Chương 6
Tác giả: Thuỳ An
Tết sắp đến rồi, trời bớt lạnh và thỉnh thoảng vẫn có những buổi chiều tạnh ráo, ánh nắng vàng mơ trải nhẹ trên mặt đường sưởi ấm lòng người.
Trời đẹp cho các bạn tôi tha hồ chưng diện, thôi thì áo lên đủ màu đủ kiểu. Trường tôi đồng phục áo dài trắng , nhưng màu áo lên thì tùy ý nên mùa lạnh chính là mùa se sua. Mỗi năm một màu áo được thịnh hành và năm nay, là mùa của màu xanh bích ngọc.. hôm qua, me đi dạy về trễ, đến gần 8 giờ tối, me mang về nhà một gói lớn rồi gọi tôi và Bội Nga ra:
- Me đặt may ở tiệm Thu Đông cho 2 con đây, mặc xem có vừa không ?
Me xổ tung gói giấy, 2 chiếc áo đan bằng len đắt tiền màu xanh bích ngọc ngời sáng dưới ánh đèn néon. Bội Nga reo lên:
- Trời ơi thích quá. Áo đan thật đúng mode cá kiểu lẫn màu. Me thuê đan khi mô rứa ? Răng không cho tụi con hay.
Me cười :
- Me muốn dành riêng cho hai con một sự ngạc nhiên.
Bội Nga lau chau:
- Áo của con mô ? Áo của chị Tiên mô me ?
Me lật qua lật lại hai tấm áo:
- Áo của Bội Tiên rộng hơn. Đây, áo của con đây, mặc xem có vừa không ?
Bội Nga đẹp hẳn lên trong chiếc áo lên mới, cô bé xoay người qua lại trước tấm gương lớn treo trong phòng khách.
- Vừa quá me ơi, vừa kinh khủng.
Tôi vẫn cúi mặt nhìn chăm chăm vào chiếc áo đẹp dành riêng cho tôi, me dục:
- Bội Tiên, mặc thử áo đi con.
Tôi cảm thấy như tim mình thắt lại:
- Me, con chỉ thích màu đen.
Me nhích lại gần tôi:
- Màu bích ngọc là màu thịnh hành trong mùa đông năm ni đó con. Mau đen lỗi thời rồi.
Tôi nghẹn ngào:
- Với nước da đen đúa của con, mặc màu tươi quá càng mỉa mai thêm đó me.
Me thông cảm tôi, giọng me xúc động:
- Đừng Tiên, vẫn còn có những người con gái xấu hơn con mà. Tuy con không đẹp nhưng tâm hồn con đẹp, con đoan trang thuần hậu, con lại học giỏi nữa. Tiên, con là một nữ sinh xuất sắc, các giáo sư trong trường đều nhắc nhở và yêu mến con.
Tôi rơi nước mắt:
- Nhưng những người đồng trang lứa, không ai muốn giao thiệp với con, họ nhìn con như một quái tượng.
Bội Nga tần ngần đến bên tôi:
- Chị Tiên, chị đừng để ý đến mấy người nông cạn xấu xa nớ làm chi cho mệt. Còn có rất nhiều người mến chị như Kim Thoa nì, anh Tùng nì...
Phải rồi, Tùng là giọt mưa rơi rên sa mạc đời tôi, nhưng liệu giọt mưa đó có đủ sức làm dịu nổi hơi nóng bốc lên hừng hực từ bãi cát cháy bóng khô cằn ? Tôi như cây xương rồng, bao nhiêu lá thoái hóa thành gai nhỏ mà vẫn không giữ được hơi nước mất đi cho con tim càng ngày càng khô héo. Tình tôi đối với Tùng thật mong manh, cái xấu của tôi và cái đẹp của Tùng đã tự nhiên phân bờ ranh giới. Vực thẳm ngàn đời đã sâu ngút ngàn và tình cảm Tùng dành cho tôi chỉ là tấm gỗ mỏng bắt ngang, dù bờ bên kia ấm êm hạnh phúc nhưng tôi vẫn không dám bước qua. Vì tôi biết, sự thật bao giờ củng phủ phàng, tôi sẽ ngã xuống vực như một cành cây khô lăn lóc cô đơn bởi ước mơ kia thật quá xa ngoài tầm tay tuyệt vọng của tôi.
