Trần gian có mưa
Tác giả: Qué Hương
...Có tình yêu ngắn như cơn mưa giông nhưng cũng có tình yêu dài hơn những cơn mưa dầm trong đời người xâu lại...
Reng… reng… reng… “Alô, tôi nghe.” – “Mưa… hả Mưa?”
Mưa là tên mẹ tôi, cái tên thời con gái chẳng còn mấy ai gọi. Tôi chưa kịp đính chính, đầu dây bên kia đã tuôn một tràng như mưa đổ: “Mưa ơi! Mưa ơi!...” Giọng một ngưởi đàn ông xa lạ gọi mẹ, da diết khắc khoải đến độ tôi kinh ngạc căng tai: “Xin lỗi, ai đầu dây rứa?” – “Chẳng lẽ Mưa không nhận ra…?”. Tôi im lặng. Đã nhiều người bảo giọng tôi giống hệt giọng mẹ qua điện thoại. Nhưng đây là một lầm lẫn chết người. “Trời đang mưa… Nhớ quá Mưa ơi! Mưa ơi!” Người đầu dây gọi tên mẹ tôi không ngớt. Giọt nối giọt. Thổn thức. Đẫm ướt nhớ thương. Quá bối rối, tôi bỏ máy. Chuông lại réo, khắc khoải từng hồi nhưng tôi không nhấc máy nữa. Tôi bỏ ra vườn, trèo lên cây khế, tim đập thình thịch. Lạ thật! Người yêu gọi tôi cũng không thế. Tôi run vì mẹ. Vì quá khứ mẹ. Bí mật mẹ. Tôi chỉ biết một phần đời của mẹ từ khi có tôi. Phần dài hơn thế nữa tôi không hề biết.
Mẹ thường mắng tôi con gái không nên nết, hay leo trèo. Muối ớt lận lưng quần. Ăn, học, đọc trên cây. Tôi trèo cây giỏi lắm, từng trèo tuốt lên ngọn cây cau để trốn đòn cha. Dưới ngó lên bé như con mèo. Mẹ nuớc mắt lưng tròng còn cha ném chiếc roi mây từ đó.
Khế đang mùa hoa. Rụng đầy. Mẹ thích thế nên chỉ quét buổi chiều để có một ngày nhìn sân tim tím. Một người vậy phải lãng mạn. Thế mà tôi chỉ biết mẹ như một người đàn bà tất bật, tẻ nhạt, còng lưng dưới gánh nặng của cam chịu và bổn phận. Mảnh vườn nhỏ nhà tôi đủ thứ cây cỏ chen nhau. Mồng tơi, rau ngót ở rào. Gừng, sả, ớt, chanh trong góc. Rau thơm, rau lốt, rau khoai, rau dền giành nhau từng tất đất để góp mặt trong bát canh rau linh tinh có tên canh tập tàng. Hương nhu, hương chanh, hương bưởi, hương sả đủ mặt trong nồi nước xông, nước gội… Một người đàn bà mà mọi ý nghĩ, hành động, sự tồn tại đều hướng về tâm điểm chồng con lại là đối tượng nhớ thương bao năm dài của một người đàn ông nào đó. “Mưa ơi! Mưa ơi! Mưa ơi!” Ai gọi mẹ mà vời vợi khắc khoải thế? Cha không hề. Cha chỉ đằng hắng là mẹ lên tiếng. Ngay cả tên mẹ, cha cũng muốn quên. Có lần tôi hỏi mẹ tại sao mẹ lại tên Mưa. Mẹ cười bảo tại mẹ sinh vào mùa mưa dầm. Cha không thích cái tên sướt mướt như dự báo thời tiết xấu của đời nên khi mẹ bước chân về nhà chồng, mẹ được gọi bằng tên cha.
