Giấc mơ son phấn
Tác giả: Quỳnh Linh
- Bà có trả không? Chỉ có bà thôi đấy. Mai mẹ tôi về. Bị AIDS rồi. Chết chả mang theo được nhưng của ai thì bà nên trả cho người ấy.
- Lúc khác nói chuyện. Tao đang bận.
Sanh đập cạch điện thoại xuống bàn, không thay quần áo lao vội ra gara ôtô. Khốn nạn, con cháu gái mới nứt mắt ra đã biết khủng bố dì ruột bằng những cuộc điện thoại cạn tình.
Những vòng xe vô định. Tiếng chuông điện thoại di động đổ dồn, dai dẳng bám theo Sanh qua những con phố quen mà lạ. Cho tới lúc suýt đâm phải đuôi xe người đằng trước Sanh mới tạt sang hè phố, bước đại vào một cửa hàng mỹ phẩm.
*
- Triệu chín chị gái ơi. Xài đi, hàng này ngon lành lắm!
- Cô nói cái gì? Tăng giá nhanh vậy? Vừa tháng trước tôi mua có năm trăm. - Sanh nhấn giọng bằng cả nỗi bực tức từ cô cháu gái.
- Trời ơi, bà chị chả hiểu cho em. Có phải tự dưng nhích lên đâu?
- Nhích? - Sành nháy mắt trở lại vẻ sành điệu thường ngày.
- Vâng. Xách tay đấy. Con em em nó là chiêu đãi viên hàng không. Nói thật bà chị, hàng sạch ở em mà không bán thì không đâu trong thành phố này có cả. Nhìn, là em biết chị xài chất nào rồi, lấy cho xem ngay. Chứ hạng người khác á, thoáng qua ra vị, vào ngắm cho đỡ thèm, thấy giá tái mặt. Em chả tiếp. Gớm, tiền đâu. Mà em cũng hơi đâu. - Cô chủ hàng tóc đỏ nói liền một chặp, mặt ngoắt bên này ngoéo bên kia, mắt díu lại, nhìn mà như cắt vải. Sanh khẽ đặt hộp phấn xuống bàn, lắc đầu:
- Thôi, hôm nay chị chịu. Chào em. - Sanh bước nhanh ra hè.
- Có phải dễ mà đắp được lên mặt gần hai triệu đâu. Mỏi cả mồm!
Lời nói chì chiết xói vào người quẩn trong đầu Sanh. Bạc thật, bạc như phấn. Nó vừa nịnh mình xong lại buông lời ngay được. Cô thấy nóng nóng mặt. Chen quệt là chút gì ngại ngại, nể nể, cái vẻ ta đây hơn người bị lột bẽ bàng.
Mọi khi biết là đắt, Sanh vẫn mua trong cảm giác kiêu kiêu sương sướng. Thừa hiểu nó uốn lưỡi nhưng còn hơn cái vẻ mặt khinh khỉnh. Sanh tự an ủi: Nó chớt chát cho xuôi mồm, cho dễ mua dễ bán, miễn là hàng xịn hàng hiếm, thơm lâu, bôi đâu mịn đấy. Không nhiều người dám bỏ ra mấy tấn thóc đổi lấy cái hộp con con bằng lòng bàn tay để rồi quệt quạt lên mặt vài lần đã hõm xuống, hở cả đáy, thế mà Sanh chơi mới sành điệu chứ. Và từ khi làm khách hàng của hạng son phấn này chưa bao giờ Sanh phải nghe những lời xách mé như hôm nay.
Người Sanh dấm dứt như mấy ngày chưa tắm. Mặt nóng rát, cảm giác có hàng nghìn cái dằm lao ra, nhằm vào mặt Sanh từ những đôi mắt nửa tò mò nửa khinh khi của những người hàng phố đang dõi theo từng bước chân. Sanh quay ngoắt lại, vẻ tỉnh bơ, đặt hai triệu lên tủ kính.
Cô chủ tóc đỏ mặt nở bừng, cười díp mắt, luống cuống vừa tháo vừa giật cái nhẫn, hấp tấp mở nắp hộp, gậy một chút phấn, run run bôi, miết nhè nhẹ, rồi thật khẽ khàng nâng bàn tay béo múp của Sanh lên:
- Chị nhìn đây, vẫn hồng, không chì nhé. Đảm bảo không khoét da. Bà chị tinh lắm. Ăn hết nhiều chứ thứ này tiêu mấy phải không ạ?
Sanh thả tọt hộp phấn vào túi sắc, đi luôn ra cửa, để mặc cô chủ mỹ phẩm cúm núm chạy theo, nói với:
- Mới lần đầu mà mướt ghê cơ. Lần sau nhớ đến hàng em nhé. Rất mong được phục vụ quý chị..
Lại những ánh mắt hàng phố...
*
Sanh từ từ chuyển vòi hoa sen khắp cơ thể để dòng nước ấm mơn man, mơ màng cảm nhận sự chuyển động thăng hoa của từng đường gân thớ thịt. Cái cổ trắng ngà. Bầu ngực nây mịn. Suốt đùi khép kín, nuột như lụa. Nước lan chảy trên người Sanh tựa tráng men. Những giọt nước bắn lên, rơi xuống xung quanh làm phòng tắm bé lại, như có ai muốn ôm gọn lấy cô. Người muốn căng mọng lên. Tự dưng Sanh nhớ chồng, thèm cảm giác hai dòng nước hợp làm một.
