watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam-Chương 2 - 4 - tác giả Sơn Nam Sơn Nam

Sơn Nam

Chương 2 - 4

Tác giả: Sơn Nam

Cà Mau là đất có dân từ thời Mạc Cửu, qua đời Gia Long thì những giồng cao ráo ở ven sông Ông Đóc, sông Gành Hào, sông Bãi Háp và vài phụ lưu đã thành xóm. Lúc tẩu quốc, Gia Long nhờ dân ở Cà Mau giúp nhiều về tài lực, nhân lực ; vài người nổi danh, như Dương Công Trừng. Mũi Cà Mau là vùng rừng đước, rừng vẹt, còn lại là rừng tràm. Phía Nam Hải, nhiều nơi có bãi cát đen. Phần ở chót mũi Cà Mau gần như nước mặn tư niên, trừ khi mưa già. Dân sống được là nhờ nước ngọt từ Hòn Khoai chở vào bờ.
Từ xưa, Cà Mau là nơi người Hoa kiều sống rải rác với người Miên. Nhằm mùa đánh cá, ngư phủ ở Gò Công đến ven biển, cất chòi ở tạm rồi trở về xứ. Đợt Huê kiều vào lập nghiệp khiến cho Bạc Liêu, Cà Mau trở thành khá phồn thịnh là đợt cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đến. Họ đi bằng tàu buồm vào Cà Mau, khỏi ghé qua Sài Gòn. Lại còn một số người từ Sài Gòn, Chợ Lớn đến lập nghiệp.
Nghề làm ruộng muối do người Hoa kiều nắm trọn. Vào thời Gia Long, nghề dệt chiếu thành hình với kỹ thuật cao, cùng là nghề khai thác sáp ong, mật ong và sân chim. Người Pháp nhận xét lệch lạc về vùng Cà Mau, Bạc Liêu vì họ so sánh với các tỉnh miền Tiền giang. Dân địa phương đã khéo léo nhắm vào nhu cầu thị trường, làm ruộng vừa phải, dư quá nhiều cũng không ích lợi gì. Họ làm thêm rẫy khoai lang, nhứt là nghề đánh lưới và đóng đáy để thu huê lợi to hơn : tôm khô, cá khô.
Các viên tham biện đầu tiên đến Cà Mau, Bạc Liêu ghi lại khung cảnh hoang vắng thưa thớt, họ quên rằng lúc ấy hễ nghe tiếng máy tàu là ai nấy chạy trốn. Nhà cửa thường cất khuất lấp ở ngọn rạch, nơi đất cao. Vàm rạch là bãi bùn đầy cây cỏ. Chạy tàu ngoài sông cái, nơi nước sâu thì khó bề nắm được tình hình. Lại còn sự kê khai sai lạc về đất ruộng và dân số của hương chức làng. Người Huê kiều thì tỏ ra ương ngạnh, không muốn nơi mà họ đã nắm ưu thế lại bị xáo trộn.
Về mặt hành chánh, thực dân lúng túng không biết nên tổ chức thế nào cho hợp lý. Thoạt tiên sau khi chiếm ba tỉnh miền Tây, vùng mũi Cà Mau nhập vào hạt Rạch Giá với tỉnh lỵ là chợ Rạch Giá. Vùng Bạc Liêu thì nhập qua hạt Sóc Trăng.
Vào tháng 6/1871, vùng mũi Cà Mau nhập qua tỉnh Sóc Trăng, tách khỏi Rạch Giá. Nhưng 6 tháng sau, hoàn lại tỉnh Rạch Giá như cũ. Đến ngày 18/12/1882, chánh phủ mới dứt khoát lập ra một tỉnh mới : lấy một phần vùng Bạc Liêu thuộc hạt Sóc Trăng và vùng Cà Mau thuộc hạt Rạch Giá nhập lại đặt ra tỉnh Bạc Liêu. Đây là hạt thứ 21 của Nam kỳ thuộc địa.
Nên phân biệt rõ về trường hợp tỉnh Bạc Liêu, tuy gom vào chung một đơn vị hành chánh nhưng gồm hai phần đất khác nhau về địa chất và về mức khẩn hoang :
— Vùng Bạc Liêu, theo địa danh thời Tự Đức, ăn từ rạc Bạc Liêu trở về phía đông tiếp giáp qua Sóc Trăng. Mãi đến những năm 1930, người lớn tuổi trong giới bình dân còn gọi vùng này của Bạc Liêu là hạt Ba Xuyên (bài vè Nọc Nạn : Lục tỉnh có hạt Ba Xuyên, Bạc Liêu chữ đặt, bình yên dân rày). Gọi như thế vì vùng này thời Tự Đức nằm trong địa phận phủ Ba Xuyên rồi tách ra lập thành huyện Phong Thạnh do phủ trực tiếp kiếm nhiếp. Khu vực này thoạt tiên được người Pháp cho nhập vào tỉnh Sóc Trăng, gồm phần lớn là đất giồng tốt, cao ráo, nhà cửa sung túc với ruộng gò, rẫy, vườn nhãn, ruộng muối. Vùng Bạc Liêu này là đất khai thác từ xưa.
