Chiếc Lá Hình Giọt Lệ
Tác giả: Quế Hương
Suốt thời niên thiếu, tôi nghiện hương vị Tết phả ra từ căn bếp chị Thời. Hương vị ấy bám mãi trong lòng tôi, dai dẳng, da diết mỗi dộ xuân về... Sau tiết Đại hàn, khi mưa chỉ còn lất phất, lâm thâm và rét đã đằm đi, dịu lại, cây mai vàng trẩy lá sớm của chú Tâm lác đác vài nụ chúm chím, chị Thời bắt tay chuẩn bị Tết. Từ bên ni hàng rào chè tàu ngăn hai nhà, tôi thấy chị tất bật đi về với những giỏ xách nặng triu. Mẹ nhìn qua lẩm bẩm: "Cái con giỏi thiệt! Tau mà là thằng Tâm... " - Mẹ bỏ lửng câu nói nhìn chú Tâm ngồi thẫn thờ ngắm nắng, lắc đầu.
"Mai nắng to không anh Tâm?" - Chị Thời nhìn chú, hỏi qua rào.
Chú Tâm nhìn trời rồi ngâm nga: "Trời mưa thì mặc trời mưa. Tôi phơi dưa món... trới chừa tôi ra!".
Chị tủm tỉm cười bắt tay làm dưa món. Nhìn chị tỉ mỉ tỉa dưa mà không nỡ ăn. Ngọn lá, cây thông, hoa đào, trái lựu bằng đu đủ đẹp như ngọc, những con thú bằng cà rốt, su hào xinh như đồ chơi. Có một năm chú Tâm dự báo thời tiết không đúng, chị phơi dưa vài ngày không được nắng. Dưa thiu, chị ỉu xìu còn chú Tâm quạt lửa than cho chị ngồi hong đến nửa đêm. Cái thẩu dưa món ấy chị gọi là "dưa - nắng - Ốm".
Cái Tết đối với tôi không chỉ ba ngày. Nó dài ra theo những ngày làm mứt và ăn mứt nếm của chị. Đi học về là tôi chạy bổ sang nhà chị. Bao giờ cũng thấy chị ngồi trong bếp gọt me, gọt quất, gọt gừng, rim mứt... tóc rối ren, người sực nức mùi mứt ngào ngạt. Học xong, tôi lạii qua ngồi canh mứt với chị, đợi chị cho ăn mứt vét. Đối với tôi, không có thứ mứt nào trên đời lại ngon lạ ngon lùng như thế. Tinh tuý cả thau mứt dường như lắng lại trong những vụn đường, vụn mứt dưới đáy thau. Có khi đợi không nổi, tôi ngủ gục trên vai chị. Cả trong giấc ngủ tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp, thơm tho không bờ bến vây bọc lấy mình trong đêm cuối đông.
Chú út Tâm của tôi mắc bệnh thất tình từ khi chị Hà, người yêu chú đột ngột đi lấy chồng. Chú hay lẩm bẩm đọc thơ hoặc ngồi im như Bụt. Nhưng chớ dại chọc chú nói. Chú sẽ tuôn ra như nước chảy miên man câu chuyện tình đầy ắp ký ức của chú đến lần thứ một ngàn lẻ một. Chỉ có một người láng nghe lần thứ một ngàn lẻ một chuyện tình của chú mà không trêu chọc, đó là chị Thời.
Nhà chị Thời có ba cô con gái. Chị là con đầu, không đẹp nhưng có mái tóc đẹp còn hơn tóc người mẫu quảng cáo dầu gội đầu. Tôi thích nhìn chị mặc áo lụa, túm hờ hai lọn tóc bằng chiếc nơ nhung đen đằng sau. Nghe nói hồi đi học có nhiều người chết đuối trên suối tóc chị nhưng không hiểu sao chị vẫn chưa có chồng. Mái tóc ấy luôn gội bằng bồ kết, hong khô bằng gió trời. Tôi hay nhìn chị hong tóc qua bờ rào. Cả chú Tâm cũng nhìn nhưng khi tôi hỏi chú có đẹp không thì chú lại lạc đề về một mái tóc khác. Rồi không hiểu vì cớ gì chị cắt phăng mái tóc dài đẹp nhất xứ Huế. Tôi tiếc ngẩn ngơ, nhặt chiếc nơ nhung đen chị quăng ép vào cuốn tự điển chẳng biết để làm gì. Tết năm ấy, tôi không còn được ngủ gục trên mớ tóc dài ngan ngát hương mứt của chị nữa. Chị ngồi bó gối, mái tóc ngắn lạ hoắc lạ huơ, lẩm ba lẩm bẩm: "Tôi là người vô hình. Không ai thấy tôi. Tôi là người vô hình. Không ai thấy tôi." Mái tóc nhẹ bớt mà có lẽ đầu chị nặng thêm, cứ gục xuống gối hoài. Năm ấy vụn mứt đượm mùi khét đắng.
