Bà số 3 không còn nữa
Tác giả: Thiên Minh
Nhân ngày Mother’s day,
Xin kính tặng tất cả những bà Mẹ Việt Nam ở khắp nơi.
Ðặc biệt là những bà mẹ đã
vì hoàn cảnh phải lìa xa quê hương,
để theo chồng và lo cho các con đến ngày khôn lớn.
Bà số 3!!! Ðó là cách mà chúng tôi gọi một bà cụ láng giềng trong những ngày đầu chúng tôi định cư nơi quê hương mới. Không biết bắt đầu từ lúc nào chúng tôi đã gọi Bà như thế. Tiếng gọi này đã trở thành thân quen mỗi khi chúng tôi muốn nhắc đến Bà. Thật ra, tên của Bà là KM Garvin, một cụ bà người Tô Cách Lan mà chúng tôi quen biết. Bà rất cởi mở, vui tính và thân thiện với chúng tôi. Những ngày đầu chúng tôi dọn về khu chung cư thì thấy Bà đã ở đó. Căn apartment của Bà là số 3, còn căn apartment của chúng tôi là số 1. Ba căn apartment 1, 2 và 3 đều nằm tầng dưới của khu chung cư hai tầng, bao gồm tất cả 8 căn. Sở dĩ ở dưới ít hơn ở trên vì họ muốn dành phía trong của chung cư cho carpark. Căn số 1 của chúng tôi nằm phía ngoài đường, căn số 3 của Bà nằm ở phía trong, còn căn số 2 thì ngay chính giữa. Vì thế mỗi lần đi đâu về, Bà số 3 đều đi ngang qua căn số 1 của chúng tôi. Thường thì Bà đi shop một tuần hai lần và đi làm tóc hai tuần một lần. Thỉnh thoảng thì Bà có đi ra phía trước để tiễn khách hay là trông chờ những người thân hoặc bạn bè của Bà đến thăm viếng.
Sau lúc dọn đến không bao lâu thì tôi đã được tiếp xúc và quen biết với Bà. Nói là tiếp xúc chứ thật ra, chỉ là một vài câu hello và hỏi thăm sức khỏe… Có lần vui vẻ Bà đã hỏi tôi:
- Cháu người dân tộc nào, đến đây lâu chưa, hay
- Cháu đang học ở trường nào và sống ở đây cùng gia đình hay là bè bạn…
Hình như lúc đó tôi chỉ đoán được ý của Bà và cố gắng trả lời nhát gừng từng chữ một. Ðể hổ trợ cho việc đàm thoại này, bà số 3 đã không nản lòng ghi xuống từng chữ mà tôi không biết, và ngược lại, tôi cũng cố viết cho Bà những chữ mà tôi phát âm không đúng giọng. Cứ như vậy, lập đi lập lại nhiều lần và cuối cùng chúng tôi trở nên gần gũi với nhau. Mỗi lần thấy bà đi shop về là tôi chạy ra để xách dùm Bà mấy túi đồ, dĩ nhiên là chúng không nặng lắm đối với tôi. Bà không mua nhiều chỉ là mấy trái cây, bánh mì, rau xanh và một vài miếng cá tươi đông lạnh. Cũng may là khu shopping chỉ cách chung cư của chúng tôi khoảng chừng hai ba trăm thước. Hàng tuần tôi giúp Bà đem thùng rác ra đường, để người ta thu dọn. Những buổi chiều sau lúc đi học về tôi thường hay sang nhà của Bà nói chuyện để trao dồi thêm Anh ngữ. Bà rất vui và nhiệt tình khi có người nói chuyện. Thường thì cuối tuần con gái của Bà mới đến thăm và đem những gì Bà cần đến. Hình như Bà có vài người con, nhưng tôi chỉ thấy một người (ở gần) là hay đến thăm còn mấy người kia thì tôi ít thấy. Họ thường liên lạc để thăm hỏi Bà bằng điện thoại hoặc là gởi thiệp cho Bà vào những ngày lễ.
