Trở về
Tác giả: Somerset Maugham
Trang trại nằm giữa thung lũng, giữa những mỏm đồi ở Sômôsetsi. Ngôi nhà xây bằng đá theo mốt cũ được bao bọc bởi những kho củi, sân nhốt súc vật và những công trình bằng gỗ khác. Thời điểm xây dựng được trạm trổ trên cổng bằng những chữ số đẹp đẽ: 1673. Ngôi nhà màu xám ẩn mình dưới bóng cây, cùng với chúng từ lâu đã hoà vào phong cảnh như một bộ phận không thể tách rời. Khu vườn được chăm nom cẩn thận và nối với đường cái nhờ một hàng cây du tuyệt đẹp, có thể khiến cho bất cứ điền trang nào cũng trở nên lộng lẫy. Những người sống trong đó cũng chắc khoẻ, cương nghị và nhiều thế hệ, tất cả những người đàn ông trong gia đình đều sinh ra và chết tại đó. Ba trăm năm mươi tuổi, còn vợ ông thì kém đâu một hai tuổi. Cả hai là những người tuyệt vời, trung thực và sung sức. Con cái họ, - hai trai ba gái, đều khoẻ mạnh và đẹp đẽ. Họ xa lạ với những tư tưởng đang thịnh hành - không coi mình là trai thanh gái lịch, biết và bằng lòng với những vị trí của mình trong xã hội. Tôi chưa từng gặp một gia đình nào bền vững hơn thế. Tất cả họ đều vui tính, cần cù và tốt bụng. Lối sống gia trưởng và hoà thuận của họ mang vẻ đẹp hoàn chỉnh của giao hưởng Bethoven hoặc tranh Tixian. Họ hạnh phúc và xứng đáng được hưởng niềm hạnh phúc của mình. Nhưng người chủ trang trại không phải là ông Gióocgiơ Mêđâu (“Ngữ ấy nước mẹ gì” - trong xóm người ta nói vậy) mà là mẹ ông. “Một người đàn ông mặc váy chứ không ngoa” - người ta nói về bà như thế. Đó là một người đàn bà khoảng bảy mươi tuổi, cao, cân đối, tóc hoa râm. Mặc dù khuôn mặt đã chằng chịt những vết nhăn, đôi mắt bà vẫn còn sắc sảo và sống động. Ở trong nhà cũng như ở ngoài đồng, lời nói của bà là pháp luật. Nhờ có bản tính hài hước, bà cai quản một cách chuyên quyền nhưng vẫn không hà khắc. Những câu pha trò của bà khiến ai cũng phải bật cười và nhắc đi nhắc lại. Bà nắm vững các thủ thuật làm ăn. Khó có ai có thể qua được mặt bà. Đấy là một tính cách không phải tầm thường. Ở bà, lòng nhân hậu dung hoà với nghệ thuật giễu cợt khác - đó quả là một trường hợp hiếm hoi. Một hôm, tôi đang trên đường về nhà thì bà Gióocgiơ giữ lại (Người quen gọi vợ Gióocgiơ là “bà Gióocgiơ”. Chỉ có mẹ chồng của bà mới được gọi một cách kính cẩn là “bà Mê đâu”). Bà ta đang rất xúc động vì lý do gì đó.
- Ông thử đoán xem, ai đã đến nhà chúng tôi hôm nay? - Bà ta hỏi tôi.
- Bác của Gióocgiơ Mêđâu đây. Ông biết không, ông bác ở Trung Quốc ấy mà.
- Không lẽ? Tôi tưởng ông ấy chết rồi.
- Tất cả chúng tôi đều tưởng vậy.
Câu chuyện về ông bác của Gióocgiơ tôi đã được nghe hàng chục lần và bao giờ nó cũng khiến tôi thích thú vì trong đó phảng phất hương vị một huyền thoại cổ. Lúc này, cơ hội được gặp nhân vật của nó làm tôi hồi hộp. Sự tình là hơn năm mươi năm về trước, bác của Gióocgiơ Mêđâu và Tôm, em trai ông, cùng theo đuổi bà Mêđâu, khi đó còn là cô Emili Grin. Đến khi Emili lấy Tôm, ông Gióocgiơ (bác và cháu cùng tên) xuống tàu đi biệt. Người ta biết rằng ông tới sống ở một nơi nào đó trên bờ biển Trung Quốc. Trong khoảng hai mươi năm, thỉnh thoảng ông có gửi quà về. Sau đó ông bặt vô âm tín. Khi Tôm Mêđâu chết, bà vợ goá của ông ta viết thư báo cho Gióocgiơ nhưng không thấy trả lời. Cuối cùng mọi người cho rằng ông đã chết. Nhưng cách đây mấy hôm họ rất đỗi kinh ngạc khi nhận được một bức thư từ Poocsmut. Tác giả bức thư, bà chủ một nhà trọ dành cho thuỷ thủ, báo tin rằng đã mười năm nay ông Gióocgiơ Mêđâu mắc bệnh thấp khớp phải ở tại đó, và bây giờ, cảm thấy chẳng còn sống được bao lâu nữa, ông muốn nhìn lại ngôi nhà, nơi mình đã sinh ra. Anbơts, cháu gọi Gióocgiơ bằng ông, đã lái chiếc xe “Pho” đi Poocsmut đón ông. Chiều nay họ sẽ về tới nơi.
