MỘT TRÁI TIM TAN NÁT
Tác giả: Stefan Zweig
Muốn giáng cho trái tim một đòn chí tử không phương cứu chữa, định mệnh chẳng cứ phải tốn công dùng đến một sức mạnh tàn bạo và đột ngột; dường như cái ý chí tạo hóa bất kham của nó lại cảm thấy thích thú đặc biệt khi tàn phá trái tim người với những duyên cớ không đâu. Trong ngôn ngữ mờ tối của loài người, ta gọi sự chạm trán đầu tiên không có gì là quan trọng với số mệnh ấy là nguyên nhân ngẫu nhiên, và ngạc nhiên so sánh cái biểu hiện bề ngoài không mấy quan trọng của nó với những hậu quả thường là khủng khiếp do nó gây nên.
Cũng như một căn bệnh không phải khởi đầu vào lúc chẩn đoán bệnh, số phận một con người cũng không khởi đầu vào lúc nhận ra nó hoặc vào lúc nó thành sự việc hiển nhiên. Bao giờ cũng vậy, định mệnh tác động ngấm ngầm bên trong, trong tâm trí và trong huyết quản người ta từ rất lâu trước khi nó biểu hiện ra ngoài. Tự biết được mình đã là tự vệ được, nhưng thông thường chỉ là vô ích.
*
* *
Ông lão có tên là Salômônsôn. Ở địa phương ông, ông có thể hãnh diện với danh vị ngài “ Ủy viên hội đồng cơ mật “. Nhân dịp lễ Phục sinh, ông cùng gia đình đến nghỉ tại khách sạn vùng Gácđô này. Đang đêm ông tỉnh giấc vì một cơn đau dữ dội đột ngột. Toàn thân ông như bị những mảnh ván thùng ép chặt và hơi thở phải khó nhọc lắm mới thoát khỏi lồng ngực bị nén căng. Ông lão hốt hoảng vì lâu nay ông hay bị những cơn đau vùng mật. Mặc dầu thầy thuốc khuyên ông nên chữa bệnh ở Cacbát, ông đã chiều ý gia đình đến nghỉ ở phía Nam. Đã tưởng lại là cơn đau của cái bệnh quái ác ấy, ông lão lo lắng sờ nắn tấm thân phì nộn của mình. Tuy cơn đau vẫn còn, nhưng ông cảm thấy nhẹ hẳn đi khi biết rằng ông chỉ bị đầy hơi, có lẽ do món ăn Ý chưa hợp khẩu vị, hoặc do bị một thứ nhiễm độc nhẹ như nhiều du khách ở vùng này thường mắc phải.
Ông lấy lại hơi và bàn tay run rẩy của ông duỗi ra, nhưng cơn đau vẫn kéo dài làm ông khó thở. Lúc này, vừa rên rỉ ông vừa nặng nề cất mình rời khỏi giường để vận động một chút. Quả nhiên, khi ông đứng dậy và nhất là khi ông cất bước, cơn đau có bớt. Nhưng căn buồng lúc này hoàn toàn chìm trong bóng tối và chỉ có một khoảng trống rất hẹp. Hơn nữa, ông cũng ngại làm thức giấc bà vợ đang ngủ trên chiếc giường kê sóng đôi ngay bên cạnh, và làm bà lo lắng vô ích. Nghĩ vậy ông liền khoác chiếc măng tô mặc đêm, xỏ chân không vào đôi giày cao su và dò dẫm thận trọng, ông ra ngoài hành lang đi lững thững chút ít cho dịu cơn đau.
Lúc ông đẩy cửa ra ngoài hành lang tối om, tiếng chuông đồng hồ trên tháp, vọng qua các khung cửa sổ rộng mở vừa điểm bốn tiếng, tiếng chuông lúc đầu vang mạnh, rồi ngân nga tỏa trên mặt hồ và yếu dần : đã bốn giờ sáng.
Hành lang dài tối đen như mực. Nhờ ký ức lúc ban ngày, ông nhớ rất rõ là nó thẳng tắp và khá rộng. Cho nên không cần ánh đèn, ông cứ đi từ đầu nọ đến đầu kia, vừa đi vừa thở mạnh. Làm vậy nhiều lần, ông thích thú nhận thấy cái cảm giác đè nặng trên ngực ông dần dần nhẹ đi.
Ông đã sắp trở về phòng, cơn đau gần như khỏi hẳn nhờ sự vận động thoải mái, thì một tiếng động làm ông đứng sững lại, sợ hãi. Một tiếng động ? Đúng hơn là tiếng rì rầm ở gần đâu đây, trong bóng tối. Ông không thể nhầm lẫn được, dẫu rằng tiếng rì rầm rất nhỏ. Có tiếng lắc rắc trong một khung cửa, có cái gì thầm thì, động đậy và chỉ trong một giây vệt ánh sáng lọt qua khe cửa hé mở xuyên vào bóng tối dầy đặc. Cái gì vậy ? Bất giác ông lão đứng thu mình vào một góc không phải vì tò mò, mà chỉ vì cảm thấy xấu hổ nếu bất chợt người ta bắt gặp ông đi lang thang trong đêm tối, kỳ cục như thế này (cảm giác xấu hổ đó cũng dễ hiểu thôi).
Tuy nhiên, chỉ trong khoảng một giây đồng hồ, lúc tia sáng lướt qua hành lang, hầu như vô tình ông tưởng như nhìn thấy từ căn phòng có ánh đèn, một bóng phụ nữ mặc đồ trắng luồn ra, vẻ rất dè dặt và biến mất ở đầu kia lối đi. Quả thực, ở phía đó, một trong mấy cánh cửa cuối hành lang có tiếng then cửa gài rất nhẹ. Thoáng sau, tất cả lại chìm sâu trong bóng tối và yên lặng.
Đột nhiên, ông lão loạng choạng như bị đâm một nhát dao vào tim. Đằng ấy, ở đầu hành lang, chỗ then cửa vừa gài mà ông phát giác được, ở đấy... ở đấy, chỉ có mấy căn buồng của gia đình ông, căn nhà ba gian do ông và vợ con ông thuê để nghỉ. Vợ ông ư ? Ông vừa rời khỏi phòng vài phút trước đây lúc bà đang ngủ say, vậy không thể nhầm lẫn được. Thế thì cái bóng phụ nữ vừa dấn thân vào cuộc phiêu lưu như vậy, cái bóng phụ nữ vừa rời khỏi căn buồng người lạ không thể là ai khác ngoài Ecna, con gái ông vừa tròn mười chín tuổi.
Nỗi kinh hoàng làm ông lão lạnh buốt cả người và toàn thân ông run lên, Ecna, đứa con gái của ông trong trắng và sôi nổi... Không, không thể được, chắc ông nhầm. Vậy thì nó làm cái trò gì ở đó, trong căn buồng của người lạ,
nếu không là... Ông cố xua đuổi chính cái ý nghĩ của bản thân mình như xua đuổi con thú dữ, nhưng hình ảnh ma quái ám ảnh của chiếc bóng chạy trốn nó cứ bám chằng chằng lấy hai bên thái dương ông. Ông không làm sao rũ được nó đi, không làm sao thoát khỏi nó. Ông cần biết chắc thực hư ra sao.
Ông vừa thở vừa lần theo hành lang đến trước cửa phòng cô con gái, ngay sát phòng ông. Và thật là khủng khiếp, đúng chỗ này, đúng tại cánh cửa trong hành lang này, cánh cửa độc nhất này, một tia sáng nhỏ run rẩy lọt qua khe và qua lỗ khóa nổi rõ một điểm trắng đáng ngờ vực : Bốn giờ sáng mà trong phòng con gái ông còn sáng đèn, và lại thêm một chứng cớ nữa, vừa vặn bên trong phòng tiếng công tắc đèn kêu và lập tức tia sáng trắng tắt lịm trong đêm tối. Không, không tự gây ảo tưởng cho mình làm chi cho hoài công. Đúng là Ecna, con gái ông, vừa rời khỏi giường người lạ giữa ban đêm để trở về giường mình.
Ông già run bắn lên, phần vì kinh hoàng, phần vì nhiễm lạnh, trong lúc đó mồ hôi toát ra đầm đìa khắp người ông. Ý định đầu tiên của ông toan đẩy cửa xông vào dần cho con bé nhơ nhuốc đó một trận nhừ tử. Nhưng hai chân ông loạng choạng dưới tấm thân đẫy đà. Khó khăn lắm ông mới lần về đến cửa buồng mình và lê vào giường. Ông vật mình trên gối, hoàn toàn mê man, y như một con vật vừa bị hạ sát.
*
* *
Ông lão nằm dài bất động trên giường, mắt nhìn chằm chằm vào bóng tối. Bên cạnh, ông vẫn nghe thấy nhịp thở vô tư lự và thỏa thuê của bà vợ. Ý định đầu tiên của ông là dựng bà dậy, báo cho bà biết câu chuyện khủng khiếp ông vừa khám phá ra, vừa hét lên cho thỏa cơn giận đang tràn ngập lòng ông. Có điều, làm sao có thể lớn tiếng nói lên bằng lời được cái điều ghê sợ đó ? Không, không bao giờ những tiếng đó có thể thốt khỏi miệng ông. Vậy phải làm gì ? Phải làm gì ?
Ông cố ngẫm nghĩ, nhưng ý nghĩ của ông cứ luẩn quẩn, chấp chới, loạng quạng như những con dơi. Thật là quái đản : Ecna, đứa con gái thơ dại của ông, được giáo dục chu đáo là thế, có cặp mắt dịu dàng là thế... Mới ngày nào, mỗi lần về đến nhà, ông còn thấy nó mải mê đọc quyển sách giáo khoa, ngón tay nhỏ hồng khó nhọc lần theo những chữ đậm nét. Mới ngày nào cứ tan học là ông dắt nó đến cửa hàng bánh ngọt, nó mặc chiếc áo dài xanh nhạt và môi còn dính đầy đường, nó thơm ông cái thơm thơ trẻ. Phải chăng những điều đó mới xảy ra ngày hôm qua ? Không, cách đây đã nhiều năm. Nhưng mới ngày hôm qua đây thôi, đúng là ngày hôm qua, với giọng nhỏ nhẹ, thơ ngây, nó đã vòi ông mua cho nó cái áo len xanh xanh vàng vàng trong tủ kính, mặt hàng màu sắc rực rỡ nổi bật biết bao. “ Ba thân yêu, con xin ba, con xin ba ! “ vừa nói nó vừa chắp hai bàn tay, nó cười, tiếng cười vui tươi tự tin mà chưa bao giờ ông cưỡng nổi. Thế mà bây giờ, bây giờ, chỉ cách phòng cha mẹ có một gang tay, đang đêm nó luồn vào giường của một người đàn ông lạ, cuồng nhiệt, lõa lồ... Trời hỡi trời ! Ông lão bất giác thở dài. Nhục nhã làm sao ! Nhục nhã làm sao ! Con tôi, đứa con gái dịu dàng của tôi, đứa con gái được cưng chiều rất mực lại đi lằng nhằng với trai... Với đứa nào ? Nhưng với đứa nào cơ chứ ? Mình mới đến Gácđôn có ba ngày và trước đây nó có hề quen biết đứa nào trong số những tên hợm hĩnh ăn mặc bảnh bao ấy đâu : Không phải lão bá tước Ubanđi mặt choắt, không phải gã sĩ quan người Ý, mà cũng không phải cái anh chàng phong lưu mã thượng người Mêcklembua nữa. Chỉ sang ngày thứ hai, chúng nó mới làm quen nhau trong lúc khiêu vũ, vậy mà con bé đã chơi với một đứa trong bọn chúng... Không... có thể đây không là lần đầu tiên. Chuyện này hẳn đã phải xảy ra từ lâu rồi, thế mà ta không biết gì hết, ta không nghi ngờ gì hết, ta khờ quá, phải, khờ ơi là khờ ! Nhưng nói cho đúng ra, ta đã hiểu gì về vợ con ta ?
Suốt ngày ta còng lưng làm việc cho vợ cho con, ta ngồi mười bốn giờ liền trong phòng giấy, thời gian cũng lâu như hồi xưa ta đi lang thang với chiếc vali hàng mẫu trong tay. Ta chỉ nghĩ đến chuyện kiếm tiền cho vợ con... nhiều tiền, thật nhiều tiền... để vợ con được giàu sang, có được những chiếc áo dài đẹp, và rồi đến chiều khi ta về đến nhà nhọc mệt rã rời thì vợ con đã biến cả : nào xem hát, nào đi nhảy hoặc đàn đúm ở những chốn thượng lưu. Vậy thử hỏi ta biết gì về vợ con ta ? Biết gì về những việc chúng đã làm trong suốt cả ngày. Thế là đến bây giờ ta chỉ biết mỗi một điều đó là con gái ta, với tấm thân trong trắng nõn nà, đi tìm đàn ông trong đêm tối như một con điếm ngoài đường. Ôi, nhục nhã thay !
