Thay cho lời dẫn
Tác giả: Tchinguiz Aïtmatov
Nghề làm báo đã nhiều lần đưa tôi lên vùng Thiên Sơn, lên những bản làng xa xôi của xứ Kirghizia. Có lần vào mùa xuân tôi đang ở tỉnh lỵ Narưn thì có lệnh khẩn gọi tôi về toà báo. Loay hoay thế nào mà đến bến ô tô thì chuyến xe vừa đi được mấy phút. Muốn đi chuyến sau phải đợi khoảng năm tiếng nữa. Không còn cách gì khác hơn là cố đón đường một chiếc xe nào đi ngang để xin ngồi nhờ. Tôi liền ra đứng chực trên đường cái ở ngoại thị trấn.
Đến một chỗ rẽ ngoặt thì thấy chiếc xe tải đỗ bên cột xăng. Người lái xe lấy xăng xong, đang vặn nắp bình chứa lại. Tôi mừng quá. Trên tấm kính trước buồng lái có đề S.U – Soviet Union – dấu hiệu của các xe liên vận quốc tế. Thế nghĩa là xe này đang từ Trung Quốc về Rưbatsiê, nơi đặt trạm xe liên vận, đến đấy thì tha hồ muốn về Frunze lúc nào cũng được.
- Anh sắp đi chưa? Anh làm ơn cho tôi ngồi nhờ về Rưbatsiê nhé! - tôi hỏi người lái xe.
Anh ta ngoảnh đầu lại, liếc mắt nhìn qua vai, rồi đứng thẳng người dậy nói, giọng điềm nhiên:
- Không được, agai 1 ạ.
- Anh cố cho đi nhờ một tí! Tôi có việc gấp phải về Frunze ngay.
Người lái xe lại liếc nhìn tôi, vẻ mặt lầm lầm.
- Tôi hiểu, nhưng xin agai đừng giận: Tôi không cho ai đi nhờ hết.
Tôi thấy lạ quá. Buồng lái còn chỗ, cho tôi đi nhờ thì có mất gì?
- Tôi là nhà báo. Tôi có việc vội lắm. Anh muốn bao nhiêu tôi cũng xin trả...
- Đây không phải chuyện tiền nong đâu agai ạ! - người lái xe xẵng giọng ngắt lời tôi và giận dữ lấy chân đạp vào bánh xe - Phải khi khác tôi sẽ cho agai đi không. Chứ bây giờ thì... không được. Agai đừng giận. Chỉ lát nữa, còn có nhiều xe chỗ chúng tôi về lắm, agai muốn lên xe nào thì lên, chứ tôi thì xin chịu...
Tôi nghĩ bụng chắc anh ta định đón ai ở dọc đường.
- Thế tôi ngồi sau thùng xe vậy.
- Cũng thế thôi, không được đâu... agai bỏ qua cho tôi...
Người lái xe xem đồng hồ và hấp tấp lên xe.
Lòng hết sức băn khoăn, tôi nhún vai và bỡ ngỡ đưa mắt nhìn người giữ cột bơm xăng, một người đàn bà Nga đứng tuổi, nãy giờ vẫn im lặng ngồi sau cửa ghi-sê theo dõi chúng tôi. Bà ta lắc đầu ý muốn bảo tôi đừng nài nữa. Lạ thật.
Người lái xe leo lên buồng lái, đút một điếu thuốc lá chưa châm vào mồm và mở máy. Trông anh ta hãy còn trẻ, tuổi trạc ba mươi, người cao lớn, hơi gù. Tôi còn nhớ mãi hai cánh tay to, rắn chắc, cầm chặt tay lái và đôi mi mắt mệt mỏi hạ thấp xuống. Trước khi cho xe chuyển bánh anh đưa tay lên vuốt mặt, buông một tiếng thở dài nặng trĩu, và đưa đôi mắt lo âu trông rất khác thường nhìn con đường dẫn vào rặng núi phía trước mặt. Chiếc xe chạy đi.