Mẹ rủ chị Thời lên chùa Linh Mụ cúng giải lời thề cho chú Tâm vì bệnh chú mỗi ngày một nặng. Chú cứ lang thang dọc đường Lê Lợi để đón chị Hà tan trường dù chị Hà đã theo chồng tận đẩu đầu đâu. Những cặp tình nhân ở Huế không mấy ai chọn chùa Linh Mụ làm chứng cho sự thề nguyền vì sợ nữ thần áo đỏ của chùa nổi cơn ghen giáng xuống bất hạnh. Thế mà chú và chị Hà lên chùa học thi, dại dột thề nguyền chi nơi đó... Rồi không phải nữ thần giải lời thề mà chính chị Hà về lôi chú ra khỏi con mê hoang tưởng về một mối tình vĩnh cửu. Tôi không nhận ra chị vì chị như một quý bà, béo ra, đầy trang sức và son phấn. Chị thương hại nhìn chú Tâm gầy gò, xơ xác, lẩm bẩm đọc những câu thơ dành cho chị và chợt rùng mình vì không gắn kết số phận với một người như thế. Chú Tâm dường như tỉnh lạii bởi cái rùng mình của người chú yêu điên dại cả tuổi thanh xuân. Chiều ấy, những bài tho tình chép bằng mực tím lả tả bay trong gió. Tôi tiếc chạy theo lượm đem cho chị Thời. Chị ngồi đọc, chậm rãi như uống từng giọt ngọt giọt đắng trong bóng hoàng hôn. Hai cô em song sinh của chị Thời, thua chị mười tuổi, học cùng lớp với tôi hoàn toàn trái ngược với chị như nước và lửa. Hai đứa giống nhau nhu đúc, đẹp đến phát sợ, nổi tiếng từ ngày còn mặc áo đầm đi học mẫu giáo qua các kỳ thi bé khoẻ, bé đẹp, hoa hậu nhí... Một đứa mặc đầm vàng, một đứa đầm xanh để dễ phân biệt. Hai sắc màu ấy trở thành tên thường gọi của chúng - con Vàng, con Xanh. Con Vàng dễ ghét lại ngồi gần tôi. Hễ tôi chạm vào cái áo đầm xoè to như cái hoa hướng dương của hắn thế nào cũng bị hắn véo. Có cái gì khoe, hắn cướp ngaỵ Nắm đấm chưa chạm vào người, hắn đã bù lu bù loa nằm vạ. Con Xanh hiền hơn dẫu vẫn khuôn mặt búp bê giống hệt con Vàng. Tôi và hắn hay chơi trò nấu ăn, vợ chồng. Com nấu trong cái nồi đất nhỏ xíu, chưa kịp xới ra những cái chén bằng lá mít đã bị con Vàng ném đá bể nồi. Con diều cắt dán cả tuần chưa kịp thoa? khát vọng trời xanh đã bị hắn xé toang rồi lấy chân dẫm lên. Tôi nắm áo bắt đền, hắn nắm tóc tôi tru tréo. Tôi gọi chú Tâm. Hắn gọi chị Thời. Kết cục mỗi đứa bị đét vào mông một roi mới yên chuyện.