— Vùng mũi Cà Mau, tức là huyện Long Xuyên thời Tự Đức với rừng đước, rừng tràm, phần lớn là đất thấp giống như khung cảnh phía nam vùng Rạch Giá. Vùng Cà Mau này đáng nói hơn, vì là đất mới.
Điểm khó khăn cho vùng Cà Mau về mặt hành chánh là sự liên lạc với tỉnh lỵ. Tham biện Rạch Giá cho biết là phải dùng đường biển dọc theo vịnh Xiêm La. Nhập Cà Mau qua Sóc Trăng thuận lợi hơn, vì Cà Mau đến chợ Sóc Trăng tương đối gần. Nhưng đó là nhìn trên bản đồ mà suy luận thôi. Tham biện Sóc Trăng đưa ý kiến vào tháng 12/1869 rằng từ Cà Mau qua tỉnh lỵ Sóc Trăng đường liên lạc quá khó khăn vào mùa nắng : nhiều đoạn đường phải dùng trâu mà kéo ghe qua vùng lầy. Mùa mưa thì từ Cà Mau đến Sóc Trăng đi và về tốn 6 ngày, mùa nắng thì lại tốn đến 10 ngày.
Thật vậy, trên bản đồ ta thấy nhiều con rạch tuy có thật nhưng lại cong queo và quá cạn. Mùa mưa thì nước nổi nhưng không đủ sâu để ghe thuyền lui tới dễ dàng. Muốn di chuyển, từ lâu đời rồi, dân địa phương dùng xuồng nhỏ mà chống bằng sào hoặc dùng trâu để kéo cộ hay kéo ghe. Qua mỗi mùa mưa, cỏ và bụi lùm ở hai bên bờ rạch cứ mọc cao hơn trước, che khuất lối đi.
Nhiều vùng đất ở Cà Mau thuộc vào loại khó định nghĩa : có thể nói là một thứ đất lỏng bỏng hoặc là một thứ nước đặc sệt.
Hai năm sau, tham biện Rạch Giá cho biết : lúc trước vì có quyết định giải tán tỉnh Rạch Giá (Rạch Giá nhập qua tỉnh Long Xuyên) nên đành cắt vùng Cà Mau nhập qua Sóc Trăng. Nay đã duy trì tỉnh Rạch Giá thì nên cho Cà Mau trở về Rạch Giá như cũ để cho số dân Rạch Giá thêm đông đảo hơn :
Rạch Giá và Cà Mau nhập lại, được 100 làng.
Sóc Trăng và Cà Mau nhập lại, được 203 làng.
ý kiến nhập trở lại Rạch Giá được cấp trên nghe theo vì tham biện Rạch Giá là Benoist là tay có uy tín, tàn ác với dân bổn xứ. Ông ta sợ mất thuế phong ngạn (sáp và mật), mất thuế bến (đánh vào tào buồm Hải Nam) và đưa ý kiến là đường liên lạc từ Cà Mau đến Rạch Giá không xa cho lắm !
Sau rốt, tỉnh Bạc Liêu thành hình lấy tên là Bạc Liêu vì ngay chợ của tỉnh lỵ có con rạch Bạc Liêu (có giả thuyết cho rằng do Poanh Lieu mà ra, tức là nơi có đạo quân người Lào trú đóng thời xưa).
Lý do chánh để lập tỉnh Bạc Liêu do Thống đốc Nam kỳ nêu ra cho Tổng trưởng Thuộc địa Pháp là vấn đề an ninh, sự khuấy rối ngấm ngầm của Thiên Địa Hội. Giám đốc Nội vu trình bày với Hội đồng quản hạt ngày 28/8/1882 : nếu cái đầu của Thiên Địa Hội ở Chợ Lớn thì thân hình của Thiên Địa Hội ở Bạc Liêu.
Ngoài ra, dưới mắt người Pháp, Cà Mau Bạc Liêu là nơi bấy lâu chưa được ổn định đúng mức : nhiều kẻ bất lương từ bên Tàu, từ các tỉnh lân cận tụ họp lại, lập sào huyệt.
Tham biện đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu là Lamothe de Carrier báo cáo tổng quát vào năm 1882 :
— Trong hiện tại, Bạc Liêu chưa ra gì nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở nên thành phố lớn nhứt của Nam kỳ, sau Sài Gòn. Chỉ cần đào một con kinh nối liền Bạc Liêu xuống Cà Mau và cất một cây cầu nối liền hai bên bờ rạch Bạc Liêu. Cây cầu này giúp cho 6000 người qua lại mua bán mỗi ngày.
