dị của ông trung sĩ già, tôi bắt đầu thấm thía cuộc đời lính thú trấn giữ tiền đồn. Trên mảnh đất cách quốc lộ 14 chừng mười cây số mà dường như có một cách trở xa xôi nào đó mỗi khi lòng chạnh nhớ quê, nhớ cả những thằng bạn con bạn chưa hề thân chưa hề gây ấn tượng, nhớ những sinh hoạt thường ngày. Nỗi nhớ như những lời thì thầm nhức nhối đã đem tôi thân thiết gần gũi hơn với đám lính dưới quyền. Mùi lính mùi tanh nắng của đồng đội không còn khiến tôi phải khó ngửi như lúc ban đầu. Tôi yêu thích cuộc sống hiền hòa của người Rhadé trong buôn, sự bình thản của lính miền xạ Có những đêm nằm thu mình trong một góc nhà sàn, thấy suối rừng chảy mát rượi đầy giấc chiêm bao. Thích thú thấy mình mọc lông thành khỉ, mọc đuôi thành vượn nhảy nhót với núi rừng. Những đêm phục kích chờ địch ngoài bờ bụi, trong bóng đêm để chờ đợi sự rủi may, tôi vẫn bình thản gối đầu lên dây ba chạc cuốn tròn ngước nhìn trời với muôn ngàn ánh sao đêm. Ở một góc bí mật nào trong tâm tư, tôi vẫn còn chứa đựng dòng máu mơ mộng của một gã con trai vừa mới lớn. Những buổi trưa sau một cuộc lục soát dừng quân bên suối, trong khi chờ đợi người tà lọt nấu vội vã nhúm lá Dang rừng, ngồi dựa lưng vào gốc cây, đọc lại những bài thơ chép vào nhật ký hành quân, thả hồn lặng lẽ vào những đóa hoa mọc lẻ loi trong kẽ đá. Tôi nửa thú nửa người sống với cuộc sống hoang dã gần như quên hết chuyện thị thành. Nửa thú vô tâm, không biết buồn, biết vui, biết giận... nửa người để hút thuốc, làm thơ con cóc. Những ngày không đi hành quân la cà vớ vẩn dạo chơi quanh buôn, lăn xả vào đám dân làng để uống rượu cần, đùa giỡn với đám con nít trần truồng mũi chảy lòng thòng ngờ nghệch. Trên cơ thể tôi cũng chắc đã có mùi chua của mồ hôi nắng gió, và chẳng còn phải ngứa ngáy vì những mùi ngai ngái đồng bào đó nữa. Tuy thế thỉnh thoảng vẫn đọng lại nỗi niềm bâng khuâng vì đâu, vì đâu... Tôi mơ màng tìm kiếm tại sao nỗi rờn rợn kia lại có? Đám lính dưới quyền chia nhau canh gác, số còn lại ra suối bắt cá, vào rừng bắn chim. Đời lính nếu gạt bỏ được sự vướng bận của sự đợi chờ cái chết bất chợt dẫn đi, kể ra cũng có niềm vui riêng của nó.
Một buổi sáng thấy người lính Thượng đang ngồi lặng lẽ quan sát hai con gà đang làm tình, miệng lẩm bẩm câu than thở "ăn cơm không có canh, ngủ không có đàn bà.." thường nghe, tôi hỏi:
"Mày nhớ con đàn bà lắm à?"
"Dạ, nhớ lắm chuẩn úy. Cả năm nay chưa được về thăm con vợ"
"Nhớ "bắt cái nước" chứ gì?"
"Dạ. Chứ bộ chuẩn úy không nhớ cái đó à?"
"Tao còn độc thân chưa có vợ con lấy gì mà nhớ. Khí dồn lên não lắm thì chỉ biết bắn máy bay thôi"
Người lính cười. Tướng tá đen thui dơ dáy thấy tôi vui vẻ bắt trớn làm tới:
"Bắn máy bay không sướng bằng con đàn bà đâu chuẩn úy ơi"
"Ừ thì hôm nào cũng phải hạ san xuống núi để thử đòn một chuyến. À, mà mày mỗi khi lâm trận chơi được bao nhiêu phút?"
"Không tính được chuẩn úy. Người Thượng tụi em chỉ biết quấn nhau lăn thôi, không có lên có xuống, không có đi có đi có dìa như người Kinh"