Vặn vội vòi hoa sen, Sanh với khăn tắm màu hồng tím choàng lên người, quấn chặt lại, bó cái khát khao rất đàn bà và rất đỗi tự nhiên. Cứ nguyên vậy Sanh ra phòng khách thả người xuống ghế, tuệch toạc dạng chân, ngẹo đầu, để rơi bầu ngực xuống đệm đếm cảm giác lành lạnh theo từng đợt gió nhẹ liếm từ bàn chân, trượt theo bắp đùi, tới rốn, qua khe ngực, lên cổ, vòng sang, nhồn nhột nơi gáy.
Từ lâu, Sanh có thể tự do làm những gì mình thích. “Gia đình đã tuỳ nghi di tản” - Cô nói như vậy khi có ai hỏi thăm. Cô hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chả nắng, chả gió, chả mưa, chả bụi. Hệ thống máy tính, camera màn hình lớn lắp đặt giữa nhà giúp cô “truy cập toàn cầu”. Công việc cô bàn giao cho quản đốc, nội trợ có quản gia cùng mấy người giúp việc. Cô bỏ tiền ra nuôi họ và họ bỏ sức phục vụ cô.
Có tiếng chuông. Sanh nhắc điện thoại. Tiếng nói như đập vào tai: “Cô có trả không? Cạch!” Lại con cháu. Nó còn cúp máy trước. Chắc sợ Sanh không nghe nên nó không chào hỏi nữa. Mà chào làm gì khi đã đến nước này. Cảm giác nhẹ nhõm biến mất. Sanh nhấn nút gọi. Rời tay, đã thấy ông Du gõ cửa.
Như mọi khi, cánh cửa chưa mở hết ông Du đã lọt vào phòng. Không nói lời nào, ông nhỏ vào tay thứ nước sát khuẩn nhẹ, xoa xoa từ cánh tay trở xuống rồi lẳng lặng tháo khăn tắm mặc cho Sanh bộ nỉ hồng. Rút cái que bạc từ trong túi áo ngực, vê vê từng lọn bông, cắm vào lọ nước cất pha bạc hà, ông khẽ khàng lăn lăn lên người, lau từng kẽ tay kẽ chân cô Sanh. Rồi vẫn dùng bông lót dưới ngón tay trỏ ông Du lần lần lựa từng lọn tóc, vuốt nhẹ nhàng. Chừng tóc gần khô ông Du mới dùng mười đầu ngón tay khẽ chải xuôi theo tóc. Chỗ nào vướng, ông nâng đầu cô lên, luồn tay như múa quanh cổ ra gáy. Tất cả diễn ra như đang trôi. Ông chăm sóc Sanh trong bóng tối bưng bởi chiếc kính đen xì dày gọng kiểu của người mù bẩm sinh. Người ông toả lên mùi hương trầm bí ẩn như cảm xúc của người đàn ông khuyết tật luống tuổi chưa mấy lần chung đụng với phụ nữ trước cơ thể rừng rực khát khao.
Giống bao lần khác, hiếm một tiếng động lớn, và chưa khi nào cô Sanh để tâm xem công đoạn sau tắm này tốn bao nhiêu phút. Bởi cả hai chả có gì thúc giục. Chỉ thầm nghe cái hun hút se se lan toả từ bạc hà, tự đón nhận sự rộn rạo chạy quẩn lên hai bầu vú, theo hai bên lườn, giần giật nơi đùi lẩn trong những vòng sáng đan màu nơi đáy mắt.
**
Trước đây chả cần ông Du mù, không cần bông với bạc hà Sanh cũng đầy ắp cảm giác tê tê hun hút ấy. Cái ngày Vai còn ở nhà này, giữa những năm tháng nghèo khó. Ngó lên ngó xuống chẳng có gì đáng kể ngoài bộ nồi inốc mà bạn chồng cô mừng ngày cưới. Dành dụm mãi vẫn chưa dám đẻ một mụn con. Mọi sự diễn ra với các động tác xổm bệt cho đến giật thẳng người, đi đâu thì đi chứ cứ về đến nhà xoa xoa đập đập vài cái là có thể lôi nhau vào ngủ. Giữa những giấc tàm tạm ấy muốn tâm sự gì thì tâm sự, muốn trách gì thì trách.
Nhưng rồi bỗng đâu khoảnh đất “rau dại chó đái” mà Sanh đứng tên mua hộ cho cô chị đang lao động ở Libi cách đó chục năm được rải vàng vì trở thành mặt đường quốc lộ. Cô cắt ba, mỗi khoảnh cũng non bốn sào. Sau lại cắt bẩy, bán sáu phần lấy vốn lận lưng.
Ai ngờ chị cô lại tính giỏi thế. Bao nhiêu tiền cứ gửi hết cho Sanh. “Chị bên này chỉ biết kiếm mà không thể giữ. Chị nhờ em”. Cả đời chả bao giờ có nhiều tiền, làm thủ quỹ của một xí nghiệp làm ăn lỗ nhiều hơn lãi, vốn chưa về đã đi đã thấy thiếu nên Sanh cũng không dám để tiền của chị trong nhà, nghe lời mua hết đất.
Như bao người bất chợt giàu sổi, Sanh phô trương, nghĩ đơn giản, muốn thể hiện là có tiền thì phải chìa ra cho thiên hạ thấy, có vậy họ mới nể. Thế là đôi bàn tay rám nắng rạng dần màu vàng. Ra đường người ta không chỉ nhìn vào mặt mà tướt lên tướt xuống rồi đậu lại nơi những ngón tay Sanh cuộn tiền. Nhà cửa từ túp lều con cao vọt lên hơn cột điện. Lại chạy chọt chuyển được cho chồng từ vùng cao về đơn vị gần nhà. Tiền lương mong đợi bấy lâu thành ra thứ tiêu vặt. Nhận về, vợ chồng đi phố, thích thì vào ăn, mua đồ không cần tính toán, chọn tha về hàng đống mà nhiều thứ chả buồn sờ thêm.