Tôi vào phòng mẹ như cố tìm dấu vết liên quan đến sự kiện sáng nay. Đôi gối kề nhau trên chiếc giường rộng. Cái tượng đá hình một người đàn ông và một người đàn bà chống tay vào má ngồi đối mặt trên bàn viết. Tượng nhỏ nhưng chất đầy sức nặng nỗi cô đơn. Bức ảnh mẹ thời con gái trên tường lặng lẽ nhìn tôi. Người con gái trong ảnh giống tôi hơn giống mẹ bởi làn môi đầy đặn đã hao gầy thành hai vệt buồn khép chặt. Đốm nắng trong mắt huyền đã tắt. Đường lượn thanh tao của cằm cổ gãy khúc đành đoạn. Cô ở ngoài thời gian còn mẹ ở trong cuộc đời. Người con gái năm xưa đã chết. Cái chết của tuổi trẻ, của sắc đẹp. Thế mà với ai đó, cô còn nguyên vẹn. Ai đó sáng nay đã lôi từ đáy ký ức lên cái tên Mưa ướt sũng hoài nhớ.
Tôi nằm lăn ra giường mẹ và nhớ như in cái đêm bị quẳng khỏi đó 15 năm trước.
Vừa thiu thiu ngủ tôi bị một phát vào mông. Cha dựng đầu tôi dậy quát: “Ra kia!” Ra kia là ra cái giường bố cha mới tha về hồi chiều. Chiếc giường bố nhà binh cha xin của bác Thái lạnh tanh, màu xanh rêu ố bẩn, trũng ở giữa và có mùi tởm lợm. Tôi tưởng tượng những người đã nằm trên đó trước tôi. Người chết. Người đái dầm… Mùi thối rữa tưởng tượng bám riết lưng tôi khiền tôi hoảng loạn nhảy ra khỏi giường ngồi khóc ấm ức. Tại sao cha lớn lại được ngủ với mẹ, còn tôi bé phải ra giường bố? Bên kia bức màn chia cách mẹ và tôi, mẹ cũng khóc. Ngủ bên mẹ nhiều lúc tôi thức giấc vì nước mắt mẹ làm ướt tóc tôi. Một đêm tỉnh giấc khi bàn tay sờ vú mẹ bị ai đó ngoạm vào. “Ma cắn con!” – tôi thét lên, ngồi dậy đòi bật đèn. Tôi có cái ghế bố tởm lợm từ đó. Tôi đi lại từ ghế bố qua giường suốt đêm. Trong mơ cha ra ngủ ghế bố, đôi chân dài lông lá thò ra ngoài còn tôi ngủ bên mẹ, tay sờ vú, miệng tớt tức tưởi. Một lần ra khỏi giấc mơ, tôi thấy mình nằm trên ghế bố nhưng đầu gối trên tay mẹ. Cánh tay trần mát mịn trắng lóa trong bóng tối. Chỉ đôi tay vì bên kia bức màn tôi nghe tiếng cha càu nhàu: “Tay em đâu? Cứ như là mất tay!” Từ đó tôi tin mẹ có thể làm những điều kỳ diệu. Mẹ có thể vừa ở bên cha, vừa ở bên tôi, vừa trong bếp, vừa ngoài vườn, vừa soạn bài, vừa giặt chiếu… Suốt tuổi ấu thơ tôi hạnh phúc vì bí mật ấy – đầu mẹ gối trên tay cha nhưng đầu tôi gối trên tay mẹ!
