Chương 3
Tác giả: Siphrit Vanhon
Trong nhà tang lễ, những người đàn ông và đàn bà mặt nghiêm trang vẫn tiếp tục bước đi chậm rãi tới chỗ đặt quan tài để nhìn ông chủ hiệu Papenphuxơ lần cuối cùng. Bà quả phụ Papenphuxơ lặng lẽ đón nhận những lời chia buồn thống thiết và nhiều lần bắt tay đầy cảm thông của khách. Mãi một lúc sau, khi đoàn người đến viếng thưa dần, bà mới có được một khoảnh khắc trống vắng để uể oải giơ tay ra xua đuổi một con ruồi đậu trên đầu của con người quá cố.
Tôi lùi lại vài bước và tình cờ nghe lõm được đôi câu của hai bà già đứng cạnh mình. Họ lấy tay che miệng, nói với nhau rằng “Cái xác của Papenphuxơ chẳng đẹp mắt chút nào!”. Thì ra, người ta đến dự lễ tang để phán xét người chết theo góc độ thẩm mỹ ...
Con ruồi bị xua đuổi lúc này bay quanh những ngọn nến rồi sà xuống trú ngụ trên một vòng hoa tang.
Tôi nhìn Rôbe Papenphuxơ lần cuối cùng trước khi rời gian phòng. Quả thật, ông chủ hiệu hàng đồ da và văn phòng phẩm Papenphuxơ lúc nay được phủ bằng lụa trắng không để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp, ông không giống như người thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng, mà thực sự - như tôi được biết, ông trông đúng như người đã bị sợi dây thừng xiết chặt cho tới khi tắt thở.
Gió đã thổi lên. Những cây bạch dương và cây phong lao xao. Các dải băng trên những vòng hoa tang cũng bắt đầu di động nhờ gió thổi. Nhưng trong phòng tang lễ vẫn ngột ngạt, oi ả. Trưa tháng tám. Mặt trời vẫn tiếp tục phả sức nóng xuống trần gian. Các vị khách dự tang lễ mặc đồ đen vẫn cứ phải tiếp tục hấp thu năng lượng của mặt trời. Họ đua nhau lấy khăn mùi xoa lau nhưng gương mặt đỏ lựng và lấm tấm mồ hôi.
Đã nghe thấy tiếng sấm ì ầm từ nơi xa. Chắc sắp có mưa làm dịu mát bầu không khí ngột ngạt và khó thở. Người ta phải khẩn trương nếu muốn đưa được chiếc quan tài kia xuống huyệt trước lúc có giông tố, và nếu không muốn bài thuyết giảng của cha cố bị ngắt quãng bởi chớp giật và sấm rền.
Lúc này dàn đồng ca thiếu niên của nhà thờ gồm các cô bé và cậu bé vận áo choàng đen, đầu đội mũ đen, bắt đầu lên tiếng hát. Một cậu bé trông mặt tái nhợt, khốn khổ, vì phải vác bằng cả hai tay một cây thánh giá quá dài và nặng so với sức của cậu. Vị cha cố khoác tấm áo choàng đen dài che kín chân khiến người ta không nhận ra bước đi rất gấp gáp của ông. Ông tới đứng nơi phía chân người chết và lầm rầm cầu nguyện, rồi sau đó nói với góa phụ những lời an ủi như thường lệ. Hình như bà Papenphuxơ không để tâm đến những lời an ủi của đức cha, gương mặt hốc hác của bà không biểu lộ một cảm xúc nào. Nếu ai hy vọng tìm được những sắc thái biểu cảm trên gương mặt góa phụ trong lễ tang thì chắc chắn sẽ thất vọng. Có thể bà rất giàu nghị lực và biết kiềm chế mọi cảm xúc của mình, nhưng biết đâu, cũng có thể mọi tình cảm của bà dành cho người đàn ông trong chiếc quan tài kia cũng đã chết như bản thân ông ta ...
Những người phu khiêng quan tài ở tư thế sẵn sàng. Vị cha cố ra hiệu và họ nhanh chóng đậy nắp chiếc áo quan. Chuông nhà thờ ngân vang.
Tôi đến đứng dưới một gốc cây bạch dương chờ dòng người đi qua rồi mới lững thững theo họ tới nghĩa trang. Lạ thật, không thấy Maria Senkơ trong dòng người đưa tiễn. Khi tới nơi mai táng, tôi lại đưa mắt nhìn khắp xung quanh, để ý tới từng bụi cây, từng ngôi mộ trong nghĩa trang, hy vọng có thể thấy bà Maria Senkơ ở nơi đây. Nhưng tôi đã thất vọng. Maria Senkơ là hàng xóm thân cận của Papenphuxơ. Khi còn sống Papenphuxơ vẫn qua lại thăm bà và nhất là con gái bà, cô Indơ Senkơ, vốn là người được yêu quý và vẫn thường xuyên có mặt tại cửa hiệu của con người quá cố. Giờ thì Papenphuxơ đã câm lặng vĩnh viễn.
Maria và Indơ Senkơ không đến vĩnh biệt người hàng xóm của mình, trong khi đó thì tất cả những bè bạn kinh doanh và mọi người quen biết Papenphuxơ đều có mặt tại nghĩa trang, sẵn sàng chịu đựng nỗi cực nhọc của một ngày tháng tám oi bức và ngột thở.
Cạnh bụi thủy tùng có bốn nhạc công đứng thành hàng chỉnh tề. Tôi nhận ra ngay Kruykơ trong số đó. Anh là đồng nghiệp của tôi cùng trong Sở tài chính, cao gần hai mét nên bất kỳ ở đâu người ta cũng dễ dàng nhận ra. Thấy tôi nhìn, Kruykơ giơ cây kèn đồng lên cao ra hiệu với tôi và cười cười tỏ ra rất thân thiện. Quả thật cử chỉ ấy không phù hợp chút nào với không khí trang nghiêm lúc tang lễ. Tôi gật đầu đáp lại và nghĩ thầm:
phải tế nhị một chút chứ! Đừng để cho người đời nghĩ rằng các nhân viên ngành tài chính chúng tôi vui mừng vì có một khách hàng sớm lìa đời! Không đâu! Khách hàng càng đông, thuế càng nhiều, tài chính là tiền bạc kia mà!
Thực ra tôi đến dự tang lễ khách hàng vì lý do đặc biệt. Tôi cũng không hiểu việc mình làm có đúng hay không nữa:
lần theo dấu vết một vụ phạm pháp chẳng liên quan gì đến tôi và công việc của tôi, hơn nữa, tôi không phải là một thám tử tư, chẳng có ai chi tiền thuê tôi cả. Nhưng Kruykơ thì rõ rồi, anh ta đến đám ma với mục đích rõ ràng, anh ta dùng cây kèn để có được một khoảng thu nhập phụ mà không phải nộp thuế. Ngành tài chính không để ý đến loại dịch vụ này. Thổi kèn đám ma có liệt vào danh mục thu nhập và tính thuế hay không, điều này cũng chẳng liên quan gì đến tôi. Vả lại, để có được khoảng tiền sáu trăm mác trong một năm, Kruykơ phải thổi kèn đưa tiễn nhiều cái xác đến địa danh được gọi là “nơi an nghỉ cuối cùng”. Có lẽ ta cũng nên rộng lượng để Kruykơ có thêm khoảng thu nhập ít ỏi, gọi là để cải thiện điều kiện sống, tạo cho gia đình anh có cơ hội mua được vài thứ hàng cao cấp giá cắt cổ mà trong giá bán đã tính gộp một khoản thuế khá cao. Thổi kèn đưa một người trở về với cát bụi, nhận được mười lăm mác thù lao và ly rượu hậu tạ, quả thật thời nay chẳng ma nào muốn làm. Nhưng Kruykơ và bạn bè của anh chỉ yêu cầu có thế, không vòi vĩnh gì hơn.
Những cây kèn đồng bóng loáng lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Các nhạc công bắt đầu thổi kèn, giai điệu thật buồn và kéo dài lê thê. Bài nhạc điếu có cái tên là “Buổi tan tầm”, theo nguyện vọng của bà quả phụ Papenphuxơ. Tan tầm rồi! Hết giờ làm việc nơi cõi thế!
Trong tiếng nhạc sầu thảm ngân vang khắp nghĩa trang, bốn người đàn ông nghiêm trang bắt đầu ròng dây thừng đưa áo quan xuống huyệt, rồi họ từ từ kéo dây lên. Cả bốn người đàn ông đều nhất loạt đưa tay nhấc chiếc mũ có viền vàng đội trên đầu, họ chăm chăm nhìn xuống huyệt chừng ba giây, rồi lại đội mũ lên. Trông họ chẳng khác gì bốn sĩ quan hải quân của đô đốc Nelson. Rồi lặng lẽ rút lui. Họ biết đích xác có một két bia “hậu tạ” đang đợi họ, và lúc này, khí trời ngột ngạt và oi bức như thế, họ không muốn két bia phải đợi họ quá lâu.
Ôi, giá lúc ấy tôi cũng là một người trong số họ! Cái cổ khô rát thật khó chịu.
Cha cố đến trước huyệt và bắt đầu hành lễ. Ông cầm một cuốn kinh thánh nhỏ trong tay, có lẽ để tôn vinh vẻ uy nghi của ông hơn là để sử dụng, bởi vì, như tôi quan sát, ông không hề lật giở một trang nào trong kinh thánh.
Những đám mây đen ùn lên ở vạt rừng phía tây, nhanh chóng che phủ lên thành phố và che khuất mặt trời. Cha cố nhìn lên trời, miệng vẫn liên tục đọc kinh, nhưng chắc chắn ông biết quá rõ là chúa Trời đã nói gì với ông:
nhanh lên thôi, kết thúc mọi chuyện, hãy nghĩ đến khách dự lễ tang đương muốn sốt ruột bỏ chạy. Ông vội vàng kết thúc việc hàng lễ bằng hai từ “A-men!” và nhường lại vạn sự cho trời đất.
Một tia chớp ngoằn ngoèo trên nền trời, tiếp đến là sấm nổ. Đó là dấu hiệu cảnh báo mà bất kỳ một sự thông thái nào không được phép bỏ qua. Các nhạc công vội vã cất kèn đồng và ba chân bốn cẳng tìm đến nơi ẩn náu. Người ta hối hả thò tay vào các giỏ đựng hoa rồi ném hoa xuống huyệt. Ai cũng làm chiếu lệ.
Không thấy ai đứng lại tưởng niệm người xấu số. Chỉ có bà quả phụ Papenphuxơ là can đảm. Bà giống một thuyền trưởng ở lại trên bong tàu cho tới phút cuối cùng, luôn miệng mời khách tới uống cà phê sau lễ tang theo phong tục cổ truyền. Gió thổi mạnh và lác đác có những giọt mưa rơi.
Tôi quen biết bà Papenphuxơ đã lâu. Đó là một người đàn bà đáng quý trọng, nhân hậu, chăm lo cho mọi công việc trong gia đình và ở cửa hàng, kể cả việc làm vườn và chăm sóc cây cối. Khi ấy bà là một phụ nữ tóc vàng tươi vui và mập mạp. Thời gian qua đi. Không hiểu vì sao càng ngày bà càng trở nên lặng lẽ hơn. Hình như có chuyện gì đó hành hạ bà. Rồi người ta ít thấy bà xuất hiện trong cửa hàng hay trên các đường phố. Cuối cùng tôi nghe tin là bà phải nằm viện sau một cuộc giải phẫu. Mọi người cho rằng sớm muộn tử thần cũng tới đón con người bất hạnh này. Trong khi đó thì chồng bà, ông chủ hiệu Papenphuxơ, lại như người mới hồi xuân, gương mặt hồng hào, sức khỏe dồi dào và lúc bào cũng tỏ ra yêu đời và tràn trề sức sống. Nhưng bây giờ ông Papenphuxơ lại đương nằm dưới huyệt! Có lẽ tạo hóa muốn gúp cho các nhà khoa học và viên chức thống kê khẳng định luận điểm của họ là đúng đắn, nghĩa là:
đàn bà (theo quy luật) sống dai hơn đàn ông! Tất cả những bà góa trên đời này đã chứng minh điều đó.
Hình như trước mắt tôi lúc này không phải bà Papenphuxơ mà là một người đàn bà hoàn toàn khác, có chút gì đó hơn xa lạ. Không phải bộ lễ phục màu đen là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến mọi thay đổi, mà cái chính là gương mặt của bà, gầy và hốc hác, xương gò má nhô cao, mắt mở to, trũng sâu, ánh lên như người trong cơn sốt. Cả thân hình của bà ũng đã thay đổi sau thời gian nằm viện, trông mảnh mai và mong manh. Bà Papenphuxơ gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ, có lẽ đau khổ và bệnh tật đã tôi luyện bà thành một con người khác.
Mời uống cà phê sau lễ tang! Chắc chắn bà quả phụ Papenphuxơ sẽ chẳng thích thú gì khi phải lịch thiệp và niềm nở đối với khách tới uống cà phê và ăn bánh ngọt sau tang lễ, nhất là sau những gì bà vừa phải trải qua. Nhưng bà vẫn cứ phải mời mọc lịch thiệp, ở đời có những việc người ta không được phép sao nhãng hoặc để thiên hạ có cái cớ xì xào và bàn tán về mình, nhất là bà lại là vợ của một nhà kinh doanh. Hơn nữa, chắc bà Papenphuxơ đã nghe được những lời xì xào trong thiên hạ. Người ta kháo nhau rằng:
sinh mệnh ông Papenphuxơ thực ra đã nằm trong tay bà. Lẽ ra bà có thể đến cắt sợi dây thừng cứu chồng mình, biết đâu vẫn còn có cơ hội và vận may?
– Anh Hackơ, xin mời anh đến uống cà phê với chúng tôi! – Bà nói.
– Ô, thưa bà Papenphuxơ quý mến. Rất cám ơn bà! Tôi đáp, xin bà thông cảm, tôi có việc rất gấp phải đi ngay.
Bà vội nắm lấy cánh tay tôi:
– Nhưng ngày mai, anh có thể bớt chút thời giờ tới thăm tôi hay không? Tôi phải nói với anh về những chuyện liên quan đến tài chính của chồng tôi! Xin anh hãy giúp tôi, anh Hackơ!
Bà Papenphuxơ nhìn tôi với ánh mắt khẩn cầu và tuyệt vọng. Tôi không nỡ chối từ. Nhưng ngày mai lại là ngày chủ nhật để nghỉ ngơi.
– Vâng, thưa bà! – Tôi nói – Tôi sẽ tới vào lúc mười một giờ, nếu bà không phiền lòng.
– Ô, anh Hackơ, vậy thì tôi mời anh cùng ăn trưa với tôi có được không? – Bà nói và buông tay tôi ra - Hẹn anh ngày mai nhé, anh Hackơ!
Tôi gật đầu và vội vã rảo bước trước khi trời đổ mưa. Tôi sẽ đến nhà Maria Senkơ. Chắc chắn thời tiết xấu như thế này bà Senkơ sẽ không nỡ để tôi đứng ngoài cửa hoặc thậm chí xua đuổi tôi vì lý do nào đó. Tôi đã tìm được cái cớ cho chuyên viếng thăm không hẹn trước của mình. Hơn nữa, tôi hy vọng sẽ biết được một đôi điều lý thú về mối quan hệ giữa ông Papenphuxơ và gia đình Senkơ ...
Trên đường đến nhà người đàn bà giàu có và có vẻ quý phái này tôi luôn luôn tự hỏi:
không biết việc tôi làm có hợp lẽ hay không? Tự dưng lại dính mũi vào chuyện chẳng liên quan đến mình. Một thám tử tư hoàn toàn tự nguyện!
Chẳng phải tôi vô tình đã nhập cuộc đó sao? Chẳng thể lui binh nữa, phải tiếp tục trên con đường đã chọn:
khám phá cuộc đời và tìm hiểu người đời.
Thực ra đối với tôi, vụ việc liên quan đến chủ hiệu Papenphuxơ và gia đình bà Senkơ đã khởi đầu vào một buổi sáng thứ hai. Tại phòng làm việc chung với các đồng nghiệp khác, tôi bắt đầu một ngày mới bằng việc đặt một tờ giấy trắng lên máy chữ, dự định viết cho khách hàng của mình – ông Rôbe Papenphuxơ - một lá thư, thông báo ông phải truy nộp một khoản tiền thuế là 3895,20 Mác và yêu cầu ông nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản của chúng tôi. Lúc ấy Kruykơ, người nhạc công bất đắc dĩ, đang say sưa đọc các tờ báo của địa phương, cô Libơviêtơ thì đang lật giở hồ sơ chứng từ nộp thuế của một nhà văn với cái vẻ ngao ngán như thông lệ. Đúng lúc đó thì cửa phòng bật mở, ông trưởng phòng Sơruêtơ bước vào. Kruykơ phản ứng nhanh, miệng anh ta lập tức đọc lên các con số, ngón tay chạy dọc theo cột số danh mục đặt sẵn ở trước mặt, còn Libơviêtơ cúi xuống có vẻ đang chăm chú vào công việc. Riêng tôi vẫn cứ ngồi ngây ra, chưa gõ được dòng nào trên trang giấy và đương nhiên, tôi đã lọt vào tấm ngắm của thủ trưởng. Rõ ràng đối với ông, một trang giấy trắng kẹp vào máy chữ không phải là bằng chứng cho một nhân viên có năng suất lao động cao.
Thủ trưởng của chúng tôi mặc comlê bằng thứ vải hảo hạng, cavát đeo trông rất sang và chiếc áo măng tô khoác ngoài may theo mốt thời trang mới nhất.
Nhìn cách ăn mặc của ông tôi ngờ rằng ông là người mê đọc các tiểu thuyết Ăngle, trong đó nhân vật nam giới thường hào hoa, sang trọng và đầy sức hấp dẫn. Khi được mời tới dự lễ cưới bạc của ông, vợ ông cho tôi biết là chồng bà hay đọc tiểu thuyết Anh, nhất là các tác phẩm của Agatha Christie. A ha, tôi nghĩ thầm, hóa ra xếp cũng mê truyện trinh thám và hình sự như tôi. Chúng ta đều là con người mà.
– Này, anh Hackơ quý mến! – Ông trưởng phòng lên tiếng – Anh có thể giải quyết vụ này giúp tôi chứ?
