Đánh rơi
Tác giả: Quỳnh Chi
Có cái gì mầu nâu rơi giữa lối đi, vội lùi xe đạp lại xem thử. Trước hết là xem có phải của mình không. Không phải. Một cái charm hay chỉ là đồ trang trí, có giây để đeo vào cặp túi hay bất cứ thứ gì. Cái charm này bằng vải nhồi bông hình tam giác, trên mặt vải có in hình chiếc bít tất màu đỏ, giống như chiếc bít tất treo ở chân giường đêm Giáng sinh để chờ ông già Noel tới bỏ quà vào. Chắc là của một em học sinh. Nhặt lên và để lên bụi cây bên đường rồi, toan quay đi, lại chợt nghĩ mình để hờ hững thế thì lại rơi xuống đất mất, bèn mắc giây đeo charm vào một ngọn lá, quấn hai vòng cho chặt, đoạn kéo cái charm nằm lộ hẳn lên trên mặt bụi cây cho dễ trông thấy.
Không biết có bao nhiêu người đã trở lại tìm vật mà họ đã đánh rơi ? Có lẽ ai cũng muốn tìm lại, nhưng rồi có người không quay lại vì không nhớ đã đánh rơi ở đâu, hay nghĩ rằng có trở lại cũng khó mà tìm thấy. Nếu người đi đường hấp tấp, không để ý nhận ra vật bị đánh rơi dưới đất để nhặt lên, món đồ đánh rơi ấy sẽ bị những mũi giầy vô tình đá văng đi, mỗi lúc một xa dần, khiến người đánh rơi có trở lại tìm cũng lạc hướng không sao tìm lại được. Dẫu vậy, ở đây ta hay bắt gặp những thứ bị đánh rơi đã được ai đó nhặt lên, để lại ngay ngắn ở đâu đó trong nhà ga xe điện, hay các trạm xe buýt hoặc trong các phố buôn.
Tìm chỗ để lại vật rơi nhặt được giữa đường coi vậy chứ mà cũng hơi mất thì giờ. Tuy là muốn để lên chỗ nào thật cao cho khỏi bụi bẩn, nhưng lại phải chọn chỗ nào dưới thấp trong tầm nhìn dễ đập vào mắt, để người đánh rơi có thể nhận ra ngay nếu họ quay trở lại tìm. Nếu là chiếc khăn đã gập ngay ngắn thì để trên tay vịn cầu thang, nếu là khăn quàng thì buộc vào một cành cây bên đường. Nhưng nhiều vật bé nhỏ quá, mà chung quanh chẳng có chỗ đặt để chúng, đành để tạm bên đường, đi qua rồi thấy tội nghiệp làm sao
Tội nghiệp cho những món đồ bị đánh rơi. Ở đây hễ trời mưa là thiên hạ hay bỏ quên ô trên xe điện, nhiều vô kể. Bởi lơ đễnh hay vội vàng xuống xe nên quên khuấy chiếc ô được dựng tạm hay mắc đỡ vào đâu đó ở góc toa tầu. Mà cũng vì hối hả lo đi công chuyện, nên mấy ai đã có thì giờ dừng lại để tới khai báo với nhân viên của công ty đường sắt. Mà giả sử có thì giờ chăng nữa, cũng ít ai nhớ rõ mình đã đứng ở toa tàu số mấy để khai. Những chiếc ô để quên sẽ được nhân viên đường tàu thu gom về cất đỡ ở phòng "Mất và Tìm" của một ga nào đó giữa đường tàu. Đến ngày hôm sau mà không có ai tới hỏi xin lại, liền được chuyển về kho trung ương. Ô hay bất cứ thứ gì để quên trên xe điện đều sẽ được đem bán rẻ lấy tiền gửi vào quỹ cứu trợ người nghèo.
Tội nghiệp hơn nữa cho các món đồ có đôi mà chỉ có một chiếc bị đánh rơi . Chiếc còn chiếc mất đều hẩm hiu như nhau, thiếu nhau chúng liền trở thành vô dụng.