Người giữ cột bơm xăng rời trạm bước ra. Hình như bà ta muốn an ủi tôi:
- Đồng chí đừng lo, sắp có xe bây giờ đấy.
Tôi lặng thinh.
- Cậu ấy đang có chuyện buồn... câu chuyện dài lắm... Dạo trước cậu ấy ở chỗ chúng tôi, trên trạm chuyển tải...
Tôi không kịp nghe hết câu chuyện của người giữ trạm xăng: một chiếc “Pôbêđa” vừa tới. Mãi hồi lâu, xe chúng tôi mới đuổi kịp chiếc xe tải, gần sát đèo Độ Long. Chiếc xe tải phóng rất nhanh, có lẽ ngay những tay lái xe lão luyện ở vùng Thiên Sơn cũng không được phép phóng như vậy. Không giảm tốc độ ở những chỗ ngoặt, chiếc xe gầm gừ lao sát chân những vách đá cheo leo, phóng thẳng lên dốc rồi đâm bổ xuống như ngụp vào lòng đường, rồi lại nhô lên ở phía trước, tấm vải bạt bay phần phật quất vào hai thành xe. Tuy vậy chiếc Pôbêđa cũng vẫn đuổi kịp và bắt đầu vượt lên. Tôi ngoảnh lại: người đâu mà liều lĩnh, đi đâu mà phóng bạt mạng thế? Vừa lúc ấy mưa đổ xuống như trút, xen lẫn cả mưa đá, như vẫn thường thấy ở các quãng đèo. Sau làn mưa đá vạch thành từng đường chênh chếch, trên cửa kính thấp thoáng khuôn mặt gân guốc của người lái xe, răng cắn chặt điếu thuốc lá. Hai bàn tay anh ta lướt nhanh trên vô lăng, bẻ lái với những động tác rộng và đột ngột. Trong buồng lái cũng như sau thùng xe không thấy có ai cả. Từ Narưn trở về được ít lâu, tôi lại được cử đi công tác ở miền Nam xứ Kirghizia đến tỉnh Osơ. Xưa nay cái nghề làm báo bắt chúng tôi khi nào cũng phải vội vàng. Tôi đâm bổ ra ga đúng vào lúc tàu sắp chuyển bánh đến nơi; nhảy xổ lên toa, tôi chưa kịp để ý đến một người hành khách đang ngồi quay mặt ra cửa sổ. Mãi đến khi tàu chạy đã nhanh, anh ta vẫn không ngoảnh lại.
Loa phóng thanh mở nhạc: tiếng đàn komuyz 2 đang chơi một điệu quen thuộc. Đó là bài dân ca Kirghizia. Nghe điệu nhạc này bao giờ tôi cũng tưởng tượng đó là tiếng hát của một người cưỡi ngựa giong ruổi một mình trên thảo nguyên khi chiều xuống. Đường thì xa, thảo nguyên thì rộng, người ấy có thể nghĩ ngợi miên man và hát khe khẽ. Hát về những cảm xúc đang chứa chất trong lòng. Thiếu gì cảm nghĩ khi người ta một mình một bóng giữa cảnh tĩnh mịch, chỉ nghe tiếng vó ngựa lóc cóc. Dây đàn khẽ thầm thì như tiếng nước chảy trên lớp sỏi nhẵn bõng và trắng trẻo ở đáy lòng kênh. Tiếng đàn komuyz hát rằng chỉ lát nữa vầng dương sẽ lấp sau rặng đồi, một làn gió xanh mát rượi sẽ êm lặng lướt trên mặt đất, những bụi cỏ phơi biêng biếc và những bụi ngải đắng lá vàng mọc bên con đường đất nâu thẫm sẽ đung đưa, tung phấn bay theo gió. Thảo nguyên sẽ lắng nghe chàng kỵ mã, sẽ nghĩ ngợi và hoà giọng hát theo chàng...