Những ngày của mẹ là những vòng quay buồn. Cũng buồn như những vòng quay của tôi. Tối tăm mặt mũi. Tôi mụ người vì học đủ thứ còn mẹ vì nhiều vai, nhiều việc. Tôi tin Thượng đế tạo người đàn bà với sáu đôi tay để họ có thể làm hết công việc bất tận có tên và không tên, trọng đại và tủn mủn… Cả mắt cũng vậy. Không chỉ có đôi đằng trước, dưới trán. Giữa năm lớp 12, tôi đưa cho mẹ tờ giấy mời phụ huynh. Mẹ đang đun nước ngoài vườn. Dẫu đã qua cái thời đun lá, chụm trấu, ấm nước cuối ngày mẹ đun bằng lá trong vườn. Mẹ bảo nuớc nấu lá khô có mùi thơm đặc biệt, uống rồi nghiện. Mẹ ngồi trên cái đòn nhỏ, tay cầm que cời lá, đun nỗi cô đơn cháy đỏ trong chiều: “Có chuyện hả con gái?” – “Răng mẹ biết?” – “Thượng đế cho người đàn bà đến ba đôi mắt! Đôi đằng trước, đôi đằng sau, đôi trong tâm hồn để nhìn, cảm nhận và thấu suốt.” Chạm đúng bầu tâm sự, tôi chìa tờ giấy mời họp phụ huynh, lí nhí: “Mẹ đi giùm con! Cha đi, cha giết con mất!”. Rồi tôi kể cái tội kinh thiên động địa của mình. Chuyện hai đứa cùng lớp, kỵ nhau như nước với lửa, so kè nhau trên từng cây số. Lúc coi văn nghệ trường giở chứng thách nhau. Thằng con trai thách đứa con gái nếu dám chuồn, trèo lên cây phượng sau trường qua mái ngắm sao trời với hắn, hắn sẽ gọi là bà nội trước bàn dân thiên hạ. Hắn dám thách tôi, đứa con gái từng treo lên tuốt ngọn cây cau? Tôi gật đầu. Thế là trèo. Ai ngờ tôn ximăng giòn bể, hai tấm thân nặng cỡ tạ rơi tọt xuống trần lớp, rớt cái rầm đúng nơi tụi 12C đang thay áo quần ra sân khấu. Tiếng rầm ấy như quả bom nổ. Tụi nó chạy toán loạn, ré thất thanh rồi cả trường đổ nhào vô nhìn hai tầm thân đang nát nhừ vì đau và xấu hổ. Thầy cô gác giận xông vào coi có sứt mẻ chi không để cấp cứu sau đó đóng cửa phòng xoa dầu, lấy khẩu cung. Những màn văn nghệ diễn sau hết hào hứng vì khán giả bận buôn dưa lê…
Kể xong tôi lén nhìn mẹ. Mẹ cười chảy nước mắt: “Rứa con có yêu cái thằng quỷ sứ trên mái không?” – “Dứt khoát không! Con và hắn như sừng với đuôi. Chừ tụi nó nói hai đứa bây ngoài giả bộ ghét còn trong lòng yêu nhau ra riết, dám băng qua nghìn người vì một người!” – “Tình yêu là trò chơi của người can đảm!” – Mẹ nói, mắt mẹ vẫn đăm đăm nhìn vũ khúc hóa thân của từng ngọn lá trong lửa.
* * *
Reng… reng… reng…
Có thể là ông ta. Tôi cầm máy lên, tim đập thình thịch:
-Alô… tôi nghe!
-“Bà ơi bà… cháu yêu bà lắm!” – Thằng cháu trời đánh rống trong máy. Sau vụ leo mái trường bệnh hắn còn nặng hơn nữa.
-Đây không dư hơi. Trèo mái trường chưa bưa (1) thì tréo cột điện – Tôi hét.
-Cột điện nhà bà hả? Được. Nếu trèo… bà gọi tui bằng chi?
-Thằng quỷ sứ!
-Quỷ là yêu. Rứa là bà quỷ tui!
Tôi thả máy, há miệng thở.
Reng… reng… reng…
-Đồ mặt mo! – Tôi hét vào máy và vừa kịp nghe tiếng “Mưa!” thảng thốt của người đầu dây khi buông xuống!
Tôi chờ nhưng ông ta không gọi nữa. Câu mắng như búa tạ ném dập tim ông ta. Thỉnh thoảng tiếng Mưa thảng thốt của ông ta vọng lại trong đầu. Tôi lắc lắc. Nó biến mất.
Năm thi mà tôi mắc đủ bệnh. Bệnh rình điện thoại. Bệnh nhìn mẹ dưới sắc cầu vồng. Bệnh sợ thằng trèo mái trường trèo cột điện. thằng nớ “máu” lắm! Hắn hiếu thắng trèo lên thì tôi mang tội giết người. Lo quá hóa mơ. Tôi mơ thấy hắn tòn ten trên cột điện trước nhà… nhăn răng! Tôi dẹp tự ái bảo:
-Đây rút lời thách.
-Bà sợ tui bị điện giật chết phải không? Rứa là bà… thương tui. Một lời nói ra tứ mã nan truy, nếu rút phải có điều kiện.
-Điều kiện chi?
-Cho tui cầm tay bà.