Những chiếc găng tay còn lại, cho dù cùng màu đen, và có thể có chiếc phải chiếc trái để ghép tạm thành từng đôi, chúng vẫn khác loại nỉ, khác về những họa tiết trang trí. Những chiếc hoa tai cũng vậy. Đang lúc hấp tấp, chỉ cần vuốt tóc một cái là hỡi ôi, chiếc hoa tai nhỏ xíu liền bị vướng vào tóc, bị kéo tuột ra và văng mất liền. Có ít nhất là ba bốn chiếc hoa tai còn nằm vùi dưới cỏ hay đất cát trong sân trường của con, vào những lần mẹ đi họp phụ huynh học sinh. Những chiếc còn lại chẳng biết dùng làm gì.. Một lần có chiếc áo nỉ bị dán nhấm thủng một lỗ bé tí gần cổ áo, chợt nẩy ra sáng kiến lấy chiếc hoa tai còn lại - có gắn một viên kim cương nhỏ - cài vào đó để che đi. Xong nhìn đi nhìn lại, viên kim cương còn như là dấu hiệu nhắc nhớ đó là lỗ dán nhấm, không ổn tí nào. Có một cô ca sĩ Nhật đã trám kim cương lên mặt chiếc răng cửa, nhưng chắc là người bình thường không đủ can đảm làm như thế. Mấy cô Ấn độ thì có viên kim cương nhỏ xíu như thế gắn trên cánh mũi, nhưng mốt này ngó bộ cũng khó lòng thịnh hành. Rốt cuộc là những chiếc hoa tai còn lại suốt đời sẽ chỉ nằm yên trong hộp, để lâu lâu mở ra nhìn ngắm và nhớ lại kỷ niệm những ngày nuôi con còn thơ dại. Chỉ có khoảng thời gian con còn nhỏ là mẹ bận rộn nhất mà thôi.
Có một thứ khác cũng đánh rơi vì bận bịu với con . Đó là đồng hồ đeo tay, vì mải bế con, hay vì đeo giỏ xách quá nặng, mà cái móc cài dây đồng hồ của hãng nọ cũng rất dễ tuột. ( Hãng đó đã ngừng ra kiểu đồng hồ ấy, có lẽ vì nhận ra khuyết điểm này cũng không chừng). Biết là dễ tuột mà rồi vẫn mua lại đúng chiếc đó, kiểu đó : mặt tròn, dây đeo bằng kim loại, mạ vàng. Mặt đồng hồ có thể thay được, có tất cả mười tám mầu. Mỗi ngày thường cho con chọn mầu, hoặc tự mình chọn theo mầu áo, theo cảm nhận buồn vui lúc đó. Mầu thời gian của mẹ và con khi đậm khi nhạt, khi sung sướng lúc lo âu, khi hối hả, lúc êm đềm.
Mất một chiếc hoa tai trong sân trường thì không thể nào khai báo, thế nào cảnh sát cũng báo mình chịu khó tìm lấy. Nhưng mất đồng hồ thì có thể khai báo được. và đã hai lần được gọi tới lãnh đồ đánh rơi. Một lần là làm rơi khi dắt con đi thăm hồ sen của công viên Yakushiike, vài hôm sau nghe đâu có người họa sĩ tới hồ vẽ tranh đã nhặt được và đem tới gửi lại ở văn phòng của công viên. Lần khác làm rơi ở ga, sau có giấy của ty cảnh sát trung ương báo tìm được. Mừng rơn. Nhưng tới toan nhận lại mới biết tuy cũng là đồng hồ hiệu G. nhưng mà gọng mạ bạc, mặt đồng hồ vuông, không phải là đồng hồ của mình !
