watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Biên Hùng Liệt Sử-Nhơn Sự - tác giả Thái Thuỵ Vy Thái Thuỵ Vy

Thái Thuỵ Vy

Nhơn Sự

Tác giả: Thái Thuỵ Vy

Các nhân vật nổi tiếng gốc Biên Hoà trong lịch sử tôi xin nhắc tên trước hết là ông Đoàn Văn Cự với nghĩa binh của cụ vùng Vĩnh Cữu, nay mả của cụ nằm trong căn cứ Long Bình; những người kế là Dương Ngạn Địch, Nguyễn Hữu Cảnh, Trịnh Hoài Đức, Trần Thượng Xuyên, Đỗ Hữu Vị là người phi công đầu tiên của Việt Nam, Đỗ Thành Nhân, rể của Võ Tánh, Đại sứ Trần Văn Chương, cha của bà Trần Lệ Xuân (bà Ngô Đình Nhu), ngôi từ đường dòng họ Trần hiện làm trường mẩu giáo chỗ dốc xuống rạp chiếu bóng Vạn Khánh Hưng... Dân biểu Biên Hoà là ông Đỗ Cao Lụa (cha của cố Đại tướng Đỗ Cao Trí, Đệ Nhất Cộng Hòa, vừa trúng cử Quốc Hội chưa kịp khai mạc thì Tổng thống Diệm bị giết); ông Đỗ Hữu Quờn là thân phụ của tôi, biệt danh anh Mười trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (Đệ nhị Cộng Hòa); bà Huỳnh Ngọc Nữ (cô của Tổng Vụ Hải Ngoại Mặt trận Kháng chiến Hoàng Cơ Minh Nguyển Kim Huờn biệt hiệu là Nguyễn Kim; bà Nữ, sau là bà tám Trần Quốc Bửu, Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam) là cô của tôi, kế đó ghế Dân biểu mới lọt vô Trần Minh Nhựt, con ông sáu Vạn, cũng thuộc Cấp Tiến, và Nguyễn Thị Lý, tự Út Lý, chị của Nguyễn Văn Đồng, hiện ở Đức, bạn học hồi Tiểu học với tôi, đã chở tặng tôi 11 thiên gạch cùng anh Đỗ Cao Thanh tặng hai xe đá xanh đổ nền lúc tôi xây cất nhà. Tôi may mắn được sinh trong gia đình họ Đỗ Biên Hoà mà lại có họ hàng với Giáo Sư Huy nên rất kề cận lịch sử, nhất là tỉnh nhà Biên Hoà, nên sau này sau khi tốt nghiệp về Computer Science tại Old Dominion University, tôi mới quyết tâm học cao học Sử học tại George Mason University.

Tôi xin đi sâu vào vấn đề nhơn sự bằng bốn câu thơ mở đầu vào một vấn đề phức tạp và chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn nạn lịch sử:

Anh có nhớ Tân Uyên quận cũ
Ngậm ngùi thay ngói đổ tường xiêu
Một vùng quán chợ hoang liêu
Gió quê hương thổi lòng hiu hắt buồn.

Bốn câu thơ song thất lục bát trên chúng tôi không nhớ tên tác giả, được Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu dùng để kín đáo liên lạc với giáo sư Nguyễn Ngọc Huy lúc ông còn làm trong nội các Nguyễn Văn Thiệu, những chữ trong bài thơ như "quận cũ", "ngói đỏ", "quán chợ" ông dùng để giáo sư Huy biết xuất xứ người đưa thư đặng giáo sư Huy biết trước những ma nớp của vài giới cầm quyền về Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.

1) Bác Sĩ Trần Nguơn Phiêu:

Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Bordeaux năm 1956.

Nguyên Đại tá Y sĩ trưởng Hải Quân, nguyên Cục phó Cục Quân Y, sau ra làm Tổng trưởng Xã hội, gốc người cùng Ấp Phước Lư với tôi, làng Bình Trước, tỉnh Biên Hoà, thời chống Pháp, ông là người lén dán truyền đơn tại chợ Biên Hoà, thuở Thanh Niên Tiền Phong còn tập trận giả bằng tầm vông vạt nhọn, ông là một hội viên trong nhóm chủ trương Tao đàn Sông Phố dưới thời Pháp thuộc. Mồ côi được ông ngoại nuôi học đậu bằng Bác Sĩ. Ông hiện về hưu cư sĩ tại Amarillo, Texas. (Xin xem Phụ Lục Tâm sự Huỳnh Tấn Phát, Hồ Hữu Tường, và Trần Văn Giàu, nhà giáo của nhân dân ?, Vu Lan nhớ ngoại)

Tác phẩm đã xuất bản:


“Phan Văn Hùm, thân thế và sự nghiệp”,


nhà xuất bản Hải Mã,
2003, (P.O. Box 19543, Amarillo, Texas. 79114-9543, USA)
FAX:(806)358-1821.
Email:Phtran27@aol.com.

2) Châu Kim Nhân:

Ông Châu Kim Nhân làm:




Phó Tổng Thư ký Bộ Tài Chính 1965- 1966
Đổng Lý Văn Phòng Bộ Tài Chính 1966- 1967
TGĐ Cơ Quan Tiếp vận TƯ 1967- 1972
TGĐ Tài Chính và Thanh tra Quân phí Bộ Quốc phòng 1972
Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng 1972- 1973
Tổng Trưởng Tài Chánh 1973- 1974
Phụ tá Thủ Tướng Đặc trách Kinh Tế Tài Chính 1974- 1975
Ông sanh ngày 1 tháng 10 năm 1928, gốc Tân Uyên, đã từng tu nghiệp ở Anh Quốc hồi cuối năm 1963 đến đầu năm 1964. Năm 1980, ông đã có công lớn khi ông đã được nhân viên phần Việt Ngữ đài BBC, Luân đôn là Đỗ Văn tức Đỗ Doãn Quỹ trao lại từ tay nhà ngoại giao Patrick Honey, cuốn thơ mà ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xông vào tòa Đại sứ Anh ở Hà Nội đã được ông đem về Mỹ vào mùa hè năm 1980, và trao độc quyền cho tạp chí Văn Nghệ Tiền phong của Nguyễn Thanh Hoàng để tìm người dịch ra tiếng Anh, cuốn thơ mà Tú Rua cho là Nguyễn Hữu Hiệu (em Viên Linh, Thượng tọa Thích Chơn Pháp) bị thiếu 3 chữ trong câu "Là tù ngục mục xương độc đoán" trong lúc sao y bản chánh, nên hắn đã nhờ ông Diệu Tô Minh điện thoại lúc 4h 30 sáng xin ông Đỗ Văn tiểu sử và trường hợp quyển thơ được tới tay Tòa Đại sứ Anh ở Hà Nội. Nguyễn Hữu Hiệu trốn quân dịch dưới áo nhà tu ở Đại Học Vạn Hạnh, ngày nay chủ trương phái Tân tăng, có quyền cưới vợ, nay chuyên nghề đồng bóng tại Virginia, từ nhà sư trở thành pháp sư; và Bùi Bảo Trúc, lén đem in để chia chác với nhan đề "Tiếng vọng từ đáy vực" bán $7, về sau ký giả Hồ Anh (Nguyễn Thanh Hoàng) cho in lại gọi là "Hoa địa ngục" chỉ bán với giá tượng trưng là $1.50, sau đem tặng không với câu quảng cáo. Tập thơ bi hùng này đã bị đánh cấp chỉ vì đó là một tuyệt tác thi ca, đó là tiếng lòng phẫn nộ, đó là một thiên hùng ca bất diệt nói lên sự bất khuất của dân tộc Việt Nam trước bầy ác thú Cộng Sản. Bùi Bảo Trúc (bút hiệu Ngụy Trúc) khiến bố là nhà giáo Bùi Bảo Vân tự Bùi Văn Bào, một nhà mô phạm chuyên viết sách giáo khoa dạy nhi đồng, bị Tú Rua tức ký giả Lê Triết chửi lây khi ông viết thơ cho báo Văn Nghệ Tiền Phong xin lỗi cho con. Sau cả hai vợ chồng Lê Triết bị ám sát ở Virginia. Bùi Bảo Trúc là người đầu tiên viết báo ăn mừng.

Quyển thơ còn bị "tai nạn" thứ hai là ngày ra mắt bị nhóm Hà Lạc Dã Thư Việt Viêm Tử Lê Tư Vinh nhận vơ là của Lý Đông A (sau lại nhận vơ chính ông là Lý Đông A), may là trước đó ông Chữ Bá Anh có tổ chức để chào mừng Nguyễn Chí Thiện đến đất tự do, tôi đã được ông Châu Kim Nhân, Trung tá Nguyễn Công Giân (anh ruột của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện ở chung nhà) và Phó Đề đốc Đinh Mạnh Hùng xác nhận, nhóm của ông Lê Tư Vinh vì lỡ nhận bừa là cuốn thơ trên của Lý Đông A, đã cướp micro (giống Cộng sản ở Hà Nội ngày xưa) gây náo loạn tại trường Luật George Mason University, khiến cảnh sát Arlington phải giải tán buổi ra mắt.

Ông Châu Kim Nhân nổi tiếng thời Đệ Nhị Cộng Hòa là một chính khách liêm khiết giữa một môi trường dễ nhiễm vi khuẩn tham nhũng là Bộ tài chính (theo Ông Minh Võ). Có lần ông và ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám Đốc Quan thuế, hiện còn sống tại San Diego, California bắt nhóm của Nguyễn Cao Ky buôn lậu 114 ký lô vàng. Ông hiện định cư tại Tiểu bang Maryland và làm việc bán thời gian tại Đại Học Maryland.

Nhà thơ Hồ Công Tâm có bài vịnh ông sau đây:

Vịnh ông Cựu Tổng Trưởng Tài Chánh VNCH Châu Kim Nhân

Xuất xứ đôi phen chẳng bợn phàm
Khinh tài trọng nghĩa, ghét gian tham!
Vàng tuy hiếm quý dường xem nhẹ
Nghĩa dẫu gian nan vẫn gắng làm
Dương Chấn thuở xưa lòng chẳng khác
Thúc Nha thời nọ thiệt đành cam
Lưu vong thanh bạch nhưng cần kiệm
Thất thập lai hy hữu khách tầm.

Hồ Công Tâm

(Trích tập "Tổng vịnh 100 nhân vật lịch sử VN hiện đại").

Nhà thơ Đường Sơn Đỗ Quý Sáng cũng đã làm bài Tương Biệt để đề tặng ông:

Vàng bạc biết quý mà chẳng ham
Tín nghĩa biết nguy mà vẫn làm
Tôi biết anh qua ba mươi năm
Sống trung thực kiệm cần liêm chính
Với bằng hữu hết lòng hết dạ
Tương giao nào câu nệ thấp cao
Tôi gặp anh chẳng vì chức vụ
Mà vì nghĩa dũng anh hào
Kéo nhau đi biểu tình chống giặc
Đuổi những người phản chiến xôn xao
Quen nhau không gởi gấm cậy nhờ
Chỉ thích thú nghe những phen thử thách
Nào lệnh bắt phi cơ Kỳ vàng chở lậu
Lúc đòi đánh thuế Lý Long Thân
Dù gặp phải chín tầng cản trở
Ôi! Rất khó trong thời binh lửa
Sống cho tròn người quân tử chính nhân
Tôi người em nhưng lại gần đi sớm
Chưa làm nên sự nghiệp vẻ vang
Ba mươi năm cơ cực lang thang
Trả món nợ sĩ phu người hành chánh
Nay tàn lực chịu đành bó gối
Thú đau thương bài thơ Hổ Nhớ Rừng
Áo len tặng dành cho ngày trở gió
Trút nặng nề hơi thở lúc lâm chung
Để bó ấm một hình hài lạnh giá
Sẽ đi xa nhưng chưa biết bao giờ.

Thân kính tặng anh Châu Kim Nhân

Northridge 9 - 95
Đỗ Quý Sáng

3) Nguyễn Ngọc Huy:

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy sanh ngày 2 tháng 11 năm 1924 tại Chợ Lớn, chánh quán tại xã Mỹ Lộc, Tân Uyên, Biên Hoà; mất 9 giờ 30 tốì 28-7-1990 tại Paris, Pháp quốc. Tôi muốn nhắc với lòng ái mộ một bậc thầy, một chính trị gia trong sạch, xả thân tới hơi thở cuối cùng để lo việc nước, ngoài các tác phẩm đồ sộ như bộ "Dân Tộc Sinh Tồn" dưới bút hiệu Hùng Nguyên, "Quốc triều hình luật", "Bộ Hình Luật nhà Lê" tục danh luật Hồng Đức (The LÊ code: law in traditional Vietnam), "Péroistroika or the revenge of Marxism over Leninism", "Những ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung", "Hàn Phi Tử","Lịch sử các học thuyết chính trị", "Hiệu đính và chú thích quyển Lục Súc Tranh Công, dịch ra Anh Ngữ cùng Giáo Sư Huỳnh Sanh Thông ở Đại học Yale, Connecticut", "Hồ chí Minh: tội phạm nhân quyền Việtnam","Biện chứng duy xạo luận", "Dân tộc hay giai cấp", "Nhận định tình hình thế giới", "Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ thời",... mà Giáo sư Trần Minh Xuân đã đề cập trong bảy cuốn di cảo về Giáo sư; ông còn để lại tác phẩm "Tên họ người Việt Nam", "Phê bình Nhơn Vật Tam Quốc Chí, Tây Hán Chí, Đông Châu Liệt Quốc", "Lịch sử tranh đấu cho độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam từ giữa thế kỷ 19", "Tái thiết cơ cấu hay sự trả thù của chủ nghĩa Marx đối với chủ nghĩa Lenin" và tuyển tập thơ "Hồn Việt" có bài "Anh hùng vô danh" tôi thuộc lòng từ nhỏ trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà tôi không biết Đằng Phương chính là Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, ông có đề tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho Tổ Quốc:

Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước

Họ là kẻ muôn nghìn năm thuở trước

Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu

Và làm cho những đất cát hoang vu

Biến thành một giải san hà gấm vóc

Họ là kẻ không nài đường hiểm hóc,

Không ngại xa, hăng hái vượt trường sơn

Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn

Cuộc Nam tiến mở giang sơn lớn rộng

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động

Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng

Đã xông vào khói lửa quyết liều thân

Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc

Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc

Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,

Người thất cơ thành thịt nát xương tan

Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm

Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa.

Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà

Để sống lại cuộc đời trong bóng tối.

Họ là những anh hùng không tên tuổi

Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình

Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh

Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,

Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,

Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên

Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,

Thịt và xương trộn lẫn với non sông

Và anh hồn chung với tấm trinh trung

Đã hòa hợp làm linh hồn giống VIỆT. (NNH)

Có lần, tại đại hội chín chính đảng tại California, nhà thơ Cao Tần tức Lê tất Điều có lên ngâm bài Anh Hùng Vô Danh, và bảo là bài thơ đó của thi sĩ Đằng Phương, cử tọa đã nhao nhao hỏi Đằng Phương là ai? Ông đã cho biết là vị gíáo sư khả kính mà chúng ta vừa bầu làm Điều Hợp Viên đó.

Ỏ đây tôi muốn nhắc lại những kỷ niệm riêng tư với Giáo sư mà chúng ta không tìm thấy ở sử sách của Giáo sư Trần Minh Xuân.

Hồi nhỏ Giáo sư tuy gốc Cây Đào (còn gọi là Cây Điều), Tân Uyên, còn có tên gọi là Bến Cá, người thứ chín trong gia đình, nhưng ông lại sinh quán tại Chợ Lớn vì theo cha có việc làm tại tỉnh nhiều người Tàu. Lớn lên ông làm việc tại Thư viện Quốc gia. Ông vốn khó nuôi nên theo tục lệ Việt Nam được đặt tên là Sẩm.

Hồi Pháp ép ông nội tôi là Đỗ Hữu Tính ra làm Tổng Phước Vỉnh Thượng, ấp Phước Lư, nếu không nhận thì họ giết chú thứ Sáu và chú thứ Bảy hiện bị bắt và tra khảo trọng thương, nhốt tại phòng biệt giam tại nhà thương Biên Hoà. Bà nội lớn mất sau khi sanh người con gái thứ tám. Ông nội tôi có đi hỏi người dì ruột thứ bảy của Giáo sư Nguyển Ngọc Huy, ông cố mới trao một nhánh chiết từ cây bưởi mà ông đặt tên là cây bưởi Vô Sự, với điều kiện nếu trồng sống thì ông gả con gái cho, kết quả dì Bảy đã thành bà nội của tôi, còn tiến sĩ Liêng Khắc Văn, tốt nghiệp Ngữ Học ở Sydney, Úc châu là con người thứ Chín.

Tôi còn nhớ một lần làm tài xế đi công tác với giáo sư tại Quốc Hội Mỹ ở Washington D.C., vì chỉ có hai người với nhau, tôi mới gọi bằng chú, thường thường thì tôi gọi như các anh em khác là Gíáo sư hay Anh Ba. Ông có hỏi tôi: "Cháu thấy con cọp trước khi nhảy nó làm gì? Nó nhún. Càng nhún thấp càng nhảy cao. Ngay bây giờ cháu hãy học nhún đã. Bài học đó để đời cho nên tôi là người duy nhất tại Virginia chưa bao giờ ra mắt sách mặc dù đã có bảy tác phẩm: "Nụ hôn loài lan tím dại" (thơ,1992), "Vũ điệu loài lan tím hoang" (thơ,1994), "Hoa tím niềm riêng" (thơ,1995), "Mặt trời, lá và em" (thơ,1964), "Âm sắc thời gian" (thơ,1999), "Cho cuộc đời thường" (biên khảo,2000), "Biên Hùng Liệt Sử" (biên khảo,2001), cùng các tác phẩm đứng chung "Nỗi nhớ khôn nguôi",1994; "Quê hương nghìn dặm II", 1995; "Vườn thơ hải ngoại", 2001, "CD Tình yêu trong tiếng thơ, 1999. Chính Giáo Sư Huy đã bảo: "Cháu học chi cho nhiều mà không viết biên khảo, làm thơ để chơi thôi."

Tiến về nội, thối về ngoại. Quê ngoại lúc nào cũng gợi nhớ hình ảnh êm đềm, bao bọc của mẹ hiền. Tôi xin ghi lại bài thơ "Nắng quê ngoại " để tặng các bạn gốc gác Biên Hoà hay có giây nhợ với Tân Uyên:

"Đò dọc mé vàm ngã ba sông nhỏ

Nghe Tân Triều ngọt lịm bưởi mười lăm

Con cá vãnh quẫy đuôi đỏ trúng dầm

Trái trôm rụng vỡ tan tròn năm tháng

Cù lao Rùa gió ban trưa man mác

Phía bờ mây ruộng mía vẫy cờ lau

Con trâu già cày kéo thở phều phào

Đôi cò trắng theo sau tìm giun dế

Khi lên bờ chợt thấy chùm hoa khế

Bông li ti tim tím phủ đầy cây

Tim se thắt, tuổi trẻ lẫn đâu đây

Đâu thôn nữ yêu kiều thương hoa tím

Nụ cười xinh xinh tóc bím mân mê

Chiếc cổ trần trắng mát dốc gò mơ

Môi cắn chỉ đỏ tươi màu bưởi lựu

Vườn bên kia oằn trái thương trái nhớ

Con nhớ bưởi thanh, con nhớ bưởi đường

Bưởi nàng da láng con thương con thầm

Con thương mùi hoa bưởi dưới trăng rằm

Thương cây khế ngọt cây trâm rậm tàng

Miếng đường phổi ngoại gói ràng cho mẹ

Thấm yêu thương, phả hơi thở ngạt ngào

Trái thanh long, bưởi ổi chín vườn sau

Ươm nắng tốt, con thương hoài quê ngoại" (TTV)

Bài "Vườn cây quê nội" tôi sáng tác để nhớ nơi đã sinh ra, lớn lên và bỏ đi một cách tức tưởi:

"Phần ba thế kỷ vụt qua

Dẫu thay quốc tịch vẫn là ngoại nhân

Lạ thay quê quán xa dần

Mà như cũng đã bao lần về thăm

Mơ về thôn xóm, ao đầm

Mơ con sông nhỏ, mưa dầm mái tranh

Quên sao quên được cho đành

Gió lùa bông cỏ, chiều hanh hanh vàng

Bóng ai thấp thoáng đò ngang

Êm êm ngọn nắng trên hàng cau xanh

Măng cụt vườn cạnh bưởi thanh

Hàng tiêu lên đọt leo nhanh cột gầy

Chôm chôm tua tủa rậm dầy

Bông cau vỡ nụ mang quầy treo duyên

Sầu riêng đứng nhấm niềm riêng

Gần bên khe lạch ngã nghiêng mận đào

Nhớ ôi! Ôi nhớ làm sao

Muốn về quê nội đêm nào cũng mơ. (TTV)

Bài học xử thế thứ nhì tôi học được ở Giáo sư Huy về chính trị khi ông bảo: "Cháu có đọc chưởng không? Bên chánh cũng có tà và bên tà cũng có chánh, cái hay dở là phe chánh phải biết sử dụng kẽ chánh bên phía tà, trường hợp đại tá Bùi Tín là thí dụ, cứ đọc các tác phẩm sau này của ông đi, ta thấy là ông đã tự chắn lối về. Tại sao chúng ta lập được cả Bộ Chiêu hồi, ngày xưa khi ta đẩy bốn người qua bên kia sông Bến Hải, hết hai người là oan rồi, họ đâu có thân Cộng, nếu chúng ta không giang tay đón họ, thì họ chỉ có một con đường lựa chọn là về phía bên kia, vì con đường trốn ra ngoại quốc đâu có dễ. Bên tà giáo, bá đạo ba đầu sáu tay làm phe chánh điêu đứng, nhưng rốt cuộc lại phe chánh vẫn thắng phe tà.

Ông là người có chí lớn, và có đức Nhẫn, ngày xưa, khi còn bôn ba, ông trốn tránh Cộng Sản qua Tàu bán bánh tiêu, còn bác sĩ Hoàn đi chích dạo, sau được Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch giúp cho qua Pháp, bà Huy đã làm nghề giặt ủi nuôi ông ăn học đến đậu Tiến sĩ (luận án của ông hạng được ưu hạng của đại học Sorbonne, Paris "Mention très honorable", một trong những luận án tiến sĩ được giải thưởng xuất sắc nhất niên học 1963-1964), bà mới học lấy bằng Nữ Hộ Sinh Quốc Gia (Sage Femme d'État). Sau bà tử nạn ở Vũng Tàu lúc ông đang làm Đổng lý văn phòng phủ Phó Thủ tướng đặc trách Bình Định, trong đó có Xây Dựng Nông Thôn; nhiều anh em khuyên ông tục huyền để lo chuyện đại cuộc, ông đã từ chối và ở vậy đến chết. Vừa trung với nước vừa chung tình với vợ, người mà luôn luôn đứng sau lưng sự nghiệp của ông.

Lớn tuổi, ông vẫn hiếu học, sở dĩ ông dọn nhà vào ở với Thượng tọa Thích Giác Đức ở Boston, Massachusett là để học thêm chữ Hán với ông nhà tu Tiến sĩ phái Tân tăng nầy để viết quyển "Nhơn vật Tam quốc". Tôi nhớ có lần Giáo sư tỏ ra rất thích thú như mở cờ trong bụng khi tôi tặng ông một danh sách tất cả các nhân vật trong chính quyền Trung Quốc từ lớn tới nhỏ phiên âm từ Hoa ngữ (Pinyin và Wade-Giles) ra tiếng Việt của người phụ trách phần Hoa ngữ trên đài Voice of America. Suốt đời ông chưa bao giờ có nhà riêng, có xe hơi riêng.

Hồi Bác sĩ Đoàn Văn Bá binh chủng Nhẩy dù "đặt vấn đề" với Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ khi ông bảo thế giới bây giờ nhỏ nhoi hơn trái cam, trái táo ông cầm trong tay, không còn phân biệt Quốc Cộng nữa tại buổi dạ vũ của Không Quân ở Virginia, Bác Sĩ Bá đã bị ban tổ chức đứng đầu là Bùi Hoàng Khải hành hung, và ông đã thắng kiện tại tòa án Virginia. Trước mặt giáo sư, ông có bảo Virginia đến hơn mười tờ báo mà không báo nào dám nhắc tới vụ án trên, chỉ có Binh Ba với bài "Múa gậy vườn hoang" trên tờ Diễn Đàn Thủ Đô của Đoàn Hữu Định là dám đăng thôi. Giáo sư bèn hỏi: "Anh biết Binh Ba là ai không? Người đó đang ngồi trước mặt anh đó " Tội nghiệp Binh Nhì Vũ Văn Tư tức cựu Trung Tá Cảnh Sát Dã chiến bị năm cú điện thoại hăm dọa oan. Về sau, khi Nguyễn Cao Kỳ lấy vợ Đại tá Ân, Không quân thuộc hạ của ông, và bay qua Thái Lan, cầu cạnh Tòa đại sứ Việt Cộng xin visa về Việt Nam bị đại sứ Việt cộng Lê Mai từ chối, có một phi công chán nản, hết dám bênh thầy, viết bài "Sư phụ bò bốn chân" để dũa và chối bỏ ông xếp cũ.

Hồi Giáo sư giao tôi phụ trách cái Newsletter bằng Anh ngữ của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do ICFV (có tới 77 dân biểu hội viên khắp thế giới), có ông Shephard Lowman (nguyên đại sứ Mỹ tại Honduras) và ông cựu Đại Sứ Bùi Diễm làm chủ bút, tiến sĩ Nguyễn Bá Thư (cháu rể thầy Thích Nhất Hạnh) và vợ là Hương nhận trách nhiệm đánh máy, anh Nguyễn Thành Công và anh Đào Ngọc Thiệu phụ trách in, Nguyễn Mậu Trinh nhận phân phát cho các văn phòng Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu tại Quốc Hội Mỹ. Tôi một tay từ lọc tin tức Đông Nam Á mua của Bộ Thương Mại Mỹ, một tay viết Éditorial mà không được đứng tên trong ban Biên Tập; tới bây giờ tôi mới hiểu ý giáo sư Huy thế nào là chiến sĩ vô danh, và khỏi mang tiếng cùng gia đình với nhau.

Ngày 27 tháng 3 năm 1988, Giáo Sư đại diện cho Tân Đại Việt, Bùi Diễm đại diện Đại Việt Quan Lại, Hà Thúc Ký đại diện Đại Việt Cách Mạng ôm nhau khóc mừng đảng Đại Việt thống nhất dưới basement nhà ông Bùi Diễm ở Maryland, với nhan đề "Một vài nguyên tắc căn bản để tiến tới kết hợp đại gia đình Đại Việt Quốc Dân Đảng", và cũng đã thành lập một Ủy Ban Liên Lạc và Nghiên Cứu để xúc tiến công tác, trước khi tham dự biểu tình chống hồi hương cưỡng bách ở Hồng Kông tại tòa Bạch Ốc. Tôi là nhân chứng thứ tư duy nhất có mặt tại đó.

Ngày giáo sư mất đang quàn tại Paris, Pháp quốc, chúng tôi chứng kiến anh em đã "bầu" Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn làm Giám sát, tại đại hội Liên Minh Dân Chủ Thế giới Austerlitz 1989, Hòa Lan; tôi đã rươm rướm nước mắt nhìn theo ông và bà Nguyễn Tôn Hoàn dắt tay thiu thỉu về trại mà bảo với anh Thiệu: "Đó, công trình 40 năm làm cách mạng, mấy anh em được ông cất nhắc cho nên ngày nay lại hạ bệ ông, chính trị là vậy đó sao"?

Sau Đại hội, chúng tôi về chùa Linh Sơn ở Paris do thượng tọa Thích trí Tạng (Chuẩn tướng Phạm Đăng Lân) làm lễ. Cỡ 400 anh em để tang cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.

Nhà thơ Nguyễn Mai trong Những đóa hoa tim tháng 4/1997 đã làm bài thơ "Nguyễn Ngọc Huy bất tử" để thương tiếc Giáo Sư Huy:

Người đã chết nhưng sẽ thành bất tử

Trong hồn thiêng sông núi dấu yêu

Tinh thần Người là cao đỉnh chỉ tiêu

Tận nhân lực hiến trọn đời cho Tổ Quốc

Vạn khó khăn, tim óc Người bất khuất

Bệnh hao mòn, đường vạn dặm xả thân

Là lãnh tụ anh minh, lãnh tụ vĩ nhân

Đã kết hợp bao anh hoa, hào kiệt

Người đã sống một cuộc đời dũng liệt

Học thức uyên thâm, lãnh đạo ôn hòa

Lấy xã tắc, sơn hà làm lý tưởng



Hỡi ơi! Người nằm xuống, tôi khóc Người đau đớn



Trời sao đành nỡ bắt sớm Người đi?

Trong khi lòng người đang vẳng chữ vinh qui

Khúc khải hoàn rập rờn trên đất nước

Hỡi ơi! giữa giòng đời trầm luân xuôi ngược

Kẻ bạo tàn, gian tặc cứ phây phây

Mà những đóa hoa hồng thơm ngát giữa trùng vây

Cứ tiếp nối hao mòn, tan tác rụng!

Người đã chết nhưng sẽ thành kính lộng

Người đã xa nhưng vẫn rạng bên lòng

Những anh hùng hào kiệt tấm gương chung

Soi sáng lối đi vào trang quốc sử



Đốt nén hương tâm tiếc thương người huyền sử

Cầu hồn thiêng Người phù hộ Liên Minh

Để nước Việt yêu sớm được quang vinh

Long trọng rước Người về trong lá cờ Tổ Quốc!



Nguyễn Mai

Lòng trắc ẩn và nết ăn ở có hậu, tôi có ngờ đâu sau khi dự đại hội Longview, (đúng ra ông Hoàn không còn tư cách gì để triệu tập Đại hội), tiểu bang Washington (mà Vũ Huệ gọi là "đại hội bà" vì thỉnh thoảng, bà Nguyễn Tôn Hoàn lên bàn chủ tọa, rỉ tai giật dây Thanh Long Nguyễn Tôn Hoàn); tôi đã là người duy nhất cảnh giác trước Hội nghị chính Hoàng Việt Cương, tên thật la Hà Mặc Điệp, hiện đang được Bác Sĩ Hòan ca tụng và tin dùng là điệp viên của Trung Cộng đang bị tình báo của cả hai nước Mỹ và Gia Nã Đại điều tra. Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn đã nghe lời ông Bùi Diễm và ông Hà Thúc Ký bất cứ giá nào phải loại tôi ra khỏi chức vụ Tuyên huấn và loại ra khỏi Ban chấp hành Liên Minh Dân Chủ, trong khi dược sĩ Nguyễn Mậu Trinh chưa bao giờ tuyên thệ trước bàn thờ Tổ Quốc, được dược sĩ Thái Tường cất nhắc lên làm Chủ tịch Phân Khu Bộ Virginia vì là cùng dược sĩ với nhau; Trung tá HQ Nguyễn Thành Công biết rõ đầu đuôi chuyện nầy, ông Công trước làm tùy viên Quân sự cho ông Nguyễn Văn Kiểu, anh Tổng thống Thiệu tại tòa Đại sứ Đài Loan; người cùng Đại tá Dương Hiếu Nghĩa và đại tá Nhan Minh Trang mới bị Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn khai trừ sau 5 người khác có Hoàng Việt Cương trên giấy trắng mực đen, trên báo chí, nên đã bị họ phản pháo và phủ nhận không hề biết ông Hoàn là ai? Ông Hoàn xấu hổ khi anh em bầu Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy từ Tổng Thư Ký lên làm Chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến thay thế Giáo Sư Nguyễn Văn Bông mà không bầu ông, nên ông hại ngầm Giáo Sư Huy và ghét lây thằng cháu, nên ông lấy cớ mỗi lần tôi qua Bỉ Quốc đều lén báo cáo cho tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ là đứa em thứ bảy thân Cộng của tôi, họ đã lầm vì mỗi lần qua Bỉ, tôi có giao ước qua hai đứa em gái du học ở Bruxelles, Bỉ quốc, trước 75 là Đỗ Thị Thanh Thủy và Đỗ Thị Thanh Tuyền, nói lại với Sĩ là không bàn đến chính trị khi anh em gặp nhau. Đồng thời, anh tư Nguyễn Tôn Hoàn mỗi lần đến Virginia đều đến Lockwood House thăm tên Lê Phùng Thời, trước dạy Pháp văn ở trường Lê Bá Cang, là người hồi trong bưng là đại đội trưởng, bồ của Nguyễn thị Bình, cột chèo với Lê Duẩn, Tổng bí thư cuả đảng Cộng Sản và Bảy Bốp Phạm Thái, tức là nhà báo Nguyễn Ngọc Tân. Và em của bà Hoàn tên Khải, hiện làm tại tòaTổng Lảnh Sự Việt Cộng ở Sacramento, California.

Cớ chính vì tôi là cháu Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Ở Hòa Lan, ông Hoàn đã ngầm loại Giáo Sư ra vì thấy ảnh hưởng của Giáo sư với đám đệ tử ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh quá mạnh, còn ông với tư cách Đảng trưởng mà không có uy tín và bất tài, làm lãnh tụ một đảng phái lớn của Quốc gia lại nghe lời đàn bà; ai ngờ anh em đã loại ông trước. Sau nầy, tôi được tin là Nguyễn Tôn Hoàn đã bị chánh thức khai trừ khỏi Đại Việt Quốc Dân Đảng trước khi chết. Ngày nay, tôi xin cám ơn họ vì họ đã cho tôi thời giờ rảnh rỗi để theo đuổi con đường văn học nghệ thuật.

Có lần giáo sư quá đau khổ vì đứa con trai Nguyễn Ngọc Thụy Khanh qua đời, Thụy Khanh được gửi cho một tướng Mỹ nuôi, khi ông ghé thăm, Khanh có đòi theo ông, ông bảo ông còn bôn ba lo việc nước, phải ráng học thành tài đi đã, ông có hứa sau nầy ông sẽ tìm cách đem về ở chung; khi ông đi rồi, Thụy Khanh đã xả gaz trong nhà xe tự quyên sinh, cái chết của Khanh đã làm ông hối hận vô cùng, Nguyễn Bá Thư có đêm đã thấy ông ngồi thiền một mình trước Phật đài ở làng Mai bên Pháp (trước tên gọi là làng Hồng). Ông vắng mặt gần ba năm.

Theo nhà văn Hải Triều hiện làm báo Việt Nam tại Canada, (bút hiệu làm thơ Lê Khắc Anh Hào), thì Giáo sư là người đứng đầu sổ chúng có lệnh giết trong số 1000 người, vì thế đứa cháu kêu Giáo sư bằng cậu ruột, là giáo chức biệt phái, đi học tập cải tạo, bị Việt cộng đóng hai chiếc đũa vào mủi xuyên óc để giết và không cho lãnh về chôn, tuy trước đây Giáo Sư Ẩn chưa bao giờ tham gia chính trị.

Có lần giáo sư hỏi thử tôi: "Cháu thích nhân vật nào nhứt trong Tam Quốc Chí". Tôi đã trả lời là tôi thích Huỳnh Cái, vì dám làm khổ nhục kế giúp Châu Do thắng Tào Tháo. Giáo sư bèn nói: "Chú hiểu bụng cháu. Còn chú thích nhất Nể Hành".

Sở dĩ tôi viết dài giòng những kỷ niệm mà tôi có với giáo sư Huy không ngoài mục đích sau này cho các nhà biên khảo muốn tìm tài liệu sẽ được dễ dãi hơn.

Giáo sư hiện còn có hai người con, một trai ở Pháp tên Nguyễn Quốc Thụy tốt nghiệp trường Polytechnique của Pháp hạng tối danh dự, làm giám đốc computer cho tổ hợp Matra của European Community mới đổi qua làm cho Công Ty Điện Nước của Chính Phủ Pháp, và ái nữ, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thúy Tần cư ngụ tại Albany, tiểu bang New York, có chồng Mỹ gốc Do Thái, sinh được hai cháu gái. Lúc gần mất, Giáo sư có hãnh diện khoe hình đứa cháu ngoại thứ nhất cho tôi xem. Ông mất vì ung thư cổ họng (chỗ thanh quản = pomme d'Adam), bác sĩ cho ông sống cỡ một năm nữa, nhưng nhờ ý chí và lòng yêu nước, ông đã kéo dài được năm năm, đau nặng vẫn tranh thủ thời gian, nói không rõ vẫn đi thuyết trình, tranh đấu tới hơi thở cuối cùng.

Nếu ông Nguyễn Văn Thiệu không phản đảng Đại Việt và không chơi trò độc diễn và độc đảng, cấm quân nhân tham gia các đảng chính trị (bằng cách lập đảng Dân Chủ do Bác sĩ Trần Minh Tùng làm Chủ tịch), thì Liên Danh của Nguyễn Ngọc Huy-Ngô Quang Trưởng (có nhà văn Duy Lam trong đó) sẽ làm ông Thiệu khốn đốn.

Tôi cũng xin nhắc tướng Ngô Quang Trưởng gốc người Bến Tre, là bạn nối khố của anh vợ tôi, Đại Úy KQ Nguyễn Quang Huy, người bị nghi Ngô Đình Diệm mưu sát, máy bay của anh cất cánh bánh không xếp quẹt vào ngọn cây mít nhào xuống gò mả, vì Ngô Đình Diệm sợ bị dội bom, cùng lúc với việc nhà văn Nhất Linh cạo đầu phản đối và tự tử vụ đàn áp Phật giáo, lúc đó ông Huy đang cặp với bà Trưởng là con Thạch Lam, trước khi chết anh có trối nhờ tướng Trưởng nuôi vợ con ông, vì thế sau này bà thành bà Ngô Quang Trưởng.

Hồi tôi du học chuyên khoa Vật Lý Trị Liệu tại Médical College of Georgia, Augusta năm 1971-1972, tôi có theo dõi báo chí, họ chỉ khen Việt Nam có 4 ông tướng sạch (four able generals), một ông bị cho là điên, cho giải ngũ ngồi chơi xơi nước là tướng Dương Văn Đức, ông thứ hai là tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư Lệnh vùng IV bị rớt trực thăng chết, ông thứ ba là tướng Phan Trọng Chinh, bị đẩy ra làm chức vụ hành chánh làTổng Cục Quân huấn, duy chỉ còn có một tướng duy nhất là tướng Ngô Quang Trưởng, lên đến chức tướng không qua một áp lực chính trị nào mà chỉ nhờ đánh giặc. Vì thế không ai lấy làm lạ khi tướng độc nhởn Do Thái Moshé Dayan và tướng Mỹ Norman Schwarzkopf viết bài trên báo Washington Post tỏ lòng khâm phục ông.

Giáo sư Huy mất vài tháng trước khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1990 (tượng trưng cho chủ nghĩa Cộng Sản ở Tây Âu) mà không được thấy chủ nghĩa Cộng Sản cáo chung, mang theo cả một tâm huyết, một tài hùng biện và một lòng yêu nước vô biên, một người có tầm nhìn xa (visionary), và một nhân dáng lãnh tụ (charismatic) có tài lẫn đức hiếm hoi.

Giáo sư Stephen Young, sanh cùng ngày cùng tháng nhưng khác năm với giáo sư Huy, hiện nay đương kim khoa trưởng Luật khoa đại học Minesota, sau lễ cầu siêu 49 ngày giáo sư Huy tại chùa Giác Hoàng, Washington D.C., về nhà anh Đào Ngọc Thiệu, trước mặt ông Bùi Diễm và ông Hà Thúc Ký, ông Young đã phát biểu bằng tiếng Việt lưu loát trong ba tiếng đồng hồ là trong đời ông ông chỉ kính phục có ba người Việt Nam là Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú và Gs Nguyễn Ngọc Huy; Nguyễn Trãi thì để lại ít tác phẩm thôi, Phan Huy Chú thì cũng hơn được vài tác phẩm, riêng Gs Nguyễn Ngọc Huy vừa là bạn ông vừa là bậc thầy của ông, Giáo Sư Young có viết chung với giáo sư Huy tác phẫm " Understand Vietnam" và tác phẩm cuối cùng bằng Anh ngữ mang tên "Limits on state power in traditional China and Vietnam", trong The Viet Nam Forum, ban nghiên cứu Đông Nam Á châu của đại học Yale, nhằm so sánh sự khác biệt nền tự do dân chủ giữa văn minh Trung Quốc và Việt Nam. Gs Huy đã không được nhìn thấy công trình cuối cùng là quyển sách đang in và bỏ dở nhiều dự án khác.

4) Trần Văn Linh:

Người thứ tư cũng quê quán Tân Uyên là thẩm phán Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện:

Ông Linh sanh tại làng Bình Long, bên tả ngạn của sông Đồng Nai (cùng phần đất với tỉnh lỵ Biên Hoà), hồi nhỏ học ở trường làng Mỹ Lộc (hữu ngạn sông Đồng Nai) với ông Nguyễn Ngọc Hứa (thân phụ giáo sư Nguyễn Ngọc Huy) và ông giáo Huỳnh Văn Thọ (anh ruột của ông Huỳnh Văn Nghệ, lớn lên học Pétrus Ký cùng lớp với Bác Sĩ Trần Nguơn Phiêu và ông Đỗ Cao Minh), và rất thân với Đỗ Cao Trí; có lần, trong một bữa tiệc trong dinh Độc Lập, ông đã bảo Đỗ Cao Trí:" Anh chịu trách nhiệm cả vùng phải cẩn thận" vì nghe Đỗ Cao Trí đi hành quân thường đi hàng đầu với binh sĩ. Tướng Trí đã trả lời: "Tướng không xông pha thì binh sĩ sẽ không hết lòng", ông Linh là con chú bác với ông Trần Bá Thành, đời Tổng thống Ngô Đình Diệm làm Giám Đốc Công An Nam Phần, học cùng lớp ở Tân Uyên với Huỳnh Văn Nghệ, chính ông Trần Bá Thành đã điều đình với cò Bazin cho ông Huỳnh Văn Nghệ ra trình diện vì lúc đó Huỳnh Văn Nghệ theo Nhật Bổn sang Singapore chống Pháp, nhiều lần ông Huỳnh Văn Nghệ dạy thế ông anh Huỳnh Văn Thọ.(Xin xem phụ lục của ông Trần Văn Linh ở phần sau).

5) Bình Nguyên Lộc:

Cùng quê quán Tân Uyên có nhà văn nổi tiếng Bình Nguyên Lộc. Ông sinh ngày 7 tháng 3 năm 1914(theo khai sinh thì 1915) tại làng Uyên Hưng, tổng Chánh Mỹ Trung, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà, nằm ven sông Đồng Nai. Bên kia là làng Bình Long, ngày xưa cùng thuộc một huyện, có các nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn và ông mất vì áp huyết cao cũng nhằm ngày 7-3-1987 tại Sacramento, tiểu bang California, năm sau đó thì bà Bình Nguyên Lộc cũng qua đời vào ngày 10-10-1988;

Ông tên thật Tô Văn Tuấn, cha của Bác sĩ Tô Văn Hiệp, nguyên Giám đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hoà, chết vì bệnh ung thư máu lúc còn rất trẻ, lúc làm giám đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hoà Ông có nói nhiều lần trong gia đình, bút hiệu của ông là nai đồng chứ không phải đồng nai, theo Hán Việt cụm từ Bình Nguyên là Đồng, chỉ đóng vai tuồng complément déterminatif, chữ sau Lộc là lộc nai, mới là danh từ chánh yếu. Ông Bình Nguyên Lộc chủ trương nhà xuất bản Bến Nghé (1956), chủ nhiệm tuần báo Vui Sống (1958).

Bình Nguyên Lộc ở vào một số ít những nhà văn thuần chất Nam bộ, lại có vốn kiến thức sâu rộng, thử tài ở nhiều lảnh vực, không chỉ là sáng tác văn chương.

Bình Nguyên Lộc có công chú giải nhiều tác phẩm văn chương cổ điển Việt Nam như: Văn Chiêu Hồn, Tiếc thay duyên Tấn, phận Tần (Nguyễn Du), Tự Tình Khúc (Cao Bá Nhạ), Thu dạ lữ hoài ngâm (Đinh Nhật Thận)...trên các tạp chí như Văn, Bách Khoa, Hương Quê... Ông đã để lại hơn 100 tác phẩm trong đó có "Đò dọc" (59), "Gieo gió gặt bão" (59), "Ký thác" (60), "Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương", "Bóng ai qua ngoài song cửa" (63), "Mối tình cuối cùng" (63), "Đừng hỏi tại sao" (65), "Mưa thu nhớ tầm (65), "Tình đất" (66), "Những bước lang thang trên hè phố gã Bình Nguyên Lộc" (66),"Một nàng hai chàng" (67), "Quán tai heo" (67), "Thầm lặng" (67), "Trăm nhớ ngàn thương"(67), "Uống lộn thuốc tiên" (67), "Đèn Cần giờ" (68), "Viễn phương" (68), "Diễm Phượng", "Sau đêm bố ráp" (68), "Cuốn rún chưa lìa" (69), "Khi Từ thức về trần" (69), "Nhìn xuân người khác" (69), "Rừng mắm" trong Tuyển tập “Ký thác “, "Câu dầm", "Bàn tay năm ngón" trong tuyển tập "Nhốt gió", "Nửa đêm Trảng Sụp", "Hoa hậu Bồ Đào", "Tuyển tập truyện ngắn Tâm trạng hồng" vv... cả các tác phẩm viết về ngữ học mang tên "Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam" (71), "Lột trần Việt Ngữ" (73), còn lại một số đã thất lạc trong hơn 500 truyện ngắn của ông, trong đó có tác phẩm "Hương gió Đồng Nai" và truyện dài "Lịch sử Phù Sa" mỗi cuốn dày hơn 1000 trang mà ông mất hơn 20 năm để viết đã bị thất lạc.

Với "Rừng mắm", ông phải mời Sơn Nam về tận quê hương Tân Uyên của ông rồi đề nghị người miền Tây chính gốc kể về quá trình sinh thành phù sa. Tiếp giáp với cửa bể là rừng mắm, đàng sau mắm là rừng tràm. Chỉ có mắm mới trụ lại giữa biển phù sa mênh mông và nhường chổ lại cho tràm khi đất đã đông lại. Sau tràm là bao loại cây trái khác. Cây mắm sinh thành và chết đi nhưng cái chết đó thật ý nghĩa. Quá trình hình thành kia có khác gì sự hy sinh của bao thế hệ mở mang bờ cõi. Một sự lý giải lịch sử con người bằng văn chương sinh động, cụ thể. Và có lẽ chỉ có cách lý giải ấy mới mong khắc sâu trong tâm não bao thế hệ cái giá của lịch sử! (theo Huy Anh - người Đồng Nai)

Tôi thích thú với câu hò trong "Rừng mắm":

Hò... ơi, rồng chầu ngoài Huế

Ngựa tế Đồng Nai

Nước sông sao cứ chảy hoài

Thương người xa xứ lạc loài đến đây.

Ông có một cuộc sống hết sức bình dị, từ cách ăn mặc đến ngôn ngữ. Ông thích ăn cá khô và thích đồ ăn nấu nướng bằng lò than củi chứ không thích nấu lò gaz.

Ông vẫn thích xài chữ miền Nam như nhà giây thép, đọc nhựt trình, sở lục lộ trường tiền, con cò dán thơ...

Mời các bạn viếng thăm tiếng thơ của Bình Nguyên Lộc, một giọng thơ đặc sệt miền nam trong bài "Dâng Má Thương" :

Từ đáy thời gian dậy tiếng ru

À... ơi lời má, giọng trầm phù

Má ơi, hồn đất bao năm thiếp

Bổng chốc trưa nay vẳng tít mù



Kẽo kẹt xà nhà tiếng võng đưa

Đâu đây đồng vọng cõi xa xưa

Thổ ngơi thơm phức, hồn ma cũ

Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ



Ngày qua năm tháng cứ trôi xuôi

Một chút nhớ xưa, thoắt ngậm ngùi.

Những ngỡ tro tàn trong bếp lạnh

Hay đâu than ngún dưới tro lùi



Ngược dòng năm tháng mấy dòng này

Những * áng tuyết xưa gợi lại đây

Gởi cả muôn phương cùng vạn nhớ...

Tân Uyên đất má, thảm vơi đầy.





* Mais où sont les neiges d'antan

Đời người, đời văn Bình Nguyên Lộc như một chuyến đò. Ông từng viết Đò Dọc, tức là chuyến đò đơn chiếc, buồn lắm. Nhưng với người đọc, đời văn, đời người không hẳn là chuyến đò dọc. Ông dong ruổi trên khắp quê hương, nhận diện quê hương của mình. Vì thế, cho dù sau này, bất đắc dĩ phải xa quê. Bình Nguyên Lộc, trong cuộc đời lẫn văn chương, vẫn là chuyến đò quê nặng nghĩa thắm tình...

RỪNG MẮM



::: Bình Nguyên Lộc :::

Chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói ấy từ nãy đến giờ, chờ đợi cái phút nầy đây.

Thật là huyền diệu, sự đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim đang bị ai treo phơi khô ngoài sân nhà.

Chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước, nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, mỏ ngậm một con cá nhỏ.

Cộc ngửa mặt lên trời để theo dõi ông câu kỳ dị và tài tình ấy nữa, nhưng mắt nó bị ngọn dừa nước bên kia bờ rạch níu lại.

Trên một tàu dừa nước, một con chim thằng chài xanh như da trời trưa tháng giêng, đang yên lặng và bền chí rình cá.

Trong thế giới bùn lầy mà thằng Cộc đang sống, ai cũng là ông câu cả, từ ông nội nó cho đến những con sinh vật nhỏ mọn qui tụ quanh các ngọn nước.

Màu xanh của chim thằng chài đẹp không có màu xanh nào sánh kịp. Sự bền chí của nó cũng chỉ có sự bền chí của các lão cò sầu não là ngang vai thôi, cái bền chí nhìn rất dễ mê, nhưng mê nhứt là mũi tên xanh bắn xuống nước nhanh như chớp, mỗi khi thằng chài trông thấy con mồi.

Thằng Cộc là một đứa bé bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, đủ làm cho nó quên thằng chài ngay. Là vì đầu cò chởm chởm những cọng lông bông, nhắc nhở nó những kép võ hát bội gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mê, cách đây mấy năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng.

Hồi ấy nó sướng lắm. Quanh nhà nó, có hàng trăm nhà khác, có vườn cây trái, có nước ngọt quanh năm, có trẻ con để nó làm bạn, để nó đùa giỡn.

Nhưng không hiểu sao một hôm tía nó bán chiếc chòi lá đi, rồi ông nội nó, tía nó, má nó và nó, một đứa bé mười tuổi, kéo nhau xuống một chiếc xuồng cui, một thứ xuồng to mà người ta gọi là xuồng mẹ, ghe con. Rồi họ đi lang thang từ rạch hoang vắng nầy đến kinh hiu quạnh nọ, và rốt cuộc dừng bước nơi cái xó không người nầy mà ông nội nó đặt tên là xóm Ô-Heo.

Nghĩ đến những năm cũ, thằng Cộc bỗng nghe thèm người vô cùng, thèm còn hơn là thèm một trái xoài ngọt, một trái khế chua mà từ năm năm nay nó không được nếm.

Những người di cư năm nọ trên chiếc xuồng cui vẫn còn sống đủ cả. Những chiều nghi ngút sương mù từ đất lầy bốc lên, và những đêm mưa gào gió hú, những người ấy kể chuyện cho Cộc nghe, những chuyện ma rởn óc như ăn phải trái bần chua. Nhưng dầu sao, Cộc cũng thích người khác hơn, cũng như nó thích vườn tược sầm uất hơn cảnh rừng tràm tối mịt hoặc cảnh đồng không bát ngát ở đây. Ở đây, cho đến tiếng chó sủa, tiếng gà gáy nó cũng không nghe từ lâu. Con chó săn và mấy con gà giống mang theo, đã ngã lăn đùng ra mà chết ngay trong tháng mới tới. Thằng Cộc ngạc nhiên mà thấy sao người vẫn không chết trong khí hậu tàn ác nầy: nóng, ẩm, còn muỗi mòng thì quơ tay một cái là nắm được cả một nắm đầy.

Chưa bao giờ mong mỏi của Cộc được thỏa mãn mau lẹ như hôm nay. Nó vừa thèm người thì tiếng hò của ai bỗng vẳng lên trong rừng tràm, rồi tiếp theo đó là tiếng chèo khua nước:

Hò ơ... tháng ba cơm gói ra hòn,
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai.

Mũi xuồng cui ló ra khỏi khúc quanh của con rạch, và trên xuồng, chồng chèo lái, vợ ngồi không trước mũi mà hò. Cặp vợ chồng nầy, Cộc quen mặt mấy năm nay, nhưng không biết họ từ đâu đến. Nó chỉ biết họ ra biển để bắt cua và bắt ba khía, một năm mấy kỳ. Nghe tiếng người lạ nói, nhứt là tiếng hát, Cộc sướng như có lần tía nó cho nó ăn một cục đường từ nơi xa mang về.

Thà là không được ăn, chớ còn ăn một chút xíu thì cái vị của món ăn còn chọc thèm hơn bao giờ cả. Nên khi Cộc nhìn xuồng chèo khuất dạng rồi thì xây lưng tức khắc để chạy lên Ô-Heo.

Trọn vùng nầy, ông nội nó đặt tên là Ô-Heo. Nhưng riêng trong gia quyến nó thì Ô-Heo chánh hiệu là một cái gò xa ở trên kia, cách mé rạch đến hai dặm hú. Số là hồi trước, ngày đầu tới đây, ông nội nó với tía nó đi kiếm đồ ăn trong rừng, đã gặp nơi đó một ổ heo rừng. Cả ổ heo đều bị sát hại hôm đó và việc canh tác của gia quyến nó về sau nầy đã đuổi thú dữ đi xa.

Tuy nhiên, đề phòng chúng trở lại, ông nội nó đã cấm nó lên Ô-Heo một mình. Thằng Cộc lại thích lên đó, ban đầu chỉ vì Ô-Heo có sức quyến rũ của một trái cấm, nhưng về sau, nó gặp người nơi đó.

Đó là vài người đàn ông và đàn bà, nói là ở xa lắm, cách đó một ngày đường sông. Đàn ông thì đến để gác quốc, gác nhan sen, còn đàn bà thì để nhổ bồn-bồn về làm dưa bán.

Đó là những người bạn bí mật của nó, nó giữ kín không cho nhà nó biết. Họ hay kể chuyện xóm làng, chuyện đám cưới, đám ma, đám hát, đám cúng đình, tóm lại tất cả sinh hoạt của làng mạc mà từ lâu Cộc không thấy và ngậm ngùi tưởng đến như nhớ những kỷ niệm xa xôi.

Cộc chạy qua khỏi ruộng nhà và đứng lại nghỉ mệt. Nó mệt lắm vì nó chạy dưới nước và dưới bùn, mặc dầu lúa đã đến mùa gặt.

Năm xưa, gia quyến nó đến đây vào cuối tháng giêng, sau khi cúng ông vải xong ở quê cũ. Ông nội nó với tía nó đốt rừng tràm từ ngoài bờ rạch. Gió thổi vô rừng, và lửa, như con vật khổng lồ, đã táp một cái vào khối thịt xanh um của biển rừng tràm nầy. Thành ra ruộng nhà nó mang một hình tròn kì dị, không tròn đều đặn vì không ai chỉ huy được sự cháy rất là rắn mắt của ngọn lửa.

Cộc nhìn ruộng mình một hồi rồi cười khan lên. Đám rừng bị khoét một lỗ để làm ruộng, trông như đầu tóc trẻ con được mẹ cạo, nhưng mới cạo có một mảng thì có chuyện gấp, bỏ dở công việc; đứa bé bị chúng bạn chế nhạo là đầu chó táp.

Lúc ruộng chín, cây lúa cao quá, ngã rạp xuống, để lòi trăm ngàn gốc tràm lên, trông như ai đóng cọc để cất nhà sàn; năm xưa đốt rừng nhưng không đủ sức đánh những gốc tràm tươi rói không cháy được nầy, tía thằng cộc đành cấy lúa giữa những gốc ấy, mãi cho đến ngày nay mà gốc vẫn chưa mục. Tía nó nói mười năm nữa, tràm chết cũng vẫn còn đưa cẳng lên như vầy.

Sau lưng Cộc là những rặng tràm bị cháy sém dưới trận lửa khai hoang, không chết ngay, nhưng “chết lười”, cứ mỗi năm chết lần mòn thêm vài mươi cây. Mấy hàng tràm đầu nám đen và trụi nhánh như cột nhà cháy, câm hận nhìn chiếc chòi lá xa tít mù dưới mé rạch đang chứa chấp kẻ thù đã lấn đất của chúng, đã sát hại chúng.

Sau đó, rừng dày mịt, chằn chịt những dây bòng bong, dây choại, bò từ thân cây nầy qua thân cây khác.

Thằng Cộc lắng tai nhưng không nghe tiếng động nào cả. Nó đánh bạo chen qua những cây bình-bát, cây ráng, mọc xen với tràm, để đi tới đích.

Một ổ chồn cộc bỗng chạy qua trước mặt nó, khua lên một cái roạch, làm nó giựt mình, nhưng tiếng người trên Ô-Heo cách đó chừng hai hàng cây, giúp cho nó vững dạ.

Tiếng đàn bà hỏi:

- Anh hổng sợ thằng Mùi hay sao ?

Tiếng đàn ông đáp:

- Thằng Mùi thì qua cho một loi là nhào hớt.

Cộc vẹt cỏ lá, đi mau đến đó và khi nó chun ra khỏi khối xanh thì hai người có mặt trên gò Ô-Heo sợ hãi ngồi dang ra. Người đàn ông gác quốc là người quen, người đàn bà nhổ bồn-bồn thì lạ hoắc. Chị nầy trẻ đẹp hơn tất cả những chị mà nó quen biết từ lâu.

Người đàn ông tự trấn tỉnh lại ngay, ngoắt nó lại mà hỏi:

- Muốn về trển hay không Cộc ? Muốn thì đi theo chị hai mầy đây, chỉ có một đứa em gái ngộ lắm.

Trong khi thằng Cộc mắc cở tía tai thì chị đàn bà hỏi anh kia:

- Ở miệt nầy có người sao anh ?

- Chỉ có một nhà thôi. Mới tới đây chừng năm năm.

- Quen hay lạ ?

- Lạ. Họ ở trên Sa-Đéc lận.

Chị đàn bà an lòng, vui lại được và nói với Cộc để mua lòng kẻ đã bắt chợt việc thầm lén của chị:

- Em của chị không bao giờ chịu về làm dâu ở một chổ như vầy. Em có muốn thì phải ở rể thôi.

Rồi hai người lớn cười ngặt nghẹo với nhau.

Thằng Cộc mới mười lăm, nhưng cao lớn gần bằng người đàn ông kia. Mình trần của nó nổi u, nổi nần những bắp thịt rắn như nắn bằng đất sét gắn vào đó rồi nung cho đen và cứng.

Sự nẩy nở của thân thể nó đi song đôi với sự trưởng thành của đời sống sinh lý bên trong của nó. Năm nay nó đã bắt đầu bâng khuâng mỗi khi chiều xuống, mặt trời đốt cháy đỏ đầu rừng tràm trầm thủy trước nhà. Nhưng sống cô đơn ở đây, nó không biết chuyện trai gái như vầy là xấu đến mức nào và nó phải có thái độ làm sao nên bối rối lắm.

Chị đàn bà nắm tay nó, rị nó ngồi xuống bên cạnh chị, vỗ lên đầu nó rồi dỗ ngọt:

- Chị không ăn thịt em rể chị đâu mà sợ. Mầy mà về trển làm ruộng thì ai cũng ưa. Làm rể có công, ba năm thì má chị gả con Thôi cho mầy liền. Nói thiệt đó mà.

- Nó muốn trốn theo qua dữ lắm, người đàn ông nói, nhưng nó còn ngại.

- Ngại gì ?

- Thì lo sợ cái việc xa xôi đất lạ đó mà.

- Em nè, chị đàn bà lại hỏi, nhà có mấy người ?

- Bốn người ?

- Ai với ai ?

- Ông nội tui, tía tui, má tui với tui.

- Làm mấy công đất ?

- Hồi đó bốn công, bây giờ mười công.

- Gặt được bao nhiêu giạ mỗi mùa ?

- Tám giạ.

Chị đàn bà cười ngất một hồi rồi day lại hỏi nhơn tình:

- Trời ơi, ruộng gì mà mười công đất, chỉ gặt được có tám giạ thôi ?

Người đàn ông không cười, đáp:

- Đất nước mặn nào mới khai hoang cũng như vậy hết.

- Rồi lấy gì mà ăn em nhỏ ?

- Tía tôi đi đổi lúa thêm, ở đâu không biết, xa lắm.

- Đổi bằng gì ?

- Bằng cá khô. Với lại cũng chẳng cần ăn cơm. Nhiều khi ăn rùa, ăn rắn trừ cơm. Ở đây, rùa nhiều như kiến. Đốt rừng rồi đón trên đầu gió một lát là chúng nó lạch cạch chạy trốn lửa, bắt không kịp lận.

Chị đàn bà tỏ vẻ ái ngại một hồi rồi nói:

- Nãy giờ chị nói chơi đó. Nhưng biết được tình cảnh của em, chị thật bụng thấy là em cần đi theo chị hoặc là anh đây cũng được.

Chị ta vói tay sau lưng, lấy bầu nước ngọt, mở nút ra rồi ngước mặt lên trời, rót nước vào miệng. Chị uống ừng ực vài cái rồi lại nói:

- Em có được ăn chè lần nào không ?

- Không, từ năm năm nay rồi. Cách đây một ngày đường nước, không có nhà cửa ai cả, không có quán tiệm gì hết. Với lại cũng không có tiền.

- Ở Sa-Đéc sao lại không vô Tháp Mười mà nhè xuống U-Minh nầy ?

- Tui cũng không biết tại sao. Nhưng ở Tháp Mười dễ chịu hơn hả ?

- Chị cũng không biết. Chỉ biết đất hoang ở Tháp Mười gần quê cũ của em hơn. Quê em ở gần Cao Lãnh phải không ?

- Gần.

- Em có nhớ xoài Cao Lãnh hôn ?

- Tui lạy chị, đừng có nhắc chè, nhắc xoài nữa, tui thèm muốn chết đi. Năm năm nay, tui không có biết món ngọt là gì. Mấy cây chuối trồng sau nhà cũng chết queo vì đất còn mặn quá. Năm nay một cây trổ buồng, chắc tôi được ăn ngọt đây. Úi chà ! Trưa rồi, chắc tới bữa cơm, thôi tui về nha, anh, chị ?

- Ừ về, mai mốt lại lên đây nữa nha ?

- Xuồng anh chị ở đâu ?

- Dưới kia. Nhổ bồn-bồn ở dưới ấy, nhưng lên đây cho khô ráo để ăn cơm trưa é mà. Em Cộc nè, em của chị ngộ lắm, trắng lắm nghe không ?

Chuỗi cười của hai người nhơn tình ấy đuổi theo sau lưng Cộc khiến cho nó, trong giây phút, không muốn về nhà nữa.

Ra khỏi rừng tràm râm mát, mắt Cộc bỗng dưng như đổ hào quang trước ánh nắng tháng mười. Không khí bị đốt cháy, đang rung rinh như nước xao, và nó tưởng chừng như mái lá nhà nó, đen thui dưới kia, sắp cháy đến nơi.

Thằng Cộc về tới nhà thì cơm trưa đã dọn xong.

- Mầy đi đâu mà tới đứng bóng mới về ?

- Tui đi lượm lông chim Long ô.

- Lông đâu ?

- Mà kiếm hoài hổng có.

- Mồ tổ cha mầy, nhiều chuyện. Chim Long ô đời xưa mới có chớ đời nay đâu còn nữa. Mai gặt nghe không ? Ăn cơm khuya rồi xuống đồng cho sớm, đừng đi đâu hết.

Cả nhà lặng lẽ ngồi quanh mâm cơm, Không ai nói với ai lời nào. Những người nầy, sống biệt tịch ở đây lâu ngày rồi, đã biến thành á khẩu vì thói quen.

Riêng thằng Cộc, sự cần nói của tuổi thơ đang lên mạnh lắm như cần chạy nhảy, cần ăn uống vậy. Câu chuyện hồi nãy trên gò Ô-Heo khiến nó càng bắt mùi nói thêm, nên nín không được, nó hỏi ông nội nó:

- Nội nè, hồi mới tới, giữa mùa nắng, mình uống nước gì, tui quên rồi ?

Nó hỏi như vậy vì nó vừa nhìn ra cái giếng bên hè và nhớ ra là giếng đã ngọt nước hôm mùa nắng trước, mặc dầu đã được đào từ năm năm rồi.

- Uống nước đọng trên lung, trên rừng, chớ uống nước gì.

- Sao mình tới đây ông nội ?

- Đã nói cho mầy biết rồi. Trên xứ, mình không có ruộng, làm công khổ cả đời.

- Ở đây, mình có ruộng, nhưng cũng khổ cả đời.

Ông nội thằng Cộc lặng thinh. Nó nhìn ông nội nó rồi chợt nhận ra rằng năm nay ông cụ già quá. Tóc râu của ông cụ đã trắng bông. Nhớ ra ông cụ thường than mình nhớ mồ, nhớ mả ông bà quá, nó bùi ngùi thương ông nên dòm ra sân để quên.

Bấy giờ bóng của bốn cái nồi rau đã tròn vành, chỉ rằng thật đúng ngọ. Bốn cái nồi bể ấy, hèn là thế mà rất là công dụng đối với nhà nó.

Để tránh nước mặn tràn bờ ngập sân, tía nó đã đóng mười hai cây cọc, làm thành bốn cái giá ba chơn tréo như giá trống của bọn đờn thổi đám ma. Trên mỗi giá, đặt một cái nồi lủng đít, và trong nồi để đầy đất mà tía nó mang từ xa về. Đất ở đây mặn chát dùng không được. Hành, ớt, rau răm, rau mồ om, được trồng trong mấy cái vườn cao cẳng đó. Đó là bốn thứ tối cần, đất mặn bao nhiêu cũng phải lập thế mà trồng cho được, không thôi không có món gia vị nào để ăn cá nữa.

Bốn miếng vườn cao cẳng và tí hon lại là chiếc đồng hồ của nhà nầy vào mùa khô. Cứ bằng vào bề dài của bóng giá là tính giờ được ngay, và khi bóng nồi tròn vụm che mất bóng giá là đúng ngọ ngay bon.

Nhìn ra sân một hơi, nhai nuốt hết cơm, nó day vô và hỏi tía nó:

- Năm nay mình gặt cỡ được bao nhiêu tía ?

- Nhờ ông bà, đất nước, ít lắm cũng được hăm lăm giạ.

- Cũng chưa đủ ăn.

- Đủ gì mà đủ, má nó nói, nhà mình phải ăn trăm rưỡi là số chót.

- Với lại, tía thằng Cộc trở vào câu chuyện, tại lúa nàng Cụm thất gạo lắm. Năm tới ta gieo giống Tầm Vuột chắc được gạo hơn nhiều. Năm nay hễ chuối trổ buồng thì năm tới tao trồng sả, trồng ổi được rồi đó.

Cả nhà đều hớn hở trước dự định tương lai tốt đẹp kia. Nhưng thằng Cộc chưa thấy gì là xán lạn cả. Trồng ổi thì cũng phải khá lâu mới có trái, trong khi đó nó tiếp tục thèm chè, thèm xưng xa, nhớ đám cúng đình, nhớ hát bội và bị một hình ảnh mới quyến rũ, hình ảnh của con Thôi, chắc là giống hệt chị nhổ bồn-bồn, tức là có duyên lắm.

Con trai làng thấy con gái rất thường, thế mà họ còn thầm lén rủ nhau đi một ngày đường nước để ra đây gặp nhau, huống hồ gì nó chưa được nói chuyện với con gái lớn lần nào hết. Những đứa con gái bạn của nó cách đây năm năm, nó nhớ lại thì không có gì quyến rũ cả. Đứa nào cũng cạo trọc chừa bánh bèo phía sau và giữa chiếc bánh bèo, mọc ra một chòm đuôi dài trông đến buồn cười.

Nhưng mà con gái lớn phải khác. Cộc chưa thấy con gái lớn, nhưng tin chắc như vậy. Có một linh cảm gì, ở đâu từ kiếp tiền thân của nó bay lại và giúp cho nó biết như vậy. Những cô con gái lớn chưa thấy hình ấy, mà đã có tiếng kêu được, chúng âm thầm gọi Cộc, tiếng gọi như văng vẳng đâu trong không trung.

Thẩn thờ, thằng Cộc nói lại câu hồi nãy, và giận giỗi, thêm một đoạn khiến ông nội nó giựt mình, chống đũa mà nhìn nó trừng trừng:

- Ở đây mình có ruộng nhưng cũng khổ cả đời. Tui muốn đi quá, đi đâu cũng được, miễn ở đó có làng xóm, có người ta.

Thằng Cộc thích mấy cây nọc nạng lắm. Bó lúa nào gác lên đó cũng nằm yên cả chớ không chực rớt xuống nước ruộng như những bó lúa gác trên đầu nọc thường.

Đó là những gốc tràm mà cháng hai chẻ ra rất thấp. Khi đốn tràm cháy, tía thằng Cộc đã trù xa, đốn ở trên cháng hai ấy độ một gang rưỡi nên bây giờ họ mới có nọc nạng rất tiện mà dùng gác lúa.

Ông nội thằng Cộc chống xuồng trên ruộng, len lỏi qua mấy gốc tràm. Ông ghé từng gốc để cho lúa xuống xuồng.

Đủ thứ là cò, cò ma, cò lông bông, cò quắm, cò hương, thân mật nhìn gia đình bốn người gặt lúa nhà. Đây là bốn người độc nhứt mà chúng thấy mỗi ngày ở vùng hoang vắng nầy; ban đầu chúng sợ hãi họ, nhưng về sau, thấy họ hiền từ quá, chúng làm quen với họ đã được bốn thế hệ cò rồi.

Má thằng Cộc lội sình tới đầu gối, và lội nước gần tới háng nhưng vui vẻ hơn ngày nào hết. Bà ta tằng hắng rồi cất tiếng hò:

Hò... ơ... tiếng anh ăn học làu thông,

Lại đây em hỏi khăn lông mấy đường ?

Hò xong câu đố ấy, bà lắng đợi chồng bà hò đáp. Nhưng tía thằng Cộc cứ làm thinh mà gặt, khiến bà đâm ngượng nên cười rồi cự chồng cho đỡ mắc cỡ:

- Tía nó sao câm cái miệng lại, không bắt vậy ?

- Hứ, nhiều chuyện nà ! Già rồi mà còn hò với hát, bắt với ghẹo. Bộ còn trai gái gì đó sao ?

Vì vui kết quả của cần cù nên má thằng Cộc quên rằng bà ta đã quá mùa hò rồi. Tía nó nhắc lại bà ta mới chợt nhận ra. Tuy nhiên bà vẫn ngậm ngùi nhớ cái thú vui ấy thuở bà còn con gái và ngay bây giờ đây, tóc đã nhuốm hoa râm rồi, bà cũng hưởng được nếu còn ở làng, hưởng bằng cách khuyến khích bọn trai trẻ hò đối đáp với nhau.

Thằng Cộc thì xôn xao trong lòng, nhớ lại lời chị nhổ bồn-bồn bảo rằng nó mà về làng làm ruộng thì ai cũng ưa. Ừ, nó sẽ hò đối đáp với con Thôi. Chậc ! Mà nó phải nhờ má nó dạy hò mới được. Nó có nghe hò lần nào đâu để mà thuộc giọng và biết câu.

Đến chiều thì xong xuôi cả. Ông nội thằng Cộc chống xuồng lúa để ra bờ rạch, còn tía nó, má nó và nó thì lội nước sình mà về bộ.

Đập lúa và phơi phong mất hết mười ngày. Trong những ngày buồn tẻ, phẳng lì giữa cảnh bùn lầy nước đọng ấy, thằng Cộc càng nao nức muốn về làng.

Lại đây em hỏi khăn lông mấy đường ?

Câu hò của má nó ám ảnh nó từ hôm gặt đến nay. Nếu con Thôi mà hỏi đố nó câu ấy chắc nó phải ngậm câm, cho dẫu được phép trả lời bằng văn xuôi.

Khăn lông là vật dụng mà nó đã quên rồi thì còn biết là mấy đường để còn đáp cho thông. Từ lâu, nó chỉ có một chiếc quần xà lỏn trên người, mùa nắng cháy như mùa mưa lạnh. Đêm nó nhờ mùng che thân cho đỡ bị muỗi đốt và gió cắt da.

Những món đồ cần dùng của thế giới văn minh ấy cũng thuộc vào những thứ gợi thèm như bánh trôi nước, bánh ít trần và mái tóc của con Thôi.

Hôm ấy, dùng bồ cho con cháu đổ lúa vào, ông nội thằng Cộc long trọng nói:

- Ngày mai ra biển.

Không ai hỏi ra biển để làm gì hết. Thằng Cộc cũng làm thinh, trái với mọi ngày mà nó hỏi không kịp đáp.

Con rạch Ô-Heo trước nhà, nếu có đi trên ấy thì phải về ngọn, nó nghĩ như vậy, đi về ngọn để rẽ qua những kinh rạch khác mà tìm làng mạc sầm uất, chớ xuôi dòng ra biển thì còn nghĩa lý gì nữa chớ ?

Nó chưa được ra biển lần nào cả và mấy năm trước đây nó muốn theo ghe của bọn bắt cua để đi một chuyến lắm, mà không được phép đi.

Chuyến đi đầu đến một chơn trời xa lạ mà ông nội nó vừa cho biết, không làm cho nó phấn khởi chút nào cả.

Ông nội nó tiếp, dặn mẹ nó:

- Con mẹ Trùm, ngày mai phải dậy khuya nấu cơm. Tao đi với thằng Trùm và thằng Cộc, đi thật sớm để gặp con nước lớn ngay tại cửa mà về cho tiện.

Rạch Ô-Heo nhỏ xíu cho nên tràm mọc ở hai bên bờ giao nhành với nhau được và phủ kín cả mặt nước.

Rạch tối om, đi như đi trong hang. Bây giờ thằng Cộc mới thấu nghĩa hai tiếng “hang mai” trong câu hát của bọn đi bắt ba-khía.

Những nơi ánh nắng lọt vào được thì hai bên bờ, ô-rô và cóc kèn mọc đầy.

Nước ròng chảy xiết, xuồng trôi bon bon. Tuy vậy, ông nội và tía cũng chèo cẩn thận để mau tới nơi, hầu về kịp nội buổi chiều ngày đó.

Gần tới trưa, xuồng không đi mau nữa.

- Nước đứng rồi, ông nội nói, tức ta gần tới cửa rồi.

Họ thôi chèo, để cho xuồng trôi linh đinh, không tiến cũng không lùi, rồi lấy cơm dỡ trong mo nang ra mà ăn.

Không đi thì thôi, đã trót đi, và lúc gần tới đích, thằng Cộc nghe thích thấy biển coi ra sao. Nó và cơm hối hả rồi hỏi:

- Ra đó làm gì ông nội ?

- Rồi mầy sẽ biết.

Họ ăn cơm xong thì nước bắt đầu lớn. Họ chèo ngược nước cho đến quá đứng bóng thì đến một nơi kia mà ông nội tuyên bố rằng đó là biển.

Thằng Cộc ngạc nhiên lắm mà chẳng thấy biển đâu cả. Con rạch tiếp tục đi xa ra ngoài kia, hai hàng rào cây như đứt khúc, đâm vào một vách tường xanh như da trời.

- Biển ở đâu, ông nội ? Cộc hỏi.

- Đàng xa kia, xanh xanh đó.

- Sao không ra ngoài, ông nội ?

- Không cần.

Tía thằng Cộc chèo mũi, rút sào cặm xuống bùn, theo lịnh của ông nội nó.

Ông nội gọi Cộc hỏi:

- Con có thấy gì khác lạ không ?

- Không, ông nội à.

- Không thấy ? Cây ở đây không khác cây sau lưng mình à ?

- À... phải rồi.

Cộc nhìn lại thì quả như lời ông nội nó nói. Nơi đây, đất đã hết, mà chỉ còn bùn. Tràm mọc tới mé đất cuối cùng thì dừng lại, như là dân ở biên giới một nước kia dừng lại nơi bìa lảnh thổ mình.

Hết tràm thì có một khoảng trống, nửa bùn, nửa đất, trên ấy cỏ ống rậm ri và chim cao cẳng đủ loại đáp đầy trong cỏ.

Tràm đứng trước bãi cỏ mà nhìn dân láng giềng mọc trên bùn đen. Đó là những cây ốm nhom chen nhau mà vượt cao lên, cây nầy cách cây kia không đầy bốn gang tay.

Bờ biển thoai thoải dốc xuống, trông rừng cây lạ ấy như một đạo binh xuống núi, tuôn thành hầu lập công.

- Nhìn xuống gốc cây, ông nội bảo.

Nước chưa lớn hẳn, để lộ bùn đen dưới gốc cây ra. Bùn đen từng nơi lại trắng xóa những đóa hoa năm cánh, hai màu đen trắng đối chọi nhau trông rất đẹp.

- Cây gì mà lạ vậy ông nội ? Trổ bông ngay dưới gốc ?

- Bông trổ trên đầu những cái rễ ăn lên mà người ta gọi là rễ gió. Cây nầy là cây mắm. Đây là rừng mắm đây.

- Cây mắm ? Sao tui không nghe nói đến cây mắm bao giờ ?

- Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm cũng không được.

- Vậy chớ trời sanh nó ra làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số như là cỏ ấy ?

- Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một mai kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được.

Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:

- Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau.

Đời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng.

Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi ? Vả lại con không thích hi-sinh chút ít cho con cháu của con hưởng hay sao ?

Thằng Cộc nhìn lại ông nội nó và nghe thương không biết bao nhiêu ông già đã bỏ mồ bỏ mả ông cha để hì-hục năm năm trong đồng chua, nước mặn ở Ô-Heo.

Phải, cứ theo dự đoán của gia đình thì nó sắp được hưởng, tuy không nhiều, mà rồi sẽ nhiều. Nó nắm chặt tay ông nội nó và nó thấy ông nội nó giỏi quá. Ông có biết chữ nho kia mà.

- Ông ơi, nó than, nhưng tràm buồn quá.

- Tràm sẽ khỏi buồn nữa. Năm tới, đất thuần rồi thì ta làm ba mươi công và sẽ gọi dân cấy gặt ở xa tới phụ lực. Rồi tía con sẽ cưới vợ cho con, rồi thiên hạ sẽ bắt chước ta, tràn tới đây mà phá rừng, vùng Ô-Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu. Tràm hết buồn vì sẽ đẻ ra cau, dừa, xoài, quít, đầy nhà, nước sẽ ngọt một khi đất thuần...

- Và sẽ có chè ăn ?

Ông nội cười ha hả mà rằng:

- Gì chứ chè thì sẽ có lu bù.

- Mà ông nội nè, cưới vợ làm sao được, ai thèm tới Ô-Heo ?

- Hai năm nữa người ta sẽ đồn rằng đất Ô-Heo thuần. Những kẻ nghèo khó như ta chỉ mong được tới đây. Ông nói điều nầy, không biết con hiểu được hay không. Là tổ tiên ta ngày xưa từ Bắc, Trung tràn vào đây đều chịu số phận của cây mắm hết, từ xứ Đồng Nai nước ngọt cho tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả.

Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc nầy để lót đường cho con cháu họ đi tới, y như là đàn kiến xung phong, tốp đầu liều chết đuối, lội qua tô nước rọng hủ đường để làm cầu cho bọn đi sau vào đến nơi có chất ngọt. Nhiều lớp tiên phuông đã ngã gục như rừng mắm. Rồi thì ông sơ, ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn...

- Tía.

Thằng Cộc lo lắng không biết tía nó sẽ làm tràm như nó được hay không nên kêu tía nó bằng một giọng thương yêu trìu mến hết sức.

- Thôi, nhổ sào để đi về cho kịp con nước, ông nội ra lịnh.

Ông nội vui vẻ quá, vì ông bỗng sực nhớ lại những câu hò của thế hệ người tiên phong đi khai thác đất hoang ở miền Nam, mà ngày nay thế hệ tràm không hát nữa. Ông cất giọng khàn khàn lên:

Hò... ơ... Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai.
Nước sông trong sao cứ chảy hoài,
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.

Chú thích

chim thằng chài xanh : Tác giả thấy rằng màu lông của loại chim nầy là màu lục. Nhưng người miền Nam cứ cho đó là màu xanh, nên tác giả viết theo đa số, để được hiểu. Vả lại, đôi khi trời trưa thì cũng có thể thấy chim ấy mang màu xanh.

tía: Tía là danh từ của người Mã Lai có nghĩa là Cha, nhưng miền Nam vay mượn của người Hoa Nam (Phúc Kiến và Triều Châu) vì người Hoa Nam gốc Mã Lai, còn dùng đến mấy trăm danh từ Mã Lai trong cái Hoa ngữ của riêng Hoa Nam, chớ không phải là vay mượn của người Mã Lai đâu. Vả lại danh từ Cha cũng do Giao Chỉ vay mượn của Hoa Nam hồi cổ thời và cũng cứ là vay mượn danh từ Tia (không có dấu sắc). Khi Tia được đọc thật nhanh thì nó hóa ra là Cha, như trong tiếng Pháp Tiarẹ Hai câu chú thích nầy để dành riêng cho bạn đọc gốc miền Bắc và Trung.

gác : đánh bẫy.

6) Nghệ sĩ Bắc Sơn:

Ông tên thật là Trương Văn Khuê, sinh ngày 25-12-1932 tại xã Phước Lộc, Long Thành, Biên Hoà, mất lúc 9:55 phút ngày 23-2-2005 tại Sài Gòn vì bịnh ung thư phổi.

Bắc Sơn là tác giả 500 ca khúc trong đó bản dân ca “Còn thương rau đắng sau hè ” được cả nước ưa thích… Ông còn là kịch giả của 80 kịch bản, và đã đích thân tham gia 60 vai diễn trong điện ảnh.

Ông có tất cả chín người con, nhưng chỉ có hai người con gái nối nghiệp cha là ca sĩ Hạ Châu và nghệ sĩ Bích Lan.

Ông Bắc Sơn là một nhà giáo dạy học từ năm 1952 đến 1977.

Trên sân khấu truyền hình trước năm 1975 ông nổi tiếng là người thực hiện “Chương trình quê ngoại ” có nông dân chất phát Tư Ruộng với cô gái quê Thu Hồng có giọng hò miền Nam ru hồn rất thanh thoát… Các vỡ kịch của ông đều xoay quanh nghề nông với các nhân vật tuy chất phát nhưng giàu suy ngẫm như chính người viết vốn yêu cuộc sống thanh bình…

Ông được tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú ngày 3 tháng 2 năm 1977.

7) Nguyễn Tất Nhiên:

Tôi cũng không quên nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Nguyễn Tất Nhiên sanh ngày 30-5-1952 (Nhâm Thìn) tại Bình Trước, Biên Hoà, tháng Bính Ngọ, ngày Bính Tí, giờ Canh Dần, mất ngày 3-8-1992, tên thật là Nguyễn Hoàng Hải. Thuở nhỏ, gọi là Hải khùng, sống tại xóm Gò Me, hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi cua cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên; anh nhỏ hơn tôi đúng một con giáp, tuổi Thìn; anh thường làm thơ in ronéo đi phát không cho nữ sinh, họ đều quăng vào thùng rác, đến lúc Vĩnh Phúc và Nguyễn Xuân Hoàng dạy trường Ngô Quyền gửi đăng ở tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo, được Phạm Duy và Nguyễn Đức Quang phổ các bản "Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá", "Trúc đào", "Vì tôi là linh mục", " Em hiền như ma soeur", "Kià cô em Bắc kỳ nho nhỏ", "Hai năm tình lận đận" thì nữ sinh ùn ùn kiếm mua thơ anh; Nguyễn Tất Nhiên sau lấy Minh Thủy, xóm Cây Me, ở nhà gọi là Nhung, chú út tôi là Kiến trúc sư Đỗ Hữu Nam lấy chị thứ ba là Minh Vân. Tác phẩm đã in: "Nàng thơ trong mắt" (1966, cùng với Đinh Thiên Phương), "Dấu mưa qua đất" (1968), cùng với bút đoàn Tiếng Tâm Tình), "Thiên Tai" (Thơ,1970), "Thơ Nguyễn Tất Nhiên (Thơ góp nhặt từ 1969-1980), "Chuông Mơ" (Thơ từ năm 1972-1987), "Tâm dung". Lúc Nguyễn Tất Nhiên quyên sinh trước cửa chùa Việt Nam, California, anh chưa được trông thấy tác phẩm "Minh Khúc" của anh ra đời. Quyển thơ nầy đang bị tranh chấp giữa Minh Thủy và gia đình Nguyễn Ngọc (thợ may cha của Nguyễn Tất Nhiên) chưa ngã ngũ, chúng tôi kỳ vọng được đón nhận nó lắm thay. Anh còn dự định xuất bản "Truyện ngắn Nguyễn Tất Nhiên" và trường thi "Cũng cần cho hạnh phúc". Ngoài ra anh còn có tập nhạc "Những năm tình lận đận" (1977-1984).

Tôi xin ghi chép lại bốn bài thơ đầu tay thuở Nguyễn Tất Nhiên còn học Trung học Ngô Quyền, Nhiên đã làm bốn bài thơ nguyên thủy chính chàng cũng tưởng đã bị thất lạc, do người em con chú, yêu thơ là Đỗ Kim Loan đã chép lại trong tập thơ bằng giấy Pelure mỏng màu xanh học trò chưa bị sửa.

Bài thơ có lẽ báo hiệu một thiên tài thơ lổi lạc thuở còn tim non học trò trường tỉnh là bài thơ "Tình mới lớn", hình như Nguyễn Tất Nhiên đã sáng tác hồi mới mười lăm:

"Tình mới lớn phải không em rất đẹp

Cách tập tành nào cũng rất dể thương

Thuở đầu đời chú bé soi gương

Và thích thú dĩ nhiên làm lạ

Tình mới lớn phải không em rất đẹp

Cách tập tành nào cũng dễ hư hao

Thuở đầu đời là so đũa thấp cao

Và tro bụi dù đi về đâu nữa

Cũng yên nằm mang phân bón cho cây

Nên lúc nào tôi cũng phải thương tôi

Những ích kỷ nảy sinh sau lần thảm bại

Tuổi mười lăm giữa con trai con gái

Đã rỏ ràng ai khờ dại hơn ai

Nên ích kỷ nảy sinh sau lần nhục nhã

Ta có một đời rong xanh mờ đá

Em có ngàn năm lạc lõng sương mù

Tình mới lớn phải không em rất mỏng

Cách tập tành nào cũng dễ hư hao

Thuở đầu đời chú bé ôm phao

Và nhút nhát dĩ nhiên ngộp nước

Ta có cánh buồm tạc vào ký ức

Em có chỗ ngồi phiêu lãng như mây"


(Nguyễn Tất Nhiên )

Bài "Nên sầu khổ dịu dàng" phản ảnh một chất thơ rất là Nguyễn Tất Nhiên vừa hồn nhiên, vừa trong sáng, vừa dễ thương, vừa dịu dàng, đầy sáng tạo. Cũng như các kiệt tác của một Kiệt Tấn cũng đã ở Dưỡng Trí Viện được ba năm, thơ của Nguyễn Tất Nhiên nằm ở giữa đường tơ kẻ tóc, lằn ranh của những cơn điên loạn, thác loạn và thiên tài:

"Những kỷ niệm đời xin hãy còn xanh

Có một ngày mình bỏ trường bỏ lớp

Anh cũng đi như luật định trời dành

Nắng bờ sông như màu trang vở cũ

Thuở học trò em làm khổ ai chưa?

Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học

Bàn tay xương cầm hờ hững văn bằng

Em hãy đứng trước gương làm dáng

Tự khen mình đẹp quá đi em

Lỡ mai kia mốt nọ theo chồng

Còn đôi chút luyến lưu đời con gái

Em hãy ra bờ sông nhìn nắng trải

Nhớ cho mình dáng dấp người yêu

Lỡ dòng đời tóc điểm muối tiêu

Còn giây phút chạnh lòng như mới lớn

Mình hãy trách đời nhau nhiều hư hỏng

Rồi giận hờn cho kỷ niệm đầy tay

Thu miền Nam không thấy lá vàng bay

Anh phải nói:"Buồn cho chúng ta màu trắng"

Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng

Người thì không bắt bóng được bao giờ

Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học

Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng"
(Nguyễn Tất Nhiên )

Hồi đầu năm 1972, có người hỏi Nguyễn Tất Nhiên lý do lấy bút hiệu đó, thì anh kể lại có một người nói có bài thơ đăng báo của tác giả nào tên lạ hoắc mà hay quá, anh nói:" Đâu đọc nghe thử." Ông ta đọc xong, anh cười bảo:" Thơ tôi đấy!" Ông ta trợn mắt tỏ ra không tin, còn hỏi lại:" Bài đó làm lúc nào vậy?" Tôi đáp:"Lúc 11 tuổi." Ông ta cười phá lên, cho là chuyện hoang đường. Anh buột miệng trả lời:" Chắc chắn bài thơ đó của tôi, tôi làm lúc 11 tuổi, tin hay không tin là tùy ông nhưng tất nhiên là vậy." Sau đó anh chọn luôn bút hiệu là Nguyễn Tất Nhiên.

Xin mời bạn đọc thơ "Em đang " của anh thuở còn theo đuổi dấu chân người con gái tên Quyên:

Em yếu đuối, em hắt hiu tiều tụy

Tủi chi tình đưa dẫn đến xót xa

Vì yêu đương mang bản chất mù lòa

Mà nước mắt cũng cần cho hạnh phúc!



Thiên hạ vẫn hay trao lời cầu chúc

Trách chi điều bất hạnh bổ trùng vây

Bởi chuỗi cười khi rạng rở trên môi

Không phản chiếu long lanh như lệ xuống!



Yêu dấu hỡi, nhìn thảm chi lúc đứng

Lắc đầu chi lúc chạm mắt quay đi

Cho muối thêm mặn cho gừng thêm cay

Cho thất vọng đẩy xô về tuyệt vọng!



Yêu dấu hỡi, đường chung thân bước mỏn

Tình mong manh, ừ, ráng nâng niu

Chàng hư thân, ừ, ráng nuông chìu

Ờ mong mỏi, ừ nhưng đừng nhẩm tính



Như thời tiết góp phần vào trái chín

Mùa khổ đau sẽ tươm mật con tim

Lưỡi cày sâu cho đất cựa mầm lên

Mau mắn nụ tinh mơn tình bát ngát...



Yêu dấu hỡi, đường chung thân sa mạc

Khát sống tăng theo mỗi gượng thêm lần

Quỵ thêm lần...cho mắt cảm thông quang

Như gương nhận gương soi từng mắt khó



Yêu dấu hỡi, rồi nghe đời tha thứ

Rồi lại nghe tim nhịp thứ tha đời

Mỗi vết thương, tự nó, đã đền bồi

Một hạnh phúc da non còn kéo miệng!



Nguyễn Tất Nhiên

Và cuối cùng mời các bạn thưởng thức một hồn thơ đã thẩm thấu hương bưởi Biên Hoà với nước ngọt ngào sông Đồng Nai trong bài thơ "Tâm Chung ":

Cùng em cùng một khung trời

Chung nghe sa mạc lòng người chuyển mưa

Cùng em cùng một ngày mùa

Chung nghe tình nước non chưa lỗi thề

Cùng em ngàn dặm ra đi

Chung nghe thiên lý đường về trong tim

Cùng em sông Hậu sông Tiền

Lia thia quen chậu tình hiền quen khăn

Cùng em cửa mắt cài trăng

Nhẹ tay phẩy bụi chung lòng như gương

Vì em là lượng Cửu Long

Bún khô vẫn gạo nanh chồn, nàng hương

Vì em là ngọt sông Đồng

Vàng chua bưởi Mễ vẫn bông Biên Hoà

Vì em là một mái nhà

Anh thân tứ cố vẫn ra người hiền

Chim quyên ngồi đứng không yên

Em xa cha mẹ buồn riêng một mình...



Nguyễn Tất Nhiên

(Xin xem thêm Phụ bản của Vũ Công Lý ở cuối).

8) Nhà văn Lý Văn Sâm:

Nhà văn Lý Văn Sâm cũng quê Tân Uyên, sanh ngày 11-2-21, người rất có nhiều tác phẩm viết về Biên Hoà, ông là Tổng Thư Ký đầu tiên của Hội Văn Nghệ Giải Phóng, Vụ trưởng Vụ Nghệ Thuật, Bộ Văn Hóa. Sau 75, ông đảm nhiệm Phó Tổng Thư Ký Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật, Ủy Viên BCH Hội Nhà Văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn Nghệ Đồng Nai... Ông để lại các truyện "Cây Nhị Sông Phố", "Chuyện đường rừng", "Mã thượng giang hồ", "Kòn trô", "Thèm một ánh đèn", "Quê nhau rún", "Tàn một mùa thơ", "Ngoài mưa lạnh", "Bức chân dung", "Ngàn sau sông Dịch", "Chiếc vòng ngọc thạch", và tuyển tập " Nắng bên kia làng"...

Hành trình trên cõi văn chương, Lý Văn Sâm là nghệ sĩ thứ thiệt, nào có ai so đo, ra công cố sức để người sau tạc tượng đồng bia đá cho mình đâu. Có lẽ vì thế, không hề lập dị, nhưng Lý Văn Sâm như luôn luôn lẫn khuất cả chính mình. Trong tâm hồn nhà thơ, nhà văn, bao ký ức một thời vang bóng. Song, ông lại chẳng bao giờ kể lể.

Cuộc đời văn chương Lý Văn Sâm nằm trọn vẹn trên những nẻo đường dân tộc. Ông gắn bó với quê hương, nơi ông thường gọi bằng cái tên dân giã dân dị: "quê nhau rún".

Với thiên chức người cầm bút. Lý Văn Sâm đã khắc ghi chân thật bộ mặt quê hương , đất nước. Người trí thức chân chính bao giờ cũng biết ơn nơi mình sinh ra... Còn người đời và quê hương của ông? Hãy tự hào về người con ruột rà và tài hoa của mình.

9) Đỗ Cao Trí:

Về quân sự, người nổi danh là nhà thao lược, đánh giặc giỏi và rất kỷ luật, là cố Đại tướng Đỗ-Cao Trí.

Tướng Đỗ Cao Trí sanh ngày 20-12-1929 tại Bình Trước, Biên Hoà, song thân là Ông Đỗ Cao Lụa và Bà Tô Thị Định, mất 10 giờ trưa ngày 23-2-1971, cựu học sinh trường Tỉnh Biên Hoà, cựu học sinh Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, xuất thân trường Võ Bị Nước Ngọt, khóa Đỗ Hữu Vị năm 1947, quê nội ở Bến Gỗ, bên kia bờ sông làng Vĩnh Cửu, bến đò An Hảo (nơi có năm đại doanh gia giàu nhất Biên Hoà là ông Lê Văn Lộ gọi là Bảy Lộ, sinh năm 1923 ở Bình Tự, xã Hiệp Hòa, gốc nhân viên của sở Trường Tiền, sau thầu xây cất, chủ rạp ciné Biên Hùng, và là người sáng lập Đông Phương Ngân Hàng; và ông Tám Dương Văn Hảo, gốc chèo đò ở bến đò An Hảo và bến đò Trạm, tục gọi là ông Tám Mộng, chủ khách sạn có hồ tắm Biên Hoà Club và nhiều building cho Mỹ mướn, nhà ông sau 75 bị chánh phủ Việt Cộng tịch thu dùng làm nhà Hữu Nghị để tiếp các phái đoàn ngoại giao, ông phải đi ở trọ nhà của ông phán Liên Thất Trương, ngày ngày đạp xe cọc cạch lên săn sóc các cây kiểng không công; ông Gia, chủ rạp ciné Nam Việt và hãng tàu thương thuyền hiện chạy đường Guam; em ruột là ông Mỹ, chủ rạp ciné Casino Dakao, ông Kinh Lý Đào Văn Nhơn, cả ba ông đều quê Cù Lao Phố; tướng Đỗ Cao Trí là em của Nha sĩ Đỗ Cao Minh là anh hai hiện ở Pháp, ông Minh là dân biểu thời Tổng thống Ngô đình Diệm và là Tổng thư ký Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, ngoại vi của đảng Cần Lao; Thiếu tá Đỗ Cao Thanh nguyên Phó tỉnh trưởng Nội an Biên Hoà, (ở tù cải tạo gần 13 năm chỉ vì em của Đỗ Cao Trí mặc dù ông đã giải ngũ từ lâu, ông hiện ở California); anh của Đỗ Cao Huệ, Bác sĩ Thú Y, người sanh đôi với Đỗ Cao Phước là Đỗ Cao Thọ, kỷ sư Mục súc; Bác sĩ Đỗ Cao Nghĩa, học cùng lớp với tôi, du học bên Pháp từ hồi Trung Học, người em gái thứ chín là Đỗ Thị Ánh Tuyết, phu nhân của Thiếu tướng Dương Ngọc Lắm (ông tốt nghiệp trường Thiết giáp Saumur, Pháp quốc), Tư lệnh Địa phương quân; Đỗ Cao Luận, người thứ mười, Trung tá Lực Lượng Đặc Biệt, người có công trận khám phá tàu vũ khí của Việt Cộng ở Vũng Rô, trước làm Quân trấn trưởng Nha trang, sau vì Trung tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Quân khu II, ghen chuyện nữ ca sĩ Minh Hiếu, đã phái đi cứu đồn với ba cố vấn Mỹ mặc dầu ông dư biết đồn đã bị Việt Cộng tràn ngập, kết quả lấy xác Đỗ Cao Luận tại Lâm Đồng, quận Đôn Dương năm 1967 về chôn tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi thiếu tay thiếu chân, tôi là người đi đầu ôm di ảnh của Luận hôm đó. Tướng Trí lúc đó đang "bị đày" làm Đại sứ tại Nam Hàn đã không về kịp đưa đám tang đứa em mà ông rất thương (theo truyền thống được làm vua, thua làm đại sứ). Người em gái áp út là dược sĩ Đỗ Lan Chi hiện định cự ở California. Người em út là Đỗ Cao Thông hiện ở Pháp. Tất cả là 5 anh em phục vụ trong Quân đội.

Đỗ Cao Trí, sau lại tốt nghiệp thêm khóa đào tạo Sĩ quan Quân đội Quốc Gia Việt Nam tại tỉnh Biên Hoà vào năm 1948, chỉ huy trưởng đầu tiên của binh chủng Nhảy dù QLVNCH sau khi quân đội Pháp chính thức bàn giao Liên đòan 3 nhảy dù (GAP) lại cho Quân đội Quốc gia Việt Nam vào ngày 29/9/1954, ông là một trong rất ít tướng lãnh tốt nghiệp khóa Bộ binh tại trường Bộ Binh Pháp (École d'Infanterie AUVOUR), Trường Quân Sự Nhảy Dù ở Pau, Pháp Quốc, trái với các tướng lãnh khác xuất thân từ lính Khố Xanh Khố Đỏ thời Pháp, ông rất nghiêm khắc với thuộc cấp, có lần ông gõ đầu một Trung tá phi công bắt đi hớt tóc.

Hồi còn Trung Úy nhảy dù quân đội Pháp, ông nhảy rớt trên nóc nhà của Đông Y sĩ Võ Văn Vân ở Thủ Dầu Một, người con gái cụ Võ Văn Vân tên Võ thị Phương Lan săn sóc, sau này là bà Đỗ Cao Trí, có hai con với ông là Đỗ Cao Dũng hiện sống tại Canada và Đỗ Cao Phương Loan định cư tại Pháp. Bà Phương Lan hiện sống tại Pháp. Sau đó ông kết hôn với người thứ hai sau khi ly dị là bà Gilberte Nguyễn chủ hãng Cosunam Film và có ba con gái. Bà từ Pháp qua định cư tại Virginia. Ông lên Đại tá vào tháng 11 năm 1955 hồi mới 26 tuổi, tổng cộng 23 năm binh nghiệp, quá trẻ nên ông Diệm hoãn lại việc lên tướng, phải đợi tới lúc ông 34 tuổi, mặc dầu ông đã là tư lệnh của binh chủng Nhẩy dù.

Các chức vụ kế tiếp là Tư lệnh Quân đoàn I ngày 2/11/1963; Tư lệnh Quân đoàn II ngày 14/9/1964; ngày 14/9/1964, ông bị Trung tướng Nguyễn Khánh, lúc bấy giờ là Thủ tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng, giải nhiệm vì nghi ngờ ông có liên quan đến cuộc chính biến 13 tháng 9 năm 1964 do Trung tướng Dương Văn Đức chủ xướng; trong thời gian rời tạm quân đội, ông được bổ nhậm làm đại sứ VNCH tại Nam Hàn; sau đó được cụ Trần Văn Hương đề nghị với Nguyễn Văn Thiệu cho ông tái ngũ và được cử thay thế Tướng Lê Nguyên Khang trong chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III, Quân Khu III vào tháng 8/1968 cho đến chết. Về sau, ông Đỗ Cao Trí lấy vợ ba là bà Nguyễn Kim Chi là vợ của dược sĩ Vũ Huy Tân ở Nha Trang, đổi tên các con riêng của bà ra họ Đỗ. Ông có tất cả một trai năm gái.

Người tôi muốn nói đến là một trong những người tình của Đỗ Cao Trí là nữ kịch sĩ Kim Cương, sau mang lon Đại Úy Việt Cộng, vì bà thân của cố Đại tướng cấm liên lạc cho là xướng ca vô loại, Đỗ Cao Trí là người có hiếu nên đã dứt khoát với Kim Cương; người mà tôi nghĩ có liên quan tới trong truyện dài dã sử "Kho tàng đập Đa nhim" của tôi trong tương lai.

Đỗ Cao Trí, dầu lịch sử có phê phán thế nào, ông đã có trương mục kếch sù tại ngân hàng Thụy sĩ, do đảng Hắc Long Nhật mở, không cần tham nhũng như bao nguồn tin, chỉ có trách nhiệm quân không nghiêm khi thuộc hạ ông dính líu đến vụ tham nhũng khi hành quân ngoại biên tại Snoul, đồn điền Chup, Kampuchia. Riêng về khía cạnh quân sự, ông vẫn là tướng tài của Việt Nam Cộng Hòa đã từng làm Cộng Sản điêu đứng và khiếp sợ trên các chiến trường với cách dụng quân thần tốc và vũ bão của ông.

Nhiều lần khi trận chiến đang xảy ra, ông đã đáp trực thăng xuống ngay trận địa, tại Bộ Chỉ Huy hành quân của chiến đoàn. Có lần các thiết vận xa bị xa lầy, trời đã tối mịt, vị Tư lịnh vẫn đứng ngâm chân dưới bùn lầy, chia sẻ gian khổ với quân sĩ cho tới gần sáng hôm sau, khi mà tất cả thiết vận xa được kéo ra và chuyển vận tiếp cuộc hành quân.

Làm tướng "Da ngựa bọc thây", cố Đại tướng đã thực hiện ước mơ hào hùng đó, quan tài ông đã đặt trên thiết vận xa theo lời trối, tượng trưng cho kỵ mã. Ông là vị tướng đầu tiên chôn ở Nghĩa trang Quân Đội, nằm với lính. Tháng tư đen, Việt Cộng đã đục khoét mắt di ảnh ông để trả thù... cùng với đào mả lính lên để trồng khoai mì và hạ bức tượng Tiếc Thương của Nguyễn Thanh Thu. Thái độ hèn hạ trả thù người chết đó có thể so sánh khi Nguyễn Ánh cho đào mả vua Quang Trung đốt hài cốt, trộn với thuốc súng bắn lên không trung.

Cái chết của cố Đại Tướng đặt nhiều nghi vấn trong đó có giả thuyết đảng Hắc Long của Nhật, trực thăng nổ trên không trung khi vừa cất cánh khỏi phi trường Trảng Lớn, Tây Ninh, ông chết với nhà báo Pháp kỳ cựu Francois Sully và người phi công bà con bên vợ (bà Kim Chi) là Thiếu tá Phan Tất Đắc .

Quân đoàn III đã để tang buổi sáng chào cờ, Quân cảnh đã khóc ròng cho vị chủ tướng.

10) Hoài Khanh và Tô Thùy Yên:

Một nhà thơ khác nổi tiếng mà nhiều người biết đến là Hoài Khanh, quê ở Bình Thuận, lấy vợ và đóng đô ở Phước Lư, Biên Hoà luôn.

Nhà thơ Tô Thùy Yên, tên thật là Đinh Thành Tiên, tác giả nổi tiếng với bài thơ "Ta Về", ông sanh trưởng tại Gia Định thành, quê ngoại Cù Lao Phố, con ông Năm Đối.

11) Huỳnh Tấn Phát và Huỳnh Khánh Hội:

Người có liên hệ nhiều đến Tân Uyên gốc gác Bình Đại, Bến Tre kế đến tôi muốn kể tên là Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tên tuổi cũng dính liền với Tân Uyên và nhứt là chiến khu Đ vì ông đóng ở đây lâu nhất; ông nầy, sau khi Hà nội sáp nhập MTGPMN, chỉ còn làm bù nhìn và thất sủng, vì chỉ là con cờ thôi, và lá cờ MTGPMN cũng dẹp theo ông ( Xem phụ lục III của Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu).

Một tên tuổi ít người biết cũng đi vào lịch sử Biên Hoà là Huỳnh Khánh Hội, sinh năm 1895, con trai út của một gia đình lương y tại xã Phước Thiền, quận Long Thành. Năm 14 tuổi cha mẹ qua đời, đương sự xuống Bà Điểm Hốc Môn tầm sư học đạo, được võ sư Bàng Đước nhận làm học trò tâm phúc. Vào thập niên 30, đương sự đã knock out võ sĩ người Pháp Abedou tại Cercle Sportif Saigonnais. Võ sĩ Long Hữu Hội (Huỳnh Khánh) nổi tiếng như cồn từ đó, sau đó được thầy cho "xuống núi" mở trường dạy võ để sinh sống. Hai cán bộ nòng cốt Cộng Sản thời bấy giờ là Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã đến xin nhập môn, và đương sự bỏ theo kháng chiến theo lời chiêu dụ của hai cán bộ này. Về sau, ông về hoạt động ở Quân Khu Bảy của Tướng Huỳnh Văn Nghệ, 1954 ông tập kết ra Bắc, sau hồi kết hoạt động lại tại miền Nam cho đến 1975 với cấp bực Đại tá. Hiện nay ông đã 106 tuổi vẫn còn khỏe mạnh và có rất nhiều đệ tử.

12) Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977):

Trường hợp tướng Huỳnh Văn Nghệ là một trường hợp đặc biệt phía bên kia mà tôi muốn nhắc tới. Ông cũng gốc xã Tân Tịch, quận Tân Uyên, sinh ngày 2-4-1914 tại làng Tân Tịch. Thay thế tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh Quân khu 7, trong đó có chiến khu Đ, chỉ huy Chi đội 10 Vệ Quốc Đoàn, Tỉnh đội trưởng Thủ Biên. Tướng Nguyễn Bình bị điệu ra Bắc và bị Việt cộng báo cho Công an Pháp phục kích giết.

Huỳnh văn Nghệ thời còn chống Pháp là một nhà thơ yêu nước, ông đã tỏ khí khái:

Có ai về Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở nước
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.

Vừa làm thơ vừa đánh giặc, giặc đây là giặc Pháp, ông xứng đáng là một nhà thơ chiến sĩ.

Chiến khu Đ gắn liền với tên tuổi của Huỳnh Văn Nghệ, tướng Pháp lừng danh Salan phải thán phục cách đánh đặc công của ông.

Chiến tích hiển hách của ông đánh dấu công trận kháng Pháp khi ông chỉ huy Việt Minh phục kích đánh tan đoàn công voa đi Đà Lạt đốt 59 trong số 70 chiếc quân xa của Pháp tại Là Ngà, Trảng Bom quận Định quán, trên một đoạn đường dài 9km từ cây số 104 đến cây sổ 113 trên Quốc lộ 20 giết chết 150 lính Lê Dương và 25 sĩ quan Pháp trong số đó có viên Đại tá Pháp De Résigné (giòng họ quý tộc), chỉ huy bán Lữ đoàn Lê Dương thứ 13 và Đại tá Patruit, tổng Tham mưu phó đoàn quân viễn chinh, bắt sống 269 tây đầm dân sự và chữa thương cho Trung Úy Jeffrey trước khi trao trả yên ổn được báo chí Sàigòn đăng tải khen ngợi sự nhân đạo, dư luận bên Pháp và Sài Gòn bàn tán xôn xao thời bấy giờ, làm thay đổi về nhận thức chiến tranh dành độc lập. (Trần Quang Toại khi viết về trận đánh lịch sử này trong cuốn “Đồng Nai di tích văn hóa” đã theo lệnh cấp trên không dám đá động gì đến danh tánh viên chỉ huy mặt trận Là Ngà là Thiếu tướng Huỳnh Văn Nghệ.)

Viên Đại tá Thalès chỉ huy trưởng khu vực Đồng Nai bị giáng chức phải tự sát.

Hồi còn tỉnh Phước Thành (Nước Vàng), Tổng Thống Ngô Đình Diệm muốn chặn họng kháng chiến, bổ nhậm Thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn gốc Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt làm tỉnh trưởng, Mẫn đã tử trận nơi đó. Huỳnh Văn Nghệ đã đánh chiếm tỉnh Phước Thành, cứu mẹ cõng đi, người chú thứ chín của tôi là Đỗ Hữu Châu xém chết khi đang làm Trưởng ty Bưu điện ở đó, sau ông Diệm phải đóng cửa tỉnh Phước Thành.

Huỳnh Văn Nghệ tập kết ra Bắc chỉ được mang lon Thượng tá, bí danh Tám Ngải, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn. Trong Nam ông đã là Thiếu tướng (một quyển Tự điển gần đây cũng kêu ông là Thiếu tướng). Năm 1956, không có tổng tuyển cử như hội nghị Genève qui định, ông và một số đồng chí kéo ba Trung đoàn Giải phóng về bị quân chánh qui chận đánh gần sông Bến Hải, bị hạ tầng công tác làm huấn luyện viên thể thao rồi chuyển qua Cục Lâm nghiệp. Mỗi lần máy bay miền Nam không tập miền Bắc, ông bị nhốt lại, với các bạn là Francois Đặng Trí Nhơn và Nguyễn Thanh Nhàn. Ngày được về Nam (đi B) ông Nghệ và các đồng chí lúc qua sông Bến Hải, đã hướng về Bắc xá dài ba xá, ngay việc này ông đã bị cán bộ Trường Sơn tên Thanh báo cáo.

Người kề cận với tướng Nghệ là thầy giáo Ngũ đã được sử gia Lương Văn Lựu nhắc qua trong bộ Biên Hoà Sử Lược Toàn Biên, ra Bắc nhờ có đạo Cao Đài, chúng cho ông làm dân biểu bù nhìn trong Quốc hội miền Bắc đổi tên là Hoàng Minh Viễn. Sau 75, ông về làm Trưởng ban Dân vận Thành phố HCM, kiêm giáo sư trường Nguyễn Ái Quốc. Ông quê ở Tân Phú, Công Thanh, Biên Hoà. Hồ chí Minh, biết dân Nam bất mãn vì bị bạc đãi, đã có chính sách Chiếu Cố Miền Nam, nhưng miền Nam đây là kể từ vĩ tuyến 17 trở vô nên thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa người Nam-Ngải của ông du học Quản Lý Hành chánh và Công An ở Liên Sô và Ba Lan, như Phó tiến sĩ Câu Lạc Bộ, Phó Tiến Sĩ Đỉa (đỉa vắt) về làm Tỉnh Ủy, Chính Ủy; người Nam thực sự, phần lớn theo học kỹ thuật, theo chế độ Xã hội chủ nghĩa vẫn ở cửa con mà thôi.

Với chính sách Nhứt Kết, Nhì Cư, Tam Chiêu, Tứ Ngụy, sau 1975, Việt Cộng chủ trương thanh trừng tập kết trên hết, sợ thả các hảo hán miền Nam như thả hổ về rừng nên loại Francois Đặng Trí Nhơn, tên thật Đặng Văn Sum, con một chủ đồn điền, cựu học sinh Chasseloup Laubat đậu Tú tài II Pháp, rất giỏi tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp, là dượng rể của tôi (người chỉ huy Trung đòan tình báo xuất phát từ Thủ Thiêm đánh bót Công An Catinat giải cứu rất nhiều đồng đội; đứa con vợ kế của ông cho tôi xem hình ông chết bầm dập sau khi bị điệu trở ra Bắc học tập); và Nguyễn Thanh Nhàn (rể ông Võ Bình Tây, tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi lớn ở đường Trần Hưng Đạo, sau 75, về tìm đào vũ khí của Cộng Hòa còn chôn dấu để trở vô bưng kháng chiến); cái chết của ông có nhiều bí ẩn. Riêng ông Huỳnh Văn Nghệ, lúc đó làm Tổng Cục Lâm Sản còn gọi là Cục Đường Rừng (trưởng phòng nhân viên là còm mi Ấn, cha của Trung tá HQ Trương Thanh Tân hiện ở Florida) bị phủ Thủ tướng gọi ra Bắc học tập cải tạo vì đã chửi đảng như hai đồng chí trên. Ông bèn vào bệnh viện Chợ rẫy (còn là bệnh viện Hàn Việt) khai bệnh cốt để tá túc. Không ngờ bọn Bác sĩ Giải phóng sợ quá, đánh điện ra Bắc Bộ Phủ để xin chỉ thị. Lệnh từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, là phải đem ông Nghệ lên bàn mổ mổ sống, không cần thuốc gây mê.

Khi người em ruột là cô sáu Nhạn vào thăm, ông đã chết, xác ông uất ức đã hộc máu ra, trái với tin trong bài viết của Đỗ Quyên, nhà nước đã không cho gia đình mang xác ông về Tân Tịch, Tân Uyên chôn mà để cho bác và đảng chôn, lấy cớ vì ông là bậc công thần. Còn Ty Văn Hóa và Thông Tin Sông Bé trong "Bên Giòng Sông Xanh" với Hội Văn Học Nghệ Thuật Đồng Nai thì ngụy tạo là ông Huỳnh Văn Nghệ mất năm 1977 tại thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn đau dạ dày kéo dài và bị chảy máu nặng (???), và được đem về chôn ở làng Tân Tịch.

Cô sáu Nhạn, sau trốn qua Mỹ, được giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đưa tường trình về cái chết của danh tướng Huỳnh Văn Nghệ lên một Ủy Ban thượng viện gồm sáu Thượng nghị sĩ Mỹ, từ đó người Mỹ họ mới binh lá bài Võ Nguyên Giáp bằng cách nhờ cựu Tổng Lảnh Sự Brown mời ông này qua Mỹ luôn tiện thăm hai người con gái đã có quốc tịch Mỹ, nhưng ông đã không được gặp còn bị hạ tầng công tác coi Bộ cai đẻ ngồi chơi xơi nước, truất mọi quyền hành và không được xuất ngoại, tủi hổ thay cho người hùng Điện Biên Phủ, bị Bắc Bộ Phủ trù dập, chặt tay chặt chân các tướng thân tín như Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn. Mới đây tháng 5 năm 2002, tướng Võ Nguyên Giáp được mời qua Hội Thảo tại Lubbock, Texas do Đại Học Texas Tech tổ chức, phái đoàn dự định gồm sáu người bị bãi bỏ vào giờ chót không một lời cắt nghĩa.

Ngay cả viên phó tướng một thời ở chiến trường Điện Biên Trần Độ, tên thật là Tạ Đình Bách, là một người có công khuyển mã với chế độ, cho đến nỗi nhà văn Xuân Vũ còn nhắc ở trang 213 cuốn "Những bậc thầy của tôi": Chính tên tướng Trần Độ đã có lập trường mạt sát quyển Bốn Năm Sau của tôi trên báo Văn Nghệ Quân Đội. Tên nầy cũng mò mẫm viết văn để trở thành một trự Cộng Sản văn võ kiêm toàn, nhưng tới nay vẫn chỉ viết được chỉ thị. Ngày nay tướng Trần Độ đã phản tỉnh và đã bị đảng khai trừ và bị cách chức cho đến khi chết còn bị trù dập và bạc đãi vì ông hô hào cho một chế độ dân chủ và tự do. Ông đã tâm sự là khi đau yếu không dám uống thuốc của nhà nước cho mà chỉ dùng thuốc của Đinh Quan Anh Thái từ Mỹ gửi về vì sợ bị đầu độc.

Đó là bài học sáng giá nhất cho những ai còn tin tưởng chế độ "nhân ái, khoan hồng, xoá bỏ hận thù" của người Việt Cộng Sản. Người có công của họ, mà họ còn vắt chanh bỏ vỏ, nói gì chúng ta lại là người chiến tuyến bên này.

Mời các bạn ghé thăm tiếng thơ Huỳnh Văn Nghệ để thưởng thức thêm một tiếng thơ yêu nước của một người xứ sở Tân Uyên:

"Dặm xa, vượt núi băng ngàn
Gặp Là Ngà, nghĩa bạn vàng kết đôi
Thề:" Dù trắc trở núi đồi
Cũng liều sống thác tìm trời tự do..."



"Lệ trời tràn ngập hồn thơ
Bao phen lũ hận chẻ bờ đau thương
...Gió ngang, thuyền ngược đôi dòng
Đồng Nai hòa Thái bình Dương dâng trào"

(Sông Đồng Nai)

Hãy dừng chân lại ở "Bên Bờ Sông Xanh" để thấy con người "văn nghệ" trong con người võ biền Huỳnh Văn Nghệ:

"Bờ sông xanh chiều hôm nay buộc ngựa
Kiếm gối đầu, theo gió thả hồn cao
Thơ tôi đây: cũng hoa bướm muôn màu
Lòng tôi đấy, cũng vui sầu như bạn
Tôi cũng biết nhớ thương, tơ tưởng
Đâu chỉ là võ tướng hay thi nhân.
Tôi là người lăn lóc trên đường trần
Không phân biệt lúc mài gươm múa bút
Đời chiến sĩ máu hòa chung lệ mực.
Còn yêu thương là chiến đấu không thôi.
Suốt một đời, gươm chẳng ráo mồ hôi
Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác?
Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát
Lòng ta say chiến trận đến thành thơ.
Máu quân thù chảy đỏ quê hương ta
Còn có vần thơ nào hay hơn nữa!
Bạn đừng ngại người làm thơ mê ngủ
Quên cuộc đời, chỉ tìm mộng làm thơ.
Cũng đừng lo tôi say máu quân thù
Quên ghi chép những vần thơ tuyệt diệu.
Có chiến đấu thơ mới giàu vần điệu
Càng hát ca, gươm càng bén sắc thêm
Nợ kiếm cung, nghiên bút biết sao đền
Nếu không biết vừa làm thơ giết giặc?
Bờ sông xanh, chiều nay lòng dào dạt
Thơ ghi xong. Bến nước giục lên đường!"

(15-10-1948)



"Gửi lại bạn mấy dòng thơ trên cát
Và chiều nay tôi sang bến lên đường."

Trái tim lớn Huỳnh Văn Nghệ sau bao năm thổn thức đã ngừng đập, cuộc sống đầy thử thách nghiệt ngã cũng như đầy lãng mạn hào hùng đã khép lại dưới nắm mồ sâu.

Tôi xin kết thúc với ông Huỳnh Văn Nghệ bằng bốn câu thơ khi ông lưu vong qua Bangkok, Thái Lan, trốn tránh Pháp:

"Đêm hôm nay, nơi tha hương lữ thứ
Khách chinh phu dừng gót lại bên đường
Ánh sao mờ phía chân trời xứ sở
Như mũi gươm soi nhức nhối đoạn trường."

Để dặn lòng tôi không bao giờ khuây mối hận mất nước.

13) Hồ Văn Bữu:

Người tập kết chiêu hồi về phe Quốc Gia lúc gần 1975 là Kỹ sư Hồ Văn Bữu người gốc Bình Trước, Biên Hoà, con ông Đốc học Hồ Văn Tam, là người bị bắt trước tiên khi chúng cưỡng chiếm miền Nam, đến nay tôi được biết ông đã trốn qua Pháp, ông đốc Tam sau ứng cử vào Thượng viện liên danh Bác sĩ Hồ Văn Châm, nguyên Tổng trưởng Bộ Chiêu Hồi.

Thật thiếu sót nếu không nêu tên tuổi ba nhơn vật cũng đi vào lịch sử của Biên Hoà là Thủ Tướng Lý Quang Diệu , Martine Bokassa và Việt Ấn. Truyền thống được tiếp nối với thế hệ sau bằng hai người trẻ Nguyễn Tuệ và Trần Minh Tuấn.

14) Lý Quang Diệu:

Thủ Tướng Lý Quang Diệu con một người Tiều, người gốc nông phu ấp Tân Thành (Sở Cải, Cây Chàm), Biên Hoà, được một người Tàu Singapore nhận làm con nuôi hồi năm tuổi, lưu lạc và trở thành Thủ Tướng của xứ đảo sư tử (island-state) Singapore. Ông là vị Thủ tướng lâu đời nhất của Tân Gia Ba, người có công đưa xứ sở này lên hàng một trong Tứ tiểu long, lợi tức mỗi đầu người (per capita income) là hơn 10,000 đô một năm (ten thousands dollars club), so với lợi tức tính bổ đồng mỗi đầu người Việt Nam 240 đô la một năm; Singapore là nước Hồi Giáo, một trong bốn xứ Rồng Con (Tứ Tiểu Long) giàu mạnh mới của Đông Nam Á, cùng với Đài Loan, Hồng Kong, và Nam Hàn.

Cách đây vài năm, sau khi về hưu, ông có trở về thăm sinh quán và được chính phủ Việt Nam Cộng Sản đón rước như quốc khách. Trước đó, lúc còn tại vị, ông có gửi đặc sứ về Việt Nam tìm ông anh ruột đạp xích lô để giúp đỡ.

15) Martine Bokassa:

Cô bé Lọ Lem tân thời, con rơi một lính viễn chinh gạch mặt Lê Dương (Légionaire) đánh mướn của Pháp và một bà gánh nước mướn, sau này ông trở thành Tổng Thống nước Cộng Hòa Trung Phi, một nước giàu có nhờ mỏ kim cương, Martine quê ở Cù Lao Phố, Biên Hoà, nhờ nhà báo Việt Định Phương tìm ra tông tích sau khi chính phủ đưa một cô bé khác da đen giả làm Martine.

Nguyên ông Tư Chiểu người Cù Lao Phố, đọc báo Trắng đen của Việt Định Phương mới tới tận tòa báo cho hay là ông biết Martine thật con bà Huệ và mời lên Biên Hoà gặp giáp mặt hai mẹ con.

Tổng thống Bokassa, sau khi nhận diện, có nhờ nhà báo Việt Định Phương hướng dẫn hai mẹ con bà qua thăm Trung Phi, sau đó Martine ở lại luôn.

Martine thiệt sau trở thành Công chúa, đã yêu cầu cha nhận nuôi luôn cô con gái giả, nàng là một nhơn vật công chúa của chuyện thần thoại tân thời.

16) Việt Ấn:

Gốc ấp Phước Lư, Biên Hoà, người Việt lai Ấn Độ, thuở nhỏ ở cùng xóm với tôi bên kia đường Hàm Nghi, nhà nuôi cả bầy dê nên tôi có dịp uống sữa dê từ nhỏ, chàng tên là Sheilabal Kanasitabura, sau thành ca sĩ nổi tiếng tại các phòng trà với bản Hận Đồ Bàn, về sau nghe nói chàng bị nhóm Nguyễn Cao Kỳ thanh toán vì tư thù trước cửa một hộp đêm.

Ngôi nhà villa của Sheilabal sau bán cho Hai Tín gốc chèo đò ở Vĩnh Cửu làm trại cưa lớn.

17) Nguyễn Tuệ và Trần Minh Tuấn:

Tôi xin nhắc đến hai người thuộc thế hệ hai tị nạn làm vẻ vang tỉnh nhà là Nguyễn Tuệ và Trần Minh Tuấn.

*Nguyễn Tuệ là con một ông tùy phái giúp việc cho Biện lý Phạm Ngọc Tòng ở Tòa án Biên Hoà và một bà bán hàng ở hẻm chợ Kỷ niệm trước trường Trung Học Ngô Quyền.

Thông minh nổi tiếng lại giỏi về kinh dịch lúc còn học ở trường Trần Thượng Xuyên, rồi Ngô Quyền. Sau đó thi đậu tất cả trường đại học nhưng sau cùng chọn Đại Học Tổng Hợp trước khi qua Mỹ.

Nguyễn Tuệ vào MIT (Massachusetts Institute of Technology) và là người chiếm kỷ lục lịch sử của trường, đậu đến bảy bằng cắp trong đó phải kể hai bằng Tiến Sĩ hạng tối ưu.

*Trần Minh Tuấn : Con luật sư George Trần Minh Đức, rể ông Phán Thành ở Tòa Án Biên Hoà và cháu Đại sứ Trần Văn Chương, qua Mỹ làm đài VOA với bút hiệu ký giả Trần Quân.

Trần Minh Tuấn được đặt cách chọn học Đại Học John Hopkins cuối tuần cùng 11 người trong chương trình Talent Search vì đậu SAT tối đa.

Ngày thường theo lời yêu cầu của phụ mẫu, vẫn học ở Trung học cho có bạn.

Đến năm 18 tuổi, Tuấn tốt nghiệp Trung học và Đại học cùng một năm, bốn năm sau tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa và 2 năm sau, lúc 24 tuổi, Tuấn đã tốt nghiệp Hậu Đại học, Bác sĩ Chuyên Khoa về tim, và được tuyển làm Giáo Sư cho Clinique của Đại Học John Hopkins, Pennsylvania.





18) Nhạc sĩ Lê Hựu Hà (1946 - 2003):

Sinh tại xã Bình Ý, Long Thành, Biên Hòa gần Quốc lộ 52, ông có ba đời vợ, người cuối là ca sĩ Nhã Phương có hai con.

Ông là người thành lập ban nhạc trẻ Phượng Hoàng , sau đổi tên Mây Trắng rồi Hi Vọng.

Tác phẩm để lại có bản:



Tôi muốn


Hãy yêu như chưa yêu lần nào


Bài ca tuổi trẻ


Chờ một tiếng yêu


Cuộc đời


Đôi khi ta muốn khóc


Đừng trách người ơi


Hãy ngước mặt nhìn đời


Hãy nhìn xuống chân


Hãy vui lên bạn ơi


Huyền thoại một người con gái


Lời người điên


Lời trái tim muốn nói


Một khi chẳng còn tên


Nắng vàng, biển xanh và anh


Ngày mai đây khi tôi chết


Ngở đâu tình đã quên mình


Phiên khúc mùa đông


Trả hết cho người


Vào hạ


Vị ngọt đôi môi


Xin được tha làm người


Yêu em


Yêu người và yêu đời .

19) Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang (1947 - 1985):

Sinh tại Long Thành, Biên Hòa, đường đi Bà Ria. Cùng nhạc sĩ Lê Hựu Hà ông lập ban Phượng Hoàng. Tác giả những bản:





Anh vẫn biết


Bâng khuâng


Chiều nội trú,


Tình còn lất phất mưa bay viết chung với Lê Hựu Hà.

20) Phạm Xuân Ẩn (1927 - 2006):

Ông tên thật là Trần Văn Trung, tự Hai Trung, sinh tại Bình Trước, BiênHoà.



Cùng lên tướng như Nguyễn Hữu Hạnh, ông là điệp viên nằm vùng cho VC dưới nhãn hiệu nhà báo Christian Science Monitor, Time và Reuters và cả Việt Tấn Xã do Bác sĩ Trần Kim Tuyến, chánh Sở Nghiên Cứu Chánh Trị thời ông Diệm đề bạt, cho tới 1975 mà không bị lộ giống như Vũ Đức Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Ngọc Thảo



Sau 75, ông đã tâm tình với nhà báo Dan Sutherland rằng: Họ, những người ở ngoài Bắc vào, tham nhũng tệ hại hơn nhiều lắm, ông vỡ mộng vì đã hổ trợ họ hết sức mình để rồi họ hành xử không xứng đáng khi chiến thắng.



Theo nhà báo Vi Anh, cũng trong thời gian năm ngoái, ông Ẩn còn đắng cay hơn khi tâm sự với nhà báo New Yorker, đã từng coi ông như một điệp viên trọn vẹn .
Trong một bài dài 10,000 chữ, ông Ẩn nói đã đau đớn thấy lý tưởng suốt đời của ông theo đuổi bị phản bội.



Ông khẳng định: Không có chổ nào dành cho ông ở địa ngục cả, địa ngục chỉ để dành cho mấy tên bợm bải, mà VN đang còn quá nhiều, nên chật chổ rồi.



Từ đó, ông Ẩn coi như bị Cộng Sản Hà Nội thực sự quản thúc tại gia ở một biệt thự tại quận 3, Sàigòn , ai thăm cũng phải có sự đồng ý của Tổ chức. Ông đã thất vọng ê chề và bất mãn tột độ với chế độ vì cảm thấy bị phản bội trắng trợn. Nhưng bề ngoài Cộng Sản Hà nội gian xảo lở đã đánh bóng ông như siêu điệp viên James Bond vì ông Ẩn đã được cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp khen tặng.



Sai lầm, hối hận, thất vọng, bất mãn và bất lực đến chết cũng không thoát được tổ chức Cộng đảng là một bài học ông Ẩn ôm xuống âm ty.



Sau Huỳnh Văn Nghệ, bài học Phạm Xuân Ẩn đáng cho lớp trẻ có ăn học, nhiều chuyên môn, nhưng thiếu kinh nghiệm về chính trị suy ngẫm.
Biên Hùng Liệt Sử
Tựa
Lời Tựa
Lịch Sử
Địa Lý Phong Thủy
Nhơn Sự
Đặc sản Biên Hoà
Sông
Núi
Lâm Sản
Hải Sản
Ẩm Thực
Huỳnh Sanh
Duy Lam
Hà Trung Yên
Xuân Vũ
Hồ Công Tâm
Hứa Hoành
Trần Văn Linh
Trần Đình
Vũ Công Lý
Trần Nguơn Phiêu
Trần Nguơn Phiêu - Hồ Hữu Tường
Trần Nguơn Phiêu - Huỳnh Tấn Phát
Trần Nguơn Phiêu
Tiểu Sử THÁI THỤY VY