Me vẫn nhìn tôi, Bội Nga vẫn nhìn tôi. Tôi không trả lời, sợ me buồn, tôi ôm chiếc áo mới đi lên phòng:
- Con cám ơn me, để ăn cơm xong con sẽ mặc thử.
Suốt đêm, tôi thao thức không ngủ được. Trong bóng tối lờ mờ của ánh đèn đêm nhỏ, tôi nhìn chiếc áo lên đắt tiền treo trên đầu giường, chạnh nghĩ đến những người nghèo khổ thiếu ăn thiếu mặc. Tôi nghĩ đến những đứa học trò của tôi, quanh năm ăn mặc rách rưới, chắc Tết này cũng chả có áo đẹp để mừng Xuân về. Từ lâu, tôi vẫn có ý định giúp đỡ vải vóc cho các em học sinh lớp tôi nhưng tôi chưa có dịp, hơn nữa một mình tôi thì làm sao lo đủ đến mấy chục em học sinh dù tôi có dư dả đến đâu. Tôi có bàn vấn đề này với chị Thanh Xuân nhưng chị bác đi, chị bảo mình tốn công dạy cho tụi nó cũng là quí lắm rồi, về phần vật chất để cho cha mẹ chúng lo. Tôi biết, gia đình chị Thanh Xuân nghèo và sự từ chối của chị thật là hợp lý, nhưng giờ đây thì tôi không thể nào làm ngơ được, Xuân đã về cùng vạn vật nhưng trông lòng các em học sinh tôi không có sự rộn rã đón chờ. Quần áo của các em vẫn mang nhiều mảnh vá và trông những đôi mắt ngây thơ vẫn thản nhiên khi nghe tôi nhắc đến Tết sắp về. Tôi xót thương chúng quá và tôi nhất quyết sẽ mua cho chúng mỗi đứa một cái áo mới ăn Tết cho có với người ta. Tôi sẽ dốc hết số tiền để dành dùng trong việc này và nếu thiếu tôi sẽ xin me thêm, me vẫn thường cưng chiều tôi, chắc chắn me sẽ giúp đỡ tôi trong công việc từ thiện này.
Sáng nay nghỉ học trọn buổi, tôi đem ý định trên nói với me và được me sốt sắng tán thành. Me cho tôi 20 ngàn, me còn bảo nếu thiếu cứ nói, me sẽ cho thêm. Tôi mừng quá, tôi sung sướng thật sự khi nghĩ đến những gương mặt rạng rỡ của các em lúc ôm tấm áo mới vào người. Nhất là thằng Hợi, chắc nó mừng lắm, vì tôi biết, nó thường mơ đến cái áo chemise ca-rô cao bồi, giống như nó mơ một đứa em trai vậy. Hợi ơi, cô Tiên sẽ mua cho em chiếc áo nớ.
***
Bà Sâm bưng ly nước đặt trước mặt tôi:
- Cô giáo thời miếng nước trà cho ấm bụng.
- Dạ, bà để tự nhiên cho.
Thằng Hợi đang mặc chiếc áo ca-rô đỏ chạy tới chạy lui vẻ mặt hân hoan. Bà Sâm nhìn con sung sướng nói với tôi:
- Cháu nó thường mơ ước một cái áo như rứa, chừ được cô mua cho thật quí quá.
Tôi mĩm cười đưa tay ngoắc Hợi:
- Hợi, tới cô biểu.
Thằng Hợi đến bên tôi khoanh tay lễ phép:
- Dạ, thưa cô kêu con.
- Sang năm mới, gắng học hành thiệt giỏi nghe em.
- Dạ con xin vâng lời cô.
Thằng Hợi nhìn tôi, và tôi chợt thấy một hiện tượng lạ. Trong lòng trắng đôi mắt tròn của nó, xuất hiện những đường gân màu vàng. Tôi nhíu mày:
- Hợi, em có thấy xốn ở mắt không ?
Thằng Hợi chớp mắt:
- Dạ không.
