(2)
Tác giả: Sakyo Komatsu
Đột nhiên còi máy rúc lên. Một lá cờ đỏ rạch ngang bầu trời xanh như thể chớp nguồn ở kề bên. Và ngay lập tức những cỗ máy bắt đầu lùi lại, triệt thoái khỏi những vị trí chúng vừa chiếm lĩnh. Máy móc nhường chỗ cho những máy móc khác còn mạnh mẽ hơn, hoàn thiện hơn. Những tiếng nổ ầm ầm ngưng bặt. Lính tráng như lũ kiến mặc đồng phục màu ka ki khởi sự tấn công. Dẫn đầu đoàn quân đó chậm rãi bò một chiếc ô tô kéo trên đầu bịt một hình trụ đỏ như máu. Nó trườn thẳng đến lối vào đường hầm mới chọc thủng.
- Chú ý! Chú ý! - máy phóng thanh gắn trên chiếc xe kéo đó cất giọng, - Chỉ huy biệt đội xung kích yêu cầu mọi người khẳng định rằng xung quanh núi không còn ai...
- Xung quanh chẳng còn ai, - chủ nhiệm công trường trả lời qua máy bộ đàm. - Dân dịa phương đã di tản ngay từ trước khi bắt đầu công trường.
- Thưa ngài chủ nhiệm! - một trong các kỹ sư trẻ chợt kêu. Mắt chàng trai bừng sáng vì xúc động. Sau lưng chàng lấp ló mấy thôn dân, toàn là những cụ ông già cấc. Chàng tiếp: - Người ta bảo không phải ai cũng đã di tản rồi!
- Sao? Làm sao lại không phải? - ông chủ nhiệm tái mặt.
- Có một người ở lại... Một phụ nữ... Người ấy bảo người ấy không quan tâm đến cái đường hầm... Nghĩa là... Người ấy chẳng có liên can gì đến cái đường hầm... Người ấy sống ở đây. Lâu lắm rồi! Nay người ấy còn dời lên cao hơn nữa, hầu như ngay đỉnh núi. Chẳng ai biết về người ấy cả. Chỉ có mấy lão ông này nhớ rằng có người đàn bà sống ở đây, trên núi này. Họ đã cố thuyết phục người ấy chuyển đi nơi nào khác, nhưng người ấy cứ khăng khăng...
- Mụ ta làm sao vậy, điên chắc? - Chủ nhiệm công trường tặc lưỡi, bấm nút hiệu báo động.
- Tôi không biết... Cũng có thể điên thật. Nhưng họ bảo người ấy trẻ, đẹp... Là ni cô thì phải...
- Thế đấy... Thế đấy... - Chủ nhiệm công trường cau mày. - Ni cô, trẻ, đẹp... Này đội xung kích! - ông thét vào máy bộ đàm. - Yêu cầu đợi cho đến khi tôi tìm ra người đàn bà này... Cái gì ? ừ, cố nhiên. Công binh họ bảo không thể chờ quá hai tiếng đồng hồ, nếu không cả công trường sẽ trật khỏi tiến độ thi công.
Trong óc chàng kỹ sư trẻ lóe lên như chớp những bảng biểu và đồ án, nào đồ thị, nào lược đồ... Máy tính điện tử tận thủ đô xa xôi kia soạn thảo kế hoạch cho công trường một cách tỉ mẩn, chi tiết, khác nào người điều phối phân thời khóa biểu cho các chuyến tàu hỏa...
... Tích tắc, tích tắc... đồng hồ kêu tích tắc... Thời kế đếm từng giây, từng phần nhỏ của giây. Vô vàn bánh răng quay tít, kéo dải đường vô tận màu da trời đi tới, tới mãi, vào tận trong lòng núi. Từ Nam chí Bắc. Từ những vùng văn minh đến chốn cô liêu, đến miệt thâm sơn cùng cốc. Hết cây số này đến cây số nọ, hết bước này đến bước kia. Và bây giờ thì kế hoạch đã sít sao hết cỡ. Những phương pháp cũ đều hỏng bét. Kỳ hạn đều thay đổi, nuốt trộng hai tuần lễ. Bánh răng quay tít bằng tốc độ điên cuồng.
Mặt chủ nhiệm công trường đỏ gay. Mạng người chứ đâu phải bỡn! Mụ đàn bà ngang bướng khỉ gió! Chừng nào trái bom khinh khí này, thứ mìn phá núi cổ xưa được chế thành kiểu mới này nổ thì cứ cho mụ ba lần ni cô, mụ vẫn sẽ bắn tung lên trời cùng quả non của mụ!
