Chương 6
Tác giả: Tạ Duy Anh
Sự xuất hiện một cách đường đột của các nhân vật trong câu chuyện này khiến những người nóng ruột muốn biết chuyện gì xảy tiếp ở phố G cảm thấy bực tức. Xin quý vị cứ bực tức đi, bực tức thay cho cả tôi, bởi vì, quả thật, chính tôi cũng đang nóng ruột trở lại công việc chính. Nhưng khi ta muốn ra khỏi nhà mà ai đó lại đứng chắn ở cửa thì, vì sự nhã nhặn, khó mà không hỏi họ một câu: Anh cần gì ạ?
Trường hợp ông Bân, với tôi, chính là vị khách ấy. Vì vậy xin quý vị - những người giàu lòng thể tất - nếu không thì biết bao nhà văn, nhà thơ của chúng ta chết sẽ không có chỗ chôn - nán đợi tôi thêm một lát.
Hôm đó, sau khi đi dạo về - từ hôm tiến sĩ N tự tử, tôi đâm ra thích đi dạo một mình trên hè phố, không muốn gặp ai, không thích ai gặp. Tôi bước lặng lẽ, vô định, đôi khi chỉ thấy những chiếc lá đuổi nhau trên đường, hoặc một đám mây vụt sáng lên như từ đó sắp bay ra một thiên thần - Tôi nhận được một lá thư, giọng điệu khá kỳ quặc so với các mẫu thư xã giao. Nội dung lá thư như sau:
Mong anh thứ lỗi vì sự quấy quả này. Nhưng tôi đã tìm anh từ lâu và giờ đây, dù đổi giá nào tôi cũng không nhường anh cho ai. Tôi giới thiệu tôi với anh e hơi sớm và khó lòng để anh hình dung được tôi thế nào với công việc mà tôi đang theo đuổi. Vậy thế này, trưa mai lúc 11 giờ, tôi mời anh dùng bữa với tôi ở quán Bạn của văn chương - hẳn anh không lạ chỗ đó, theo tôi thì nó rất hợp với tạng của chúng ta - Tôi ngồi một mình ở bàn số 3. Anh chỉ cần bước vào là tôi nhận ra anh ngay mặc dù tôi chưa có hân hạnh biết mặt anh. Tôi rất vui mừng được tiếp kiến anh và rất sợ bị từ chối.
Bạn của anh
Trần Bân.
Tôi đặt lá thư xuống, lại cầm lên, cố tập trung suy nghĩ về những lời ghi trong thư nhưng không tìm thấy ý nghĩa gì đặc biệt. Có thể lại thêm một kẻ hiếu kỳ nào đó? Ðiều này tôi vẫn thường gặp, thông thường qua điện thoại. Ai đó gọi cho tôi, hỏi rõ tên tuổi rồi mới rú lên: "Anh đấy à? Ðúng là anh rồi!" tưởng như chúng tôi đã quen nhau từ hàng chục năm. Sau đó là một tràng tán thưởng bài viết nào đó của tôi, đôi khi chính tôi cũng không nhớ. Làm sao có thể nhớ được bài đó, bài ấy, bài hôm nọ, bài trứ danh... tôi viết về cái gì? Nhưng vị độc giả nào đó thì nhớ cặn kẽ, nhớ từng chi tiết. Bao giờ tôi cũng bị hỏi, đại loại: "Anh sắp cho nhau xơi món gì đấy?". Tôi cố nhã nhặn đáp: "Xin cảm ơn và xin vui lòng chờ".
Bao giờ tôi cũng đặt máy trong tâm trạng của người vừa thoát một cuộc rượt đuổi. Thú thực tôi rất mệt mỏi khi phải đáp lại những quan tâm kiểu đó. Tôi thường thầm rủa họ là những kẻ thừa thời gian, vô công rồi nghề, hiếu sự... Bởi vì chỉ riêng việc y đọc báo một cách kỹ lưỡng, đọc thuộc lòng từng đoạn, đã biết y là loại người nào rồi. Chả lẽ lại bảo thẳng cho y biết, ngay bài của tôi tôi cũng không đủ kiên nhẫn đọc lại, còn các loại báo chỉ cần đọc đầu đề đã là quá hạ mình rồi.