Bà số 3 cho biết, Bà dọn về đây trước chúng tôi không bao lâu. Bà đã mua căn số 3 này, còn chúng tôi thì phải mướn. Bà kể lại, lúc Bà dọn về đây thì thấy một ông người Pháp ở trong căn apartment số 1. Nhưng sau đó thì ông ta đã chuyển vào nhà dưỡng lão. Có lẽ, chính vì thế mà họ cho mướn căn số 1 và chúng tôi mới có dịp đến mướn ở đây. Hàng tháng chúng tôi trả tiền cho văn phòng địa ốc nên không có dịp tiếp xúc với chủ nhân người Pháp kia. Sau này thỉnh thoảng có một vài lá thư từ Pháp, từ Anh gởi đến, chúng tôi đều mang đến văn phòng địa ốc để nhờ họ chuyển đến cho ông. Cũng nhờ thế mà chúng tôi biết được tên ông là BH Le Miere. Riêng căn số 2 thì vẫn còn để trống cho đến khi chúng tôi rũ bạn bè đến thuê. Khoảng gần hai năm sau thì người ta lấy lại và bán đi, buộc lòng những người bạn của chúng tôi phải dọn đi nơi khác.
Ðiều đặc biệt mà tôi thấy ở Bà số 3 là hầu như lúc nào Bà cũng mở tivi. Tôi không biết là để bà xem, hay chỉ là để … có người nói chuyện trong nhà cho đỡ buồn?? Mỗi lần đi ra phòng giặt, nằm ở khu carpark tôi đều thấy tivi nhà Bà đang mở. Ngay cả những khi tôi vào thăm và nói chuyện với Bà, thì Bà cũng chỉ điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe, để không chi phối chúng tôi. Mặc dù tuổi của Bà đã cao, sức khỏe của Bà đã yếu nhưng trí nhớ của Bà vẫn còn minh mẫn. Những chuyện Bà kể cho tôi nghe không bao giờ nhầm lẫn hay lập lại mà có những chi tiết khác nhau… Mấy thằng bạn của tôi đến chơi đều có gặp và hello với Bà. Vậy mà Bà nhớ tên từng đứa một. T Nguyễn, một thằng bạn không may bị đột ngã do bệnh tim, trong lúc đang đứng ở trạm chờ xe lửa. Vì đang trên đường đi học không có người thân bên cạnh, nên những người đi đường phải đưa nó vào bệnh viện cấp cứu. Vậy mà khi chúng tôi kể cho Bà nghe, Bà vẫn nhớ tên của nó và thường hỏi thăm nó đã khỏe chưa và trí nhớ có bị tổn hại gì không? Rất tiếc là bạn tôi sau lần tai nạn đó do trí nhớ bị tổn thương, nên nó không còn được đi học tiếp nữa.
oOo
Chúng tôi đã ở căn nhà số 1 đó gần sáu năm. Sáu năm của thật nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm của những ngày đầu hội nhập vào cuộc sống mới xa lạ. Ðến khi mỗi người cảm thấy mình có đủ một mớ hành trang cần thiết, thì chúng tôi lại lần lượt chia tay và dọn đi nơi khác. Mỗi người tứ tán một nơi… tùy theo việc làm và hoàn cảnh. Hoàn cảnh của những người Việt Nam tị nạn xa xứ và trôi dạt đến nơi này. Bà số 3 ngày xưa cũng vậy, cũng lìa bỏ quê hương Tô- Cách-Lan của Bà để đoàn tụ với chồng Bà. Ông đã ra đi, trước Bà hai năm, cũng vượt đại dương, cũng có những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu. Họ trãi qua một thời gian dài vất vã, để rồi cuối cùng đã xây dựng cuộc sống tốt đẹp ở đây.
Riêng tôi, vì đã học xong có việc làm, và chỉ học thêm part time nên tôi đã chuyển đến một nơi thuận tiện hơn. Tuy nhiên mỗi khi có dịp, là tôi trở lại thăm Bà. Mỗi lần ghé thăm, Bà rất vui mừng và luôn ôn lại kỷ niệm của những ngày đầu tiên tôi dọn đến. Bà cũng hay kể chuyện quê hương của Bà giờ đã ngàn trùng xa cách. Bà chỉ cho tôi những bức ảnh lưu niệm của gia đình. Hình ảnh đoàn tụ trong ngày đám cưới của các con, luôn được Bà nâng niu gìn giữ. Bà nói, đó là tất cả hạnh phúc gia đình mà mỗi người trong chúng ta phải biết, phải luôn yêu thương và cùng nhau bồi đắp. Bà cho rằng, dù cuộc sống có trôi nổi chúng ta đến nơi nào. Dù sống trên quê hương mình hay một quốc gia nào đó, thì sự giáo dục và hạnh phúc của từng gia đình vẫn luôn luôn được quan tâm và gìn giữ. Ngày Mẹ tôi từ Việt Nam qua du lịch, tôi cũng có đưa đến để thăm Bà. Bà tỏ ra vui mừng và cảm động. Bà không ngừng nhắc lại những ngày đầu chúng tôi quen biết. Bà cười và nói với Mẹ tôi:
- Bà biết không, lúc đó nó chỉ là một thằng boy nhỏ xíu, không biết nhiều về Anh ngữ và chúng tôi hay nói chuyện mỗi ngày...