Nói xong, không đợi tôi trả lời, ông đặt lên bàn tôi một lá thư, quay sang nói với Kruykơ và cô Libơviêtơ một đôi lời thân thiện, chúc họ một ngày tốt lành rồi trở về phòng làm việc của mình. Tôi hơi nóng gáy khi nhận ra giọng nói của trưởng phòng dành cho tôi có vẻ gì giễu cợt. Kruykơ lên tiếng ngay sau khi cửa phòng đã khép lại:
– Ô hô, Hackơ, cậu đã gây ra chuyện gì phật lòng xếp phải không?
– Không có chuyện gì hết! Tôi đáp giọng hậm hực, - C ... ư ... ứt!
– Ấy chết, anh Hackơ! – Cô Libơviêtơ chỉnh tôi luôn – Sao lại ăn nói như thế chứ? Chẳng hay ho chút nào!
Lá thư của khách hàng mới được viết trên giấy có hoa văn, trang trí rất công phu. Một nhà kinh doanh không bao giờ sử dụng loại giấy như vậy trong giao dịch. Người ta luôn luôn nghĩ đến chi phí và lời lãi! Trên đầu trang giấy, phía bên trái, có in dòng chữ khá nổi bật:
Indơ Senkơ, Cử nhân mỹ thuật công nghiệp. lá thư được mở đầu nghe rất kêu:
– “Kính thưa ông trưởng phòng rất quý mến!”.
Ôi cha cha! Một quý cô nào đó có cái tên là Indơ Senkơ đã viết rất lịch thiệp và văn hoa, nội dung đơn giản chỉ là việc xin đăng ký kinh doanh, đúng hơn là đăng ký mã số thuế cho mình. Cô ta lại còn khẳng định rằng:
với tài năng nghệ thuật và hoạt động sáng tạo, cô hy vọng sẽ góp phần vào hạnh phúc của nhân dân và hoạt động nghệ thuật vì lợi ích của nhân dân. Hay thật, ai cũng lấy dân ra làm cái cớ để kinh doanh kiếm lời. Cuối thư là câu kết rất kinh điển:
“Xin gởi tới ông trưởng phòng lời chào kính trọng nhất”. Rồi đến một chữ ký ngoằn ngoèo cũng rất chi là nghệ thuật, bay bướm. Chỉ có điều, giá người viết chịu khó làm sạch các con chữ trong máy thì lá thư trên giấy hoa văn trông sẽ hoa mĩ hơn, không nhòe nhoẹt và dính bẩn!
Anh bạn đồng nghiệp Kruykơ không kiềm chế được tính tò mò đã đến đứng sau tôi và đọc thư qua vai tôi.
– Úi chà! Anh ta nói - Tưởng ai kia! Hóa ra là con gái bà Maria Senkơ!
– Cậu làm ơn bỏ cái mũi của cậu xa khỏi tai mình đi! Thật khó chịu!
– Chúa ơi! – Kruykơ kêu to – Hôm nay cậu mẫn cảm quá chừng! Hơi tí đã xù lông nhiếm rồi!
– Nhưng chính cậu đã gây họa cho mình, vì cái tội hay bép xép! – Tôi nói – Mình đang định viết một lá thư. Hậu quả là mình lại nhận được một lá thư vớ vẩn, lại phải làm thêm việc, trong lúc mình đang bận rộn khủng khiếp. À mà này, đây là lĩnh vực của cô Libơviêtơ chứ nhỉ?
Nghe nói thế cô bạn đồng nghiệp nhảy bổ đến chỗ tôi, cái mũi hơi hếch lên:
– Vậy thì anh đưa đây! Tôi phải xem là chuyện gì đã chứ!
Cô Libơviêtơ lướt mắt rất nhanh đọc thư của khách hàng, rồi quẳng thư xuống bàn trả lại cho tôi.
– Lại là cái đám văn nghệ sĩ! – Cô ta nói – Anh Hackơ này, vận may cho anh đấy! Anh sẽ được biết mùi đám nghệ sĩ, ít nhất anh sẽ có kinh nghiệm để hiểu rằng:
mọi chuyện đâu có dễ dàng như anh tưởng, nhất là với bọn họ!
– Chà chà, thật tuyệt vời! – Tôi nói, giọng giễu cợt – Cô Libơviêtơ của chúng ta có cách hành văn giống hệt đại văn hào Tômat Man. Chắc là tính thuế cho văn sĩ đã hấp thụ được sự sáng tạo của họ!
Tôi không ngờ câu nói thiếu tế nhị của mình đã gây ra tai họa. Libơviêtơ uất ức, suýt chút nữa òa lên khóc.
– Này, Hackơ, cậu thật chẳng ra sao! – Kruykơ nói, giọng bất bình - Cậu đúng là kẻ đã giận cá chém thớt. Cậu thật vô lý khi làm khổ cô Libơviêtơ của chúng ta. Hãy nhìn kỹ địa chỉ của khách hàng! Chẳng phải cô gái ấy ở gần nhà Papenphuxơ hay sao? Đấy là lãnh địa hoạt động của cậu chứ! Khách hàng của cậu chứ! Chắc xếp giao lá thư cho cậu đâu phải là trò chơi trêu chọc cậu! Có cân nhắc, đương nhiên rồi. Còn dòng tộc Senkơ thì ai mà chẳng biết. Một gia đình dòng dõi quý tộc, đúng hơn là dòng dõi giàu sang, lắm bạc, nhiều tiền, nổi tiếng cả một thời. Thế cậu chưa nghe đến tấm gia huy Thụy Sĩ bao giờ à?
– Có chứ! – Tôi đáp – Thụy Sĩ thì tớ biết!
– Không phải chuyện đó đâu! – Kruykơ nói - Chuyện một ngôi nhà có tấm gia huy Thụy Sĩ ở lối vào kia mà! Gia đình Senkơ đấy! Khách hàng mới của cậu, rõ chưa?
Và Kruykơ kể cho tôi nghe nhiều chuyện về gia đình Senkơ, bổ sung nhiều liến thức cho tôi. Thực ra trong những lần tới nhà Papenphuxơ kiểm tra thuế, tôi đã được nghe ít nhiều về bà Maria Senkơ, chủ nhân của ngôi nhà:
... Trong những năm hai mươi, đó là thời kỳ nạn lạm phát hoành hành, người dân vùng núi khoáng sơn rất khốn khổ. Cũng chính vào thời gian đó có một người đàn ông từ Thụy Sĩ đến đây. Ông ta tên là Vinhêm Senkơ, đã luống tuổi và là con thứ của một ông chủ nhà máy dệt nổi tiếng ở Basen. Vinhêm sang Đức để mở rộng các mối quan hệ kinh doanh với các nhà máy sợi của anh em nhà Sulơ. Nhà máy sợi đặt trong thung lũng núi Venuxơ, chủ yếu được trang bị bằng máy móc từ Vintêtua. Người em rể của ông chủ nhà máy dệt lại là một trong những cổ đông nặng ký nhất trong lĩnh vực chế tạo các máy sợi ở Vintêtua, vì vậy sản phẩm của anh em nhà Sulơ chủ yếu cung cấp cho nhà máy dệt ở Basen. Mặc dù phải tính đến phí vận chuyển, nhưng vào thời đó sợi rất rẻ, nhân công cũng rất rẻ, nên cả nhà máy sợi lẫn nhà máy dệt đều làm ăn có lãi.
Khi sang đến nước Đức, Vinhêm Senkơ bỗng nảy ra ý định noi gương anh em nhà Sulơ, ông ta quyết định lập nhiệp và sống tự lập, đòi bố chia cho mình phần của thừa kế và trở thành ông chủ một xưởng nhuộm có tiếng tăm. Thế là sợi được chuyển từ nhà máy sợi của Sulơ sang xưởng nhuộm của Vinhêm rồi chuyển về nhà máy dệt ở Basen. Cả ba cơ sở này đều làm ăn phát đạt. Vinhêm Senkơ đến một thành phố nhỏ ở nước Đức để lập nghiệp. Và tất nhiên rồi, với tư cách một ông chủ ông ta tìm đến một nhà trọ sang trọng nhất để trú ngụ.
Chẳng biết số phận có định trước hay không, nhưng chủ nhà trọ lại có một cô con gái duy nhất khá xinh đẹp, đầy sức sống và sức cám dỗ tên là Maria. Con gái của chủ nhà là người được ăn học tử tế, hơn nữa, là người có chí hướng, không cam chịu thân phận thấp hèn. Cô nhanh chóng gây được cảm tình đối với người đàn ông Thụy Sĩ này, mặc dù ông ta nhiều gấp đôi tuổi cô. Nhưng không sao, cái chính là Vinhêm Senkơ giàu có, lại là chủ xưởng nhuộm, hạnh phúc với Maria chính là sự giàu sang. Và Maria đã toại nguyện sau khi gắn cho mình cái tên họ của chồng:
Maria Senkơ! Rồi để cho hạnh phúc được trọn vẹn, họ đã xây một ngôi nhà sang trọng theo kiểu cách Thụy Sĩ. Hạnh phúc đã thực sự mỉm cười với hai người:
Người đàn ông không những lập được nghiệp và còn lập được gia đình, có được một cô vợ trẻ măng, phây phây, như trêu chọc nỗi khát vọng và thèm khát của giới mày râu; còn Maria cũng trở thành một bà chủ sang trọng, có uy quyền nhờ mãnh lực của đồng tiền. Maria chăm lo cho cuộc sống gia đình, còn Vinhêm chăm lo cho xưởng nhuộm càng ngày càng phát đạt.
Trong công việc kinh doanh, Vinhêm Senkơ là người có năng lực, nhưng tiếc thay, trong cuộc sống vợ chồng ông ta lại là người thiểu lực, không có khả năng tạo ra người kế nghiệp. Ông ta quy tội cho cái dạ dày rất ốm yếu của mình. Rồi Vinhêm qua đời ở tuổi ngoài sáu mươi, kết thúc cuộc đời sớm hai năm trước khi thế chiến hai kết thúc. Vinhêm Senkơ không được chứng kiến sự sụp đổ cả cơ nghiệp của mình. Tháng hai năm 1945, xưởng nhuộm bị ném bom và san bằng mặt đất. Vinhêm cũng không được chứng kiến con gái mình chào đời, đúng ba năm sau ngày ông bị thần chết bắt đi. Đó là cô con gái mang tên họ của ông:
Indơ Senkơ, cử nhân ngành mỹ thuật công nghiệp. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc Maria Senkơ đã đến ở hẳn trong ngôi nhà sang trọng kiểu Thụy Sĩ. Mặc dù mất toàn bộ nhà máy nhưng với Maria không phải mất tất cả. Ít ra vẫn còn được ngôi nhà, hơn nữa lại “được thêm” cả một cô con gái. Thực ra Maria Senkơ không phải là một người đàn bà ngờ nghệch, không biết toan tính. Bằng chứng thật rõ ràng:
để Indơ Senkơ sau này có thể vào một trường đại học, nhất là vào thời buổi người ta xem xét kỹ đến thành phần gia đình, Maria đã nhanh chóng hóa thân thành một nữ công nhân trong một xí nghiệp quốc doanh chuyên sản xuất bao bì cho nền kinh tế quốc dân. Nghĩa là Maria là công nhân và thuộc vào giai cấp công nhân. Lý lịch của Indơ Senkơ không chê vào đâu được, đương nhiên thuộc vào diện chính sách, ưu tiên khi xét tuyển! Sau khi Indơ đã vào đại học mỹ thuật công nghiệp, khoa tạo dáng công nghiệp, thì người nũ công nhân Maria Senkơ cũng rút lui khỏi giai cấp công nhân, trở về chăm lo cho ngôi nhà kiểu Thụy Sĩ, tìm mọi cách bảo dưỡng cho nó mãi mãi sang trọng với tấm gia huy của dòng họ Senkơ ... Và cả ở lĩnh vực này, Maria cũng là một con người khiến thiên hạ phải ngả mũ khâm phục ...
Kruykơ kể cho tôi biết thêm nhiều sự kiện về gia đình Senkơ. Mọi thông tin của anh đều bắt nguồn từ bà cô của anh, một người giúp việc đáng tin cậy cảu bà Maria trong hai chục năm qua. Tôi quyết định ngày hôm sau sẽ đến thăm ông chủ hiệu Papenphuxơ và ghé qua nhà hàng xóm của ông.
– Này, cậu nhớ phải ăn mặc bảnh bao, tươm tất đấy nhé! – Kruykơ nói với tôi Cô Indơ có máu nghệ sĩ đấy, luôn ra vẻ ta đây và coi thường người khác. Cậu phải đeo cavát cho oách vào, nếu muốn tìm cô ta làm nơi chốn thả neo!
Nói xong Kruykơ rảo bước đến căng tin. Chắc nói nhiều nên đã khô cổ họng.
Tôi định gọi với theo, nhưng không kịp. Chả lẽ Kruykơ nghĩ tôi đến đó để kiếm niềm vui?
Nhưng quả tình tôi đã nghe lời khuyên của Kruykơ. Sáng hôm sau tôi đứng trước gương, ngắm nghía mình như thể một diễn viên. Bộ comlê trông rất mới, cả cavát cũng vậy, mặc dù chúng đã lạc mốt thời trang hai mùa rồi. Tôi tự nhủ:
mình ăn mặc như thế này là vì ông trưởng phòng, nhân viên bảnh bao thì thủ trưởng cũng thơm lây. Vả lại, thư gửi cho trưởng phòng “rất quý mến” kia mà.
Bà Vêbơsink cho thuê nhà gặp tôi ngay hành lang, hỏi chuyện tôi với đầy vẻ kinh ngạc:
– Anh Hackơ diện quá đấy, có chuyện gì rất đặc biệt phải không?
– Ồ, không không, chỉ là vì công việc, thưa bà! Công việc là đời tôi, chỉ có việc mà thôi! – Tôi đáp.
– Vậy thì chắc anh được thăng chức? Xin chúc mừng, chúc mừng!
– Thăng chức á? Sao bà lại nghĩ thế? Ở chỗ chúng tôi không hề có một chuyện lạ như thế!
– Vậy thì tôi chúc anh vui vẻ trong ngày hội cơ quan!
– Ôi, bà Vêbơsink, chúng tôi chỉ bù đầu tối mắt, chẳng mấy khi biết đến chuyện hội hè. Nhưng hôm nay vì công việc, tôi phải thay mặt sếp tiếp xúc với khách hàng.
Nghe tôi nói thế bà chủ nhà vẫn tỏ ra rất vui, luôn miệng khích lệ tôi:
– Thế thì hay quá rồi, anh Hackơ! Thay mặt sếp sẽ có ngày làm sếp, người ta đang để anh trèo lên thang công danh, thật tuyệt vời!
Tôi tạm biệt bà chủ nhà rồi rảo bước ra bến xe để tới thăm ông Papenphuxơ.
Giá xe buýt khá rẻ, có tám xu một cây số. Nhưng giá rẻ cũng đồng nghĩa với chất lượng phục vụ. Xe chật ních người, oi bức và ngột ngạt. Không biết đến bao giờ xứ sở này mới có được những chiếc xe tử tế, lái xe lịch sự và niềm nở với khách, ai cũng có một chỗ ngồi, các cửa kính được lau chùi sạch sẽ để khách có thể thoải mái ngắm phong cảnh. Đoạn đường xe chạy đưa tôi tới thị trấn nhỏ có cửa hiệu của Papenphuxơ chỉ có bốn cây số. Nhưng tôi túa mồ hôi như người đi tắm hơi. Thật may mắn cho ai không phải sử dụng đến phương tiện giao thông công cộng! Và càng may mắn hơn, nếu ai đó lại có chức quyền, chỉ cần nhấc điện thoại là đã có xe công đến đón mình ...
Sau khi xuống xe, tôi thấy người dễ chịu hơn. Mười lăm phút đi bộ quả là niềm hạnh phúc. Thực ra, theo cung cách bây giờ, lẽ ra tôi có thể giải quyết công việc bằng công văn, giấy tờ. Chỉ việc ngồi bên bàn viết, gửi giấy báo tới cho khách hàng, rồi vụ việc cũng êm xuôi đỡ phải nhọc nhằn đến thân xác.
Nhưng tôi lại là người mẫn cán, tự coi mình là một nhân vật trung gian giữa nhà nước và khách hàng, tự thấy mình có bổn phận yêu cầu khách hàng nộp đủ thuế cho nhà nước. Công việc này chẳng đơn giản chút nào, vì nó đụng chạm đến túi tiền của người dân sinh sống bằng kinh doanh lời lãi. Trực tiếp làm việc với đối tượng nộp thuế bao giờ cũng tốt hơn và đương nhiên rồi, tổn hại đến thần kinh nhiều hơn.
Papenphuxơ ở trong một khu dân cư “ngoại ô”, một tiểu khu khá điển hình, gồm các biệt thự và nhà riêng của các ông chủ lớn, chủ nhỏ, quy mô và kiến trúc mỗi ngôi nhà rất khác biệt nhau, tùy thuộc vào túi tiền và gu thẩm mỹ của chủ nhân. Các căn nhà ngăn cách nhau bởi các vườn cây và những luống hoa.
Đây là khu dân cư thanh bình, ít cửa hàng cửa hiệu, chỉ có một tiệm bánh mì, đối diện với nó là một nhà hàng bán tạp hóa và dược phẩm, đi quá một chút có một cửa hàng thịt, một cơ sở chữa xe đạp, rồi đến cửa hàng bán văn phòng phẩm và đồ da của Papenphuxơ. Ngay cạnh đó là khu nhà của hai mẹ con nhà Senkơ, được mệnh danh là “Ngôi nhà Thụy Sĩ”.
Tôi phân vân, không biết nên vào thăm ông chủ hiệu Papenphuxơ trước hay nên đến gõ cửa ngôi nhà Thụy Sĩ kia. Sau cùng tôi quyết định tới gặp Papenphuxơ giải quyết cho xong vụ việc truy nộp thuế để được thư thái khi tới nhà ... người đẹp làm nghệ thuật.