Nhưng lời lẽ trong thư có cái giản dị của một người từng trải. Chỉ có điều nó vẫn hơi bí ẩn vì thế đã có lúc tôi lóe lên ý nghĩ có thể y là tay chân của mụ chủ tiệm vàng? Sau khi dìm bài báo viết sẵn của chồng mụ vào hố ga, tôi cũng quên ngay sự kiện nhục nhã đó, thề sẽ không bao giờ phạm lại sai lầm. Chả lẽ mụ chịu nhục đơn giản thế? Tôi đọc lại lá thư và chính ý nghĩ ấy khiến tôi quyết định nhận lời với một kẻ chưa biết mặt.
Ông Bân hơi già so với tuổi, gương mặt nhầu nhĩ, đặc biệt trán như bị đào rãnh. Cặp mắt ông chỉ có thể ví như hai cái hố chứa những gì mà một người hạnh phúc ghê sợ.
- Tôi tìm anh đã lâu - ông chìa tay ra một cách cởi mở. Tôi cảm nhận từ tay ông khá nhiều điều: Sự nồng ấm, một người từng trải và dễ bị tổn thương, nói chung có thể tin cậy được - Tôi tìm anh suốt - ông nhắc lại như thể làm cho tôi hiểu rằng cuộc gặp này rất quan trọng với ông - cảm ơn bạn đã tin cậy và hạ cố nhận lời mời của tôi.
- Tôi muốn biết, tóm lại, xin không khách khí, tôi có thể giúp gì cho ông, kể cả để ông có một "món" tráng miệng.
Tôi cảm thấy, có lẽ do bối rối mà mình đùa không được nhã lắm, dễ gây hiểu lầm. Không ngờ mắt ông Bân hân hoan hướng vào tôi:
- Tuyệt vời! Từ "món" thật đúng là từ mà tôi tìm để diễn đạt điều tôi cần ở anh. Chà, kể như cuộc tìm kiếm của tôi đã được đền đáp. Tôi sẽ "dọn" anh cho bọn họ xơi mà không cần sơ chế...
Ông Bân thích chí cười to và tôi nhận ra thêm ở ông nét hồn nhiên của một thi sĩ.
Nhà hàng đưa thức ăn đến. Ông Bân chờ cho cô tiếp viên quay đi mới nói tiếp:
- Tôi là nhà văn. Anh đừng nghĩ tôi hợm hĩnh, khoe khoang bởi vinh quang nỗi gì cái danh hiệu nhà văn ở thời buổi này. Chẳng qua tôi muốn anh biết tôi là hạng người nào ngay từ đầu. Ðiều muốn nói tiếp với anh là tôi đang đi tìm nhân vật cho mình. Cụ thể tôi đang viết một cuốn sách, trong đó nhân vật chính là một thanh niên có tài, hơi khác người ở chỗ anh ta chuyên đi sưu tầm các kiểu chết: chết do bị giết; chết vì tai nạn; chết bởi không biết sống thêm để làm gì; chết vì sợ; chết vì sướng quá; chết vì tình, vì tiền; chết bởi quyền lực; chết bởi bạn bè; chết do thắt cổ, trầm mình, uống thuốc độc; chết bằng dao, bằng chun quần phụ nữ; chết vì thua kiện; vì hóc xương gà; chết vì sám hối, vì thấy vô nghĩa; chết như thánh thần, như trâu chó v.v... Nghĩa là những cái chết thể xác. Anh đừng nghĩ tôi bắt chước Gô-gôn. Tôi chỉ tự hào được giống Gô-gôn bởi cũng mắc bệnh trĩ như ông! - Sẽ có dịp tôi nói với anh về loại bệnh đầy ân sủng này. Tôi hứa là sẽ có lúc quay lại chủ đề vui vẻ và bổ ích ấy, cũng như chuyện xét giải thưởng ở ta - Trở về với nhân vật của tôi, nhờ miệt mài mà hắn có một bộ sưu tập khá dày dặn về những cái chết. Song sự việc không dừng lại ở đó. Trong khi đi tìm những cái chết với hy vọng hiểu được bi kịch của thời đại, hắn luôn luôn bị những hoàn cảnh gợi hắn nhớ về quá khứ, nơi hắn trở thành nhân vật chính. Bí mật của câu chuyện mở ra ở đây - ông ta nhìn tôi một cách hứng khởi - Bởi vì, cùng với việc chìm vào dòng hồi ức triền miên, những gì chi phối cuộc sống của chúng ta dần dần hiện lên. Nó là thiết chế quyền lực, sự trớ trêu của lịch sử, những cuộc biến đổi, những ảo tưởng cũng như những ngẫu hứng điên rồ của tư tưởng... đã vùi con người xuống đáy cùng trong khi bản thân hắn cũng góp phần tạo ra bi kịch ấy. Cuối cùng cuộc tìm kiếm thật sự, cuộc tìm kiếm bi thảm nhất chính là tìm kiếm cái chết của chính nhân vật. Hắn chết, tức là giấc mơ của con người tắt giụi kéo theo sự sụp đổ cái thế giới, với bát nháo các loại tư tưởng, nơi mà hắn nương náu. Chủ đề mà tôi theo đuổi là khi lịch sử phụ họa cho các cuộc phiêu lưu mang con người ra thể nghiệm, tất yếu nó đẩy con người đến chỗ là kẻ thù của tương lai. Nó tạo ra một thế giới vong thân, vong bản, và đó là cái chết kinh khủng nhất, cái chết không có cơ hội phục sinh.