Theo báo cáo trên thì giữa Bạc Liêu và Cà Mau là đồng cỏ bao la che kín chân trời, không một bóng cây cao, cỏ mọc dày, rễ bám vào bùn. Mùa nắng, cỏ vẫn không chết. Mùa mưa nước ngập, cỏ lên cao đến một mét rưỡi. Trong đồng cỏ, ai muốn đi hướng nào thì đi, muỗi mòng vô số kể. Mùa mưa, xuồng nhỏ tha hồ di chuyển nhưng ghe to thì phải đi theo con đường con queo hơn, gọi là “đường láng”. Đường này đầy cỏ, khi di chuyển phải có người phát cỏ ngã rạp xuống, cào sang một bên rồi đẩy ghe trên khoảng đất vừa dọn trống trải ấy. Nếu gặp nơi cỏ quá rậm rạp, ghe chở nặng chỉ di chuyển một ngày có một cây số. Viên tham biện đề nghị cho đào con kinh Bạc Liêu Cà Mau rồi lấy đất đào ấy mà đắp đường lộ xe. Đồng thời, ông ta cho biết là dân số không quá ít oi nếu kiểm tra lại kỹ lưỡng hơn. Riêng về người Huê kiều ở phía Bạc Liêu trước kia khai 1900 người nay lại khai thêm 3000 người nữa cộng lại 4900 người, chưa kể một số Huê kiều làm bạn chèo ghe hoặc ẩn náu ở ruộng muối.
Cũng trong năm 1882, dân bộ trong tỉnh phỏng chừng 2500 người (có thể là 30000) tức là bằng số dân ở tỉnh Tây Ninh, cao hơn số dân Rạch Giá.
Diện tích toàn tỉnh là 810.000 mẫu tây, canh tác chừng 14.761 mẫu. Tổng số thuế dự thâu năm 1882 là 36.183 đồng, trong đó tiền thâu to nhứt là thuế thân của Huê kiều, kế đến là thuế điền 6.585 đồng, đến thuế thân của người việt 4.792 đồng.
Chợ Bạc Liêu nằm trên địa phận làng Vĩnh Hương. Vùng ngoại ô ăn qua các làng Vĩnh Hinh, An Trạch, Tân Hưng (năm 1890, nhập lại gọi là làng Vĩnh Lợi, hương chức các làng An Trạch và Tân Hưng kêu nài vì trong tên Vĩnh Lợi không có dấu vết tên làng của họ, đề nghị quan trên sửa Vĩnh Lợi ra làng Tứ Hòa, nhưng không được chấp thuận). Từ năm 1873, đất làng Vĩnh Hương đã đem ra đấu giá với giá một cắc hai xu một thước vuông. Năm 1880, khai trong bộ ở chợ Bạc Liêu là 2.757 người nhưng năm 1882 là 6000 người.
Việc thành lập tỉnh Bạc Liêu gây khó khăn cho ngân sách Nam kỳ, năm 1882, phỏng định tốn kém chừng 45.000 đồng để xây cất dinh thự, công sở, cộng thêm chừng 8.000 đồng lương bổng cho nhân viên. Thuế phỏng định chắc chắn sẽ thâu được là 35.000 đồng nhưng nếu thiếu tiền cứ dùng bàn ghế cũ từ tòa Bố Sóc Trăng gởi tặng. Và còn dự thu thêm một số tiền phạt những người nào theo Thiên Địa Hội.
Thoạt tiên, nhà lồng chợ cất bằng lá. Năm 1885, làng Vĩnh Hương xin cất chợ lợi ngói, hy vọng rằng tiền góp chợ sẽ tăng gấp đôi và xin vay trước của nhà nước 6100 đồng để xây cất, làng sẽ trả lại cho nhà nước cả vốn lẫn lời trong vòng 12 năm. Năm 1892, tham biện bắt buộc những nhà lá ở chợ phải dỡ bỏ để cất lại phố ngói có lầu.

Tiến triển của việc cai trị
Bộ máy hành chánh khá chặt chẽ vừa thiết lập làm cho người Huê kiều và người Minh Hương bực bội vì họ đã quen với quy chế tự trị tương đối rộng rãi hồi thời đàng cựu. Họ xem vùng Bạc Liêu như đất riêng của họ. Ngoài ra, còn nhiều người từ Rạch Giá đổ xuống, đa số là người lãnh bằng cấp của quân khởi nghĩa để chuẩn bị âm thầm dấy binh giữa vùng Rạch Giá và Châu Đốc, nhưng cuộc này không xảy ra được.
Năm 1885, lập được 5 trường tổng với 326 học sinh ghi tên, đa số đều vắng mặt khi bắt đầu mùa ruộng hoặc đau ốm vì bịnh rét rừng, tất cả đều là trường lợp lá, thiếu bàn ghế, nhiều trường không có sách gì cho học trò học ngoại trừ tờ Gia Định báo, tức là Công báo do làng phát cho.
