Mùa nước lũ
Tác giả: Quỳnh Chi
Hàng năm cứ đến mùa này, khi tin lũ lụt lại trở thành mối lo lắng của người miền Trung , những kỷ niệm xa xưa vào những mùa nước lũ lại hịên về và Y lại nhớ chị Nha hơn bao giờ hết.
Những ngày thơ ấu ở miền Trung, nhà Y ở ngay trên đường Cường Để của thị xã Hội an - có lẽ nay đã đổi tên khác - là con đường cổ kính có Chùa Cầu tức Lai Viễn Kiều nổi tiếng. Từ đó xuống bờ sông không xa, chỉ cách độ vài trăm thước.
Vào mùa mưa, nước sông thường dâng lên ngập đường bờ sông và đường Nguyễn Thái Học và có khi ngập cả đường Cường Để. Các nhà ở hai bên các con đường này thường làm nền nhà rất cao so với lòng đường. Mùa lụt đầu tiên ở Hội an, năm ấy Y đang học lớp năm tiểu học, những thuyền nhỏ từ chợ bơi dọc theo bờ sông rồi chèo vào tận đường Cường Để, ghé vào trước cửa nhà.
Mẹ đứng trên thềm cao, tò mò hỏi
-Ông ơi ông bán gì thế ?
-Gụ, bán gụ.
Vì mới vào Nam chưa được bao lâu, chưa nghe quen tiếng Quảng, mẹ ngạc nhiên hỏi lại :
-Trời mưa gió lụt lội thế này mà ông đem gỗ gụ đi bán cho ai hở ông ? Thuyền ông nhỏ thế làm sao chở được gỗ gụ ?
-Bán gụ , bán gụ nấu cơm mà eng chớ !
Hỏi đi hỏi lại năm lần bẩy lượt mẹ vẫn chẳng hiểu. May sao sau đó vào bếp, mẹ kể cho chị Nha giúp việc người miền Trung, chị liền phiên dịch lại :
-Dạ thưa bác, họ nói " Bán gạo , bán gạo nấu cơm mà ăn chớ" đó ạ.
Y có cảm tưởng mình còn nhớ rõ mồn một mẩu đối thoại ấy giữa mẹ với những ngưòi chèo đò. Nhưng cũng có thể là vì câu chuyện kỷ niệm đầu tiên khó quên về mùa lụt này đã đựơc kể đi kể lại hàng bao nhiêu lần, hàng năm mỗi mùa lũ lụt nên Y mới không quên.
Khi còn đang tuổi học sinh mơ mộng Y vẫn chưa biết sợ lụt là gì, mà hay thi vị hoá, ví phố Hội của mình về mùa lụt như là một Venise nho nhỏ, với những con thuyền đi trong lòng phố, giữa những ngôi nhà và chùa chiền cổ kính... Mùa lụt chỉ làm cho phố Hội của Y càng thêm thân thương và thi vị hữu tình ...
Mùa lụt ở miền Trung cũng là mùa mưa dầm mà Y không cảm thấy khó chịu , như khi bị những cơn mưa rào mùa hè hay đổ ào xuống làm ướt hết xống áo, cho dù đã mặc áo mưa cẩn thận. Đi dưới mưa lại là một cái thú rất thơ mộng. Y còn thích mùa mưa vì hễ trời mưa lạnh là mẹ có lệ cho đổ bánh xèo, Y sẽ đựơc ở gần chiếc hoả lò làm bánh, một không khí ấm cúng - tương tự như khi ngồi chờ khoai lùi trong bếp luộc bánh chưng cuối năm- . Thói quen đổ bánh xèo ngày mưa này bắt đầu từ thời còn có chị Nha. Hình như năm nào cũng thế, hễ trời mưa lớn ...sắp có lụt, là y như rằng chị Nha sực nhớ tới chuyện đi ngâm gạo xay bột đổ bánh xèo. Nhờ chị Nha và mấy chị giúp việc khác người miền Trung gia đình Y mới biết cách nấu và ăn các món ăn miền Trung, mà trong các món ăn đó Y mê nhất là bánh xèo ngày lụt của chị Nha. Không bíết chị Nha đã truyền nghề cho mẹ thế nào, mà sau đó cho dù không phải là chị Nha mà là ngưòi khác, hễ được mẹ sai đi ngâm gạo xay bột đổ bánh xèo.. thì bao giờ cũng vào một ngày mưa, trước khi con sông Hoài dâng nước lên và sau đó là nghe nói có mấy nhà ở đường bờ sông bị nước vào.