Với ánh mắt thân thiện, Bà nhìn tôi và nói tiếp:
- Trong những năm tháng vừa qua, cháu đã siêng năng và cố gắng rất nhiều phải không cháu?
Rồi nhìn qua Mẹ tôi, bà cho biết:
- Bây giờ nó đã lớn rồi, đã là một thanh niên trai trẻ, tự tin và giàu nghị lực. Bà nên vui mừng và tự hào về nó trong những ngày qua.
Lúc đó tôi cảm thấy rất vui và dịch lại lời của Bà cho Mẹ tôi hiểu. Mẹ tôi đã cảm ơn Bà vì đã tốt bụng giúp đỡ cho tôi. Ðến khi từ giã ra về, Bà đã ân cần và lưu luyến tiễn chân Mẹ tôi ra tận ngoài carpark. Với bản tính thương người và dễ xúc động, Mẹ tôi đã rưng rưng nước mắt. Mẹ tôi cầm tay Bà và ra dấu rồi nói tiếng Việt với Bà:
- Thôi Bà hãy vào đi, Bà ở lại mạnh giỏi, tôi về nghe! Mặc dù không hiểu nhưng Bà đã cảm nhận được sự lưu luyến của Mẹ tôi.
oOo
Những năm tháng sau này, mỗi khi có dịp là tôi hay đến thăm Bà. Bà không bao giờ quên thăm hỏi đến Mẹ tôi. Và có một lần, Bà đã tỏ ra rất buồn và xin lỗi khi hay tin Mẹ tôi không còn nữa. Bà nói, đến một ngày nào đó, cũng sẽ đến lượt Bà ra đi. Bà thường nói với tôi, là không biết tại sao Bà vẫn còn sống, mặc dù Bà đã hơn 95 tuổi rồi! Rồi Bà cười và nói thêm, chắc có lẽ do một sứ mạng (mission) nào đó Bà chưa hoàn thành nên chưa đi được. Một lần khác, Bà nói với tôi:
- Khi nào đến đây cháu không gặp Bà và nếu thấy có một lá cờ đen trước ngõ. Thì đó là dấu hiệu cho cháu biết là Bà đã ra đi…
Lúc nào Bà cũng tỏ ra quan tâm và lo lắng cho tôi. Khi hỏi đến cuộc sống hiện tại của tôi, cùng chuyện tình cảm lứa đôi, Bà đã cho tôi những lời khuyên thật là giá trị. Tôi ngồi yên xúc động khi nghe Bà kể chuyện của đời Bà. Bà cho biết, từ lúc còn là một cô gái 18 tuổi, vừa học xong trung học ở tận một vùng quê hẻo lánh của xứ sở Tô Cách Lan. Bà đã từ giã gia đình và quê hương xa xôi của Bà, để lặn lội theo chồng (lúc đó còn là người yêu) để xuống tận vùng Nam bán cầu này. Ðể rồi ít có dịp trở lại quê xưa, nơi Bà đã sinh ra và khôn lớn. Giọng Bà đều đặn trong lúc như vừa nhớ lại, và vừa thuật lại cho tôi nghe. Tôi cảm nhận được tâm trạng của Bà. Bà nói trong nỗi buồn của bồi hồi, của đăm chiêu và tiếc nhớ. Nhìn Bà, tôi liên tưởng đến hình ảnh của bà cụ già Rose, trong phim “chuyện tình Titanic”. Nó cũng bất chợt, cũng bồi hồi khi hồi tưởng lại chuyện xa xưa. Theo Bà, cuộc sống vợ chồng 54 năm của Ông Bà thật là hạnh phúc. Nó kéo dài cho đến ngày ông ra đi và bỏ bà ở lại. Ðó là 54 năm của một mối tình mà bà luôn chắt chiu và gìn giữ. Ðó cũng là mối tình-đầu-duy-nhất-thật-sự của bà vì theo Bà, là nó… “chỉ có một mà thôi” (the one and only). Ngày Ông ra đi là một buổi sáng bình yên mà có lẽ suốt đời Bà không làm sao quên được…
oOo
Căn nhà của hai Ông Bà tọa lạc trên ngọn đồi nằm bên một con đường yên tĩnh. Xung quanh nhà có nhiều hoa hồng và cây cảnh. Nhà không có hàng rào ngăn cách với lối xóm xung quanh. Theo lời Bà, thì mọi người trong xóm đều biết nhau vì một thời gian dài họ đã sinh sống ở đây. Nơi đó, đối với Bà là cả một vùng trời kỷ niệm. Kỷ niệm của những ngày đầu khó khăn định cư nơi quê hương mới. Kỷ niệm từ ngày các con của Ông Bà còn nhỏ đến lúc lớn khôn. Nơi đó, hai Ông Bà đã nuôi dưỡng và dạy dỗ các con nên người và… thành đạt. Tất cả đã trưởng thành rồi lần lượt lập gia đình và dọn đi nơi khác bỏ hai Ông Bà ở lại hủ hỉ với nhau. Căn nhà ghi dấu những năm tháng cuối đời Ông, hay đúng hơn là của hai Ông Bà trong lúc tuổi già xế bóng, kề cận có nhau.
