Phần 2
Tác giả: Richard Bach
Thì ra đây là Thiên Đường, chàng nghĩ như vậy, và chàng phải mỉm cười với chính chàng. Vừa mới chân ướt chân ráo bay vào ngưỡng cửa Thiên Đường mà đã tìm cách phân tích Thiên Đường là gì, có vẻ không được kính trọng nơi linh thiêng này lắm.
Giờ đây, trong lúc Cao Phi từ cõi đời bay lên, sát cánh với đôi Hải âu rạng rỡ hào quang, Cao Phi nhận thấy là thân hình Cao Phi bỗng cũng trở nên sáng chói như đôi Hải âu kia. Đúng vậy, chú Hải âu trẻ tuổi Cao Phi vẫn còn đó, nhưng hình thể bên ngoài đã biến đổi.
Bên ngoài trông vẫn như hình thể một con Hải âu , nhưng giờ đây, chàng đã có thể bay giỏi hơn gấp bội lần so với cái hình thể cũ của chàng. Vì, với phân nửa nhưng cố gắng, chàng nghĩ vậy, mình có thể bay nhanh gấp đôi, thành tích mình có thể hay hơn gấp đôi, so bới những ngày mình có thể tự hào nhất, khi còn ở Trần Thế!
Giờ đây, bộ lông của Cao Phi đã sáng rực lên, và đôi cánh Cao Phi đã láng cóng, và toàn hảo như những lá bạc đã được đánh bóng kỹ lưỡng. Với lòng sung sướng tột cùng, Cao Phi bắt đầu học hỏi về đôi cánh, mang cả sức mạnh phổ vào đôi cánh mới mới mẻ đó.
Với vận tốc hai trăm năm mươi dặm một giờ, chàng cảm thấy chàng đã gần đạt đến vận tốc tối đa bình phi tối đa. Với hai trăm bảy mươi dặm một giờ, Cao Phi nghĩ Cao Phi chỉ có thể bay nhanh đến thế là cùng, và cảm thấy một nỗi thất vọng não nề. Thân thể mới của Cao Phi vẫn chỉ có thể hoạt động trong một giới hạn nào đó mà thôi, và dù có thể bay nhanh hơn vận tốc bình phi kỷ lục khi xưa gấp bội, Cao Phi vẫn phải gặp phải sự giới hạn, mà nó phải tốn nhiều nỗ lực để vượt qua.Cao Phi nghĩ rằng đang lý trên Thiên Đường không nên có sự giới hạn.
Những cụm mây đã dạt sang hai bên, hai Hải âu bạn đã hướng dẫn chàng chúc "Hạ cánh an toàn nghe Cao Phi", rồi biến mất trong bầu không khí nhẹ lâng.
Cao Phi đang bay trên mặt bể, hướng về phía bãi bể hình răng cưa. Một vài con Hải âu đang bay tập trong luồng gió thăng chuyển trên ghềnh đá. Xa xa, về hướng Bắc, ngay trên đường chân trời, một vài con Hải âu khác đang bay. Ảnh tượng mới, suy tư mới, những câu hỏi mới. Tại sao chỉ có ít Hải âu thế này? Đang lý ra Thiên Đường phải là nơi tụ họp của hàng đàn Hải âu cơ chứ! Và tại sao mình bỗng nhiên lại mệt mỏi như thế? Đáng lý ra những con Hải âu trên Thiên Đường đều không được mệt mỏi, hoặc không phải ngủ chứ?
Chàng đã nghe thấy điều này ở đâu nhỉ? Ký ức về cuộc sống trên Trần Thế hoàn toàn không còn gì nữa. Trần Thế là nơi Cao Phi đã học hỏi được nhiều điều, lẽ dĩ nhiên, nhưng các chi tiết đều trở thành mờ ảo - chàng chỉ nhớ mang máng đến việc tranh đấu để kiếm cái ăn, và sự kiện chàng bị xua đuổi khỏi Đàn.
Chục con Hải âu từ bờ bể bay đến gặp gỡ chàng, tất cả không nói lên lấy một lời. Chàng chỉ nhận thức được rằng họ đang chúc mừng chàng đã đến đây, và nơi đây là nhà của chàng. Đó là một ngày trọng đại với chàng, một ngày chàng không nhớ đến Mặt Trời lúc mới mọc nữa.