- Tất cả trực thăng cất cánh! - chủ nhiệm nói khàn khàn. - Tìm bà ta đi! Dùng vô tuyến mà nói với bà ta! Loa phóng thanh, gào lên! Kìa các công nhân, những ai không tham gia vào việc đặt mìn thì trèo lên núi, quàng lên! Huy động hết các xe vạn năng!.. Thời gian vừa khớp; ba mươi phút trước khi nổ sẽ hụ còi, chừng đó phải lo di tản cho nhanh!..
Mọi người lao đến các xe vạn năng. Động cơ thi nhau gầm rú. Những chiếc xe bé nhỏ nhanh như cắt vút lên triền núi với tốc độ tối đa.
Trên núi trời xanh, không một gợn mây. Trực thăng bám mình vào núi như những con chuồn chuồn hiện đại bằng đuy-ra lấp lánh bạc. Nhưng tiếng loa phóng thanh của chúng thì chát chúa, kinh động, chẳng giống chút nào tiếng u u đôi cánh trong veo của chuồn chuồn thật.
Một giờ rưỡi trôi qua. Những giờ khắc dài vô tận mà cũng thoáng chốc như hơi thở. Vì chưng nỗi lo âu kéo dài thời khắc thành vô tận đồng thời rút ngắn hàng thế kỷ thành chỉ những phút giây.
Còi hụ vang. Tiếng còi cuối cùng trước khi nổ. Có lẽ đấy là con chim báo hung tin về cái chết chăng, con quạ thời thái cổ quàng quạc khóc than báo triệu về thảm họa?
Đội tìm kiếm trở về. Công cốc.
Chủ nhiệm công trường đỏ ké như tôm luộc, mở tung cổ áo sơ mi.
- Hay mụ ta tự di tản lấy rồi?.. Mụ ta không đợi mời lần thứ hai?.. Mong rằng không ai trong số những người ta cử đi còn ở trên núi chứ?
- Còn một người, - ai đó bảo. - Nhưng hắn cũng đang quay lại đấy.
Chàng kỹ sư tụt từ trên núi xuống. Còi lại rú lên như đuổi theo chàng. Tiếng rú hung bạo đè lên vai nặng quá sức người: còn mười lăm phút sẽ nổ. Lại tiếng rú nữa: còn mười phút.
- Ái chà chà! - chủ nhiệm công trường quát. - Lẹ lẹ lên chứ! Vào hầm trú ẩn ngay, nhanh!
Chàng trai khóc.
- Cậu gập bà ta chưa? Tìm thấy chứ? - ông chủ nhiệm chụp tay chàng. - Nói ngay!
Chàng kỹ sư trẻ phủ phục xuống đất. Sàn bê tông lạnh ngắt. Vách hầm trú ẩn xám xịt. Và những giọt lệ trong cặp mắt sưng mọng đỏ hoe.
- Tôi đã gặp nàng, - chàng nói.
- Rồi sao nữa?.. Sao không dẫn cô ta về? - ông chủ nhiệm hầu như tắc giọng. - Vẫn còn kịp kia mà! Ta làm cái giống gì vậy?! Tìm ra người ta mà chẳng dẫn người ta ra?! Cậu phải chịu trách nhiệm về việc này!
Chàng kỹ sư lắc đầu.
- Không được, chẳng làm thế nào được... Núi sẽ tiêu vong, nàng sẽ đi cùng với núi...
- Ôi chao, các người !... Bọn nhãi búng ra sữa! - một người thợ cả nổi khùng nhổ nước bọt. - Thuyết phục cũng chẳng xong... Đáng lẽ xắn tay áo mà lôi xềnh xệch đi chứ. Cứ thụi cho một quả vào mõm rồi cứ thế mà lôi đi... Thiên hạ họ sẽ nói gì kia chứ...
Chàng kỹ sư cúi đầu.
- Nàng... Tôi gặp nàng hầu như ngay đỉnh núi. Trong thảo am... Thảo am bé xíu. Bằng thân tre.. Bốn phía là rừng. Mảnh vườn con có trồng hoa. Hoa thật diệu kỳ, chẳng thể gặp đâu khác trên đời này... Và ngay trong thảo am, tự dưới sàn cuộn dâng mạch nước nguồn. Nàng mời tôi uống trà... Nàng là nữ ẩn tu, con của núi, gương mặt tươi trẻ và tuyệt đẹp như đóa anh đào... Nàng bao nhiêu tuổi?.. Có thể hai mươi, cũng có thể ba mươi, không thể nào lớn hơn nữa... Nàng ngồi gần chiếc bàn con nơi nàng niệm kinh... Nàng cùng tôi uống trà...