Phải chăng trong thâm tâm tôi hy vọng? Nhưng hy vọng điều gì tôi cũng không biết nữa. Một chút niềm vui đối với người đàn ông độc thân? Có điều chắc chắn là:
tôi sẽ được đón tiếp niềm nở và thân mật. Khi đám nghệ sĩ cần đến chúng ta, họ sẽ cởi mở hơn trong giao tiếp và ít kênh kiệu hơn. Mà nghệ sĩ hành nghề tự do ở xứ ta lại quá nhiều! Ở đâu ngành tài chính cũng đụng phải văn nghệ sĩ, thật khó lường hết được mọi chuyện. Một người cách đây hai mươi năm viết được một tiểu phẩm rôi sau đó chẳng viết thêm được một dòng nào nữa cũng xưng danh là nhà văn! Một cục đá chỉ méo mó hơn chút ít so với sản phẩm của người thợ đục đá xưa kia cũng được coi là công trình nghệ thuật, và chủ nhân của nó được mệnh danh là một nhà tạc tượng. Ai lấy chỉ màu khâu loằng nhoằng lên một bức ảnh đen trắng hoặc cưa chiếc tủ ngăn ra, lấy giấy các tông bọc kín phần phía trước, người đó có quyền đòi xã hội công nhận mình là nghệ sĩ tạo hình! Còn những nghệ sĩ đích thực đem lại vinh quang cho nghệ thuật thì có thấy đâu. Người ta lạm dụng nghệ thuật và danh hiệu nghệ sĩ để kiếm chác cả cái danh lẫn cái lợi. Biết đâu người đẹp “muốn góp phần vào hạnh phúc của nhân dân” (như viết trong thư gửi cho xếp của tôi) cũng là người như thế?
Đồng hồ mới chỉ tám rưỡi sáng. Cửa hàng của Papenphuxơ vẫn buông mành ở lối vào. Tôi quan sát khoang cửa kính trưng bày để chào mời khách hàng, khá phong phú:
sách in, túi da, đồ chơi và nhiều chủng loại văn phòng phẩm; lại có cả đồ trang sức bằng đồng:
vòng đeo tay, dây chuyền, và những chiếc đĩa nho nhỏ, xinh xắn.
Cách đây không lâu tôi đã đến kiểm tra các khoản nộp thuế của chủ nhân.
Chắc Papenphuxơ không ngờ tôi đến thăm ông ta sớm như vậy. Ông ta cũng không thể ngờ là tôi lại đến đúng vào cái lúc ông không muốn bị quấy rầy ...
Cánh cổng gỗ vào khu vườn quanh nhà Papenphuxơ vẫn để ngỏ. Cỏ trong vườn mọc cao, lẽ ra phải cắt tỉa từ lâu. Những trái táo rụng xuống vườn khắp nơi đã bắt đầu thối rữa. Đây là bằng chứng chỉ ra rằng ngôi nhà này thiếu bàn tay phụ nữ. Bà Papenphuxơ chắc chắn vẫn nằm trong bệnh viện.
Cửa vào nhà khép hờ. Tôi không bấm chuông, tự tiện đẩy cửa bước vào trong. Không có ai. Chắc chủ nhân vẫn đang ở trên gác. Tôi lần theo cầu thang lên trên. Đã mười năm nay tôi qua lại nơi đây, biết rõ cấu trúc của ngôi nhà, biết trên đó có phòng khách sang trọng, phòng ngủ và căn phòng để đồ đạc. Cửa kính rộng đầy hoa văn ngăn cách nơi ở với hành lang. Cả ở đây Papenphuxơ cũng cho mắc chuông như ở cửa ra vào.
Tôi nghe thấy tiếng cười ở bên trong. Tiếng của người đàn bà, có vẻ thích chí và hoan hỉ. Chắc chắn không phải bà Papenphuxơ đã xuất viện. Trong các hồ sơ của Papenphuxơ, ông ta kê khai là cửa hàng có thuê người giúp việc, một lao động nữ làm công ăn lương, và khoản chi phí trả lương đó đương nhiên được miễn thuế. Có điều thú vị là khoản chi phí ấy lại biết cười, nghe thật hấp dẫn và khêu gợi. Papenphuxơ quả là người biết cách làm cho đời thêm vui. Mấy ai được như ông:
mở đầu một ngày mới trong tiếng cười hân hoan và chắc rằng trái tim cũng rộn ràng nhịp đập. Đáng tiếc cho tôi lại quấy rầy họ, phá rối cảnh thần tiên lúc ban mai!
Tôi bấm chuông. Tiếng chuông chói tai thật khó chịu. Papenphuxơ không ra mở cửa. Đợi một lúc, tôi lại bấm chuông, vẫn chưa nghe thấy tiếng chân bước.
Mãi một lúc lâu sau cánh cửa mới mở ra kèm theo một tiếng quát:
– Ai đấy hả? Cháy nhà hay sao mà xồng xộc đến đây?
Thật chẳng lịch sự một chút nào. Tôi xin lỗi đã đến quấy rấy ông và chúc ông “một buổi sáng tốt lành!”.
– A, hóa ra anh Hackơ! – Papenphuxơ hơi nhăn mặt – Sao anh lại đến đây?
Anh mới kiểm tra thuế ở chỗ tôi kia mà!
Tôi đưa tay cho Papenphuxơ, nhưng ông ta chỉ bắt tay tôi bằng hai ngón.
Một tín hiệu không hay ho gì, chắc có chuyện tiền nong khó khăc đây.
– Thưa ông Papenphuxơ – Tôi nói – chúng tôi vừa phát hiện ra rằng, ông còn phải nộp bổ sung một khoản tiền thuế nữa. Tôi có việc ở gần đây, tiện thể rẽ qua ông, cầm giúp ông tấm séc về giao nộp.
– Gì cơ? Papenphuxơ trừng mắt lên - Lại nộp thuế nữa à? Chắc anh giễu cợt tôi phải không, anh Hackơ? Tôi đã nộp quá nhiều tiền thuế rồi. Các anh phải để cho tôi sống với chứ! Chả lẽ giật nốt tấm áo mặc trên người? Các anh còn đòi gì nữa ở tôi chứ?
– Tôi có mang theo đây các hồ sơ, chứng từ, sẽ giải thích cho ông cặn kẽ!
Ông vẫn còn nợ thuế! – Tôi vỗ tay vào chiếc cặp mang theo. Papenphuxơ kéo tôi xuống cầu thang vào nhà hàng.
– Sắp phải mở cửa hàng. Ta làm việc ở đây! – Papenphuxơ nói như một người xin lỗi. Dĩ nhiên ông không muốn tôi vào phòng khách sang trọng ở trên gác, cạnh đó là phòng ngủ. Chắc ông cũng muốn nhanh chóng đẩy tôi ra khỏi cửa để lại lên gác với tiếng cười đầy hấp dẫn của đàn bà.
– Bà nhà có khỏe không, ông Papenphuxơ? – Tôi hỏi.
– Đã tai qua nạn khỏi, sắp xuất viện! Papenphuxơ đáp chiếu lệ, hình như ông ta không tỏ ra vui mừng về chuyện người vợ sắp về nhà.
– Đây là hồ sơ chứng từ và các bản tính thuế của chúng tôi. Xin ông xem cho kỹ!
Tôi bày mọi giấy tờ lên bàn. Papenphuxơ cúi xuống đọc rồi kêu lên thất thanh (như diễn viên quá quen thuộc vai diễn):
– Trời đất ơi! Bốn ngàn mác kia à? Tôi phải đóng cửa hàng mất thôi! Thế này thì làm sao sống nổi!
Tôi phải công nhận là khoản tiền không nhỏ. Nhưng với doanh số trên một trăm ngàn mác, đó không phải là cái cớ để người ta khiếp đảm. Tôi nói vơi o điều đó. Nhưng ông ta bỏ ngoài tai và tiếp tục kêu than:
– Đến tận đây rồi! – Papenphuxơ đặt ngón tay lên cổ mình - Sở tài chính các anh đã để tay ở đây và bóp chặt!
– Ô, ông Papenphuxơ! – Tôi nói – Trong nghề nghiệp của mình tôi đã quen với nỗi bực dọc của khách hàng như ông. Chẳng có ai lại vui mừng khi phải nộp thuế cả. Xin ông viết séc đi. Nếu không, tôi buộc lòng phải làm việc theo cái cách quan liêu, gửi tới ông công văn yêu cầu ông truy nộp, ông sẽ phải vất vả với thủ tục chuyển tiền. Và nếu ông quên, ông sẽ phải nộp thêm tiền phạt, nộp thêm khoản tiền lãi của khoản tiền nợ thuế theo qui định. Đáng tiếc là cuộc sống của chúng ta không thể không có thuế!
– Trời ơi! Thuế! Thuế! Lúc nào cũng thuế! Thuế! Sẽ đến lúc tôi phải lấy dây thừng treo cổ mình mất thôi! – Papenphuxơ kêu lên, mặt đỏ gay, đến nỗi tôi sợ ông có thể bị nhồi máu cơ tim và sẽ chẳng cần đến sợi dây thừng như ông nói.
Đúng lúc ấy thì cánh cửa sang căn phòng kế cận được mở ra và một người đàn bà trẻ đẹp bước chân vào gian hàng. Cô ta có mái tóc màu hạt dẻ rất đẹp, dầy và óng ánh sắc đồng. Mái tóc được hất ra phía sau như một chiếc đuôi ngựa buông xuống lưng. Sợi dây buộc cũng óng ánh rất đẹp. Nơi eo lưng cũng có một sợi dây buộc tết thành nút rất nghệ thuật. Chiếc áo mặt không có tay áo, trông giống chiếc áo choàng thầy tu. Chỉ khác một điều là nó có đường xẻ rất khéo, khiến người mặc có thể tùy ý để lộ ra cặp đùi của mình hoặc che giấu kín đáo tùy theo sự vận động của cơ thể. Quả thực cô ta rất biết cách vận động cơ thể!
Ánh mắt của đàn ông không thể thờ ơ trước sự lấp ló khơi gợi đến như thế! Có lẽ Papenphuxơ cũng mê đắm bởi sự úp mở hấp dẫn kia ... Bỏ qua mọi phép tắc lịch sự, Papenphuxơ không giới thiệu tôi với người đàn bà xuân trẻ đó. Tôi đoán cô ta chính là người giúp việc được tuyển dụng từ ngày vợ ông vào nằm viện.
Cô ta đưa mắt nhìn tôi rất nhanh rồi khẽ gật đầu.
– Xin chào! – Tôi nói.
– Chào ...! Cô ta đáp rồi ngả người vào chiếc bàn để hàng, hai tay khoanh dưới bộ ngực căng tròn như vô tình phô diễn một nơi ngoạn mục khác của thân thể. Phải thú thực rằng nơi chốn ấy rất đáng yêu.
Trong tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng cười của người đàn bà trẻ đẹp kia.
Chả lẽ tôi đã sai lầm khi ngờ rằng giữa ông chủ và cô nàng giúp việc có quan hệ trăng hoa? Nhà kinh doanh Papenphuxơ ít nhất cũng hơn cô ta hai mươi tuổi!
Nhưng có sao đâu nhỉ? Trên đời này thiếu gì những ông chồng giàu có lấy cô vợ trẻ măng ít tuổi hơn cả con gái của mình. Tôi vẫn không sao lý giải được mối quan hệ lạ lùng giữa hai người. Một cô gái trẻ đẹp đầy sức sống và hấp dẫn như thế, làm sao lại có thể sà vào vòng tay của Papenphuxơ cơ chứ? Cho dù ông ta cố sức trẻ hóa mình cũng còn rất chênh lệch và khập khiễng:
Papenphuxơ đã dùng kem giữ tóc chải đầu cho gợn sóng, mặc bộ đồ thể thao tươm tất để tạo dáng trẻ trung. Tôi biết Papenphuxơ đã lâu. Đối với tôi, hình ảnh của ông luôn luôn là một người đàn ông luống tuổi mặc áo choàng màu xanh như công nhân, mái tóc thưa thớt để tự nhiên, nước xoa mặt đàn ông cũng vào loại rẻ tiền và không có mùi thơm như hôm nay. Đó là trước kia, khi vợ ông ngã bệnh nằm trên chiếc đi văng cũ sờn ở gian phòng bên cạnh.
Có gì bí ẩn gắn kết hai con người không nhỉ? Rất có thể là tôi tưởng tượng ra:
người đàn bà trẻ đẹp kia hình như tránh né không muốn nhìn Rôbe Papenphuxơ . Chẳng phải từ lúc cô ta xuất hiện ông ấy trở nên mất bình tĩnh hay sao? Ô, xem kìa, Papenphuxơ đặt tay lên vai cô ta nói:
“Anh lên ngay bây giờ mà! Có chút việc với anh Hackơ ở Sở tài chính, xong anh sẽ lên ngay”. Rồi Papenphuxơ choàng tay quanh eo lưng người đẹp đưa cô ta ra cửa ... Chà, hóa ra đây là ngọn lửa đang bùng cháy trong người Papenphuxơ. Tôi thấy chạnh lòng, ồ, giá như tôi được ở địa vị Papenphuxơ thì rất tuyệt, cái sự lấp ló khơi gợi ấy, cái nơi ngoạn mục đáng yêu ấy ...
Tuy nhiên, người đàn bà trẻ tuổi tóc hạt dẻ không dễ dàng để cho Papenphuxơ điều khiển mình ra cửa. Cô ta nhanh chóng giải thoát mình khỏi vòng tay ôm lấy eo lưng, vội vã quay người lại và tiến đến chỗ tôi:
– Anh là người của Sở tài chính đấy ư? Cô ta hỏi, giọng thân mật.
Thật lạ lùng! Nhiều người cứ hễ nghe thấy cụm từ Sở tài chính hay phòng thuế vụ là sững sờ như nghe thấy tai họa, họ liền đổi thái độ ngay tức khắc. Tôi đã gặp nhiều cảnh ngộ như vậy, chẳng thích thú gì trong lúc đi làm việc. Nhưng đây lại khác hẳn. Một người đẹp tỏ ra thân mật với người của phòng thuế, quả là điều hiếm thấy. Tôi hơi ngỡ ngàng và có chút bối rối.
– Tôi là Indơ Senkơ! – Cô ta nói, chìa tay cho tôi và mỉm cười duyên dáng.
– Guynhêm Hackơ! – Tôi gật đầu tự giới thiệu.
Hình như đôi mắt mở to của người đẹp trìu mến nhìn tôi. Hơn thế nữa, người đẹp cũng không vội vã rút tay ra khỏi tay tôi như có ý muốn truyền cho tôi chút ấm áp của nữ giới. Cảm nhận được sự trìu mến và ấp áp của phụ nữ người đàn ông nào lòng chẳng thấy xốn xang. Guynhêm Hackơ! Hãy tỉnh táo! Tôi tự nhủ.
Đừng có xúc động như thế! Mọi cái trên đời này đều có lý của nó, đều vì mục đích và quyền lợi. Mối thiện cảm nữ tính ấy không dành cho mi đâu, Hackơ ạ, đó là vì mã số thuế và vấn đề tài chính của đôi mắt mở to kia!
– Ôi, thật hay quá! – Tôi nói – Tôi có ý định đến thăm cô vì công việc của cô.
Chúng tôi nhận được thư ...
– Vậy khi xong việc ở đây mời anh sang em chơi. Chúng ta có thể bình tâm bàn mọi chuyện. Nhà em ngay đây, có khu vườn rộng và tấm gia huy Thụy Sĩ ở lối vào. Hẹn sớm gặp lại anh, tạm biệt!
Nói xong, bằng một cử chỉ nhẹ nhàng như gió thoảng, Indơ Senkơ vẫy tay từ biệt tôi và nhìn tôi như thể đầy thiện cảm. Cô ta ra khỏi cửa, không hề nhìn Papenphuxơ lấy một lần. Sao thế nhỉ? Tôi không rõ.
– Tôi chắc người đẹp là nhân viên bán hàng đến giúp ông, có phải vậy không, ông Papenphuxơ? – Tôi hỏi.
– Xin đợi cho một lát! – Ông ta đáp lại rồi vội vã đuổi theo Indơ Senkơ.
Trông ông ta rất bối rối, hình như đã có chuyện gì đó, không hoàn toàn chỉ là chuyện phải nộp thêm tiền thuế. Vợ lại đang nằm viện. Nhưng tiếng cười phụ nữ lúc ban mai đâu có phải chuyện nhỏ! Người ta nên bằng lòng với nhũng gì được ban tặng mới đúng ...
Papenphuxơ đã để tôi phải chờ đợi khá lâu. Tôi có dịp quan sát kỹ các mặt hàng bày bán trong cửa hiệu:
đủ loại văn phòng phẩm, mặt hàng đồ da và đồ nhựa, túi xách, búp bê, hàng thủ công mỹ nghệ rẻ tiền v.v.. và v.v.. Tôi đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm mỹ thuật bằng đồng được chế tác khá tinh xảo và giàu tính nghệ thuật:
Vòng đeo tay, dây chuyền, đồ trang sức gài lên áo, vòng đeo tai v.v.., đủ thứ xinh xinh và cũng khá đắt tiền. Thực ra trong lĩnh vực trang sức tôi là người ngoại đạo, kiến thức chỉ ở mức rất khiêm tốn. Nhưng tôi đọc được giá tiền ghi ở mỗi mặt hàng. Hơn nữa, điều này tôi có thể tự hào, đó là bộ nhớ của tôi hoạt động tốt. Bộ nhớ mách bảo tôi:
tất cả các mặt hàng mỹ thuật đắc giá này không có trong danh mục hàng nhập của người công dân lương thiện Papenphuxơ, cũng không thấy nó xuất hiện trong các chứng từ nộp thuế của chủ hiệu khi tôi đến kiểm tra.
Khi Papenphuxơ trở về, mặt ông ta đỏ lựng, có vẻ rất xúc động, tựa hồ lên cơn sốt. Chín giờ sáng. Đến giờ mở cửa hàng. Tôi hỏi:
– Cô nhân viên bán hàng của ông đâu, sao không đến làm việc? Chẳng phải trong tờ khai ông có người giúp việc đó sao?
– Thì chính mắt ông thấy cô ta đấy thôi! - Papenphuxơ đáp, mặt cau có và tức tối - Bỗng dưng xin thôi việc! Thời buổi bây giờ nó thế đấy, thật quá đáng!
Ô, người đẹp “bỗng dưng xin thôi việc”, hay là bỗng dưng cắt đứt mối quan hệ với ông? Thế còn tiếng cười lúc ban mai? Cười thích thú vì khoan khoái hay là cười nhạo ông? Chả lẽ Papenphuxơ là một người bất lực? ...