Thoảng chốc, Sanh thấy mình có giá hơn. Công việc thủ quỹ ở cơ quan cô nghĩ sao nhàm chán, cứ ngồi đếm tiền của người khác để mỗi lần phát ra lại vừa thèm vừa tiếc, thèm tiếc thứ rõ ràng không phải của mình. Chả như buổi không nơi nương tựa, cạy cục mãi mới kiếm được việc làm.
Sanh có bầu. Thêm lý do đầy đủ để cô xin nghỉ việc không tiếc nuối. Cô con gái bé bỏng chào đời an toàn được mọi người khen mệnh đỏ vì có bà cô chết trẻ trong họ phù trợ nên sinh vào lúc bố mẹ có của ăn của để.
Bạn bè trong đơn vị đến chúc mừng, Vai hào hứng kể chuyện gia đình. Anh em tán thêm rồi cười vui vẻ. Sanh nghe, cũng cười góp nhưng hơi ngường ngượng. Sự khó chịu như quả bóng bay mà những câu đùa tếu táo, hồn nhiên vô tình thổi lớn.
Nhà cô mướn giúp việc. Con mới một tuổi Sanh đã thấy rảnh rang, lại muốn chui ra khỏi căn nhà cao ngang cột điện mà mấy năm gần đây trong đó cô là đỉnh. Bồng bềnh cảm giác trên cao, Sanh bàn với chồng mở công ty riêng chuyên kinh doanh tư vấn nhà đất. Cô quay lại tìm mọi cách mua những khoảnh đất mình đã bán kể cả cho người trong họ. Cô lăn lộn chao chát, xẻ ngang xẻ dọc, đưa đi chỉ lại lấy tiền chênh lệch. Cô thuê, mượn danh nghĩa của tất cả anh em, bạn bè thân thiết cũ. Khả năng tính toán của Sanh được phát huy đến không ngờ. Chỉ nhìn thoáng cô đã ước tính sẽ lãi được bao nhiêu. Số vốn công ty Sanh qua ba mùa sốt đất tăng hàng chục lần. Chị Sạch cùng thời thế đã cho cô đôi cánh, Sanh bay được trên đất đai quê nhà, nhìn ra tiền và biết đáp đúng lúc.
Sanh yêu vô cùng cái “nhiệt kế tiền”. Và không chỉ mong, cô thực sự đổ mồ hôi để làm nó tăng lên. Không để gia đình cô trở lại cái thời khốn khó, vợ chồng lọc cọc xe đạp, ra đường cứ bấu bíu lấy nhau, tưởng không có nhau là ngã, là chết.
Dần quen với việc ăn tiêu thừa thãi đến mức tưởng như vốn trước nay vẫn thế, Sanh ngại nhắc tới quãng đời xưa. Cuộc sống không còn phải chi li từng đồng, tính từng ngày, tằn tiện từng khoản như trước cho Sanh đẫy đà nở da, mặn mà nhan sắc. Soi gương, cô xót xa tiếc bao lâu nay thờ ơ với mình quá. Cái tay sạch thế mà bạ cái gì cũng sờ vào? Quần áo mới tinh sao để cái mặt cũ kỹ? Người như thế, lúc trước như vậy sao giờ lại khác? Sanh đặt cho mình bao câu hỏi và quyết định thay đổi một cách đồng bộ.
Thời bây giờ cái gì cũng đi đôi đi ba, cái nọ là của cái kia, không cọc cạch vá víu được. Đơn giản từ cái khoác lên người cho đến vật dụng gia đình, rồi từng hành động, cử chỉ trong cuộc sống. Mọi người bắt đầu thấy một Sanh “cách mạng triệt để”. Sáng tác nguồn gốc mới, đổi cá tính, tập làm người sang...Cô rất quan tâm đến trang phục. Nếu đã mặc áo đỏ thì quần đỏ, hoặc màu tương phản mạnh như đen, xanh...cùng các phụ trang có chi tiết đồng màu với áo, như cạp gấu, viền chỉ đỏ kính gọng đỏ, giày thêu hoa đỏ, giây đeo chìa khoá hình con gấu vàng mắt đỏ. Quần hin áo hin mặc trong cũng có màu đỏ nốt... Cô nói, người có cái gu riêng biết chọn lọc những thứ mắc lên người là vậy. Đã không diện, không có tiền thì thôi. Đằng này Sanh có, lại còn cả một thời thiếu thốn nên Sanh ăn chơi hơn người thừa tiền. Không chỉ cho hôm nay, ngày mai mà bù cả ngày qua...
Sanh bị cuốn theo dòng đổi đời tân trang thay thế. Hễ một cái hỏng Sanh bỏ tất cả bởi cảm giác chương chướng những thứ còn lại. Bộ quần áo đỏ đen đã đi vào thùng rác chỉ vì cái vòng tay hoa đỏ tự dưng bị đứt. Cô không cho người giúp việc, làm giẻ lau lại lo bị xúc phạm: Rồi có lúc chúng bảo mình đã từng khoác thứ giẻ đó lên người... Vai một lần lỡ kéo mạnh tay làm gẫy chân ghế phải thuê thợ sửa. Chiếc đinh chặn ngang hơi lồi hơn bình thường làm Sanh mỗi lần nhìn thấy bừng bực. Qua mấy hôm, bộ bàn ghế giả cổ ấy được thanh lý thay bằng bộ gỗ pơmu nghe quảng cáo rằng có thể đuổi ruồi muỗi, lại lưu thông khí huyết.. Vai hỏi: Khí huyết ở đâu nếu chỉ để ngồi? Sanh bảo: Cho tốt mông chứ sao. Mà đã như vậy thì tủ, kệ, khung tranh, lót chén, thùng rác, guốc đi trong nhà... cũng phải thay cùng loại gỗ. Hàng chục triệu đi tong. Sót ruột, bảo vài lần không nghe, sẵn tính nể vợ Vai đành làm ngơ: Thôi thì cho cô ấy thoải mái là được!