Thời bấy giờ muốn tự làm bánh xèo ở nhà phải ngâm gạo để xay thành bột bằng cối đá. Vừa xay gạo vừa đổ nước vào cối đá hoà chung với bột. Bột hoà trong nước chảy từ cối ra được hứng vào chậu để đổ bánh. Hai cái bếp lò được nhóm lên trong bếp, trẻ con ngồi chờ từng chiếc bánh xèo vừa đổ còn nóng hổi, trong khi ngoài trời mưa lớn. Ngoài kia có lẽ nước sông cũng bắt đầu dâng lên. Và Y sẽ lại thú vị chờ xem con đường trước mặt trở thành giòng sông nhỏ, thuyền bè đi vào tới cửa. Đổ bánh xèo trước ngày nước lớn có lẽ chỉ là một sự trùng hợp tình cờ, hay là thói quen trong gia đình của chị Nha mà chị đã truyền lại cho, nhưng không khí ấm áp chung quanh hai chiếc hoả lò đúc bánh xèo trong những ngày mưa lạnh ở miền Trung để tiếp theo đó là một cơn nước lớn với những chiếc thuyền đi vào lòng phố có lẽ đã thành một kỷ niệm khó quên, và trí tưỏng tượng của trẻ con cứ thích gắn hai sự việc ấy lại với nhau cho thêm phần huyền bí về lũ lụt cũng không chừng.
Này nhé người ta chẳng bảo
Ông tha mà bà chẳng tha
Lại thêm cái lụt hăm ba tháng mười
là gì !
Ông bà nào nhỉ.. Y liên tưởng đến các vị thần linh vô hình trong các đền miếu chùa chiền ở các góc phố, và vô số các bàn thờ gia tộc thiêng liêng sau những màn trướng thâm nghiêm trong các căn nhà sâu thăm thẳm của phố Hội.
Rồi chị Nha xin nghỉ việc vì cha mẹ chị bắt phải về quê lấy chồng, cũng ở bên kia sông. Khi đã lớn, hàng năm cứ sau mùa lụt, khi bưng thùng theo ban xã hội hiệu đoàn trường tổ chức lạc quyên cứu trợ nạn lụt miền Trung , Y lại càng nhớ chị Nha. Chị về quê lấy chồng ít lâu thì gia đình Y dọn vào Tam Kỳ, nên từ đó bặt vô âm tín. Y nhớ chị có nói quê chị bên Kim Bồng chi đó, tức là bên kia sông, nơi mà Y chưa bao giờ đi tới, vì chỉ có những con đò nhỏ xíu đi ra giữa giòng sông Hoài - đối với Y lúc đó là rộng mênh mông - để sang bên kia bờ xa tắp. Trong biển nước mênh mông tràn ngập mấy đảo nhỏ bên sông, nhà chị Nha ở đâu ?