Cao Phi bay vòng lại để đáp trên bãi cát, vỗ đôi cánh để ngưng lại vài phân trong không khí, rồi thả mình nhẹ nhàng trên bãi cát. Các con Hải âu khác cũng đáp xuống, nhưng không con nào chuyển động lấy một cái lông. Chúng nghiêng mình theo chiều gió, những đôi cánh rực xoè thẳng ra, xong chúng những đôi cánh thế nào để ngừng ngay lại khi đôi chân vừa chạm đất. Sự kiểm soát các động tác thật là tinh vi, nhưng lúc bấy giờ Cao Phi mệt mỏi nên hông buồn tập thử. Cứ đứng như vậy trên bãi cát, không ai buồn nói lên một lời, cho đến khi Cao Phi ngủ thiếp.
Trong những ngày kế tiếp. Cao Phi nhận thấy rằng còn rất nhiều điều về bay mà chàng cần phải học, như chàng đã từng học khi còn sống ở cõi dưới. Và một điều khác biệt, là ở đây, tất cả Hải âu đều nghĩ như chính chàng nghĩ. Đối với mỗi Hải âu tại đây, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là làm thế nào để đạt đến cái toàn mỹ ở điều mà họ thích nhất; và điều đó, là sự bay bổng. Chúng là những con Hải âu tuyệt mỹ, tất cả, và mỗi ngày chúng tập bay hết giờ này qua giờ khác, để bay thử các hình nhào lộn rât khó khăn và rắc rối.
Đã từ lâu lắm, Cao Phi không còn nhớ đến cái thế giới mà chàng đã từng sống trước khi dến đây, nơi mà cả Đàn sinh sống, với đôi mắt khép chặt lại sung sướng vì được bay, nơi mà họ dùng đôi cánh làm cứu cánh để tìm và tranh nhau từng miếng mồi. Nhưng rồi thỉnh thoảng, chỉ trong giây lát, chàng cũng nhớ đến cái thế giới đó.
Một buổi sáng kia, khi bay đi tập với sư phụ của chàng, Cao Phi đã nhớ đến cái thế giới xa xưa của chàng, khi hai thầy trò đang dừng chân nghỉ mệt trên bãi cát, sau khi đã tập bay lăn tròn, với đôi cánh xếp lại.
"Những con Hải âu khác đâu cả rồi, hở Du Xuân?" chàng hỏi trong im lặng, vì hiện nay chàng đã khá thành thục trong việc sử dụng thần giao cách cảm mà các Hải âu ở đây vẫn dùng để thay thế tiếng chí choé chói tai. "Tại sao chúng ta chỉ có ít Hải âu thôi vậy? Vì nơi tôi sống trước kia, có đến ..."
"...hàng ngàn, hàng vạn Hải âu . Tôi biết rồi" Hải âu Du Xuân gục gặt đầu ngắt lời Cao Phi." Cao Phi này, câu trả lời duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra, có lẽ anh là trường hợp duy nhất trong hàng triệu con Hải âu . Đa số chúng ta đều tiến tới một cách thật là chậm chạp. Chúng ta đi từ thế giới này đến một thế giới khác, gần giống hệt như thế giới trước, quên ngay tức khắc chúng ta đã từ đâu đến, không cần biết rằng chúng ta sẽ đi về đâu, chỉ biết sống cho hiện tại thôi. Anh có một ý niệm nào về số đời sống mà chúng ta phải trải qua để nhận định được là có nhiều điều trong đời sống cần thiết hơn là ăn, tranh dành, và thế lực trong Đàn không? Một ngàn đời, một vạn đời Cao Phi ạ! Và chúng ta lại phải trải qua một trăm đời nữa để có thể học được ý nghĩa của sự hoàn mỹ, cộng thêm một trăm đời nữa nhận thức được mục đích của sự sống là làm thế nào đạt đến cái toàn mỹ đó. Lẽ dĩ nhiên qui luật đó cũng áp dụng cho chúng ta: chúng mình tự chọn lấy kiếp sống tương lai của mình bằng những gì mình học hỏi được trong kiếp sống này. Đừng học hỏi gì cả, thì kiếp sống tới anh cũng sẽ giống hệt như kiếp này, với tất cả những giới hạn, và gánh nặng phải vượt qua".