"Sao mày biết người Kinh có đi có dìa. Mày chơi con gái người Kinh rồi hả?"
"Đâu có chuẩn úy. Con gái người Kinh đời nào chịu tụi em. Sở dĩ em biết được là do Trung sĩ Thành nói"
"Cái ông Trung sĩ lựu đạn chuyên dạy lính tráng ba cái chuyện bá láp là giỏi"
Người lính dùng hai tay chập vào nhau. Động tác tục tỉu. Nhe răng ra cười. Hai cái môi dày nhăn nhíu đen thui, khi cười bày hai cái lợi răng đỏ choét thấy mà bắt ớn. Lại còn hàm răng vàng khè vì khói thuốc, môi nó chẳng khác gì lỗ đít của con bò cái già.
"Chuẩn úy xem"
Theo tay chỉ, trên khoảng sân trống giữa hai khu nhà sàn, một con gà trống đang xòe cánh sát đất co một chân chạy lảo đảo chung quanh một con gà mái, trông y như một anh kép mùi trên sân khấu của một tuồng hát bội đang cầm cán chổi giả làm ngựa hát bài tẩu mã.
"Con gà đàn ông đang dụ dỗ con gà đàn bà kia chuẩn úy"
"Thấy rồi. Để im cho nó chơi. Thủ tục trước khi đạp mái chứ dụ dỗ gì mày. Bất cứ cuộc hành lễ nào trước khi bắt đầu cũng đều làm thủ tục"
"Chuẩn úy rành quá ha"
"Rành gì rành, ai lớn lên lại không biết chuyện đó, biết thét rồi cũng phải có kinh nghiệm thôi"
"Vậy mà H' Ngoan nói với em là chuẩn úy thiếu kinh nghiệm mà lại nhát nữa. Có lần nó thấy chuẩn úy rình nó tắm bên bờ suối"
Tôi đỏ mặt. Cái chuyện thầm kín đến thế mà mấy thằng lính ba trời này cũng biết
"Tao đi quan sát địa thế vô tình gặp thôi, đâu biết tụi nó lại tắm vào giờ đó"
"Thấy cũng đâu có sao, chuyện tự nhiên thôi có gì đâu mà chuẩn úy ngại. Cả làng này ai mà không biết"
Trời đất. Chuyện tôi chuẩn bị biến thành người Thượng đến cả một làng biết? Tôi chợt nhớ đến H' Ngoan, hình dung ra khuôn mặt của người con gái Thượng này. Mái tóc cắt ngắn úp vào khuôn mặt tròn, H' Ngoan đẹp nhất là đôi mắt. Đôi mắt đen thăm thẳm và buồn.
Đêm đó, tôi rúc lên góc nhà sàn nơi chiếc võng được mắc sẵn vừa đặt lưng, vội vàng nhỏm dậy cùng với một bất ngờ. Khung gỗ vuông giữa nhà sàn dùng làm nơi đốt lửa bỗng khác lạ hơn mọi đêm, bởi vì ẩn hiện dưới ánh lửa chập chùng một khuôn mặt liêu trai chập chờn. Người con gái ngồi lặng lẽ, như đã ngồi lâu lắm từ kiếp trước. Từ bóng tối nhìn ra tôi nín thở giữa chốn rừng thiêng heo hút, nín thở vừa đủ ánh lửa soi hiện một khuôn mặt não nùng. Man mác chảy rợn trong lòng một cảm xúc mơ hồ. Tôi là thằng lính 20 tuổi, chưa hề có cảm giác yêu ai do đó cái cảm xúc của một người dành cho một người như thế nào tôi không định rõ. Tôi chỉ biết cái cảm giác rờn rợn giống như tôi đã từng có trong lần tao ngộ chiến đầu tiên với địch. Lần đầu tiên biết mùi súng đạn, giữa tiếng súng nổ rền vang, để tranh lấy cái sống chỉ còn có một cách liều mạng tiến lên. Tôi ôm khẩu M16 miệng la gần khan cổ, trong bụng không thấy sợ nhưng vẫn thấy rộn ràng. Cảm giác rộn ràng kích thích các tế bào da trên cơ thể cứ khiến tôi muốn són đái ra quần. Tôi nín thở nhíu người để tự trấn an cái cảm xúc kỳ cục đó. Lần này cũng vậy người con gái thượng du ngồi bên bếp lửa trong đêm đã tái diễn cảm xúc rợn người kia trong tôi. Tôi ngồi trong thinh lặng để ngắm nhìn. Bất chợt đôi mắt nàng ngước lên chĩa vào góc tối nơi tôi mắc võng. Chưa chắc nàng đã nhận ra tôi, nhưng phản xạ tự nhiên khiến tôi vội vàng nằm xuống, chính cái phản xạ này gây ra tiếng động ở hai đầu võng đang buộc vào cột nhà sàn. Biết bị lộ, tôi bước xuống lên tiếng chào trước:
"Chào cô"
Nàng không có vẻ gì ngạc nhiên:
"À.. Chào ông lính"
"Tôi đóng quân ở đây lâu rồi nhưng thấy cô đây là lần đầu!"
"Em học dưới trường quận, lâu lắm mới về một lần"
"Thì ra vậy... cô tên gì?"
"H' Ngoan"
"H' Ngoan? Tên giống người Kinh ghê"
Nàng hỏi lại tôi:
"Ông lính tên gì?"
Tôi chỉ vào bảng tên thêu trên túi áo. Nàng chậm rãi vừa đọc vừa hỏi:
"Dam..??? hay Dâm... ???"
"Không phải dâm đâu. Tên tôi là Đậm. H' Ngoan cũng biết đọc tiếng Kinh?"
"Em đã nói với ông là em đang đi học mà"
"Hèn gì H' Ngoan nói tiếng Kinh rành như thế. Tôi thấy H' Ngoan có nét đẹp không giống người thượng du"
"Nghe mạ em nói, ba em là ông Tây làm ở đồn điền Rossy, nhưng về nước lâu lắm rồi, về tận hồi chưa đẻ em ra lận"
"H' Ngoan lai hai dòng máu, do đó trông H' Ngoan xinh đẹp như vậy, nhất là đôi mắt.."
"Ông Đậm cũng đẹp vậy"
"Ờ tại ba má tôi đẹp sẵn rồi"
"Quê ông ở đâu?"
"Nha Trang. Tôi từ miền xuôi thuyên chuyển về đây"
"Chắc núi rừng làm cho ông buồn lắm?"
"Ban đầu thì cũng buồn, nhưng sau đó không buồn nữa trái lại tôi rất thích cảnh núi rừng, giờ lại quen với H' Ngoan nữa tôi lại càng thích... "
"Ông Đậm nịnh đầm hay ghê"
"H' Ngoan về nhà chơi chừng nào đi lại?"
"Tôi ở hết mùa hạ này"
"Vậy thì hay quá. Tôi có dịp làm quen với H' Ngoan rồi"
Những ngày sau đó sự cô quạnh không còn đổ ập về sớm trong mỗi buổi chiều. Tôi mong chiều xuống cho thật nhanh để ngóng ra cổng phía sau bờ suối tìm bóng dáng H' Ngoan lẫn lộn trong đám dân làng từ nương rẫy kéo về. Trước khi hàng rào dây kẽm gai được kéo lại, trong lòng tôi chợt reo vui khi thấy từ xa bóng dáng gọn nhỏ chắc chắn của nàng. Hai tay đan chặt vào chiếc dây mắc chiếc gùi đè nặng trên lưng khiến khuôn ngực tròn phía trước rướn căng gần như không cần che dấu. Khi ngang qua đám lính lố nhố thế nào nàng cũng liếc nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Làn da đen xám trộn màu lai của nàng tạo nên một nét duyên dáng riêng. Nét duyên dáng đó chỉ có những ai hòa thân cùng cây cỏ mới thấy được. Tâm hồn của những người dân Rhadé mộc mạc như cuộc sống, dung dị hiền hòa như một thứ cỏ mọn hoa hèn. Âm thầm mọc lên để vươn vai cùng sương gió, cùng mặt trời không một tiếng động. Những bước chân đất nhẹ nhàng lướt lên cọc nhọn chông gai của gốc cây rừng, của sỏi, của đá không một tiếng than van. Chiến tranh giăng đầy ở khắp mọi nơi không riêng gì ở đây, nhưng ở đây đôi lúc dường như chiến tranh cũng chẳng qua là một sinh hoạt thường ngày như ăn, ngủ kể cả cái chết. Những người còn sống đem chôn những người vừa chết bình thản không có gì phải buồn, không có gì phải vui. Nụ cười của H' Ngoan tích tụ từ cảm quan thiên nhiên giao hợp đó. Nụ cười sẽ không bao giờ phai nhạt trong tôi, khi mà ở cái tuổi còn quá trẻ tôi chưa hề được ai ban bố cho một nụ cười. Tôi không phân tích được tâm trạng của mình, nhưng qua những nôn nóng trong ngày mong đợi H' Ngoan từ nương rẫy trở về, tôi biết lòng tôi đang té quị. Buôn Wik lèo tèo vài ba chục nóc nhà sàn. Vì là điểm chiến lược để phòng thủ chi khu nên sự hiện diện của một đơn vị tác chiến rất là cần thiết. Đại đội hằng ngày chia nhau đi lục soát chung quanh buôn đêm về chia nhau phòng thủ canh gác. Thỉnh thoảng mở đường để xuống quận để nhận tiếp liệu. Có đụng độ vài lần với ba toán du kích lẻ tẻ, không ăn thua gì. Đánh nhau như vầy trong khi cuộc chiến đang sôi động khắp nơi trên chiến trường đất nước, kể ra cũng nhàn hạ. Tôi cứ thế tà tà cầm súng, ngao du sơn thủy chẳng còn có gì để phải nghĩ đến ngày hôm qua, chẳng cần phải nghĩ đến ngày mai. Dằn vặt với nỗi thống khổ cho nhiều cũng chẳng giải quyết được gì cho khổ nạn quê hương mắc phải. Tự xem xác thân này kể như không có, cuộc chiến không biết bao giờ tàn, nếu quả cái mạng này âm ty địa phủ không thèm dùng đến thì đâu cần phải giữ mà vẫn sống trơ trợ Một viên đạn nhỏ xíu xuyên vô hình trong không khí làm sao tránh? Nếu Nam Tào giũ sổ thì trốn đằng nào? Tôi cứ thế thản nhiên làm người lính chiến trấn thủ tiền đồn. Ông đại đội trưởng nhiều lúc cằn nhằn:
"Tôi thấy cha nội tỉnh bơ với cuộc chiến này như là giởn chơi, cứ nhởn nhơ như là đi picnic"
Tôi chỉ cười. Biết nói gì hơn. Trong ba lô, ngoài chiếc võng, một cái poncho, một cấp số đạn còn ít quyển Tuổi Ngọc dành cho lứa tuổi ô mai, tím đen hơn tí nữa ít tờ tạp chí Văn mà tôi nhờ người hạ sĩ quan tiếp liệu mua giùm mỗi khi về Ban mê Thuột. Chỉ vậy thôi. Tôi chép vào nhật ký những câu thơ hay, thỉnh thoảng ra bờ suối ngâm cho dòng nước chảy nghe. Trang đầu quyển nhật ký tôi chép hai câu thơ của Hermann Hess: Dù đau đớn quằn quại, tôi vẫn yêu thương thiết tha trần gian điên dại này. Tôi ghi lại những cảm xúc nửa trần tục nửa thanh cao mà tôi có từ vóc dáng H' Ngoan. Tôi vẫn thường nói với nàng "Cám ơn Yang đã đem em đến cho anh, dù trong khắc nghiệt của hoàn cảnh. Anh chẳng có gì phải hối tiếc khi tuyên bố yêu em" H' Ngoan đáp lại tình tôi cũng chẳng cần phải toan tính thiệt hơn, cũng chẳng phải cần nghỉ đến muôn vàn trắc trở cho một kết quả trong tương lai. Hai chúng tôi là hai kẻ khùng điên đầy tội nghiệp. Một cuộc tình không giống ai mà lại được hiện hữu. Người khách quan nhìn vào khó lòng mà chấp nhận. Nhưng hai chúng tôi đã chấp nhận nó, chấp nhận bằng sự thật lòng, mặc ai muốn hiểu sao thì hiểu.
"Con gà đàn ông chơi con gà đàn bà được chục cái rồi đó chuẩn úy"
Thằng lính khoái chí la to lên. Tôi giật mình trở về thực tại. Cặp tình nhân gà nghe tiếng động dớn dác đưa mắt nhìn quanh rồi chạy tuột vào gầm nhà sàn. Sự phản xạ trong thời buổi chiến tranh trước nỗi bất an từ trên trời rơi xuống của người và vật đều giống nhau. Tất cả đều nhanh nhẹn phi thường.