Có lẽ xưa kia đã có một chàng kỵ mã ruổi ngựa qua chốn này... Có lẽ ánh chiều tà cũng lụi dần sau chân trời thảo nguyên xa tắp, ngả dần sang màu cỏ úa và có lẽ cũng như bây giờ, tuyết trên đỉnh núi đón nhận những tia cuối cùng của ánh tà dương, cũng ửng hồng lên rồi tối sầm lại trong chốc lát...
Bên ngoài cửa kính những mảnh vườn, những thửa ruộng nho, những bãi ngô lúp xúp màu xanh thẫm vun vút lướt qua. Một chiếc xe giàn thắng hai ngựa chở cỏ linh lăng mới cắt chạy đến chỗ đường xe lửa cắt ngang xa lộ và dừng lại trước rào chắn. Một chú bé da rám nắng, mình mặc chiếc áo mayô thủng bạc màu, quần xắn lên tận bẹn, đứng nhổm người trên chiếc xe để xem tàu hoả, miệng mỉm cười, giơ tay vẫy ai đó. Điệu nhạc hoà lẫn với nhịp bánh xe lăn một cách êm lạ lùng. Thay cho tiếng vó ngựa đã có tiếng bánh xe hoả dằn xuống những chỗ nối đường ray. Người bạn cùng toa của tôi ngồi tựa khuỷu tay lên chiếc bàn con. Tôi mường tượng như anh ta cũng đang thầm hát bài ca của chàng kỵ mã cô độc. Không biết anh ta đang buồn hay mơ màng nghĩ ngợi, chỉ thấy nét mặt anh có cái gì chua xót như một nỗi buồn không thể nào khuây khoả. Anh mải suy nghĩ miên man đến nỗi không biết có tôi ngồi bên cạnh. Tôi cố thử nhìn rõ mặt anh. Tôi đã gặp người này ở đâu nhỉ? Ngay đôi tay trông cũng quen quen: đôi tay đen xạm, ngón dài và gân guốc.
Và tôi bỗng sực nhớ ra: đó chính là người lái xe không cho tôi đi nhờ. Biết thế, tôi yên tâm, không muốn biết gì thêm nữa. Tôi lấy một quyển sách ra đọc. Việc gì lại đi nhắc nhở chuyện cũ? Chắc hẳn anh ta đã quên tôi từ lâu. Những cuộc gặp gỡ tình cờ của một người lái xe trên đường trường có phải ít đâu?
Chúng tôi cứ ngồi như thế một lát nữa, mỗi người bận tâm một nẻo. Bên ngoài cửa sổ, trời bắt đầu sầm tối. Người bạn đồng hành của tôi nảy ra ý châm thuốc hút. Anh ta rút một điếu, thở phào rõ dài trước khi quẹt diêm châm thuốc. Rồi ngẩng đầu lên, anh ta bỡ ngỡ nhìn tôi và bỗng đỏ mặt. Anh ta đã nhận ra.
- Chào agai! - anh nói, miệng mỉm cười ngượng nghịu như người có lỗi.
Tôi chìa tay ra.
- Anh đi đâu xa không?
- Vâng... xa! - anh thong thả thở khói ra, rồi nói tiếp sau một lát im lặng - Đi Pamir.
- Đi Pamir à? Thế thì cùng đường rồi: tôi đi Osơ... Anh đi nghỉ à? Hay thuyên chuyển công tác? - Ồ... gần như thế... agai hút thuốc nhé?
Chúng tôi cùng im lặng ngồi hút thuốc. Hình như chẳng còn chuyện gì mà nói nữa. Người bạn đường của tôi lại trầm ngâm. Anh cúi đầu, người lắc lư theo nhịp bánh xe. Tôi có cảm giác anh đã thay đổi rất nhiều kể từ dạo nọ. Anh đã gầy đi, mặt hốc hác, trên trán có ba đường hằn sâu. Đôi mày giao nhau ở phía trên sống mũi như hắt bóng tối xuống gương mặt anh. Chợt anh buồn rầu cười nhạt và hỏi:
- Chắc hôm ấy agai giận tôi lắm phải không?
