Chương 5
Tác giả: Thích Nhất Hạnh
T ối hôm đó, trong khi Huyền Trân buông màn cho Thế tử Dayada ngủ. Thị Ngọc vào báo cho nàng biết đoàn sứ giả Chiêm Thành đã về. Cả đêm Huyền Trân thao thức không ngủ. Nàng mong ước sứ giả có đem về thơ của Thượng hoàng hay của vua Anh Tông cho nàng. Sáng hôm sau, quan đại thần Bảo Lộc Kê vào chầu vua Chế Chí. Chiều hôm đó, Thái hậu cho vời quan đại thần vào cung để hỏi han. Sau khi uống hết chén trà Thái hậu ban, vị đại thần tường thuật về chuyến đi. Ông nói là ông đã được vua Anh Tông tiếp kiến và lưu lại kinh đô Thăng Long mười hôm. Sau đó vua cho phái đoàn về nước và dặn rằng một sứ đoàn Đại Việt sẽ qua Chiêm trong tháng tới để làm lễ hỏa đàn Hoàng hậu. Huyền Trân thất vọng khi nghe vị đại thần nói là không có thư từ gì cho nàng.
Giữa tháng mười một, phái đoàn Đại Việt qua tới. Phái đoàn này gồm có mười hai người do quan thượng thư Tả bộc xa là Trần Khác Chung cầm đầu. Trong phái đoàn có bốn vị tăng sĩ Đại Việt. Bốn vị này, theo sứ thần Đại Việt, là những vị sẽ tổ chức trai đàn cầu nguyện cho vua Chế Mân theo nghi lễ Phật Giáo Đại Việt. Thái hậu Paramesvari, tức là Huyền Trân, sẽ đứng ra làm chủ đàn. Sau khi trai đàn hoàn tất, Thái hậu sẽ lên đàn hỏa. Cả hai trai đàn và hỏa đàn đều được dựng trên bờ biển theo thủ tục Chiêm Thành.
Vua Chế Chí tiếp sứ thần Đại Việt và phê y cho việc lập trai đàn bên cạnh hỏa đàn. Ngày khai đàn được chỉ định vào rằm tháng Chạp. Quan thượng thư Trần Khắc Chung cũng đã được Thái hậu vời vào cung uống trà. Trước mặt nhiều nữ quan và cung nhân Chiêm Thành, Thái hậu không tiện hỏi nhiều về sự tình đất nước. Quan thượng thư tâu rằng không có thư từ gì của Thượng hoàng cũng như của vua Anh Tông, Đêm ấy Huyền Trân đã khóc một mình trong tẩm điện. Nàng không ngờ Phụ hoàng và vua Anh Tông đã hờ hững với nàng như thế. Hoặc giả Thị Khanh đã làm thất lạc những lá thơ của nàng? Dù sao Huyền Trân cũng nhận thấy thái độ hơi khác thường của quan thượng thư Trần Khắc Chung. Quan thượng thư trong khi nói năng vẫn lễ phép nhưng phong cách của ông có vẻ rất xa lạ.
Ngày khai đàn đã tới. Vua Chế Chí ngự trên kiệu cùng với Hoàng hậu ra dự trai đàn. Huyền Trân mặc y phục đại lễ của Hoàng thái hậu Chiêm Thành. Ngồi trong kiệu của Huyền Trân có Thị Ngọc và một thị nữ Chiêm Thành khác, tên là Ratna. Thế tử Dayada được các cung nữ ẵm theo trong một chiếc kiệu che bằng lụa hồng, đi sau kiệu của Huyền Trân. Trai đàn đã được thiết lập trang nghiêm có đủ cờ phướn và nhạc cụ. Hỏa đàn đã được dựng sẵn toàn bằng gỗ trầm hương. Đám rước đông có tới gần một vạn người. Huyền Trân được rước xuống thuyền cùng với bốn vị tăng sĩ Đại Việt. Hai thị nữ cũng theo xuống với nàng. Thuyền của Huyền Trân sẽ ra khơi làm lễ đón linh hồn của vị vua quá cố về dự trai đàn. Quan thượng thư Trần Khắc Chung xin cho Thế Tử Dayada được xuống thuyền với mẹ, nhưng vua Chế Chí không thuận. Ngài truyền khiêng kiệu của Thế Tử tới bên kiệu của ngài.
Thuền của Huyền Trân vừa rời bến thì các vị tăng sĩ bắt đầu đốt nhang và tụng niệm. Giọng đọc kinh tiếng Việt làm Huyền Trân nhớ nhà, rơi nước mắt. Thị Ngọc cũng bưng mặt khóc. Thuyền càng lúc càng ra xa. Bây giờ là vào khoảng giờ Ngọ, mặt trời chói lọi trên đỉnh đầu. Thuyền của Huyền Trân đã ra tới ngoài khơi; bốn người thủy thủ Chiêm Thành kèm cho thuyền đứng yên trong khi các vị tăng sĩ làm lễ chiêu hồn. Bỗng nhiên, không biết từ đâu, bốn chiếc thuyền nhẹ lướt tới, trên chiếc nào cũng có bốn năm người thủy thủ. Huyền Trân nhận ra đây là những thủy thủ người Đại Việt. Trong phút chốc bốn chiếc thuyền nhẹ đã xáp lại vây quanh thuyền của Huyền Trân. Các thủy thủ Đại Việt đã nhảy lên: Bốn người Chiêm lập tức bị kềm chế. Huyền Trân, Thị Ngọc, người thị nữ Chàm và bốn vị tăng sĩ được chuyền rất mau xuống các thuyền nhẹ. Người ta trói tay bốn người thủy thủ Chàm và đặt họ nằm trong lòng thuyền. Lúc bấy giờ từ trong đất liền, một chiếc thuyền khác cũng vừa ra tới. Huyền Trân nhìn kỹ thì thấy trên thuyền có quan thượng thư Đại Việt và mấy vị tùy tùng. Phút chốc, quan thượng thư và các vị tùy tùng cũng được đưa lên thuyền nhẹ. Bốn chiếc thuyền lướt sóng như bay dưới những cánh tay lanh lẹ của các thủy thủ. Huyền Trân biết rằng đây là một cuộc cướp người do sứ đoàn Đại Việt tổ chức, thì ra vua Anh Tông đã sai quan thượng thư Trần Khắc Chung vào cứu nàng. Quan thượng thư đã hành động một cách vô cùng cẩn mật. Chính bốn vị tăng sĩ Đại Việt cũng không được biết một chút gì về mưu lược này. Huyền Trân ngồi trên một chiếc thuyền với hai người thị nữ, không ai nói với ai câu nào. Thị Ngọc hình như đã hiểu được cớ sự, nhưng Ratna người thị nữ Chàm vẫn còn dương cặp mắt kinh ngạc lên nhìn. Huyền Trân cầm ấy tay cô và bóp chặt cố ý cho cô biết rằng cô không nên sợ hãi. Các thủy thủ vẫn ra sức chèo; bốn chiếc thuyền cùng lướt sóng nhanh như những mũi tên bay về một hướng. Bỗng Huyền Trân nhận thấy một chiếc thuyền lớn phía trước mắt. Đây chắc là chiếc thuyền sẽ đưa nàng về Đại Việt. Các thủy thủ thấy dáng thuyền đều hò reo và càng ra sức chèo. Trong giây lát cả bốn chiếc thuyền nhẹ đều đã cặp vào hai bên hông chiếc thuyền lớn. Từ trong thuyền lớn, các thủy thủ đã liệng thang dây xuống. Cuộc chuyển người lên thuyền bắt đầu. Hai thủy thủ phía trên giúp Huyền Trân leo lên, trong khi hai thủy thủ phía dưới sẵn sàng đỡ nàng. Huyền Trân leo lên được trên thuyền thì hai thủy thủ đưa nàng ngay vào trong khoang. Quan thượng thư Trần Khắc Chung đã lên tới trước nàng. Đứng bên ông là một vị quan chức khác của triều đình Đại Việt. Ông này cúi chào nàng và tự giới thiệu là An Phủ Sứ Đặng Vân.
Ratna và Thị Ngọc đều đã lên tới; bốn vị tăng sĩ cũng vậy. Thuyền khá rộng, Huyền Trân và cả hai thị nữ được mời vào một khoang riêng. Nhìn ra, Huyền Trân thấy thuyền đã bắt đầu cưỡi sóng lướt đi. Thị Ngọc cho nàng biết các lá buồm trên thuyền đều đã được dựng lên; căng phồng dưới sức gió. Các thủy thủ được lệnh cho thuyền đi với tốc độ cao nhất để vượt thoát sự truy tầm của người Chiêm.
Nói chuyện với quan thượng thư chiều hôm ấy, Huyền Trân biết rằng vua Anh Tông đã phái ông và An Phủ Sứ Đặng Vân vào để tìm cách cứu nàng và đưa nàng cùng thế từ Dayada về Đại Việt. Hai người đã vặch sẵn kế hoạch trước khi lên đường. Họ khởi hành từ giữa tháng mười, đi đường bộ, và tới Thuận Châu thì dừng lại để hội ý với quan kinh lược Đại Việt lưu nhậm. Chính tại đây mà phái đoàn sắm được thuyền lớn, bốn chiếc thuyền nhẹ và tuyển được một đoàn thủy thủ thiện nghệ. Quan An Phủ Sứ chịu trách nhiệm đưa đoàn thuyền từ cửa Thuận An vào chực sẵn ngoài khơi cửa Thị lị bì nại, trá hình làm thuyền ngư dân, và phái một thủy thủ người Chiêm vào để liên lạc với quan thượng thư mà điều hợp thì giờ hành động. Kế hoạch đã không thành công hoàn toàn như họ mong ước, vì họ không đưa được Thế tử Chế Đa Gia cùng về.
Huyền Trân có cảm tưởng là mình không có quyền quyết định được gì trong kế hoạch này. Đây là một kế hoạch của triều đình Đại Việt, nàng bắt buộc phải tuân phục. Trong thâm tâm, nàng cảm thấy có một cái gì đổ vỡ. Kế hoạch cướp người này chắc chắn sẽ gây nên ấn tượng xấu về Đại Việt trong người dân Chàm. Niềm tin cậy của người Chiêm sẽ chết theo sự ra đi này. Phụ hoàng của nàng chắc chắn không được thông báo về kế hoạch này. Nàng biết nếu nàng có thể chấp nhận hỏa đàn để giữ nguyên vẹn tình giao hảo Chiêm Việt thì Phụ hoàng nàng cũng có thể chấp nhận sự đau xót kia để chu toàn ước nguyện hòa bình. Anh Thuyên của nàng chắc đã nghe lời những vị triều thần như Đoàn Nhữ Hài và Trần Khắc Chung. Những người này làm gì có được trái tim của Phụ hoàng. Họ khinh miệt dân Chàm, họ dòm ngó lãnh thổ Chàm. Họ không làm sao thấy được cái đẹp của tình huynh đệ.
Hồi tưởng lại giây phút lên thuyền để ra khơi làm lễ chiêu hồn. Huyền Trân bỗng giật mình. Nàng nghĩ rằng vua Chế Chí có thể đã biết được kế hoạch của quan thượng thư Trần Khắc Chung, nhưng vua vẫn làm lơ để cho nàng vượt thoát. Nội một việc vua truyền đưa Thế tử của Chế Đa Gia đến gần vua cũng đủ chứng tỏ được điều ấy. Công chúa Đại Việt có thể trả về cho Đại Việt, nhưng Thế tử Chiêm Thành phải ở lại Chiêm Thành. Vua không nói, nhưng vua đã làm theo điều đó. Quan thượng thư Trần Khắc Chung tưởng là đã đánh lừa được vua, kỳ thực ông đã được vua cho phép hành động theo kế hoạch. Huyền Trân nhìn ra trời biển phiá sau thuyền. Nàng biết rằng sẽ không có thuyền Chiêm Thành đuổi theo. Nàng nghĩ đến bốn người thủy thủ Chàm bị trói nằm trong lòng thuyền, và nàng mong ước rằng giờ này họ đã tự tháo gỡ được dây trói để cho thuyền trở vào bờ. Nàng nghĩ đến đám quần chúng đông đến gần một vạn người ngồi bên hỏa đàn và cảm thấy ruột nàng đau thắt lại. Nàng nghĩ đến Thế tử Dayada, đến trái tim của nàng, để lại trong lòng đất nước Chàm.