Vai an vị trong tư thế người chồng yêu vợ hiền lành, nghĩ mình chả làm được mấy. Lo liệu quyết đoán toàn cô từ ngày mới lấy nhau. Vai yên tâm công tác, mải miết với những kế hoạch nọ phương châm kia ở tầm vĩ mô đại sự. Không nhờ vợ thì mấy đồng lương của anh không đủ thay thảm chùi chân.- Vợ chồng vẫn đùa nhau. - Chả sao. Cả chuyện Sanh đi làm thủ tục đổi tên cha mẹ đặt cho anh là Vại sang Vai.
- Nghe nó có dư âm, hơn chán vạn cái vại cái chum nhà anh. - Sanh bảo thế. Mà chính Sanh cũng đổi tên Sành của cô ra thành Sanh. Điều này cô nói thuyết phục hơn - Cha mẹ em ngày xưa nghèo lắm, mới đặt tên chị Sạch, em Sành, thằng út là Sanh để ghi nhớ cái thời thiếu đói khốn khổ. Nhưng út nó mất sớm, những đứa sau toàn hỏng từ trong bụng mẹ. Dự định trước đã không thành, thôi thì cũng là thoả nguyện ý trời. Em đổi thành Sanh cho nó có tương lai. Chị Sạch, em Sanh, thoáng nghe tưởng là Sạch-Xanh. Đúng tiêu chí xã hội hiện đại nhé. Phải đổi thôi, chứ ai để trong nhà toàn Sành với Vại.
- Thì cùng từ đất ra cả mà - Vai chống chế.
- Nhưng em nghe nó bẩn, nó lạc hậu lắm.
Mà “lạc lõng” thật so với cuộc sống của Sanh bây giờ. Trong nhà toàn thứ sáng bóng, chọn lọc kỹ. Kim loại không gỉ. Gỗ loại A, vân hoa, sơn bóng, hở ra lại lau. Vải cotton, không pha sợi tổng hợp. Dù có chóng rách chóng hỏng mau sờn nhưng thông thoáng khoẻ người. Nay mặc chưa kịp cũ đã chán, muốn thay, cần gì phải bền. Giấy nhẵn mặt, hai lớp, không độn, không pha màu hóa chất. Máy móc hiện đại, không CFC, không khói, không ầm ĩ, không thải khí gây thủng tầng ôzôn. Nước thật trong, qua ba lần lọc. Thức ăn chế biến từ thực phẩm tươi sạch tiệt trùng, không dùng phẩm màu, không để dư, và không ăn đồ thừa. Khi rửa, xả nước rửa trôi... Nồi niêu, bát đĩa, thìa đũa cô chuyển sang đồ bạc, phalê hoặc thuỷ tinh...
Gia đình dần hình thành quy định hạn chế hết mức chuyện tiếp xúc với những thứ Sanh cho là bẩn. Đi đâu không muốn ngồi, không muốn va chạm vào ai, cầm mó gì cũng thấy ghê ghê, muốn đeo găng, muốn lót, muốn rửa, rửa đi rửa lại. Ban đầu là thế, sau mãi thành ra cô tránh tất cả các cái không phải của mình, trừ một thứ đã làm cô thay đổi và luôn trong tình trạng chạy chốn hiện nay. Cô quên, hay vì nó chính Sanh cũng không muốn biết rành rẽ. Cô chỉ ưng thứ đẹp, sáng, thơm. Nhân viên công ty cô chọn mặt gửi vàng, tiêu chuẩn đầu tiên là trông sáng sủa, thông minh, hiện đại, biết làm đẹp. Cô nghĩ thế mới có chí tiến thủ, không quấy quá cho xong. Trong tiền lương cô cho thêm khoản phụ cấp thời trang son phấn. Nhân viên xấu trước chót nhận sau dần thải.
Có bữa, Lụa - người bạn gái thân nhất của Sanh đến chơi. Được vài phút, Sanh cáo bận có việc công ty phải đi. Người ở người về vẻ lưu luyến chia tay. Đến đường, Lụa mới nhớ để quên chiếc túi liền quay lại. Ngỡ ngàng, Lụa thấy Sanh đang nhăn mặt chun mũi dùng hai ngón tay nhón cái túi xinh xinh cô vừa mua, giơ giơ về phía trước như để tránh không dính vào người rồi thả bụp vào túi ni lông, buộc túm lại, nhét vào giá để dép. Sanh quát người ở lấy nước tẩy lau ghế chỗ Lụa vừa ngồi, miệng chèm chẹp: Gớm, lê la khắp nơi. Bên cửa sổ, mặt Lụa thần ra nhìn, nghe cái nóng bốc dần từ chân tóc.
Từ ấy không bao giờ Lụa đến nhà Sanh nữa. Bạn bè thời nghèo khó có việc muốn gặp Sanh cũng khó tìm cô lắm. Sanh đã chuyển vào ở khu nhà đẹp nhất thành phố. Ấy là Sanh muốn thay hàng xóm. Mỗi lần đi qua nơi ở cũ cô cứ muốn quay mặt đi, lòng tự hỏi: Sao thời ấy mình sống được ở đấy nhỉ?