– Cô Indơ Senkơ là nghệ sĩ, tôi nghĩ vậy, có phải như thế không? – Tôi hỏi.
– Ờ, phải, phải – Ông đáp giọng ngập ngừng – Nhưng chẳng ai sống được bằng nghệ thuật!
– Vấn đề là nghệ thuật như thế nào! Thế cô Senkơ theo đuổi thứ nghệ thuật gì vậy?
Papenphuxơ nhún vai:
– Làm sao tôi biết được! Chúng tôi ít nói chuyện với nhau về những điều như thế. Cô ấy phục vụ khách hàng. Những chuyện khác tôi không hề quan tâm.
– Hình như cô ấy chuyên về ngành tạo dáng công nghiệp? – Tôi hỏi.
– Có lẽ thế! – Ông ta đáp.
– Chà, cô Indơ Senkơ chế tác ra những mặt hàng mỹ nghệ đẹp tuyệt vời, đồ trang sức quý giá – Tôi nói, quyết định tổng tấn công.
– Hừ ... ừm! – Papenphuxơ làu bàu trong miệng. Tôi tiếp tục:
– Những mặt hàng đẹp như thế bán rất chạy phải không ông Papenphuxơ?
– Cũng tàm tạm!
– Nhưng không thấy ghi chép trong sổ sách, chứng từ! – Tôi điểm huyệt và chăm chăm nhìn chủ hiệu. Papenphuxơ ngây mặt ra. Tôi lại nói:
– Vậy xin ông cho tôi xem sổ nhập hàng, chỉ cần xem phần nhập các mặt hàng đồ đồng mỹ thuật thôi!
– Vâng, chuyện là thế này ... Ông biết không ... - Papenphuxơ nói lắp bắp.
Tôi chờ đợi. Ông ta vã mồ hôi trán. Rõ ràng rất căng thẳng.
– Xin ông hãy giải thích, ông Papenphuxơ! Tôi không hiểu gì đâu!
Ông chủ hiệu lúc này chẳng khác mấy một cậu học trò không thuộc bài đứng ngây trước mặt thấy giáo. Mãi lúc sau mới tìm được lời giải đáp:
– Chuyện này chắc là vợ tôi làm! – Ông ta đáp.
– Bà nhà đương nằm viện – Tôi nói – Nhưng tôi sẽ tới bênh viện thăm hỏi bà.
Tôi sẽ làm chuyện đó.
– Không, không, ông không cần như thế đâu! Đây chỉ là một việc làm thiện chí của tôi thôi! Cô Indơ Senkơ đã xin tôi trưng bày ít sản phẩm của mình, ông hiểu không? Chẳng qua là chỉ muốn xem phản ứng của mọi người ra sao, ý tôi muốn nói là, cô ấy muốn biết nghệ thuật của mình có giá trị hay không, một kiểu làm trắc nghiệm ấy mà!
– Được rồi, ông Papenphuxơ – Tôi nói – Tôi sẽ đến gặp cô Indơ Senkơ để hỏi rõ chuyện đó, nhất là về các mặt hàng quý giá ở nơi đây!
– Vâng, xin mời ông! – Papenphuxơ nói, lúc này giọng đã bình tĩnh hơn – Tôi sẽ đi cùng ông! Ông sẽ thấy là tôi nói thật.
– Ông không đi đâu cả - Tôi nói rất nghiêm túc – Ông phải ở cửa hàng để phục vụ khách hàng. Đích thân tôi sẽ chất vấn cô Senkơ về việc này. Xin ông nhớ cho, ông Papenphuxơ, trốn thuế là phạm pháp, mọi chuyện đâu có đơn giản như ông nghĩ! Các mặt hàng đâu có đem trưng bày như người ta mở triển lãm nghệ thuật, mà bày bán, có đề giá hẳn hoi! Tôi đã làm việc lâu năm trong lĩnh vực này. Xin ông chớ có nghĩ đến chuyện giễu cợt tôi!
Tôi tỏ ra cương quyết và có chút lạnh lùng. Không tỏ ra cứng rắn thì làm sao có thể lay chuyển được một người sành đời như Papenphuxơ, nhất là chuyện đòi ông ta phải truy nộp một khoản tiền khá lớn!
– Ồ, anh Hackơ! Tôi đâu có dám có ý giễu cợt anh, không đâu! – Papenphuxơ nói, giọng có vẻ thân mật, hình như đương toan tính thiệt hơn mọi chuyện, và chắc chắn ông ta đã quyết định xuống thang để tránh những điều phiền phức liên quan đến người đẹp và ông – Anh Hackơ này, xin mời anh lên phòng khách với tôi. Ở trên đó chúng ta có thể bình tâm bang mọi chuyện. Tôi sẽ viết séc trao cho anh, hoàn tất nghĩa vụ người công dân, như anh vẫn thường nói. Xin mời, xin mời!
Papenphuxơ mở cửa nhường cho tôi đi trước. Khi đi qua sát người chủ nhân tôi biết không đang túa mồ hôi.
– Anh Hackơ, xin mời ngồi! – Papenphuxơ nói giọng lịch thiệp khi chúng tôi bước vào phòng khách sang trọng – Tôi được phép mời anh thứ đồ uống gì đây?
– Không cần đâu, ông Papenphuxơ ạ!
– Ồ, một ly rượu vang loại hảo hạng, hay một cốc bia Venegơruny? Một cốc bia, anh không nỡ từ chối chứ?
Mặc dầu rất khát và cái từ “bia” rất hấp dẫn đối với tôi, nhưng tôi vẫn đáp giọng tỉnh khô:
– Cám ơn ông, tôi không uống gì cả. Ông đã bán những thứ đồ đồng trong cửa hàng bao lâu rồi?
– Chuyện vặt vãnh ấy mà, anh Hackơ! Chẳng qua là để khuyến khích sự phát triển nghệ thuật, đâu có giá trị kinh doanh gì. Thực chẳng đáng nói đến, anh Hackơ ạ!
– Thưa ông Papenphuxơ kính mến! Tôi nói giọng trang nghiêm – Tôi đã có đủ thời gian xem xét kỹ các bảng giá. Xin đừng chơi trò mèo vờn chuột với tôi.
Tôi sẽ cho tiến hành điều tra vụ việc này. Công an kinh tế sẽ có thêm việc làm!
– Ôi, xin anh đừng nói thế, anh Hackơ ạ! Indơ Senkơ bán đồ trang sức tại cửa hàng của tôi, đúng như vậy, hàng cô ấy bán, tiền cô ấy thu. Tôi không dính dáng đến chuyện đó. Đây, xin gửi anh tấm séc truy nộp thuế. Chắc anh hài lòng chứ?
Chỉ xin nói điều này:
Indơ Senkơ là nghệ sĩ! Lẽ nào anh lại có ác ý với nghệ thuật? Cô ấy gửi bán một vài thứ lặt vặt ở chỗ tôi, mới khoảng hai tuần nay. Đã nộp đơn xin đăng ký kinh doanh chỗ các anh. Vậy chuyện đó đâu phải phạm tội to tác gì, hơn nữa không phải là cái cớ để buộc dây thừng vào cổ tôi!
Papenphuxơ hay nói đến dây thòng lọng, hình như đó là cách nói thường nhật của ông ta. Tôi thầm nghĩ:
người nào nói nhiều đến dây thừng, người đó sẽ chẳng bao giờ tự treo cổ. Tôi ký vào phiếu thu tiền rồi nhét tấm séc vào cặp, không để lộ cho chủ hiệu biết được sự mãn nguyện của mình. Nhìn đồng hồ, tôi lưu ý Papenphuxơ phải mở cửa phục vụ khách hàng.
– Xin tạm biệt ông Papenphuxơ! – Tôi nói, cố ý gài thêm một vài lời chúc sức khỏe – Cho tôi gửi lời chúc bà nhà chóng bình phục và xuất viện!
– Cám ơn, tôi sẽ chuyển lời chúc của anh!
Vừa ra khỏi nhà tôi đã thấy Papenphuxơ vội vã khóa cửa lại. Tôi nghe thấy tiếng động:
ông ta đang quay số điện thoại. Chắc vội báo tin cho Indơ Senkơ.
Tôi cũng vội rảo bước. Không may cho Papenphuxơ, Indơ Senkơ không ở trong nhà để nhấc máy. Cô ta đứng trong vườn, bên hàng rào, vẫy tay với tôi.
Một con đường nhỏ hẹp hai bên cỏ mọc đầy dẫ tới nơi Indơ Senkơ đứng đợi.
Tôi đi theo. Đây là một lối đi riêng, chắc chắn là dành cho người đẹp qua lại nhà Papenphuxơ. Chỉ có một khoảng trống rất hẹp bên hàng rào, đủ để cho tấm thân mảnh mai của Indơ Senkơ lách qua.
– Thế nào, anh Hackơ? Qua được chứ? – Indơ Senkơ nhìn vào khoảng trống bên hàng rào rồi nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm.
Người đàn ông nào chẳng có chút tự trọng, nhất là khi bắt gặp ánh mắt nhìn như thế! Ôi chà, Indơ Senkơ biết cách điều khiển ánh mắt mình! Người đàn bà trẻ trung nghệ sĩ này không chỉ dùng mắt để đi đường hay quan sát phong cảnh, mà còn dùng mắt làm phương tiện biểu cảm thật tài tình, nói đúng hơn, làm phương tiện thôi miên đám mày râu, bắt họ phải thuần phục.
– Cho đến nay, bất kỳ ở nơi nào tôi cũng đều qua được! – Tôi đáp lại, cố ý nhấn giọng ở từ “qua” theo nghĩa bóng của từ này. Indơ Senkơ hiểu ý tôi, đáp luôn:
– Em cũng có ấn tượng về anh như thế đấy, anh Hackơ ạ! Một người đàn ông luôn biết mình muốn gì!
– Tôi cũng nghĩ về cô như vậy! Một phụ nữ luôn biết mình muốn gì! Về phương diện này chúng ta có thể đưa tay cho nhau theo tinh thần cùng nhau hợp tác để giải quyết mọi việc được êm xuôi.
Tôi vẫn nói ngụ ý, nhưng Indơ Senkơ đã đưa tay nắm lấy bàn tay tôi, ấn ấn vào các ngón tay tôi, dường như không muốn rút tay ra. Cô ta nói:
– Biết đâu không chỉ cùng nhau về phương diện ấy thôi! Nếu anh không phản đối, em có thể giúp anh trong mọi chuyện! Để giải quyết mọi việc thật êm ái ...
Chà, ghê thật đấy, cái cô Indơ Senkơ này quả là một nghẹ sỹ rất sành ngón tâm lý, cố tình nói úp mở, bóng gió, cứ ỡm ờ như thế, người đàn ông nào chẳng thấy thích cơ chứ?
Khi lách qua hàng rào tôi cố thót bụng lại, Chúa ơi, thật tai họa, một chiếc khuy áo comlê đã rơi ra. Tôi cúi xuống nhặt nó lên tay, có phần hơi bối rối.
– Không sao đâu, anh Hackơ! Em sẽ đơm lại chiếc khuy áo cho anh để chị ấy khỏi cằn nhằn! Indơ Senkơ an ủi tôi.
– Về điều này thì tôi khồn phải lo, không có nguy cơ nào đe dọa cả! – Tôi đáp lại – Tôi vẫn sống độc thân.
– Thế thì em lại càng phải có bổn phận giúp đỡ anh! – Cô nói và đưa tay cầm chiếc khuy trên tay tôi. Ngón tay hai người chạm vào nhau, hình như có cả sự vút ve nữa.
Đối với tôi, một chàng trai chưa vợ và quả thật đã lâu chưa biết đến mùi vị của nữ giới, thì sự vút ve, lấp ló và ngoạn mục của Indơ Senkơ đã trở thành một thách thức trong đời ...
Chúng tôi đi qua khu vườn rộng thênh thang như một vườn bách thảo, có đủ những loại cây quý hiếm, có lẽ phải cần đến một nhân viên kiểm lâm mới biết tên các loài cây ơ đây. Khu vườn không có cây ăn quả, không có các luống rau như thông lệ. Đây là một khu vườn đặc biệt, khác hẳn với những khu vườn tôi thường thấy của dân chúng địa phương. Một tòa nhà sang trọng trong một khu vườn khác thường có vẻ nổi trội và hơn hẳn những người khác. Hai con người sống ở nơi đây cũng vậy. Indơ Senkơ cư xử không giống những người phụ nữ khác, cô biết mình muốn gì, biết vị trí của mình trong con mắt người đời, có cái vẻ kiêu sa và xem thường thiên hạ. Bằng chứng là, cô không chịu đến Sở tài chính, không muốn đi mười cây số đến gõ cửa chúng tôi làm việc để phải chờ đợi đến lượt mình vào đăng ký kinh doanh. Cô viết thư cho trưởng phòng của chúng tôi! Nghệ sĩ mà! Chắc các bác sĩ cũng được mời đến nhà khám chữa bệnh!
Tôi theo người đẹp vào tòa nhà. Chẳng cần nói nhiều thì bạn đọc cũng nghĩ ra đó là nơi sang trọng, một biệt thự được xây dựng theo phong cách kiến trúc Thụy Sĩ của một người Thụy Sĩ từng đến đây sinh cơ lập nghiệp. Tôi sánh bước bên Indơ Senkơ, cảm nhận được sự thân thiện của cô. Tôi chưa hỏi bất cứ điều gì về Papenphuxơ hoặc các sản phẩm đồ đồng được bày bán trong cửa hiệu người hàng xóm, nhưng Indơ Senkơ hình như đoán được ý nghĩ trong đầu tôi, cô đã lên tiếng trước và giải thích mọi việc. Theo cách nhìn nhận và lập luận của người đẹp thì tất cả chỉ là sự tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của những người láng giềng tốt, đây là một truyền thống tốt đẹp ở đất nước chúng ta. Hơn nữa, đối với người nghệ sĩ thì việc giao tiếp với quần chúng là nhu cầu cần thiết. Vợ Papenphuxơ phải nằm viện. Ông ta cần được người giúp đỡ. Dù sao thì Papenphuxơ, bằng hoạt động kinh doanh của mình, đã góp phần vào việc cung cấp hàng và phục vụ nhân dân! Indơ Senkơ thấy mình có bổn phận giúp đỡ người chủ hiệu và bù lại, chủ hiệu đồng ý cho cô trưng bày các sản phẩm mỹ thuật của mình. Đó là sự tương trợ lẫn nhau. Nhưng Indơ Senkơ đã chủ động chấm dứt mối quan hệ theo kiểu này. Theo ý cô, nghệ thuật mà dính dáng đến kinh doanh là cực kỳ nguy hiểm, người nghệ sĩ sẽ thui chột mất khả năng sáng tạo. Người ta cần biết đúng thời điểm để dừng lại, giải thoát mình khỏi bổn phận và nghĩa vụ với hàng xóm láng giềng để bảo vệ nghệ thuật. Và chuyện đó đã xảy ra! Danh hiệu nghệ sĩ và danh dự của người nghệ sĩ đã thôi thúc cô cắt đứt quan hệ với Papenphuxơ.
– Anh hiểu em phải không, anh Hackơ? Thông cảm với em chứ?
Indơ Senkơ nhìn tôi bằng đôi mắt rất lạ. Chúa ơi, lẽ nào sự cảm thông của tôi lại có ý nghĩa quan trọng đến như thế? Quả tình tôi thấy xúc động trước những điều Indơ Senkơ nói với tôi, đương nhiên là cách nói rất nghệ sĩ, nhưng thân thiện, cởi mở và thậm chí đáng yêu nữa!
Thật lạ lùng. Tôi được người đẹp cầu xin sự thông cảm. Vậy ra tiếng cười lúc ban mai là tiếng cười kết thúc một cuộc tình ngắn ngủi và trớ trêu, khập khiễng. Có thể là mối tình đơn phương.
– Vâng, thưa cô Senkơ quý mến, tất nhiên rồi, tôi thông cảm với cô! – Tôi trả lời, trong lòng thấy vui vui, cũng chẳng hiểu vì sao. Suýt nữa thì tôi choàng tay ôm lấy eo lưng cô. Ôi, Guynhêm, một con người cương nghị!
– Nhưng anh Hackơ này, sao lúc nào anh cũng gọi là cô Senkơ thế?
Anh cứ gọi em là Indơ được không? Hay cái tên ấy nghe không hay?
– Hay chứ! Rất hay nữa kia! – Tôi đáp - Vậy mong cô cũng rộng lượng, không gọi tôi bằng tên họ mà bằng tên riêng Guynhêm có được không?
– Em thích thế, Guynhêm ạ!
Vậy là hai chúng tôi đã gọi nhau bằng cái tên thân mật. “Guynhêm ạ!”, nghe êm dịu đấy chứ!
Tôi hiểu rằng người đàn ông có thể dễ dàng biến mình thành con lừa.
Nhưng quả tình tôi không sao hiểu được:
trở thành một con lừa sao lại dễ đến thế? Tôi không biết đến khi nào đàn ông mới tỉnh ngộ. Có những chuyện lý trí đành bất lực, biết mà vẫn say. Trong quan hệ lứa đôi hình như lý trí chỉ là một gã hề vô dụng, không những bất lực mà còn mất mọi khả năng bảo vệ mình. Khi mọi chuyện đã qua rồi người ta mới không ra, mới nói rằng đã rút được kinh nghiệm để rồi lại tiếp tục biến mình thành con lừa với mọi nhịp đập của một trái tim hoang mang và khát vọng.
Dưới một cây dẻ gai xum xuê tôi thấy có người đang điều khiển máy cắt cỏ, một phụ nữ đã luống tuổi. Tôi cất tiếng chào. Nhưng Indơ Senkơ không thèm để mắt đến người đó. Chắc chắn không phải bà Maria Senkơ. Có lẽ bà cô của Kruykơ, người giúp việc cho gia đình Senkơ nhiều năm nay.
Tôi bước chân vào biệt thự. Ấn tượng đầu tiên là cánh cửa ra vào nhà được làm bằng gỗ sồi rất chắc chắn, có một ô cửa nhỏ hình thập tự, phía trong treo riđô, trông nó giống cửa ra vào một pháo đài. Tất nhiên cũng không thiếu cái gọi là “búa gõ cửa”, nó có hình dáng đầu một con sư tử bằng đồng và chiếc vòng chắc chắn cũng bằng đồng. Ngay phía trên cửa ra vào là tác phẩm nghệ thuật của một người thợ đục đá tài ba:
đó là hình tấm một gia huy, có hình cây thập tự ở giữa, hai bên chạm khắc hai con sư tử ... Indơ Senkơ nhận thấy tôi chăm chú nhìn lên cửa. Cô giải thích:
– Đây là tấm gia huy Thụy Sĩ, anh ạ!