Xem ra người Nhật quả là tốt bụng, họ còn chịu khó nhặt của rơi đem tới nộp cho cảnh sát để trả lại cho người đánh rơi. Bản thân mình, ngoài hai lần được gọi tới nhận món đồ đã đánh rơi vừa kể, còn có một lần thứ ba nữa. Lần thứ ba này là vào tháng ba năm ngoái. Chỉ lạ một điều là vì nhớ rõ hôm mồng bảy Tết có đánh rơi đồng hồ ở tầng hầm bán thực phẩm và cũng chỉ tới hỏi thăm qua loa rồi thôi, không khai báo cảnh sát, thế mà tới giữa tháng ba lại có thư của ty cảnh sát trung ương gọi tới nhận. Thư của cảnh sát thường cho biết hạn chót phải tới nhận, nếu quá hạn thì họ sẽ đem xử lý, có lẽ cũng là đem bán rẻ lấy tiền bỏ gửi vào quỹ cứu trợ chăng. Vì đã không khai báo, nên cứ đinh ninh là cảnh sát đã gửi giấy báo lầm người. Dạo này có lẽ đông người ngoại quốc tới thành phố này hay sao, mà thư của thiên hạ - nhìn tên thấy có vẻ như là người Tây Ban Nha hay Nam Mỹ gì đó - hay bị bỏ nhầm vào thùng thư nhà mình lắm . Muốn làm biếng quá chừng, xong nếu mình không tới thì cảnh sát sẽ không biết là họ đã báo nhầm. Thôi thì ráng một chút kẻo tội ( tội nghiệp cho người đã đánh rơi ). Tới ty cảnh sát trung ương, trình cái thư báo ra và giải thích rằng tôi không có khai báo gì cả ông ạ. Ông cảnh sát bảo đợi đó ít nhất thì hãy nhìn qua để xác nhận, cho dù không phải của bà. Nhưng ông ta đem ra một món đồ, không phải là đồng hồ như mình nghĩ, mà là một chiếc ví nhỏ, hình chữ nhật có lẽ lớn hơn tấm danh thiếp đôi chút. Chiếc ví đen đủi, như đã bị ẩm mốc. Tôi đánh mất đồng hồ ông ơi, đâu phải cái này. Nhưng mà người ta thấy trong ví này có giấy tờ, ghi địa chỉ của bà nên chúng tôi mới biết mà báo cho bà. Sao lạ vậy, cái ví này mà của tôi ư, chắc là lầm với của ai rồi. Không phải của bà thì thôi vậy. Ông cảnh sát còn trẻ chìa chiếc ví ra, thấy bị chối quầy quầy, áng chừng coi như đã thi hành xong phận sự, không mở ví mà cứ thế cầm chiếc ví quay đi. Đúng lúc đó, tia hồi ức như ánh chớp lóe lên trong đầu : Phải chăng đó là chiếc ví da màu tím mà mình đã đánh rơi trong hồ bơi từ mùa hè hai năm trước. Ông ơi, ông đưa lại cho tôi xem nào. Quả thực trong đáy ví vẫn còn chiếc dây chuyền vàng đã cất tạm vào đó trước khi xuống hồ bơi. Chiếc dây chuyền đeo trong chuyến di thăm Ba lần cuối. Có lẽ có ai đó đã lấy hết tiền giấy, thẻ ngân hàng, mà không nhận ra chiếc dây chuyền nhỏ bé dưới đáy ví, đã ném chiếc ví vào một bụi cây trong góc công viên gần hồ bơi, để rồi có người thợ vừa dọn dẹp đã nhặt được và đem khai báo. Thảo nào gần đây đi dạo qua đó thấy họ đã phát quang dây leo, cắt tỉa các bụi cây, trông thật đẹp.
Đánh rơi rồi tìm lại được thật là một niềm hạnh phúc . Có khi ngẩn ngơ đi tìm chỉ một sợi dây buộc tóc dùng lâu ngày bị lỏng, dễ tuột. Sợi dây có đan thêm chiếc ruy băng vải màu ngà của bạn tặng mình, nên muốn giữ hoài. Trong mỗi vật đánh rơi đều có một phần vô giá, nó nhắc nhở những kỷ niệm trong đời của người dùng nó. Và vì nó đã từng có thời gian thất lạc, nên kỷ niệm càng rõ nét hơn trong thời gian tiếc nhớ kiếm tìm.
Trong những thứ đánh rơi, có cả những thứ vô hình. Đó là những gì trong suốt như pha lê, lỡ đánh rơi trong nắng hay trong mưa, đã vỡ thành muôn mảnh bay lên lạc giữa ngàn sao, chẳng biết đâu tìm. Những mảnh vỡ ấy vẫn còn hy vọng mai ngày có ai đó sẽ tìm được và đem gắn lại nguyên vẹn, để trả về cho những kẻ đã đánh rơi. Thời gian kiếm tìm có khi kéo dài hằng thiên niên kỷ. Chỉ thương thay cho những gì đã lỡ đánh rơi mất trong cát đục bụi lầm, chúng đã vỡ thành những những hạt cát lầm, để rơi qua kẽ tay, và kỷ niệm mờ dần như ảo ảnh trong sa mạc hoang vu, luôn nổi cuồng phong và bão cát mịt mù.
Quỳnh Chi
(Mùa Giáng sinh 20/12/2008)