Làm quen, tìm cách gần gũi, Sanh hoà nhập với những quý bà quý ông quần áo thơm tho. Như họ, ra đường cô ngồi ôtô, đến nơi làm việc ở phòng điều hoà, về tắm phòng xông hơi, lúc nào cũng có người bưng bê dạ thưa phục vụ, nên bụng nở, mặt xệ vẻ phát tướng. Lớp bạn mới được hình thành. Bạn nghèo một thủa Sanh từng mượn danh, từng bá vai bá cổ nay cô tìm cách tránh. Những ánh mắt lạnh, trả lời ậm ừ, bạn dần ngại gặp, chả muốn đến nhà chơi rồi ngay cả điện thoại cũng thôi luôn. Mỗi sáng thức dậy trong chăn ấm đệm êm Sanh thấy mình thật viên mãn. Xung quanh cô giờ toàn người sạch sẽ, hào nhoáng, phong thái lịch sự, ăn nói hoa mỹ, gương mặt tươi tắn, no đủ, ánh sắc màu rượu ngoại, màu son phấn, màu cảm giác có tiền, có quyền hơn người khác.
Những món tiền bạc triệu của Sanh sẵn sàng thả vào những quầy hàng lấp lánh đổi lấy thỏi son, kem bẹn, phấn mông, thuốc chống nhăn, nước vuốt mi, sơn móng, keo tóc... hay những giờ khắc như phim, làm điệu làm bộ. Sanh tung tăng giữa đời với tiền nhưng ngoài chuyện phấn son, tạo dáng cho mình, cô không mấy khi quên tính chi li tỉnh táo của người từng làm thủ quỹ, nhất định không để cái két của mình vơi đi một cách vô lối. Rồi sau những phút cắm cúi với những bữa ăn ngon, sạch đẹp, Sanh nhận ra sự chênh lệch từ cái lướt mắt rời đĩa đỗ Hà Lan xanh luộc với cà rốt ánh lên trong đĩa thủy tinh hiệu Arcoc của Pháp chạm vào gương mặt cũ kỹ sạm nắng của chồng. Sự so sánh bắt đầu ngấm ngầm trong Sanh. Sau bao năm đầu gối tay ấp mà giờ Sanh mới phát hiện rằng Vai của mình khá bẩn. Đi ngủ chẳng mấy khi rửa chân. Khi nhắc liền chùi luôn vào chăn rồi mới giơ cho vợ xem:
- Em này, anh rửa sạch lúc tắm rồi còn gì.
- Nhưng anh vừa mới ra vườn hút thuốc, bụi nó quẩn lên. Anh ra rửa lại đi, từ đầu gối trở xuống thôi cũng được.
- Khó tính thật. Em dạo này... Vừa về, bắt lột bỏ quần áo ngay, thay đồ trong nhà. Sờ vào thứ gì phải rửa tay. Đứng cửa nói với ông tổ trưởng đến nhắc việc phường mấy câu cũng phải rửa mặt. Ông ấy có hủi đâu mà em...
- Giời ơi, vợ mới nói một, chồng nói mười. Anh có biết là ông ấy nói như nhổ ấy không, bắn hết cả nước bọt vào người ta. Không rửa đi để vi trùng nó lan khắp, vào thơm con lây sang con, tối vợ hôn thế là nhiễm tất.
- Sạch quá đâm hay ốm. Mất hết khả năng miễn dịch! Vệ sinh tốt, nhưng vừa vừa phải phải thôi. Người ta vẫn vậy, trước chúng ta cũng đơn giản thế, có làm sao đâu?
- Trước khác, bây giờ khác. Người ta sao kệ người ta. Không có điều kiện thôi chứ ai chả muốn sạch.- Sanh không nhìn chồng cứ vừa giũ chăn vừa nói tưng tửng. Vai co người, gối đầu lên tay, định cãi vợ tiếp lại thôi. Ngày xưa, mỗi khi vợ chồng có chuyện tranh luận Vai chỉ đặt tay lên eo vợ khẽ kéo là Sanh đã thu người gọn trong lòng chồng và “trận chiến” kết thúc. Nhưng hôm nay Vai không thể dùng phương pháp ấy, anh chợt nhớ lúc nãy lấy ví trả tiền điện xong anh chưa rửa tay. Cô ấy biết mà rít lên thì... Phản xạ, Vai đưa bàn tay đã nắm chặt lên gãi mũi, mãi mà không hết ngứa, chỉ thấy rát.
Sanh rất sợ dây bẩn từ tiền, cô từng bảo: Thế gian này bẩn nhất là tiền, theo các nghĩa. Người ta để nó ở mọi nơi, quệt tay lung tung rồi quay lại sờ vào tiền. Trứng giun, máu người, phân chó... đều có cả đấy. Vậy nên các thứ đựng tiền, dính đến tiền không được để gần người.
- Ơ, anh rửa đi để ngủ.- Sanh lại giục.
- Thôi, mai anh rửa, buồn ngủ lắm rồi. - Vai nhăn nhó.
- Mai gì, có bẩn mình anh đâu. Tối cứ rúc vào chân em là liệu đấy.