– A, thế đấy! – Tôi nói.
– Guynhêm, anh hãy tưởng tượng xem:
anh đang bước chân vào lãnh thổ Thụy Sĩ. Ngôi nhà này như một đại sứ quán.
– Tôi sẽ cố gắng tưởng tượng như cô muốn! – Tôi mỉm cười đáp lại.
Chúng tôi bước vào một hành lang nhỏ dẫn tới một gian phòng rộng, cầu thang lên gác bằng gỗ quý, có nhiều hoa văn, đặc biệt ở đầu thanh gỗ dài uốn cong lên phía trên cũng lại có hình thù đầu sư tử. Hình như người chủ tòa biệt thự Senkơ rất thích biểu tượng này, vì sư tử là uy quyền và sức mạnh nơi hoang dã. Tôi đã có cảm giác mình đang ở trong tòa nhà của giới quý tộc cách đấy bốn trăm năm. Ngày ấy các thợ thủ công còn làm ăn nghiêm túc, có danh dự nghề nghiệp, thậm chí khi tạo ra sản phẩm họ còn gửi gắm cả tình yêu của mình vào đó nữa.
– Chà, cầu thang này đẹp quá! Loại cầu thang gỗ kiểu nghệ thuật như thế này bây giờ chỉ thấy trong bảo tàng! – Tôi kêu lên thán phục.
– Thợ mộc Thụy Sĩ làm ra đấy, anh biết không? – Indơ nói – Cha em muốn có một chút quê hương ngay tại xứ sở này!
Nghe Indơ Senkơ nói đến hai từ “cha em” tôi lại nghĩ đến những gì mình được biết. Người đẹp chào đời ba năm sau khi Vinhêm Senkơ chết. Cô chỉ mang họ cha mà thôi, còn ai là cha đẻ của cô, có trời mới biết được.
Indơ mở cánh cửa phía tay phải hành lang, mời tôi vào. Ôi chao, một gian phòng rộng lớn như một phòng tập thể dục.
– Đây là xưởng mỹ thuật của riêng em!
Indơ khoe với tôi, giọng có vẻ tự hào và trang trọng, như thể đang nói về một điều gì đó rất thiêng liêng. Quả thật tôi không biết gì nhiều về các loại xưởng thuộc loại này, kiến thức hoàn toàn có được nhờ xem phim về cuộc đời các nghệ sĩ. Tôi không thể nói ngay lúc ấy ấn tượng mạnh mẽ nhất là gì. Có lẽ là chiếc ghế đi văng to rộng từ thời xưa mà bất kỳ một chủ hàng đồ cổ nào nhìn thấy cũng đều phải suýt xoa. Cũng có thể đó là chiếc cầu thang sắt kiểu cổ lên căn phòng ở tầng trên mà người ta chỉ còn thấy trong các phim hình sự của người Anh, trong đó đã xảy ra án mạng và hung thủ chạy trốn qua cầu thang như vậy ... Nhưng thôi, chẳng nên tưởng tượng nữa ... À mà không, có lẽ ấn tượng đặc biệt hơn cả là tác phẩm nghệ thuật của Indơ, tôi đoán vậy, vì không biết có phải là nghệ thuật hay không. Cả một mạng lưới rối ren bằng các dây kim loại treo từ trần nhà xuống, trông cứ như một đám dây rợ chằng chịt trong rừng rậm.
Đi qua đó phải hết sức thận trọng, nếu không vướng tóc vào thì nguy. Tôi không sao hiểu được ý nghĩa của công trình nghệ thuật này. Indơ nhận ra vẻ kinh ngạc trên mặt tôi, cô ta hỏi:
– Chắc anh thấy kỳ lạ phải không?
– Thú thực, tôi chưa bao giờ được nhìn thấy một cái gì tương tự! – Tôi nói và lại ngửa cổ lên nhìn – Chà, toàn là các dây đồng đủ kích cỡ! Chẳng ở đâu có được, nhất là lúc này kim loại màu đang là một mặt hàng khan hiếm ở nước ta.
Có lẽ tôi đang đứng dưới một mạng nhện được giăng tơ bằng các đoạn dây đồng, trong đó có một cái bình bằng đồng – trông giống cái túi chườm y tế - treo lơ lửng. Không xa lưới nhện hình như là một đám mây màu đồng, gồm các tấm lá đồng gài cạnh nhau đung đưa, lấp lánh. Gần đó lại thấy treo một chiếc đèn xách tay cổ lỗ, lại thấy ... thôi, thôi, tôi chịu không hiểu nổi người ta muốn nói gì bằng nghệ thuật như thế. Hình như nghệ thuật sắp đặt đang là mốt thời thượng.
– Anh đừng có hỏi em tác phẩm muốn nói gì! – Indơ nói.
– Vậy mà tôi lại định hỏi cô đấy!
– Ồ không, không có câu trả lời dành cho anh! Nghệ thuật đích thực từ chối bất kỳ một lời giải thích nào. Tất cả những thứ khác đều chỉ là thủ công mỹ nghệ!
– Và cô đã chế tác ra chúng, đồ trang sức trong cửa hiệu người hàng xóm phải không? – Tôi hỏi luôn.
– Chỉ là một chút kiếm cơm thôi! Đúng hơn là để thử nguyên liệu, một việc cần thiết cho nghệ thuật. Dĩ nhiên kiếm ăn và nghệ thuật là hai thứ khác nhau.
Mỹ nghệ thủ công là mặt hàng đại trà, có thể mua và bán, nhưng không có giá trị nghệ thuật. Còn tác phẩm nghệ thuật lại độc nhất vô nhị, không thể bán, chẳng thể mua, anh bạn thân yêu ạ!
Cái câu “anh bạn thân yêu ạ” tôi nghe thích hơn là những quan điểm nghệ thuật của Indơ.
– Nhưng tại sao chúng ta lại không ngồi xuống nhỉ? Anh ngồi xuống đi, anh Guynhêm.
Chúng tôi cùng ngồi xuống chiếc ghế đồ sộ và là thứ đồ cổ quý hiếm. Indơ mỉm cười nhìn tôi, hỏi”.
– Hay anh nghĩ khác em?
Tôi nhún vai, đáp lại:
– Thú thật, tôi hiểu biết rất ít về nghệ thuật, không được đào tạo trong lĩnh vực này như cô đâu. Tôi cứ nghĩ:
nghệ thuật phải đối thoại với người xem, phải nói với người xem được một điều gì đó, phải mang đến cho người xem một cái gì đó mà ở bất kỳ đâu anh ta cũng không thể có được!
– Thế thì quan điểm của chúng ta đâu có cách xa nhau! – Indơ nói và ngồi sát vào tôi, để đầu các ngón tay chạm vào cánh tay tôi.
Tôi bỗng thấy người ấm lên trong bộ áo comlê. Giá như lúc này tôi mặc áo cộc tay, chắc chắn dòng nhân điện sẽ từ các ngón tay kia truyền qua khắp người tôi. Dù sao qua lớp vải áo comlê tôi vẫn cảm nhận được những xung đột phát ra khi người ta ấn ấn vào tay mình.
– Nghệ thuật phải xuất phát từ nội tâm – Indơ lại thuyết giảng, chắc tôi là thính giả ngoại đạo mà cô có cảm tình – đúng thế, phải xuất phát từ bên trong, từ tâm hồn người nghệ sĩ. Trong nghệ thuật, thế giới tình cảm và tư tưởng của nghệ sĩ sẽ được vật chất hóa. Anh hãy dùng trí tưởng tượng và kinh nghiệm đời mình để quan sát một tác phẩm, để từ đó tiếp nhận về mình những gì hợp với anh, Guynhêm ạ!
Những ngón tay của Indơ trên cánh tay tôi nói với tôi nhiều hơn những gì mà nghệ thuật của cô muốn biểu đạt. Tôi chợt nghĩ tới người thợ mỏ ở Manphên, họ phải khốn khổ trong lòng đất, thậm chí nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng để lấy được ít quặng đồng. Chắc không ai lại nghĩ rằng báu vật họ đưa lên mặt đất lại được thể hiện rắc rối và khó hiểu đến như thế!
– Chà, dù sao thì khối lượng đồng treo trên kia rất quý giá. Cũng là một cách gửi tiết kiệm có lãi, nếu chỉ xét về phương diện nguyên vật liệu.
Indơ cười:
– Vừa rồi chắc không phải anh mà là một viên chức tài chính phát biểu đấy!
Tất cả vật liệu chủ yếu được tha về từ các bãi đổ phế thải, những chiếc radio cũ kỹ, biến thế hỏng v.v.. mà người ta vứt đi. Em biết tất cả các bãi đổ phế thải ở vùng này.
Tiếng cười của Indơ rất vui vẻ và hấp dẫn. Tôi không ngờ người cao sang như thế lại có thể làm một cô đồng nát bới rác tìm nguyên liệu.
– Anh uống một ngụm rượu vang chứ, Guynhêm? – Indơ hỏi.
– Mới sáng sớm đã ngất ngây hay sao?
– Rượu vang đỏ thúc đẩy tuần hoàn máu! – Indơ đáp và cười – Hay anh muốn uống thứ nước trà bổ dưỡng?
Cha cha, cô gái này thật biết cách châm chọc lòng tự ái của đàn ông.
Rượu vang rất ngon. Đó là thứ rượu Kađaka hảo hạng vùng thung lũng Hoa Hồng. Không có các mối quan hệ người ta không thể có được thứ rượu ngon như thế. Nhiều người không biết trên đời này có rượu Kađaka, vì không thấy nó xuất hiện trước khách hàng mặc dầu nó tồn tại. Đó chính là mâu thuẫn biện chứng trong thời đại chúng ta. Indơ nhấp rượu, nói với tôi:
– Thật tuyệt vời khi mở đầu một ngày mới bằng một ly rượu vang!
– Muốn thế chắc phải là nghệ sĩ! – Tôi đáp.
Sau khi mỗi người đã uống cạn hai ly rượu hảo hạng, Indơ Senkơ mới tế nhị nói tới chuyện cô ta đang quan tâm:
– Chắc anh tới đây vì lá thư của em? Sao rồi? Ổn cả chứ, anh?
– Cô có thẻ hội viên phải không? – Tôi hỏi.
– Tất nhiên!
Và Indơ nhanh chóng chìa cho tôi xem tấm bằng tốt nghiệp đại học, bằng trông đã cũ, tiếp đến là thẻ hội viên Hội Mỹ thuật, còn mới tinh. Tôi suy luận:
chắc cô ta đã phải mất khá nhiều công sức và thời gian để được hội công nhận là nghệ sĩ. Tôi nói với Indơ:
– Trong những ngày tới đây tôi sẽ gửi cho cô mã số thuế và các giấy tờ cần thiết khác.
– Nếu anh có việc ở vùng này xin mời anh ghé chơi – Indơ nói - Ở đây người ta mới thay đổi nhân viên bưu điện, một bà đưa thư mới vào nghề, còn rất lúng túng. Tốt nhất là, anh sẽ đem mọi thứ đến cho em, nếu không làm phiền anh.
Em rất thích có khách. Là nghệ sĩ thì suốt ngày cô đơn. Nghệ thuật đòi hỏi như thế mà! Nhưng em lại rất mong có người để trò chuyện!
Tôi hứa sẽ chiều theo ý Indơ với “trái tim hân hoan”, như người đời thường nói. Đúng lúc ấy thì ở nơi cầu thang (giống phim hình sự Anh) xuất hiện một người phụ nữ đã luống tuổi. Tôi nhìn thấy đôi giày trước tiên, rồi thấy chân, lưng, và phía sau đầu, cuối cùng – khi nhân vật quay người lại – là một gương mặt đã về già nhưng vẫn còn những nét đẹp của thời xuân. Tôi đứng dậy khỏi đi văng theo phép lịch sự cần phải có.
– Mẹ ơi! – Indơ Senkơ giới thiệu tôi – Đây là anh Hackơ, người của Sở tài chính, anh ấy đến vì công việc của con.
Vậy ra đây là bà Maria Senkơ, người đã từng hội nhập vào giai cấp công nhân để Indơ được ưu tiên là thành phần cơ bản khi xét tuyển vào đại học.
Lúc này trông bà ta chẳng có vẻ gi là thợ thuyền, ngược lại có cái vẻ sang trọng, quý phái và kiêu sa.
– Xin chào! Chắc không có chuyện gì khó khăn chứ, anh bạn trẻ? – Bà ta nói và đưa tay ra, đúng hơn là chìa tay cho tôi mấy ngón tay của mình, những ngón tay đã khẳng khiu, giá lạnh.
– Tôi không thấy có vấn đề gì, thưa bà! – Tôi đáp.
Đúng lúc ấy có tiếng người gõ cửa, gõ rất mạnh và dồn dập, như thể đập búa vậy. Maria Senkơ lắc đầu, mặt cau lại:
– Kẻ vô liêm sỉ nào đến đây thế không biết? Chúng ta đâu có bị nặng tai, thật quái quỷ!
Bà nói rồi đi ra. Ngay sau đó tôi nghe thấy có giọng nói oang oang. Đúng là giọng của Papenphuxơ. Ông ta muốn gặp Indơ Senkơ.
– Con gái tôi đang tiếp khách, không muốn bị quấy rầy. Xin hẹn ông một dịp khác! – Bà ta nói.
Nhưng Papenphuxơ đâu có chịu. Ông ta nói điều gì tôi cũng không nghe rõ, nhưng giọng có vẻ đầy tức tối.
Lúc này Indơ Senkơ hình như rất hoang mang, cô không muốn tôi nghe được những gì hai người nói với nhau ngoài kia. Mặt khác, cô có vẻ rất quan tâm đến cuộc đối thoại giữa Papenphuxơ và mẹ mình.
Tôi giả bộ không để ý đến sự việc đang xảy ra, đưa mắt nhìn chiếc bình nhỏ bằng đồng ở cạnh đó, cầm lên tay:
– Cô cho phép tôi xem chứ?
– Ô, xin mời anh cứ tự nhiên! – Indơ đáp, có vẻ hân hoan, vì cho rằng nghệ thuật có thể đánh lạc hướng khiến tôi không để ý đến hiện thực. Indơ dỏng tai nghe ngóng, cả tôi cũng vậy, mặc dù tôi xoay xoay ngắm nghía cái bình ở trong tay, làm như thể chiếc bình là mối quan tâm duy nhất của tôi ở trên thế gian này.
Quả thật chiếc bình đồng rất lạ mắt. Trong ngôi nhà này đối với tôi cái gì cũng lạ cả. Tôi gọi là bình đồng, nhưng thực ra chỉ có một lớp đồng lá quanh cổ bình, còn từ cổ xuống đáy lại được đan bằng các sợi dây đồng, đáy bình là một miếng đồng hình tròn được dính vào. Quanh bình được tô sơn kín mít, không biết kim loại gì ở phía dưới. Rất có thể nó chỉ là một chiếc bình sứ thông thường, được nghệ thuật phủ lên, óng ánh. Nói triết lý một tí thì đó là thứ hào quang trí trá phủ lên một tôn tại thảm hại. Nhưng mà người đời dễ chết mê chết mệt vì lớp vỏ ngoài kia ...
– Nhưng tô có quyền, bà hiểu chưa? – Papenphuxơ nói như quát chủ nhân.
Hình như ông ta đang phẫn nộ, không sao kiềm chế được.
– Ông ăn nói hay nhỉ! – Bà Senkơ đốp lại – Ông phải biết mình đang ở đâu chứ! Đây không phải là nhà ông, rõ chưa?
– Phải! Nhưng tiền của tôi ở đây, ở trong ngôi nhà này!
– Nếu ông muốn nói đến tiền nong, xin mời ông lên trên gác. Nào, hãy lên phòng của tôi!
Cuộc đấu khẩu lắng xuống. Có tiếng chân người lên cầu thang. Tôi đặt chiếc bình đồng nghệ thuật trả về chỗ của nó. Rõ ràng là Indơ Senkơ đang rất nôn nóng, bồn chồn. Cô ngả người trên đi văng, những ngón tay liên tục gõ gõ, đập đập lên thành ghế, rồi để hai chân bắt chéo nhau, khiến đường xẻ của chiếc áo “nhà tu hành” để lộ ra một chốn đầy ngoạn mục. Lúc ấy tôi cũng thấy bồn chồn ... Sau đó Indơ với tay cầm chiếc bình, xoay xoay nó trong tay, như thể mới thấy nó lần đầu. Nhưng cô không thể tự trấn an, các ngón tay vẫn rung rung. Indơ biết mình mất tự chủ, và đương nhiên, cô cũng hiểu là tôi biết cô đang ở tâm trạng nào. Bỗng dưng các ngón tay cô nắm chặt lấy chiếc bình, cô nói:
– Em rất mê kim loại đồng. Nó mềm mại và dễ tạo dáng. Nó biết chiều lòng người, anh ạ.
Rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, Indơ hỏi:
– Anh có thích nó không?
Tất nhiên là tôi thích và không muốn làm phật ý cô trong lúc này. Tôi đáp:
– Chiếc bình làm rất đẹp!
– Thế thì em tặng nó cho anh đấy!
Chưa dứt lời, Indơ đã ấn chiếc bình vào tay tôi. Hình như không phải là cái bình mà là các ngón tay cô ấy ấn lên tay tôi, tôi cảm thấy như có dòng điện chạy lan tỏa khắp người, đến tận chân các ngọn tóc. Tôi định từ chối vì không thể nhận một sản phẩm mỹ thuật đắt như thế, nhưng không hiểu sao miệng tôi lại thốt ra:
– Ôi, cám ơn cô, rất cám ơn!
Bấy giờ là lúc tôi phải nhanh chóng cáo từ, nếu không, trong tâm trạng bối rối, rất có thể Indơ còn tống vào túi tôi nhiều thứ đồ đồng quý giá khác. Và tôi đã đứng dậy chia tay, hẹn sẽ mang đến cho Indơ mã số thuế và giấy tờ cần thiết.
