- 1 -
Tác giả: Thanh Tâm Tuyền
Hôm ấy là một buổi chiều mùa đông, cách một năm trước khi Hà Nội lọt vào tay V.M. Tôi sắp sửa đến thăm Lan thì Vinh gõ cửa. Tôi đã khoác áo ngoài chỉ đợi ấm nước trên bếp cồn sôi pha cốc cà phê rồi mới ra ngoài lạnh. Trời thấp và tôi nghĩ có lẽ Lan đã bật điện để đan hoặc sửa soạn cơm chiều vì gian nhà tối. Tôi sẽ ngồi vào ghế như thường lệ quên cả tiếng kẹt cửa nhẹ nhàng của Hà ở trường về. Nếu không việc gì bận tôi sẽ ở ăn cơm cùng hai chị em Lan quanh tấm phản. Trời sẽ tối sâu mãi, Lan tiếp tục công việc, tôi hỏi chuyện Lan hoặc Hà. Lúc trở về có thể khuya và rơi mưa lạnh. Lan đưa tôi ra ngõ. Chúng tôi nắm tay nhau và một đôi khi chúng tôi từ biệt nhau bằng cách trao đổi môi hôn. Nhưng sự có mặt đột ngột của Vĩnh xáo trộn dự tính của tôi buổi chiều không hề làm tôi khó chịu vì Vĩnh, Ngọc và tôi là ba người bạn tâm giao. Từ ngày Ngọc bỏ ra hậu phương tôi ít gặp Vĩnh. Tôi chỉ biết Vĩnh bận công việc buôn bán và tôi cũng có những công việc riêng. Bao giờ gặp nhau Vĩnh hoặc Ngọc cũng là người nở nụ cười đầu tiên, trái lại tôi rất tiết kiệm sự biểu lộ cảm tình. Vĩnh cởi cái áo dạ choàng thấm nước đã cũ và hỏi:
"Bận đi đâu không?"
Tôi trả lời gặp Vĩnh là vui rồi còn phải đi đâu. Vĩnh đến hơ bàn tay – tôi nhận thấy hơi gầy – gần bếp cồn và nhìn thẳng tôi nói:
"Không nịnh đấy chứ?"
Chúng tôi cùng cười. Trong khi Vĩnh lục soát bàn giấy làm việc của tôi, tôi loay hoay với phin cà phê. Cà phê nhà chỉ còn đủ pha một cốc, nhưng điều ấy không quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi xẻ đôi cũng như có thể chia ba nếu còn có Ngọc. Vĩnh cho tôi biết dạo này Vĩnh thường bận rộn những chuyến đi xa. Vĩnh hỏi về công việc của tôi. Lúc ấy tôi chưa có ý định thành một người viết văn. Tô đọc cho Vĩnh nghe hai bài thơ của tôi làm tặng Lan nhưng tôi không cho Vĩnh biết về Lan. Đọc thơ chúng tôi nhắc đến Ngọc vì Ngọc là một thi sĩ, theo ý riêng của chúng tôi. Ngọc hay làm thơ và thơ Ngọc tha thiết lắm. Theo tin tức Vĩnh nhận được thì Ngọc bị giữ và chịu những phương sách thi hành cho một người thay đổi tư tưởng.
"Nhất là người đó giàu tâm hồn thơ" – Vĩnh vỗ vào vai tôi và cười.
Tôi và Vĩnh đều phản đối sự bỏ đi của Ngọc nhưng vì trọng sự chọn lựa của bạn nên chúng tôi không ngăn cản. Vĩnh cầm cốc cà phê chỉ còn cặn giơ ngang tầm mắt:
"Tiếc không có nó hôm nay. Câu chuyện sẽ vui biết mấy. Vừa bắt đầu một mối tình và cần nói".
Tôi bảo cần những hơi thuốc lá để nhớ Ngọc được đầy đủ. Tôi khóa cửa và chúng tôi đi ra đường. Buổi chiều không hiểu bắt đầu từ lúc nào vì màu trời không sao phân biệt. Những chùm lá tối bí mật và những hàng dây điện mảnh như tóc. Chúng tôi cúi xuống mũi giầy và lá ở ven đường. Thuốc lá đốt lên nghĩ đến Lan và cho rằng Lan đang nghĩ đến tôi. Còn gì sung sướng hơn được cạnh một người bạn thân và biết người yêu đang nhớ đến mình? Vĩnh cho tay vào túi quần tôi và kéo bàn tay tôi ra ngoài, xen những ngón tay Vĩnh qua những ngón tay tôi và nắm lại. Vĩnh và Ngọc thường thích nắm tay như thế, tôi thì không, nhưng tôi không phản đối.
"Cậu sẽ mến Châu, tôi tin chắc như thế. Châu không đẹp nhưng đôi mắt của Châu hoang đường quá lắm".
Tôi cười:
"Thi sĩ thế".
"Thật đấy, hoang đường quá lắm. Tìm ở thế giới này một cặp mắt hoang đường và một tâm hồn hiền dịu quả khó nhưng không phải hoàn toàn không có như thằng Ngọc bi quan. Nếu gặp Châu, nó sẽ phải nhận điều phán đoán của nó là sai lầm".
Tôi nhớ một lần tôi đã tranh luận với Vĩnh và Ngọc về đôi mắt của người đàn bà. Vĩnh và Ngọc về một phe cho là đôi mắt của người đàn bà có dự một phần quan trọng trong tình yêu của người đàn ông, nhưng chưa đủ. Tôi quá khích nhất định cho rằng đôi mắt của người đàn bà là cửa ngõ đầu tiên độc nhất để vào tình yêu, người ta chỉ yêu vì đôi mắt và những cái khác đến sau. Tôi nhắc lại với Vĩnh ý kiến của tôi và Vĩnh nắm chặt tay tôi thêm.
"Tôi gặp Châu trên những chuyến xe hàng về tỉnh nhỏ nguy hiểm và gian truân. Châu rất can đảm và hy sinh. Châu chỉ còn hai chị em, một đứa em gái nhỏ còn đi học".
Tôi muốn nói tới Vĩnh tại sao Châu lại giống Lan đến thế. Đôi mắt hoang đường ư? Cũng có thể nói thế với Lan. Có những buổi tối, biết thói quen của tôi, Lan pha cho tôi một cốc cà phê. Sau làn khói tím của thuốc lá và cà phê tôi nhìn vào cặp mắt Lan qua một khoảng không gian nhỏ hẹp gần gũi được phóng đại. Cặp mắt lòng đen to và sâu, mi mắt hơi sưng lên. Tôi nhìn thấy thật xa như ở quá khứ một đứa em gái nhỏ còn đi học? Chắc cũng giống Hà, bơ vơ bên cạnh chị và những đồ đạc trong gian nhà. Tôi thường vuốt mái tóc Hà mềm để theo lối Nhật Bản và giảng cho cô bé những ý nghĩa của bài học thuộc lòng ngộ nghĩnh. Hà ôm lấy chân tôi và trong mắt thật cảm động. Tôi hổ thẹn vì vẫn giấu giếm những điều ấy với Vĩnh.