- Anh nằm lui ra vậy. - Vai nhích dần ra mép giường, co ro nhưng không tài nào ngủ được. Nằm bên, Sanh cứ quay ngang quay ngửa. Cực chẳng đã, Vai đành dậy ra rửa tay chân, chịu khó còn hơn phải để cho Sanh làm mình làm mẩy. Vào chưa thấy mặt đã nghe tiếng cười như thuỷ tinh vỡ của Sanh. Cô ôm ngay lấy người chồng thủ thỉ: Em yêu anh lắm. Phải sạch thế chứ. Ra ngoài đừng có dùng thứ gì chung. Em để sẵn trong túi cho anh lọ thuốc sát trùng không cần nước, chỉ xoa vào tay. Đi đâu anh chịu khó ngồi xổm, đừng có nghĩ sạch như ở nhà mà bệt xuống. Rồi tay nắm cửa, cần gạt vòi nước, vôlăng, ghế ngồi ôtô, bàn phím vi tính, điện thoại... chỗ nào cũng bẩn cả, động vào phải rửa, không thì lau tay ngay. Tốt nhất là nên làm sạch nó trước khi sờ. Như cái vòi nước, anh cứ vặn ra rồi hớt nước lên rửa cái cần gạt đã. Có thế, khi đóng lại mới không bị dây bẩn vào tay vừa rửa. Nhớ chưa?
Kể từ đó, cứ lần nào đến đoạn Sanh hỏi “Nhớ chưa?” là cái “gậy” chống mí của Vai gẫy rụp, mí mắt đổ sụp xuống, bắt đầu giấc ngủ nhiều mộng mị. Còn Sanh thường thì lại trở dậy lấy gương ra soi. Cô rất thích soi gương về đêm, khi tất cả đã chìm vào tĩnh lặng. Dường như lúc đó cô được đắm mình hơn và nhận ra bản thân rõ nhất. Nhưng chính vì thế mà lần nào trước lúc ngủ thật sự Sanh cũng nhìn thấy bộ mặt nghệt với dáng ngủ rất bành chướng của chồng, duỗi hết tay chân, để lộ đôi gót bợt màu thô nhám, mấy đầu ngón tay vàng hun khói thuốc, để lại nghĩ vẩn vơ, đâm sợ, và xa chồng lúc nào không biết.
Nhà đẹp, vợ sạch, hà cớ gì để tồn tại một cái bóng nồng khét lượn qua lượn lại trong nhà. Chả bù thời trẻ, ngồi dãi thẻ đầu hè, rồi lăn lê bờ đê, vun lá lẫn rác đốt nướng những con cá vừa bắt được mang còn dính đầy bùn, ăn ngon lành. Vai cùng đồng đội hành quân qua, thấy vậy còn trêu ời ời: Cho xin với hậu phương ơi. Thế rồi lớn, rồi tìm về, rồi yêu... Đi đám hiếu hỉ Sanh thường lấy thuốc lá cho Vai. Hai đứa gặp nhau rỉ rả hết chuyện này qua chuyện khác. Cũng chẳng khi nào cấn cá chuyện bẩn sạch, chuyện trước khi gặp Sanh, Vai vừa lăn lê ngoài thao trường. Lúc ấy chỉ thấy thương, thấy nhớ, được gần là vui lắm rồi.
Ngồi nhìn chồng nằm sốt rộp môi, Sanh tự trách mình. Vai đâu bị cảm nếu Sanh không có thói quen lau rửa, thay quần áo mỗi khi chồng đi đâu về mà sà vào ôm ngay, khiến hôm nay dù vừa dãi nắng Vai cũng đi tắm trước để được vào chơi với vợ con. Chả lẽ bây giờ Sanh hết yêu? Không phải, có điều cô đã tự làm mọi sự phức tạp hơn. Chính Vai cũng thừa nhận việc vệ sinh thật tốt, anh đang cai dần thuốc lá. Nhưng phải nói là Sanh cầu toàn thái quá. Qua đận ốm, Vai không còn làm ngơ trước sự thay đổi của vợ, bắt đầu khuyên nhủ, đưa về các miền quê chơi, hoà mình vào với thiên nhiên, mua một số tờ báo khoa học... Cuộc sống dần trở lại cân bằng.
*
Nhưng đúng lúc Sanh định cùng chồng dung hoà chuyện gia đình, sao cho vừa hợp với lối sống mới vừa dễ chịu lại xảy ra chuyện. Hôm đó, bố mẹ chồng ở quê ra, Sanh rời công ty sớm, tiện vào trường đón con luôn. Con bé thấy mẹ mừng quýnh nhảy cơn lên, ngã vào vũng nước bẩn ngay bậc lên xuống. Sanh vẫn cười, đỡ con dậy, còn trêu “Chuyện nhỏ như gì nhỉ?” Con bé đáp: “Như con thỏ trên bãi cỏ”, và nhe miệng cười. Nhưng về nhà, Sanh mắng con một chập, bao bực dọc ở công ty vì mảnh đất mới mua nằm trong sự thay đổi đất nông nghiệp, Sanh trút lên con. Vừa nhìn chiếc túi dứa đựng quần áo lẫn hoa quả của bố mẹ chồng để trên giường Sanh vừa nhăn mặt quát con: Đồ dơ, dơ từ đời này sang đời khác. Bố mẹ chồng cô đang ngồi trong bếp, đưa mắt nhìn, rồi lặng lẽ ra đường. Sanh không cho con ngồi trên giường cũng không được trèo lên ghế vì quần áo bẩn, sợ dây ra nhau. Đã vậy, con bé còn cho tay trỏ lên miệng mút mút - cử chỉ mà Sanh rất hãi, nó gợi lại hình ảnh cô nhấm nước bọt đếm tiền ngày xưa.
Trong lúc chổng mông thay quần áo cho con, Sanh giật mạnh cái quần bẩn làm con bé ngã ngửa ra đằng sau, đập đầu xuống đất. Vai đưa bố mẹ về đến cổng, nhìn thấy con ngã mà không làm gì được. Chạy vào đến nơi thì con bé đã bất tỉnh. Đưa đi viện cấp cứu, nó qua khỏi nhưng chấn thương để lại di chứng động kinh. Vào một lúc, nỗi xót thương con cùng bao kìm nén lên đến đỉnh của sự chịu đựng Vai giơ tay tát vợ.