Du Xuân xoè đôi cánh ra, và hướng về chiều gió. "Nhưng riêng anh" Xuân tiếp "thì anh đã học quá nhiều trong một kiếp sống, nên anh không phải trải qua hàng ngàn kiếp để đạt đến đời sống này."
Giây phút sau đó, họ đã tung mình trên không trung, để tập bay. Thế bay lăn hợp đoàn theo một hình đa giác là một thế bay khó, vì khi quay đến nửa vòng, Cao Phi phải bay ngửa bụng lên trời, và nghĩ ngược lại, trở ngược chiều lái của đôi cánh, và trở thế nào để phù hợp một cách chính xác với vị sư phụ.
"Hãy thử lại một lần nữa!" Du Xuân lập đi, lập lại mãi "Hãy thử lại một lần nữa." Để rồi cuối cùng thốt lên "Tốt lắm". Và hai thầy trò lại bắt đầu tập những thế bay khác.
Một buổi chiều, các Hải âu không phải bay đêm cùng nhau quây quần trên bãi cát, để suy nghĩ. Cao Phi thu hết can đảm, đi đến gặp Hải âu Trưởng đàn, mà theo lời đồn đại, thì vị này sẽ di chuyển được đến một thế giới cao hơn.
"Cụ Tưởng ..." chàng cất tiếng hơi mất bình tĩnh.
Lão Hải âu già nua nhìn chàng bằng ánh mắt trìu mến. "Gì đó con?" Thay vì bị tháng năm làm cho yếu kém đi, vị Trưởng đàn như được tháng năm làm cho khoẻ mạnh thêm lên; ông ta có thể bay nhanh hơn bất cứ con Hải âu nào trong Đàn, và ông ta đã học được những tuyệt mỹ mà các Hải âu khác chưa bắt đầu biết một cách phiến diện.
"Thưa cụ Tưởng, thế giới này có phải là Thiên Đường, phải không thưa Cụ?"
Dưới ánh trăng vị Trưởng Đàn mỉm cười "Hải âu Cao Phi, cháu lại đang học hỏi nữa rồi" Cụ già nói.
"Thưa Cụ, thế sau thế giới này thì chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta sẽ đi đến đâu? Có chỗ nào là Thiên Đường không ?"
“Không đâu Cao Phi, không có chỗ nào như thế cả. Thiên Đường không phải là một địa điểm. Thiên Đường là một trạng thái khi đã đạt được sự hoàn mỹ." Cụ già im lặng một lúc lâu. "Cháu bay nhanh lắm, có phải không ?"
"Thưa ... thưa cháu thích tốc độ" Cao Phi đáp, hơi ngạc nhiên, nhưng hãnh diện vì đa được Cụ Trưởng Đàn lưu tâm.
"Cháu sẽ bắt đầu đi đến Thiên Đường đó Phi, khi mà cháu đạt được vận tốc toàn mỹ. Và vận tốc toàn mỹ không phải đạt được khi bay với vận tốc một ngàn dặm một giờ, hoặc một triệu dặm một giờ, hoặc bay với vận tốc của ánh sáng. Vì mỗi con số đều là những giới hạn, mà sự toàn mỹ thì không có giới hạn. Vận tốc toàn mỹ, là có mặt ngay ở bất cứ chỗ nào mình muốn đến vậy."
Không báo trước, Cụ Tưởng vụt biến mất để rồi lại xuất hiện cách đó khoảng mười lăm thước, trên bờ bể, trong vòng một nháy mắt. Vừa lúc đó, Cụ lại biến mất một lần nữa, và trong khoảng thời gian độ một phần ngàn giây đồng hồ sau đó, Cụ đã đứng bên cạnh vai của Cao Phi. "Thích thú thật" Cụ già nói.
Cao Phi đứng ngơ ngác. Chàng quên hỏi tiếp về thiên đường. "Cụ làm thế nào để được như vậy? Cụ cảm thấy thế nào? Cụ có thể di chuyển bao xa?"