Con Đường Láng tức là đường kéo ghe từ Bạc Liêu qua Cà Mau vẫn còn sử dụng vì chưa đào kinh được. Nhà nước giúp đỡ người đi ghe bằng cách cắm nọc làm dấu hai bên đường, mỗi năm hai lần, cắm vào lúc đầu mùa và lúc dứt mùa mưa. Kinh Mương Điều nối Rạch Đầm qua sông Gành Hào đào gần xong nhờ bắt dân làm xâu, chỉ còn lại 480 thước chót.
Trong mùa 1884—1885, ghe chở ra khỏi tỉnh 174.693 tạ lúa và 79.349 tạ muối. Việc khẩn đất thì đang tiến hành, dân ở miền trên đến, tha hồ khai khẩn để mong được làm điền chủ nhỏ ở vùng đất sình lầy, vô chủ. Về đất đai, năm 1885, chưa phân khoảnh để làm bằng khoán được, ngoại trừ tổng Thạnh Hưng và tổng Thạnh Hòa.
Quận Cà Mau còn nguyên vẹn, chưa đo đạc. Nhờ điều tra lại nên chủ tỉnh biết thêm về vùng Cà Mau : dân không giàu nhưng ai nấy đều đủ ăn, có chùa, có đình làng, có nhà ngói. Nhưng đi về phía mũi Cà Mau thì chạy tàu nhiều tiếng đồng hồ mà không gặp một căn chòi nào cả. Nghề đóng đáy, làm tôm khô bán cho ghe Hải Nam càng phát triển. Chiếu Cà Mau được giá, nhiều người bỏ nghề ruộng để dệt chiếu và vô rừng khai thác mật ong, sáp. Mùa mưa, đường vận tải dễ dàng, họ đốn cây mà bán lậu qua Sóc Trăng hoặc lên chợ Bạc Liêu.
Theo sự phỏng định lạc quan của chủ tỉnh Caffort thì trong vòng hai năm tới, Bạc Liêu sẽ là vùng giàu có, chỉ cần cho người từ Bắc kỳ vào canh tác với kỹ thuật cổ truyền là đủ làm cho huê lợi tăng lên gấp mười. Tỉnh Bạc Liêu phía giáp Sóc Trăng là nơi Huê kiều và người Cao Miên đông đúc, ruộng tốt, dân chúng thích nói tiếng Triều Châu. Riêng về quận Cà Mau, người Việt đông hơn, gần như là thuần túy, chỉ trừ hai làng có sốc Miên mà thôi.
Năm 1887, Lamothe de Carrier trở lại Bạc Liêu làm chủ tỉnh và nhận định rằng tình hình thay đổi khả quan so với nhiệm kỳ trước của ông ta. Việc kiểm tra cho biết ở Bạc Liêu sau người Việt thì đông đảo nhứt là người Cao Miên, kế đến người Minh Hương gốc Triều Châu. Trong 2.500 Huê kiều, người Triều Châu chiếm đến 2000. ở tổng Thạnh Hưng, nhiều gia đình chỉ nói toàn tiếng Triều Châu và các ông hương chức hội tề không biết nói tiếng Việt. Nạn Thiên Địa Hội, ăm trộm trâu, ăn trộm ghe, nhứt là buôn lậu á phiện còn đầy dẫy. Dân hút thêm á phiện nhưng nhà nước bán ra ít hơn năm trước :
— Năm 1884, nhà nước bán ra 56.000 đồng.
— Năm 1886, nhà nước bán ra dưới 40.000 đồng vì nạn á phiện lậu thuế.
Viên chủ tỉnh này lại báo động : điền chủ trong tỉnh mượn của Đông Dương ngân hàng trên 35.000 đồng để làm mùa, nhưng có lẽ họ thua cờ bạc hết rồi. Đề nghị cho dân ngoài bắc vào, cắp đất cho họ. Năm 1882, phỏng định 36.000 dân, nay được hơn 50.000. Đang làm đường nối qua Sóc Trăng, đường ở chợ Bạc Liêu đã tráng đá.
Để kiểm soát vùng đất rộng, giao thông khó khăn và dân số phức tạp, thực dân đã cố ý đưa về Bạc Liêu và Cà Mau một số công thần với tác phong kiêu binh và hách dịch. Phủ Đức, từng góp công dẹp loạn lúc trước ở Mỹ Tho đến làm mưa làm gió ở Cà Mau. Cai mã tà tên là Cang, người đã trực tiếp bắt Thủ khoa Huân ở Chợ Gạo được về Bạc Liêu làm chức phó quản mã tà. Lính tập hữu công đã từng viễn chinh ở Bắc kỳ, dẹp loạn ở Cao Miên cũng trở về Bạc Liêu làm chức quan trọng.