Tôi càng lớn, chị Thời càng làm mứt Tết ít đi. Bánh hộp, kẹo hộp, mứt công nghiệp ê hề ra đó, vừa đẹp vừa rẻ chỉ cần một giờ ra chợ là có cái Tết nên chẳng mấy ai bỏ cả chục ngày dài để làm như chị ngày ấy. Mốt mứt đã tàn lụi. Món mặn và đồ nhắm lên ngôi. Đi nhà nào cũng thấy gìò chả, nem tré, thịt nguội, đồ nhắm đưa caỵ Tôi đi học xa về, sà vào bếp chị. Ông Táo về trời đã mấy hôm rồi mà bếp vẫn lạnh tanh, chỉ mấy thẩu đồ chua trên kệ. Chị bảo nhà không cho làm. Bạn con Vàng, con Xanh thì nhai chewing gum, chocolate, hạt điều. Bạn bố thì thưởng thức đồ nhắm nguội mua sẵn. Mứt ế phải đem cho bọn con nít nghèo trong xóm. Không có cái bếp sực nức mùi mứt của chị Thời, hương vị Tết đối với tôi bỗng nhạt hẳn. Tôi bỏ đi chợ Tết với bạn gái. Cô ấy không biết làm mứt và cũng không cần biết, chỉ mặc thật đẹp ra phố, đảo qua hàng mứt bánh nhón nếm và chọn mỗi thứ một ít. Thế mà hồi nhỏ, tôi bảo với chị Thời lớn lên em chỉ lấy cô nào làm mứt ngon nhu chị.
Tết năm nay về nhà, tôi lại thấy bếp chị rộn ràng. Những trái me dầm đẹp như ngọc xúm xít nhau trong thẩu. Những trái quất rim vàng óng gối đầu lên nhau. Rồi mứt hạt sen đài các, mứt khoai dân dã, mứt khế như cô bé lọ lem mà tôi mê mẩn cũng có mặt. Trên lò than âm ỉ nóng lại là thau mứt dẻo rối lòng dạ bởi sự hoà quện màu sắc hương vị, cay chua, ngột đắng như đời... Người chị lại sực nức mùi mứt, ấm nóng hơi lửa, má đỏ hồng, tóc rối ren... Chị giải thích năm nay có khách xa về ăn Tết. Con Xanh lấy chồng ở nước ngoài về thăm nhà sẽ đem theo một ông Việt kiều về giới thiệu cho con Vàng. Vả lại có em và anh Tâm về... - Chị nhìn tôi rồi nhìn ra cửa, ánh mắt đợi mong. Tỉnh giấc mộng tình, chú Tâm cầm cái bằng tốt nghiệp trèơng Sư phạm tình nguyện về nơi cuối đất, làm thầy giáo ở đất rừng U Minh. Chú hẹn năm nay về ăn Tết.
Con Xanh trở về đúng lúc chị Thời vừa hoàn thành món bánh bò mứt. Tôi đứng nhìn chị trộn các loại mứt quất, gừng, cam, bí... đã cắt mỏng vào chảo đường bột đánh nhuyễn trên bếp sau đó bưng ra cả chảo trút lên cái mâm rải sẵn bột nếp khô, lấy tay nắm thành đòn dài. Con Xanh lao vào bếp, hôn tới tấp lên đôi má dính bột nếp của chị Thời, rên lên: "Em nhớ nhất là cái bếp của ch?!". Nó quay qua tôi hôn đánh chụt vào trán "ông chồng thời thơ ấu" rồi ngắt đại một miếng bánh trên mâm cho vào miệng nhai ngấu nghiến như kẻ đói khát hương nhà. Nó vẫn nhu ngày nào, đẹp rực rỡ và không để cho người khác yên. Con Vàng hơi thất vọng vì ông Việt kiều con Xanh dẫn về đã già nhưng con Xanh bảo chỉ hơn chồng nó năm tuổi. Nhiều lắm là như bài hát: Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời. Năm anh bốn mươi, em vừa tròn đôi mươi...
Đó là một kẻ tha hương bị lưu đày trong nỗi nhớ quay quắt trở lại quê nhà thì đúng hơn! Con Vàng không hợp gu với ông Việt kiều đạm hương đồng nội này. Những bộ váy cực kỳ thời trang phô thân thể son trẻ của nó không tác dụng. Vẻ đẹp từng quyến rũ bao hội đồng chấm thi thời trang, sắc đẹp từ bé đến giờ không lọt qua cửa sổ tâm hồn của người đàn ông đang là đối tượng săn đuổi của nó.