Tôi để mặc cho ông ta nói.
- Tôi suy nghĩ về điều đó từ khá lâu - ông tiếp tục - Thú thật với anh, cuộc đời tôi luôn luôn bị đẩy tới những khúc ngoặt đau đớn. Hồi bé tôi ảnh hưởng tư tưởng của cha tôi có tên là Láo toét. Ngoài sự hiện tồn dưới dạng vật chất, còn lại, theo ông đều là hậu quả của sự láo toét! Thánh thần, ma quỷ, những giấc mơ, nỗi buồn... đều do láo toét mà ra. Hồi đó cha tôi có một ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Ðám đông do ông dẫn dắt chỉ coi trọng đánh chén và làm tình. Họ bị chi phối bởi sức mạnh bản năng tăm tối. Họ hiếu sát, thích tàn phá, tham lam, vô trách nhiệm. Với họ, quá khứ, tương lai, vẻ đẹp tinh thần, sự tôn kính... là một thứ cứt. Mỗi khi kéo nhau đi tàn phá, họ gào lên cứt! cứt! Tôi cũng gào theo: cứt! cứt!
Thế rồi xảy ra một việc khiến tôi bị tổn thương ghê gớm: Ðó là việc đám đông quyết định chôn sống con bé bạn tôi vì cả quyết nó mang theo bệnh hủi của bố và mẹ nó - những người đều chết trong đau đớn và bị ruồng bỏ. Nó xinh đẹp, da dẻ hồng hào, và với tôi nó sạch sẽ nhất trên đời. Làm sao nó lại mang những con hủi trong tim gan, như mọi người nói được? Và không lý luận dài dòng, một buổi chiều họ lừa con bé ra nơi có chiếc hố đào sẵn đã được rắc vôi bột rồi hùa nhau đẩy nó xuống. Cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ không khí hào hứng của mọi người khi hô lên:
- Cứt nát... hai ba! Nhanh tay lên! Ðả đảo bệnh hủi!
Không hiểu sao vào giây phút ấy, khi biết rõ sự thật, con bé chỉ gào tên tôi, muốn tôi cứu nó. Nhưng cả một trận mưa đất đã vùi nó trong nháy mắt. Vật bị lấp cuối cùng là hai bàn tay nó - hai bàn tay mà tôi vẫn nắm mỗi khi chúng tôi dung dăng dung dẻ trên đê. Tôi thấy nó chới với cầu xin và vĩnh biệt tôi, chỉ riêng tôi thôi.
Sau khi ở chỗ chôn sống con bé hủi về, tôi lên cơn sốt nóng và chạy nhảy gào thét lung tung. Tôi gào tên con bé bạn tôi và cứ đòi chui xuống mồ với nó. Cha tôi bảo mọi người trói tôi lại, đắp chiếu ướt lên. Khi tỉnh lại tôi thấy mọi người đang bàn tán xem có cần chôn sống nốt tôi không? Cha tôi ngồi im, có lẽ ông đang nhẩm tính xem nếu đẻ bù một thằng như tôi thì có tốn kém quá không, trong khi mẹ tôi tay dao, tay thước dọa đứa nào gan to bằng núi thì hãy động vào tôi. Bà gào vào mặt cha tôi: "Ông là tên sát nhân!".