Sự mất mát quá lớn cả về con và về mình, về tình yêu gia đình làm Sanh chới với. Cô bỏ đi hàng tuần liền, vì sợ phải trở về nhà, sợ trông thấy cảnh con sùi bọt miệng, kích động, tím tái, lăn giữa sàn nhà bóng lộn mà Sanh từng tự hào biết bao. Cô trở về khi lá đơn ly dị đã có chỗ để ký. Vai đem con sang khu tập thể đơn vị chăm sóc. Sanh trở lại cuộc sống độc thân như cái ngày bố mẹ cô mới mất vì hoả hoạn, chị Sạch được ưu tiên cho đi lao động ở nước ngoài - quãng thời gian Sanh luôn phải sẵn sàng xù lông nhím để sống khiến cô trở nên rất nhiều khi cực đoan sau này.
*
Đứa con đến tuổi đi học, chị gái Sanh trở về nước, định lấy đất từng nhờ cô em đứng tên để làm ăn, tiện cho con đến trường. Nếu ở bên kia, Sạch lo con lớn lên không còn là người Việt, cũng chẳng ra người Libi. Đúng lúc Sanh không sẵn tiền. Cô vừa đầu tư hết vào khu du lịch sinh thái. Hơn nữa Sanh cũng chưa muốn trả món nợ đã nhân lên rất nhiều dù bắt đầu là nhờ chị Sạch nhưng cũng được góp bằng công sức của cô. Sanh chần chừ, mãi mới lo được khoản tiền bằng số vốn ban đầu của chị, tuy nhiên so với hiện thời nó đã mất giá đi nhiều. Sạch nghi ngờ, xót của, bóng gió xa xôi. Sanh buột mồm trong bữa cơm sau gần hai chục năm mới gặp lại: Có gì chị cứ nói toẹt ra. Em chẳng ăn không đâu. Cũng phải rát mặt sôi nước mắt mới ra cơ nghiệp này.
Sạch thầm thán phục đứa em khéo làm, nhưng nó nói to quá, cất giọng lên mặt quá như muốn vuột toẹt công lao mò mẫm tích cóp của cô làm cái thế hơn người là chị trong cô cũng bốc lên. Bao năm ghìm nén nhũn nhặn nơi xứ người nay mới có dịp bùng phát như một sự giải toả. Cô không ngờ đứa em cũng một tâm trạng như thế. Sự lệch lạc trong cuộc sống người đàn bà thiếu hơi chồng, chỉ hay làm dáng à ơi với thiên hạ, không mấy lần được nói thật lòng biến Sanh từ một cô gái hiền lành, biết vun vén cho gia đình thành một phụ nữ mang gương mặt người khác, sống cuộc đời của mình bằng cái vỏ lạ. Giả giữa đời và cũng không thực với mình. Cha mẹ thì đã mất từ lâu, giờ Sanh chỉ còn có chị để trút bỏ, xả trôi, trở về với những cảm xúc thật. Bữa gặp mặt thành trận cãi nhau kịch liệt. Mỗi người lỡ một tiếng, lời nối lời không sao gỡ lại, như tất cả sự thiếu hụt, người là gia đình, người là quê hương với những gì thân thiết tuổi nhỏ, không thể bù đắp được nữa. Trách cứ, dằn vặt, dạy dỗ nhau, và cuối cùng từ mặt.
Sạch bỏ đi. Nay chị ấy lại muốn về. Không liên lạc với Sanh, nhưng cô bắt đầu phải chịu đựng những cuộc điện thoại của con cháu Sa ngang bướng đòi tiền cho mẹ nó. Sa bảo, nếu không có sự ra đi của Sạch lần trước, nhà nó không nát đến độ: Bố bị người ta lôi kéo nghiện ngập, con dở dang, mẹ mắc bệnh. Không biết có phải mẹ nó bị AIDS thật hay không nữa?
* *
Như bao lần nhớ đến quá khứ, Sanh cố tìm giấc ngủ. Ông Du mù vẫn mơn man theo từng đường cong trên cơ thể Sanh. Dường như gấp gáp hơn mọi ngày - Mọi ngày với công việc chăm sóc cho Sanh, được giao kể từ lúc cô cho vào nhà khi vấp phải ông đang ngủ gục trước cửa, trong tối ba mươi cô đơn Sanh đi nhảy điên cuồng, say lướt. Người giúp việc đã về quê hết, chẳng còn ai để nhắc Sanh, tra hỏi ông Du từ đâu đến. Ông Du cho Sanh hơi ấm gia đình, và trở thành người “bà con” chăm sóc đặc biệt của Sanh kể từ tết ấy. Chỉ Sanh biết ông Du vừa thất cơ lỡ vận, sau một trận tranh giành kịch liệt với vợ chồng đứa con nuôi duy nhất trí trá cướp hết tài sản trong chuyến ông đi nghỉ, đến độ sang chấn mù cả mắt, rượu chè, lang thang chán đời dạt vào cửa nhà cô.
“- Này chị kia, đi đâu đó?- Có tiếng quát giật ở cổng. Sanh mỉm cười, Lại thủ tục đầu tiên! - Anh chị muốn vào làm việc phải qua đây. Ngồi trước gương! Đó. Xin lỗi, tôi hơi nặng lời, nhưng phải sang sửa đã. Anh trắng trẻo chỉ cần chỉnh lại quần áo. Đứng yên tôi là cho, chớ sợ bỏng. Còn chị kia, đánh phấn được không? Hay để tôi làm hộ?