Có lần Y say mê tả lại chiếc bánh xèo của chị Nha nào nhân tôm nhân thịt, giá hành, cuốn với những rau sống rau thơm này nọ, thì anh bạn quê Quảng Nam cho biết "Ở quê nghèo cực lắm. Có gạo xay bột, có mỡ đổ bánh xèo quấn rau muống chấm nước mắm thôi đã là ngon lắm rồi, nói chi tới bánh xèo có nhân tôm nhân thịt ". Y chợt nghĩ biết đâu lệ đổ bánh xèo vào ngày mưa, trước mùa lụt, trong một gia đình nghèo như chị Nha, có thể là một bữa ăn đoàn tụ gia đình trước mùa thiên tai, với mong ước sẽ tai qua nạn khỏi, để rồi sang năm lại đựợc có một ngày đoàn tụ quây quần quanh chảo bánh xèo như thế. Cầm chiếc chảo nhỏ bằng gang xinh xắn dùng để đổ bánh xèo do chính chị Nha đã chọn mua và vẫn còn dùng mãi trong nhà, Y cầu mong gia đình chị đều tai qua nạn khỏi trong các mùa lụt, để hàng năm chị vẫn xay bột đổ bánh xèo trứơc khi nước lớn cho chồng con chị.
*
Có một năm nhà Y đã không kịp đổ bánh xèo trước mùa lụt. Đó là năm xẩy ra trận lụt kinh hồn của miền Trung. Khi đó, sau một thời gian thuyên chuyển vào Tam Kỳ, lúc trở lại Hội an , lần này mẹ Y không thích ở trong phố chật chội mà thích ở nhà vừơn, nên ba Y đã mua một căn nhà ở đầu thị xã, trong xóm bên trái đường cái. Bên kia đường, bên phải, cũng có nhiều ngõ nhỏ đi vào trong xóm. Nhà bạn Y ở bên đó, từ đó đi thêm một quãng nữa ra tới bờ sông. Tính ra từ bờ sông đi lên nhà bạn rồi ra tới đường cái, sang tới nhà Y cũng phải cỡ mấy trăm mét, vậy mà tới mùa lụt, nước lũ vẫn dâng lên tràn ngập con đưòng dẫn vào thị xã và tràn sang tận các ngõ bên trái chỗ xóm nhà Y, vốn là gò đất cao hơn bên xóm bờ sông. Hoá ra đoạn đường này và cả mấy xóm này nền đất hơi bị võng xuống nên mới bị ngập nước. Tuy vậy nước lụt chỉ ngập đường chừng một buổi rồi rút đi ngay. Y chưa bao giờ phải nghỉ học vì đoạn đường ngập nước đó.
Thế mà năm ấy, nghe đâu trên thượng nguồn mưa lớn làm lở phiến đá lớn hay ngọn núi nào đó tên là Hòn Kẽm lâu nay vẫn ngăn lại dòng nước từ thượng nguồn, khi khiến nước sông đổ ập xuống hạ lưu thành giòng thác lũ...
Hôm đó ở nhà gạo đã ngâm và xay xong, chỉ chờ đổ bánh, thì trời mưa tầm tã. Chỉ trong chớp mắt, nước bỗng tràn vào nhà thật bất ngờ, và cứ thế lừng lững dâng lên. Cả nhà bỏ việc cơm nứơc vội vàng dọn quần áo sách vở và đồ đạc lên gác, hầu như bị nước đuổi theo bén gót. Nước lên ngập chân giường. tràn vào ngăn dưới cùng của tủ quần áo, tủ bát. Than củi trong kho thế là dầm nước, chỉ kịp đem lên gác mấy bao than với hoả lò, bếp dầu lửa cùng với nồi niêu xoong chảo và gạo cùng mắm muối... Nước lên ngang bắp chân, trẻ con đựơc lệnh phải lên hết trên gác lửng. Ngồi trên đó nhìn xuống thấy nước dâng cao dần, ngập đầy trong nhà, bọn trẻ vẫn còn vui đùa vì thấy cảnh lạ, bảo nhau đây là "hồ bơi".. Nhưng ngoài ba không một ai biết bơi, nên cũng không một ai dám xuống .." hồ bơi" lúc này. Nước dâng lên mỗi lúc mỗi cao và chỉ trong vài giờ đồng hồ đã dâng lên đến ba phần tư các khung cửa ra vào. Bấy giờ lũ trẻ mới thực sự biết sợ, hết còn cười đùa chỉ trỏ. Ba bơi quanh nhà thăm dò tình hình chưa về, Y lo lắng gọi Ba ơi. Lát sau ba về lắc đầu , bảo mẹ làm sao gọi thuyền tới cứu vào lúc nửa đêm..