Tôi giơ tay tát. Hắn chụp tay tôi. Thả ra hắn bảo:
-Đây không rửa tay đúng một tuần để lưu mùi hương… thúi!
* * *
Từ bàn học bên cửa sổ tôi dõi theo mẹ. Mẹ đang hái rau nấu canh tập tàng. Chỉ đôi tay. Còn đôi mắt đậu trên bờ rào. Bơ vơ. Trống rỗng. Tối qua mẹ và cha lại cãi nhau. Họ cãi nhau trên từng cây số vì khác nhau như nước với lửa. Tính khí cha giống như quả lựu đạn có thể nổ bất cứ lúc nào. Mảnh vỡ văng tứ tung trúng ai nấy chịu. Khi ấy mẹ sử dụng ngôn từ như roi quất còn cha thì thô bạo và chợ búa. Nếu mẹ xách gối ra phòng khách, cha lôi xềnh xệch vào ném lên giường. Nếu mẹ khóc, cha la làng như anh Chí. Nếu mẹ bỏ đi, cha sẽ đập đầu cha vô tường hoặc xuống bếp lấy dao dí vào cổ mình dọa. Bao giờ mẹ cũng thua người chồng lớn hơn mình 15 tuổi. Những cuộc chiến không cân sức ấy để lại trên khuôn mặt mẹ vô số dấu vết tàn phá của đè nén cam chịu. Tôi biết cha vẫn yêu me theo cách cha bởi sau đó cha không chịu nổi sự trừng phạt khi lên giường không có mẹ. Mẹ cũng không có ý định bỏ cha bởi mẹ đã đóng đinh số phận vào ngôi nhà này, gia đình này.
Người đàn ông xa lạ không hề gọi lại. Tôi cũng quên ông ta bởi sự kiện chú Di về. Chú Di em họ cha tôi, du học thành tài rồi ở luôn bên Pháp. Đi một mạch rồi đột ngột về như từ dĩ vãng chui lên. Cha ngó sừng sững người xuất hiện trước mặt: “Mi… hả Di?” – “Vâng.” – Khách đáp rồi đứng như trời trồng nhìn cả nhà – “Về mần chi?” – “Có cuộc hội thảo…” – “Lâu mau?” – “Khoảng mươi hôm. Tôi ở khách sạn…” – Cha ngậm thinh xỉ răng. Mẹ bối rối. Chỉ hai anh em tôi là ríu rít bên ông chú trên trời rớt xuống. Đêm ấy, xuống uống nước, tôi nghe tiếng lục đục trong phòng cha mẹ. Tiếng cha nện vào đầu.
Chú Di đón tôi ở trường suốt những ngày ấy. Kỷ niệm dắt chú, chú dắt tôi. Lang thang trong mưa theo những lối mòn của ký ức. Người đàn ông có dáng vẻ trầm tĩnh ấy giấu trong lòng một tình yêu bỏng rát và tuyệt vọng mà những cơn mưa bùng lên đau đớn.
-Tới trước nhà mụ nớ ngồi cho đỡ mỏi cẳng – Tôi càu nhàu.
-Mụ mô?
-Mụ chú thất tình đó.
-Không được nữa cháu ạ!
-Rứa thì ra bến Thừa Phủ quẳng xuống sông Hương cho nhẹ lòng…
-Cháu yêu rồi hay răng mà kinh nhiệm rứa?
-Chưa.
-Tình yêu đích thực dài cả đời người cháu ạ!
-Ngay cả lúc già xấu?
-Vẫn con người ấy chỉ già đi thôi.
-Thời @, tình fast-food, có mô mà dai như chú?
-Người Huế yêu dai. Như mưa!
Rồi như không kiềm lòng nổi, chú trào ra một tí: “Chú gặp cô ấy chỉ một tuần cháu ạ. Một tuần trên chiếc xe đạp lang thang khắp Huế dưới mưa trong một hoàn cảnh oái ăm… Cô ấy định nhảy sông tự tử vì bị cưỡng hôn, còn chú là một sinh viên mồ côi nghèo thỉnh thoảng đi xe đạp thồ lấy tiền mua sách vở… Một tuần so với đời người quá ngắn thế mà cả đời chú không thoát khỏi cái tuần ấy được. Dường như nó đã vắt kiệt máu trong tim chú khiến chú không còn khả năng yêu ai được nữa…”
* * *
Mưa trắng xóa đất trời hôm chú Di từ biệt. Chú ngồi nói chuyện với mẹ trong tiếng mưa sầm sập như gõ thủng mái tôn. “Chú ở lại ăn cơm. Mưa quá cha không về. Trưa nay có món mưa dầm hết cơm!” – Tôi mời – “Món gì?” – “Muối sả đó mà! Con yêu bánh nậm (2) thích đặt tên mới” – mẹ cười.