Thuyền đi êm đềm suốt đêm hôm ấy, và cả ngày hôm sau nữa. Nhưng giữa đêm sau, một trận bão dữ dội nổi lên làm thuyền suýt lật nhào. Các cột buồm đều bị gãy. Cả đêm, hai mươi thủy thủ trên thuyền chống cự mãnh liệt với cơn bão. Ratna bình tĩnh, nhưng Thị Ngọc có khi hoảng hốt ôm chặt lấy Huyền Trân. Cơn bão tiếp tục. Sáng hôm sau, các thủy thủy cho thuyền ghé sát một con vịnh để tránh gió. Cơn bão kéo dài đến bảy ngày bảy đêm. Thuyền bị thiệt hại nặng, không thể tiếp tục cuộc hành trình. Quan An Phủ Sứ phái hai thủy thủ dùng xuồng nhẹ vào bờ để để mua vật liệu sữa chữa thuyền, và đồng thời lấy thêm nước ngọt và mua thêm thức ăn. Các thủy thủ này đều nói được tiếng Chàm. May cho mọi người là thuyền lớn của họ có dáng dấp một ngư thuyền Chiêm Thành nên đã không tạo nên nghi ngờ gì trong óc những người người dân gần đó.
Thuyền phải đậu lại gần một tháng mới sữa chữa xong. Quan An Phủ Sứ ra lệnh nhổ neo. Thuyền đi sáu hôm nữa thì tới được cửa Thuận. Thuyền vào cửa được hai ngày thì mọi người lên bờ. Dù đây là lãnh thổ mới của Đại Việt, đa số dân cư vẫn còn là người Chàm cho nên Huyền Trân và các thị nữ đều phải cải dạng thường dân. Họ tìm tới tạm trú tại dinh quan kinh lược sứ. Quan thượng thư Trần Khắc Chung bàn tính kế hoạch gửi người về thành Phật Thệ để tìm cách bắt thái tử Chế Đa Gia đem về. Ông nói ông chưa thể lên đường về kinh sư được khi mà ông chưa hoàn tất nhiệm vụ vua Anh Tông giao phó. Mệnh lệnh ấy là đưa công chúa và thái tử Chế Đa Gia về Đại Việt. Nay công chúa đã qua được phía bên này biên giới, ông phải tìm cách đưa nốt Thế tử qua.Ông bàn với quan An Phủ Sứ và kinh lược sứ về kế hoạch gửi người về Chiêm, những người được gửi đi đều phải là người Chiêm, trung thành với Đại Việt, để cho kế hoạch khỏi bị nghi ngờ. Huyền Trân không biết ăn nói làm sao để quan thượng thư bỏ ý định trở về Vijaya bắt cóc thái tử. Nàng thương con, nàng ao ước có Dayada trong tay nàng để cưng chiều, để sung sướng, nhưng nàng thấy hành động bắt cóc thế tử bất nhẫn quá và có tính cách khiêu khích quá. Thế tử Chế Đa Gia thuộc về honàg gia Chiêm Thành, từ trước đến nay bao giờ Huyền Trân cũng nghĩ như thế. Nay nếu triều đình Đại Việt cho cướp thái tử về thì dân Chiêm sẽ thấy là dân Việt tráo trở, thủ đoạn, không tôn trọng lời cam kết. Huyền Trân không chịu đựng được ý tưởng đó, nhưng nàng biết nàng không là gì cả trong một xã hội mà người đàn bà không có quyền gì về mặt chính sự. Ai hiểu cho nàng ngoài Phụ vương của nàng. Cuối tháng hai năm đó, một chiếc thương thuyền khởi hành từ cửa Thuận, trên thuyền có tám người Chiêm đã được huấn luyện để về Vijaya bắt cóc con nàng. Lạ quá, tuy Huyền Trân phản đối việc trở về bắc cóc Thế tử Chế Đa Gia, trong lòng nàng lại phát sinh ra niềm hy vọng là cuộc bắt cóc sẽ thành công để nàng có thể đoạt lại được cái hạnh phúc làm mẹ. Huyền Trân cảm thấy giận mình vì cái niềm hy vọng đó. Nàng thấy nàng đang đồng lõa với tính cách thủ đoạn và tráo trở của hành động bắt cóc. Nàng chiến đấu với tự tâm, muốn loại bỏ ra khỏi lòng nàng cái niềm hy vọng này, nhưng lạ thay, càng muốn đàn áp nó, nàng càng thấy nó lớn lên. Nó mạnh hơn nàng. Nàng đau khổ vì chin1h nàng. Cuối cùng nàng tự cho rằng lý do của sự yếu đuối đó nằm ở sự kiện nàng chỉ là một người đàn bà. Mơ hồ trong tiềm thức, nàng biết rằng đó chỉ là một sự tự bào chữa. Nàng là một người đàn bà thật đấy nhưng không phải là một người đàn bà yếu đuối.