"Cái thằng cà chớn không chịu im lặng để xem. Mày làm nó mất hứng bỏ chạy mất rồi"
"Chuẩn úy đâu có xem. Chuẩn úy chỉ nhớ H ' Ngoan thôi"
"Sao mày biết tao nhớ H' Ngoan?"
"Biết chứ.H' Ngoan như con gà đàn bà, còn chuẩn úy như con gà đàn ông. Con gà đàn bà xuống đi học trường quận bỏ chuẩn úy ở lại, nên chuẩn úy nhớ nó phải không?"
"Nói bậy đi mày. Mày nhớ cái vợ mày thì có"
H' Ngoan đã trở lại trường sau ba tháng hè. Trường quận cách buôn Wik quãng đường mưới cây số không dài lắm, nhưng giữa lúc có chiến tranh là một quãng đường nhiêu khê, sự chết đang rình rập không chừa một tấc đất nào. Một lần trung đội mở đường, tôi xông thẳng vào trường nàng đang học. Năm cái nhà tole thấp lè tè xơ xác càng tăng thêm phần hiên ngang của tôi khi trên người là dây ba chạc với khẩu M.16 cầm taỵ Tôi rủ nàng ra quán nước gần đó... Vai vác súng, nàng đi bên tôi, cặp tình nhân đi bên nhau mà giống y như là nàng đang bị tôi áp giải. Tôi rên rỉ:
"Anh rất nhớ em"
"Em cũng vậy"
"Hay là em đừng đi học nữa. Em bỏ học để cưới anh làm chồng cho rồi"
"Em sợ anh không chịu thôi"
"Sao không chịu. Em đẹp và dễ thương như vầy"
Tôi đùa:
"Anh chỉ sợ H' Ngoan thách cưới mắc quá, anh chịu không nổi mà thôi"
Nàng cười:
"Em chỉ đòi anh một ché với hai trâu thôi, rẻ lắm mà"
"Trời đất, một ché với hai trâu mà rẻ? Hết mấy tháng lương của anh rồi còn gì? Nhưng H' Ngoan cưới lính, em có sợ phải ở góa không?"
"Em không sợ, trong làng tụi nó cưới lính thiếu gì"
"Mai mốt anh đổi về miền xuôi, H' Ngoan có đi theo chồng không?"
"Chuyện đó thì em chưa biết"
Thử tưởng tượng, H' Ngoan quấn sà rông đi dạo phố Nha Trang với tôi, thế nào cũng có kẻ cho tôi là thằng dở hơi. Làm sao những người phố thị đang bình yên trong cuộc sống, có ai hiểu được những nhân vật dở hơi dị hợm này chính là những kẻ lăn thân nơi đèo cao núi thẳm, che chắn khói lửa chiến tranh khỏi phải chảy xuống đồng bằng. Những sinh vật này cũng có trái tim biết co giãn để điều lượng máu nuôi cơ thể cũng biết rung động giữa những con người với con người. Tôi nói với nàng:
"Anh sẽ ở lại buôn làng với H' Ngoan, anh không về xuôi nữa"
"Cả đời?"
"Phải, cả đời"
Cả đời. Hai chữ cả đời tưởng dài lắm làm sao ai biết trước cả đời mà lát nữa đây chỉ là một quãng đường ngắn trên đường về buôn? Sự chết đang rình rập đầy dẫy khắp mọi nơi.
"Nhưng lỡ mai mốt anh đổi về đơn vị khác thì sao?"
"Anh biết tìm đường về buôn Wik mà"
"Như vậy thì nguy hiểm lắm"
"Nguy hiểm đâu bằng em dám yêu một người lính trận trong thời buổi chiến tranh?"
"Em bằng lòng chơi trò nguy hiểm đó với anh"
Đó là lời ước hẹn. Người Rhadé đã chịu thề hẹn rồi thì khó hòng mà trốn thoát. Nhưng thực tâm tôi nào có bao giờ tính chuyện trốn thoát khỏi nơi nàng? Tôi khẽ nắm lấy bàn tay chơn chất, lòng bàn tay nhám cứng chuyền qua cảm xúc tôi là một dịu êm vô bờ. Khi tôi kéo trung đội về buôn, chiều đổ sầm xuống, tiếng chim rừng xào xạc gọi bầy tìm nơi trú đêm, tiếng man kêu lạc bạn tác tác từ xa nghe vọng về như có tiếng gì u uẩn từ trong đôi mắt của H' Ngoan. Tôi hỏi:
"Khi nào H ' ngoan về buôn Wik thăm anh?"
"Đến hè này"
"Mùa hè này, em nhớ có anh đợi đừng quên"
Mùa hè chưa kịp đến thì tai ương đổ ập lên đầu đất nước tôi. Tôi không giữ tròn lời ước hẹn. H' Ngoan cũng chưa kịp bỏ học để cưới tôi làm chồng. Tôi bị cuốn theo cơn lốc xoáy của chiến cuộc theo đoàn quân tháo chạy khỏi cao nguyên. Cuối cùng tôi đến một nơi không bao giờ tôi nghĩ là tôi sẽ đến. Thay vì trở thành một gã thượng du sống cùng núi rừng cây cỏ, tôi lại trở thành một gã nước ngoài xa lạ với nơi tôi vừa tháo thân. Tôi không còn con đường trở lại buôn Wik. Người ta thỏa rập nhau để cố tình quên một mảnh đất có tên trên bản đồ với diện tích ba mươi hai ngàn sáu trăm cây số vuông. Một mảnh đất rộng lớn có cái tên là Việt Nam người ta còn không có đường về, nhằm nhò gì cái buôn Wik to bằng cái nắm taỵ Những năm đầu tứ cố vô thân, tự bươn thân kiếm sống, nỗi cô đơn cứ khiến mỗi đêm về nhớ mãi bóng dáng của H' Ngoan. Những lá thư tôi gởi về địa chỉ này cứ đi lòng vòng qua nhiều quốc gia rồi biến mất ở một nơi nào tôi không được rõ. Tôi tìm đủ mọi cách liên lạc với nàng nhưng vô vọng.Tôi đã từng hứa tôi không trở về xuôi nữa, tôi ở miền ngược để sống với H' Ngoan cho hết cả một đời. Cả một đời? ! Khi tôi hứa với nàng một đời chỉ đặt vừa đủ gọn trên con đường ngoằn ngoèo xuyên rừng xẻ núi dài vỏn vẹn 10 cây số. Tôi đâu nghĩ con đường đó kéo dài qua khỏi biên giới của đất nước. Tôi không được mọc lông thành khỉ để nhảy nhót vô ưu với núi rừng, ngược lại tôi phải cạo lông hằng ngày để trở thành người văn minh. Lẫn vào đám đông mũi hít ngửi mùi nước hoa đủ loại sao tôi nhớ mùi khét nắng của đồng đội tôi xưa. Trong óc tôi vẫn còn vang động mãi tiếng rì rào của con suối. Những lúc giật mình thức giấc giữa đêm khuya thấy con đường khúc khuỷu quanh co từ nơi tôi đóng quân đến trường H' Ngoan học, nhớ những lúc trở chứng đi thăm nàng dẫn theo cả trung đội đi mở đường, làm cha một cõi hiên ngang như loài thảo khấu coi trời đất bằng vung. Ở đây, núp mình trong cuộc sống, ngày lái chiếc Lexus đời 2000 đi đi về về trên xa lộ thênh thang tiếng động cơ của xe êm ái sao vẫn nhớ tiếng ì à ì ạch của chiếc xe dodge xanh màu lính già nua mỗi khi leo mệt nhọc lên con dốc. Tiếng kêu la vang động với núi rừng khiêu chiến với loài núp mặt ẩn danh. Ăn toàn cao lương mỹ vị vẫn thèm chút hương vị đậm đà của mấy chiếc lá Dang chua chua nấu với nhúm muối hột cùng vài con tôm khộ Lăn thân trong chốn ồn ào vẫn nhớ hoài những trưa hè im ắng tiếng người trên buôn làng xưa. Nghe đâu đây tiếng con chim rừng buồn thê thảm gọi hè trong nỗi nhớ lặng câm, tiếng con man kêu tác tác lạc bầy giữa núi rừng hiu quạnh. Tôi là kẻ thành danh trong xã hội, thành công trong cuộc sống, nhưng tôi có phải là kẻ thành nhân trên nỗi thống khổ bất lực của một khung trời mà tôi trót đã hóa thân? Tôi không được mọc lông thành khỉ, nhưng tôi có khác nào con khỉ sống ở xã hội văn minh này. Kiểu sống của tôi cũng rập khuôn bắt chước một cách vô hồn trong guồng