Tôi nghi thằng bé đau mắt nên cho nó một ít Tiphomycine Collyre nhưng đến tuần sau đôi mắt nó vẫn không khỏi và da của nó tự nhiên có sắc vàng. Tôi không thể biết được thằng Hợi đau bệnh gì, và tôi cũng không có đủ thì giờ để hỏi thăm nữa. Vì đã cận Tết rồi, ba càng bận rộn trông công việc giảng dạy ở trường và khảo cứu trong phòng thí nghiệm, Tùng bận trực liên miên ít ghé lại nhà, và tôi thì e ngại không dám lại nhà Kim Thoa để tìm Tùng. Tôi và nhóm bạn chị Thanh Xuân cùng đồng ý cho các em học sinh trong thôn được nghĩ Tết từ 24 và từ giờ trở đi tôi thật là rỗi rãnh. Những giờ đến trường chỉ còn là những giờ ngồi tán chuyện gẫu, gần Tết nên các giáo sư cho thư thả. Màn trình diễn "Hoa hậu Quốc tế" của lớp tôi đã được tập tành kỹ lưỡng, chỉ còn đợi giờ lên sân khấu nữa mà thôi. Buổi văn nghệ tất niên của trường tôi được định vào đêm 28 tết, chỉ có những người đẹp trình diễn của lớp tôi là lăng xăng bận rộn suốt ngày, cô nào cũng muốn mình đẹp vượt hẳn các bạn và tôi thầm mong Bội Nga em tôi vẫn luôn luôn là ngôi sao sáng chói nhất của buổi trình diễn nay mai .
Thời gian vẫn qua nhanh... đêm văn nghệ chấm dứt với phần thưởng văn nghệ toàn trường được trao cho màn trình diễn "Hoa hậu Quốc tế" lớp tôi, nàng "Hoa hậu Việt Nam" Bội Nga trong quốc phục đại lễ, đại diện cho lớp lên lãnh gói phần thưởng lớn lao với gương mặt đẹp thiên thần... và mùa xuân thứ 18 trôi qua đời tôi bằng những ngày Tết buồn tẻ vô vị, không một người thăm viếng trừ Kim Thoa. Tùng vẫn không thấy lại nhà, theo lời Kim Thoa nói, Tùng đang cùng người bạn về quê ăn Tết. Tôi thầm nghĩ, giá Tùng còn ở Huế, chưa chắc anh đã đến thăm tôi vì văng vẳng bên tai tôi, lời Phượng Liên vẫn khúc chiết rõ ràng: "Con Bội Tiên chẳng có chi để anh phải lưu tâm đến". Cơn mưa nào rồi cũng có lúc tạnh ráo, mặt trời chói chang sẽ tiếp tục thiêu đốt bãi cát nóng khô cằn. Ân huệ quí báu rơi xuống đời một giây phút mà thôi, con lạc đà xấu xí vẫn ngàn đời lê bước cô đơn giữa lòng sa mạc điêu tàn.
***
Tôi đã đi dạy trở lại, và việc đầu tiên khi đến thôn, là ghé nhà thằng Hợi. Bà Sâm đón tôi bằng gương mặt thất thần:
- Cô giáo ơi, thằng Hợi nhà tôi đau bệnh chi không biết mà nước da vàng khè.
Tôi hốt hoảng:
- Cháu có mệt không bà ?
- Dạ không, nó vẫn chơi như thường.
Tôi gọi thằng Hợi đến ngồi cạnh tôi và bắt đầu xem xét nó. Tôi vẫn không khám phá ra được thêm một điều gì mới lạ ngoài những đường gân vàng trong mắt Hợi và da nó vàng hẳn đi. Tôi bối rối, tôi chả biết gọi ai bây giờ. Ba vừa đi Sàigòn dự một phiên họp về Y Khoa, chả biết khi nào về, còn Tùng suốt tháng trời nay tôi không gặp. Bà Sâm đứng bên tôi ngập ngừng :
- Thưa cô, cô có thể nhờ ông bác sĩ...
Tôi biết bà Sâm muốn nói đến Tùng, nhìn đôi mắt khẩn thiết của người mẹ thương con, tôi nghe lòng xúc động, tôi không thể từ chối được, tôi sẽ đi tìm Tùng. Dù Tùng chưa ra bác sĩ, nhưng tôi tin rằng Tùng sẽ tìm ra căn bệnh của thằng Hợi dễ dàng vì theo như lời ba nói, Tùng là một sinh viên xuất sắc từ năm dự bị cho đến bây giờ. Tôi nắm tay bà Sâm:
- Được, tôi sẽ đưa người bạn của tôi đến thăm bệnh cho em Hợi.