"Tôi hiểu Châu và Châu cũng rõ tôi. Nhưng chắc là không được bằng các cậu. Nhân thể đến thăm Châu nhé".
Không ước định với nhau, chúng tôi theo đường đi qua những đại lộ.
*
Nhà Châu ở một phố nhỏ gần ngoại ô tôi chưa qua lần nào. Đường không trải nhựa nhưng sạch vì dưới đế giày tôi cảm thấy sự tròn trĩnh của những viên đá xanh lô nhô mặt đường. Phố gồm hai dãy nhà giống nhau. Tôi dò theo mặt Vĩnh để đoán nhà Châu. Trời đã sụp xuống đột ngột tôi chỉ nhìn thấy gò má của bạn. Vĩnh buông tay tôi và tiến lên trước. Đứng sau Vĩnh nhìn qua tấm kính cửa sổ mờ tôi không phân biệt được gì. Châu đón Vĩnh bằng một chuỗi cười hồn nhiên dài và ấm. Tôi nghe tiếng cười trước khi gặp mặt Châu và tiếng cười ấy chạy qua da thịt tôi khiến tôi cảm thấy lạnh.
"Anh giới thiệu với Châu đây là anh Tâm mà anh thường nói chuyện với Châu".
Châu đứng lui vào bên cửa nhường lối vào vừa chào vừa dò xét. Tôi không trông rõ mắt nàng.
Nàng mời chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế gỗ có dựa theo kiểu cũ và điện đã bật lên. Mắt nàng to và sâu, buồn lạ lùng mặc dù lúc ấy nét mặt nàng đang vui. Có một cái gì quyến rũ trong mắt ấy. Tôi rất kín đáo khi quan sát Châu.
"Em vừa về chiều nay, anh đến sớm thì không gặp".
Nàng còn mặc trên người tấm áo dài dạ đen.
"Thu đâu?"
"Nó chơi ở trên dì em".
Vĩnh đứng lên đi lại gần Châu nói:
"Chúng ta lên phố đi".
"Ở ngoài lạnh lắm phải không anh?"
Nói câu này Châu có ý muốn tôi trả lời vì nàng nhìn tôi rất ý nhị. Tôi chỉ hơi mỉm cười và lấy tay lật mấy trang sách. Tôi ngồi gần bàn uống nước và trên ấy có một cái cặp trẻ con ở dưới là một vài quyển vở và sách.
"Đi gần anh còn ngại gì".
Châu quay người đi nên tôi không rõ ý Châu thế nào. Buồng không hẹp kê được một bộ phản, một tủ gương đứng, một bàn uống nước và còn thừa một khoảng rộng làm luôn luôn hơi lạnh. Phía trong là sân tối. Châu đi vào đổi áo dài. Tôi cầm lấy cuốn sách đã lật và đọc bâng quơ. Cuốn sách giảng về quan niệm luyến ái theo chủ nghĩa cộng sản. Thấy sự tò mò của mình đi quá xa, tôi đặt trả cuốn sách xuống dưới cặp. Vĩnh nhìn vào gương và cười với tôi nhưng tôi tin chắc Vĩnh không chú ý đến cử chỉ của tôi vừa rồi.
Ra đến ngoài trời tối hẳn. Chúng tôi đi dưới ánh điện Châu khoác thêm áo choàng. Nàng kể cho Vĩnh về cuộc hành trình buổi chiều của nàng. Xe bị mìn đổ, chết người. Ngày mùa đông lạnh lẽo ở vùng tiền tuyến. Châu rất có khiếu kể chuyện. Tôi đi bên cạnh Vĩnh chú ý nghe như được nói cho riêng mình. Đến một ngã tư, Châu bảo Vĩnh:
"Anh biết không, suýt nữa em không về nhé. Có người hứa bảo đảm đưa em qua bên kia sông".
Giọng Vĩnh hài hước:
"Nghĩa là qua bên kia thế giới chứ gì".
"Đúng rồi, bên kia thế giới" – Châu nói rất ngây thơ.
"Nghĩa là không bao giờ về" – Vĩnh cười thật vui. "Mời cô đưa tay, tôi sẽ đưa cô qua bên kia thế giới".
Vĩnh nắm tay và dắt Châu qua đường. Tôi đi sau nhìn dáng Châu. Tôi nghĩ đến đến cuốn sách tình cờ đọc ở nhà Châu. Tôi tin rằng Châu còn tất cả sự ngây thơ.
Chúng tôi đi vào hè rộng của đại lộ nhiều cây lớn. Ánh sáng điện không đủ sức hắt vào hè. Những biệt thự đã ngủ sâu ở trong. Tôi nghe tiếng giày và giọng của Châu. Một lát, Châu hỏi Vĩnh:
"Anh Tâm ít nói nhỉ?"
Vĩnh hơi suy nghĩ:
"Vì anh ấy là thi sĩ".
"Ồ thi sĩ nghĩa là làm thơ, vậy chắc anh đương làm thơ, anh đọc cho Châu nghe xem nào".
Cả Vĩnh và Châu đều quay về tôi. Tô bước thêm vài bước. Đến một chỗ ánh sáng rõ tôi nhìn xuống hè đường. Một dòng số ghi trên viên gạch lát: 1934. Suốt trong buổi ấy tôi chỉ nói một lần như thế này: Viên gạch của bờ hè đại lộ này hôm nay được 18 tuổi khi chúng tôi đi qua . Tôi tưởng sẽ nghe tiếng Châu cười, nhưng không trong luồng gió lạnh chỉ có một tiếng Vĩnh. Châu im lặng lạ lùng. Tôi hối hận vì câu nói vô nghĩa của tôi. Tôi nhìn mãi những viên gạch đi qua nhưng không tìm thấy dòng số nào nữa, cho đến khi qua khỏi đại lộ ấy. Vĩnh và Châu lại bắt đầu nói chuyện nho nhỏ. Tôi cố không tin sự im lặng đã qua của Châu vì tôi không hiểu nó.