Ông lão thở dài không ngớt. Mỗi ý nghĩ mới đến lại khoét sâu thêm vết thương lòng. Ông tưởng như đầu mình vỡ toang ra, đẫm máu và có những con sâu đỏ lòm đang gậm nhấm bên trong.
Nhưng tại sao ta phải dằn lòng chịu đựng ? Tại sao ta có thể nằm im mà lại tự hành hạ mình trong khi con gái ta nó ngủ thoải mái với tấm thân nhơ nhuốc ? Tại sao ta không nhảy bổ ngay vào buồng nó để cho nó hay rằng ta biết hết việc làm nhục nhã của nó ? Tại sao ta không dần xương nó ra ? Chỉ vì ta yếu, chỉ tại ta hèn... Lâu nay bao giờ ta cũng tỏ ra hèn yếu đối với vợ con. Bao giờ cũng nhượng bộ đủ mọi thứ. Ta đã hãnh diện biết bao vì đã làm cho vợ con được sống nhàn nhã trong khi cuộc sống của ta tàn tạ... Bằng chứng những móng tay của mình, ta thu vén nhặt nhạnh từng đồng xu, ta sẵn sàng chịu đựng cho thịt bàn tay bị rứt ra từng miếng, chỉ cốt để vợ con được hài lòng. Thế mà vừa gây dựng cho chúng giàu có, chúng đã cảm thấy xấu hổ vì ta... Với chúng, ta là người thiếu hào hoa phong nhã... lại thiếu cả học thức... Thử hỏi ta đào đâu ra học thức ? Mới mười hai tuổi đầu, ta đã phải thôi học, phải đi kiếm sống, lúc nào cũng bận kiếm lời, chỉ có việc kiếm lời.
Xách va-li hàng mẫu đi chào từ làng này sang làng khác, rồi từ tỉnh này sang tỉnh nọ, với tư cách là anh đại diện nhà buôn, trước khi gây dựng mở được cửa hàng buôn bán riêng của mình. Thế mà vừa mới leo lên được cao trên bậc thang xã hội, là vợ con đã khó chịu về cái tên ngày xưa lương thiện của ta, tên của một con người chân thực. Ta đã phải mua các danh vị : “ Ủy viên hội đồng, ủy viên cơ vụ “ để thiên hạ không gọi trần trụi là “ bà Salômônsôn “ nữa, để vợ con ta có thể đi lại chơi bời với những kẻ quyền quý ! Vợ con ta đã cười nhạo ta khi ta bảo chúng phải coi chừng bộ mặt giả tạo của bọn đó, coi chừng cái xã hội “ cao nhã “ mà chúng vẫn thường lui tới, khi ta kể cho chúng nghe về mẹ ta (xin Thượng đế phù hộ cho linh hồn bà !) đã sống cuộc đời một người nội trợ lặng lẽ và khiêm nhường, chỉ lo lắng cho chồng, cho con như thế nào... Họ coi ta là lỗi thời. “ Ba lạc hậu rồi, ba yêu quý ạ “. Lúc nào nó cũng nhạo bố nó như vậy. Ừ thì lạc hậu, đã là sao ! Và bây giờ, con gái tôi, đứa con độc nhất của tôi nó đi lang chạ với gã đàn ông lạ, trong chiếc giường lạ ! Ôi, nhục ơi là nhục, nhục ơi là nhục !
Nỗi đau đớn làm ông lão thở dài mạnh đến nỗi bà vợ thức giấc. “ Cái gì thế ? “ Bà ta hỏi, giọng còn ngái ngủ.
Ông lão không động đậy và nín hơi, cứ nằm bất động như vậy cho đến sáng, trong chiếc quan tài tăm tối của nỗi khổ tâm của mình, để cho những ý nghĩ của mình cứ như những con sâu nó đục khoét.
*
* *
Sáng hôm sau, ông là người đầu tiên xuống bàn ăn điểm tâm. Ông thở dài ngồi xuống. Nhìn các món ăn, ông kinh tởm.
- Lại một mình, ông nghĩ bụng, lúc nào cũng một mình. Buổi sáng khi ta đến bàn giấy, chúng còn ngủ thỏa thuê, uể oải sau những cuộc vui tại các rạp nhảy, rạp hát. Buổi chiều, lúc ta đi làm về, vợ con đã đi cả, chạy theo các thú vui, các cuộc thù tiếp : ở đó, chúng không cần đến ta. Ôi, đồng tiền, đồng tiền khốn kiếp đã làm vợ con ta hư hỏng. Chính đồng tiền đã làm ta mất vợ con. Thật là điên rồ, chính ta đã tích cóp tiền nong một cách ti tiện, và gậy ông lại đập lưng ông, kết quả là ta chỉ làm cho ta thêm khốn khổ và vợ con ta thêm xấu xa. Suốt năm mươi năm, ngu xuẩn, ta đã làm việc đến kiệt lực, bản thân ta không có lấy một ngày nghỉ ngơi và bây giờ...
Càng nghĩ ông càng bực bội thêm.
- Tại sao lúc này con bé vẫn chưa xuống ? Ta muốn nói chuyện với nó. Ta phải báo cho nó biết... Gia đình ta phải rời khỏi nơi đây ngay lập tức. Tại sao nó chưa xuống ? Có thể nó hãy còn mệt mỏi. Nó thì đánh một giấc ngon lành, lương tâm yên ổn, còn ta, ta rồ dại, ta vò xé trái tim ta. Mẹ nó thì phải mất hàng giờ để trang điểm : bà ấy phải tắm, phải sửa soạn, phải đánh móng tay, và phải uốn tóc, bà ấy không thể xuống đây trước mười một giờ được. Như vậy thì có gì đáng ngạc nhiên ? Hoàn cảnh sống như thế thì đứa con gái sẽ ra sao ? Ôi đồng tiền, đồng tiền khốn kiếp !
Sau lưng ông bỗng có tiếng chân bước nhè nhẹ làm sàn nhà kêu cót két.
- Chào ba thân yêu, ba ngủ có ngon không ?
Có cái gì nhẹ nhàng cúi xuống bên ông và một chiếc hôn lướt nhẹ trên vầng trán nặng trịch của ông lão. Bất giác ông né đầu, mùi nước hoa nặng nề và lờ lợ làm ông tởm lợm. Và rồi...
- Ba thân yêu, ba làm sao vậy ? Ba lại bực bội cáu kỉnh rồi. Hầu bàn đâu, mang cà phê, dăm bông và trứng ra đây ! Ba lại mất ngủ hay có chuyện gì không vui ?
Ông lão cố nén lòng. Ông cúi đầu xuống, lặng thinh không còn đủ sức để nhìn con. Ông chỉ nhìn thấy bàn tay con gái trên bàn, đôi bàn tay thân yêu. Những ngón tay uể oải và trau chuốt đang đùa nghịch trên chiếc thảm trải bàn trắng tinh giống như những con chó bé tí xíu xinh xắn được nuông chiều. Ông run lên. Mắt ông rụt rè lướt nhìn hai cánh tay trắng nõn mềm mại, cánh tay trẻ thơ mà ngày xưa đã bao lần ôm lấy ông khi đến giờ đi ngủ. Ông nhìn làn cong mềm mại của bộ ngực phập phồng theo nhịp thở dưới chiếc áo nịt len mới bó sát vào người. “ Thân hình lõa lồ, nó đã lăn lộn với một người đàn ông xa lạ “, ông phẫn uất nghĩ thầm : “ thằng đàn ông đã vồ lấy nó, đã sờ mó, mơn trớn, đã thưởng thức toàn bộ tấm thân nõn nà đó, vui thú với tấm thân đó. Máu thịt tôi ! Con tôi ! Cái tên vô lại nào ! Ôi ! Ôi ! “.
- Có điều gì vậy ba, ba thân yêu. Vừa nói cô gái vừa chạy vội lại với ông, vẻ trìu mến.
- Có điều gì ư ? - Ông cảm thấy mình đang rủa thầm – ta có đứa con gái đĩ thỏa, vậy mà không dám nói thẳng vào mặt nó như thế !
Ông đành lắp bắp : “ Không có, không có gì cả “. Và ông vội cầm lấy tờ báo, mở rộng ra để che chắn cái nhìn dò hỏi của con gái, mỗi lúc ông càng thấy không thể nhìn thẳng vào mắt con ông được nữa, tay ông run rẩy.
- Lúc này chính là lúc ta phải bảo cho nó biết, trong lúc chỉ có hai cha con – ông đau đớn nghĩ như vậy – nhưng ông vẫn không thể thốt nên lời và cũng không có đủ sức nhìn thẳng vào mặt con.
Bỗng nhiên, ông đột ngột đẩy chiếc ghế ra phía sau và bước đi nặng nhọc, bỏ ra vườn, vì ông cảm thấy một giọt nước mắt lớn tự dưng lăn trên má. Ông không thể để con gái nhìn thấy ông khóc.
Ông lão đi vơ vẩn trong vườn với đôi chân ngắn ngủi, mắt đăm đăm nhìn mặt hồ. Cố cầm nước mắt mà không được, mắt nhòe lệ gần như không nhìn thấy gì; tuy vậy ông vẫn không thể không nhận thấy phong cảnh ở đây đẹp biết bao : phía sau làn ánh sáng trắng bạc mỏng manh, những quả đồi ánh lên màu sắc êm dịu, dập dờn như những lượn sóng xanh lục điểm những đường gạch bóng của những ngọn cây trắc bách diệp mảnh dẻ. Xa xa là dãy núi sừng sững đứng chiêm ngưỡng, nghiêm trang nhưng không ngạo nghễ, cái vẻ mặt đáng yêu của mặt hồ, chẳng khác gì những người lớn tuổi đứng nhìn trò chơi phù phiếm của lũ trẻ thân yêu. Cảnh tượng đó trải rộng ra trước mắt ông mới êm đềm, chân thực, sinh động và thân thiết làm sao ! Nụ cười vĩnh cửu, siêu nhiên mà Thượng đế ân thưởng cho dải đất phương Nam này như lời mời gọi con người sống tốt đẹp và hạnh phúc ! “ Hạnh phúc “ : Ông già bối rối, lắc lắc cái đầu đã trở nên quá nặng.
- Ở đây người ta có thể sống hạnh phúc. Chính ta, ta cũng muốn một lần có cuộc sống hạnh phúc đó; ta muốn được một lần chính mình cảm thấy thế nào là vẻ đẹp của thiên nhiên, khi trong lòng không bợn chút lo âu. Sau năm mươi năm lăn lộn với sổ sách, với tính toán, với cái trò cò kè bớt một thêm hai, buôn bán bần tiện, ta muốn một lần được thưởng thức vài ngày tươi sáng. Một lần, một lần, chỉ cần một lần thôi, trước khi ta nhắm mắt. Vào tuổi ta, tuổi 65, lạy Chúa, thần chết đã đặt một bàn tay lên gáy, tiền bạc cũng như thuốc men chẳng còn giúp ích được gì cho ta nữa.
Xưa ta cũng muốn thở hít thoải mái đôi chút, muốn hưởng thụ chút ít, dù chỉ một lần thôi... Nhưng người cha đáng thương của ta đã chẳng bảo rằng : “ Những thú vui ở đời không phải dành cho chúng ta, chúng ta sẽ mang gánh nặng còng lưng cho đến lúc xuống mồ... “ Ngày hôm qua ta đã là một con người sung sướng - cứ cho là như vậy đi - ta đã hoan hỉ về sắc đẹp trong trắng của con ta, ta hoan hỉ trước niềm vui của nó... Thế rồi Thượng đế đã trừng phạt ta, đã tước đoạt của ta tất cả... Bởi vì bây giờ, thế là hết, vĩnh viễn hết. Ta không thể nói gì với đứa con ruột thịt của ta được nữa... Không thể nhìn thẳng vào cặp mắt nó, ôi, ta hổ thẹn biết bao ! Dẫu ở nhà, ở phòng giấy hay ban đêm nằm trên giường, ta phải luôn luôn tự hỏi : “ Lúc này nó ở đâu ? Nó đã làm gì ? “ Chẳng còn bao giờ ta có thể yên tâm trở về nhà trông thấy con ta ngồi đấy, thấy nó nhảy vội lại với ta, và thấy lòng ta hớn hở trước vẻ trẻ trung và xinh đẹp của nó... Khi nó ôm hôn ta, ta sẽ tự hỏi hôm qua đứa nào đã hôn lên đôi môi của nó... Ta sẽ sống trong nỗi lo âu khắc khoải khi nó xa ta và ta sẽ luôn luôn xấu hổ khi nhìn thấy cặp mắt của nó. Không, không thể sống như thế này được, không thể sống như thế này được.