Tôi nhận được từ cô ánh mắt đầy hứa hẹn và mong đợi.
Chắc Indơ Senkơ cũng chỉ mong có thế. Đẩy tôi nhanh chóng ra khỏi nhà bằng chiếc bình nghệ thuật. Tôi cam đoan là cô ta đã tức khắc chạy lên cầu thang, và ở trên đó, hai người đàn bà hợp sức lại chắc chắn sẽ hướng Papenphuxơ vận hành theo quỹ đão của mình.
Tôi loay hoay ở chỗ cổng ra vào. Cái khóa chết tiệt, mãi không mở ra được.
Bà cô của Kruykơ ngừng cắt cỏ, đến cổng vườn giải thích cho tôi cách sử dụng.
– Cám ơn bác, chắc đây cũng là mặt hàng của Thụy Sĩ?
Bà đáp:
– Trời đất, hôm nay nóng khủng khiếp!
Hóa ra Kruykơ giấu không nói cho tôi biết là cô mình bị nghễnh ngãng. Khi qua cửa hàng của Papenphuxơ tôi thấy có mảnh giấy dán bên cửa ra vào:
“Tôi sẽ trở về ngay! Xin khách hàng thông cảm!”. Nhưng có lẽ còn lâu ông ta mới quay lại. Nhớ đến giọng nói đầy phẫn nộ của ông ở nhà Maria Senkơ tôi nghĩ thầm:
Con người này không đơn giản chút nào! Ông ta có khả năng làm bất cứ chuyện gì. Chắc tôi sẽ phải để ý nhiều hơn đến Papenphuxơ, một công dan lương thiện ...
Quả nhiên việc đời đã diễn ra như tôi nghĩ. Nhưng Chúa ơi! Tôi không thể ngờ là Papenphuxơ lại dám làm chuyện như vậy. Trí tưởng tượng của con người luôn luôn lạc hậu với hiện thực luôn biến đổi không ngừng.
Trong lúc vợ nằm viện Papenphuxơ đã si mê một cô gái chỉ đán tuổi con mình. Mối quan hệ giữa hai người có lẽ không chỉ là sự tương trợ láng giềng trong công việc kinh doanh. Phòng khách sang trọng và phòng ngủ ngay cạnh đó, và tiếng cười lúc ban mai ... Rồi là dấu chấm hết! Indơ Senkơ đã quyết định cắt đứt quan hệ với chủ hiệu, hiển nhiên không phải vì nghệ thuật. Còn có lý do khác. Nhưng dù sao cũng là cú sốc mạnh đối với Papenphuxơ. Kể cũng lạ, người đàn ông trong tôi lại thấy khoái trí và mãn nguyện. Không có gì vuốt ve mơn trớn trái tim một anh chàng chưa vợ có thiện cảm với một người đẹp bằng chuyện đối thủ cạnh tranh với mình ngã ngựa trên đường đua. Dù Papenphuxơ tài chính mạnh, nhưng sức xuân của tôi đã làm nghiêng bàn cân về phía lợi cho mình. Tôi cảm nhận được mối thiện cảm của Indơ dành cho tôi.
Nhưng Papenphuxơ đã nói đến tiền bạc, “tiền của tôi ở đây, ở trong ngôi nhà này” là sao nhỉ? Kruykơ nói “nhà Senkơ là dòng dõi giàu sang, lắm bạc nhiều tiền, nổi tiếng cả một thời”. Có phải đấy chỉ là một giai thoại mà hai người đàn bà nhà Senkơ đã cố nuôi dưỡng nó? Tôi định trong thời gian tới sẽ nghe ngóng tìm hiểu thêm chuyện này. Có thể khi gặp gỡ các khách hàng của tôi, gợi ý tế nhị về Papenphuxơ và gia đình Senkơ, tôi sẽ biết được nhiều điều lý thú, và biết đâu tôi có thể giải thích được thái độ hùng hổ và phẩn nộ của Papenphuxơ khi đến nhà Senkơ. Chỉ bực mình là ông ta đến đập cửa chẳng đúng lúc chút nào!
Lẽ ra tôi có thể hỏi Indơ Senkơ về các đồ trang sức được bày bán. Phải kê khai để nộp thuế. Đó là việc phải làm, mặc dù món rượu Kađaka của Indơ không chê vào đâu được.
Một tuần lễ qua đi nhanh chóng. Tôi lại có mặt trước ngôi nhà Thụy Sĩ.
Không thấy ai trong khu vườn. Bốn bề thật yên tĩnh. Thấy ổ khóa ở cửa vào khu vườn không cài then tôi đẩy cửa tiến vào ngôi biệt thự. Vẫn quang cảnh như lần trước, tấm gia huy Thụy Sĩ cùng hai con sư tử. Không có gì khác lạ. Tôi chỉ ngạc nhiên thấy cửa ra vào chỉ khép hờ không khóa như thường lệ. Chắc chủ nhân có chuyện gấp gáp đã quên làm việc này. Tôi sử dụng thiết bị gõ cửa để không bị bà Maria Senkơ nói mình là “kẻ vô liêm sỉ” như Papenphuxơ. Tiếng đập cử vừa phải, không thôi thúc. Không có ai ra mở. Tôi bước vào trong nhà, đi dọc hành lang tới nơi có cửa vào gian phòng tôi quen thuộc, đó la xưởng mỹ thuật của Indơ. Cửa để ngỏ, lạ thật! Tôi gõ cửa ba lần đúng theo phép lịch sự.
Không thấy ai trả lời “mời vào” hay “xin mời”. Yên ắng. Tôi mạnh dạn vào trong và gọi to:
– Cô Senkơ ơi! – Indơ! Indơ!
Không có tiếng đáp lại. Để mắt nhìn quanh tôi thấy chiếc bình đồng nằm chỏng trơ trên sàn nhà, đầu chúc xuống. Sao người ta vô ý thế không biết? Một tác phẩm nghệ thuật quý giá mà để như thế sao? Và kia nữa, tấm mạng nhện bằng dây đồng bị xé rách thành nhiều mảnh. Chả lẽ Indơ không ưng những gì cô đã làm, muốn sáng tạo một điều gì mới mẻ? Không có lẽ.
Tôi cúi xuống nhặt chiếc bình cầm lên tay. Có vết gỉ. Vô lý, đồng không gỉ như thế. Tôi đặt ngón tay lên. Nó dính dính. Chúa ơi, đó là những vết máu!
Không có lẽ mạng nhện đồng cùng chiếc bình đã rơi xuống đập vào đầu Indơ?
– Indơ? Indơ! Tôi gọi to.
Cánh cửa sổ bị gió lùa đập vào tường rồi bật trở lại. Tôi bước tới khóa cửa.
Hình như tôi nghe thấy tiếng kêu ở phía trên. Rồi có tiếng chân bước. Có người đi xuống cầu thang sắt xoáy trôn ốc, như trong phim hình sự Anh. Tôi lại nhìn thấy đôi giày trước tiên, rồi đến đôi chân, tấm lưng và chiếc áo cao cổ. Bà Maria Senkơ vừa thấy tôi đã xẵng giọng, không kịp để tôi cất lời chào:
– Ai cho ông vào đây?
– Xin lỗi bà, cửa để ngỏ, tôi nghĩ ...
Maria Senkơ không để tôi nói tiếp, quát nạt luôn:
– Ông tìm gì ở đây? Ai cho phép ông tự tiện vào nhà của người khác khi trong nhà vắng chủ? Thật quá đáng!
Hình như bà ta đang bị kích động, nói năng không lôgic. Chẳng phải bà ta đang đứng trước mặt tôi? Sao lại là vắng chủ?
– Sao ông lại cầm chiếc bình đồng trong tay? Ông có ý đồ gì?
Quả là tôi đang cầm chiếc bình, có lẽ bà ta cho tôi có ý xấu.
– Xin lỗi bà – Tôi đáp – Chiếc bình nằm ở trên sàn nhà. Tôi vừa cầm nó lên.
Có ai bị thương không?
Nghe thấy tôi nói vậy, bà ta có vẻ như giật mình và đổi giọng.
– Con gái tôi làm thí nghiệm nghệ thuật. Nó chỉ bị xây xát chút ít, không sao cả! – Bà ta đáp và nhìn tôi dò xét.
– Chúa ơi! Hy vọng rằng không có gì nghiêm trọng! – Tôi nói, giọng thành thật và cảm thông.
Chắc Maria Senkơ cũng nhận ra nên hạ giọng, không còn vẻ hách dịch như trước đó.
– Không đáng ngại. Nhưng Indơ không được khỏe, hôm nay nó không muốn tiếp khách!
– Vậy tôi xin cáo lui! Nhờ bà chuyển lời chào của tôi đến con gái bà, chúc cô ấy sớm bình phục!
– Cám ơn ông, tôi sẽ chuyển lời chào! À, hình như ông là người của Sở tài chính mới đến đây bữa trước, nếu như tôi nhớ không nhầm?
– Vâng, chính thế, thưa bà! – Tôi trả lời.
– Chắc vì chuyện đăng ký kinh doanh của Indơ?
– Đúng vậy!
– Ổn cả chứ?
– Tôi mang các thứ cho cô ấy!
Lúc này nét mặt Maria Senkơ không còn vẻ cau có. Bà chìa tay về phía tôi, nói giọng thân mật hơn:
– Chà, Indơ sẽ rất vui. Chắc chắn biết tin này nó càng chóng bình phục. Xin ông trao cho tôi!
Và tôi đưa cho Maria Senkơ những giấy tờ cần thiết. Thực tình chẳng thích thú chút nào. Tôi đến đây vì Indơ, không phải vì bà ta. Tôi nói:
– Trong hồ sơ tôi đã ghi chú đầy đủ, kể cả số tài khoản của chúng tôi.
– Rất cảm ơn thịnh tình của ông! – Bà ta nói - Nếu ông có điều gì muốn bàn bạc với con gái tôi, xin hẹn ông một dịp khác. Ngôi nhà này luôn rộng cửa chào đón khách. Tạm biệt ông!
Và ngôi nhà rộng cửa ấy đã khép lại sau lưng tôi. Ô la la, Maria Senkơ quả là người đàn bà đáng gờm, biến báo như kỳ nhông. Trong khi Indơ tống tiễn tôi bằng nghệ thuật thì Maria bằng những lời nói dối. Làm gì có chuyện làm thí nghiệm nghệ thuật mà lại bị thương dính máu trên chiếc bình bằng đồng!
Chuyện gì xảy ra nhỉ? Tôi nghĩ thầm:
mình đã đến đây cũng nên đảo qua nhà Papenphuxơ một chút. Biết đâu tôi lại chẳng có thêm nhiều thông tin. Có thể vợ ông ta đã ra viện trở về nhà. Đến chào hỏi xã giao thiệt thòi gì. Trong lúc trò chuyện rất có thể Papenphuxơ lỡ lời nói về chuyện tiền bạc. Tại sao ông ta nói:
“Tiền của tôi ở đây, ở trong ngôi nhà này!” Hay ông ta đầu tư góp vốn làm ăn lớn với gia đình Senkơ?
Tôi bấm chuông. Cửa mở ngay tức khắc. Papenphuxơ lao ra ngay như có ý chờ đợi ai. Mặt ông ta đỏ gay. Vừa thấy tôi, Papenphuxơ sững người và hét tướng, bất kể mọi phép tắc lịch sự:
– Lại là anh! Anh không có gì tìm kiếm ở đây hết! Xin đi cho! Và ông ta đóng sầm cửa lại trước mũi tôi.
Lạ nhỉ! Tôi đến hai nhà đều bị xua đuổi như ma quỷ! Không ai muốn tiếp tôi. Họ sợ tôi quấy rầy? Dĩ nhiên, tôi chẳng có gì để tìm kiếm ở nhà Papenphuxơ, nhưng thái độ như thế là bất nhã, không thể cư xử như vậy nếu tôi là khách hàng. À không, thời buổi khan hiếm này, khách hàng như một kẻ ăn mày, chẳng phải là thượng đế được chào mời niềm nở và kính trọng.
Đúng là một ngày đen đủi, thật là vô tích sự! Tôi lầm bầm nguyền rủa mình.
Hầu như tôi không nghĩ được gì nữa, mặc dù chuyện xảy ra ở nhà Senkơ và Papenphuxơ có vẻ rất lạ thường. Nhưng mà cuộc đời này thiếu gì chuyện như thế, những con người lạ thường, những sự việc lạ thường, nghĩ làm gì cho nhức óc. Cũng đơn giản thôi:
mỗi người là một thế giới riêng, có cách nghĩ và cách hành động riêng, ta thấy nó lạ thường vì nó không giống cách nghĩ và cách hành động của chính ta ...
Buổi tối nằm trên giường tôi lại thấy hiện ra những hình ảnh trong ngày, hình như rõ nét hơn và khủng khiếp hơn. Trí tưởng tượng đưa tôi vào một thế giới rùng rợn, chẳng khác gì một cuốn phim kinh dị:
Tôi nhìn thấy Papenphuxơ ở trong xưởng mỹ thuật của Indơ, thấy hai người to tiếng với nhau. Papenphuxơ mắng nhiếc thậm tệ người đàn bà ông ta say đắm đã đột ngột từ bỏ mình. Indơ là nghệ sĩ, tất nhiên rồi, cô ấy chê bai Papenphuxơ, coi ông ta chỉ là một gã bán hàng xén, một kẻ vô dụng và bất lực, rồi phá lên cười nhạo. Papenphuxơ máu dồn lên đỏ mặt, uất ức và cảm thấy nhục nhã, không kiềm chế được nữa. Ông ta với tay giật chiếc bình treo trên mạng nhện đập vào đầu Indơ. Cô ngã lăn xuống sàn nhà, máu đầm đìa. Papenphuxơ khiếp đảm vội bỏ chạy, sợ Maria Senkơ xuất hiện, sợ hậu quả tai hại đã xảy ra. Papenphuxơ chạy về nhà, nóng lòng chờ đợi Maria hoặc Indơ sang gõ cửa, có thể báo tin là sự việc không nghiêm trọng.
Nhưng ông ta lại thấy tôi, bị cụt hứng, trong lúc đang lo sợ và chờ đợi một điều khác ...
Tôi choàng dậy, sự tưởng tượng của tôi khủng khiếp quá, không thể nào chịu đựng nổi. Tôi bật đèn, với tay lấy một cuốn sách hài hước ra để đọc, hy vọng xua tan được những ý nghĩ rùng rợn ám ảnh đầu óc mình. Nhưng tôi quăng sách đi. Hình ảnh Indơ Senkơ luôn chập chờn trước mắt tôi ...
Ngày hôm sau ở công sở, tôi tìm số điện thoại của nhà Senkơ trong cuốn danh bạ cũ. Tôi bấm máy, hy vọng được nói chuyện với Indơ. Nhưng giọng nói ở đầu bên kia lại là Maria. Xin gặp Indơ, giọng nói đáp:
– Đáng tiếc, thưa ông, Indơ Senkơ đi du lịch, chắc còn lâu mới trở về. Có chuyện gì cấp bách không?
– Không, tôi chỉ muốn hỏi thăm sức khỏe thôi!
– Cám ơn ông, cũng khá hơn. Tạm biệt! Và dập máy.
Vậy là bị thương nhẹ, không nghiêm trọng, nếu như cô ấy có thể đi du lịch.
Nhưng tại sao Indơ không nói gì với tôi về chuyện đó? Tại sao cô ấy lại khẩn khoản mời tôi đến? Hay tôi đã nghe lầm. Thật vô lý! Hai ngày sau đó tôi có công việc ở một địa phương khác trong huyện. Vừa tốn thời gian, sức lực, lại phải khốn khổ với phương tiện giao thông công cộng nên tối về tôi mệt mỏi rã rời, thỉnh thoảng mới nghĩ đến Indơ.
Tôi đang chuẩn bị bữa ăn tối thì Giockhen Hêben đến chơi. Lâu lắm chưa gặp nhau. Vừa ngồi xuống Hêben đã hỏi tôi có biết Rôbe Papenphuxơ không.
Tôi gật đầu nói ông ta là khách hàng của mình, nói đúng ra là đối tượng tôi phải kiểm tra về tài chính.
– Tớ biết ngay mà! – Hêben nói.
– Sao có vẻ bí mật như thế, Giockhen? Tôi ngạc nhiên hỏi bạn – Papenphuxơ làm chuyện gì phạm pháp phải không? Chắc cậu đến đây hỏi mình về ông ta, đúng không? Này, cậu nói ngay xem nào, ông ta phạm tội gì?
– Kết quả điều tra cho thấy ông ta không phạm tội. Hình như cậu biết không biết Papenphuxơ đã chết rồi phải không?
– Gì cơ? Cậu nói lại xem nào!
– Chết rồi! Thế cũng không hiểu à?
– Hiểu! Nhưng cách đây vài hôm mình còn gặp ông ấy kia mà! Tôi nói, không giấu nổi sự kinh ngạc, thậm chí không muốn tin là thật. Chắc bị áp huyết cao, tôi nghĩ.
– Cậu gặp Papenphuxơ hôm nào? Hêben hỏi.
Tôi nói cho bạn biết.
– Thế cậu có để ý thấy không ta có điều gì khác thường hay không?
– Hễ gặp tớ là ông ta bực dọc, lẽ đương nhiên. – Tôi nói.
– Cậu phải nói là ông ta đã bực dọc thì mới đúng. Thì quá khứ trong ngữ pháp Đức mà!
– Nhưng tớ vẫn không sao hiểu nổi. Cảnh sát hình sự các cậu thì có liên quan gì đến Papenphuxơ kia chứ?
– Có đấy! – Hêben đáp – Ngay cả khi tự tử chúng tớ vẫn cứ phải điều tra, coi đó như một vụ giết người. Khi hoàn toàn chứng minh được rằng không hề có một người thứ hai hoặc thứ ba là nguyên nhân cái chết của đối tượng, chúng tớ mới xem vụ án là một vụ tự tử, không phải một án mạng!
– Cậu nói sao kia? Papenphuxơ tự tử? Sao lại như thế được? – Tôi hỏi:
Hêben nhìn tôi, nói:
– Cậu thấy vô lý có đúng không? Papenphuxơ đã tự tử, đó là điều cậu không ngờ chứ gì!
Tôi ngẫm nghĩ rồi gật đầu:
– Không, mình không ngờ! Mình cho đó là hành động quẫn trí, nói theo cánh thợ điện thì đó là chập mạch.