Một viên thông ngôn từng trấn đóng, cướp giựt, ăn hối lộ ở Hạ Lào đã về tận Bạc Liêu rồi mà chủ nợ ở Hạ Lào vẫn năn nỉ xin nhà nước can thiệp vì số nợ quá nhiều. Lại còn viên chức Pháp chuyên ăn hối lộ, làm ở sở “Tào cáo” (Thương chánh) đã từng có thành tích xấu ở tỉnh khác. Nhà nước chọn người “đáng tin cậy” để làm hương chức làng nhưng bọn này lại xài thâm công quỹ, đánh bài và hút á phiện, đến mức chủ tỉnh nổi giận đề nghị với Thống đốc Nam kỳ đày họ ra Côn đảo để làm gương.
Vụ phủ Đức ở Cà Mau là điển hình nhứt. Năm 1897, chủ tỉnh Bạc Liêu nhận định Cà Mau là quận xa xôi và nghèo nàn nên không cần đưa một phó tham biện đến cai trị, vả lại cơ sở quận lỵ thiếu tiện nghi. Phủ Đức đổi tới Cà Mau rồi gặp rắc rối với một công chức Pháp làm nhân viên Công chánh. Tên bồi của viên chức này ra chợ mua đồ, cứ theo thói quen là nửa mua nửa giựt, dân trong chợ phản đối, tên bồi đánh luôn người thầu góp chợ rồi chưởi luôn phủ Đức. Tên bồi này bị bắt, chủ tỉnh giải hắn ta lên Khám lớn Sài Gòn để rồi hắn được tha tội. Viên chức Pháp hồi nghi phủ Đức đã yêu cầu bắt giam người bồi, nên trả thù bằng cách công khai tố cáo phủ Đức là kẻ tiểu tốt vô danh, không biết nói tiếng Pháp mà đòi cai trị Cà Mau với những luật lệ theo quy chế thổ trước, tức là muốn giam ai thì cứ giam. Theo viên chức Pháp này thì chợ Cà Mau là nơi hỗn loạn, dân chúng mở sòng bạc ngay ở ngoài đường, phủ Đức thì tưởng mình nhiều oai quyền như thời đàng cựu, tha hồ ăn hối lộ, chợ phố thì chẳng lo chỉnh trang, đến mức không còn tìm đâu một quán cà—phê, một tiệm tạp hóa cho ra hồn !
Một số thơ rơi gởi đến Thống đốc Nam kỳ để tố cáo phủ Đức (đây là do viên chức Pháp xúi dục, hay dân chúng thừa cơ ra tay tranh đấu ?). Những khoản tố cáo giúp ta thấy lối cai trị thời ấy, ở nơi xa mặt trời :
— Phủ Đức cho cất nhà hầu mới (nhà hầu tức là dinh quận) rồi bắt buộc cai tổng, các ông bang Huê kiều và hương chức làng dâng lễ, gồm sáp ong, bốn tấm hoành phi (mỗi tấm đáng giá 20 đồng). Ngoài ra còn một số bạc mặt.
— Gọi người Huê kiều và hương chức làng tới nhà hầu để đánh bài với ông ta, để ông ta lấy xâu. Nếu thua thì ông ta xin luôn.
— Cho chứa cờ bạc trong xóm, me và bài tây (bài cào), xâu một ngày một đem năm đồng.
— Mỗi người dân phải chuộc công sưu nhỏ (tức là phần làm xâu cho tỉnh) là 2 ngày, theo quy định 2 ngày này là 5 cắc, nhưng phủ Đức bắt buộc dân phải đóng 1 đồng bạc, năm cắc dư bỏ túi.
— Ngày Chánh Chung (lễ 14/7 của Pháp) lại chứa cờ bạc sau nhà, ông ta lấy xâu 15 đồng một ngày, 4 ngày là 60 đồng.
— Trong vòng một năm mà phủ Đức tổ chức kỵ cơm cho ông bà cở năm sáu lần. Mỗi lần như thế, làng phải đi 4 nang sáp và 4 đồng, làng nghèo thì 2 nang (quận Cà Mau gồm 30 làng cả thảy).
— Đem về quận hai ghe hát (hát bội), bắt buộc các làng phải mướn hát bao giàn một ngày một đêm là 10 đồng, con của phủ Đức làm kép hát, đến từng nhà mà mượn tiền mỗi nhà một đồng.
— Phủ Đức lục lạo thùng thơ trước khi cho gởi, vì vậy các đơn tố cáo đều bị xem trước.
— Mỗi tháng phủ Đức chở sáp đem về xứ một lần, mỗi lần chở hai thùng đầy, thùng dài 1 thước rưỡi, cao 1 thước.