Tôi từ biệt hai người ở ngã ba rẽ về nhà tôi. Vĩnh cố mời tôi cùng đi ăn. Châu đứng khuất sau vai Vĩnh. Nàng cúi chào khi tôi bắt tay Vĩnh. Tôi vượt qua hàng cây xuống đường và tiếng bước của hai người bắt đầu. Tôi bỏ đại lộ vào phố nhỏ.
*
Từ ngày ấy tôi không gặp lại Châu nữa. Còn Vĩnh cho đến ngày Vĩnh mất tích, chúng tôi gặp nhau hai lần. Lần nào tôi cũng đều hỏi thăm Vĩnh về Châu. Cái cảm giác buổi đi chơi tay ba còn rung động mãi lòng tôi. Và câu nói của tôi hôm ấy là đầu đề một bài thơ của tôi. Lần thứ hai Vĩnh cho tôi biết là Châu hoạt động cho ngoài kia. Tôi không ngạc nhiên về điều ấy. Vĩnh tâm sự:
"Châu hay nói dối quá. Tôi không dám tin vào đôi mắt Châu nữa. Người ta có thể mang một tâm hồn trái nghịch với đôi mắt người ta ư?"
Tôi quả quyết với Vĩnh rằng Châu không dối, Châu thực thà. Và nếu Châu có hoạt động cho ngoài kia cũng vì sự thực thà ấy, vì lòng yêu nước nhiệt thành thiếu ý thức mà thôi. Tôi tin Châu, tin vào đôi mắt Châu. Vĩnh lắc đầu:
"Không, còn những chuyện khác nữa".
Nói xong Vĩnh đốt thuốc lá trầm ngâm. Tôi không muốn hỏi những chuyện ấy và chỉ cố gắng nhấn mạnh là nên tin Châu, tin đôi mắt của Châu.
Đêm ấy Vĩnh ngủ lại với tôi và đôi mắt của người đàn bà lại là dịp để chúng tôi tranh luận đến gần sáng.
Vĩnh được dịp phơi bày những sự hiểu biết về phái yếu. Những lúc ấy tôi biết Vĩnh đang đau khổ dữ lắm.
Mãi sau khi Vĩnh biệt tích, tôi mới hiểu đêm ấy là đêm Vĩnh đến từ biệt tôi. Đó là vào mùa hè năm sau. Sự biệt tích của Vĩnh đột ngột, gia đình Vĩnh không hay biết, đến ngay tôi là bạn thân cũng vậy. Mẹ Vĩnh tìm tôi, và nhất định cho đó là lỗi ở Châu. Bà cụ không biết Châu, chỉ biết Vĩnh có liên lạc với Châu và Châu hoạt động cho ngoài kia:
"Tôi chắc em nghe lời dụ dỗ của nó mà bỏ ra ngoài kia hay là bị ngoài ấy bắt".
Tôi cố gắng phân giải cho mẹ Vĩnh biết điều ấy không thể có được. Vĩnh không bao giờ bỏ ra ngoài. Tôi tin Châu hoàn toàn vô tội. Tô cố an ủi bà và hứa sẽ dò xét tin tức của Vĩnh. Sau này khi vào đến Sài Gòn, tôi được tin Vĩnh ở ngoại quốc. Đưa bà cụ ra về, tôi đến Lan. Không khí mùa hè oi ả, chúng tôi đặt ghế ngồi ở ngõ. Bao giờ Lan cũng với cuộn len đan để tìm sự tương tự với mắt Châu. Tôi buồn nhớ Vĩnh. Tại sao lại có sự gãy đỗ giữa Vĩnh với Châu? Liệu tôi với Lan có giống thế không? Tại sao tôi yêu Lan? Mà không yêu Châu chẳng hạn? Tôi xua đuổi ý nghĩ này. Nhưng tôi cảm thấy sự ngọt ngào từ mắt Lan và giọng nói tiếng cười Châu buổi ấy lẫn lộn cùng sự im lặng của Châu sau câu nói vô nghĩa của tôi…
Tôi hỏi Lan giả thử có một cuộc chia cắt đất đai Lan sẽ đi hay ở lại. Lan ngửng lên rất lâu trả lời:
"Em chưa rõ nhưng có lẽ em ở lại. Nhưng tại sao anh lại hỏi em như thế?"
Tôi trả lời đó chỉ là câu hỏi và tôi hỏi tiếp giả thử tôi đi thì Lan nghĩ sao.
"Em không biết. Đó là quyền của anh. Chúng ta chưa phụ thuộc vào nhau".
Tôi bỗng cảm thấy tôi yêu Lan lắm, yêu muốn phát khóc. Tôi bảo cho Lan biết tin Vĩnh mất tích. Lan ngừng công việc hỏi:
"Ồ anh Vĩnh mất tích, sao thế?"
Tôi vẫn thường nói về Ngọc và Vĩnh với Lan, nhưng chưa bao giờ nói về Lan với Ngọc và Vĩnh. Tôi vẫn tự trách như thế là một thái độ thiếu thành thực.
"Anh có rõ nguyên cớ không?"
Tôi trả lời là không được rõ và tôi cũng kể cho Lan nghe về Châu.
"Chắc chị ấy buồn lắm".
Khuya lắm tôi mới từ biệt Lan. Tôi không về thẳng nhà mà lang thang ngoài phố. Tôi nhớ cùng một lúc mắt Lan và mắt Châu trên những lùm cây.
*
Mùa hè năm sau, sự chia cắt đất đai thành sự thực. Cũng như chúng tôi đã nói chuyện với nhau, tôi quyết định bỏ đi và Lan ở lại. Hình như sự chia rẽ giữa chúng tôi không đau khổ mấy vì chúng tôi cảm thấy điều đó ngay từ lâu. Yêu nhau trong thời loạn không bao giờ nên tính đến sự bền vững. Tôi không nài ép Lan theo tôi cũng như Lan không giữ tôi ở lại. Chúng tôi nhận sự chia cách thật tự nhiên và chua xót. Căn nhà của Lan lặng lẽ thêm, khuôn mặt Lan và Hà càng ủ rũ. Lan quyết định trở về quê với cô vì nàng còn người anh lớn đi theo kháng chiến.
Buổi tối trước khi khởi hành tôi hẹn ăn cơm với hai chị em Lan và chúng tôi sẽ nói chuyện như thường lệ. Sau khi thu xếp mọi công việc, trời còn sáng, tôi dạo qua các phố để thu lần cuối những ánh hình kỷ niệm vào trí nhớ. Và sự tình cờ đã khiến tôi gặp Châu. Nàng gầy hơn lần gặp trước cách đây hai năm. Nàng đi bên đường và cũng nhìn tôi nhưng có lẽ không nhận ra tôi. Tôi gọi tên nàng trước. Nàng đứng lại hơi ngạc nhiên. Sau khi tôi tự giới thiệu và nhắc lại kỷ niệm cũ, nàng tỏ ra vui mừng được gặp một người bạn của Vĩnh:
"Đã hai năm đấy anh nhỉ và anh Vĩnh bỏ đi hơn một năm rồi".