- Hôm nào, tôi không nhớ? - tôi không muốn anh ta phải ngượng với tôi. Nhưng trong khoé mắt anh có một niềm hối hận chân thành đến nỗi tôi đành phải nhận - A à... dạo ấy, phải... chuyện vặt ấy mà. Tôi cũng quên rồi. Thiếu gì chuyện xảy ra dọc đường. Ra anh vẫn nhớ kia à.
- Giá phải hôm khác thì có thể tôi quên, nhưng hôm ấy...
- Hôm ấy có chuyện gì? Xảy ra tai nạn chăng?
- Kể ra thì chẳng có tai nạn gì, đây là chuyện khác... - anh ấp úng, cố tìm cách diễn đạt, nhưng rồi lại cất tiếng cười miễn cưỡng - Giá phải bây giờ thì agai muốn đi đâu tôi cũng xin chở, chỉ hiềm một nỗi lúc này tôi cũng chỉ là hành khách...
- Không sao, ngựa cũng lắm khi dẫm lại vết cũ, có lẽ sau này ta sẽ còn gặp nhau...
- Cố nhiên. Nếu gặp nhau, tôi sẽ tự lôi agai vào buồng lái! - anh vừa nói vừa gật đầu.
- Ấy, cứ thế nhé? - tôi nói đùa.
- Tôi xin hứa như vậy, agai ạ! - anh ta đáp, có vẻ vui lên.
- Thế nhưng này, hôm ấy tại sao anh không cho tôi đi với?
- Tại sao à? - anh ta nhắc lại, mặt lập tức sa sầm. Anh im lặng một lát, mắt nhìn xuống, khom người trên điếu thuốc lá rít lấy rít để từng hơi dài. Tôi hiểu ra rằng đáng lẽ không nên hỏi câu đó và đâm ra luống cuống, không biết làm thế nào để chữa lại. Anh dụi tắt mẩu thuốc lá vào cái gạt tàn và chật vật lắm mới thốt lên được:
- Tôi không để agai lên được... Hôm ấy tôi phải cho thằng con nó đi... nó đang đợi tôi...
- Con trai anh à? - tôi ngạc nhiên hỏi.
- Số là thế này... agai ạ... Biết nói thế nào cho agai rõ đây... - anh ta lại châm thuốc hút, cố trấn áp nỗi xúc động, rồi bỗng nhiên nhìn thẳng vào mặt tôi, vẻ nghiêm trang và rắn rỏi, anh bắt đầu kể chuyện mình.
Thế là tôi được nghe câu chuyện của anh lái xe.
Thời gian hãy còn nhiều: gần hai ngày hai đêm xe hoả mới đến Osơ. Tôi không giục giã, không hỏi xen vào câu chuyện của anh: tốt hơn là cứ để cho người ta tự kể hết, sống lại dĩ vãng một lần nữa, suy nghĩ lại, đôi khi mới nói dở câu đã im bặt. Nhưng tôi đã phải cố sức dằn lòng mới khỏi xen vào câu chuyện anh kể, bởi vì do tình cờ và cũng do cái nghề nhà báo luôn nay đây mai đó của tôi, tôi đã có dịp biết ít nhiều về bản thân người lái xe ấy và về những con người mà anh đã gặp trên bước đường đời. Lẽ ra tôi có thể bổ sung thêm câu chuyện của anh ta và cắt nghĩa cho anh hiểu nhiều việc, nhưng tôi đã quyết định nghe anh kể cho hết rồi mới nói. Về sau tôi nghĩ là không cần nói gì cả và tôi cho rằng làm như thế là phải. Các bạn hãy nghe chính các nhân vật của câu chuyện này tự kể lấy.
-----------------
1. agai: “ông anh” - một cách gọi những người lớn tuổi hơn, có ý kính trọng.
2. komuyz: Nhạc cụ dân gian Kirghizin.