Thương thuyền khởi hành từ cuối tháng hai mà tói giữa tháng năm vẫn không có tin tức trở về. Nóng ruột quá, quan thượng thư và quan An Phủ Sứ gửi tiếp một đoàn lái buôn khác, lần này theo lộ trình đường bộ, nhưng đến đầu tháng bảy vẫn không có tin tức của đoàn nào nhắn về. Hiển nhiên là sứ mạng của cả hai đều đã thất bại, chưa chừng mọi người đã bị bắt bớ và tù đày. Rằm tháng bảy năm ấy, quan thượng thư và quan An Phủ Sứ quyết định bãi bỏ kế hoạch bắt cóc Thế tử Chế Đa Gia. Ba chiếc thuyền được lập tức trang bị cho Huyền Trân và hai vị đại thần trở về kinh sư. Đoàn tùy tùng gồm có hai mươi bốn người, trong đó có cả Ratna và Thị Ngọc. Bốn vị tăng sĩ đã lên đường về kinh sư từ trước ngày Phật Đản.
Kiệu đi ròng rã suốt hai mươi ngày mới về tới kinh đô Thăng Long. Huyền Trân đã nhìn lại quê hương với những con mắt mới. Nàng luôn luôn nhìn ra cảnh vật bên đường. Mỗi khi vượt đèo, qua sông, thấy nước non cẩm tú, nàng không thể không nghĩ đến đất nước và dân tộc Chiêm Thành. Đất nước kia và dân tộc kia cũng đã trở thành đất nước của nàng và dân tộc của nàng. Người dân Chàm cũng như người dân Việt, ở đâu cũng lam lũ, cần cù, đầy đủ sức chịu đựng và khao khát hòa bình. Nhìn những mái tranh thấp thoáng sau lũy tre, nhìn những đoàn thợ cấy lom khom trên ruộng lúa, nhìn những chú bé ngồi trên mình trâu, nàng ao ước được rỗ bỏ cái cốt cách vương giả của nàng để có thể trở về sống đời sống dân dã của xóm làng. Nàng muốn tái sinh trong một kiếp khác, thành một người dân quê. Có thể Phụ hoàng sẽ giúp cho nàng toại nguyện.
Ngày mồng mười tháng tám, kiệu nàng về đến kinh sư. Về tới kinh sư, vua Anh Tông và huệ Võ Đại Vương Quốc Chản, Huyền Trân được biết là Tuyên Từ thái hậu, dì nàng, đã xuất gia vào ngày mồng tám tháng tư năm ấy, Bà đã thọ Bồ Tát giới xuất gia tại chùa.
Báo Ân ở Siêu Loại và hiện bà đang tu ở am Bình Dương gần chùa Sùng Nghiêm ở tỉnh Hải Dương. Nàng cũng biết là kế hoạch dùng thuyền để cướp nàng đem về Đại Việt là do quyết định của vua Anh Tông và của triều thần. Thượng hoàng đã không được thông báo gì về việc này. Sau một ngày nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe. Huyền Trân quyết định đi thăm Thượng hoàng trên núi Yên Tử. Nàng định sau đó nàng mới về am Bình Dương, ở Hạ Lôi thăm thái hậu.