máy vô tâm vĩ đại, làm một con khỉ nhảy nhót chụp giựt giữa đời thường không còn quyền tự chủ cho bản năng của mình. H' Ngoan chắc chắn vẫn còn sống ở một nơi nào trên trái đất bao la rộng lớn cũng như tôi chắc chắn vẫn còn sống ở đây. Chắc chắn nàng mãi nhớ đến tôi, cũng như tôi chắc chắn mãi nhớ đến nàng trong cái đầu nhỏ hẹp. Như thể nàng đang hiện diện mà tầm tay tôi vói hoài vô vọng. Nỗi nhớ của tôi tích tụ trong không gian vô tận không hề tan và nỗi nhớ của nàng cũng vậy. Cả nỗi nhớ của hai con người tội nghiệp đều tích tụ giữa không trung, lạc loài nhau trong bầu khí quyển. Trong vũ trụ có một sự sắp đặt khéo léo, có một định luật cao cả chi phối mọi sự. Nếu nhìn lên không trung sẽ thấy một khoảng trống bao la nhưng thật ra có một khí lực bàng bạc bao trùm vũ trụ. Cái khí lực này hết sức tế vi nó có khả năng thu nhận phổ biến và truyền đạt tất cả những ấn tượng của mọi động lực trong thiên nhiên. Phần lớn những cảm xúc của con người cũng chịu những biến đổi của trạng thái từ điện trong thiên nhiên. Nỗi nhớ là biến chứng của trạng thái rung động, biểu lộ từ điện của sự giao cảm giữa nhũng tâm hồn đồng nhịp, đồng thanh, đồng khí. Tại sao tôi không được quyền hy vọng theo chu kỳ trái đất, nỗi nhớ chúng tôi sẽ có một lần hội ngộ? Những tín hiệu li ti bắn lên trời bằng cảm xúc tại sao không được một lần hòa quyện vào nhau. Tôi có quyền nghĩ cái nhớ của tôi và cái nhớ của nàng là có, là hằng sống. Nếu khẳng định như thế tại sao không kỳ vọng vào một ngày nào đó với đà tiến vượt bực của nền văn minh điện toán loài người sẽ phát minh ra một loại máy để tóm thâu những cảm xúc của những người chung thủy yêu nhau trong đất trời này. Làm được chuyện đó rồi thì công việc chế biến ra một loại solfware để thanh lọc dữ kiện trên không có gì là khó. Những người hằng nhớ nghĩ về nhau chỉ việc mua về load vào máy computer ở nhà. Khi mở máy lên nỗi nhớ sẽ hiện thành lời trên màn hình, những lời được chiết phát tự trái tim chân tính. Trong tâm thức của vũ trụ, các luồng khí lực giữ gìn và lưu trữ những gì đã có trong trời đất. Trong tâm thức con người, những rung động chân thật sẽ tạo nên một luồng cảm điện chuyền ra trên những đầu ngón taỵ Máy computer sẽ cảm nhận được khi ngón tay đặt lên một cái nút đặc biệt, những dòng chữ trên màn hình sẽ thỏa mãn cho ta thấy lại được khuôn mặt của người từng yêu nhớ. Lúc đó chắc chắn tôi sẽ là người đầu tiên được thấy lại nàng. Dù nàng trên màn hình chỉ là ảo ảnh. Cho là ảo ảnh đi chăng nữa, miễn tôi thấy lại được nàng thì mới thấy lại được chính con người đích thực của tôi.
Còn bây giờ chẳng qua tôi chỉ là một con người giả sống trong cuộc đời thật mà thôi.

Hết

Các tác phẩm khác của Quan Dương

Trải lòng theo cơn bão Katrina

Tôi và Nga

Tình Đầu

Ngọn Cỏ

Nga và Tôi

Một Quảng Đường Kỷ Niệm

Một Chuyện Tình Hồi Tưởng Lại

Một Câu Chuyện Không Đầu Không Đuôi

Lá Rụng Về Cội

Cô Bé Sau Vườn

Chuyện Cổ Tích Cuối Thế Kỷ 20

Chùm Lông Nách

Chiếc Lá

Chiếc cầu thời thơ ấu