Hêben gật đầu. Tôi hỏi:
– Thế cậu đã nói chuyện với vợ ông ta chưa?
– Nói rồi – Hêben đáp – Nhưng bà vợ có vẻ rất bình tĩnh. Một người phụ nữ khác có lẽ đã sụp đổ. Nghĩ đến những gì bà ấy đã trải qua ...
– Thì cậu kể đi nào, Hêben! – Tôi giục - Cậu đừng bắt mình phải căng thẳng nữa có được không?
– Đúng, thực ra tớ đến đây là để hỏi cậu một số chuyện giúp tớ phá án đấy!
Và hai chúng tôi, hai người bạn thân thiết từ lâu, đã kể cho nhau nghe những gì mình biết về Papenphuxơ. Theo Hêben thì tôi chính là người cuối cùng nhìn thấy Papenphuxơ lúc ông ta còn sống. Chuyện xảy ra đúng vào cái ngày bà vợ xuất viện trở về nhà. Dường như bà ấy về đến nhà cũng đúng vào cái lúc Papenphuxơ treo cổ mình. Thậm chí bà tìm thấy Papenphuxơ trong nhà kho.
Ông ta treo cổ bằng một sợi dây màu nâu đỏ, một mặt hàng vẫn bày bán trong cửa hiệu. Bà vợ cứ để cho chồng mình treo lơ lửng và chạy đi tìm người cắt dây cứu ông ta. Bà ta quá yếu sức không thể làm chuyện đó ...
– Biết đâu bà ấy không muốn làm cũng nên?
– Điều này không thể nào xác minh. Cảnh sát đã tới nhà Senkơ. Ai cũng biết là Rôbe Papenphuxơ và Senkơ có quan hệ với nhau, ít nhất là quan hệ kinh doanh. Cũng có thể hơn thế. Bà Papenphuxơ khai rằng, từ lâu bà đã biết mối quan hệ giữa hai người ...
– Chắc cậu không gặp được Indơ Senkơ để chất vấn phải không? – Tôi hỏi – Như mình biết thì cô ấy đang đi du lịch xa.
– Không phải thế! – Hêben nói – Papenphuxơ đã điên tiết vì cô ta muốn cắt đứt quan hệ với ông ta, chắc là vì bà vợ Papenphuxơ, cũng có thể vì một lý do khác khiến cô ta đổi ý. Dù sao thì Papenphuxơ đã điên khùng, cầm luôn chiếc bình đồng ném Indơ Senkơ. Cô ta ngã xuống sàn, chính là do khiếp hãi, vì chỉ bị thương nhẹ ở trên trán, nhưng có lẽ máu chảy nhiều. Papenphuxơ kinh hoàng.
Chắc ông ta nghĩ rằng mình đã giết chết Indơ Senkơ hoặc làm cô ta bị thương nặng, hậu quả thật không lường. Nghĩa là mất Indơ vĩnh viễn. Ông ta cũng biết hôm ấy là ngày vợ xuất viện ... tự tử hiếm khi chỉ vì một nguyên nhân. Ở đây có nhiều yếu tố hợp lại, xô đẩy ông ta đến hành động cùng quẩn, như cậu nói là chập mạch.
– Maria nói với mình là con gái bà ta đi du lịch – Tôi nhắc lại.
Hêben cười:
– Làm gì có chuyện đó! Bọn mình đã gặp cô ấy rồi. Chắc cô ấy không muốn tiếp xúc với ai trong lúc này, chờ cho mọi chuyện qua đi đã, hoặc nói đúng hơn, chờ cho vết thương trên trán lành lặn hẳn. Hình như Indơ Senkơ là một phụ nữ khá kiêu kỳ. Nghệ sĩ mà! Thích đổi gió, chẳng dại gì áp tai nghe mãi một trái tim huyết áp cao như ông chủ hiệu vừa trở về các bụi ...
Hêben nói có ngụ ý gì vậy? Hay cậu ta biết nhiều hơn những gì đã kể cho tôi nghe? Có lẽ Indơ Senkơ nói gì về tôi chăng?
Khi chia tay Hêben tôi nghĩ rằng đã nói với anh bạn cảnh sát hình sự hầu như tất cả những gì mà tôi biết. Hầu như tất cả, đúng vậy, nhưng không phải tất cả. Quan hệ giữa Indơ và tôi chỉ là chuyện riêng tư, không cần thiết phải thổ lộ với Hêben. Có điều tôi quên không đề cập đến chuyện tiền nong. Tiền của Papenphuxơ trú ngụ trong nhà Maria Senkơ, như ông ta khẳng định. Thật hư ra sao tôi chưa rõ. Và cả chuyện hàng thủ công mỹ nghệ của Indơ bày bán trong cửa hiệu của Papenphuxơ nữa. Hai chuyện này chắc không liên quan đến cái chết của ông ta ... Tôi hy vọng sẽ được gặp Indơ trong lễ tang Papenphuxơ, nhưng cả hai mẹ con nhà Senkơ đều vắng mặt. Tôi nảy ra một ý tưởng táo bạo, có phần hơi mạo hiểm, nhưng không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh bởi tiếng đập cửa thình thình của Papenphuxơ ngày hôm ấy, nhất là câu nói của ông ta:
“Tiền của tôi ở đây, ở trong ngôi nhà này!”. Vậy thì nó ở đâu?
Sau lễ tang Papenphuxơ, tôi chạy hối hả về phía có ngôi nhà sang trọng của dòng họ Senkơ. Ông Trời hăm dọa tôi bằng những ánh chớp và tiếng sấm, bằng gió thổi và lác đác đôi hạt mưa. Nếu tôi không nhanh chân sẽ bị trời xối nước xuống trừng phạt. Khi tới đích, tôi thở không nổi nữa, cố gắng lắm mới mở được cổng vườn để chạy vọt vào phía trong, đến trước cánh cửa vào tòa nhà và đứng trước tấm gia huy Thụy Sĩ. Chờ một lúc cho tim đập bình thường tôi mới đập cửa. Trời bắt đầu mưa to. Một lúc sau có tiếng lạch cạch của chiếc chìa khóa xoay trong ổ. Cửa mở ra, Maria Senkơ xuất hiện.
– Ai đó?
Bà ta hỏi, cái cằm hơi nghếch lên nhưng mắt lại nhìn xuống.
– Xin chào bà Maria Senkơ! – Tôi nói.
Bà ta khẽ gật đầu. Lại cái giọng lạnh lùng, khô khốc:
– Ông muốn gì?
– Thưa bà Senkơ rất kính mến – Tôi đáp vẻ trịnh trọng – Xin lỗi bà, tôi đã làm phiền bà. Lẽ ra đến đây tôi cần phải báo trước, xin bà một cuộc hẹn. Nhưng vì có công việc ở vùng này, tôi mạnh dạn ghé qua đây, hy vọng sẽ được bà cho tôi một lời khuyên quý báu, hoặc nếu tôi may mắn hơn, tôi hy vọng được giúp bà giúp đỡ!
Maria nhìn tôi dò xét:
– Hình như ông là người của Sở tài chính, nếu tôi nhớ không nhầm!
– Vâng, thưa bà, đúng như vậy. Tôi đã có vinh hạnh được đặt chân vào ngôi nhà của bà.
– À, chắc ông đến là vì con gái tôi?
– Lần này không phải vậy, thưa bà Senkơ, vì chuyện khác ... - Tôi đáp.
– Thế thì ông đến đây uổng công vô ích rồi! – Bà ta nói, giọng như băng – Ông hãy giải thích đi, vì sao đột nhiên đến nhà tôi? Vì cớ gì?
– Thưa bà Senkơ, vì đồng tiền đáng yêu! – Tôi thú nhận. Và bà ta lắc đầu:
– Ông nhầm rồi! Tôi làm gì có tiền cho ông vay! Chắc ông lầm địa chỉ!
Đến lượt tôi lắc đầu:
– Bà Senkơ, bà hiểu nhầm tôi rồi. Tôi không cần tiền. Ngược lại, tôi có rất nhiều tiền, thành thử rất bối rối không an tâm. Tôi vừa được thừa kế, một khoảng tiền quá lớn ...
– Vậy xin chúc mừng ông!
Maria Senkơ nói. giọng có vẻ dịu hơn:
– Nhưng tôi thì có liên quan gì đến tiền bạc của ông?
Tôi tiếp tục vào cuộc:
– Thưa bà Senkơ, mong bà thông cảm cho! Người ta đã khuyên tôi đến gặp bà để được bà giúp đỡ. Tôi tìm nơi gởi tiền. Tôi quen sống đơn giản và không có kinh nghiệm gì về những chuyện tiền bạc. Thật bất ngờ, bỗng dưng lại có quá nhiều tiền, không có cũng khổ, mà có thì cũng khổ ...
Sấm chớp đã cắt ngang lời tôi. Mưa xối xả phía sau lưng.
– Chà, mưa to quá. Ông vào trong nhà đi! – Bà ta nói, giọng có vẻ thân thiện hơn – Tôi sẽ đãi ông một ly rượu để khỏi bị cảm lạnh.
– Cám ơn bà, thế thì quý hóa quá! – Tôi tiếp lời.
Maria Senkơ có vẻ ngờ vực:
– Nếu như tôi hiểu ông, ông đến đây không phải vì công vụ?
– Vâng, hoàn toàn vì lý do cá nhân – Tôi nhấn mạnh – Tôi cũng không muốn cơ quan của tôi biết chuyện này. Tôi cũng có cuộc đời riêng của mình như người khác, công tư là hai thứ khác nhau.
Những gì tôi nói chắc xuôi tai Maria Senkơ, khiến gương mặt bà ta bớt căng thẳng rồi biến hóa thanh một nụ cười mỉm trong thoáng lát. Rồi bà ta nhìn xuống sàn nhà, không phải vì bối rối mà là vì đôi giày của tôi.
– Ô, xin lỗi bà! – Tôi nói và lùi lại, vội vã chùi giầy lên tấm đệm đặt ở ngay lối vào, sau đó còn lấy khăn mùi xoa lau mũi giầy và một vài vết bẩn trên sàn nhà.
– Ông cẩn thận quá đấy! Chẳng cần thiết phải như vậy! – Bà ta nói.
Tất nhiên, tôi hiểu đó là việc cần thiết, không được phép làm bẩn sàn nhà bóng loáng của chủ nhân. Chả thế mà bà ta lại nói, giọng mãn nguyện:
– Bây giờ xin mời ông đi theo tôi!
Maria Senkơ chắc thuộc vào số người đặc biệt, đối với họ đồ vật và tiện nghi trong nhà rất quan trọng, không phải để sử dụng mà là để giữ gìn và bảo tồn.
Khi đi lên cầu thang tôi đưa tay xoa đầu con sư tử và nghĩ thầm:
“Lời khen là phép màu, ai không biết cách khen người khác, kẻ đó khó thành đạt trong đời”.
Tôi nói:
– Chà chà, cầu thang thật tuyệt vời, đúng là một tác phẩm nghệ thuật. Bây giờ rất hiếm thấy những gì đẹp như thế. Người đời chỉ chú ý đến mục đích sử dụng, vứt bỏ nghệ thuật sang một bên ...
Tôi có thể ca ngợi rất lâu, nhưng giật mình tỉnh ngộ và im miệng, vì Maria Senkơ – Tôi chợt nghĩ – là một người tinh khôn, từng trải, không dễ gì để mình bị mê hoặc bởi những lời ngon ngọt. Bà ta không thuộc số đàn bà có thể sướng cả ngày chỉ vì một lời khen. Phải thận trọng từng lời, không sẽ bị nghi ngờ. Tôi vội đập tay lên thành cầu thang, kết thúc bài tụng ca:
– Đúng là một sản phẩm tuyệt hảo của người Đức chúng ta!
– Không đúng – Bà ta ngắt lời tôi - Của người Thụy Sĩ chứ!
– Ồ, hóa ra bà đặt làm tận Thụy Sĩ? – Tôi hỏi vẻ kinh ngạc.
– Chồng tôi vốn là người Thụy Sĩ. Tôi xem ngôi nhà này như di chúc của ông, tôi có nghĩa vụ phải gìn giữ và bảo tồn!
– Bà thật đáng khâm phục, thữ bà Senkơ! – Tôi nói – Gìn giữ được một biệt thự sang trọng như thế này qua biết bao năm tháng, quả là một công việc kỳ vĩ mà cánh mày râu phải ngả mũ trước bà ...
– Cũng chẳng dễ dàng gì, ông ... ạ! À, xin lỗi, ông tên là gì nhỉ?
– Hackơ! Guynhêm Hackơ!
– Phải rồi, ông Hackơ! Quả là không dễ dàng làm chuyện đó, nhất là bằng những đồng lương hưu.
– Có lẽ phải có nguồn kiếm tiền khác mới lo toan được như bà! – Tôi nói hơi hớ hênh.
– Nguồn nào kia? – Bà ta xù lông nhím - Sở tài chính của các ông có chứng minh được không?
– Ô, thưa bà Senkơ, xin bà vứt Sở tài chính sang một bên giùm tôi! Tôi đến đây không phải vì công vụ!
– Đúng thế! Ông đã nói như vậy, ông đến vì việc riêng! ....
Rồi chúng tôi lên tới phòng khách nhà Senkơ. Phải thú thật:
một phòng khách cực kỳ giá trị về phương diện đồ cổ! Mọi thứ được bày biện ở đây đều gợi nhớ về mộtt thời đã xa ... Tôi nói với chủ nhân:
– Ôi, bà có một phòng khách thật ấm cúng, bước chân vào là cảm thấy rất dễ chịu cà thỏa mái, bà Senkơ ạ!
Chủ nhân lúc bày có vẻ hài lòng về lời khen của tôi, giọng thân thiện:
– Ông Hackơ, mời ông ngồi xuống đi! Trong gian phòng này tôi luôn tìm được sự yên bình.
Tôi ngồi xuống và chợt nghĩ tới người hàng xóm của Maria Senkơ. Ông ấy cũng đã tìm được sự yên bình trong lòng đất ... Tôi nhìn quanh gian phòng, đặc biệt chú ý đến một chiếc tủ sách kiểu cổ có cửa kính và chạm khắc các hoa văn rất đẹp và công phu. Đúng là một tác phẩm nghệ thuật của những người thợ mộc khéo tay.
– Bà có chiếc tủ sách đẹp quá! – Tôi khen ngợi thực lòng – Trong phòng này người ta thấy rõ ràng sự kết hợp hài hòa giữa văn học và nghệ thuật! Bà cho phép tôi ngó qua các cuốn sách được không, trông chúng thật thích mắt?
Dĩ nhiên Maria Senkơ gật đầu. Tủ sách này cũng là niềm hãnh diện của chủ nhân. Quả ít có ai có được những cuốn sách đắt giá như vậy, bìa cứng, thậm chí bọc da nâu, gáy sách nhiều cuốn được mạ vàng. Tôi thấy trong tủ có trọn bộ tác phẩm 12 tập của Schiller, tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” của Mitchell, “Con đường mong manh đến hạnh phúc” của Paull Ernste, v.v.. Toàn sách hay, quý hiếm và đặc biệt, như tôi thấy, chúng còn rất mới, hình như chủ nhân chưa hề đọc nó bao giờ. Đây cũng là cái mốt thời trang của những người giàu có, coi sách là một thứ trưng bày, cũng thuộc nhóm sản phẩm diện trang trí nội thất.
Maria Senkơ sốt ruột vì thấy tôi xem sách quá lâu. Bà ta vội lấy ly rượu và mời tôi. Tôi nâng cốc chúc mừng sức khỏe chủ nhân, miệng khen rượu “rất ngon”, nhưng thật ra rất khó uống. Vỏ chai là rượu Gin, nhưng mùi vị như rượu thuốc chế từ rễ cây cỏ.
– Ông Hackơ, hình như ông bỗng dưng thành giàu có phải không? – Maria Senkơ lên tiếng.
– Vâng, thưa bà, thật bất ngờ và đột ngột! – Tôi đáp lại.
– Một sự bất ngờ đáng yêu biết nhường nào! Ai chả thích được thừa kế, phải không ông Hackơ? Chắc lộc của họ hàng?
– Vâng, em gái của bố tôi.
– A, đó là bà cô ruột.
– Đúng thế, thưa bà, cô ruột tôi đã có một hiệu uốn tóc rất đông khách.
– Nghĩa là ông được thừa kế một cửa hiệu? – Bà ta hỏi.
– Không, tiền mặt!
– Mừng cho ông! Tiền mặt đỡ rắc rối hơn nhiều. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao ông tìm đến tôi, ông Hackơ?
Đến lúc khó khăn đây, tôi nghĩ, nói thế nào để bà ấy tin mình? Tôi chắp hai bàn tay vào nhau, đặt lên mặt bàn, hy vọng cử chỉ này sẽ tăng thêm sự tin cậy:
– Cả đời tôi chưa bao giờ có nhiều tiền, bỗng dưng có một khoản tiền lớn như vậy, cứ như một giấc mơ, không thể ngờ nhưng lại là sự thật. Tôi đâm ra bối rối và khó xử, thưa bà.
– Thế ông được bao nhiêu mà lại phải bối rối cơ chứ? Bà ta hỏi, đầu hơi cúi về phía trước.
– Ba mươi ngàn mác – Tôi đáp, gần như thì thầm.
Maria Senkơ đưa lưỡi khẽ liếm môi, rồi nói như tình cờ:
– Một khoảng kha khá đấy, chúc mừng ông! Nhưng ông Hackơ quý mến ạ, tôi vẫn chưa hiểu tôi thì liên quan gì đến thừa kế của ông?
Băng đã tan, tôi nghĩ, cái câu “Ông Hackơ quý mến ạ” mách bảo tôi là con cá cắn câu. Tôi nhắc lại ý định của mình, giọng nghiêm trang:
– Thưa bà Senkơ, như đã nói, tôi đến đây xin bà một lời khuyên và mong được giúp đỡ. Thực tình tôi không biết xử lý một khoản tiền lớn như thế nào cho có lợi.
– Sao ông không đem gửi quỹ tiết kiệm? – Bà ta hỏi.