Ngay sáng hôm đó, tôi cho học trò nghỉ học và phóng xe thẳng đến nhà Kim Thoa. May mắn, tôi gặp được Tùng vừa mới trực ở nhà thương lớn về, anh đang ngồi nhấm nháp ly cà-phê trong phòng khách. Gặp tôi Tùng mừng rỡ:
- Bội Tiên sáng ni không đi dạy à ?
Thấy mặt Tùng là tim tôi đập nhanh:
- Tiên.. Tiên... Tiên muốn nhờ anh một việc...
Tùng chỉ vào ghế đối diện:
- Tiên ngồi chơi đi, rồi chậm rãi nói cho tôi hay, trong Tiên có vẻ mệt rồi đó.
Tôi ngồi xuống ghế, ngập ngừng:
- Anh Tùng... anh có... sẵn lòng giúp Tiên không ?
Nụ cười của Tùng đẹp kỳ lạ:
- Tôi rất sung sướng được giúp Tiên nếu việc nớ không ngoài khả năng của tôi.
- Thiệt không anh ?
- Thiệt chứ, vì tôi biết, việc làm của Tiên bao giờ cũng hữu ích.
Tôi nghe lòng ấm hẳn lại, dù bên ngoài trời đang lạnhh, gió phần phật tung bay tấm màn cửa sổ và lao xao nghiêng ngả đám trúc mềm trước sân. Tôi kể những triệu chứng tìm thấy nơi thằng Hợi cho Tùng nghe, Tùng lắng nghe chăm chú, vầng trán rộng của anh nhíu lại, tay anh bóp mạnh ly cà-phê. Tôi kết luận:
- Ba Tiên đi vắng. Tiên lại không quen ai hết ngoài anh ra...
Tùng đứng dậy:
- Việc khám bệnh cho thằng Hợi tôi có thể giúp Tiên được mà. Đừng làm phiền đến thầy, dạo ni thầy bận biết bao nhiêu công chuyện.
Tôi vui mừng:
- Anh giúp được Tiên hả ? Trời ơi, Tiên mừng quá. Khi mô thì anh có thể xuống nớ ?
- Ngay bây giờ, Tiên chờ tôi vào lấy vài thứ cần thiết rồi chúng ta cùng đi.
Chữ "chúng ta" mà Tùng vừa thốt ra êm như ru, tôi có cảm tưởng như mình đang được gói kín hình hài bằng một tấm nhung mịn, ôi tình yêu thật màu nhiệm biết bao. Tôi chơi vơi, tôi ngây ngất, một đứa con gái xấu xí như tôi có quyền lãng mạn như vậy không ?
Tùng đã ra dến, anh bảo tôi:
- Tiên có xe không ?
- Dạ có.
- Xe tôi Kim Thoa lấy đi chơi rồi. Tôi chở tiên nghe.
- Dạ.
- Tiên giữ dùm cái xắc cho tôi.
- Dạ.
Tôi đỡ lấy cái xắc trên tay Tùng, tôi ôm cái xắc của Tùng vào lòng như một báu vật thiết tha. Tim tôi đập rộn ràng, hồn tôi lâng lâng. Mặt đường nhựa loang loáng nước mưa, Tùng hỏi tôi:
- Tiên có lạnh lắm không ?
Giọng anh ấm và nhẹ cho tôi lặng người, cho tôi càng say đắm yêu anh. Tôi đáp nhỏ :
- Dạ không.