- Sao kỳ cục thế? - Người thanh niên nhướn mắt hỏi, vấp vào chân ông bảo vệ, theo đà ôm chầm lấy Sanh. Cô phẩy nhanh vai áo.
- Quy định đó, bà giám đốc không tiếp người luộm thuộm, người xấu. Cần phải rửa mặt, chải đầu, là hơi, đánh phấn ở đây.
- Bác được lắm. Cuối kỳ sẽ có thưởng. Chăm sóc cậu này đi, tôi vào trước, nửa tiếng nữa tiếp. - Sanh giữ nguyên nụ cười nhấc chân qua cổng bóng inôc, nhưng được một bước đã bị kéo giật lại - Ơ cái chị này hay nhỉ. Đi là đi thế nào, trang điểm chưa?
- Ơ kìa, tôi đây mà. - Sanh vẫn cười cười.
- Tôi nào cũng thế, không nhân nhượng ai. Bị đuổi ra lại chửi người ta là ác.
- Ôi, Sanh, giám đốc đây, vừa ra phố có chút việc. - Sanh hết cười.
- Vớ vẩn! Bà giám đốc này có bao giờ ra đường, suốt ngày được chìm trong mộng đẹp. Làm việc qua mạng, đàm thoại hội nghị trao đổi tình cảm bằng máy hết, mặt cứ ngời ngời đâu như bà chị. Tôi từ ngày về đây thấy có mỗi lần nhưng nhớ như in. Bà ấy đẹp lắm. Hồng như sen, đen như đêm, mướt như gió, sáng như... mà thôi ngồi xuống đi. Mặt mọc rêu thế này dám đùa là bà chủ.- Ông bảo vệ ấn Sanh xuống ghế, bẻ ngửa cổ ra sau, bắt đầu công đoạn tô vẽ ngược, bằng những lượt son phấn quết màu sàn sạn, nồng mùi nước hoa rẻ tiền, nhơn nhớt kem lót nhày nhụa trong tay. Dù rất nhanh và chuyên nghiệp nhưng Sanh muốn ói.
Công ty Sanh có quy định không nhìn thẳng vào khách khi làm đẹp, thành thói quen không thấy rõ bản chất của ai. Cứ nhoang nhoáng, màu mè từa tựa nhau. Nên lúc này, lần đầu được giáp mặt người bảo vệ thấy cả đầu mụn trứng cá đang tòi dở, cùng đụn nước bọt sùi lên với son phấn ở mép, lông mũi thò dài dính keo chải mắt khiến cô thất kinh, định giẫy. Nhưng lại nghĩ, thế này tốt hơn hay để nhân viên nhận ra cái mặt thật mà có lẽ đường đi đã làm lợt màu son nên cô ngồi yên và chả mấy thì nhận được câu: Xong! Đẹp. Vào đi! Đến đây lần đầu phải không? Lần sau nhớ chu đáo hơn nhé. Không thì cứ vào thẳng bàn phấn này.
Sanh lẳng lặng đi nhanh vào căn phòng làm việc rộng như nhà hát, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, thơm tho đầy sắc màu, tịnh không một bóng người. Lạnh lẽo cho cô suy nghĩ lần đầu tiên nó như một trại điên bị bỏ hoang, biệt lập với thế giới bên ngoài. Thật mà giả, Sanh đã chìm bao lâu trong thứ ánh sáng hắt ra từ nụ cười đỏ son, ánh mắt đa màu lượn quẩn qua những lọn tóc nhuộm xơ xác. Trong ấy, cô nhìn mà không thấy bởi tự bao giờ mắt đã hoa trước son phấn. Cảm giác đóng keo, không nhận ra sự buồn hay vui của chính mình, không biết ngày hay đêm, không cảm nhận được hương vị của sự sống tự nhiên, đắm giữa mùi nước hoa hoá học và ánh sáng đèn.
Đưa hai tay vuốt phấn trên mặt, Sanh quay chạy như dại ra cổng. Bỗng cô muốn xỉu đi trước ánh nắng dát vàng. Xuân đang về giữa không gian xôn xao...”
Oa oa ngao... Con mèo hoang bên cửa sổ kêu lên bực tức vì cào cách mấy tấm rèm cửa vẫn bay phần phật cho nó thoáng nhìn thấy trời rộng bao la phía bên ngoài rồi lại dán ập vào song sắt như trêu ngươi. Túi hoa khô treo ở cổ nó vướng vào chân đứt rơi tung toé xuống sàn nhà. Sanh choàng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên giường, người nhẹ nhõm chưa từng. Vì thiếu một tấm vải che thân hay cảm giác được thoát ra từ cơn mê ảo?
Không thấy ông Du đâu. Lần đầu ông đã đi đến tận cùng mà chưa được sự cho phép của Sanh. Và cũng lần đầu thấy mèo mà Sanh không la hét. Từ dạo ông Du xuất hiện trong nhà này con mèo hoang thành người khách kín đáo, thi thoảng lại lén đến, được ông Du tắm rửa kỹ càng, đeo túi thơm ở cổ, ăn chơi chán, nhác thấy Sanh lại bỏ chạy.
Một cơn gió thốc mạnh hất tung tấm rèm, con mèo trắng lao vọt ra cửa sổ để lại một vệt đen dài đọng trong mắt Sanh. Hình như nó cắp theo cái kính đen? Ông Du đi đâu mà bỏ đó? - Sanh tự hỏi - Sáng mắt trở lại hay là quên?
Hà Nội, thu 2000