Ông lão bước lảo đảo, miệng lẩm bẩm như người say. Ông cứ nhìn cảnh hồ không dứt và nước mắt không ngừng tuôn chảy ướt cả chòm râu. Ông buộc phải tháo kính kẹp mũi ra, và với cặp mắt cận thị nhòa lệ, ông đứng ngay trên dải đường hẹp, coi bộ lúng túng đến nỗi một người thợ làm vườn chợt đi qua phải dừng lại, ngạc nhiên, phá lên cười rất to, buông vài câu tiếng Ý chế giễu ông lão đang bối rối. Điều đó làm ông sực tỉnh, thoát khỏi cơn choáng vì đau lòng. Ông lão đeo lại kính kẹp mũi, lảng ra chỗ khác, đến bất cứ chỗ nào, trên một chiếc ghế nào đó, tránh khỏi tầm mắt mọi người.
Nhưng vừa đến gần một góc cuối vườn, thì phía bên trái ông có tiếng cười khiến ông hốt hoảng : Tiếng cười này đối với ông quá thân quen mà bây giờ đang làm ông tan lòng nát ruột. Tiếng cười nhẹ nhàng, tràn đầy niềm vui của con gái ông, tiếng cười ấy suốt mười chín năm qua đã là tiếng nhạc của đời ông. Chỉ vì tiếng cười ấy mà bao đêm ròng rã ông đã phải ngồi tàu hỏa toa hạng ba, tới tận Hunggari, Ba Lan để kiếm tiền về cho vợ con. Chính thứ đất mùn mạ vàng ấy đã làm nở ra tiếng cười nhí nhảnh vô tư này. Chỉ vì tiếng cười đó mà ông đã sống, đã tự đầy ải mình trong công việc nặng nhọc, trong những lo toan, để rồi bị đau mật, chỉ cốt để tiếng cười đó luôn luôn vang lên ròn rã từ cái miệng thân yêu nóng bỏng đang cứa nát ruột gan ông.
Tuy vậy, dẫu không muốn, ông vẫn cứ quay lại nhìn con gái ông đang chơi quần vợt, cánh tay để trần vung cây vợt, quăng vút lên không bằng một cử động mềm mại để nô giỡn, rồi lại giơ tay bắt lấy. Trong lúc cây vợt quay lượn trên không tiếng cười ròn rã cũng bay vút lên nền trời xanh thẳm. Cả ba gã đàn ông ngắm cô gái với vẻ thán phục : Bá tước Ubanđi mặc áo quần vợt màu hoa cà, tay sĩ quan trong bộ đồng phục bó sát lấy sườn, gã du khách thượng lưu mặc quần cưỡi ngựa loại hảo hảng. Cả ba khuôn mặt đàn ông, với đường nét nhìn nghiêng rất rõ, đứng ngây ra như ba pho tượng vây quanh lấy người nữ cầu thủ tuồng như đang bay lượn chẳng khác nào cánh bướm.
Ông lão nhìn trò chơi và bản thân ông cũng thấy mê mẩn tâm thần. Lạy Chúa ! Con gái ta mới lộng lẫy làm sao trong chiếc áo ngắn màu nhạt và ánh nắng rắc bụi vàng trên mái tóc hung nhạt của nó. Khi cất bước, lúc bật nhảy, taychân nó nhẹ nhàng đầy sức trẻ và tràn trề hạnh phúc, biểu lộ sự say sưa khiến người xem cũng ngây ngất vì vẻ ung dung thoải mái và nhịp nhàng của những động tác.
Lúc này nó vung tay kiêu hãnh vụt quả bóng trắng bay lên, rồi quả thứ hai, quả thứ ba liên tiếp. Thật là tuyệt vời được ngắm cái thân hình mảnh dẻ của cô gái cúi xuống đón những quả bóng, lắc lư rồi rướn lên, nhạy như chiếc lò xo để đón quả cuối cùng. Ông lão chưa nhìn thấy con gái ông bừng bừng ngọn lửa ham mê như thế bao giờ. Toàn thân nó hệt như một ngọn lửa sáng trắng, thấp thoáng bập bùng, cùng với làn mây khói ánh bạc của tiếng cười tỏa ra từ nhiệt tâm hừng hực của cơ thể : một tiên nữ trẻ măng hiện lên, vị thần Mục đồng từ bụi trường xuân trong khu rừng phương Nam và từ mặt nước hồ gương xanh dịu này. Chưa bao giờ tấm thân nhỏ nhắn và nhạy bén trong lúc ham chơi mê mải lại căng ra với sự cuồng nhiệt của một vũ khúc sinh động đến như vậy. Phải, chưa bao giờ ông nhìn thấy con gái ông như vậy, ở cái thành phố buồn tẻ của gia đình ông, chật chội trong những bức tường bao quanh. Dù là ở nhà hay ngoài đường phố, chưa bao giờ ông nghe thấy giọng nó như thế, như tiếng hót của sơn ca, thoát khỏi sự gò bó trần tục nở tung ra thành một làn điệu trong trẻo, rung động. Chưa bao giờ nó xinh đẹp như vậy. Ông lão hân hoan trố mắt ngắm nhìn cô con gái. Ông quên hết mọi chuyện, chỉ thấy ngọn lửa sáng trắng, bập bùng. Và ông sẽ đứng mãi ở đó để thưởng ngoạn vẻ đẹp của con ông bằng cái nhìn đắm đuối, nhưng kìa, cô gái đã thở dốc và nhảy vọt lên với động tác mau lẹ bắt quả bóng cuối cùng trong những quả bóng mà cô chơi trò tung hứng, rồi cô ôm chặt quả bóng vào ngực, nhìn mọi người xung quanh với cái cười đầy kiêu hãnh, lúc đó cô thở không ra hơi và nóng toát mồ hôi.
“ Hoan hô, hoan hô ! “ Ba anh chàng đã mê thích xem trò tung hứng khéo như làm xiếc của cô gái, vừa reo lên vừa vỗ tay, như sau khi xem một màn ôpêra. Những tiếng reo hò ồm ồm đó đã kéo ông lão ra khỏi trạng thái sững sờ. Ông nhìn trừng trừng vào mặt họ với vẻ giận dữ : “ Chúng nó đây rồi, quân ăn cướp “ - tiếng tim ông đập gấp thầm nhủ vậy. Chúng nó đây rồi... nhưng đứa nào trong bọn này ? Đứa nào trong ba đứa này đã chiếm hữu con gái ta ? Quân ăn không ngồi rồi này, sao mà chúng ăn mặc thanh nhã, thơm tho và mày râu nhẵn nhụi đến như thế. Vào tuổi chúng, mình đã phải ngồi ở bàn giấy, quần vá chằng vá đụp, và đã lê vẹt cả gót giày đi chào hàng... Chưa biết chừng hiện nay cha chúng cũng đang phải làm lụng như vậy, làm việc đến bật máu móng tay vì chúng. Còn chúng thì đi chơi nhởn nhơ khắp đó đây hết ngày ấy sang tháng khác với những bộ mặt nâu xạm vô tư lự, những cặp mắt sáng trơ tráo. Sống như vậy làm gì mà không vui tươi, hể hả, chỉ cần buông vài lời đường mật với đứa con gái ưa nịnh là đã đủ để nó luồn ngay vào giường... Nhưng nó là đứa nào trong bộ ba này ? Nhất định một trong ba đứa này đã nhận ra thân thể trần truồng của con bé dưới tấm áo và chặc lưỡi tự bảo : “ ta đã được biết tấm thân ấy “. Hắn đã ôm thân hình trần truồng nóng bỏng của con bé trong vòng tay và bây giờ có thể nó nghĩ rằng : “ Tối nay nó lại thuộc về ta “. Và hắn nháy mắt ra hiệu cho con bé... Ôi quân chó mà... Ước gì ta có thể lấy roi ngựa mà quật chết con chó đểu ấy !
Đám người kia đã nhận ra ông. Con gái ông vung cây vợt chào ông và mỉm cười với ông. Bọn đàn ông ngả mũ chào. Nhưng ông không trả lời. Ông vẫn nhìn sững vào cái miệng vui tươi của con gái bằng đôi mắt đỏ ngầu đầy giận dữ :
- Làm sao mày còn có thể cười được như vậy, hở con đĩ trơ tráo kia ?... Nhưng thằng kia, cái thằng đang đứng trước mặt nó có thể cũng cười thầm trong bụng mà nghĩ : “ Lão già Do Thái ngốc nghếch kia, suốt đêm lão nằm ngáy trên giường nếu như lão mà biết được, thằng già điên này ! “. “ Phải, tao biết chúng bay cười tao, chúng bay xéo lên tao như xéo một đống đờm... Con gái tao khêu gợi và xinh đẹp, nó nhẹ dạ nên nhảy vội vào giường chúng bay. Còn mẹ nó thì đã hơi xề, lại cũng hơi quá đỏm dáng và phấn son, nhưng dẫu sao khi được mời mọc, cũng có thể đánh liều làm vài điệu nhảy... Phải, chúng bay có lý, quân chó má, chung bay có lý nếu bọn đàn bà động cỡn, bọn đàn bà đốn mạt còn bám lấy chúng bay. Chúng bay cần gì khi có người tan nát trái tim về chuyện này. Miễn là chúng bay tìm được sự vui thú ở họ. Miễn là bọn đàn bà vô liêm sỉ kia tìm được thú vui với chúng bay. Phải đánh cho chúng bay sặc máu ra. Phải bắn chết hết bọn bay đi. Nhưng chúng bay còn có lý chừng nào chưa ai đụng đến chúng bay, chừng nào người ta còn cam tâm nuốt giận như con chó nuốt cái nó vừa mửa ra. Phải, chúng bay còn có lý nếu người ta hèn nhát đến mức này, sự hèn nhát đáng ghê tởm. Nếu như người ta không đến nắm lấy cánh tay con bé trơ tráo, dùng sức mạnh lôi nó ra khỏi vòng tay chúng bay... Nếu người ta chịu đứng đấy mà ngậm đắng nuốt cay, ngậm miệng một cách hèn nhát, hèn nhát...
Ông lão thấy cần phải dựa vào lan can, cơn giận dữ bất lực làm ông sa sầm mặt mày. Đột nhiên, ông nhổ toẹt xuống cạnh chân và lảo đảo bước ra ngoài khu vườn.
*
* *
Ông lão nặng nề bước đi trên đường phố của cái thành phố nhỏ, bỗng dừng lại trước một tủ bày hàng : có đủ thứ cần dùng cho khách du lịch, áo sơ mi và lưới đan, áo blu và những dụng cụ đi câu, cà vạt, sách và bánh ngọt, vật nọ xếp cạnh vật kia rất tùy tiện, chất thành những khối Kim tự tháp và thành nhiều tầng sặc sỡ. Nhưng ông lão chỉ chú ý đến một vật như bị rẻ rúng nằm trơ trọi giữa đám những hàng hóa trang nhã này : đó là chiếc gậy của người leo núi. Chiếc gậy dày, to, đầu bịt sắt, cầm khá nặng tay, chống mạnh xuống nền thì dội lên tiếng va đập ghê gớm. “ Đập chết nó đi, đập chết nó đi, quân chó má “, ý nghĩ này nhấn chìm ông lão trong một cơn choáng váng mơ hồ gần như khoái trá : chính vì ý nghĩ ấy mà ông đã vào cửa hàng để sắm cây côn đó với số tiền chẳng đáng bao nhiêu. Trong tay vừa nắm cái vật nặng trịch, lợi hại và nguy hiểm đó, ông cảm thấy mình mạnh hẳn lên : bao giờ cũng vậy, vũ khí làm cho con người có thể chất yếu đuối trở nên vững tâm hơn. Chỉ mới chạm vào cán gậy là ông lão đã cảm thấy cơ bắp mình săn lại, mạnh mẽ hơn. “ Đập chết nó đi, đập chết nó đi, quân chó má ! “, ông lẩm bẩm nói một mình. Bước chân ông lúc trước lảo đảo, nặng nề thì nay bỗng trở nên vững vàng, chắc chắn và nhẹ nhàng hơn mà ông không biết. Ông đi đi lại lại dọc bờ hồ, thậm chí cất bước chạy, thở hổn hển, mình đẫm mồ hôi, nhưng đấy là vì cơn phẫn nộ bùng ra hơn là vì rảo bước. Quả vậy, tay ông nắm chắc lấy cán gậy mỗi lúc một hăm hở hơn. Có vũ khí trong tay, ông đi vào gian phòng lớn ngợp ánh sáng xanh dịu mát của khách sạn, phóng luồng mắt tìm kẻ thù vô hình của mình.