ông ta thích lang thang một mình theo những lói mòn của ký ức để tìm lại thời gian đã mất hơn là đi nhót với nó. Ông ta mê mải nhặt những từ cổ lỗ sĩ, quê bỏ xừ của các mụ nhà quê, các gánh bún bò cơm hến hơn là ngôn ngữ thời thượng của nó. Một lần, nghe chị Thời mắng yêu tôi "ăn nhu thúng lủng khu", ông hớn hở nhặt ngay như nhặt được cục vàng, cám ơn chị rối rít làm chị ngỡ ngàng. Ông bảo hồi nhỏ ông bị mạ Ông mắng như rứa khi ăn một lần ba tô cơm hến. Nghe lại nhớ quá! Nhà chị Thới mời đi ăn cơm vua ở khách sạn Hương Giang, ông lại xin ăn một bữa com dân tại gia. Chị Thời phụ trách trong bóng tối bữa cơm ấy để con Vàng được là tác giả ngoài ánh sáng. Cá bống thệ kho tiêu kiểu Huế cứng ngắc, cong vòng, canh rau dền nấu tôm, chột nưa kho, thịt phay chấm tôm chua kèm đĩa chuối chát, vả, khế, rau thơm trình bày đẹp như một tác phẩm nghệ thuật và chè khoai tía tráng miệng. Bữa cơm nhà bình thường ấy đem lại kết quả mỹ mãn. Ông Việt kiều ăn như mở toang cảm giác đón nhận hương vị, ăn chầm chậm như ngậm mà nghe mùi vị nhung nhớ trào về rồi thở hắt ra lời khen rất Huế: "Răng mà ngon dễ sợ!". Ông nhắp đắm say từng ngụm nước chè tươi thơm nức mùi gừng và bảo hai mươi năm rồi ông lại được ăn một bữa cơm đượm khí vị quê nhà như thế. Mẹ chị Thời được dịp khoe con Vàng nấu nướng giỏi, coi bộ chịu chơi vậy chứ nếu cần cũng đảm đang lắm. Còn con Vàng bảo chuyện đó đối với hắn dễ dàng như ngồi sơn móng tay.
Hai mươi tám Tết, chú Tâm vãn chưa về. Tôi phải thay chú canh nồi bánh tét. Nhà chị Thời cũng nấu. Hai bếp lửa chụm đầu nhau bên rào. Cây mai nở rộ, toàn thân nhu toa? ánh vàng trong bóng đêm, phả mùt mùi hương nhớ. Chị Thời kể cho tôi hồi bé chị hay trèo lên cây mai, mở to mắt không chớp để rình coi mai nở. Thế nhưng chẳng bao giờ chik chộp được khoảnh khắc ấy vì chú Tâm ác lắm, cứ nắm áo kéo chị xuống. Có lần chị bị té gãy chân phải bó bột, còn chú chuộc lỗi bằng cách cõng chị đi chơi cả tháng... Chị phụ mẹ làm mứt bán Tết từ thuở mười bạ Khi mẹ đẻ con Xanh con Vàng, chị làm một mình, tay sứt sẹo, nớt ra vì gọt me gọt quất... Chú Tâm thấy tội hay qua gọt giùm. Chú gọt me giỏi vì thế...
Chị ngồi bó gối, giấu ánh mắt trong ngọn lửa bập bùng, gương mặt buồn và kiêu hãnh có phần héo hon bởi năm tháng, mái tóc để dài lại gói trong chiếc kẹp cứng ngắc. Tôi lục tung đống sách cũ tìm chiếc nơ nhung đen bị gián gặm lỗ chỗ đưa cho chị. Chị cài lên tóc, cười mà mắt như có nước.
Chú Tâm về chiều 30 Tết. Nghe tiếng reo mừng chú bên kia rào, chị Thời luống cuống suýt đổ cả nồi chè đậu xanh đang nấu cúng giao thừa. Mặt chị tái đi nhưng đôi mắt ngời ngợi niềm vui không tả nổi, xôn xao chảy tràn trên khuôn mặt vốn trầm tĩnh của chị. Môi chị run run nửa cười nửa mếu. Dưới thứ ánh sáng kỳ diệu của tình yêu mãnh liệt mà câm nín ấy trông chị đẹp lạ lùng. Tôi và chị chạy ào ra cửa bếp. Chị nhìn sững chú Tâm, còn tôi nhìn sững một bóng người đứng dưới cội hoàng mai. Đó là bóng một cô gái. Trái tim tôi bỗng thắt lại bởi một linh cảm vừa ào tới. Tôi quay lại nhìn chị Thời như cố khắc ghi thoáng hạnh phúc mong manh rờ rỡ trên mặt chị trước khi nó lịm tắt.