"Mình có thể đến đến bất cứ nơi nào, và bất cứ lúc nào mà mình thích" vị Trưởng Đàn đáp "Ta có thể đi đến bất cứ nơi nào, và bất cứ lúc nào ta có thể nghĩ ra". Cụ già nhìn ra ngoài khơi. "Lạ lùng thật. Những con Hải âu đã quên lãng sự toàn mỹ để đặt trọng tâm vào sự viễn du, lại không đến đâu cả, một cách chậm chạp. Còn những con Hải âu không màng đến viễn du, để nghĩ đến sự toàn mỹ, thì lại có thể đi đến bất cứ nơi nào, trong chớp mắt. Cao Phi cháu nên nhớ là Thiên Đường không phải là địa điểm hoặc một thời điểm, vì địa điểm và thời gian thật chẳng có ý nghĩa nào cả. Thiên đường là ..."
"Cụ có thể dạy cháu bay như vậy được không?" Hải âu Cao Phi run lên với ý nghĩ sẽ chinh phục một bí mật khác.
"Lẽ dĩ nhiên là được, nếu cháu muốn học".
"Cháu muốn học lắm. Bao giờ thì chúng ta có thể bắt đầu được, thưa cụ?
"Chúng ta có thể bắt đầu ngay từ bây giờ nếu cháu thích".
"Cháu muốn được học bay như vậy" Cao Phi nói, và đôi mắt chàng rực lên một ánh sáng kỳ lạ. "Cụ bảo cháu phải làm những gì đi."
Cụ Tưởng nói một cách hậm chạp và dò xét chàng Hải âu trẻ một cách hết sức ý nghĩ, đến bất cứ nơi nào" Cụ nói "Cháu phải bắt đầu bằng cách biết rằng cháu đã đến nơi rồi..."
Theo Cụ Tưởng, thì bí quyết là Cao Phi phải đừng nghĩ là chàng bị ràng buộc trong giới hạn của thể xác, có đôi cánh dài hơn thước, với những thành tích có thể được ghi chú vào các biểu đồ. Bí quyết là phải biết rằng bản chất thật của chàng sống một cách hoàn mỹ, như một con số chưa được viết lên, ở khắp mọi nơi cùng lúc, xuyên qua không gian và thời gian.
Cao Phi ghi nhớ những lời đó, và ngày này qua ngày khác, từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn, chàng mang những lời của Cụ Tưởng ra để thực nghiệm.
Nhưng với tất cả những nỗ lực, chàng vẫn không thể di chuyển một ly nào, từ chỗ chàng đang đứng cả.
"Hãy quên đức tin đi!" Cụ Tưởng nhắc đi nhắc lại. "Cháu không cần đức tin để bay, cháu chỉ cần quán triệt sự bay. Hai điều này không hoàn toàn giống nhau đâu cháu nhé. Bây giờ hãy thử lại lần nữa ..."
Rồi một ngày kia, Cao Phi đứng một mình trên bờ bể, nhắm chặt đôi mắt lại, tập trung tư tưởng, và trong một loáng, bỗng hiểu ra tất cả những gì Cụ Tưởng đã dạy bảo chàng. "Thôi, đúng rồi! Mình là một con Hải âu hoàn mỹ, một con Hải âu không bị chi phối bởi giới hạn nữa!" chàng cảm thấy một sự vui mừng ngây ngất.
"Giỏi lắm!" Cụ Tưởng thốt lên và giọng nói của Cụ như lời reo chiến thắng.
Cao Phi mở choàng mắt ra. Chàng đang đứng bên cạnh Cụ Tưởng trên một bờ bể hoàn toàn xa lạ - những hàng cây mọc đến tận bờ nước, đôi mặt trời vàng rực đang quay trên cao.
"Cuối cùng thì cháu cũng đã quán triệt được ý của Lão," Cụ Tưởng nói, "nhưng cháu cần phải tập thêm về sự điều khiển cảm nghĩ của mình nữa ..."
Cao Phi kinh ngạc. "Chúng ta đang ở đâu đây?"
Ko mảy may lưu ý đến thế giới kỳ lạ bên ngoài, Cụ Tưởng không trả lời thẳng câu hỏi của đứa học trò nhỏ "Hình như chúng ta đang ở trên một hành tinh nào đó, với bầu trời xanh với hai vì sao, thay thế cho Mặt Trời."
Dột nhiên Cao Phi phá tan sự im lặng bằng một tiếng kêu sướng thỏa, tiếng kêu đầu tiên từ khi chàng rời Địa Cầu. "Mình đã Thành Công!"
