Chương 49
Tác giả: Thích Nhất Hạnh
Vị khất sĩ trẻ Svastika nghe hai thầy Assaji va Ananda kể về công trình hành đạo của Bụt trong mười năm qua một cách say mê. Ngồi với chú, có ni sư Gotami và chú Rahula.
Tuy đã biết và đã được chứng kiến nhiều việc xảy ra, nhưng chú Rahula cũng tỏ vẻ thích thú khi nghe các đại đức thuật lại. Thầy Ananda có trí nhớ rất dị thường, thầy đã nhắc rất nhiều chuyện mà thầy Assaji quên không nói tới.
Svastika cảm thấy một niềm biết ơn sâu xa đối với các thầy Assaji và Ananda, với ni sư Gotami và với chú Rahula.
Nếu không có bốn vị này làm sao chú được dịp nghe kể từng ấy chuyện về đời của Bụt.
Chú hy vọng từ đây về sau sẽ được thân cận Bụt để được sống và chứng kiến những gì xảy đến trong đời người và cũng để được học hỏi trực tiếp từ người.
Tuy xuất thân là một chú bé chăn trâu, Svastika cũng có đôi chút học thức và chữ nghĩa. Đây là nhờ công trình của chị Sujata con gái của ông hương cả trong làng Uruvela. Chị đã dạy Svastika từ năm chú mười một tuổi.
Mấy năm gần đây chú không được học với chị nữa, bởi vì chú đã lớn. Svastika được chị báo tin là chị sắp đi lấy chồng, và vì chồng chị cư trú ở Nadika, nên chị cũng sẽ rời bỏ Uruvela để về Nadika vào cuối năm nay.
Svastika lớn hơn Rahula tới ba tuổi, nhưng chú cảm thấy chú phải học rất nhiều điều từ chú Rahula. Phong cách của Rahula rất thanh tao, đã là dòng giống vương giả, Rahula lại được thực tập gần tám năm trời trong nếp sống tĩnh lặng và uy nghi cho nên so với Rahula, Svastika thấy mình còn thô tháo nhiều lắm.
Chú ý thức được điều đó nên chú hết sức cố gắng, thầy Sariputta đã giao cho Rahula chỉ bảo cho chú những phép tắc liên hệ tới việc mặc áo, ôm bát, đi, đứng, nằm, ngồi, đi vào thôn lạc, khất thực, ăn cơm, rửa bát, nghe pháp ... Có tất cả bốn mươi lăm điều mà chú phải học thuộc và làm theo. Những điều này gọi là uy nghi và tế hạnh. Vị xuất gia nào làm đúng theo những điều này thì tự khắc có phong thái uy nghi và trầm lặng của một vị khất sĩ.
Trên nguyên tắc, Svastika là một vị khất sĩ -bhikkhu- trong khi Rahula chỉ mới là một vị sa di -samanera-.
Đúng hai mươi tuổi, Rahula mới được thọ giới khất sĩ. Giới luật của sa di có mười điều: không sát sinh, không trộm cướp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không trang điểm, cài hoa và xức dầu thơm, không nằm và ngồi trên những giuờng ghế cao sang và rộng lớn, không ca vũ, không sử dụng tiền bạc, và không ăn sau giờ mặt trời đứng bóng. Bốn mươi lăm điều uy nghi và tế hạnh tuy thuộc về giới luật của một vị khất sĩ nhưng Rahula cũng phải học và hành trì, bởi vì Rahula đang tập sự để được thọ giới khất sĩ. Khất sĩ có tới một trăm hai mươi giới, trong đó có bốn mươi lăm điều uy nghi tế hạnh. Theo chú Rahula, nói thì số lượng các giới điều khất sĩ sẽ tăng lên với thời gian, và có ngày giới này có thể sẽ tăng lên hai trăm giới, hoặc hơn thế nữa.
Theo chú Rahula kể lại thì trong những năm đầu, các vị khất sĩ sống không cần giới luật gì hết mà trong giáo đoàn vẫn chẳng có vấn đề đáng tiếc nào xảy ra. Lễ xuất gia thật đơn giản: chỉ cần quỳ dưới chân Bụt hoặc dưới chân một vị khất sĩ để đọc lên ba câu Quay Về Nương Tựa là đã chính thức thành người xuất gia.
