Richard Templar
Quy tắc 43
Tác giả: Richard Templar
- Tương lai là cái gì đó không hề chắc chắn, đáng lo lắng, và không thể biết trước được. Nhưng chúng ta sẽ không phải là con người nếu chúng ta chẳng bao giờ thấy lo lắng. Chúng ta lo lắng về sức khỏe của mình, về cha mẹ/con cái/bạn bè, về công việc và về những thứ cần chi tiêu.
Chúng ta lo lắng rằng mình đang già đi, béo lên, nghèo đi, trông mệt mỏi hơn, kém hấp dẫn hơn, trí tuệ kém minh mẫn hơn, nói chung là tất cả mọi thứ đều đang trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta đang lo lắng về những thứ quan trọng và cả những thứ không quan trọng. Đôi khi chúng ta lo lắng cả về những thứ không đáng phải lo.
Lo lắng là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng hãy chỉ nên lo những điều thật sự cần phải lo. Nếu đó chỉ là những điều nhỏ nhặt thì những gì mà bạn đang làm chỉ là tạo ra những vết nhăn trên trán - và bạn biết đấy, nó sẽ khiến bạn trông già hơn.
Bước đầu tiên cần làm là xác định xem liệu bạn có thể làm được gì để giải tỏa những điều bạn đang lo lắng hay không. Thường thì luôn có những trình tự hợp lý để loại trừ dần sự lo lắng. Nhưng tôi lại lo lắng rằng nhiều người sẽ không thực hiện theo những bước đó và điều đó có nghĩa là họ đang chọn cách miên man với những lo lắng của mình mà không chịu giải thoát bản thân họ khỏi chúng.
Nếu bạn đang lo lắng hãy:
* nghe theo những lời khuyên có ích
* cập nhật thông tin
* làm một điều gì đó hay bất kỳ điều gì miễn là nó có ích.
Nếu bạn đang lo lắng về sức khỏe của mình, hãy đi đến gặp bác sĩ. Nếu bạn đang lo lắng về tiền nong, hãy lập ra một ngân quỹ và chi tiêu thật khôn ngoan. Nếu bạn đang lo lắng về cân nặng của mình, hãy đến phòng tập thể dục - ăn ít đi, làm việc nhiều hơn. Nếu bạn đang lo lắng về con mèo bị lạc, hãy gọi điện thoại cho bác sĩ thú y/cảnh sát/cơ quan bảo vệ động vật địa phương. Nếu bạn đang lo lắng rằng bạn đang già đi, điều đó là vô ích - nó sẽ vẫn xảy ra cho dù bạn có lo lắng hay không.
Nếu bạn không thể làm được điều gì để giải quyết những lo lắng của mình (hoặc bạn cứ ngoan cố giữ mãi những lo lắng đó, thậm chí còn bị căng thẳng vì nó) thì việc tạm quên nó đi là cách duy nhất. Hãy tập trung sự chú ý vào một thứ khác. Một người đàn ông có cái tên khá ấn tượng Mikhail Csikzentmihalyi đã nhận ra một điều gọi là “dòng chảy”, đó là khi bạn chỉ tập trung vào việc bạn đang làm và hoàn toàn mê mải với nó, bạn sẽ hầu như không hay biết đến những sự kiện đang diễn ra bên ngoài. Đó là một kinh nghiệm thú vị nó giúp bạn tống khứ được hoàn toàn sự lo lắng. Ông ta cũng nói rằng “Chất lượng cuộc sống của chúng ta sẽ được cải thiện rất nhiều khi có ít nhất một người nào đó sẵn sàng lắng nghe những rắc rối của chúng ta”.
Lo lắng có lẽ là biểu hiện của việc bạn không hề muốn làm gì để giải quyết những vấn đề của bạn. Có lẽ việc ngồi đó lo lắng - hoặc tỏ ra quan tâm, lo lắng - thì dễ dàng hơn là làm một điều gì đó thiết thực. Lo lắng cũng tốt nhưng chỉ khi điều đó hợp lý, có lợi và hữu ích. Nhưng sẽ là không nên nếu sự lo lắng đó là vô ích và không cần thiềt. Bạn vẫn có thể lo lắng nhưng điều đó chỉ làm lãng phí cuộc sống của bạn.