Mứt của chị Thời năm nay không ế. Chị bỏ bùa trong những món mứt khiến ông Việt kiều quanh quẩn mãi bên nhà con Vàng, nhấm nháp mứt với nước trà. Hắn khoe cá sắp cắn câu vì ổng tưởng hắn làm. Ông khen món ăn nhà hắn đậm hương vị quê hương, có mùi văn hoá, ăn ngậm mà nghe. "Kiểu này lấy ổng, tau phải đem theo bà Lạc Thời!" - Con Vàng cười. "Rồi ổng biết mi không nấu được nước sôi thì mần răng?" - "Dễ ợt. Qua đó không hợp thì ly dị. Khối người rứa. Chết ai mô!" Tôi ngắm đôi môi tô son màu tím lịm mốt Hàn Quốc của nó đang dẩu ra và không hiểu tại sao nó là em ruột chị Thời.
ông Việt kiều chính thức ngỏ lời với nhà chị Thời nhưng không phải xin cưới con Vàng mà là chị Thời. Đúng là một quả bom nổ! Mẹ chị ngồi sững không biết phải nói thế nào. Con nào cũng là con. Con Vàng há hốc miệng rồi sực tỉnh, nanh nọc: "Tân thời không ưa, lại ưa lạc thời. Dắt nhau về thế kỷ Mười chín mà sống, đây đi lấy chồng Hồng Kông!". Nó nguýt ông Việt kiều cổ lỗ sĩ một cái tưởng như cắt ông ta làm mấy mảnh rồi rú xe khỏi cổng, chấm dứt những ngày đóng vai yểu điệu thục nữ, công dung ngôn hạnh.
Chị Thời không nhận lời cầu hôn lại được xem là quả bom nổ thứ hai trong vòng một ngày. Không đẹp, lớn tuổi, coi như thuộc loại ế thế mà chị từ chối không luyến tiếc cơ may vừa có chồng giàu vừa được xuất ngoại. Mặc cha mẹ và con Xanh phân tích hơn thiệt, cả chú Tâm cũng khuyên vào, chị ngồi im, lặng lẽ ngó qua bên kia hàng chè tàu, nơi trước kia chú thường thơ thẩn đi lui đi tới lẩm bẩm mấy câu thơ:
Tình thơ dại ai ngờ sâu nặng thế
Năm tháng đi mà tình yêu vẫn ơ?
Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau (#1)
Nắng hoàng mai vừa tắt, chú Tâm đã bàn chuyện hôn nhân của chú. Cô kia cũng đi dậy, mồ côi, neo đơn nên cưới hỏi một lần cho tiện, sau đó dắt nhau vào lập nghiệp ở quê người. Chú bảo trong đó dân tình ấm áp, đơn giản, dễ sống lắm.
Mấy mâm cỗ cưới chú trông cậy vào đôi tay khéo léo đảm đang của chị dâu tức mẹ tôi và cô bạn thân từ thuở thơ ấu. Chị Thời nhận lời và bắt tay vào việc chuẩn bị. Tôi hay xót xa nhìn trộm chị nhưng chỉ gặp một chị Thời lặng lẽ khép kín không thể thấm quạ Ngày cưới càng kề, chị càng bận rộn như thể đám cưới chị. ánh đèn trong bếp vẫn đỏ cho đến nửa đêm. Chị thức làm bánh ga-tô phu thê... Thấy chị ngồi tỉ mỉ tỉa dưa chua, tôi bỗng cáu:
- Kệ họ! Đi ngủ cho khoẻ!
- Em cưới vợ, chị còn thức hơn thế nữa.
- Em dọn nhà hàng. Đã rứa... còn hành người ta!
- Làm việc luôn tay... khỏi nghĩ trong đầu.
Chị cười ngu ngơ rồi lại cắm cúi tỉa dưa. Chẳng biết làm gì, tôi xúm vào giúp chị cho mau xong việc. Chị vẫn tỉ mỉ như ngày nào làm dưa món. Tôi chợt thấy trên tay chị rơi xuống những chiếc lá mất cuống, thiếu răng cưa, thuôn thuôn hình giọt lệ cà rốt hồng tươi như máu. Tôi nhận ra chị Thời đang khóc.
Chú thích:
(1-) Thơ Võ Quý - Nơi con sông
Hết