Tuy thế... đã có cha mẹ lo, trẻ con vẫn ngủ thiếp đi cho tới sáng.. Sáng mở mắt ra thấy mực nước đã lên cao hơn các cửa , nước dâng lên tới tận mái nhà. Trong nhà là một bể nước sâu thẳm phía dưới căn gác lửng. Bàn ghế giường tủ chìm ngập cả trong nước. Nước đục lờ , chiều cao của mực nước khiến cái "hồ bơi" tối qua bây giờ trở thành một vực nước sâu thẳm. Y nghĩ tới mấy chiếc xe chìm trong nước như những con tàu biển ngộ nạn nằm dưới đáy biển sâu. Căn gác lửng của Y bây giờ là hoang đảo. Mở cửa gác nhìn ra ngoài chỉ thấy bầu trời u ám gần sa xuống một biển nước mênh mông bao la quanh nhà. Mưa vẫn rơi rào rào rất nặng hạt. Tuy nhà có gác , nhưng nếu nước lụt dâng cao dị thường cứ tiếp tục dâng lên thì sao...
Có ai đã làm điều gì thất đức để các " ông bà " linh thiêng nào đó đang giận dữ mà không tha cho dân lành chăng ? Những truyền thuyết mà ngày thường Y chẳng để tâm suy nghĩ hay thực sự tin tưởng, bỗng lởn vởn hiện lên trong đầu. Năm nào Y cũng đi lạc quyên cứu trợ nạn bão lụt, cứu trợ dân quê bị mất mùa hư hại nhà cửa, nhưng Y có ngờ đâu nay chính mình lại sắp phải trầm mình dướí làn nước lũ. Trong lúc đọc kinh cầu buổi sáng, Y nhớ tới ngày tận thế. Ngày tận thế tới mau vậy sao, chưa tới năm 2000 mà..Và ngày đó đang đến với một trận đại hồng thuỷ ư ?
Đúng lúc ấy bên ngoài có một chiếc thuyền nhỏ từ đâu tiến đến gần, đậu sát mái nhà và một thanh niên bước lên mái nhà tiến đến gần cửa gác, gõ cửa. Người thanh niên ấy đã hịên ra như một vị thiên thần mà Y vẫn thấy hình vẽ trên tường nhà thờ, trong các bức hoạ của Thiên Chúa giáo. Ba mẹ hơi lưỡng lự nhưng rồi cũng đồng ý để anh ta đón đi. Đó là lần đầu tiên Y bước ra trên mái nhà , bấy giờ đã ngập trong làn nước và trơn trựơt vì ngói đã mọc rêu. Mưa vẫn rào rào ném những hạt buốt giá xuống mặt nước và trên người, trên mặt. Mặt nước mênh mông, lên ngang ngọn cây trong vườn, những nhà trệt mái tranh ở xa như những đụn rơm hay nón lá lớn thật lớn úp xuống mặt nước. Trong giây lát Y nhớ ra một sự thực là mình đang đi trên không , trên mái nhà, nghĩ tới cái giếng sâu trong vườn...Y rùng mình trựơt chân, suýt ngã. Người thanh niên bèn bảo Y hãy dẫm hai chân lên mu bàn chân của anh ta, và cứ thế anh ta nắm lấy hai vai Y cho Y vịn vào tay anh, chân anh bước lùi từng bước thận trọng đưa Y ra tới tận thuyền.