- Ông thử hình dung, - bà Gióocgiơ nói, - bác ấy xa nhà đã hơn năm mươi năm rồi. Bác ấy thậm chí chưa biết mặt ông nhà tôi, mà ông ấy thì đã sang tuổi năm mươi mốt.
- Thế mà Mêđâu nghĩ gì về chuyện này? - Tôi hỏi.
- Bà ấy thì ông biết quá rồi còn gì. Bà ấy ngồi cười một mình và chỉ nói: “Lúc ra đi ông ấy đẹp trai, nhưng không hay bằng ông em”. Đấy, chính vì thế mà bà ấy chọn bố ông Gióocgiơ nhà tôi. Bà ấy còn nói: “Bây giờ có lẽ ông ấy đã nguôi ngoai”. Bà Gióocgiơ mời chúng tôi ghé sang chơi và làm quen với ông lão. Sự ngây thơ của một người đàn bà nông thôn chưa bao giờ đi quá London khiến bà ta nghĩ rằng một khi chúng tôi đã cùng đến Trung Quốc thì nhất định sẽ có chung những mối quan tâm. Dĩ nhiên tôi nhận lời. Khi tôi đến, gia đình bà tụ tập đông đủ. Tất cả quây quần tôi gian bếp cũ kỹ, rộng thênh thang, có sàn lát đá, bà Mê đâu ngồi trên ghế bên bếp lửa, vẻ trang nghiêm và mặc chiếc áo lễ dài bằng lụa khiến tôi thấy ngồ ngộ. Ông con trai cùng vợ con ngồi quanh bàn. Một ông già lưng còng ngồi phía bên kia lò sưởi. Ông gầy đến nỗi lớp da khoác lên bộ xương trông bùng nhùng như một chiếc áo vestông tàng quá khổ. Mặt ông nhăn nheo và vàng bủng, miệng hầu như chẳng còn chiếc răng nào. Tôi bắt tay chào ông.
- Rất vui mừng là ngài đã về đến đây. - Anbơts, đứa cháu họ của ông nói với tôi. - Khi chúng tôi về tới cổng, ông ấy bắt tôi dừng xe và tuyên bố là muốn đi bộ.
Tôi nằm liệt giường đã hai năm nay. Người ta phải bế tôi đặt vào ôtô. Tôi đã tưởng chẳng bao giờ còn đi được nữa. Nhưng vừa trông thấy chúng, thấy những cây dù ấy mà - tôi chợt nhớ ra rằng cha tôi ngày trước yêu chúng lắm - và bỗng cảm thấy lại có thể cử động được đôi chân. Tôi đã bước dọc hàng cây này năm mươi hai năm về trước để ra đi và bây giờ lại tự mình trở về dưới hàng cây đó.
- Úi dào, chuyện ngớ ngẩn! - Bà Mêđâu nhận xét.
- Điều này bổ ích đối với tôi. Đã mười năm nay chưa bao giờ tôi thấy mình khoẻ khoắn và sảng khoái như thế. Tôi sẽ sống lâu hơn em đấy, Emili ạ.
- Ông đừng quá trông mong vào điều đó.
- Bà ta trả lời. Đã lâu lắm rồi không có ai gọi bà Mêđâu bằng tên… Có lẽ vì thế mà tôi cảm thấy hơi khó chịu, tựa hồ như ông đã cho phép mình cư xử quá suồng sã với bà già. Bà ngước nhìn ông, trong đôi mắt thấp thoáng một nụ cười cợt, còn ông trong khi nói chuyện với bà chỉ cười gằn, để lộ hai hàng lợi móm. Nhìn hai ông bà già nửa thế kỷ xa nhau, tôi nghĩ đến bấy nhiêu năm dài đằng đẵng ông yêu bà, còn bà yêu người khác và bỗng nhiên thấy trong lòng trào dâng một tình cảm lạ lùng. Tôi muốn biết họ còn nhớ chăng những gì từng cảm nhận, những gì đã từng nói với nhau. Tôi muốn biết, phải chăng bây giờ ông già ngạc nhiên là chỉ vì bà lão này mà ông đã từ bỏ ngôi nhà của cha ông, từ bỏ cái tài sản mà mình có quyền thừa kế để suốt đời lang bạt nơi đất khách quê người.
- Ngài đã lấy vợ bao giờ chưa, ngài thuyền trưởng Mêđâu? - Tôi hỏi.