- Trời, đồ ngu ở đâu ra vậy không biết! - Ông chủ nhiệm rền rĩ. - Thử nghĩ xem: họ uống trà! Giờ này vẫn uống trà được cơ đấy!.. ở đây chúng ta thì điên đầu, thế mà nó...
- Nàng đã sống rất lâu, - chàng kỹ sư tiếp, chẳng mảy may để ý tới ngài chủ nhiệm. - Các người đã bao giờ nghe truyền thuyết về Happyakư-Bikưni chưa, về người nữ ẩn tu sống tám trăm năm tròn trên cõi thế? Truyền thuyết từ rất xa xưa... Nó ra đời ở miến Bắc Nhật... Có người thiếu nữ kia ăn một con cá, nhưng đấy không phải cá mà là một nàng tiên cá. Và nàng tiên cá đã ban cho người thiếu nữ ấy tuổi xuân trường cửu của nàng. Thế là người thiếu nữ trẻ mãi, nàng thành nữ ẩn tu.
- Cậu sao vậy, khùng hử? - ông thợ cả nhìn chàng kỹ sư trẻ rõ ràng là nhạo báng. - Lẽ nào cậu muốn nói rằng cô nàng bất bình thường kia chính là ni cô Happyakư-Bikưni? Quái lạ, người có học mà lại đi tin những chuyện vớ vẩn như thế! Thậm chí nếu Happyakư quả thật từng sống lúc nào đó đi nữa thì cô ta cũng chết đời tám hoánh nào rồi...
- Các người thật mâu thuẫn! - chàng kỹ sư phản bác một cách phẫn nộ. - Nếu các người đã không tin rằng có Happyakư-Bikưni, làm sao các người đoan chắc được nàng đã chết?.. Người nữ ẩn tu ấy là một phụ nữ khác thường. Nàng kể tôi nghe những chuyện từ năm trăm năm trước cứ như mới xảy ra hôm qua. Và nàng nói bóng gió rằng nàng chính là Happyakư-Bikưni. Các người không tin? Nhưng sao lại không tin? Lẽ nào không có những người sống thật lâu trên đời này? Thiếu khối gì ví dụ, đâu phải chỉ ở Nhật mà khắp cả thế giới. Nói đúng ra thì sống một trăm năm hay tám trăm nào có khác gì nhau...
- Được rồi, cứ cho là có thế thật, - ai đó bảo. - Nhưng nếu cô ta từng sống lâu đến thế, cớ gì cô ta không thể sống thêm? Vậy hóa ra rằng cô ta quyết định chết.
- Vì sao ? - chàng kỹ sư trẻ nín lặng giây lát. Vai chàng trễ xuống. - Nàng có nói vì sao. Vâng, nàng từng sống rất lâu, cuộc đời chẳng là gánh nặng với nàng. Giá như nàng cảm thấy chán chường thì bất cứ lúc nào nàng cũng có thể tự tận. Thế nhưng... Bikưni nói: “Đời tôi rất đỗi nhọc nhằn, nhưng không phải là gánh nặng. Người ta cứ ra đi mãi. Mọi người đàn ông trong đời tôi đều theo nhau lìa bỏ cõi trần. Biết bao vật đổi sao dời. Nhưng cho đến giờ cõi thế vẫn giữ nguyên sự minh triết của nó, và chỉ những gì được tiền định là đổi thay thì mới đổi thay. Núi non, rừng rú, đồng hoang, chúng thì vẫn vậy, y nguyên như ở ngày tạo thế. Và trong đó, cái bất diệt và bất chuyển là sự an nhiên cùng với niềm vui. Tôi chuyện trò cùng núi, cùng rừng cây nội cỏ mỗi khi nỗi buồn như tảng đá đè nặng trĩu tim tôi. Và thế là tôi lại phục hồi hình ảnh những người đã khuất. Và thế là tôi lại tơ non, như đất trời vậy... Thế giới quanh tôi gìn giữ tâm hồn của nó, tôi gìn giữ cái tâm mình, vây là vẹn cả đôi đường... Và kỷ niệm trong tôi về những người đã khuất mãi mãi tươi nhuần như thể làn da tôi...