Tôi không thấy sợ mà chỉ buồn. Lúc bấy giờ tôi mới nghe tiếng trái tim non nớt của tôi thổn thức một cách đau đớn. Anh tin hay không thì tùy nhưng tôi yêu từ lúc lên mười và người yêu của tôi chính là con bé bị chôn sống. Ðó là người yêu đầu tiên, mối tình đầu thần tiên của tôi. Suốt những ngày sau đó tôi chỉ còn biết ngồi khóc thầm một mình. Tôi khóc cho mối tình bị đứt đoạn của tôi, đồng thời cũng là khóc đưa hồn tôi về một cõi khác. Tôi trở thành đứa trẻ câm lặng, đầy mặc cảm, luôn trốn tránh đám đông, luôn luôn bị ám ảnh về cái chết. Tôi căm thù những kẻ chôn sống bạn gái của tôi. Tôi thường nói chuyện với nàng, cầu mong nàng tha thứ. Ðể không ai biết, tôi trốn vào chùa, ngồi yên lặng hàng giờ. Và rồi tôi tin có kiếp sau, một niềm tin không sao cưỡng lại được. Tôi tin bạn gái tôi đợi tôi ở một kiếp khác. Giờ đây thỉnh thoảng tôi vẫn cầu xin Bồ Tát cho lòng mình được yên tĩnh.
Ông ta dừng lại tiếp thức ăn cho tôi.
- Việc tôi cầm bút cũng là một kiểu bị đẩy đến sự lựa chọn đau đớn. Hồi bé tôi chỉ thích cầm kiếm. Cha tôi có một thanh kiếm Nhật và tôi thấy nó đẹp lắm. Tôi thường mân mê nó, lòng khao khát được chém đứt đầu kẻ thù, khi đó là một lão địa chủ hết thời, bị lẫn, ăn cả cứt trâu khô mà không biết. Tôi ao ước được tự tay chém lão một nhát, xách thủ cấp về báo công với vua cha. Vậy mà cuối cùng tôi lại cầm bút, thứ mà tôi cho là vô dụng nhất. Tôi âm thầm viết, như một cách tự giải thoát mình. Và rồi tôi nảy ra ý tưởng viết cuốn sách mà tôi vừa kể. Tôi đặt cho nó cái tên: "Ði tìm nhân vật". Tôi tưởng tất cả do tôi bịa ra. Ai ngờ lại có một nhân vật ngoài đời hành động giống hệt như nhân vật của tôi. Thoạt đầu tôi phát hoảng, sau đó tôi thấy thú vị và lao bổ đi tìm anh ngay.
- Câu chuyện của ông ấn tượng lắm. Bản thân nó là bản tổng kết lịch sử mấy chục năm qua. Nhưng dường như nó chả liên quan gì đến việc ông đi tìm tôi - Tôi bảo ông Bân.
- Sao lại không? Ngược lại, nó rất quan trọng là khác. Anh nhớ cho là tôi vẫn đang đi tìm nhân vật, tức là chưa thấy. Anh đừng nghĩ rằng nó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng thôi, cứ biết là anh đang rất cần cho tôi. Tôi muốn hỏi: Anh lao vào việc sưu tầm những cái chết vì lý do nào, tức là có bị cái gì đó thôi thúc không?
Tôi sợ hãi nhìn ông ta:
- Ðó chính là điều mà cho tới nay tôi không tự giải thích được. Quả thực, hình như tôi có bị thôi thúc bởi một cái gì đó?
- Nhân vật của tôi cũng thế. Hắn cũng tự hỏi nhiều lần vì sao hắn lại lao vào làm việc đó? Thế là cả anh và nhân vật của tôi cùng có chung tâm trạng. Tuổi thơ của anh có bị mặc cảm bởi nỗi sợ chết không?
Tôi giấu được sự kinh ngạc sau câu hỏi của ông ta. Tôi không trả lời thẳng vào câu hỏi của ông mà kể cho ông ta nghe về tuổi thơ của tôi, về một cuộc rượt đuổi bí mật, về cái chết của cụ nội tôi, ông nội tôi, cha tôi và theo trình tự ấy sẽ đến tôi. Ngay cả việc vì sao tôi chưa đến lượt, mặc dù đã được báo trước, cũng là một bí ẩn. Có thể do tôi rời khỏi làng, cũng có thể màn kịch đã chấm dứt.
- Thật là khủng khiếp! Khủng khiếp quá! - Ông Bân thốt lên - Hóa ra sức tưởng tượng của tôi còn thua xa hiện thực cuộc sống. Anh chính là nhân vật của thời đại - ông ta cười - Nhưng mà này, có bao giờ anh đi tìm nguyên nhân của cuộc báo thù ghê gớm ấy không?