Nàng không thay đổi chỉ gầy đi một chút nên cặp mắt thêm lạ. Tôi hỏi thăm nàng xem nàng có biết tin tức gì của Vĩnh không và tôi nói thẳng cho nàng biết nhiều người nghi nàng có dính đến vụ mất tích ấy. Nàng mỉm cười rất nhẹ và hồi lâu sau nói:
"Nhưng tôi mong rằng anh còn hiểu tôi".
Chúng tôi cùng bước song song trên đường về nhà Châu. Tôi nói tôi là người bảo vệ cho nàng. Dáng cảm động, Châu hơi nghiêng sang một bên:
"Cám ơn anh".
Tôi hỏi về sự quyết định của nàng trước thời cuộc. Châu nhìn vào tôi hỏi lại:
"Anh biết là tôi hoạt động chứ?"
Tôi mỉm cười gật đầu, bảo với nàng rằng tuy thế tôi tin ở con người nàng hơn là những hành động của nàng đã qua hay sắp tới. Nàng cúi đầu đáp khẽ:
"Có lẽ anh nhận xét đúng nhưng tôi không đi vì nhiều cớ khác".
Tôi nói với nàng tôi rất hiểu tâm sự những người ở lại. Tôi so sánh Châu với Lan. Buổi chiều vàng bệch vài phút rồi tắt hẳn. Chúng tôi đi vào đại lộ cũ. Chúng tôi cùng bước trên bờ hè ấy. Đèn thành phố đã nhoi lên. Đến một chỗ, Châu dừng lại hỏi:
"Anh còn nhớ một câu anh đã nói ở đây hôm ấy hay không?"
Tôi nhìn xuống viên gạch. Dòng số 1934 lật ngược trước mắt tôi. Tôi nói gần như thì thầm: Viên gạch của đại lộ bờ hè này hôm nay được hai mươi tuổi khi chúng tôi qua . Và tôi nắm chặt bàn tay Châu, hai bàn tay run cảm động. Sự im lặng này giảng nghĩa sự im lặng hai năm trước.
Tôi đưa Châu về tận nhà, vẫn gian nhà cũ, nhưng không vào. Tôi bảo với Châu ở cửa rằng tối nay là tối cuối cùng của tôi ở Hà Nội. Châu mỉm cười và tiễn tôi bằng cặp mắt hằng cửu của nàng.
Tôi không quay về nhà Lan mà đi mãi trên những bờ hè đại lộ. Sáng hôm sau tôi lên đường khi thành phố chưa dậy.
Isabelle
Lưu ngồi trên chiếc cối đá dưới gốc măng. Con chó già nằm xuống trước những thân rễ xoài ra chạy trốn. Nước đầy con kinh như buổi chiều chậm. Bên kia bờ thấp thoáng ánh đèn dầu và tiếng nói. Isabelle phải chết, Isabelle phải chết. Lưu đến gần vuốt ve con vật già để nó liếm lên tay và chàng vạch bằng những chữ hoa xuống mặt đất mịn nước mưa những trận qua: Isabelle phải chết. Một giọng hát trầm, những dây đàn trùng một bản vọng cổ bay qua trên mặt nước. Nhưng bằng cách nào? Isabelle phải chết, nhất định như vậy rồi, nhưng bằng cách nào? Phải chọn cho nàng cách chết, một lối chết, một trường hợp chết cho riêng nàng. Như cho Lưu? Lưu và Isabelle! Có cái gì trong hai tiếng ấy? Isabelle sẽ tự tử. Nhưng bằng gì? Một viên đạn, liều thuốc ngủ hay mở ngỏ mạch máu cổ tay. Không. Isabelle không tự tử. Isabelle vẫn đi một mình dọc theo bờ sông trên kè đá nghiêng, môi phớt hồng. Rồi một quán cà phê hiu quạnh ở đây nó, phải chính nó , nó sẽ giết Isabelle trước cặp mắt kinh ngạc của người gái già thu tiền. Phải nó sẽ hạ sát Isabelle, không ai ngoài nó cả, dù người ấy là Isabelle cũng không có quyền về cái chết của Isabelle. Và cách chết nữa. Nó sẽ chọn cho Isabelle cách chết. Nó sẽ bắn một viên đạn vào tim nàng như trong phim trinh thám, không vào giữa trán nàng chỗ chấm trang điểm của người thiếu nữ Ấn Độ. Nó sẽ bổ vào đầu Isabelle bằng một cái búa Raskolnikov, như Raskolnikov bổ vào đầu hai người gái già úa héo, nó bửa đôi đầu Isabelle, người con gái mắt to như hòn bi thủy tinh và đôi môi sẵn sàng. Bàn tay Lưu đau tê; chàng không để ý con chó già đã nhay bàn tay ấy rất lâu, dấu đỏ bầm. Lưu đập mạnh tay vào giữa đầu con chó, nó sợ hãi và dúi vào lòng chàng. Lưu đứng lên lấy chân xóa hàng chữ "Isabelle phải chết" trước khi theo lối có trong vườn. Con chó già thẫn thờ theo sau. Bài vọng cổ vẫn đìu hiu lẩn khuất sau hàng dừa và khoảng không gian những cây xanh.
Isabelle nép đầu vào ngực nó và nói:
"Em hoàn toàn thuộc về anh".
"Như?"
"Như em hoàn toàn thuộc về cái chết".
Nó đặt cả hai tay lên cái cổ tròn Isabelle và nâng nhẹ như ve vuốt. Cho tới khi đôi mắt Isabelle mở to nhìn nó và nó nhìn Isabelle, trông thấy hai hòn bi thủy tinh đến chết. Isabelle chết.
Lưu thở dài. Con chó già quay trở lại trong vườn, Lưu bước vào nhà. Đó là gian nhà gỗ lợp ngói kiểu cổ. Những cây cột to và hoành phi câu đối. Hai bộ phản dày nặng và già như rui kèo, đồ vật, súc vật, người, ở đây. Mái ngói cao căn nhà rộng Lưu ngồi xuống bàn trước tập giấy trắng. Cuốn lịch xếp không cần năm tháng không cần thay đổi cùng thời gian, đứng đó. Ngoài đường xa vọng vào những tiếng kèn ve vang. Lưu nói lên một mình:
"Ồ mình về Sài Gòn chứ".
Để gặp Isabelle. Từ một xó nhà con mèo đi đến phía Lưu ngồi, nhảy lên nằm cuốn tròn trong lòng chàng rên nho nhỏ.
Bữa cơm ăn bên trái bếp một cái bàn mộc, ở đó trông lên trời mờ đục hơi nước. Cụ Tám, giáo học về hưu, rót hai ly bia bọt ngầu. Đằng xa cụ bà lui cui với luống hoa tím. Lưu mời lớn:
"Cụ vào xơi cơm".
Bữa cơm sẽ qua đi với truyện mưa nắng vườn cây và cuộc sinh hoạt. Nhưng Lưu hỏi:
"Giờ này còn xe về Sài Gòn không nhỉ?"
"Ông tính về?" Cụ Tám hỏi. "Ừ cũng nên về chơi ít bữa".
Bà cụ vun xong luống hoa trở vào nói với Lưu:
"Trời muốn mưa mà ông đi?"
"Có khi Sài Gòn không mưa".
Bà cụ móc túi lấy tiền đưa cho Lưu và bảo:
"Ông mua dùm tôi với cô Ba ít tấm vé số dưới Sài Gòn, đổi nơi coi có hên không".
Lưu ngạc nhiên:
"Cô Ba mua giấy số?"
Bà cụ cười:
"Cô ấy muốn trúng độc đắc mà".
Cụ Tám trỏ vào Lưu:
"Cho cô ấy cái số độc đắc này".
Bà cụ tiếp:
"Hay ông có tính thật tôi lo cho".
"Cụ không sợ nay mai thống nhất vợ cháu nó "bắt thường" cụ sao?"
Mặt bà cụ buồn hẳn, cụ có một đứa con trai tập kết miền ngoài, nhưng cụ vẫn nói:
"Cô Ba hiền khô à. Cô ấy trông nom cho ông. Tôi sẽ dành cho hai người miếng đất góc kia cất nhà".
Theo tay chỉ Lưu trông ra những tùm cây xanh.
Đột nhiên Lưu nảy ý kiến:
"Hay cụ cùng đi Sài Gòn với cháu?"
Cụ Tám trợn mắt:
"Ông không có việc gì sao?"
Lưu lắc đầu:
"Cháu sẽ đưa cụ đi dạo đêm Sài Gòn".
"Thôi để ông đi một mình. Tôi không thích, Sài Gòn rộn lắm".
Vẻ lặng lẽ của khuôn mặt lời nói buổi chiều với những tấm phản dày, mái ngói nghiêng, cột lớn khu vườn rộng đã như thế sáu mươi năm liền không mệt mỏi. Cụ Tám sinh ra ở đây lớn lên và chắc sẽ chết nơi đây. Vẫn đi dạo những con đường ấy trong những buổi tối ấy mà không bao giờ chán, cuộc đời là tha thiết như thế chăng? Bây giờ bà cụ muốn cắt một mảnh thân thể, một mảnh đời ấy cho Lưu nhưng Lưu còn phải nghĩ tới Isabelle.
Lưu còn nghĩ tới Isabelle.
*
Hai người đứng trên thềm nhà hát lớn bắt đầu hiu quạnh ngó mông vào những con đường lớn đầy bóng cây và ánh sáng chập chờn gió về đêm giữa thu. Tấm áo dài trắng dính sát vào thân Yến gầy không có ngực. Khán giả đã về hết, những lời bình phẩm cũng im xa trên vỉa hè.
Lưu nắm lấy bàn tay Yến, xương xẩu không có lấy chút hơi ấm và bước từng bực xuống đường. Yến rút tay ra và Lưu cho tay vào túi quần chờ đợi. Yến cất tiếng hỏi:
"Anh nghĩ thế nào về vở kịch?"
Lưu đếm thầm trong trí bảy bước rồi mới nói một ý nghĩ đã có sẵn:
"Anh mê tiếng hát trên sân khấu".
Yến chậm rãi:
"Và anh mê luôn cả người hát?"
Lưu biết đã đến lúc phải hút thuốc lá. Ánh diêm xòe rồi vụt tắt, vỉa hè như sáng rõ lên và đốm lửa nháy trong mắt Yến. Lưu bình tĩnh:
"Quỳnh Giao".
Giọng Yến gần và thản nhiên:
"Người như Quỳnh Giao hợp với anh, phải không anh Lưu?"
"Người nào? Người trên sân khấu hay người ngoài đời?"
Yến không trả lời mà im lặng. Xác lá khuya khua động trên mặt đường. Càng sâu vào khuya Lưu càng thấy Yến mỏng như tờ giấy. Mớ tóc uốn rối lên. Giữa hai người vẫn khoảng cách một hàng gạch. Lưu bỗng thổi sáo một bài hát Tây cũ kỹ. Yến gắt:
"Em không thích anh khuấy động như vậy".
Lưu bực mình vì bao thuốc rỗng không; chàng vo tròn ném xuống vỉa hè và đá nó một quãng xa như lừa bóng. Đến ngõ rẽ về nhà, Yến bước thẳng sang đường không ngó mắt. Lưu gọi:
"Về thôi chứ?"
Yến không đáp. Lưu lẳng lặng theo sau. Đoạn đường còn sâu hút và tối lạnh. Yến hỏi từ đằng trước không ngoái lại:
"Anh viết xong cuốn tiểu thuyết của anh chưa?"
"Em là vợ anh em phải biết điều đó chứ".
Yến đợi cho Lưu đến ngang hàng nhìn thẳng vào mắt Lưu hỏi tiếp:
"Tại sao anh bỏ dở?"
Lưu buột miệng trả lời cũng không hiểu vì đâu:
"Vì anh vừa tìm thấy một nhân vật mới rất đẹp: Isabelle".
Yến nghiêm nghị:
"Em nhắc anh mãi là em không thích nói đùa".
Lưu bướng bỉnh cãi:
"Anh không nói đùa. Anh vừa nghĩ tới Isabelle. Ồ! Israel. Ta sẽ giết mi vì hạnh phúc của mi. Nghe thấy không?" Lưu hoa chân múa tay như đang đóng kịch trên sân khấu.
Yến nhìn thẳng tiếp tục đi với ý nghĩ của nàng. Lưu cụt hứng và xuống đường một mình, Yến trên vỉa hè. Đêm Hà Nội bỗng nặng nề những tiếng ì ầm đâu đây. Lưu muốn quay về nhà chui vào chăn ấm. Yến thức dậy nói lớn:
"Anh có biết tại sao không bao giờ anh viết trọn được tác phẩm nào không?"
Lưu chán ngấy đến mang tai nhưng vẫn trả lời:
"Vì lẽ giản dị anh không phải là nhà văn chuyên nghiệp, lúc nào thích thì viết. Mà anh chẳng thích cái gì trọn vẹn cả".
"Không phải. Anh sợ trách nhiệm". Yến gằn giọng. Lưu bỗng cười ngất, tiếng cười vang động cả chòm cây suốt dọc phố vắng. Nhưng Lưu im bặt vì thấy tiếng cười vô nghĩa mặc dù nó còn kéo dài trên môi và trong đầu. Lưu nói:
"Trách nhiệm? Trách nhiệm với ai mới được chứ? Với em? Hay với hàng phố này? Em phải nhớ anh có thể viết xong và đốt đi cũng chẳng thiệt hại gì cho ai…"
Yến cắt ngang lời:
"Anh là một thứ raté của cái xã hội này".
Lưu im bứt, không ngờ Yến có thể tàn nhẫn đến thế. Mặt Lưu nóng bừng tưởng muốn vỡ ra thành nước mắt, cổ họng bị nghẹt cứng. Yến dịu giọng không nhìn Lưu:
"Anh chui vào tháp ngà sống một mình xa cách mọi người. Không ai hiểu anh ngay cả vợ anh". Ngừng một chút giọng Yến lại sôi nổi hơn: "Tại sao lại Isabelle? Cái xã hội chiến tranh đau khổ này không liên lạc gì với anh hay sao? Lúc nào anh cũng mơ tới một nơi anh chưa đặt chân đến những người anh không gặp và không cùng sống như họ. Anh có thấy như thế là không tưởng không? Để rồi anh sẽ chết vô ý thức như con sâu cái kiến".
Lưu xúc động vô cùng muốn la lớn cho Yến thôi không nói nữa.
"Anh biết rằng em rất ngay thẳng. Em vẫn tự hỏi: Không biết còn cái gì ràng buộc chúng ta?" Yến tiếp.
Lưu trấn tĩnh xong đi sát gần Yến nắm lấy tay Yến, vẫn không chút hơi ấm nào. Yến không rút tay và Lưu bắt đầu nói:
"Anh cám ơn em đã thành thật với anh. Hôm nay thì anh hiểu cái nguyên nhân ngăn cách vợ chồng chúng ta ngót năm nay, từ ngày em hoạt động lại theo lý tưởng của em. Anh biết nhưng anh không muốn nhúng vào vì trọng sự tin tưởng của em. Nhưng tới bao giờ thì chính em muốn phá đổ sự tin tưởng của anh. Có thể là em có lý: anh là một thứ raté đầy rẫy trong cái xã hội này, không tưởng, bất lực".
"Chỉ có điều này anh cần cho em rõ là anh không sống một mình xa cách mọi người. Anh đã kể cho em biết đó: anh là con hoang, mẹ anh là đào hát. Đào hát chỉ có những phút sống thực ở những nhân vật mình đóng, ngoài ra khi sống với mình thì chán chường quá lắm. Anh thừa hưởng cái di sản quý báu và vô phúc ấy của mẹ anh. Anh chỉ muốn sống và sống được khi anh nghĩ nhập được với cái sống của kẻ khác. Mẹ anh đuổi theo những nhân vật và chìm vào trong ấy và không muốn bao giờ màn buông xuống đèn tắt đi. Anh cũng vậy, anh đuổi theo cuộc đời của kẻ khác muốn nắm lấy, muốn lấy làm mình như thất bại. Ừ anh không tưởng, raté . Nhưng nếu anh sống cho riêng anh thì anh tự tử từ lâu rồi, người đào hát sẽ chết rũ khi xa sân khấu. Anh sống bên cạnh em tưởng như xa cách nhưng thật anh đang cố sống cái đau khổ của em: người con gái mồ côi thiếu thốn mọi thứ, đã tự cướp lấy cho mình một số vốn tri thức và quay lại trả thù xã hội. Chúng ta yêu nhau vì chúng ta hiểu nhau nghĩa là chúng ta sống lẫn được cuộc đời của nhau. Khi đã không thể nào nhập được nhau tất nhiên tình yêu kia cũng chết đi. Đến bây giờ em không yêu được anh nữa nhưng anh vẫn yêu em tha thiết vì anh đang sống tất cả cái day dứt vò xé của tâm hồn em như chính trong thân thể anh. Đau đớn nữa là anh đã cho anh cái ảo vọng muốn rằng tất cả mọi nỗi đau khổ của mọi người anh yêu anh phải chịu đựng. Chỉ một anh đau khổ là đủ. Có phải là ngông cuồng không?"
"Isabelle hay Yến cũng thế, hãy trao cho anh cái đau khổ của em, anh muốn và anh sinh ra để như vậy. Còn nữa, anh nghĩ rằng trong xã hội phải có những kẻ chết như con sâu cái kiến vô tội hồn nhiên mới làm cho người ta ghê tởm. Nếu mọi người ý thức và cầm lấy khí giới thì cuộc tàn sát sẽ thản nhiên và thú vật như thế nào. Nếu cần, anh biết nhận thất bại và mãi mãi là thứ raté ".
Đêm ấy Lưu dựa đầu vào ngực khô héo của Yến mà ngủ.
*
Sài Gòn mưa, Lưu bước mau trên vỉa hè phố lớn, nghĩ Sài Gòn ít mái hiên hơn Hà Nội. Trước hết Lưu dừng lại ở một hàng bán vé số, xé ba tấm trong ba tập khác nhau. Rồi Lưu tìm đến một tiệm nước sang trọng có âm nhạc giúp vui vào buổi chiều. Căn phòng đương trống. Tiếng kèn đồng áo não, dương cầm buồn tẻ và đại hồ cầm như tiếng đập yếu ớt của mạch máu. Tấm màn sau lưng ban nhạc màu tím của hoa héo. Ghế ngồi trải màu huyết dụ. Điệu Blue buồn, Isabelle khiêu vũ, chết trong tay nó . Hình như đã xảy ra ở đâu rồi? Bên quầy rượu là những khách hàng ngoại quốc. Lưu không trông thấy mặt những người đàn bà rót rượu. Bản nhạc hết rơi vào khoảng trống không nhạt nhẽo. Nhạc công xuống quầy giải lao. Ngoài Lưu còn năm người khách nữa trong tiệm. Ba người lính thủy dựa lưng trên ghế dài chéo góc đang nói chuyện. Đôi vợ chồng già, người Việt Âu hóa, trầm ngâm. Người vợ bưng ly nước cam uống; màu vàng tươi quá không hợp với bà. Ly người chồng là cà phê nước đá đen trong. Không ai chú ý đến người nữ ca sĩ đã lên tiếng hát trước máy vi âm. Màu hồng của áo và bài hát kể một sáng Chúa nhật trời mưa với một đám tang. Nó đi trong đám tang ấy cúi đầu, nói chuyện với Isabelle trong áo quan:
"Em thuộc hoàn toàn về anh như thuộc hoàn toàn về cái chết. Em có ân hận không?"