Lại còn đơn tố cáo phủ Đức có thành tích xấu hồi trấn nhậm ở Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu. Chủ tỉnh Bạc Liêu binh vực phủ Đức, cho là vu khống (phải chăng vì có ăn hối lộ của phủ Đức) nhưng chủ tỉnh cũng nhượng bộ, yêu cầu cấp trên cho một người Pháp tới thay thế vì phủ Đức đã quá 60 tuổi rồi.

Vài nét về tình hình năm 1902 trở về sau
Thiên Địa Hội được tổ chức lan tràn khắp Bạc Liêu khiến người Pháp báo động. Một số đông người Việt và Hoa kiều gia nhập, ăn thề với nhau nhưng rốt cuộc dường như Hội chỉ còn hoạt động trong phạm vi cứu tế, vài người lại lợi dụng hệ thống bí mật của Hội để buôn bán á phiện lậu thuế.
Tuy nhiên, còn nhiều cán bộ trung kiên của Thiên Địa Hội biết kiên nhẫn chờ thời để phối hợp hành động với toàn Nam kỳ vào năm 1913. ở Cà Mau vào khoảng năm 1910, ông hội đồng Trần Đắc Danh và ông Lâm Mẫn Huệ hoạt động mạnh, bị tù. Thực dân cứ xét bắt, phạt tiền kẻ vô tội mặc dầu chẳng tìm được bằng cớ nào chứng tỏ người Huê kiều ở Bạc Liêu theo đuổi mục đích chính trị chống Pháp. Thực dân cũng cố gắng kiểm soát hàng ngũ lính mã tà và hương chức làng. Những người Việt quá hăng hái thì lén trốn lên vùng Thất Sơn, gia nhập những nhóm Thiên Địa Hội mang tánh chất Việt Nam hơn, nhằm mục đích đánh đổ thực dân.
Phong trào tranh đấu đáng kể của đồng bào Bạc Liêu, Cà Mau là việc chống làm xâu. Con đường từ chợ Bạc Liêu nối xuống Cà Mau đã thành hình nhưng nhiều nơi cần phải đắp cao lên, khó khăn nhứt là trải đá. Nhà nước không giao cho nhà thầu vì quá tốn kém. Thay vào đó, bắt dân đốt đất ruộng cho chín rồi đập nát đem trải mặt đường, xài tạm thay cho đá.
Thực dân bấy lâu chỉ chú ý tu bổ con lộ ăn từ Bạc Liêu qua phía Sóc Trăng ; theo hệ thống giao thông thời ấy thì công văn, thư từ đưa từ Bạc Liêu đến Sóc Trăng, để rồi từ Sóc Trăng ra Đại Ngãi (Vàm Tấn, bờ Hậu giang) đến đây mới dùng tàu thủy đưa về Sài Gòn.
Làm xong con lộ Bạc Liêu, Cà Mau là kiểm soát thêm dân, thâu thêm thuế, lúa gạo đưa về tỉnh lỵ nhanh hơn. Và ở hai bên bờ lộ, đất hoang sẽ có người tới khẩn, nhà nước tha hồ bán đấu giá.
Lộ xe làm từng khúc, ngang tổng nào thì dân tổng ấy làm xâu, kinh đào cũng vậy. Thoạt tiên khi có lịnh thì một số đông người đi làm lấy lệ để rồi phản đối ra mặt.
Nhà nước bắt buộc mỗi người đắp lộ 14 mét bề dài, bề cao 5 tấc và mỗi người đốt đất 7 thước khối, hầm chín.
ở làng Vĩnh Mỹ, hương chức làng bắt mỗi người dân xâu đắp đến 28 thước lộ và cung cấp 7 thước khối đất.
Làng Hòa Bình và làng Vĩnh Mỹ trở thành trung tâm tranh đấu. Ngày 15/4/1902, dân làng Vĩnh Mỹ làm đơn trình bày là họ chỉ đồng ý làm trọn 2 ngày công sưu theo luật định mà thôi. Còn việc đốt hầm để trãi đường thì “chúng tôi không biết làm chi mà đốt đủ để trả cho nhà nước, nay chúng tôi đành ở tù” ; 58 người ký tên dưới lá đơn.
Hương chức làng đánh trống ở công sở gọi dân tập họp đi làm xâu, 32 người đến và ra mặt chống đối. Hương chức làng hăm he. Họ đưa yêu sách : sẵn sàng làm xâu cho nhà nước 5 ngày, nhưng việc đốt đất thì không.
Ngày 15, tại làng Hòa Bình thì không ai chịu đi cả. Viên phó tổng đánh trống thì 39 người tới công sở bảo rằng họ cương quyết không chịu làm xâu. Một số khác không thèm tựu lại công sở, hỏi thì họ trả lời rằng sợ bị trả thù, vì bọn chống đối hăm he đốt nhà rồi giết những ai đi làm. Viên phó tổng yêu cầu chủ tỉnh phạt bọn chống đối mỗi đứa 8 ngày tù và 10 đồng tiền vạ.
Ông Hội đồng quản hạt (thuộc đơn vị Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu) là Hồ Bảo Toàn trình bày với Thống đốc Nam kỳ :
— Theo luật định, mỗi người dân chỉ phải làm 2 ngày công sưu nhỏ (phần địa hạt) mà thôi. Nhiều người đã chuộc công sưu, chịu đóng 2 ngày là 5 cắc cọng vào tiền thuế thân rồi. Nay bắt họ đi làm xâu thì nhà nước phải trả lại 5 cắc ấy cho họ.
— Việc đắp lộ và hầm đất vượt quá khả năng của người dân vì tốn nhiều công để đào đất, đốt đất, đập đất cho nhỏ, chở đến lộ rồi trải ra với mớ tro đã hầm (tro than củi). Tóm lại, chủ tỉnh Bạc Liêu đã “quá sốt sắng”.
Hội đồng quản hạt can thiệp chỉ vì dân 2 làng nói trên gồm 150 người đứng đơn kêu nài gởi thẳng đến Thống đốc Nam kỳ, một việc làm táo bạo lúc bấy giờ vì họ dám trực tiếp chống viên chủ tỉnh Pháp là Chabrier. Dân đưa ra lý lẽ :
— Làm xâu chỉ có 2 ngày theo luật mà nay nhà nước lại bắt hầm đất đắp lộ, làm 2 tháng chưa chắc rồi. Hơn nữa, muốn đốt cho xong 7 thước khối đất, dân phải xuất tiền túi ra mà mua củi.
— Năm ngoái (1901), nhà nước đã bắt làm xâu mỗi người 2 tháng (mà theo luật định thì chỉ có 2 ngày) để đào kinh Bạc Liêu, Cà Mau mà chẳng thấy nhà nước trả thêm đồng bạc nào.
— Làng Hòa Bình là nơi thiếu củi để hầm đất, hầm xong phải chở 10 cây số mới tới lộ xe.
— Cai tổng và hương chức làng đòi hối lộ, ai lo lót 15 đồng thì khỏi làm xâu, người nghèo phải đi làm vì không tiền lo.
Ngày 18/4/1902, dân trong 3 làng kéo nhau đến trước cửa tòa Bố. Họ bị viên phó tổng và bọn lính mã tà đàn áp, đánh đuổi.
Dân làng gởi liên tiếp 3 lá đơn đến Thống đốc Nam kỳ để tố cáo : “Vả chăng quan Chánh bố là quan trong địa hạt mà hiệp với tổng mà khắc khổ dân tình lắm”, dưới đơn có 83 người ký. Rốt cuộc, chủ tỉnh là Chabrier bị Thống đốc rầy rà vì việc làm xâu đã vượt mức luật định và xa thực tế, từ rày về sau “phải tránh những việc tương tự”.
Việc đắp đường cứ tiếp tục. Chủ tỉnh nhượng bộ, hạ mức 7 thước khối đất hầm còn 2 thước khối và khoe khoang rằng mỗi ngày đã huy động từ 10.000 đến 12.000 dân xâu đắp lộ ; theo ông ta thì việc làm xâu quá luật định cũng đã từng xảy ra ở tỉnh Sóc Trăng. Và ở Bạc Liêu chỉ có hai làng là phàn nàn mà thôi.
Chưa xong việc đắp lộ, nhà nước lại thúc đẩy việc đào kinh Bạc Liêu, Cà Mau : dân làm xâu được nhà nước phát cho rượu đế, vì là “thức uống hợp vệ sinh”.
Việc làm xâu đã từng là tai nạn lớn cho dân ở Cà Mau từ khi người Pháp mới đến : năm 1877, phủ Hòa bắt dân 3 tổng ở Cà Mau (Long Thủy, Quảng Long, Quảng Xuyên) đào kinh Bạch Ngưu nối qua phía nam Rạch Giá, đánh đập dân ; năm 1881, tự ý cho dân mướn thủy lợi trong kinh này nhân dịp bắt dân xâu lần thứ nhì.
Năm 1895, mùa màng thất bát quá mức tưởng tượng : Bạc Liêu và Sóc Trăng chỉ còn 1/10 hoa màu, mưa quá nhiều rồi gặp đại hạn. Vì mức thâu hoạch chỉ còn 1/10 nên Hội đồng quản hạt đề nghị với Thống đốc Nam kỳ miễn thuế điền ở Bạc Liêu năm 1896 cho 46.000 mẫu ruộng, huê lợi sút kém chỉ còn đủ nuôi sống dân trong tỉnh là 46.498 người. Trong số này, có 11.484 dân bộ được bớt thuế thân để tiếp tục làm xâu đào kinh Bạc Liêu, Cà Mau. Năm ấy đào được 46 cây số (con kinh dự định đào dài 72 cây số). Cuối năm 1895, cai tổng Thạnh Hưng báo động, làm đơn xin miễn thuế với Thống đốc Nam kỳ : “Bây giờ dân không biết đi đâu hết vì nội tổng tôi không có lúa, nó đi kiếm ăn đỡ đói”.
Đất ruộng nói chung thì tập trung về phía Đông giáp qua Sóc Trăng, nơi đã có người làm chủ từ lâu. Dân mới đến lập nghiệp chỉ còn vùng đất gần biển hoặc đất quá thấp phía mũi Cà Mau. Năm 1902, vài người khẩn đất lại phá sản, trả lại cho nhà nước vì đất không huê lợi, không sao đóng thuế được. Người nọ khẩn 160 mẫu ở Tân Hưng, thiếu thuế rồi bị bỏ tù, hương chức làng dán yết thị, rao bán đất ấy để bù tiền thuế nhưng chẳng ai thèm mua.
Làng Tân Thuận phía Cà Mau khai với quan trên : “đất đồng không có, làm đất ráng (tức là sình lầy có ráng mọc) theo mé sông, nước mặn tràn vô làm hư lúa, nước không tràn khi nào mưa muộn”. ở Tân Duyệt, trừ số đất cao ráo có người khẩn từ xưa thì “dân nó làm ruộng đất rẫy là đất dừa nước, chà là và ráng ở gần biển”, đa số đất ở gần biển vùng mũi Cà Mau đều là “nê địa ủng tắt”. Theo giá trị thường, một mẫu đất tốt ở Mỹ Tho, Gò Công trị giá từ 200 đồng đến 300 đồng trong khi đất gọi là đốt ở vùng Cà Mau trị giá không hơn 100 đồng.
Nhờ quy chế mỗi người được khẩn 10 mẫu (gọi là đất công nghiệp) nên dân tứ xứ luôn cả những người đã thất bại ở Rạch Giá trong đợt khai thác đầu tiên đều rủ nhau đến Cà Mau. Nói chung thì đất hoang ở tỉnh Bạc Liêu quá thấp, có chân nước mặn, ba bốn năm đầu khó thâu huê lợi.
Mức trưởng thành của Bạc Liêu, Cà Mau khi chuyển mình góp phần lớn vào vựa lúa miền Nam, có thể đánh dấu vào khoảng 1914, khi nhà nước cho nghiên cứu đào kinh Quan Lộ, nối liền Phụng Hiệp xuống Cà Mau (gọi Quan Lộ vì kinh này khởi đầu từ rạch Quan Lộ). Nhờ đó mà trong tương lai gần, lúa gạo vùng Bạc Liêu, Cà Mau được chở về Sài Gòn theo đường thủy, ngang qua Rạch Giá, Cần Thơ rồi Trà Ôn, Vĩnh Long (Mân Thít)...
Năm 1927, người Pháp chỉ làm chủ ở Bạc Liêu chừng 30.000 mẫu. Bạc Liêu tiến sau các tỉnh khác, nhưng theo tốc độ nhanh.
Năm 1893, bán ra 316.000 tạ gạo.
Năm 1921, bán ra 2.733.330 tạ.
Năm 1927, diện tích canh tác lúa gạo của Bạc Liêu đứng hạng nhì ở Nam kỳ, chỉ sau Rạch Giá. Nhưng Bạc Liêu còn thêm nguồn lợi than đước, ruộng muối, nhứt là rừng tràm và hải sản. Đến năm 1927, đất ruộng đã chiếm 34 % diện tích của toàn tỉnh Bạc Liêu và chiếm 49 % diện tích của toàn tỉnh Rạch Giá.
Trong thực tế, với trình độ kỹ thuật và cơ cấu xã hội kinh tế thời ấy, khó mà khai thác nhiều hơn.
ở Bạc Liêu vào năm 1927, nhiều làng rộng 20.000 mẫu tây, to hơn một tỉnh bực trung ở Nam kỳ. Đứng đầu là làng Khánh An rộng đến 140.000 mẫu tây. Tuy nhiên, ta không nên có ảo tưởng là dễ tạo nên ruộng lúa phì nhiêu : đây là rừng tràm nê địa, dân khẩn hoang đến ở tuy gan lì nhưng rốt cuộc phải ra đi vì chỉ thâu được huê lợi duy nhất là đốn củi lậu thuế, bán từng xuồng nhỏ mà đổi gạo ăn ngày qua ngày. Một vài giồng đất cao thì đã có chủ từ thời Gia Long tẩu quốc rồi.
Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam
Nhận xét tổng quát
Chương 1 - 1
Chương 1 - 2
Chương 1 - 3
Chương 1 - 4
Chương 2 - 1
Chương 2 - 2
Chương 2 - 3
Chương 2 - 4
Chương 2 - 5
Chương 2 - 6
Phụ Lục