- Hồi bé, nỗi sợ hãi đã không cho tôi nghĩ được bất cứ điều gì ngoài ý định chạy trốn. Mẹ tôi bí mật đưa tôi đi khỏi làng sau khi đoạn tang cha tôi. Cho đến nay tôi vẫn chưa trở lại. Ðiều này có lý do của nó. Tôi sợ phải đối mặt với sự thật. Giả dụ nếu cụ, ông, bố tôi từng giết người và việc các vị bị giết chỉ là báo ứng của số phận, thì sao? Tôi sẽ chạy trốn vào đâu? Lịch sử nhiều khi nham hiểm lắm!
- Hẳn là thế - ông Bân gật gù - Tôi cũng nghĩ như anh là không nên hiểu quá kỹ về lịch sử. Nó là chiếc bình quý nhưng đừng có thò tay vào bởi rất có thể một con rắn nào đó sẽ đớp cho anh một phát. Vả lại, bản thân nó chỉ thiêng liêng khi tù mù. Vậy là tôi hình dung ra bi kịch của anh rồi. Khi ông cụ thân sinh ra anh mất, anh được mấy tuổi?
- Tôi đã có thể nhớ được khá nhiều điều. Cái in sâu nhất vào ký ức tôi là vẻ mặt đau đớn của cha tôi khi ông nhìn tôi. Ông thốt lên: Hắn sẽ ăn thịt con tôi mất.
- Hắn là ai? - Bất ngờ ông ta hỏi cái câu tôi từng hỏi mẹ tôi hàng trăm lần. Tôi thoáng rùng mình.
- Trong hình dung của tôi thì hắn là một bóng đen khổng lồ. Tôi chưa bao giờ nhìn vào tận mặt hắn. Sau khi lập mưu đẩy cha tôi vào tù, sau khi biến cha tôi thành thân tàn ma dại, đêm nào hắn cũng lảng vảng quanh nhà tôi khiến cha tôi suy sụp rất nhanh và chết âm thầm trong bóng tối.
- Tuy tôi không bị một gã đàn ông cụ thể săn đuổi như trường hợp của anh, nhưng tôi luôn luôn có cảm giác bị một bóng đen khổng lồ trùm lên. Ðấy là lúc tôi thấy mình đơn độc ngoài lề cuộc sống. Hồi đó anh đã thoát khỏi tay hắn bằng cách nào?
- Tôi không biết. Có vô số điều tù mù - như đã nói - mà tôi không dám làm sáng tỏ. Sau khi rời làng, mẹ tôi có lẽ theo ý nguyện của cha tôi muốn tôi lớn lên mà không bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi, vì thế bà không bao giờ nhắc đến bi kịch của gia đình tôi.
- Trước khi mất bà có hé thêm điều gì không?
- Bà chỉ bảo: Cha và mẹ sẽ che chở cho con.
- Tôi bắt đầu rối tung rồi đây - ông ta ấp tay lên mặt. Anh khiến tôi phải suy xét lại những ý đồ định đưa vào cuốn sách. Rõ ràng anh đơn thương độc mã, bị bao vây bởi sự tối tăm, thù hận, ngu dốt... và tôi tin cả sự lầm lẫn nữa... ngần ấy thứ hợp sức lại thành một thế lực mà ta gọi là cái ác, nhưng đã không làm gì nổi anh. Ðiều đó chứng tỏ vẫn có một cuộc chiến đấu ngoan cường nào đó chống lại nó. Trong khi đó nhân vật của tôi nhìn thế giới như một chiếc nhà mồ và cảm nhận về cái chết, như một sự kết thúc, là điều tất yếu. Chính anh cho tôi ý nghĩ rằng cuộc tìm kiếm của tôi mới chỉ bắt đầu - ông Bân đột ngột hướng vào tôi:
- Tôi có một đề nghị nhỏ với anh không biết có nên nói ra không?
- Tôi chờ nghe ông đây.
- Thật là một dịp tốt để anh trở về cái làng cũ của anh. Tôi lấy làm lạ rằng tại sao anh không bị thúc bách bởi nghĩa vụ phải tìm cho ra nguyên nhân của thảm kịch gia đình mình, đành rằng, như anh nói, lịch sử có thể chơi xỏ anh.
Im lặng một lát ông ta nói thêm:
- Ðó là lời khuyên của tôi đấy.
- Cảm ơn ông - tôi đáp - dù sao tôi vẫn cần phải có một chút thời gian.