"Lẽ dĩ nhiên là cháu đã thành công" Cụ Tưởng nói "Cháu sẽ luôn thành công khi mà cháu biết cháu sẽ phải làm những gì. Bây giờ đến lúc cháu phải tập cách điều khiển ..."
Khi hai thầy trò trở về, đêm đã xuống. Các con Hải âu khác nhìn Cao Phi với chút ít hoang mang trong những cặp mắt vàng, vì chúng đã thấy Cao Phi biến mất từ chỗ chàng đang đứng trong một thời gian đã quá lâu.
Cao Phi nghe những con Hải âu khác chúc tụng, khen tặng chàng trong khoảng thời gian ít hơn một phúr. "Tôi là kẻ mới đến! Tôi chỉ mời bắt đầu học tập! Và tôi biết bao nhiêu điều phải học hỏi ở anh em nữa!"
"Cao Phi ạ, tôi thì tôi không tin như thế", đứng bên cạnh Cao Phi Hải âu Du Xuân bắt đầu nói "Anh là kẻ ít sợ học nhất trong số Hải âu mà tôi biết được từ mười ngàn năm nay." Cả đàn im lặng, và Cao Phi cảm thấy vô cùng lúng túng.
"Chúng ta có thể bắt đầu học cách vượt thời gian nếu cháu muốn," Cụ Tưởng nói "đến khi nào cháu có thể bay trong quá khứ và trong tương lai. Và khi đó, thì cháu đã sẵn sàng để bắt đầu điều khó khăn nhất, mạnh mẽ nhất, và thích thú nhất. Cháu sẽ sẵn sàng để bắt đầu bay lên cao, và hiểu được ý nghĩa của lòng vị tha, và của tình thương."
Một tháng đã qua, hay ít nhất người ta cũng có cảm tưởng như đó là một tháng, và Cao Phi đã học với một mức độ khủng khiếp. Thường thường, chàng vẫn học một cách nhanh chóng, nhưng bây giờ, khi đã trở thành môn sinh đặc biệt của chính Cụ Trưởng Đàn chàng lại càng lãnh hội nhanh chóng hơn gấp bội.
Nhưng rồi ngày mà Cụ Tưởng phải ra đi cũng đến. Cụ đang nói chuyện một cách bình thản với tất cả Đàn, khuyên nhủ họ đừng bao giờ ngừng học hỏi, ngừng tập dượt, ngừng tìm hiểu thêm về nguyên lý hoàn toàn vô hình của tất cả đời sống. Rồi trong khi Cụ đang nói, bộ lông của cụ trở nên càng lúc càng sáng chói hơn, và cuối cùng, thì sáng chói đến độ không con Hải âu nào còn có thể nhìn thẳng vào Cụ được nữa.
Cụ nói "Cao Phi," và đó là những lời nói cuối cùng của Cụ "Hãy tiếp tục học hỏi về tình thương."
Khi mà các con Hải âu của Đàn có thể thấy lại được, thì Cụ Tưởng đã không còn nữa. Ngày tháng cứ qua dần, và đôi lúc Cao Phi lại nghĩ đến thế giới mà chàng đã rời bỏ để đến đây. Nếu khi trước, chàng hiểu biết được chỉ một phần mười, chỉ một phần trăm thôi, thì với sự hiểu biết của chàng bây giờ, đời sống sẽ có biết bao nhiêu là ý nghĩa! Chàng đứng trên bãi cát, để tự hỏi không biết hiện nay, trong cái thế giới đó, có một con Hải âu nào đang phấn đấu để vượt bỏ các giới hạn không , để nhận thức được ý nghĩa của sự bay bổng khác khác hơn là một phương tiện di chuyển nhằm đi kiếm từng mẩu bánh mì trên chiếc thuyền lênh đênh ngoài biển. Có thể cũng có con bị loại ra khỏi Đàn, vì đã dám nói lên sự thật trước mặt Hội Đồng Đàn. Và càng thực tập nhiều chừng nào về lòng vị tha, càng học hỏi kỹ chừng nào về bản chất của thương yêu, Cao Phi càng muốn trở lại Địa Cầu. Vì, dù cho có một dĩ vãng quá ư cô độc, đi nữa, Cao Phi vẫn là một sinh vật được sinh ra để trở thành một huấn luyện viên, và phương thức duy nhất để chứng minh được lòng thương yêu, vẫn là cách mang một phần sự thật nào mà nó đã thấy, đến cho một con Hải âu đang mong ước được chính mắt thấy sự thật.