Quả nhiên bọn chúng đã có mặt cả ở đây rồi. Chúng ngồi trên những chiếc ghế bành mềm mại tết bằng rơm ở một góc phòng, hút rượu uytki pha sô-đa bằng những ống sậy nhỏ và đang vui vẻ tán gẫu một câu chuyện của những kẻ phong lưu nhàn tản, vợ ông, con gái ông, và cả ba ông bạn đều không thể thiếu được.
- Hắn là đứa nào ? Hắn là đứa nào ? - Ông thầm hỏi, tay nắm chặt lấy đầu chiếc gậy nặng trịch. Ta sẽ phải phang vỡ sọ đứa nào trong bọn này, đứa nào ?
Nhưng Ecna hiểu lầm vẻ mặt lo âu, dò xét của ông, đã chạy vội đến trước mặt ông : Ba đây rồi. Ba thân yêu. Chúng con đi tìm ba khắp nơi. Ba xem : ông Mếtuydơ mời bọn con cùng đi chiếc fi-át của ông vòng quanh cả bờ hồ đến tận Điendarô - vừa nói, cô vừa âu yếm đẩy ông về phía bàn, làm như ông còn phải cảm ơn hắn về lời mời đó.
Bọn đàn ông lễ phép đứng dậy và đưa tay ra bắt. Ông lão run lên. Nhưng ông cảm thấy con gái áp vào cánh tay mình, sự có mặt của nó như một cái gì ấm áp dịu dàng, như một chất ma túy làm ông nguôi hẳn đi. Quyết tâm của ông tan thành mây khói. Ông lần lượt bắt tay mọi người, yên lặng ngồi xuống, rút ở trong túi ra một điếu xì-gà và hai hàm răng cắn chặt, ông nhai nỗi giận của mình trong sợi thuốc mềm. Phía trên đầu ông, câu chuyện vừa bị ngắt quãng lại tiếp tục sôi nổi, họ nói tiếng Pháp và nổi hơn cả là những chuỗi cười giòn tan.
Ông lão ngồi im lặng, cúi đầu, ông cắn điếu thuốc mạnh đến nỗi nước thuốc màu nâu ứa đầy chân răng.
Chúng có lý, chúng có lý - ông nghĩ - Người ta có thể nhổ toẹt vào ta. Đến bây giờ mà ta còn bắt tay hắn, đúng thế, bắt tay cả ba đứa mà ta biết chắc rằng trong ba đứa có tên vô lại. Và ta ngồi điềm nhiên ở đây, chung một bàn với hắn. Ta không nghiền nát hắn, phải, đáng lẽ nghiền nát hắn, ta lại lễ phép bắt tay hắn ! Chúng có lý, hoàn toàn có lý, hoàn toàn có lý, nên chúng cười nhạo ta. Và trong câu chuyện của chúng, liệu chúng có để ý đến sự có mặt của ta ở đây hay không ? Hay là chúng coi ta như người đã nằm dưới đất rồi ?
Vậy mà mẹ con nó, con Ecna và mẹ nó, đã biết rõ là ta không biết một câu tiếng Pháp nào. Cả hai đều biết điều đó, thế mà không đứa nào nói với ta một tiếng để giữ thể diện cho ta, duy nhất chỉ để cho ta khỏi trở nên lố bịch, lố bịch đến kinh khủng như vậy. Đối với mẹ con nó, ta chỉ là một cái gì vớ vẩn, một vật vô tích sự... một vật thừa khó chịu, một vật đáng ngán gây vướng víu, chỉ làm cho người ta xấu hổ, và nếu người ta không vứt nó đi cho khuất mắt, thì chỉ là vì nó kiếm được tiền. Tiền ! Tiền ! Với đồng tiền khốn nạn, dơ bẩn, ta đã làm cho chúng hư hỏng. Đồng tiền trời chu đất diệt.
Mẹ con nó không nói với ta một lời, vợ ta, con gái ta đẻ ra. Chúng chỉ chú ý đến bọn lười biếng ấy, lũ hợm hĩnh mặt nhẵn thín, áo quần bảnh bao. Hai mẹ con nó cười với chúng, cười ngặt nghẽo như bị cù nôn, y như có bàn tay của bọn táo tợn này rờ rẫm vào da thịt... Còn ta, ta đã bỏ qua tất cả. Ở đây, ta ngồi cạnh chúng, nghe chúng cười, chẳng hiểu chúng cười gì, chẳng hiểu tí gì về những điều chúng nói, vậy mà ta cứ ngồi ì ra đó, trong khi đáng lẽ phải đấm nát mặt chúng ra, đạp vỡ sọ chúng ra. Đúng là phải đánh cho chúng nhừ tử bằng cây gậy của ta, cưỡng bức chúng phải rời xa nhau trước khi chúng lăng nhăng với nhau ngay trước mặt ta. Ta đã cho phép tất cả, ta ngồi đây, câm lặng, ngu ngốc, hèn nhát, hèn nhát.
- Xin ông cho phép ? - Vừa nói bằng tiếng Đức lơ lớ, tên sĩ quan người Ý cầm lấy bao diêm.
Đang day dứt với những ý nghĩ phẫn khích, ông lão giật mình và giận dữ nhìn gã kia, nhưng gã không hề nghi ngờ gì cả. Cơn giận của ông vẫn còn bừng bừng. Tay ông co quắp nắm chặt lấy chiếc gậy và hầu như ngay lúc đó miệng ông méo xệch đi, nhưng vẻ nhăn nhó đó biến ngay thành một tiếng cười ngây dại.
- Ồ, tôi cho phép - ông nói, giọng đầy vẻ châm chọc, nhất định là tôi cho phép. Hà, hà... Tôi cho phép tất cả, các người muốn làm gì cũng được. Tất cả những gì tôi có há chẳng phải thuộc quyền sử dụng của các người đó sao ? Với tôi, người ta có thể tùy tiện muốn làm gì thì làm.
Viên sĩ quan ngạc nhiên nhìn ông. Không sành tiếng Đức, hắn không hiểu hết. Nhưng tiếng cười gằn và vẻ mặt nhăn nhúm của ông làm hắn chột dạ. Vị Nam tước người Đức bất giác bật dậy và lúc ấy, mặt hai người đàn bà trắng bệch. Không khí phút chốc trở nên căng thẳng và mọi người như ngừng thở, giống như khoảnh khắc ngắn ngủi giữa làn chớp lòe và tiếng sấm nổ. Nhưng vẻ nhăn nhúm dữ tợn trên khuôn mặt ông biến đi, cây gậy tuột khỏi bàn tay co quắp của ông. Như một con chó bị đòn, ông lão co mình lại, đằng hắng ho, đầy vẻ bối rối, hoảng sợ vì vẻ táo tợn của mình.
Để phá tan tình trạng căng thẳng nặng nề đó, Ecna vội vàng nối lại câu chuyện bỏ dở. Gã Nam tước người Đức vui vẻ trả lời, nhưng rõ ràng còn gượng gạo. Chỉ vài phút sau dòng lời lẽ ào ạt vừa bị ngăn chặn lại tiếp tục tuôn chảy.
Ông lão ngồi giữa đám người đang trò chuyện mà hoàn toàn ngoài cuộc. Có thể tưởng rằng ông ngủ. Chiếc gậy to gộc tuột khỏi tay ông, lủng lẳng giữa hai chân ông, không còn dùng làm gì. Đầu ông cúi gập mỗi lúc một thấp vào lòng bàn tay. Nhưng chẳng ai để ý đến ông nữa. Vượt lên trên sự yên lặng của ông, câu chuyện vẫn ồn ào như sóng vỗ và đôi khi một chuỗi cười giòn tan tóe lên như bọt sóng lấp lánh vì một câu bông đùa hóm hỉnh. Ông lão vẫn ngồi bất động bên dưới những tiếng ầm ĩ đó, đắm mình trong bóng tối vô tận, chìm ngập trong tủi nhục và đau buồn.
*
* *
Ba gã đàn ông đứng dậy. Ecna hối hả theo chân, mẹ cô đi thong thả hơn. Theo lời đề nghị hấp dẫn của một vị, họ kéo sang phòng nhạc kế bên. Không ai thấy cần thiết phải mời ông lão cùng đi. Ông lão vẫn ngồi đó, nặng nề rũ người xuống. Sự trống rỗng bỗng chốc vây quanh ông làm ông tỉnh lại như người đang ngủ ban đêm chợt thức dậy hốt hoảng vì chăn đắp tụt khỏi giường và luồng gió lạnh luồng vào cơ thể. Bất giác, ông nhìn chằm chặp vào những chiếc ghế bỏ trống. Nhưng ngay gần đấy, trong phòng nhạc, một điệu jazz giật gân và quyến rũ đã nổi lên mạnh mẽ, ông nghe thấy những chuỗi cười và những tiếng reo hò khích lệ. Họ đang nhảy ở phòng bên. Hừ, nhảy, lúc nào cũng nhảy, chỉ có nhảy là giỏi thôi. Lúc nào cũng kích thích dục tình, lúc nào cũng cọ sát vào nhau một cách khêu gợi cho đến lúc toại nguyện. Nhảy, nhảy buổi chiều, buổi tối, giữa ban ngày, chính đó là thủ thuật mà bọn ăn không ngồi rồi, bọn lười biếng này dùng để câu đàn bà con gái. Giận dữ, ông lão lại cầm chiếc gậy to đùng tiến về phía bọn họ ở phòng bên. Ông dừng lại ngay trên ngưỡng cửa.
Lão du khách quý tộc người Đức ngồi đàn dương cầm, quay nửa người để có thể vừa đàn vừa xem mọi người nhảy. Hắn bấm phím đàn không cần bản nhạc, chơi tùy hứng một điệu nhạc Mỹ thịnh hành. Ecna nhảy với tên sĩ quan. Bà mẹ phục phịch và khỏe mạnh đu đưa về phía trước và phía sau một cách nhẹ nhàng, nhưng không phải không vất vả trong tay tên bá tước Ubanđi cao cẳng. Nhưng ông lão chỉ chú ý tới Ecna và người cùng nhảy với nó. Con chó săn này đặt nhẹ hai bàn tay ve vuốt của hắn lên đôi vai mềm mại của con bé nom mới khéo làm sao, cứ như con bé hoàn toàn là của hắn. Toàn thân cô gái đu đưa và đắm đuối, đầy vẻ hứa hẹn, áp sát vào tấm thân của hắn mới khắng khít làm sao ! Ngay trước mắt ông, hai tấm thân hầu như hòa làm một lộ rõ một vẻ mê say không còn che giấu được ! Phải, chính hắn, bởi vì hai tấm thân đang uốn éo này bộc lộ rõ rệt ngọn lửa tình gắn bó, sự nồng nàn cảm thông lẫn nhau đã thấm vào máu thịt chúng rồi. Phải, chính hắn, chỉ có thể là hắn thôi. Ông đọc được điều đó trong đôi mắt con gái ông, lim dim nhưng long lanh ngời sáng đang sống lại trong nhịp điệu đu đưa gần như bay bổng này, kỷ niệm đã qua của một niềm hoan lạc say đắm hơn nhiều. Phải, chính hắn, thằng ăn trộm đêm qua đã cuồng nhiệt ôm ấp và lén lút chiếm đoạt tất cả những gì lúc này đang được che nửa kín nửa hở dưới tấm áo mỏng manh và gợn sóng - Con gái ông, con gái ông ! Bất giác, ông lừ đừ đi tới để lôi con gái ra khỏi tay gã đàn ông, nhưng cô con gái không để ý điều đó. Mọi cử động của cô đều buông theo nhịp nhảy, theo đà đưa đẩy của anh bạn nhảy - đứa quyến rũ, đã sai khiến được cô mà cô không hề hay biết. Đầu ngả về phía sau, đôi môi ướt hé mở, hoàn toàn say sưa và mê mẩn, cô lướt nhẹ nhàng trong làn sóng nhạc hoan lạc, không còn cảm thấy không gian xung quanh, không còn ý thức về thời gian, cũng không thấy cả sự có mặt của ông lão, con người run rẩy, thở dốc, mắt đỏ ngầu đang trân trân nhìn cô trong cơn cuồng giận. Cô chỉ cảm thấy có bản thân mình, chân tay đầy sức trẻ của cô cử động thoải mái theo nhịp ngắn của điệu nhảy háo hức quay cuồng. Cô chỉ cảm giác có bản thân, cảm thấy rằng hơi thở của người đàn ông đang thèm muốn mình, một cánh tay cứng cáp đang siết chặt lấy mình, trong sự đung đưa mềm mại này, cô phải cố hết sức mới khỏi ngã vào lòng hắn mà hiến thân với cặp môi say đắm và lửa tình nóng bỏng. Như có phép thần, ông lão cảm thấy rõ tất cả những điều ấy trong chính máu mình, bầu máu đang hoàn toàn nổi loạn. Mỗi khi điệu nhảy đưa Ecna ra xa ông, luôn luôn ông có cảm giác rằng con ông đã biến mất mãi mãi vào vực thẳm.
Bỗng như có một sợi dây đang rung lên bị đứt, tiếng nhạc ngừng giữa nhịp. Tay Nam tước người Đức nhảy chồm lên :
- Các vị chơi thế đủ rồi - hắn vừa cười vừa nói - Bây giờ đến lượt tôi nhảy.
Ông lão đã trấn tỉnh lại. Đã đến lúc phải lên tiếng, chứ không thể đứng ngây ra ở đây, lúng túng khốn khổ như thế này. Vừa lúc đó bà vợ đi qua trước mặt ông, hơi thở còn gấp vì phải dốc sức trong cuộc khiêu vũ, nhưng vẫn hừng hực đầy vẻ mãn nguyện. Cơn giận bỗng làm ông nảy ra một quyết định đột ngột. Ông lại gần vợ và nói bằng một giọng khàn khàn nóng nảy : “ Lại đây, tôi có chuyện cần nói với bà “.
Bà ngạc nhiên nhìn ông : Những giọt mồ hôi long lanh trên vầng trán xanh xao, mắt bà nhớn nhác. Ông ta muốn gì vậy ? Tại sao lại chọn đúng lúc này đến đây làm phiền mình ? Miệng bà mấp máy đã toan thoái thác. Nhưng thái độ của ông chồng cau có và đầy vẻ hăm dọa đến nỗi bà chợt nhớ tới cơn bùng nổ ban nãy, nên bà miễn cưỡng đi theo ông. Trước khi đi bà ta nói một câu bằng tiếng Pháp : “ Xin lỗi các vị, các vị chờ cho một lát “, vừa nói vừa quay về phía bọn đàn ông với vẻ mặt lịch thiệp.
Đấy, lại đi xin lỗi họ - ông chồng phật ý nghĩ thầm - ban nãy chúng kéo nhau đi có đứa nào nghĩ đến chuyện xin lỗi ta đâu. Đối với bọn chúng, ta chỉ là một mảnh thảm để chúng dẫm dưới chân. Nhưng chúng có lý, chúng còn có lý nếu ta dung thứ cho chúng điều này.
Bà đứng chờ, lông mày cau lại một cách nghiêm nghị. Còn ông lão, ông đứng đó, trước mặt bà, như một cậu học trò đứng trước mặt thầy, đôi môi run rẩy.
- Chuyện gì ? - Cuối cùng bà hỏi, giọng hách dịch.
- Tôi không muốn, tôi không muốn - ông lắp bắp đầy thất vọng - tôi không muốn mẹ con bà... mẹ con bà giao du với những người ấy.
- Những người nào ? Bà ta hỏi lại, làm ra bộ chưa hiểu, rồi bà ngước mắt lên đầy phẫn nộ, y như là ông đã xúc phạm đến bà.
- Bọn kia kìa - ông vừa nói vừa hất hàm về phía phòng nhạc - tôi không ưa, tôi không muốn như thế.
- Tại sao vậy ?
“ Lúc nào cũng vẫn cái giọng tra vấn ấy - ông giận dữ nghĩ thầm - cứ làm như ta là đầy tớ của nó “.
Phẫn khích, ông lắp bắp :
- Tôi có lý của tôi... có lý hẳn hoi... điều đó tôi không ưa. Tôi không muốn Ecna chuyện trò với lũ ấy. Tôi không cần phải giải thích gì hết.
- Nếu vậy thì tôi rất lấy làm tiếc - bà từ chối một cách kênh kiệu, không chiều theo ý chồng - tôi cho rằng ba vị này là những người hết sức đứng đắn. Họ là những người bạn tốt hơn nhiều so với những người vẫn lui tới nhà ta.
- Những người bạn tốt !... Lũ ăn không ngồi rồi này, lũ, lũ...
Cơn giận làm ông nghẹn cổ không chịu nổi.
Chợt ông dậm chân :
- Tôi không muốn... Tôi cấm... Bà hiểu chưa ?
- Không được - bà lạnh lùng trả lời - tôi không hiểu gì hết. Tôi không biết vì sao tôi lại phải làm hỏng thú vui của con gái tôi ?
-Thú vui của nó !... Thú vui của nó !...
Rồi như bị đòn giáng, ông loạng choạng, mặt đỏ dừ và trán đẫm mồ hôi. Bàn tay ông quờ quạng tìm chiếc gậy để chống hoặc để vung lên. Nhưng ông đã quên khuấy mất nó. Nhờ vậy ông trấn tĩnh lại. Ông tự kiềm chế : Một làn hơi nóng chợt lướt qua tim ông. Ông bước lại gần vợ như muốn nắm lấy tay bà. Giọng ông nhỏ hẳn đi, gần như van lơn :
- Bà... Bà không hiểu đấy thôi. Tôi không muốn cái gì cho bản thân tôi cả. Tôi xin bà điều đó chỉ để... Đấy là lời cầu xin đầu tiên của tôi từ nhiều năm nay. Chúng ta hãy đi khỏi đây ngay, đi Phơlorăng, đi Rôma, đến bất cứ nơi nào mẹ con bà thích. Tôi ưng thuận trước mọi điều. Mẹ con bà có thể sắp đặt mọi việc theo ý thích. Chỉ có điều là chúng ta hãy đi khỏi đây, tôi xin bà. Đi, đi, ngay hôm nay. Tôi không thể chịu đựng tình cảnh đó lâu hơn nữa. Tôi không thể...
- Ngay hôm nay ? - Bà hỏi lại, trán cau lại vẻ ngạc nhiên và tỏ ý từ chối - Bỏ đi ngay hôm nay ? Nghĩ gì mà kỳ khôi vậy ?... Mà chỉ vì ông không có cảm tình với họ ? Có ai bắt ông phải giao du với họ đâu ?
Ông lão đứng đó, hai tay giơ lên như van xin.
- Tôi không thể chịu nổi điều đó, tôi đã nói với bà rồi. Tôi không thể... Tôi không thể... Bà đừng hỏi tôi thêm điều gì nữa, tôi van bà. Và xin bà hãy tin tôi, tôi không thể chịu nổi, tôi không thể. Bà hãy làm cho tôi vừa lòng một chút, một lần, chỉ một lần thôi... Vì tôi...
Ở đằng kia chiếc dương cầm đã lại làm bật lên những âm thanh giật giọng. Bà nhìn ông, bất giác cảm động vì tiếng kêu xé ruột, xé lòng trong lời lẽ của ông. Nhưng ông lão phì nộn này nom lố bịch quá chừng, mặt mũi đỏ gay như thể ông ta sắp bị chết giấc, cặp mắt dữ dằn và sưng húp, bàn tay thò ra khỏi ống tay áo ngắn cũn cỡn giơ lên run run trong khoảng không. Thật là thương tâm khi nhìn thấy ông trong bộ dạng thảm hại như vậy. Một chút tình cảm ái ngại mới nhen lên trong lòng bà đã tắt ngấm bởi những lời lẽ quyết liệt như sau :
- Không thể được. Chúng tôi đã nói là ngày hôm nay chúng tôi sẽ đi chơi với họ. Hơn nữa, ngày mai đã đi khỏi đây trong khi ta thuê phòng những ba tuần lễ cơ mà ? Chúng ta sẽ thành trò cười cho thiên hạ... Tôi thấy không có lý do gì mà bỏ đi cả. Tôi ở lại và Ecna cũng vậy...
- Còn tôi, tôi có thể ra đi một mình phải không ? Ở đây tôi chỉ làm rầy... cản trở... thú vui... của các người !
Những lời khàn khàn như tiếng thét đã ngắt đôi câu nói cuối cùng của bà vợ. Thân hình nặng nề và lom khom của ông lão vươn thẳng lên : Bàn tay ông nắm lại và trên trán ông, đường mạch máu giận dữ nổi lên giật nhằng nhằng đầy vẻ hăm dọa. Một cái gì còn muốn thoát ra khỏi người ông, hoặc lời nói, hoặc cú đấm... Nhưng đột nhiên, ông quay phắt đi và lảo đảo chạy mỗi lúc một nhanh hơn về phía cầu thang bằng đôi chân nặng nề và ông leo lên bậc thang y như có người đuổi ở sau lưng.
*
* *
Ông lão vừa thở hồng hộc vừa vội vã leo lên cầu thang. À, miễn là bây giờ ông có thể về đến phòng mình, một mình một bóng để trấn tĩnh lại, nén giận, không làm điều gì điên rồ ! Vừa tới tầng lầu thứ nhất ông đã cảm thấy như có một chiếc vuốt nhọn nóng bỏng đâm thấu vào người ông, xé ruột xé gan ông. Mặt trắng bệch như vôi, ông phải dựa vào tường, người lảo đảo. Ôi ! Cơn đau dữ dội đang nghiền nát ông, nuốt chửng lấy ông như một ngọn lửa. Ông phải nghiến chặt răng để khỏi kêu thành tiếng. Và trong lúc ông rên rỉ, tấm thân tàn của ông gập lại.
Lập tức ông hiểu ngay : đây là cơn đau mật, một trong những cơn đau ghê gớm thường hành hạ ông thời gian gần đây, nhưng chưa bao giờ lại ác liệt như lần này. “ Cần hết sức tránh sự kích động “, thầy thuốc khuyên như vậy. Và lúc này, giữa cơn đau, ông nhớ lại lời khuyên đó, và giữa cơn đau, ông còn giận dữ đay nghiến :
- Nói thì dễ “ tránh mọi kích động “... nhưng thưa ông giáo sư, có lẽ lúc nào đó xin ông cho tôi biết người ta phải làm thế nào để khỏi bị xúc động, khi người ta...ồ...ồ...
Chiếc vuốt nhọn hành hạ cơ thể ông làm ông lão bật lên tiếng rên. Khó nhọc lắm ông mới lết được đến cửa phòng khách, đẩy cửa vào và ngã lên tấm ghế đi-văng, răng cắn vào đệm ghế. Ông vừa nằm xuống, cơn đau dịu đi chút ít, những chiếc vuốt lửa không còn cắm sâu vào ruột gan đầy thương tích của ông một cách hung bạo như lúc trước nữa.
- Lẽ ra phải áp gạc vào chỗ đau - ông nghĩ - Mình phải uống mấy giọt, bởi vì mỗi lần uống như vậy ta cảm thấy dễ chịu hơn.
Nhưng không có ai ở đây để đỡ đần ông. Chẳng có ai cả. Còn bản thân ông, ông không đủ sức lê sang gian bên hoặc chỉ đến chỗ bấm chuông.
- Không có một ai - ông bực bội nghĩ thầm - Ngày nào đấy, ta sẽ chết như một con chó, bởi vì ta biết không phải là cơn đau mật hành hạ ta, mà là cái chết đang phát triển trong ta... Ta biết rõ lắm, ta đến lúc tận số rồi. Và không một giáo sư chuyên khoa nào, không phương thuốc nào có thể cứu được ta nữa. Ở tuổi 65 thì không còn chữa chạy gì được nữa. Ta biết rằng cái đang gặm nhấm ta, đang làm ta hao mòn đi, chính là cái chết. Và một vài năm còn lại của đời ta không thể gọi là cuộc sống nữa, mà chỉ là cơn hấp hối... Tuy nhiên, ta đã sống bao giờ chưa ? Sống vì ta, cho bản thân ta ? Ta đã sống cuộc đời như thế nào chứ, chỉ lo kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm tiền... Bao giờ cũng sống vì người khác và bây giờ cuộc sống ấy có ích gì cho ta ? Ta đã có một người vợ, ta đã lấy nàng khi nàng còn trẻ và nàng đã cho ta một đứa con. Hết năm này sang năm khác ta cùng chung nhịp thở, cùng nằm một giường, và bây giờ, bây giờ nàng ở đâu ? Ta không còn nhận được mặt nàng, không nhận ra tiếng nói của nàng nữa. Nàng nói với ta như nói với người xa lạ và không bao giờ nghĩ đến cuộc sống của ta, những gì ta đã gặp phải, những gì làm ta đau khổ, những gì ta suy nghĩ băn khoăn. Đã bao nhiêu năm rồi, nàng trở nên hoàn toàn xa lạ với ta. Vì đâu nên nông nỗi ấy ? Đâu là quá khứ của nàng và ta. Ta đã có một đứa con. Ta đã trông thấy nó lớn lên : những tưởng rằng một cuộc đời thứ hai của ta bắt đầu, sáng sủa hơn, hạnh phúc hơn cuộc đời và bản thân ta đã sống, và thế là trên thế gian này, ta không chết hoàn toàn...
Vậy mà bao đêm đứa con đó rời xa cha mẹ nó để lăn vào vòng tay những gã đàn ông... Ta sẽ chỉ chết đối với riêng ta, đối với riêng ta... Bởi vì đối với mọi người, hiện nay ta đã chết rồi. Trời ơi ! Trời ơi ! Chưa bao giờ ta cô đơn như lúc này.
Đôi khi chiếc vuốt khủng khiếp cắm sâu vào ruột gan ông một cách tàn bạo, rồi lại nhả dần ra. Nhưng có nỗi đau đớn khác mỗi lúc một sâu thêm cứ đập mạnh vào thái dương ông... Những nỗi suy tư - những viên sỏi rắn đanh, sắc nhọn, ác nghiệt, và cháy bỏng gây nhức nhối đầu óc ông. A ! Đừng suy nghĩ nữa, đừng suy nghĩ nữa ! Ông lão hăm hở cởi cúc áo khoác và áo ghi-lê. Tấm thân béo tròn của ông, giống như một khối dị hình nặng nhọc run lên dưới áo sơ mi căng phồng. Ông dè dặt ấn tay vào chỗ đau.
- Ta chỉ còn là một khối thịt đau đớn - ông cảm thấy như thế - chỉ còn là như vậy, chỉ là một tấm da cháy bỏng mà thôi. Và chỉ có cái đó gặm nhấm sự sống của ta, chỉ riêng cái đó còn thuộc về ta, đó là bệnh tật của ta, cái chết của ta. Ta không còn là cái gì khác. Thân phận ta hiện nay không có gì giống với địa vị “ Ủy viên hội đồng “ của ta trước kia. Ta không còn gì cả, không vợ, không con, không tiền bạc, không nhà cửa, không còn việc buôn bán. Cái mà ta cảm giác thấy ở những ngón tay ta, ở cơ thể ta, sự cháy âm ỉ trong cơ thể đang làm ta đau đớn, chỉ có cái đó đối với ta là hiện thực. Mọi cái khác đều là điên rồ, là vô nghĩa... Bởi vì cái làm ta đau thì chỉ mình ta cảm thấy đau... điều làm ta lo lắng thì chỉ mình ta lo lắng thôi... Không ai hiểu ta nữa, mà ta cũng chẳng còn hiểu được ai...
“ Ta chỉ có một mình đối diện với chính mình, chưa bao giờ ta thấu hiểu điều đó như bây giờ. Nhưng đến lúc này ta mới biết điều đó, lúc này ta nằm đây và cảm thấy cái chết đã lan rộng trong bản thân ta, lúc này muộn quá rồi, ở tuổi 65 của ta, trong lúc ta sắp chấm dứt cuộc đời một cách thảm hại, thì cũng đúng lúc này, vợ con ta đang nhảy nhót, đi dạo hoặc đú đởn, những mụ đàn bà vô sỉ ấy, và lúc này, ta chợt thấy rằng trước đây ta chỉ sống vì họ, mà họ thì hoàn toàn vô ơn bạc nghĩa và chưa bao giờ, chưa một giờ nào ta sống
cho bản thân ta... Nhưng vì sao bao giờ ta cũng lo lắng cho họ ?... Họ còn có cái gì chung với ta không ?... Vì sao ta nghĩ đến họ, mà họ chẳng khi nào đoái hoài đến ta ?... Thà chết rụi như một con vật còn hơn đón nhận lòng thương của họ... Thử hỏi ta còn có cái gì cùng với vợ con ta nữa hay không ?... “
Dần dần, cơn đau lui từng bước và dứt hẳn : Bàn tay quái ác không còn thọc ngoáy trong cơ thể bị hành hạ của ông như chiếc vuốt sắc nóng bỏng nữa. Chỉ còn lại một cái gì âm ỉ không đáng gọi là sự đau đớn, một cái gì kỳ lạ đè nặng lên ông và tuồng như đang đào khoét một đường ngầm bên trong cơ thể ông.
Ông lão nằm phủ phục ở đó, mắt nhắm nghiền; tất cả sức chú ý của ông tập trung vào cái nó đang xâu xé ông, tiêu hủy ông một cách từ tốn như vậy : Ông tưởng như một sức mạnh kỳ lạ và chưa hề biết đục khoét cơ thể ông, lúc đầu bằng dụng cụ sắc nhọn và hiện giờ bằng một dụng cụ còn hơn nhiều. Ông cảm thấy hình như có cái gì tan rã và tuột ra từng sợi ở phía bên trong không sao nhìn thấy được của cơ thể ông. Cái đó không cấu xé ông dữ dội nữa, không làm ông đau đớn nữa. Tuy nhiên ở đó có cái gì âm ỉ đang lặng lẽ tàn phá cơ thể ông, có cái gì bắt đầu chết lịm.
Tất cả những gì ông đã sống, tất cả những gì ông hằng yêu mến đều qua ngọn lửa âm ỉ mà cháy đen và bốc khói trước khi rã ra, biến thành than và lả tả rơi xuống trong đống tro ấm của sự dửng dưng. Có cái gì đang hoàn tất khi ông nằm đấy giận dữ ôn lại đời mình. Có cái gì sắp chấm dứt. Chuyện gì đã xảy ra vậy. Ông đang ở đây mà chờ đợi, mà rình rập bản thân mình.
Và dần dần, trái tim ông bắt đầu tàn tạ.
*
* *
Ông nằm đó, mắt nhắm nghiền, ông lão già trong căn phòng tràn ngập bóng hoàng hôn. Ông vẫn còn nửa thức nửa ngủ. Và trong lúc nửa thức nửa ngủ như vậy, ông mơ hồ cảm thấy những ấn tượng kỳ lạ : Ông cảm thấy từ đâu đó (từ một vết thương không đau đớn mà ông không hề hay biết), có cái gì ươn ướt, có cái gì nong nóng đang nhẹ nhàng chảy không một tiếng động vào trong nội tạng ông. Ông thấy hình như có máu chảy trong chính máu ông. Sự tràn chảy vô hình ấy rất yếu ớt, không làm ông đau đớn. Như những giọt nước mắt chảy từ từ, âm ấm lúc chảy lúc ngừng, những giọt máu cũng rơi xuống như vậy và mỗi giọt lại rơi đúng vào trái tim ông. Nhưng trái tim, trái tim đắm chìm trong bóng tối không gây nên một tiếng động nào, nó yên lặng hấp thụ làn sóng xa lạ đó. Nó hấp thụ như miếng bọt bể hút nước, trở nên nặng hơn và mỗi lúc một nặng thêm nhiều, đến lúc nó căng phồng lên, đến lúc nó sưng vù lên trong lồng ngực chật hẹp của ông. Dần dần trái tim đầy ứ và nặng quá mức, nó bắt đầu sa xuống, kéo căng các dây chằng, làm giãn các bắp thịt căng thẳng. Nó luôn luôn đau đớn, đè ép và trĩu nặng thêm, trở nên to đùng và chúi xuống theo sức nặng của chính nó. Và lúc này (đau đớn làm sao !) bộ phận nặng nề đó tuột ra, bắt đầu tuột xuống, không một cử động, không bị giằng xé, trái tim ông từ từ tuột khỏi dây chằng của các bắp thịt, nó rơi rất chậm, không rơi như viên đá, không như quả chín rụng ? Không phải vậy, như một miếng bọt bể thấm đầy ứ chất lỏng, nó sà thấp xuống, mỗi lúc một thấp hơn trong cái gì âm ấm và trống rỗng, ở đâu đó, trong một không gian không có tên gọi, ở ngoài bản thân ông, và giống như đêm tối mênh mông, vô tận. Và đột nhiên một sự yên lặng rùng rợn phát sinh ở chính nơi mà vừa ban nãy hãy còn trái tim nóng hổi và máu chảy từng giọt : ở đó có một chỗ rạn nứt, một khoảng trống bất trắc và băng giá. Không còn nghe thấy tiếng nhịp đập, không còn nghe thấy tiếng giỏ giọt : phía bên trong đã trở nên hoàn toàn câm lặng và chết hẳn. Và, lồng ngực ông, đen tối, trống rỗng như chiếc quan tài, run rẩy, căng phồng, bọc lấy khoảng không câm lặng, huyền bí.
Cảm giác mơ màng mà ông đắm chìm trong đó khá mạnh và nỗi hoảng loạn sâu sắc, đến nỗi lúc tỉnh dậy, ông lão đưa tay lên ngực xem trái tim mình còn hay mất. Nhưng ơn trời ! Hãy còn nhịp đập trầm đục dưới ngón tay ông, nhưng dường như đó chỉ là tiếng đập nghẽn tắc vang lên trong khoảng trống, còn trái tim ông hình như không còn nữa. Quả vậy, thật là kỳ quái, ông có cảm giác rằng cơ thể của ông lại vùng thoát khỏi bản thân ông. Không còn cơn đau nào dày vò ông nữa, không còn hoài niệm nào làm cho cái thần kinh vốn đã rệu rã của ông đau đớn nữa. Tất cả trong cơ thể ông đều câm lặng, cứng đờ và trở nên chai đá.
- Thế là thế nào ? - Ông nghĩ - chỉ một lát trước đây ta đã bị giày vò đau đớn đến như thế. Toàn thân ta bốc lửa, bị đè ép, mọi thớ thịt trong cơ thể ta rung động nhức nhối. Cái gì đã xảy đến với ta ?
Ông nghe ngóng, như nghe bên trong một cái gì trống rỗng để xem còn thấy cái gì động đậy như lúc nãy hay không. Nhưng tiếng tràn chảy và tiếng động đó, tiếng giỏ giọt và tiếng đập đó đã mất hẳn. Ông lắng nghe, nghe mãi, không còn có tiếng gì vang lên nữa. Không còn gì day dứt ông nữa, không còn cái gì đau đớn nữa : chắc chắn là toàn thân ông giờ đây đang trống rỗng và đen tối như một khoảng rỗng của thân cây đã cháy thành than... và bỗng nhiên ông cảm thấy mình đã chết hoặc là có cái gì trong ông đã chết. Cái im lặng do máu ngừng chảy mới khủng khiếp làm sao ! Cơ thể ông giá lạnh như một thây ma và ông sợ không dám đặt bàn tay nóng lên mình ông nữa.
*
* *
Ông lão nghe ngóng mãi bên trong bản thân mình : ông không nghe thấy tiếng chuông điểm giờ trên mặt hồ vọng vào phòng ông như mọi khi, mỗi tiếng chuông đổ hồi đều mang theo một chút bóng hoàng hôn. Xung quanh ông bóng đêm đã tràn khắp, bóng tối đã xóa đi mọi vật trong không gian và bản thân không gian cũng nhòa dần cho đến mảng trời sáng mờ trong ô cửa cũng tắt hẳn trong đêm tối. Ông lão không để ý đến quang cảnh ấy. Tất cả sức chú ý của ông tập trung vào cái vật màu đen trong người ông, ông chỉ dỏng tai nghe khoảng trống trong cơ thể ông, giống như ông tự nhốt kín trong cái chết của bản thân mình.
Cuối cùng, trong phòng bên có tiếng cười nói vui vẻ, ánh đèn dọi vào ở bên cạnh, tia sáng lọt qua cánh cửa chỉ khép hờ. Ông lão hoảng hốt : vợ ông, con gái ông ! Họ sắp nhìn thấy ông nằm nghỉ trên giường và sẽ hỏi han. Ông cài nhanh cúc áo khoác và áo gi-lê : Họ cần gì phải biết việc ông vừa bị một cơn đau ? Điều đó có bận gì đến họ ?
Nhưng hai người đàn bà không tìm ông : rõ ràng là họ khá vội : chuông báo bữa ăn chiều đã giục đến lần thứ ba. Cả hai có lẽ đang trang sức : ông lão dỏng tai rình nghe từng tiếng cử động của vợ con ông lọt qua cánh cửa hé mở. Họ mở ngăn kéo, tháo nhẫn, tiếng nhẫn để lên bàn nghe rất nhẹ, liền đó tiếng dép quệt nhẹ trên sàn, và trong suốt thời gian trang điểm, họ trao đổi chuyện trò, ác một nỗi từng lời từng lời vẫn cứ như rót vào tai ông lão, nghe rõ mồn một.
Lúc đầu họ nói về mấy ông bạn nhảy, chế giễu bọn chúng và về vài chuyện bất ngờ vặt vãnh trong cuộc đi dạo bằng xe.
- Ba đâu rồi nhỉ ? - Ecna hỏi, cô gái lấy làm ngạc nhiên về việc đã không nghĩ đến cha sớm hơn.
- Mẹ biết đâu đấy ? - Tiếng bà mẹ đáp, rõ ràng là bực bội khi phải trả lời câu hỏi đó - Có lẽ ông ấy chờ mẹ con mình ở dưới nhà, trong phòng lớn; trong lúc ngồi đợi có dễ ông ấy đọc đến lần thứ một trăm bản tin thị trường chứng khoán trong tờ “ Frăng pho nhật báo “ bởi vì ngoài điều đó ra, không có gì làm ông ta hứng thú hết. Con có tin là ông ta đã có lần nào ngắm mặt hồ không ? Ông ấy nói với mẹ trưa nay là ông không thích ở đây nữa. Ông ấy còn muốn cả nhà đi khỏi đây ngay ngày hôm nay.
- Đi ngay ngày hôm nay ! Vì sao vậy ? - Tiếng Ecna hỏi lại.
- Mẹ không biết. Ai mà biết được ông ấy nghĩ cái quái quỉ gì. Các ông bạn của mẹ con ta không vừa ý ông ấy, rõ ràng là ông ta có ác cảm với họ. Cũng có thể ông ta tự thấy mình lạc điệu giữa bọn họ. Quả thật là xấu hổ về cách ăn mặc của ông già, áo quần lúc nào cũng nhầu nát, cổ áo thì quăn queo... Con phải nhắc và khuyên ông ấy nên ăn mặc cẩn thận hơn một chút, ít nhất là vào buổi tối, bởi con nói ông già còn chịu nghe. Lại còn sáng nay nữa chứ... mẹ chỉ muốn chui xuống đất cho khỏi ngượng, lúc ông ta chửi bới ầm ĩ chỉ vì ngài sĩ quan hỏi mượn ông bao diêm...
- Vâng, nhưng thế là thế nào hở mẹ ? Con định hỏi lại ba xem, lúc đó ba làm sao thế nhỉ ? Chưa bao giờ con thấy ba như vậy, con hoảng quá.
- Ôi dào ! Bực bõ cái gì đấy thôi. Có thể là giá hối đoái hạ xuống; cũng có thể do chúng mình nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp cũng nên. Cứ thấy người khác vui vẻ là ông ta không chịu nổi. Con không thấy ư, trong lúc chúng ta nhảy, ông ấy đứng trên ngưỡng cửa cứ như là tên sát nhân nấp sau một thân cây. Đi ! Đi khỏi đây ngay lập tức ! Mà chỉ vì đột nhiên ông ta nổi cơn hâm thế thôi. Nếu ông ta không thích ở đây thì cũng chẳng phải vì thế mà mẹ con ta phải chịu bỏ thú vui tiêu khiển của mình. Nhưng thôi, ông ta lẩm cẩm thì mặc ông ta. Cứ kệ cho ông ấy muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm.
Câu chuyện ngừng lại. Có lẽ vì trong lúc chuyện trò, họ đã trang điểm xong để đi ăn bữa chiều. Quả vậy, cánh cửa bật mở và lúc này họ ra khỏi phòng. Có tiếng “ tách “ của công tắc điện và đèn tắt. Ông lão ngồi lặng ngắt trên ghế đi văng. Ông đã nghe rõ từng lời, nhưng lạ một nỗi, ông không hề cảm thấy đau đớn chút nào. Trong ngực ông cái chuyển động quái ác như máy đồng hồ ban nãy còn vang lên đều đều trong ngực ông và cấu xé ông, bây giờ đã câm bặt. Có lẽ máy đã vỡ tan rồi. Câu chuyện ông vừa bất chợt nghe được không làm ông rung động một chút nào nữa...
Không chút giận dữ, không chút hận thù. Không còn gì hết. Ông yên lặng cài cúc áo quần, cẩn thận bước xuống cầu thang và ngồi vào bàn ăn bên cạnh vợ con, y như họ là những người xa lạ.
Tối hôm ấy ông không nói một lời. Hai mẹ con không hề để ý đến sự yên lặng đó, nó như một quả đấm hăm dọa hằn học.
Không chào, không hỏi, ông trở về buồng mình, nằm lên giường và tắt đèn. Khuya lắm vợ ông mới trở về sau cuộc chuyện trò vui vẻ, đoán là ông đã ngủ, bà thay quần áo trong bóng tối. Lát sau, ông đã nghe thấy hơi thở nặng nề và đều đều của bà. Ông lão nằm trơ trọi một mình, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không vô tận của đêm tối. Bên cạnh ông, một vật gì lù lù nằm trong bóng tối và thở sâu. Ông cố gắng lắm mới nhớ lại được cái thân thể cùng thở một bầu không khí trong cùng một căn buồng với ông là cái thân thể mà ông đã biết từ khi nó còn trẻ trung và nồng nhiệt đã cho ông một đứa con, một tấm thân đã gắn với ông bằng mối liên hệ bí hiểm và sâu xa nhất của máu huyết. Ông lại phải cố gắng nữa mới nghĩ được rằng cái con người ấm áp và mềm mại đang nằm bên cạnh ông, tay ông có thể sờ thấy được, đã từng là một cuộc đời trong đời ông. Nhưng kỳ lạ thay, kỷ niệm đó không hề gợi lên trong ông một tình cảm nào. Và tiếng thở của bà đối với ông không khác gì tiếng rạt rào của những gợn sóng lăn tăn dội vào đá sỏi bên bờ hồ mà ông nghe vọng qua cửa sổ. Tất cả trở nên xa xôi và vô nghĩa đối với ông; nó chỉ còn là một cái tình cờ, bất thần và xa lạ. Thế là hết, mãi mãi hết rồi.
Tuy nhiên, ông lại rùng mình một lần nữa : cánh cửa buồng con gái ông ở phòng bên có tiếng mở nhẹ nhàng và vụng trộm : “ Thế là nó lại bắt đầu ! “ Và ông cảm thấy trái tim ông mà ông tưởng là đã chết lại nhói lên một cái đau nhức nhối. Ở đó, trong một giây, có cái gì rung lên như một sợi thần kinh trước khi hoàn toàn tê liệt. Cảm giác đó cũng qua đi ngay tức khắc.
- Thôi, mặc nó muốn làm gì thì làm. Có bận gì đến ta nữa đâu ?
Và ông lão lại ngã vật xuống gối. Bóng đêm nhè nhẹ ve vuốt hai bên thái dương nhức nhối của ông và có cái gì xanh mát tràn vào máu ông đem lại sự bình yên. Rồi giấc ngủ nhẹ nhàng đưa mọi giác quan đã mòn mỏi của ông chìm trong đêm tối.
*
* *
Sáng hôm sau lúc thức dậy, bà vợ đã thấy ông mũ áo chỉnh tề.
- Ông làm gì vậy ? - Bà hỏi, giọng còn đang ngái ngủ.
Ông không quay lại và thản nhiên tiếp tục xếp quần áo ngủ vào va-li.
- Bà biết rồi, tôi thu xếp đi về. Tôi chỉ mang theo những thứ cần thiết, còn lại thứ gì bà gửi sau về cho tôi.
Vợ ông phát hoảng. Thế là thế nào ? Chưa bao giờ bà nghe thấy ông nói với cái giọng như vậy : mỗi lời ông nói ra đều giá băng và rít lên giữa hai hàm răng. Bà đứng vội lên và nói :
- Ông chưa đi chứ ? Hãy khoan, đợi mẹ con tôi cùng đi. Tôi đã bảo con Ecna rồi.
Nhưng ông lắc đầu quầy quậy :
- Không... không... khỏi phiền bà.
Và không ngoái lại, ông lần từng bước ra phía cửa. Muốn xoay núm cửa, ông phải đặt va-li xuống sàn nhà một lúc. Trong giây lát rung động ấy, ông nhớ lại có đến hàng ngàn lần, ông đã phải đặt va-li hàng mẫu xuống như thế này ở cửa nhà người ta trước khi đi ra, vồn vã cúi gập người chào khách hàng, khúm núm đề nghị lần sau khách cần gì xin cứ vời đến mình. Nhưng ở đây, không có gì phải cầu xin và cũng không cần phải chào ai cả. Không nhìn lại, không nói một lời, ông nhấc cái túi du lịch lên, kéo cánh cửa nhưkéo tấm rào ngăn cách giữa ông và quãng đời quá khứ của mình.
*
* *
Bà mẹ và cô con gái không hiểu hết sự tình, nhưng việc ông lão bỏ đi đột ngột, lạ kỳ như vậy, làm cả hai mẹ con lo ngại. Liền sau đó, họ viết cho ông những bức thư thanh minh dài dòng, cho rằng có sự hiểu lầm, lời lẽ trong thư khá là âu yếm; họ ân cần hỏi han ông đi ra sao, về đến nhà thế nào, và đột nhiên họ ngỏ ý sẵn sàng trở về bất cứ lúc nào. Ông không trả lời. Họ lại viết thư tha thiết hơn, họ đánh điện cho ông : vẫn tuyệt nhiên không có hồi âm. Họ chỉ được phòng giấy của ông gửi đến cho số tiền mà họ hỏi xin trong một bức thư. Đó là ngân phiếu đóng dấu của hãng buôn, không một lời giải thích, không một câu thăm hỏi nào kèm theo.
Tình thế khó hiểu và nhục nhã như vậy khiến cả hai nhanh chóng trở về. Mặc dầu họ đã đánh điện báo tin ngày về, nhưng chẳng ai ra ga đón họ, ngay cả tại nhà cũng chẳng chuẩn bị gì để đón họ cả : theo gia nhân kể lại, ông lão lơ đãng để bức điện trên bàn và bỏ đi không một lời dặn lại.
Buổi tối, hai mẹ con đã ngồi vào bàn ăn thì có tiếng cửa mở. Cả hai nhảy bổ đến trước mặt ông. Ông ngạc nhiên nhìn họ, rõ ràng là ông quên khuấy bức điện, nhưng vẻ mặt ông không biểu lộ chút tình cảm đặc biệt nào. Ông dửng dưng để con gái hôn và đưa ông sang phòng ăn, tại đấy, ông mặc cho họ nói, không hỏi lại câu nào. Ông yên lặng hút thuốc, đôi khi trả lời nhát gừng, nhưng thường không để ý đến câu hỏi của họ, cũng không để tâm đến lời họ nói; có thể cho rằng ông ngủ trong khi mắt vẫn mở. Rồi ông ì ạch đứng dậy, đi về buồng riêng. Những ngày sau đó, cũng vẫn như vậy.
Bà vợ lo ngại tìm cách bắt chuyện với ông, nhưng vô ích, bà càng gợi chuyện thì ông càng lảng tránh. Có cái gì trong ông đã khép kín lại rồi, không có cách nào mở được. Nẻo đường dẫn vào tâm hồn ông đã bị chặn lấp. Ông vẫn tiếp tục ăn uống với vợ con. Khi có khách đến chơi, ông vẫn ngồi đó một lát, đắm chìm trong suy tưởng. Ông không quan tâm gì hết và giữa câu chuyện, bất chợt có người nhìn vào mắt ông, họ cảm thấy bứt dứt khi bắt gặp cái nhìn đờ đẫn như mắt người chết của ông lướt qua họ mà có vẻ không nhận ra ai.
Ngay cả những người xa lạ nhất cũng nhận thấy ông lão mỗi ngày một thêm kỳ quặc. Những người quen biết ông khi gặp ông ngoài đường phố đã bắt đầu kín đáo huých tay nhau : ông già, một trong những người giàu nhất thành phố, đi dọc theo bờ tường như thằng ăn mày, mũ nhàu nát, đội lệch, áo khoác đầy tàn thuốc lá lần từng bước loạng choạng đến lạ kỳ và thường khi lẩm bẩm một mình. Có ai chào, ông ngước nhìn hoảng hốt; có ai hỏi, ông nhìn trừng vào mắt họ như không hiểu người ta nói gì với mình và ông quên giơ tay ra bắt. Lúc đầu có người cho rằng ông lão bị điếc và họ gào to, nhắc lại lời họ vừa nói. Nhưng không phải ông điếc, bao giờ ông cũng mất một lúc để ra khỏi giấc ngủ nội tâm mà ông đang triền miên trong đó, và nhiều khi ngay cả lúc đang nói chuyện, ông lại rơi vào trạng thái ngây dại đặc biệt. Lúc đó, đột nhiên ánh mắt ông tắt lịm, ông vội vàng cắt đứt câu chuyện và lảo đảo bỏ đi, không để ý đến sự chưng hửng của người đối thoại với mình. Lúc nào ông cũng như vừa thoát khỏi giấc mơ mịt mù hoặc vừa dứt ra khỏi nỗi bận tâm u ám của riêng mình. Người ta thấy đối với ông, mọi người xung quanh không còn tồn tại nữa. Ông không hỏi thăm tin tức của ai hết. Ngay trong nhà ông, ông không để tâm đến sự thất vọng rầu rĩ của bà vợ, cũng không quan tâm đến những câu hỏi băn khoăn của cô con gái. Ông không hề đọc bất cứ tờ báo nào, không để tai nghe bất cứ câu chuyện nào. Không một lời nói, không một câu hỏi nào có thể phá tan tấm màn rầu rĩ của sự thờ ơ bao phủ quanh ông, dù chỉ trong chốc lát. Ngay cả cái giới xã hội mà ông quan tâm nhất - giới thương mại - đối với ông cũng trở nên xa lạ.
Đôi khi ông còn đến ngồi bàn giấy lãnh đạm ký giấy tờ. Nhưng một giờ sau, khi người thư ký vào nhận lại giấy tờ giao dịch, anh ta vẫn thấy ông lão ngồi đúng tư thế như lúc anh đi ra, đang mơ màng, với cái nhìn trống rỗng bên trên đống giấy mà ông không buồn đọc. Cuối cùng, ông tự thấy mình là người hoàn toàn vô ích và ông không tới làm việc nữa.
Nhưng điều lạ lùng nhất, làm cả thành phố ngạc nhiên : ông lão chưa bao giờ là tín đồ ngoan đạo của giáo khu, bỗng trở nên con người sùng tín. Trong khi ông tỏ ra thờ ơ với mọi sự đời và luôn luôn sai giờ ăn, trễ giờ hẹn, thì ông lại không hề vắng mặt buổi nào ở nhà thờ vào giờ nhất định : Ở đó, đội mũ lụa đen, khoác trên vai áo choàng cầu nguyện, bao giờ ông cũng ngồi ở một chỗ nhất định, đúng chiếc ghế, vừa lắc lư, vừa tụng thánh kinh. Tại đây, ở cái nơi
nửa hoang vắng này, nơi mà những lời cầu nguyện vang lên dị thường và u buồn quanh ông, ông cảm thấy dễ chịu hơn cả, một mình với chính mình và những lúc đó sự bằng an tỏa xuống tâm trí rối loạn của ông, hòa hợp tốt lành với bóng tối trong lồng ngực của chính ông. Nhưng nếu người ta đọc kinh cầu hồn cho người chết, và khi ông không thấy cha mẹ, con cái, bạn bè thân thích của người quá cố xúc động vì trách nhiệm mình đã làm tròn với người đã khuất, và họ nghiêng mình làm lễ cầu xin Thượng đế khoan dung cho người xấu số, mắt ông thường tối sầm lại : ông tự biết ông là người cuối cùng. Sẽ không có ai cầu nguyện cho ông một lời. Và thế là ông thầm thì cầu kinh một cách sùng kính cùng mọi người, nhưng vừa làm ông vừa nghĩ đến bản thân như nghĩ đến người đã chết.
Có lần, đã khuya, ông vừa đi lang thang đâu về, trời bắt đầu mưa. Như mọi ngày, ông quên mang ô. Chỉ cần ít tiền là ông có thể thuê được xe về, hoặc chỉ cần đứng trú chân dưới một cánh cổng hay một mái che nào đó, chờ cơn mưa rào tạnh hẳn, nhưng ông lão kỳ quặc này vẫn thản nhiên tiếp tục chân nam đá chân chiêu bước đi dưới trời mưa. Trên chiếc mũ dúm dó đọng lại một vũng nước, chảy xuống, còn từ cánh tay áo ướt đẫm, nước xối xuống chân như suối. Ông không để ý, cứ tiếp tục lật đật bước đi một mình trên đường phố vắng tanh. Toàn thân ông ướt sũng, nước chảy ròng ròng, giống như một tên du đãng hơn là chủ nhân một biệt thự đồ sộ, nơi ông sắp trở về. Vừa đến cổng nhà thì đúng lúc một chiếc ô tô rọi chùm ánh sáng đèn pha ra phía trước, dừng lại ngay cạnh ông và lùi lại, làm bắn tung tóe nước bùn vào người khách bộ hành lơ đễnh.
Cửa xe bật mở và từ trong xe có điện sáng, bà vợ ông nhanh nhẹn bước xuống, theo sau là ông khách sang trọng cầm dù che cho bà, rồi đến một ông nữa. Họ chạm trán nhau đứng trước cửa nhà. Bà vợ nhận ra ông và hoảng sợ khi thấy quần áo ông sũng nước, trông không còn ra hình thù gì nữa, giống như một gói đồ vừa vớt dưới sông lên. Bất giác bà quay đi. Ông lão hiểu ngay : bà ta xấu hổ vì ông trước mặt bọn khách. Và không xúc động, không một chút đắng cay, lại muốn tránh cho bà khỏi phải giới thiệu ông với khách, ông dấn thêm mấy bước như một người lạ, đi lối cửa phụ (1) và lặng lẽ vào nhà.
Từ hôm ấy ngay trong nhà mình, ông lão chỉ đi lại bằng cửa phụ : ở đấy, ông chắc chắn là không gặp ai, ở đấy ông không làm phiền ai, mà cũng không ai làm phiền ông cả. Ông cũng thôi không ăn ở bàn ăn chung nữa. Đến bữa, một bà giúp việc mang đồ ăn đến buồng riêng cho ông. Một vài lần, khi bà vợ hoặc cô con gái thử lân la vào gần ông, ông cằn nhằn, đẩy họ ra bằng những cử chỉ lúng túng nhưng kiên quyết. Cuối cùng, họ để mặc ông một mình. Họ mất cả thói quen chăm sóc ông, và ông cũng thôi không bận tâm gì đến mọi việc xảy ra trong nhà nữa. Thường thường qua cái vách ngăn, tiếng ồn của những chuỗi cười và đàn địch từ các căn buồng vẫn lọt đến tai ông, nhưng bây giờ đã trở nên xa lạ đối với ông. Ông nghe thấy ở bên ngoài tiếng xe tiến đến trước cửa, rồi lại ầm ĩ kéo đi, cứ như thế cho đến tận một giờ sáng. Nhưng ông dửng dưng với tất cả mọi chuyện, chẳng buồn ngó qua cửa sổ bao giờ. Điều đó có quan hệ gì đến ông nữa. Chỉ có con chó đôi khi còn đến gần ông và nằm ngay trước giường của con người bị bỏ quên.
*
* *
Trái tim đã chết của ông không còn cảm thấy gì đau đớn nữa. Nhưng trong cơ thể ông, con chuột chũi đen thui vẫn tiếp tục đào bới và cắn xé hung dữ làn da thịt còn máy động của ông. Những cơn đau cứ nhiều thêm từ tuần này sang tuần khác : Cuối cùng cực hình trở nên quá lớn đến nỗi ông phải nghe lời năn nỉ của thầy thuốc mời một bác sĩ chuyên khoa thăm bệnh. Sau khi thăm bệnh, vị giáo sư vẻ mặt nghiêm trọng. Với thái độ dè dặt khôn khéo, giáo sư tuyên bố cần phải giải phẫu. Nhưng ông lão không hề hoảng sợ. Ông chỉ buồn bã mỉm cười : Ơn trời, đã đến lúc sắp sửa kết thúc, kết thúc cơn hấp hối. Bây giờ, giải pháp tốt nhất đã đến : Cái chết. Ông yêu cầu thầy thuốc không nói gì cho gia đình ông biết. Ông hỏi ngày giờ và sửa soạn sẵn sàng.
Một lần cuối cùng, ông đến phòng giấy (ở đây không ai đợi chờ ông nữa và mọi người đã coi ông như một người xa lạ). Ông ngồi một lần nữa vào chiếc ghế bành cao, cũ kỹ, bọc da đen mà trong ba mươi năm qua ông đã ngồi ở đó hàng nghìn, hàng nghìn giờ, ông bảo lấy quyển ngân phiếu và viết vào một trang. Ông mang tờ ngân phiếu đến ông thị trưởng làm ông ta phát hoảng vì tổng số tiền quá lớn. Số tiền này dùng cho công việc từ thiện và cho việc xây dựng mộ ông. Để tránh mọi lời cảm ơn, ông vội vã cáo lui, bước loạng choạng đến nỗi đánh rơi cả mũ, nhưng ông cũng chẳng buồn cúi xuống nhặt nữa. Và đầu để trần, mắt nhìn buồn bã, khuôn mặt nhăn nhúm và vàng vọt vì bệnh tật, ông lật đật (mọi người ngạc nhiên nhìn ông) đi đến nghĩa trang, nơi có mộ cha mẹ ông. Tại đây, một vài kẻ ăn không ngồi rồi lại ngạc nhiên lần nữa : ông thầm thì thật lâu với những phiến đá trên mộ đã bị xói mòn như nói chuyện với người đang sống. Không biết ông báo tin cho song thân ông biết ông sắp đi theo họ, hay là ông cầu xin các người phù hộ cho ông... Không ai nghe rõ ông nói gì : chỉ thấy trong lúc ông cầu nguyện, cặp môi mấp máy không thành tiếng, và đầu ông đung đưa, cúi gầm mãi xuống. Khi đi ra, những người ăn xin vốn biết rõ ông, chạy vội đến xúm xít quanh ông. Ông vội vàng móc túi lấy ra những đồng tiền và những tờ giấy bạc cho họ. Vừa lúc ông đã phân phát hết tiền thì một bà già mặt mũi nhăn nheo cũng đến xin ông. Bà ta đến chậm vì chân khập khiễng. Bối rối, ông lục hết các túi mà không còn gì. Nhưng ở ngón tay ông còn cảm thấy vướng víu một vật lạ, nằng nặng : chiếc nhẫn cưới của ông. Một kỷ niệm thoáng qua. Ông vội vàng tháo nhẫn và đưa cho người đàn bà làm bà ta sững sờ.
Thế là, không còn lại một chút gì cho bản thân mình, hoàn toàn trắng tay và trơ trọi một mình, ông lão bước lên bàn mổ.
*
* *
Khi ông lão tỉnh lại lần cuối, thoát khỏi tình trạng gây mê, các thầy thuốc thấy tình hình nghiêm trọng, cho gọi vợ con ông đến. Lúc ấy, vợ và con gái cũng đã biết tin. Con mắt ông khó nhọc lắm mới nhấc nổi cặp mi viền quầng xanh.
- Tôi ở đâu thế này ? - Hình như ông nói vậy, mắt đăm đăm nhìn thẳng vào màu trắng xa lạ của căn phòng mà ông chưa thấy bao giờ.
Lúc ấy con gái ông cúi xuống toan đưa tay vuốt ve gương mặt tàn tạ đáng thương của ông thì bỗng nhiên đồng tử lờ đờ như mắt người mù động đậy, dường như nó nhận ra con người đứng đó. Có ánh sáng, một chút ánh sáng hé lên trong con ngươi. Đúng là nó đấy, con gái ông, đứa con gái dịu dàng và xinh đẹp. Từ từ, rất từ từ, cặp môi cay đắng của ông hé ra : một nụ cười, một nụ cười rất nhỏ nhẹ rụt rè thoáng hiện trên cái miệng mím chặt của ông đã mất thói quen cười từ lâu. Và thực sự xúc động trước nỗi vui mừng cực nhọc đó, Ecna cúi nữa xuống để hôn cặp má nhợt nhạt của cha.
Nhưng bỗng nhiên - không biết vì mùi thơm nhàn nhạt của nước hoa làm ông nhớ lại, hay là bộ óc đã gần tê liệt làm ông nhớ lại cái giờ phút phũ phàng mà ông đã lãng quên - nét mặt ông một lát trước đó còn rạng lên niềm hạnh phúc, đột nhiên biến đổi một cách đáng sợ. Đôi môi nhợt nhạt co dúm lại đầy hận thù dữ dội trong khi bàn tay ở dưới chăn đang cố gắng nhấc mạnh lên như để xua đuổi một vật gì ghê gớm và toàn thân bị thương tổn của ông run lên vì giận dữ.
- Lùi ra... lùi ra... cặp môi nhợt nhạt của ông lão lắp bắp những âm thanh rời rạc nhưng rõ ràng.
Và nỗi ghê tởm biểu lộ dữ dằn trên nét mặt co giật của ông lão mà ông không kìm giữ được nữa đến nỗi thầy thuốc lo ngại phải gạt hai người đàn bà ra.
- Ông già mê sảng rồi - thầy thuốc nói nhỏ nhẹ - và bây giờ tốt hơn hết là các bà để ông ấy nằm một mình.
Hai người đàn bà vừa ra khỏi thì nét mặt co dúm của ông bỗng giãn ra, bất động trong trạng thái đờ đẫn vô hồn. Vẫn còn tiếng thở, tiếng thở khò khè, mỗi lúc một sâu hơn hắt ra từ lồng ngực, đang tìm cách hút lấy cái không khí nặng nề của sự sống. Nhưng chẳng bao lâu tiếng thở ấy cũng chán cả việc hút lấy cái thức ăn cay đắng của loài người.
Và khi người thầy thuốc thận trọng đặt tay lên thi thể ông, trái tim tan nát của ông đã ngừng đập, giải thoát cho ông lão khỏi đau khổ.
Chú thích :
(1) Cửa ra vào của người giúp việc.ND
HẾT