"Không".
"Bây giờ chỉ riêng mình anh chịu đựng đau khổ thôi".
"Vâng chỉ riêng mình anh thôi".
"Bây giờ anh sung sướng?"
"Vâng, em sung sướng".
"Như?"
"Như hai bàn tay không".
Không ai vỗ tay cả. Ba người lính thủy mỗi người nhìn về một phía theo đuổi ý nghĩ riêng. Người chồng già ngước mắt lên trần; người vợ trông ly nước cam. Gần bàn Lưu thêm một thiếu phụ. Nàng mặc áo dài màu hoa cà đơn sơ, mái tóc rối thân người mảnh. Một thoáng Lưu bất chợt thấy mình đã sống trong cảnh này lúc nào rồi và người thiếu phụ kia thật quen thuộc. Tiếng kèn đồng xé khoảng chật hẹp mở đầu khúc nhạc huyên náo. Có thể Isabelle ngồi đúng chỗ ấy, áo mưa xắn lộ đôi cổ tay tròn trĩnh. Nó ngồi đây và nó đã bước sang bên Isabelle cúi xuống.
"Thưa cô hôm nay trời mưa thật buồn".
"Nếu không khoác áo choàng. Nhưng tiếc rằng, thưa ông, tôi lại khoác áo từ nhà" – Isabelle cười ngất.
Mưa đổ mạnh bên ngoài làm xa hẳn tiếng kèn. Lưu bắt gặp cắp mắt thiếu phụ nhìn chàng. Thiếu phụ cúi xuống ngó mặt bàn, mặt bàn vẫn còn trống như sàn nhảy về khuya, như sân khấu về khuya. Lưu chợt kêu lên trong trí:
"A! Quỳnh Giao!"
Khi người bồi mang đặt cốc nước lên bàn Quỳnh Giao, nàng trao cho hắn một mảnh giấy nhỏ. Bên kia người thủy thủ ngồi giữa – còn trẻ lắm – đã ngửa sau ghế ngủ. Còn hai người bạn cố tình chụm đầu vào nhau thì thầm che khuất cho bạn. Gian phòng rộng bỗng tỏa không khí hải cảng mà đôi vợ chồng già là chủ quán, Quỳnh Giao người gái giang hồ thất nghiệp và Lưu gã con buôn khánh kiệt tài sản.
Anh chàng thổi kèn đồng mặt choắt giới thiệu một bài hát do khách hàng yêu cầu. Người nữ ca sĩ cất tiếng, giọng vút lên đột ngột khiến anh thủy thủ trẻ giật mình ngơ ngác. Lưu nhận ra đó là bài hát của vở kịch Quỳnh Giao đã đóng. Lưu biết mình sẽ nói những gì với Quỳnh Giao sau bài hát này. Ôi Isabelle! Ta sẽ giết mi vì hạnh phúc của mi. Nghe thấy không?
*
Đi được một đỗi xa khỏi quán nước mà hai người vẫn chưa nói lời nào. Lưu đã nắm tay Quỳnh Giao tránh một vũng nước – mưa đã tạnh – và giữ im bàn tay, bàn tay xương xâm xấp mồ hôi giá lạnh. Tới một chỗ rẽ Quỳnh Giao rút nhẹ tay và nói:
"Tôi cảm động lắm. Không thể ngờ còn có một khán giả nhớ ra tôi. Đó là lần thứ nhất lên sân khấu và chắc cũng là cuối cùng".
"Cô không biết hôm ấy cô làm tôi xúc động vô cùng?"
"Tôi hay nhân vật tôi đóng?"
Lưu hơi mất tự nhiên:
"Tôi không trả lời được. Điều chắc chắn là không bao giờ tôi quên được giọng hát và giọng nói của cô hôm ấy".
"Giọng ấy hôm nay còn không?" Quỳnh Giao hỏi hết sức thản nhiên.
"Vẫn còn".
"Cám ơn ông".
Hai người ra đến bến tàu. Mặt sông lạnh lùng sau trận mưa. Những thân tàu trầm mình nặng nề trong bóng tối. Bên kia sông một vài đốm lửa trôi vật vờ.
"Cô có dự định trở lại sân khấu không? Tài nghệ của cô để quên đi thật uổng".
Quỳnh Giao cười gọn:
"Không có sân khấu để trở lại và chẳng có kịch để đóng".
Lưu bỗng nảy ý kiến:
"Tôi có kịch cho cô đóng. Tôi sẽ viết kịch".
Quỳnh Giao lại cười:
"Còn sân khấu?"
Lưu khoa tay làm một cử chỉ rộng:
"Đâu chẳng có thể là sân khấu được? Như cô đứng đó tôi đứng đây trước có thể bắt đầu khai diễn một vở kịch".
Quỳnh Giao thấp giọng:
"Như thế hơi mệt đấy ông ạ".
Hai người bỏ bến tàu sau lưng, ngược vào thành phố theo một đường hè rộng. Họ im lặng cho tới khi đến một phố sáng hơn. Quỳnh Giao hỏi:
"Ông thử kể cho tôi nghe vở kịch của ông?"
Lưu không suy nghĩ đáp:
"Vở kịch của tôi nhan đề là: Isabelle".
"Cái tên quyến rũ đấy chứ".
"Nhưng nó giết Isabelle".
"Nó giết Isabelle? Nghĩa là…"
Lưu cúi đầu trầm tư. Những ý nghĩ quen thuộc bỗng trở thành xa lạ không ràng buộc. Lưu, Isabelle. Nó , Quỳnh Giao. Yến, càng không nói ra được.
Quỳnh Giao vẫn đều bước.
Mưa đã tạnh hẳn từ lâu, không khí trong mát. Lưu hít lấy khoảng trống vào ngực. Mặt đường bóng căng như ngực dậy thì. Phố nhỏ này hiện lên một vài mái hiên thấp. Lưu nói:
"Chúng ta hãy tìm một chỗ nghỉ chân".