Không có thịt làm muối sả mẹ thay bằng đậu phụng giã nhỏ và thật nhiều tỏi ớt thế mà mùi ruốc sả kho hấp dẫn vẫn sực nức không gian. Nồi cơm nóng, tô canh chuối lá lốt nấu ruốc mỡ đậm đà và dĩa muối sả như gia vị cuộc đời đủ mặn ngọt bùi cay. Thi nhau ăn. Thi nhau khóc. Chú Di ràn rụa nước mắt. Tôi trêu: “Chú mất gốc Ớt rồi!” – “Tôi chết chị cứ làm món mưa dầm hết cơm gọi tôi về” – chú Di bảo mẹ.
Mẹ không còn dịp gọi chú. Một thằng trong hẻm phóng xe nhanh tông vào người đàn bà đang đạp xe chầm chậm trên đường đi dạy về. Ngã xuống. Hôn mê.
Chết là vậy sao? Như gió bão. Đốn ngã một cuộc đời bất cứ lúc nào. Những ngày ấy, tôi cầu cứu cả thần linh lẫn con người nhưng mẹ vẫn mê man. Tôi nấc lên trong điện thoại: “Chú Di ơi, mẹ cháu sắp chết!” – “Cháu nói gì thế?” – “Mẹ cháu bị xe đụng… hôn mê rồi!” – “Trời! Mưa ơi! Mưa ơi! Mưa ơi!”. Người đàn ông đầu dây vừa gọi vừa khóc còn tôi sững sờ thả máy.
Chú Di là ông ta! Ông ta là chú Di!
* * *
Mộ mẹ vừa đắp xong, trời bỗng òa mưa. Mọi người bỏ chạy ra xe. Chạy một quãng tôi cắm đầu quay lại. Tôi đứt ruột khi chỉ vì một cơn mưa mà đành đoạn bỏ mẹ một mình. Nhưng mẹ không một mình. Chú Di phủ phục bên mồ dang cả người che mưa cho nấm đất mới. Mưa xối lên hình hài chú nhưng dười trái tim chú mẹ vẫn khô ráo.
Nghe tiếng chân tôi, chú Di ngẩng đầu lên. Tình yêu tràn ngập mắt chú.
-“Đồ mặt mo!” là của cháu chứ không phải mẹ. Cháu ngỡ thằng bạn… - Tôi chậm rãi đính chính.
-Cháu cầm máy mấy lần?
-Hai lần cuối.
-Giờ cháu… rủa đi. Chú nhận thay cho cả mẹ.
-Cháu không phán xét tình yêu!
Tôi quệt nước mắt quay lưng. Có tình yêu ngắn như cơn mưa giông nhưng cũng có tình yêu dài hơn những cơn mưa dầm trong đời người xâu lại. Mẹ có một tình yêu như thế, có lẽ nặng sâu và oan nghiệt.
Đoàn xe tan đã khuất. Tôi đứng bơ vơ dưới mưa, giữa nghìn nghịt người chết. “Lên đây, tui chở bà vế! – Thằng leo mái trường trờ tới, ướt như chuột lột. Dẫu đang nát ruột nát gan, tôi cũng phải nín cười trước bộ mặt làm ra vẻ trang nghiêm của hắn. Khi không lếu láo trông hắn thật “ngố”!
-Trèo lên núi Ngự chừ không? Tui thách!
-Lên mần chi?
-Tìm đường lên Trời. Trần gian buồn quá cháu ạ!
-Nhưng trần gian… có mưa bà bà ạ!
Chú thích:
(1) chưa bưa (tiếng địa phương): chưa vừa, chưa thỏa
(2) một lời mắng yêu của người Huế