oOo
Bà hồi tưởng lại như mới mấy ngày qua… Ðó là một buổi sáng chúa nhật thật yên bình và vắng lặng. Như thường lệ, sáng nào Ông cũng dậy sớm và căn dặn Bà là hãy nằm nghỉ thêm để Ông ra ngoài làm cho Bà một tách trà. Theo thói quen, Ông cuối xuống hôn Bà trước lúc bước đi. Cái hình ảnh thơ mộng đó, Bà có ngờ đâu lại là hình ảnh cuối cùng của Ông, để rồi họ chia tay nhau từ đấy…
Bà nhớ lại, sau lúc Ông ra khỏi phòng được khoảng 15 phút thì không thấy Ông trở vào. Bà ngỡ là Ông đi làm vệ sinh nên an tâm, nằm yên chờ Ông trở lại. Thời gian tiếp tục trôi đi. Và cuối cùng Bà không thể nằm yên chờ Ông được nữa. Bà bước xuống khỏi giường và kêu vọng ra ngoài xem Ông đang làm gì ngoài đó. Vẫn không có tiếng trả lời của Ông, không gian giờ đây hoàn toàn lặng yên và không một tiếng động. Bà đi lại bên cửa sổ và nhìn ra ngoài thì thấy một xe cứu thương vừa chạy khuất. Trong tâm trí bà lúc đó, nghĩ rằng, chắc là có chuyện gì cấp cứu gần đây, nên mới có xe ambulance xuất hiện. Bà đi ra khỏi phòng để tìm Ông và để thông báo cho Ông biết chuyện Bà vừa thấy xe cứu thương ngoài đường. Khi đi ngang qua nhà bếp Bà thấy hai tách trà Ông đã làm xong và đang nằm yên ở đó. Riêng Ông thì Bà chẳng thấy bóng dáng ở đâu. Nhìn ra cửa Bà thấy cánh cửa đang khép hờ. Bà nghĩ chắc là Ông đi ra ngoài và đang làm gì ngoài đó. Nghĩ thế, nên Bà đi theo ra ngoài để tìm Ông. Vừa đến cửa thì chuông điện thoại reo vang. Bà quay lại để trả lời điện thoại. Ðầu giây bên kia là tiếng nói hốt hoảng của con gái Bà. Bà thật sự không tin vào tai mình vì những lời thông tin từ người con gái. Cô ta cho biết là mới nhận được điện thoại của nhà thương báo tin Ông vừa đột ngã và đã qua đời trên đường xe cứu thương chở Ông vào bệnh viện. Trong hồ sơ của Ông ở bệnh viện có ghi tên của người con gái này để liên lạc mỗi khi có những thông tin khẩn cấp. Họ cho cô biết là có người lái xe đi ngang và thấy Ông đột quỵ trước nhà, gần thùng thư ngoài ngõ. Nên họ đã nhanh chóng báo xe cứu thương đến tiếp cứu. Nhưng hình như mọi chuyện đã quá trễ để cứu sống được Ông. Sau khi cúp phone Bà vẫn còn ngẫn người vì cái hung tin vừa nhận được. Bà bàng hoàng xúc động không thể thốt thành câu. Bà ngồi yên bất động và cảm thấy tâm hồn Bà cô đơn trống vắng hơn bao giờ hết. Bà thật sự cảm thấy lẽ loi. Bà không ngờ Ông lại bỏ Bà ra đi đột ngột… Khi con gái Bà đến nơi thì Bà đã có quyết định là sẽ không vào nhà thương để nhìn Ông lần cuối. Bà muốn cái hình ảnh của Ông sáng nay sẽ ở mãi với Bà cho đến ngày Bà xuôi tay nhắm mắt.
Sau đó vài năm, Bà đã bán đi căn nhà thân thương với biết bao kỷ niệm. Và Bà tìm được nơi chung cư nầy, căn apartment số 3 cho những ngày sau cuối. Bà muốn sống ở đây một mình và không thích sống với các con, hoặc vào nhà dưỡng lão để có người chăm sóc. Từ đây đường đời còn lại, Bà đã thật sự cảm thấy lẽ loi. Cái tình yêu duy nhất của Bà dành cho Ông vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó là tình mẫu tử dành cho các con của Bà, Bà cũng đã làm xong. Giờ đây, Bà sống cho chính Bà, cho những ngày còn lại. Bà hy vọng đến một ngày, sẽ gặp lại Ông ở một nơi nào đó. Bà tin rằng Ông sẽ chờ Bà cho dù có là ở tận nơi đâu thật xa xôi của miền miên viễn… Bà cũng sẽ tìm đến với Ông. Cũng như ngày xa xưa, Ông đã đến đây trước, để đợi Bà và Bà đã đến với Ông…
oOo
Ngày “Mother’s day” năm rồi tôi đã đến thăm Bà. Trông Bà có vẻ yếu hơn và bước đi có phần chậm chạp. Bà phải cần đến chiếc ghế có bánh xe để Bà nương theo cho khỏi ngã. Khi nghe tiếng của tôi ngoài cửa Bà đã vui mừng và nói vọng ra là tôi hãy chờ Bà một chút. Khi Bà mở cửa cho tôi, tôi thật sự nghẹn lời khi nhìn lại Bà sau gần một năm trời xa cách. Bây giờ hình dáng của Bà đã ốm đi rất nhiều, mỗi bước đi của Bà không còn nhanh nhẹn như trước đây nữa. Tôi nhìn Bà trong xót xa, nghẹn ngào và xúc động. Bà số 3 bây giờ đã không còn như xưa nữa. Tuy nhiên trí nhớ của Bà vẫn còn sáng suốt. Bà cười và nói với tôi:
- Cháu thấy không, bây giờ thì Bà yếu lắm. Tay chân của Bà không còn khỏe mạnh như trước đây.
Tôi đỡ Bà ngồi xuống và như thường lệ, tôi kể cho Bà nghe về chuyện đi làm, đi học thêm và những sinh hoạt của tôi. Sẳn có máy ảnh mang theo, tôi có chụp cho Bà vài tấm hình và hẹn sẽ mang đến tặng Bà trong lần viếng thăm kỳ tới…
oOo
Ngày “Mother’s day” năm nay tôi trở lại thăm Bà. Tôi mang theo một tấm hình mà tôi rọi lớn và lộng vào khung để tặng Bà nhân ngày Lễ Mẹ. Nhưng hỡi ôi, khi vừa bước chân đến cửa là tôi đã linh cảm được một thay đổi xung quanh. Căn nhà của Bà giờ đây trống vắng. Nhìn xuyên qua cửa kính, tôi không thấy một thứ gì bên trong chứng tỏ Bà số 3 còn ở đó. Tôi ngước nhìn lên nhưng không thấy lá cờ đen như lời Bà căn dặn. Có chăng là một tấm bảng “For Sale” dán ngay trên cửa sổ. Hy vọng của tôi giờ đây là Bà đã chuyển vào trong nhà dưỡng lão? Tôi đứng lặng yên một vài giây và nói thầm:
- Bà ơi, con đã đến để thăm Bà đây, nhưng Bà đã không còn ở đây nữa…
Bao kỷ niệm chợt quay về với tôi như một khúc phim chiếu chậm. Kỷ niệm của những ngày đầu tôi bỡ ngỡ mới đến nơi đây. Hành lang này, ngạch cửa kia, nơi tôi và Bà vẫn thường xuyên trò chuyện… tất cả vẫn còn đây, nhưng Bà số 3 của chúng tôi thì đã không còn nữa!!!
Thiên Minh