Con thuyền nhỏ của ngưòi thanh niên còn đi đi lại lại nhiều lần, mỗi lần chỉ chở đựơc một hay hai người, nhưng đã đưa được rất nhiều gia đình xung quanh tới ngôi nhà ba tầng gần đó. Số người lánh nạn được đưa tới mỗi lúc một đông, dễ tới gần cả trăm người. Trong hoang mang lo lắng, mọi người chia nhau những nắm cơm vắt ăn với tôm kho mặn của Mạnh Thường Quân chủ nhà. Chiều tối dần, trời tạnh mưa, nhưng mực nước vẫn cao lừng lững, không có dấu hiệu gì là muốn rút xuống. Mạnh Thường Quân cũng bắt đầu nao núng, lo sợ đông người quá nhà có thể bị sập, nên sau đó mọi người lại lần lựơt lên thuyền vào phố lánh nạn...
Thuyền đi qua con đưòng mà hàng ngày Y vẫn đi học với những hàng cây cao xum suê hai bên đường, nay chỉ còn phần ngọn nổi trên mặt nước giống như những bụi cây lá um tùm ở hai bên kênh rạch hay trong rừng sâu âm u của những chuyện phim thám hiểm. Tưởng chừng như có cọp beo rình rập trong xóm kia, từ phía nhà bạn của Y sắp sửa xông ra, hay dưới làn nước ngầm này ở đầu ngõ - nơi mà Y biết chắc là có hai hồ sen lớn-, đang có cả một đàn cá sấu rình rập dưới đáy thuyền. Người thanh niên đã tới cứu mọi người và Y đang ngồi ở mũi thuyền , vẫn như một vị dũng sĩ Hy Lạp, một vị thiên thần hộ mệnh quả cảm, đang đưa con thuyền tới bến bình yên. Y không rõ anh ta là ai, nghe đâu là một ngưòi lính tình cờ về nghỉ phép. Thuyền đi trong đêm, dưới bầu trời đã trong vắt và có những ánh sao xanh lấp lánh như ánh lân tinh xa thẳm cao vút trên cao, như đang âm thầm che chở..
Vài ngày sau nước rút, khi Y trở về thì nhà cửa đã được dọn dẹp sạch sẽ. Nghe chị Hồng than phải hốt bùn đọng trên nền nhà cả tấc. Biển nước mênh mông mới đó mà như một cơn ác mộng thoáng qua. Cuộc sống trở lại bình thường vì khu xóm của Y chẳng bị thiệt hại gì lớn ngoài cái khổ vì bị nước dâng lên ứơt ngập hết đồ đạc, giờ phải lo phơi phóng. Củi đun bếp ướt sũng, phải đem phơi lại mỗi ngày, hầu hết chỉ nấu bếp cồn cả tháng trong khi chờ cho củi khô. Ngoài ra không có ai chết. Nhưng khi đi học, nghe đồn và nghe tin qua báo chí, từ đài phát thanh, Y mới biết hết thảm hoạ to lớn của trận lụt vừa qua. Các nữ sinh thì thầm bảo nhau ở bờ sông có nhiều xác chết trôi trên sông tấp vào...trông dễ sợ lắm. Đó là dân chúng ở các làng quê đã bị nước lũ cuốn trôi ra biển. Vùng quê ở phía thượng ngùôn tang tóc ngập trời. Hoa mầu thịêt hại, nhiều nhà bị cuốn trôi, và người chết lên tới mấy ngàn, vì chạy lụt không kịp. Họ không may mắn ở gần những gò đất cao, không thể bám vào một ngọn cây nào đó khi nước lừng lững dâng lên, không đựơc một con thuyền nào kịp tới cứu nạn như Y.
*
Chị Nha bên kia sông vẫn bặt vô âm tín. Sau lụt, đôi khi theo mẹ đi chợ ở gần bờ sông, Y nhìn quanh ngó theo những người đàn bà có vẻ ở quê ra phố, mong tình cờ gặp lại chị, nhưng vẫn chẳng bao giờ.. Y chỉ biết cầu trời chị vẫn còn đổ bánh xèo trước mùa nước lũ năm sau đó, sau đó, năm nay rồi năm tới, những năm sắp tới ...cho bầy cháu nội ngoại của chị.
Quỳnh Chi ( 7- 11/ 12/2004)