- Không, đó không phải việc của tôi. - Ông nói bằng một giọng run run và nhếch mép. - Tôi hiểu đàn bà quá rõ.
- Ông chỉ nói mồm vậy thôi, - bà Mêđâu phản ứng lại, - chứ thực ra hồi trẻ chắc ông phải có đến nửa tá vợ da đen.
- Emili, em nên biết rằng đàn bà Trung Quốc da vàng chứ không phải da đen.
- Lúc mới trông thấy ông tôi đã nghĩ ngay: đúng là ông ấy mắc bệnh vàng da.
- Tôi đã nói, Emili ạ, rằng ngoài em tôi sẽ không lấy ai. Ông nói điều này không mảy may xúc động hay giận dỗi, bình thản như khi người ta nói: “Tôi đã nói rằng tôi sẽ đi hai mươi hải lý”. Thậm chí trong lời nói của ông còn thoáng chút hài lòng.
- Nếu lấy vợ có khi ông đã phải ân hận cũng nên. - Bà nói.
Tôi trò chuyện một lát với ông già về Trung Quốc.
- Tôi biết các cảng Trung Hoa còn rõ hơn các ngài biết trong túi mình có thứ gì. Tất cả nơi nào tàu bè vào được tôi đều đã đến. Ngài có thể ngồi đây suốt ngày trong nửa năm trời tôi cũng không kịp kể cho ngài nghe hết dù một nửa những gì đã từng nếm trải.
- Tôi thấy vẫn còn một việc ông chưa làm nổi. - Bà Mêđâu nói, trong mắt vẫn ánh lên nụ cười mỉa mai nhưng phúc hậu. - Ông chưa giàu lên được.
- Tôi đâu phải loại người ki cóp làm giàu. Kiếm tiền rồi xài hết, đó là phương châm sống của tôi. Tôi chỉ có thể nói một điều: Nếu bây giờ phải bắt đầu lại cuộc đời mình thì tôi sẽ sống y như cũ. Cũng chẳng có nhiều người dám nói thế đâu.
- Đúng vậy. - Tôi nhận xét. Tôi ngước nhìn ông một cách thán phục. Đó chính là ông già móm mém, thân hình rúm ró vì bệnh thấp khớp, trong túi chẳng có lấy một xu, nhưng ông đã sống một cuộc đời tuyệt diệu vì biết cách hưởng thụ nó. Khi tôi chào tạm biệt ông, ông già mời tôi hôm sau lại đến. Nếu tôi muốn nghe chuyện Trung Hoa, ông sẽ kể cho nghe bao nhiêu cũng được.
Sáng hôm sau, tôi quyết định sang thăm dò xem ông già còn muốn gặp mình không. Tôi chậm rãi đi dọc hàng du đẹp đẽ. Tới bên vườn, tôi nhìn thấy bà Mêđâu đang hái hoa. Nghe tôi chào, bà ta đứng thẳng dậy. Trong tay bà đã có cả một ôm hoa trắng. Tôi ngoảnh về phía ngôi nhà và thấy các cửa sổ đều buông rèm. Điều này làm tôi ngạc nhiên: bà Mêđâu ưa thích ánh sáng trời. “Đến lúc được chôn cất sẽ còn đủ thời gian mà nằm trong bóng tối. - Bà thường nói vậy.
- Thuyền trưởng Mêđâu có khoẻ không? - Tôi hỏi.
- Ông ấy bao giờ cũng là một anh chàng nông nổi. - Bà trả lời.
- Hôm nay, khi Lidi đem trà lên thì ông ấy đã chết rồi. - Chết rồi?
- Vâng, ông ấy chết trong giấc ngủ. Tôi đang hái hoa để cắm vào phòng ông ấy đây. Tôi mừng là ông ấy được chết trong ngôi nhà cũ. Mọi người trong gia đình Mêđâu đều cho rằng họ phải chết đúng ở nơi này. Đêm vừa rồi, rất khó thuyết phục ông già đi ngủ. Ông kể mãi những sự kiện trong cuộc đời dằng dặc của mình. Ông hết sức vui sướng được trở về ngôi nhà cũ, tự hào đã đi hết hàng cây chẳng cần sự giúp đỡ của ai và nói khoác rằng sẽ sống thêm hai mươi năm nữa. nhưng số phận đã tỏ ra từ tâm đối với ông ấy: cái chết đã đặt dấu chấm hết rất đúng lúc. Bà Mêđâu ngửi bông hoa trắng đang cầm trên tay.
- Tôi mừng là ông ấy đã trở về. - Bà nói.
- Sau khi tôi lấy ông Mêđâu, còn Gióocgiơ ra đi, chưa bao giờ tôi hoàn toàn tin chắc rằng sự lựa chọn của mình là đúng.
Somerset Maugham (Mỹ)
Ngô Tự Lập dịch