Cửa Sổ
Tác giả: Thanh Châu
Các bạn tôi nhiều người cũng đã trông thấy thằng nhỏ ấy. Khi họ đến gác tôi, người nào cũng chạy ra phía nhìn sang nhà hàng xóm. Thường vào khoảng ba bốn giờ chiều nhà ấy vắng người. Chỉ còn một đứa nhỏ nằm trên phản gỗ nhìn ra chỗ ánh sáng nhạt nhẽo ở cửa sỗ cạnh mình. Cái cửa ấy chính là tất cả câu chuyện buồn tôi kể dưới đây
Không những đã hẹp mà thôi, cái cửa sổ lại bị một vách tường xám ngắt của nhà trước mạt che hết ánh mặt trời. Vậy mà người ta còn chăm đèn mạng sắc cố ý để ngăn kẻ trộm. Thành ra thằng bé suốt ngày không được nhìn một cái gì vui mắt. Không có một con chim sẻ nào lại bay đến đó mà nhảy nhót và kêu hót làm gì. Thế mà đứa nhỏ cũng cứ ngoảnh mặt ra phía ấy. Nó nhìn hàng giờ cái bức tường khó chịu như nét mặt một người già cau có. cầm một cái quạt giấy ở tay, vừa nhìn ra như vậy vừa phe phẩy quạt, nhẹ nhàng , chậm chạp. Các bạn tôi thấy thế đều phá lên cười . Họ gọi thằng bé là «cụ non » , là «bố già». Và cứ mỗi lần đến thăm tôi là họ hỏi đến nó, làm như thằng bé có ăn nhập gì với cuộc đời tôi vậy .
Ban đầu tôi cũng cho như thế là lạ. Một đứa nhỏ chừng tám chín tuổi đầu , suốt ngày nằm trên phản gỗ, nhìn ra cửa sổ mà quạt , như - một ông – già, tôi chưa thấy cái cảnh nào đáng chán hơn. Tôi tưởng đứa bé đang đau bệnh gì làm bại liệt nên phải nằm như vậy. Nhưng một hôm , trời đổ mưa, thấy nó reo lên và vẫy gọi tôi ríu rít, tôi mới biết nó cũng như mọi đứa trẻ con nhà khác.
Thằng nhỏ ở dây không có bạn, cái phòng lại hẹp và trống trải, không ai để ý đến nó trong nhà . Nó ở trên gác cao, mà có xuống đất để ra sân thì cái sân lại cũng hẹp quá, không có một cây leo, đã vậy sân là sân chung của mọi nhà trong khu đó. Nó xuống chơi ở đấy sẽ làm quẩn chân người lớn. Chừng nó nghĩ vậy nên chịu nằm trên gác một mình
Tôi ở đây được một tháng thì người chung quanh mách : đó là gia đình ông cụ làm ở một nhà in lớn trong thành phố . Ông ta trước có vợ già cùng ở, nhưng sau vì mê một người con hát ở ngoại ô nên đuổi bà cụ đi để lấy người mình say đắm . Thằng bé đó là con rốt ông cụ với người vợ cả. Nó sống giữa một người cha đã bạc đầu còn mê gái phụ vợ, và một người đàn bà « ăn chơi » trẻ, suốt ngày thay áo, soi gương để mê hoặc ông già. Nghe vậy tôi đem lòng thương ngay thằng bé. Tôi nhận ra rằng mấy người ở thuê , hàng xóm của tôi, cũng chẳng ai ưa ông cụ. Còn người « con hát » thì hễ nói đến là mấy người đàn bà đều dè bỉu. Họ gọi là « con – đĩ - cướp - chồng – người ».
Nhưng con đĩ không cần gì cả. Nó vẩn đánh phấn và tắm gội suốt ngày. Nó vẫn thay áo màu ăn quà như ranh. Hình như đó là một thứ con hát đói khổ đã lâu, bây giờ gặp được một ông già « chơi trống bơi », có chỗ ăn, được yên thân thì mãn nguyện. Chị ta vênh váo, coi thưòng tất cả mọi người hàng xóm, ngủ chán lại sai con đi mua « cái gì ăn » , lúc cao hứng thì ngâm Kiều, hát cải lương, hát các điệu « nhà tơ » đã nghe lỏm mà nhớ được khi còn « tập sự » trong nhà hát
Mỗi lần nghe tiếng hát vụng về ấy lọt vào căn gác bên tôi, là tôi nghĩ đến những cái buồn thảm của một ông già bị sắc đẹp làm bại hoại. Tôi nhớ đến những chuyện say đắm đàn bà giữa tuổi đáng lý phải khôn ngoan, chắc chắn, thì lại hóa ra trụy lạc hơn ngưòi trai tráng
Ông già ở phía trước phòng tôi, người gầy yếu, trông như một cây sậy lép, không còn chống nổi « gió mưa thời tiết » được bao lâu nữa. Ngày hai buổi ông đi làm , để mặc đứa con nhỏ nằm một mình trên gác. Và cũng mặc người vợ trẻ đi chơi lượn phố cùng mấy
« chị em» trong «nghiệp »vẫn tìm nhau. Buổi tối , lúc ông già trở về nhà, lúc trong nhà đã sáng đèn, tôi lại thấy mắt ông sáng lên , giáng điệu không đến nổi lù đù thảm hại như ban ngày. Người con hát lúc ấy trông cũng có vẻ hơn, phấn son đã làm tăng vẻ cho người đàn bà vốn cứng đờ, thô kệch. Những lúc đó tôi thấy tôi « hiểu » ông già hơn, tôi thương hại ông hơn là khinh bỉ .
Một hôm, lúc tôi ở ngoài phố về, bỗng nghe có tiếng đàn bà cãi nhau, la khóc om sòm ở sân chung. Tôi bước vào đã thấy một bà cụ đang vừa chửi rủa, vừa rên rĩ thật khó chịu. Đến hôm nay , tất cả mọi người ở quanh đây đều rõ thêm một chuyện đốn kiếp nữa của ông già . Trời ! Ông ta đã đánh lừa người vợ cả, người vợ « hàn vi » của mình, để lột bằng được đôi vòng của người vợ dành làm vốn lấy chồng cho người con gái lớn. Cô này phải theo mẹ để buôn bán và nuôi mẹ. Và đó không phải là lần đầu ông già đổ đốn ra như vậy. Ông đã lấy «đĩ » về nhà như vậy mấy lần, mà lần nào bà cụ cũng tha thứ, bỏ qua cho ông chồng mạt kiếp, tưởng đã chán chường, tưởng sẽ khá hơn
Ít lâu sau, tôi nhường căn gác tôi cho một người quen. Người đó , hiện giờ vẫn còn đấy. Một lần thăm lại nơi ở cũ, tôi vẫn nhìn sang chỗ cửa sổ nhà trước mặt, Nhưng , người chủ mới cho tôi biết : «Cái đứa bé nằm ở đấy mà «quạt như - một –ông –già » đã ....... chết rồi ! »
Anh ta nói rất thản nhiên :
- Nó sốt thương hàn . Người «con hát » ngu dốt cho nó ăn bánh cuốn, hay ăn phở gì đó, nên «nó –đứt- ruột- ra – nó - chết ».
Anh còn cho tôi biết thêm :- Hình như lúc nó « ngắc ngoải », người ta đã mang nó cho Bà Phước Nhà Thờ