Đó là một quán cà phê thân mật ánh sáng dìu dịu bàn ghế xinh xắn, những chiếc phin trắng và nóng. Cho đến lúc mà đầu óc Lưu rỗng tuênh toang. Lưu muốn khóc nức nở. Trên mặt kính mờ ngăn cách với đường phố Lưu ngó thấy mặt mình là một kẻ xa lạ. Bây giờ thì Isabelle chỉ còn trơ là một cái tên. Ba âm cách biệt: I-Sa-Ben. Nó đã ngỏ hết Isabelle. Nó không phải là Lưu, Isabelle không phải là Yến, hẳn nhiên không thể là Quỳnh Giao. Nước thừa trong phin tràn khỏi nắp hứng ra bàn và nhỏ xuống sàn, màu đất loãng Quỳnh Giao nói:
"Theo ý tôi, thưa ông, như thế chưa gọi là kịch được. Đó chỉ là một cuộc phiêu lưu của tâm hồn trên những miền đất hoang của nó".
"Cuộc phiêu lưu ấy có bao giờ ngừng không?"
"Không".
"Kịch đã bắt đầu từ đấy, thưa cô".
Cuối cùng Quỳnh Giao từ biệt lúc hơn mười giờ. Khi Quỳnh Giao sang bên kia đường không còn bóng trên mặt kính, Lưu biết không bao giờ được gặp người đàn bà ấy nữa. Nền trời thấy xuất hiện lốm đốm sao.
*
Mưa buổi sớm làm rầu rĩ thành phố. Hè đường nhớp nháp vắng người. Những sạp báo chụp lên những tấm tơi kín mít. Lưu mệt mỏi vì một đêm ít ngủ nhưng không muốn ở lại Sài Gòn. Rời khỏi hàng điểm tâm Lưu và Quang đi nép qua những mặt nhà đến bến xe. Nước làm mờ khúc phố xa. Quang dắt Lưu băng qua đường ở ngã tư với một mắt đèn đỏ, một chiếc ô-tô nhỏ lẻ loi dừng sát lề. Hai người đứng lại dưới mái hiên lấy khăn tay lau mặt – mưa rơi dầy hơn. Mai sáng cứ lặng lẽ đi buồn nản. Chiếc xe nhỏ rồ máy hực hực, thong thả lăn bánh vào khoảng hơi nước, Lưu hơi chóng mặt buồn nôn, thèm chỗ nghỉ lưng, Lưu thấy mắt chừng trũng xuống, mặt nhớp nháp khó chịu.
Quang hỏi:
"Anh cần về lắm hay sao?"
Lưu gật đầu. Một cơn gió hắt nước mưa vào chỗ hai người đứng. Lưu nói trong trạng thái tâm thần mê mẩn:
"Tại sao mình lại đứng đây nhỉ?"
Lưu từ chối không hút thuốc khi Quang mời vì Lưu biết chỉ một ngụm khói thuốc đủ làm chàng mửa ngay tại chỗ. Quang khó khăn mới đốt xong điếu thuốc ấm rồi thả tầm mắt sang tận bên kia góc phố – mảnh tường vàng thầm nín loang lổ những bích chương – nói trầm trầm như mải theo đuổi ý tưởng:
"Tôi nghĩ cái tội của mình đối với chính mình là chúng ta đã dùng đời chúng ta để tạo thành tiểu thuyết ngay trong khi sống. Chúng ta muốn đời chúng ta phải là một câu chuyện có thể kể được mà chính ta là nhân vật chính. Bởi thế chúng ta không sống, chúng ta chỉ luôn luôn tự hỏi phải sống như thế nào? Phải sống như là chẳng sống gì cả. Chọn lựa thái độ chính trị, lịch sử thì được nhưng không có chọn lựa khi sống…"
Ngực Lưu nhỏ lại rỗng không, Lưu chẳng thể nói nhiều được. Lưu bíu lấy vai Quang thều thào:
"Anh làm ơn đưa tôi về dùm".
Rồi cố phát nụ cười trên khuôn mặt tái ngắt.
Lưu tiếp:
"Tôi có thể chết hôm nay".
Quang vẫy tắc xi dìu Lưu lên, đưa ra bến xe. Trên chuyến xe lô vắng khách hai người ngồi phía trước gần tài xế. Ba mươi cây số đường chạy trong mưa trắng và trời đục. Lưu ngoẹo đầu vào ngực Quang thỉnh thoảng hé mắt qua làn nước mắt. Tim của Quang nhảy đều. Tiếng máy êm vì xe chạy chậm. Đôi khi Lưu muốn ngồi lên nhìn xuống những khoảng ruộng vườn cây cối bên đường nhưng cảm thấy không còn sức lực. Có nhiều phút Lưu tỉnh hẳn trông thấy nét đăm chiêu của Quang và xa hơn màu da cháy nắng của người tài xế. Hình như chuyến xe dừng lại ở giữa đồng không, một chỗ nào rất lâu để cho mưa rào rạt trên mui lẫn những tiếng xầm xì ấm áp. Ít nhất mình cũng là nhân vật của Quang chứ. Ý nghĩ chợt tỉnh dậy ở Lưu, rồi lại chìm xuống cơn sốt. Lưu hơi tỉnh khi được đặt nằm trên giường dưới lần chăn đơn. Trước khi thiếp đi lần nữa Lưu còn biết gần mình có Quang, hai vợ chồng cụ Tám và thoáng thân hình của cô Ba hiền khô.
Chiều thì Lưu tỉnh hẳn. Mồ hôi đã khô đầu nhẹ nhõm. Ngoài nhà Quang đàm luận với cụ Tám. Trời không mưa chừng như có nắng. Lát sau Quang vào bảo với Lưu:
"Thôi tôi phải về Sài Gòn".
Lưu bắt tay cám ơn Quang. Quang nắm tay Lưu nhìn thẳng trong mắt Lưu nói:
"Tôi quên chưa cho anh biết chị Yến gửi lời thăm anh".
Không hiểu sao Lưu lại mỉm cười.
Quang ra về Lưu bước xuống giường. Qua vài giây hoa mắt, Lưu bước với cảm giác không vững vàng. Lưu xuống bếp, bà cụ Tám đang sửa soạn dọn cơm chiều.
"Ông mạnh rồi sao?"
Lưu cười, tìm đưa cho ba cụ mấy tấm vé số và nói:
"Cháu cũng mua một tấm kỳ này. Nếu trúng độc đắc cháu sẽ đi hỏi cô Ba cụ à".
Rồi Lưu ra vườn. Cây cối còn ướt. Lưu tìm đến ngồi trên cối đá mà gần đấy con cho già đã nằm phục từ bao giờ. Khoảng đất sũng nước con kinh đầy. Bên kia bờ lạnh ngắt. Isabelle đã chết.