Du Xuân bây giờ đã trở thành môn đệ của môn học "Bay Nhanh Như Ý Nghĩ", trong khi vẫn giúp các bạn khác học tập, có vẻ hoài nghi.
"Cao Phi, anh đã từng bị loại ra khỏi Đàn một lần rồi. Tại sao anh lại có thể tin được là còn có những con Hải âu trong thế giới cũ của anh sẽ nghe theo lời anh? Anh đã biết câu ngạn ngữ rất đúng: Con Hải âu nào thấy xa nhất sẽ bay cao nhất. Những con Hải âu, bạn đồng hành cũ của anh đang đứng trên mặt đất, cãi nhau chí choé, và đánh nhau. Họ cách thiên đường đến hàng vạn dặm, - và anh nói là anh muốn chỉ cho họ thấy thiên đường từ chỗ mà họ đang ở hiện nay! Phi ơi, chưa chắc họ đã nhìn thấy hai đầu cánh của họ nữa đâu! Hãy ở lại đây đi. Giúp đỡ các con Hải âu mới những con Hải âu có trình độ khá cao để có thể thấy những gì anh chỉ bảo chúng." Du Xuân nghỉ một chút, rồi lại tiếp tục "Nếu cụ Tưởng cũng trở về thế giới cũ của Cụ, thì giờ này anh sẽ ra sao?"
Điểm sau này là điểm quyết định, và Du Xuân hoàn toàn có lý. Con Hải âu nào thấy xa nhất sẽ bay cao nhất.
Cao Phi ở lại và dạy dỗ các con Hải âu mới đến, chúng đều thông minh, và học hỏi một cách nhanh chóng. Nhưng những ý nghĩ ban đầu lại trở về trong đầu chàng, và chàng không thể không nghĩ đến là có thể có một hoặc hai con Hải âu dưới trần thế cũng có đủ khá năng để học hỏi như vậy. Giờ đây, chàng sẽ như thế nào, nếu Cụ Tưởng đến với chàng ngay lú chàng bị loại ra khỏi Đàn!
"Du Xuân ơi, tôi phải trở lại đó," cuối cùng chàng quyết định. "Các học viên của anh khá lắm. Họ có thể giúp anh trong việc huấn luyện các chú Hải âu mới tới."
Du Xuân thở dài, nhưng không cãi lại. "Tôi nghĩ tôi sẽ nhớ nhiều tới anh đó, Cao Phi!" Đó là tất cả những gì nó nói.
"Kìa, Du Xuân, xấu hổ quá đi thôi!" Cao Phi nói với giọng trách móc, "đừng có điên như vậy! Hàng ngày chúng ta đã cố thực tập những gì? Nếu tình bạn của chúng ta tuỳ thuộc vào những yếu tố như không gian và thời gian, thì một ngày kia, khi chúng ta khắc phục được không gian - thời gian, tự nhiên chúng ta sẽ huỷ hoại tình huynh-đệ giữa chúng ta hay sao? Nhưng cứ khắc phục thời gian đi, và tất cả những gì ta còn để lại sẽ là Nơi đây. Khắc phục thời gian đi, và tất cả những gì chúng ta còn để lại sẽ là Bây giờ. Giữa Nơi đây và Bây giờ, anh không nghĩ chúng ta sẽ còn gặp lại một hai lần nữa hay sao?"
Hải âu Du Xuân phì cười mặc dù chàng không muốn cười. "Anh là một con Hải âu điên" chàng nói một cách hiền hoà. "Nếu có một kẻ có thể chỉ cho một kẻ khác trên Địa Cầu nhìn xa đến một ngàn dặm, thì kẻ đó sẽ là Hải âu Cao Phi." Và chàng nhìn xuống bãi cát, "Tạm biệt Hải âu Cao Phi, bạn tôi."
"Tạm biệt Du Xuân, chúng ta sẽ gặp lại nhau." Nói tới đó, trong đầu Cao Phi nghĩ đến Đàn Hải âu đông đúc trên một bờ bể của thời xa xưa, và chàng biết một cách dễ dàng, là chàng không phải bằng xương, bằng thịt, mà là một ý nghĩa toàn mỹ của tự do và bay bổng, không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì.