watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chuyện tấm hình ngày cũ của lớp tôi - tác giả Thiên Minh Thiên Minh

Chuyện tấm hình ngày cũ của lớp tôi

Tác giả: Thiên Minh

Không biết có phải tại tính tôi “kỳ cục” hay là do tôi vẫn còn nhớ dai chuyện ngày xưa tôi học… dở? Bởi vì cho tới bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy “ấm ức” vì không được điểm 10 cho bài toán đố ngày xưa. Thật ra bài toán đó đâu có gì khó lắm đâu! Chỉ tại do tôi ẩu tả không chịu kiểm tra lại cho đàng hoàng trước khi nộp bài cho thầy, nên tôi chỉ được điểm 9 mà thôi. Và cũng vì 9 điểm nên tôi không nhận được “phần thưởng” của thầy tôi. Thầy chỉ phát cho đứa nào đạt được 10 điểm. Phần thưởng là một tấm hình của cả lớp mà thầy đã chụp cách đó không lâu.
Tôi nhớ lại buổi sáng hôm ấy sau khi vào lớp thì thầy cho chúng tôi làm một bài toán đố. Thầy nói:
- Em nào được 10 điểm thì thầy sẽ phát cho tấm hình của cả lớp chụp chung.
Nghe vậy nên tụi tôi đứa nào cũng khoái chí trong lòng và mong là mình sẽ làm toán trúng!
Sau khi chấm bài xong thầy kêu 5 đứa có điểm 10 lên nhận hình. Ai dè trong số đó lại không có tên tôi, làm tôi tức quá! Tôi nhớ là tôi làm đúng đáp số mà! Tôi đoán… hay là tại vì tôi viết chữ “ẩu tả” nên bị trừ điểm, hay do tôi làm sai chỗ nào mà tôi không biết? Tôi hậm hực trong lòng nên ngồi yên và chờ đợi. Tới chừng thầy phát bài ra thì tôi mới biết điểm của tôi là 9. Lý do là vì khi viết đáp số, tôi quên không ghi ra đơn vị dấu “$” (đồng) nên thầy tôi mới trừ đi của tôi một điểm. Chính vì thế mà tôi chẳng được tấm hình. Tôi nhớ là sau khi thằng Ðạt nhận được phần thưởng và chìa tấm hình cho tôi xem, làm cho tôi càng thêm bực tức. Vì trong tấm hình đó tôi ngồi ngay bàn đầu cùng với tụi thằng Mạng, thằng Lũy, thằng Trí, thằng Ba, thằng Nguyên và thằng Huy. Khi chụp hình, thầy tôi kêu hai dãy bàn dồn qua một phía để chụp chung. Riêng thằng Ðạt thì ngồi tuốt ở đằng sau. Nhưng nhờ có điểm 10, nên Ðạt có quyền “sở hữu” tấm hình “quý giá” kia. Tấm hình này đối với bọn ngồi bàn đầu như tôi thì thật là một danh dự lớn. Mà lạ thật, cả bảy thằng ngồi hàng đầu đều lọt sổ. Hình như chỉ có mình tôi là gần như… trúng thưởng. Tưởng sao cuối cùng thì thằng Ðạt lại “tự nhiên” quyết định tặng cho tôi tấm hình đó để giữ làm kỷ niệm. Chắc là nó “rộng lượng” hơn… thầy tôi chăng, hay nó “thương tình” muốn làm cho tôi vui và không còn ấm ức nữa!? Dĩ nhiên là tôi nhận ngay, và cám ơn nó thật nhiều, nhưng trong lòng thì cảm thấy hơi…“quê”. Vì “công lao” này đâu phải do tôi, mà thật ra là do “công trình” của thằng Ðạt. Trong năm thằng được điểm 10, ngoài thằng Ðạt và hai thằng nữa tôi quên tên, thì còn có Phước và Mển là hai thằng học giỏi nhất nhì trong lớp của tôi. Hai thằng này lúc nào cũng dẫn đầu lớp. Tôi cố gắng hoài mà chưa một lần nào qua mặt được chúng nó. Tôi chơi thân với hai tụi nó. Ngoài giờ học chúng tôi hay đi chơi chung và tụi nó cũng thường hay đến nhà tôi chơi mỗi khi có dịp.


oOo


Năm đó chúng tôi đang học lớp bốn trường làng, và nhân dịp sắp sửa nghỉ hè, nên hai thằng Mển và Phước muốn đến nhà tôi chơi. Thật ra tôi biết là tụi nó muốn đến nhà tôi để ăn ổi. Vì nhà tôi trồng ổi rất nhiều. Tôi thường hái mang theo để đem vào lớp.
Hôm đó sau giờ tan học là chúng tôi hẹn hò và cùng “trực chỉ” nhà tôi. Phải mất đến 20 phút đi bộ từ ngôi trường ở gần ngả ba trên xã, về đến nhà tôi là khu cuối ấp. Trên đường đi, ba thằng tôi tỏ ra hăng hái lắm. Thằng Mển nói với tôi:
- Mỗi lần về quê, tao hay đi ngang nhà mầy. Nhà mầy bự mà sao giống… chùa quá hà?
- Hình như nhà mầy có hàng rào chung quanh nữa phải không? Thằng Phước cũng vừa đi và vừa hỏi tôi.
- Ừ đúng đó, nhà tao bự nên mỗi lần vào nhà phải dùng cổng sau. Vì cửa sắt cổng trước bị sét nên mở rất khó khăn.
- Bộ lúc này nhà mầy ổi nhiều lắm hả? Thằng Mển chợt hỏi tôi, nên vừa đi tôi vừa quay qua trả lời cho nó:
- Nhiều! Trái non bắt đầu ra bộn, và một số khác già hơn thì vừa mới chín. Một chút tao sẽ dẫn tụi bây vòng lên phía cổng trước. Nơi đó có cây “ổi sẻ” trái nhỏ nhưng ruột đỏ và ngọt lắm, bảo đảm tụi bây ăn hoài cũng vẫn còn thấy ngon đó!
Vừa đi chúng tôi vừa nói chuyện huyên thuyên. Hai thằng bạn của tôi tỏ vẻ nôn nao lắm. Chắc là tụi nó đang… chảy nước miếng vì hình ảnh mấy trái “ổi sẻ” ở nhà tôi đang chờ đợi chúng.


oOo


Ba thằng đang đi ngon lành, tự nhiên tôi để ý thấy dưới mặt đường có mấy cái lỗ nhỏ nằm rải rác đó đây. Theo kinh nghiệm… “chiến trường” của riêng tôi, thì đây là dấu hiệu “bất ổn” rồi. Ðã từ lâu tôi rất là e dè mỗi khi nhìn thấy chúng. Ðã vậy hôm nay có hai thằng bạn “quý” đến nhà chơi, mà mấy cái “dấu vết” này lại nằm chình ình ở đây, thì làm tôi càng thêm lo lắng! Bởi vậy tôi tự nhiên cảm thấy…“ỉu xìu” ngay… trong lòng hết còn hứng thú. Bây giờ tôi mong muốn đoạn đường (còn lại) về nhà tôi, được dài thêm ra, đi lâu chừng nào hay chừng đó. Cái cảm giác này đã có trong tôi từ bấy lâu nay, chúng đã trở thành thói quen ở mỗi buổi đi học về. Nhất là mỗi khi thấy mấy cái lỗ quái ác kia xuất hiện trên đường, là tự nhiên tôi đâm ra... hồi hộp. Tôi nhìn kỹ chúng và không thể nhầm lẫn vào đâu được. Tôi nhủ thầm để rồi xem, mấy cái lỗ này sẽ chạy dài từ đây về đến nhà tôi là cái chắc!
Tôi tiếp tục bước đi mà trong lòng thì không cảm thấy an tâm một chút nào hết. Hai thằng bạn đi cùng với tôi đâu có biết ất giáp gì đâu. Tụi nó chỉ mong sao chóng đến nhà tôi để tha hồ mà ăn ổi. Chúng đâu có biết là trong bụng tôi đang hồi hộp. Tâm trạng của tôi hiện giờ là vừa lo sợ vừa hoang mang. Mới nghĩ đến cái cảnh phải đối diện tối nay và cả sáng ngày mai là chân tôi bắt đầu bước đi… hết muốn nổi. Tôi muốn đuổi tụi nó trở về và hẹn vào bữa khác, nhưng tôi sợ tụi nó buồn. Hơn nữa có tụi nó cũng làm tôi cũng bớt run. Nên tôi đành làm thinh, vừa đi mà trong lòng tôi vừa lo lắng. Ðúng là một nỗi buồn không biết tỏ cùng ai. Tôi biết khi về đến nhà là chị tôi thế nào cũng kêu tôi ra trình diện. Ðầu tiên là xuất trình cái thời khóa biểu cho “bả” xem. Rồi sau đó là đến mấy cuốn vở của tôi. Nếu trong đó điểm của tôi mà dưới trung bình cỡ 4-5 là coi như tôi lãnh đủ. Rồi đến cái màn khảo bài của chị tôi, là cũng đủ chết. Hai cái chân của tôi kể như là hai con “vật tế thần” cho cây chổi lông gà mà má tôi vừa mới sắm mấy ngày hôm trước. Cây chổi mới này bao gồm nửa khúc đầu này là lông để cầm, nửa khúc đầu kia là cây roi mây (dài và ốm). Chị tôi sẵn sàng “nẹt” nó vào chân tôi mỗi khi tôi trả lời không được. Sau đó là đến cái “mông” của tôi, cũng được dự phần “ăn cho đồng chia cho đủ” nữa. Tức là hai phần thân thể này của tôi cũng “chia phần” cây roi mây vào sáng ngày hôm sau trước khi tôi lên đường tới lớp. Tôi nhớ có một lần tôi ráng ngủ dậy thật sớm để đi học. Tôi hy vọng là chị tôi vẫn còn ngủ ở trong phòng. Nhưng tôi có ngờ đâu khi vừa ra đến cửa là chị tôi đã ngồi sẵn ngay ngạch cửa tự lúc nào. “Bả” kêu tôi đưa tập ra và bắt đầu kiểm tra bài, xem tôi đã thuộc chưa mà dám lên đường đi… “ứng thí”. Ðây là đoạn đường “gian khổ” nhất của tôi. Vì tôi phải đứng lại tại chỗ, và học bài cho tới khi nào thuộc thì mới được đi. Thường thì tôi hoảng quá có nhớ được gì đâu, nên tiếp tục nước mắt lưng tròng và hai cái chân thì phải lãnh thêm vài cái roi mây mang vô trường làm kỷ niệm...
Do vậy mới nghĩ đến cái kinh nghiệm “đau thương” này là tôi cảm thấy…“lạnh người” rồi. Rõ ràng là mấy cái lỗ kia đã báo hiệu cho tôi một “tương lai” không lấy gì làm… “sáng sủa” lắm!
Ðọc đến đây chắc độc giả đang thắc mắc, không biết mấy cái lỗ gì mà “ám ảnh” tôi nhiều đến thế?!


oOo



Bây giờ thì tôi xin phép được nói ngay đây. Dạ vâng, thưa… đó chính là mấy cái lỗ nhọn bằng đầu ngón tay. Chúng để lại dấu vết trên đường, chẳng qua là từ cái gót giầy (cao gót) của chị tôi. Tôi nhớ hễ mỗi lần chị tôi bước đi là mấy cái dấu này đều “khắc ghi” trên nền đất. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ lung tung. Tôi vẫn thường hay thắc mắc là tại sao cả cái xóm này, lại chỉ có một mình chị tôi là người mang guốc cao và gót nhọn. Tôi luôn ao ước phải chi có thêm vài người nữa cũng mang guốc cao (như chị tôi) thì sẽ đỡ cho tôi biết mấy. Vì nếu như vậy thì mấy cái lỗ nhọn này không phải là do chị tôi tạo ra, tức là xem như tôi… thoát nạn. Hay ít ra là cũng thoát được cái màn khảo bài của chị tôi trước giờ đi học. Mà cũng thiệt là lạ, vì… hình như chị tôi không bao giờ mang giầy tây hay thứ gì khác. Hể mỗi lần “bả” về quê là lại thích mang toàn là guốc cao gót và bận áo dài. Tôi nghĩ, chắc là do mặc áo dài nên chị tôi thích mang guốc cao gót để hợp thời trang chăng?! Riêng… “chỉ nội” cái màn mặc quần tây thôi, thì chị tôi cũng đã e dè rồi, vì sợ ba má tôi “chửi” cho mà… tắt bếp! Nhiều khi ấm ức, tôi tự nhủ thầm, chị tôi mới là sinh viên ngành sư phạm mà “bả” đánh tôi kiểu này. Mai mốt ra trường đi dạy, ai mà làm học trò của chị tôi, thì chắc là sẽ bị… “hành” cho mà phải biết! Bởi vậy mà hôm nay, khi nhìn thấy mấy cái dấu guốc này trên đường về nhà tôi, là tôi biết ngay, đây chính là của… “bả”!