- Còn năm phút, - một người lẩm bẩm.
- Nhưng con người đã mạnh hơn, giành quyền thống trị thiên nhiên, - chàng kỹ sư tiếp, - và con người rắp tâm biến cải thiên nhiên. Và núi non hiểu rằng núi không bất diệt, rằng núi sẽ tiêu vong và cùng núi sẽ tiêu vong kỷ niệm về những kẻ đã từng chiêm ngưỡng núi. Lẽ nào giờ đây trên mặt đất vẫn còn nơi có thể hồi sinh cái đã qua, nơi mà kẻ một ngày kia từ giã cõi trần vẫn sẽ sống mãi trong điều thiện người đó đã làm vì đồng loại, trong điều ác người đó gây nên bởi vô minh hoặc trong phút giây tuyệt vọng cùng đường?“ Nàng nói như vậy đó. Nàng lại nói rằng nay chính nàng đã thành một phần của quá khứ, vì chưng trên cõi thế chẳng còn gì không đổi thay, rằng thiên nhiên đang chết, rằng nàng không muốn vướng bận về bạn bè nàng hơn nữa. Sống để mà chi khi kỷ niệm cũng úa tàn như hoa lúc sang thu và thể xác sống động trở thành truyền thuyết?
- Hừm, phải... - chủ nhiệm ậm ừ đầy ý nghĩa. - Thì giờ thì cứ trôi.
Chàng kỹ sư trẻ rùng mình ngẩng lên.
- Các người nói tôi nghe, chẳng lẽ trên đời này chẳng có gì đẹp đến mức cần gìn giữ hay sao? Cái con đường này, không lẽ nó lại cần thiết đến thế? Nó là cái gì? Chỉ là thứ cống vật vô hồn của thời đại những ô tô siêu tốc, sự dung túng những tay lái xe chỉ biết lăm le vượt địa từ điểm này đến địa điểm kia trong tích tắc... Nhắm mắt lại, vèo một cái anh chẳng còn ở trong Nam nữa mà ra tới miền Bắc rồi... Nhưng sau đó thì sao? Cái gì là mốt đều sẽ có lúc già cỗi. Mười năm nữa, cái con đường kỳ diệu này, kỳ quan của công nghệ hiện đại này sẽ trở thành thứ đồ cổ thảm hại; chừng đó chẳng còn ai muốn ngó ngàng đến nó... Lẽ nào không thể đánh vòng qua núi ? Núi là xương thịt của thiên nhiên kia mà, một trong bao phần tử tuyệt vời và hùng vĩ của thiên nhiên. Tổ tiên ta yêu quý ngọn núi này, tổ tiên của tổ tiên ta cũng từng yêu ngọn núi này... Vậy thì để làm gì, trời, để làm gì? Nó là cái thá gì, sự nhân nhượng thảm hại của con người trước máy tính ư? Tặng phẩm của thứ hình học ấu trĩ không tài nào chịu nổi những đường uốn khúc?..
Tiếng nổ rền vang, trần hầm trú ẩn treo trên đầu người như đám mây màu chì xám xịt. Ai đó ồ lên. Gió xám kéo qua trên đầu người tựa hồ biển cả đâu đây dậy sóng, tựa hồ như từ vực thẳm đen ngòm cuộn lên bão táp, gào rú khóc than cho thân phận con người.
Ngọn núi phình lên, nở lớn gấp đôi trong nháy mắt rồi đổ ụp xuống vực sâu cái lò sôi sùng sục đỏ rực.
Và trong bao cuộn khói thoáng hiện hình bãi biển, những đùn cát nhọn như kim gió bốc dựng lên, tà áo kimônô đen so đọ màu đen của mình với nỗi đau buồn thế giới chung quanh, đuôi khăn bịt đầu trắng nuột, trắng như giấc ngủ và lãng quên. Và một cánh hồng hiền dịu thoáng qua trong đó; không héo tàn ngay giữa bão giông. Cánh hồng đấy hay vệt sáng bất ngờ trên bờ má người thiếu nữ, ai biết được?..
Những máy xúc thì thẳng tiến sục mõm vào tử thi của đất, và cần trục ngất ngưởng cất lên trên đầu chúng những hàm nanh thép lạnh ngắt.
Trần Tiễn Cao Đăng
dịch qua bản tiếng Nga