Bây giờ đây, xuất gia thì phải phát nguyện tiếp nhận và hành trì giới luật. Số lượng người xuất gia đã trở nên đông đảo. Đông đảo cho nên có những thành phần không tự mình cảnh giác được và phải cần đến những kỷ luật và phép tắc để chế ngự. Những phép tắc này gọi là giới và luật.
Chú Rahula kể rằng người phạm giới đầu tiên là thầy Sudina, và chính vì thầy Sundina mà Bụt khởi sự áp dụng việc hành trì giới luật. Thầy Sudina trước khi đi xuất gia đã có thành lập gia đình rồi, và lúc ấy còn cư trú tại làng Kalanda gần thành phố Vesali. Được nghe Bụt thuyết pháp ở giảng đường Trùng Các, Sudina xin đi xuất gia.
Một thời gian sau đó, thầy Sudina có dịp ghé về làng Kalanda. Gia đình thầy ngỏ ý muốn thỉnh thầy về thọ trai ngày mai. Thầy nhận lời. Ngày mai lại, sau khi thọ trai, thầy được gia đình yêu cầu hoàn tục để chăm lo sự nghiệp và cửa nhà. Thầy không bằng lòng. Gia đình than phiền rằng thầy là con một, thầy đi tu thì không còn ai nối dõi, và sản nghiệp sẽ rơi vào tay người khác. Gia đình thầy giàu có lắm. Cuối cùng mẹ thầy đề nghị nếu thầy cương quyết không hoàn tục thì ít nhất thầy cũng phải để lại một đứa con. Nể lời mẹ, và cũng vì lý do giáo đoàn chưa có pháp chế giới luật, thầy nhận lời. Mẹ thầy sau đó sắp đặt để cho thầy gặp lại người vợ cũ. Cuộc gặp gỡ này xảy ra trong rừng Mahavana.
Sau đó, người vợ cũ của thầy có thai. Đứa con trai sinh ra được ông bà nội đặt tên là Bijaka, có nghĩa là hạt giống. Rồi sau đó thầy Sudina vị các bạn gọi đùa là “Ba của Hạt Giống”. Bắt đầu có sự dèm pha trong quần chúng. Việc này tới tai Bụt. Người triệu tập các vị khất sĩ lại, thầy Sudina bị Bụt khiển trách. Giới luật được chế tác bắt đầu từ đó. Mỗi khi có một vị khất sĩ làm một việc gì trái với tinh thần của đạo lý giác ngộ và giải thoát thì giáo đoàn lại được tập họp và một điều luật mới được ghi vào giới bản. Giới bản này được gọi là Patimokkha.
Ngày Svastika thọ giới, giới bản đã lên tới một trăm hai chục điều. Bốn giới đầu là bốn giới căn bản, phạm vào một trong bốn điều là tự động mất giới thể, không còn được công nhận là một vị khất sĩ nữa. Nếu phạm vào những điều khác thì còn có thể sám hối.
Bốn giới đầu gọi là trọng giới: không dâm dục, không trộm cướp, không sát hại, không tuyên bố mình có thực chứng đạo quả khi mình chưa có thực chứng đạo quả. Bốn giới này gọi là bốn giới parajika: vị khất sĩ nào phạm vào thì không còn là một vị khất sĩ nữa, cũng như khi một cây cau bị chặt ngọn thì không thể nào mọc lên lại được.
Chú Rahula cho biết là Bụt dạy chú rất nghiêm, dù chú biết Bụt thương chú lắm. Từ năm chú mười ba tuổi, chú đã xin được ăn uống theo các thầy khất sĩ, nghĩa là không ăn sau giờ mặt trời đứng bóng nữa. Hồi chú mười một tuổi, có một lần chú đã lỡ nói dối với đại đức Sariputta. Chú đã nói dối chỉ vì sợ thầy Sariputta mắng về một vụ ham chơi thôi, nhưng rốt cuộc vì nói dối một lần mà phải nói dối liên tiếp tới bốn lần, sợ tội nói dối lòi ra, nhưng rốt cuộc thì vụ nói dối cũng lòi ra như thường, Bụt hay được chuyện này và Bụt đã dạy dỗ chú thật kỹ lưỡng về vấn đề nói dối.
Hồi ấy Bụt ở tịnh xá Trúc Lâm, và hai thầy trò Sariputta thì ở lại vườn Ambalatthika, Rahula thấy Bụt tới liền đi bắc ghế cho Bụt ngồi và lấy thau đi múc nước cho Bụt rửa chân. Trong khi Bụt rửa chân Rahula được thầy Sariputta cho phép ngồi xuống một bên thầy, gần Bụt.
Rửa chân xong, Bụt đổ nước đi, nhưng người còn giữ lại một ít nước trong chậu, rồi người nhìn Rahula hỏi:
- Này Rahula, nước trong chậu nhiều hay ít?
- Lạy Bụt, nước trong chậu còn rất ít.
- Con nên biết đó, Rahula. Những người nói dối thì căn lành không còn lại bao nhiêu, ít như nước trong chậu này.
Rahula nín thinh. Bụt lại đổ hết nước trong chậu đi và hỏi:
- Rahula, con có thấy ta đã đổ hết nước trong chậu đi rồi không?
- Con có thấy.
- Đối với những người tiếp tục nói dối, thì thiện căn sẽ mất hết như chiếc chậu không có nước này.
Bụt lật úp chậu lại. Người hỏi:
- Rahula, con có thấy cái chậu bị úp lại không?
- Lạy Bụt, con có thấy.
- Nếu ta không tu tập chánh ngữ, nhân cách ta cũng sẽ bị đảo lộn như cái chậu này.
Bụt nói:
- Rahula, cho nên không nên bao giờ nói dối, dù là để đùa cợt. Con có biết một tấm gương là để dùng làm gì không?
- Lạy Bụt, tấm gương dùng để soi mặt mình.
- Cũng vậy đó Rahula, con phải quán sát hành động, tư tưởng và lời nói của con như người soi gương vậy.
Nghe Rahula kể, chú Svastika ý thức được tầm quan trọng của hạnh nói năng chân thực. Chú nhớ hồi bé chú đã từng nói dối bố, và mẹ, và có một lần chú đã nói dối với chị Sujata, nhưng may mắn làm sao, chú chưa từng nói dối Bụt lần nào. Chú có cảm tưởng không thể nói dối Bụt được. Nói dối Bụt thì thế nào người cũng biết. Chú thầm nghĩ: "ta phải dứt khoát từ bỏ lời nói không chân thực, không những ta không được nói dối Bụt, ta cũng không được nói dối với bất cứ ai, dù người đó là một em bé. Có như thế ta mới chuộc được lỗi lầm hồi ta còn ấu thơ. Có như thế ta mới đền đáp được ơn đức của Bụt, với lại đã thọ giới rồi thì phải hành trì giới cho thật nghiêm chỉnh."
Mỗi tháng hai lần vào ngày trăng tròn và ngày trăng mới, tất cả các vị khất sĩ tập họp để bố tát và tụng giới. Các giới điều đề được tuyên đọc, và đại chúng được hỏi có vi phạm các giới ấy hay không. Nếu đại chúng giữ im lặng tức là không có ai vi phạm, nếu có ai vi phạm thì vị ấy đứng dậy phát lộ để sám hối. Trừ những lỗi parajika mà người phạm vào thì tự động bị tản xuất, những lỗi khác đều có thể sám hối được.
Có nhiều hôm Svastika cũng được đi khất thực trong đoàn của Bụt, có cả Rahula và đại đức Sariputta.
Mùa an cư ấy Bụt lại cư trú ở Ekanala, một khu đồi núi về phía Nam thủ đô Rajagaha.
Một buổi sáng, đi khất thực ngang qua cánh đồng ở làng Ekanala, Bụt và các vị khất sĩ bị một nông dân chận đường.
Nông dân này tên là Bharadvaja, ông là một nhà triệu phú, ông có hàng ngàn mẫu ruộng, đây là mùa cày ruộng, ông đang đốc thúc dân cày đi cày. Có hàng trăm trăm người đang cày ruộng cho ông trong ngày hôm đó. Chận đường Bụt và các vị khất sĩ, ông nói:
- Chúng tôi là nông dân, chúng tôi phải cày sâu cuốc bẫm, bỏ phân, chăm bón và gặt hái mới có được gạo ăn, còn các vị không làm gì cả, không sản xuất gì hết mà các vị cũng ăn. Các vị không có ích lợi gì cho đời cả. Các vị không cày, không cuốc, không gieo trồng, không bỏ phân, không chăm bón, không gặt hái ...
Bụt bảo Bharadvaja:
- Có chứ, chúng tôi cũng có cày, cuốc, gieo trồng, bỏ phân chăm bón và gặt hái.
- Cày của quý vị đâu, cuốc của quý vị đâu, bò của các vị đâu, hạt giống của các vị đâu? Các vị chăm bón cái gì, săn sóc cái gì, gặt hái cái gì?
Bụt nói:
- Hạt giống của chúng tôi là niềm tin. Đất của chúng tôi là chân tâm. Cày của chúng tôi là chánh niệm. Bò của chúng tôi là sự tinh tiến. Mùa màng của chúng tôi là sự hiểu biết và thương yêu. Điền chủ! Nếu không có niềm tin, sự hiểu biết và lòng thương yêu thì cuộc đời sẽ khô cằn và đau khổ lắm. Chúng tôi cũng gieo trồng và cũng gặt hái như điền chủ.
Vị chủ ruộng Bhadvaja rất thích thú được nghe lời Bụt nói. Ông truyền gia nhân đem thức ăn trưa dành cho ông ta tới để cúng dường Bụt. Thức ăn là cơm gạo thơm nấu với sữa. Bụt từ chối. Người nói:
- Tôi thuyết pháp không phải với mục đích là được cúng dường. Các vị khất sĩ không đổi giáo pháp với phẩm vật cúng dường. Nếu điền chủ muốn cúng dường, xin để đến một hôm khác.
Vị điền chủ rất cảm phục. Ông lạy xuống và xin được quy y với Bụt.
Được chứng kiến cuộc gặp gỡ này giữa Bụt và ông chủ ruộng Bharadvaja, Svastika thấy rằng nếu được thân cận Bụt chú sẽ học hỏi được rất nhiều, và chú rất mong được đi theo Bụt suốt đời. Chú biết rằng có cả hàng ngàn vị khất sĩ tuy là học trò của Bụt mà không được thân cận Bụt như chú, như Rahula và các thầy phụ tá Bụt như Sariputta, Moggallana và Anaruddha.
Sau mùa an cư, Bụt lại đi hành hóa về phương Tây Bắc, và cuối mùa thu năm ấy Bụt tới Savatthi. Một buổi sáng, trong khi cầm bát đi khất thực sau lưng Bụt, Rahula đánh mất chánh niệm. Tuy vẫn đi như mọi người, tâm chú lại nghĩ đến chuyện khác. Chú nhìn Bụt phía trước và tự hỏi ngày xưa Bụt không đi tu thì không biết bây giờ Bụt đang làm gì và mình đang làm gì. Chú đã nghe kể lại là khi Bụt mới sinh, có ông thầy Bà-la-môn tiên đoán rằng khi lớn lên Bụt sẽ đi tu và nếu không đi tu thì sẽ trở nên một vị chuyển luân thánh vương, nghĩa là một vị vua có quyền hạn trên tất cả các vị vua trên hoàn vũ. Đời sống của một vị chuyển luân thánh vương ra sao, và nếu Bụt bây giờ làm chuyển luân thánh vương thì chú đang làm gì? Trí óc vơ vẩn nghĩ như thế, bước chân, hơi thở và dáng đi của chú cũng không còn an trú trong uy nghi nữa. Lạ quá, Bụt đi phía trước mà người cảm thấy được những điều đó. Bụt biết là chú mất chánh niệm, người dừng bước và quay trở lại. Tất cả các vị khất sĩ cũng dừng bước, Bụt bảo Rahula:
- Này Rahula, con có theo dõi hơi thở và duy trì chánh niệm không?
Rahula cúi đầu im lặng.
Bụt dạy:
- Muốn an trú trong chánh niệm thì phải duy trì hơi thở có ý thức. Trong khi đi khất thực, ta phải thực tập thiền quán. Ta có thể quán sát về tính cách vô thường và vô ngã của những yếu tố tạo nên muôn loại. Những yếu tố đó là sắc, thân, cảm thọ, tri giác, tâm ý và nhận thức. Nếu ta duy trì hơi thở có ý thức thì ta có thể tiếp tục việc thiền quán ngay trong khi ta đi khất thực, và ta sẽ không bị rơi vào tình trạng thất niệm.
Nói xong, Bụt quay lại và tiếp tục đi. Đưọc sách tấn, tất cả mọi người đều nắm lấy hơi thở và duy trì chánh niệm.
Nhưng một lúc sau đó, Rahula tách ra khỏi hàng ngũ các vị khất sĩ, chú tìm đến một cụm rừng bên đường và ngồi xuống dưới một gốc cây.
Thấy thế, Svastika cũng rời hàng ngũ và đi theo Rahula. Thấy chú tới gần, Rahula nói:
- Chú cứ đi khất thực với các thầy đi. Tôi không có tâm nào mà đi khất thực nữa. Tôi mới bị Bụt rầy la trước đại chúng là đánh mất chánh niệm. Tôi phải dành cả ngày hôm nay để thực tập thiền quán. Tôi xấu hổ lắm.
Biết không làm gì hơn được, Svastika từ giã Rahula và trở lại nhập đoàn với các vị khất sĩ.
Trên đường về đại đức Sariputta đã cùng Svastika ghé lại cụm rừng để đón Rahula về tu viện. Svastika chia xẻ phần ăn của mình xin được vào bát của Rahula. Sau giờ thọ trai, thầy Sariputta bảo Rahula đi gặp Bụt. Svastika xin được đi theo:
Biết tâm ý của Rahula đã đến lúc có thể tiếp nhận giáo lý giải thoát. Bụt dạy:
- Này Rahula, con học theo hạnh của đất. Dù người ta đổ và rải lên những thứ tinh sạch và đẹp đẽ như hoa, nước thơm, sữa thơm, hoặc người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ, hoặc người ta khạc nhổ xuống đất thì đất cũng tiếp nhận tất cả những thứ ấy một cách thản nhiên, không vui vẻ mừng rỡ mà cũng không chán ghét tủi nhục. Cũng như thế, khi những cảm thọ khoái lạc hoặc buồn khổ phát sinh, con đừng để cho chúng làm nhiễu loạn tâm con và chiếm cứ lòng con.
Con hãy học theo hạnh của nước. Khi người ta giặt rửa những thứ dơ bẩn trong nước, nước cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Con lại nên học hạnh của lửa. Lửa đốt cháy mọi thứ, kể cả những thứ dơ bẩn, vậy mà lửa cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Con lại cũng nên học hạnh của không khí. Không khí thổi đi các thứ mùi, mà vẫn không cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường.
Rahula, con hãy tu tập lòng Từ để đối trị giận hờn. Lòng Từ là lòng thương yêu được thực hiện bằng cách đem lại niềm vui cho kẻ khác. Từ là thứ tình thương không có điều kiện và không chờ đợi sự đền trả.
Con hãy tu tập lòng Bi để đối trị tàn ác. Lòng Bi là lòng thương yêu được thực hiện bằng cách làm vơi đi sự khổ đau nơi người khác. Bi cũng là thứ tình thương không có điều kiện và cũng không chờ đợi sự đền trả. Con lại phải tu tập lòng Hỷ để đối trị ganh ghét. Lòng Hỷ là lòng vui phát sinh từ khả năng vui theo cái vui của người khác và niềm ước ao làm sao cho kẻ khác được an vui, mong cho kẻ khác được thành công và hạnh phúc. Con lại nên tu tập lòng Xả để đối trị kỳ thị và vướng mắc. Lòng Xả là tâm niệm thanh thoát và cởi mở đạt được do sự nhận thức về tính cách tương quan bình đẳng giữa mọi loài; cái nầy như thế nầy vì cái kia như thế kia, mình và người không phải là hai thực thể riêng biệt, không nên ghét bỏ cái này để đi nắm bắt một cái khác.
Rahula, Từ, Bi, Hỷ và Xả là bốn tâm tư lớn, rộng rãi không có bờ bến và cũng đẹp đẽ không cùng, đó gọi là Tứ Vô Lượng Tâm. Tu tập theo phép này thì mình trở nên một nguồn suối mát đem lại sinh lực và niềm vui cho tất cả vũ trụ.
Rahula, con lại phải quán chiếu về vô thường để phá trừ ảo tưởng về cái “ta”. Con phải quán chiếu về tính sinh diệt và thành hoại của thân thể để hiểu sâu về sống chết và để thoát ly tham dục, và nhất là con phải tập quán niệm hơi thở. Quán niệm hơi thở sẽ đem lại nhiều thành quả lợi lạc lớn.
Ngồi kề Rahula, được nghe tất cả những điều Bụt dạy, Svastika sung sướng vô cùng. Đây là lần đầu tiên chú được nghe những lời thâm sâu như vậy trực tiếp từ miệng Bụt. Chú đã học thuộc lòng trên mười kinh, trong đó có những kinh căn bản như Kinh Chuyển Pháp Luân và Kinh Vô Ngã Tướng mà Bụt nói ở vườn Nai Isipatana, nhưng chú chưa thấy thấm thía mùi vị đạo của đại pháp như hôm nay. Có lẽ vì những kinh đó chú không được nghe trực tiếp từ miệng Bụt. Kinh đầu tiên mà chú nghe trực tiếp từ miệng Bụt là Kinh Chăn Trâu, chú đã thuộc lòng, nhưng hồi Bụt nói kinh ấy, chú còn đang mới quá, tâm trí chưa đủ chín chắn để cảm nhận lấy tất cả những cái hay. Chú tự hẹn là những lúc rãnh rỗi chú sẽ ôn tụng lại các kinh đó bằng nhận thức mới của mình để có thể thâm nhập được nghĩa lý sâu xa trong ấy.
Suy nghĩ tới đó thì Svastika lại nghe tiếng Bụt cất lên. Bụt bắt đầu dạy Rahula về phương pháp thở. Svastika và Rahula đã từng học phép quán niệm hơi thở rồi và cũng đã thực tập, nhưng đây là lần đầu hai người được Bụt dạy trực tiếp về phép tu này. Bụt dạy rằng tác dụng đầu tiên của hơi thở có ý thức là chấm dứt tạp niệm và phát khởi chánh niệm. Mỗi khi thở vào ta biết là đang thở vào, mỗi khi thở ra, ta biết rằng ta đang thở ra, đó là hơi thở có ý thức. Trong lúc thở như thế ta để tâm nơi hơi thở và chỉ để tâm nơi hơi thở mà thôi. Làm như vậy lập tức ta chấm dứt ngay được những tạp niệm, nghĩa là chấm dứt những suy nghĩ viễn vông, những suy nghĩ đã không ích lợi mà còn làm cho tâm ta loạn động. Một khi những tạp niệm được cắt đứt thì tâm ta an trú trong chánh niệm. Ta biết ta đang thở, ta biết ta đang tỉnh thức, ta không bị tạp niệm bao vây và dẫn dắt. Chỉ cần một hơi thở thôi, ta đã có thể thiết lập trạng thái tỉnh thức trong ta. Trạng thái tỉnh thức ấy là chất Bụt sẵn có trong mọi người.
Bụt dạy: "thở một hơi dài mình biết là mình thở một hơi dài, thở một hơi ngắn mình biết là mình thở một hơi ngắn. Như vậy có nghĩa là mình ý thức được trọn vẹn hơi thở của mình. Duy trì ý thức và hơi thở, ta thiết lập được định tâm. Lúc bấy giờ ta mới nương theo hơi thở để quán chiếu thân thể ta, cảm giác ta, tâm ý ta và mọi sự vật trong ta và ngoài ta. Các sự vật ấy gọi là các pháp (sarvadharma).
Svastika tin chắc rằng sau buổi giảng này, chú sẽ thành công rất dễ dàng trong việc thực tập quán niệm về hơi thở.
Bụt đã tận tình dạy chú và dạy Rahula: lời dạy của người rất đơn giản mà cũng rất sâu sắc.
Sau khi lạy tạ Bụt, chú và Rahula cùng rủ nhau ra bờ hồ.
Hai người lặp lại với nhau những lời Bụt dạy để cùng ghi nhớ cho kỹ mà thực tập.