oOo


Cuối cùng thì đoạn đường về nhà tôi cũng ngắn dần đi, và cái cổng nhà sau cũng đã lù lù hiện ra trước mắt. Dĩ nhiên là tôi không quên kiểm tra xem mấy cái lỗ kia đâu rồi? Ai có dè đâu là “chúng nó” cũng “trung thành” “đi theo” chúng tôi nãy giờ. Tức là cũng thẳng hướng nhà tôi và “nhất định” không chịu “quẹo” qua một hướng nào khác! Tôi nhủ trong đầu chắc là chị tôi mới về lại đây thôi, nên mấy cái dấu guốc này còn “mới tinh” trên nền đất.
Mới vào tới bậc tam cấp nhà sau, là tôi đã nghe tiếng chị tôi rồi. Chị tôi (và cả má tôi) có kêu chúng tôi vào nhà để hỏi thăm “ba thằng tôi” về “tình hình” học tập? Dĩ nhiên là tôi đâu có… ngu, khai mình học dở. Rồi cộng với sự “phụ họa” của hai thằng bạn là chị tôi tin liền. Sẵn dịp có phần thưởng là tấm hình cả lớp chụp chung. Thế là chúng tôi tha hồ mà khoe khoang “thành tích”. Cuối cùng cả ba chúng tôi được khen: “là tốt đấy!”. Cũng may là thằng Ðạt do phải về nhà phụ má nó… tắm heo, nên không có đi cùng. Chứ nếu không, thì chuyện “lai lịch” tấm hình nó cho tôi, thế nào cũng bị lộ tẩy (hú hồn!). À mà tôi nhớ ra rồi, nhà thằng Ðạt nuôi heo nhiều lắm. Và có cả con heo… “đực” thiệt to (nghe nói giống tốt) mà gia đình nó chuyên môn dùng để dẫn đi cho người ta gầy giống nữa!?
Sau đó thì má tôi kêu tôi dẫn Phước và Mển ra ngoài vườn kiếm ổi hái ăn. Chúng tôi chỉ chờ đợi có bấy nhiêu thôi. Nên khi được má tôi cho phép, là chúng tôi chạy liền một hơi, ra ngoài cây ổi kế bờ ao. Nơi có mấy nhánh cây đang là đà trên mặt nước. Chúng tôi vừa hái, vừa ăn, và vừa nhún nhảy. Làm cho nước dưới hào văng lên tung tóe.
Tuy nhiên tôi biết là ngay lúc đó, tôi chỉ tạm thời “quên” đi những nỗi lo trong lòng. Nhưng thật sự là cây chổi lông gà vẫn còn ám ảnh tôi nhiều lắm. Tôi hy vọng tối nay chị tôi sẽ “tha” cho tôi một kỳ tra khảo. Vì tôi nghĩ, với “thành tích” học tập của tôi như vậy là cũng đủ lắm rồi. Vã lại cũng sắp nghỉ hè rồi, đã vậy giờ có bạn bè đến chơi, nên chắc chị tôi sẽ dễ dãi hơn chứ không như những lần trước. Mà nếu được như vậy thì tôi sẽ vui mừng lắm.
Vừa trèo cây cùng hai thằng bạn mà tôi vừa suy nghĩ trong đầu, tôi tính… nếu thấy chị tôi vui thì tôi sẵn sàng nài nỉ :
- Chị ơi, em học như vậy được rồi nghe, xin chị đừng khảo bài em tối nay nghe. Chị cho em bây giờ được “tự do” để mà vui chơi cùng chúng bạn nhé!?
- ?!
Viết thêm - Giờ đây khi viết lại những dòng chữ này, nhất là mỗi khi hè đến là tôi không khỏi bồi hồi và chạnh lòng nhớ lại những kỷ niệm thời trẻ nhỏ năm xưa. Ngày xưa tôi ghét chị tôi, nhưng bây giờ tôi hiểu và nhớ ơn của “bả” nhiều hơn. Vì ngày đó cũng nhờ có chị tôi “tra khảo” bài vở thường xuyên. Bởi vậy mà việc học hành ngày xưa của tôi cũng... “được nhờ” cho tới ngày khôn lớn.
Tôi thấy ngay cả những người học trò cũ của chị tôi ngày nay cũng vậy. Họ cũng không quên “công lao” của chị tôi ngày trước. Cho dù bây giờ họ tản lạc khắp phương trời, vậy mà có người vẫn còn nhớ đến chị tôi. Có người vẫn thường liên lạc để thăm hỏi để cám ơn chị tôi, nhất là vào những ngày lễ lớn. Tôi cho rằng đó cũng là một an ủi lúc tuổi già, mà nhất là đối với những người đã từng “nặng tình” với cái nghề cao quý đó!
Thiên Minh

Các tác phẩm khác của Thiên Minh

Trọn một kiếp người

Nước Mắt Cuộc Ðời

Mối tình đầu 50 năm về trước

Chị Hai

Biển xưa chiều kỷ niệm

Bà số 3 không còn nữa