Tôi giật mình. Lẽ nào Maria Senkơ đã đoán được ý đồ của tôi và tìm cách thoái thác? Hãy tỉnh táo, Hackơ! – Tôi tự nhủ và thong thả đáp lại:
– Thưa bà Senkơ, ai cũng biết là đồng tiền mác đang mất giá. Bạn bè tôi đều nói gửi tiết kiệm nhà nước sẽ thiệt hại, nhất là khi tỷ lệ lạm phát lại cao hơn lãi suất tiết kiệm. Và điều này lại đang là hiện thực.
Maria Senkơ nhìn tôi một hồi lâu, vẫn có vẻ thăm dò và cảnh giác. Tôi đã lầm, cái câu “Ông Hackơ quý mến” của bà ta cũng chỉ là một cách nói, biết đâu chẳng là cách nhử đối phương bộc lộ mình?
– Vậy sao ông không đầu tư vào bất động sản, chí ít là vào đồ trang sức hay đồ vật có giá trị lâu dài? – Bà ta hỏi rồi lại chăm chú nhìn vào mắt tôi.
Tôi có cảm giác như mình bị hỏi cung. Không dễ gì thuyết phục người đàn bà từng trải này! Sau bao nhiêu năm vật lộn với cuộc đời, Maria Senkơ không dễ gì tin người, nhất là tôi lại là một viên chức Nhà nước.
– Ôi, bà Senkơ! – Tôi nói và nhún vai - Đồ trang sức ư? Tôi chưa có gia đình, sống một mình, mua đồ trang sức cho vào hòm khóa lại rồi suốt ngày đi làm, liệu lũ trộm cắp có tha cho tôi không? Thời buổi bây giờ thật bất an, chẳng có gì chắc chắn hết. Tôi đọc báo thấy tin một băng cướp đã đột nhập vào nhiều gia đình, lấy đi nhiều tài sản quý giá ...
– Chà, ông Hackơ! Chuyện đó chỉ xảy ra ở các thành phố lớn. Còn vùng ta không có đâu. Cho đến nay tôi luôn cảm thấy rất bình an. Ông không thấy thế sao?
– Vâng, thưa bà, nhưng các hành vi phạm pháp thì ở đâu cũng có!
Maria Senkơ không để tôi nói hết câu, có thể đang tìm cách thuyết giáo thẩm tra tôi, hoặc có thể bà ta cố ý bỏ ngoài ta cụm từ “các hành vi phạm pháp'.
– Nhà nước này – Bà ta tiếp – Có những điều không hay, nhưng được cái lo cho sự an ninh và kỷ cương xã hội! Tôi vẫn bình an đi một mình ra đường, tôi không bị xúc phạm nơi công cộng. Người dân nộp thuế để nuôi nhà nước và nuôi sự an ninh. Chả lẽ tôi nộp thuế để không được nhà nước bảo vệ tính mạng và tài sản hay sao, ông Hackơ?
Chà, ghê thật, Maria Senkơ lên lớp toi về ý thức công dân! Có điều bà ta đã phạm một sai lầm khi quá hăng hái diễn vai kịch của mình:
bà ta chưa bao giờ đóng thuế, tôi biết chắc như vậy. Bây giờ tôi phải chứng minh là bà ta không đúng khi ca ngợi sự an ninh, cố ý bắt bẻ tôi.
– Nhưng thưa bà Senkơ, số liệu thống kê cho thấy rằng mỗi năm ở nước ta có trên một trăm ngàn vụ phạm pháp, nghĩa là khoảng ba trăm vụ mỗi ngày, chưa kể đến những vụ phạm pháp được che đậy khôn khéo, tinh vi, cảnh sát khó lần ra dấu vết. Không phải hành vi phạm pháp nào cũng phơi bày trước thiên hạ ....
Maria Senkơ hơi nhíu lông mày trong thoáng lát. Có lẽ câu nói sau cùng của tôi khiến bà ta cảnh giác hơn.
– Ông Hackơ này! Ông biết nhiều về tội phạm quá đấy! Ông là nhân viên tình nguyện của cảnh sát phải không?
Một câu hỏi rất bất ngờ và cũng đầy ngụ ý. Tôi đã nói thiếu suy nghĩ khiến Maria Senkơ nghi ngờ. Phải chữa cháy ngay thôi. Tôi lắc đầu:
– Ấy chết, bà Senkơ! Sao bà có thể nghĩ về tôi như thế chứ? Niên giám thống kê thì ở đâu chẳng có! Tôi đã mượn thư viện về đọc, thấy cũng hay hay, chỉ nói lại những gì đọc trong sách vở thôi. Dĩ nhiên tôi tin ở vung ta không có các bằng đảng, nhưng ăn cắp thì có đấy, thưa bà. Chuyển tiền thành đồ trang sức – như bà nói - thực ra cũng không chắc chắn gì. Chỉ sơ hở một chút là có thể mất sạch, tôi lại thành trắng tay.
– Ông vẫn nợ tôi một lời giải thích, ông Hackơ ạ! Tại sao ông lại đến tìm tôi mà không tìm người khác vì tiền bạc của ông?
Chắc Maria Senkơ vẫn đang thử thách tôi nên hỏi đi hỏi lại mãi về chuyện này. Cần phải thuyết phục bà ta, khẳng định việc tôi đến đây nhờ cậy nhà Senkơ là có lý do chính đáng:
– Thưa bà Senkơ! Không phải ngẫu nhiên tôi đến đây để nhờ bà giúp đỡ!
Một vài người thân của tôi đã khuyên tôi đến với bà. Họ nói rằng trong chuyện tiền bạc, nhà Senkơ là đáng tin hơn cả. Gửi tiền nhà Senkơ cũng như gửi vào ngân hàng, được bảo đảm và giữ gìn an toàn, hơn nữa lại có lợi ...
– Ai ba hoa chuyện đó thế? Ai đã khuyên ông tìm đến tôi? – Maria Senkơ hỏi, giọng có vẻ dịu hơn.
– Dù có bị cắt lưỡi tôi cũng không nói tên người ấy ra đâu, thưa bà Senkơ!
Bảo mật tuyệt đối là nguyên tắc của tôi!
Sau khi mời tôi một cốc bia, Maria Senkơ nói:
– Ông quả là một người đáng được người khác giúp đỡ, ông Hackơ ạ! Nếu “tuyệt mật” là nguyên tắc sống của ông trong đời tư ... Nhưng tôi phải nói ngay với ông rằng:
Nhà Senkơ không phải là một ngân hàng! Chúng tôi chỉ làm trung gian môi giới thôi.
– Vâng, xin bà hãy giúp tôi như giúp những người thân của tôi! – Tôi nói, giọng khẩn khoản – Tôi sẽ vô cùng biết ơn bà ...
– Ông Hackơ, có phải đó là tất cả tiền bạc của đời ông?
– Vâng, lương tháng của tôi chỉ đủ sống, không hề có một khoản thu nhập nào khác nữa. Tiền thừa kế là tài sản duy nhất tôi có được.
Maria Senkơ rót thêm bia cho tôi rồi hỏi tiếp:
– Ông Hackơ, xin ông hãy nói thật! Ông đến nhà Senkơ có phải vì đồng ngoại tệ hay không?
– Vâng, thưa bà Senkơ – Tôi đáp – Thú thực tôi chưa biết một đồng tiền nào khác ngoài đồng mác!
– Tôi cảnh báo ông trước, đừng hy vọng quá nhiều, ông Hackơ ạ! Xin nói thẳng với ông:
tôi quý mến ông và muốn giúp ông, nhưng chỉ nhận mười ngàn mác thôi, không thể hơn. Chỗ còn lại hai mươi ngàn tùy ông lo liệu đấy, ông có thể đi du lịch để có những kỷ niệm đẹp cho cuộc đời!
Maria Senkơ nói có lý. Bà ta không hám của và vồ vập như tôi đã tưởng tượng.
– Vâng, thưa bà, thế cũng được! – Tôi đáp – Nhưng xin bà cho biết, tôi trao tiền gửi bà có gì làm bằng chứng không? Chẳng hạn một hóa đơn hay giấy tờ tương tự?
– Bảo đảm ư, ông Hackơ? Toàn bộ cơ ngơi có tấm gia huy Thụy Sĩ của gia đình Senkơ này! Đó là sự bảo lãnh quý như vàng trong ngân hàng Thụy Sĩ. Đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất của người gửi, không đâu ở xứ ta có được sự bảo đảm như thế!
Lúc này Maria Senkơ nói như một hướng dẫn viên du lịch, một người quá quen thuộc với việc giới thiệu và lý giải về một công trình kiến trúc với khách tham quan. Rồi bà ta đứng bật dậy, đi tới bàn viết riêng của mình, mở khóa ngăn kéo lấy ra một cuốn sổ dầy bìa cứng, kẻ karô đen rồi nói với tôi:
– Đây, ông xem này, ông Hackơ!
Tôi vội đứng ngay dậy, rảo bước. Cuốn sổ ấy chính là cái đích tôi vươn tới.
Nhưng tôi vội kiềm chế, bước đi từ từ, không để lộ ý đồ của mình.
Maria Senkơ đặt cuốn sổ lên mặt bàn, lật dở các trang viết trong đó, nói với tôi một cách đầy tự tin:
– Đây, ông xem đi! Ông sẽ thấy rằng ông không phải là khách hàng duy nhất đâu! Khoản tiền gửi được ghi vào sổ, ông ký vào, sau đó sổ cái được khóa lại, an toàn.
Tôi có cảm giác mình như ngâòi leo núi, sau bao khó khăn lên tới đỉnh, được ban thưởng biết bao là cảnh đẹp của đất trời.
– Nhưng sau đó, thưa bà? – Tôi hỏi.
– Cái gì kia? – Maria Senkơ hỏi lại – Ông muốn biết gì ư?
– Tôi muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra với đồng tiền của tôi?
– Đó là việc của tôi ông Hackơ ạ! Ông càng biết ít thì càng có lợi. Tiền được gửi vào những bàn tay tin cậy, chắc chắn, còn khoản tiền lãi, được tính theo tỷ lệ hối đoái, sẽ được ghi vào tài khoản của ông. Trong trường hợp đặc biệt, nếu ông cần một tỷ lệ phần trăm nho nhỏ, ông sẽ nhận được bằng đồng Phơrănkơ Thụy Sĩ. Nhưng tốt nhất là ta cứ để nguyên không đụng đến, cho đồng tiền nó sinh sôi nẩy nở.
Vậy là mất trắng tay! Tôi nghĩ thầm. Tại sao người đời có thể ngu dại và cả tin như thế nhỉ? Hình như sự ngu dại cũng có quy luật riêng của nó.
– Thưa bà Senkơ – Tôi nói - Nếu tôi không hiểu sai thì khoản tiền gửi sẽ được quy đổi sang tiền Thụy Sĩ?
– Đúng thế! – Bà ta đáp – Tôi sẽ căn cứ theo sổ sách. Cuốn sổ này là cơ sở để tính toán!
Nói dứt lời Maria Senkơ nhét cuốn sổ vào ngăn kéo bàn, đóng lại. Hình như chưa đóng kín, có thể ổ khóa tự động chăng? Chưa thấy bà ta khóa lách cách.
Hay tôi lầm?
– Bà làm như vậy rất hay, thưa bà Senkơ! Tôi nói và quay lại ghế ngồi.
Một thoáng sau tôi bắt đầu thở khó, rồi lấy tay ép lên tim. Tôi cũng đảo con ngươi mắt một chút ít. Mẹo vặt, chẳng phải cao kiến gì. Nhưng Maria Senkơ hỏi ngay:
– Ông Hackơ, ông khó ở phải không?
– Chút xíu thôi, thưa bà! Trời oi bức, sau cơn giông, tim tôi thường dở chứng, nhưng chỉ một thoáng lát rồi trở lại đập bình thường. Xin bà làm ơn cho tôi một cốc nước!
Tôi đã quan sát kỹ phòng khách, biết chắc trong phòng không có vòi nước được mắc vào. Maria Senkơ sẽ phải ra khỏi phòng. Và bà ta đứng dậy, nói:
– Xin ông đừng có ngã! Hãy thở sâu vào! Tôi sẽ mang ngay nước cho ông.
Maria Senkơ ra khỏi phòng, để cánh cửa khép hờ. Tôi dỏng tai nghe tiếng bước chân xa dần của bà ta, rồi có tiếng một cánh cửa được mở ra. Nhanh như chớp tôi lao tới bàn, đưa tay lấy cuốn sổ, đóng ngăn kéo lại như cũ, rồi vội vã về ngồi như lúc trước, cuốn sổ được giấu trong áo, áp lấy lưng. Tôi nghĩ, giấu sau lưng ít gây sự chú ý hơn phía trước ngực, khi tôi phải ngồi đối diện với chủ nhân. Vừa ngồi yên vị thì Maria Senkơ quay lại. Tôi đón nhận cốc nước lã, uống ừng ực, rồi tỏ ra dễ chịu hơn.
– Rất cám ơn bà! – Tôi nói – Bây giờ xin phép bà cho tôi được cáo lui, tôi phải về nhà ngay để uống thuốc trợ tim. Đã ngớt mưa. Tôi xin phép được sớm gặp lại bà! Cho tôi gửi lời chào cô Indơ, hy vọng cô ấy đi du lịch sắp về. Tôi rất thích nghệ thuật của Indơ ...
– Hẹn sớm gặp lại ông, ông Hackơ! Vài hôm nữa ông quay lại chắc sẽ gặp được con gái tôi. Có vẻ nó có nhiều thiện cảm với ông đấy! Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt lành. Tạm biệt ông!
Tôi cố gắng không quay lưng lại phía Maria Senkơ trong lúc ra khỏi nhà, luôn nhường cho chủ nhân đi trước. Khi tới cửa ra vào, tôi mau lẹ lách lên trước, quay mặt lại khẽ cúi đầu từ biệt chủ nhân, rồi gần như đi giật lùi và nghiêng người ra phía ngoài, trong lúc cánh cửa đã khép lại. Chủ nhân mong muốn mọi chuyện sẽ tốt lành, chắc không phải muốn quan hệ giữa tôi và Indơ mà là khoản mười ngàn mác tôi sẽ đem đến gửi:
Đã có lúc tôi nghĩ mình không phải với gia đình Senkơ khi nghi ngờ họ làm những điều bất chính. Tôi chỉ suy đoán sau khi nghe Papenphuxơ nói đến chuyện tiền bạc của ông ta “ở trong ngôi nhà này” với giọng đầy phẫn nộ. Không ngờ những suy đoán của tôi là sự thật.
Dưới ngọn đèn bảy mươi nhăm oát trong căn phòng tĩnh lặng của mình, tôi đọc đi đọc lại cuốn “sổ kế toán” của Maria Senkơ:
họ và tên, khoản tiền nhập tài khoản và chữ ký loằng ngoằng của người gửi. Mỗi người gửi một trang riêng.
Nhiều người tôi biết tên và biết mặt. Họ hầu như khá nổi tiếng về sự giàu sang cũng như về tinh thần “hết lòng vì sự nghiệp chung”, kẻ gửi năm ngàn, người gửi mười ngàn mác. Thực ra với họ chẳng có ý nghĩa gì khi có trong tay hàng triệu mác. Có lẽ nhiều kẻ mày râu giấu vợ con gửi tiên vào nhà Senkơ không phải vì hám lợi mà hám sắc, muốn bày tỏ mối thiện cảm với con gái của bà chủ nhà thuộc dòng dõi cao sang. Phải chăng sự lấp ló khơi gợi của chiếc áo có đường xẻ rất khéo và cái nơi rất ngoạn mục thu hút ánh mắt nhìn đã khiến nhiều trái tim đập loạn nhịp và sẵn sàng ký gửi tiền bạc mở lối vào thú vui? Tôi nghĩ Papenphuxơ cũng nằm trong số đó, một khoản tiền lớn, nổi trội và chữ ký khá bay bướm, hoàn toàn khác với chữ ký chân phương trên các tấm séc nộp thuế cho nhà nước. Không ai nghĩ rằng mình bị lừa. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là bị chiếm dụng vốn. Chủ nhân sử dụng tiền của khách hàng “quý mến” để tu sửa biệt thự, trang trải mọi khoản chi phí thuê nhân công và sống một cuộc sống dư dật, quý phái hơn mọi người dân ở trong vùng, nói tóm lại, chủ nhân không bao giờ có khả năng hoàn trả cho khách hàng!
Nghe nói công an đang điều tra về cái chết của Papenphuxơ cũng như về gia đình Senkơ. Kết quả ra sao thời gian sẽ trả lời. Riêng tôi có suy nghĩ và lập luật của mình:
Papenphuxơ tự tử trong tình trạng quẫn trí khi thấy mình bị mất hết tất cả, tiền gửi không đòi được, tình yêu bị ruồng rẫy, nghĩa là mất cả tính lẫn tiền trong chốc lát. Hơn nữa người vợ bị lừa dối lại xuất viện trở về. Và người vợ ấy về đến nhà đúng lúc ông tròng dây vào cổ, không lao tới cắt đứt dây cứu ông mà chạy đi gọi người khác đến cứu. Bà ấy quá yếu sức không làm nổi việc đó hay sao? Ai có thể chứng minh? Hay đó cũng là cái cách bà ta trừng phạt sự phản bội? Điều này cũng chỉ là suy diễn, chẳng ai có sơ sở lý giải được hành vi lạ lùng ấy. Chẳng biết nhà văn nào đã nói rằng đàn bà là một vũ trụ đầy bí ẩn, không có bậc thiên tài nào khám phá nổi ...
Cầm cuốn sổ của Maria Senkơ trong tay, tôi chợt nghĩ đến Hêben, rồi nghĩ đến Indơ. Một người là bạn thân, một người là ... à, có lẽ chưa phải ... như bạn đọc tưởng tượng đâu. Tôi mới ở mức có nhiều thiện cảm với Indơ, thế thôi.
Nhưng cuốn sở đáng nguyền rủa kia bắt tôi phải đau đầu suy nghĩ. Nên trả lại cho Indơ hay trao nó cho Hêben? Ôi, cuộc đời thật trớ trêu! Người ta luôn luôn phải quyết định và lựa chọn, câu tục ngữ Đức rất đúng với tình cảnh của tôi lúc này:
“Ai phải lựa chọn, người đó bị hành hạ!”. Vâng, tôi đang bị tình yêu và nghĩa vụ hành hạ khốn đốn đây! Ở địa vị của tôi bạn đọc sẽ quyết định ra sao? ...