Tùng im lặng, tôi vu vơ suy nghĩ, tôi mong đường về Vỹ Dạ cứ kéo dài mãi ra. Nhưng xe đã đỗ trước cửa nhà thằng Hợi, con Dậu ra mở cửa, nhoẻn miệng cười để lộ 2 cái răng sún. Tôi xoa đầu con Tý vừa lên hai, đang lúc thúc theo sau. Tôi gọi thằng Hợi lên, bà Sâm chạy đi châm trà. Tùng bảo thằng Hợi nằm xuống giường, tay chân duỗi thẳng rồi mở xắc lấy ống mạch ra. Tùng khám cẩn thận ngực, bụng thằng bé, tôi đứng bên cạnh quan sát cử chỉ của anh, lòng càng dâng lên niềm thương mến đậm đà . Biết bao giờ anh mới hiểu được lòng em, Tùng ơi. Em chỉ là hoa hướng dương mà anh là vầng Kim Nhật, anh thật quá xa vời trong ước mơ thầm kín của em. Tùng đứng dậy, tôi nhìn anh chờ đợi, cả bà Sâm cũng đứng yên như tượng đá sững nhìn. Tùng sang ngồi bên chiếc bàn cũ kỹ, giọng anh chậm rãi:
- Thằng bé đâu gan.
Bà Sâm há hốc mồm, Tùng hiểu ý, anh nói:
- Bà yên tâm, tôi sẽ chữa cho thằng bé.
Bà Sâm khúm núm thật tội nghiệp:
- Dạ, trăm sự nhờ bác sĩ...
Tùng quay sang tôi:
- Tiên nên cho thằng Hợi nghỉ học, nó cần phải tĩnh dưỡng một thời gian.
- Dạ, Tiên sẽ nghe lời anh.
Từ đó, cách vài ngày, Tùng lại đến nhà Hợi thăm bệnh và cho thuốc. Sự liên lạc giữa tôi và Tùng nhờ đó càng mật thiết hơn. Nhưng tôi vẫn ý thức được cương vị của mình, trước kia Tùng xem tôi như một đứa em gái và bây giờ, tôi mặc nhiên trở thành người bạn gái của Tùng, vậy thôi, dù có nhiều đêm tôi nằm mơ, tôi và Tùng đi dạo trên con đường thật đẹp có nắng vàng lung linh nhảy múa, và anh đã cầm lấy tay tôi ngỏ những lời thương yêu ngọt ngào hoa mỹ.
Bệnh của thằng Hợi vẫn không thuyên giảm dù Tùng vẫn đến nhà nó săn sóc ân cần. Những lần đi dạy, vào lớp thấy vắng thằng Hợi, tôi nghe thương nó lạ lùng, thật uổng cho một đứa bé thông minh như thằng Hợi phải bỏ học nữa chừng để ở nhà chữa bệnh. Tôi hy vọng Tùng sẽ chữa khỏi bệnh thằng Hợi để tôi được thấy nó tung tăng cắp sách đến trường trông chiếc áo ca-rô tôi mua cho nó hồi Tết, để tôi sung sướng thưởng cho nó và 3 chiếc kẹo sữa dành cho em học sinh nào làm toán nhanh nhất mà trước đây bao giờ Hợi cũng được đoạt giải.
Nhưng tôi càng lo âu mỗi lần ghé thăm Hợi. Tôi nhận thấy thằng bé hư hao hẳn đi, nước da vẫn vàng và con người trở nên phì nộn như bị thũng, bụng của thằng bé to lên kỳ lạ. Tùng cũng gần như tuyệt vọng trong công việc chữa trị thằng Hợi, anh bàn với tôi:
- Không lẽ tôi lại định bệnh sai. Lạ quá, rõ ràng thằng Hợi bị sưng gan mà. Tiên nì, tôi có ý kiến, mình nên cho thằng Hợi vào nhà thương.
Tôi gật đầu:
- Đúng đó anh, anh lo giùm Tiên việc ni nghe.
- Dĩ nhiên, đem thằng bé vào nớ, tôi sẽ có đủ phương tiện hơn.
Phái mất nhiều ngày thuyết phục, ông bà Sâm mới để cho Tùng chở thằng Hợi vào nằm trong nhà thương lớn. Cứ cách vài ngày, tôi và Tùng thay phiên nhau xuống chở ông bà Sâm hoặc mấy đứa nhỏ vào thăm thằng Hợi cho nó đỡ buồn. Tùng săn sóc thằng Hợi rất chu đáo, nó được chuyền nước biển, thêm máu và rút bớt nước dư trong người ra. Ngoài giờ học, tôi ghé vào nhà thương thăm thằng Hợi, tôi cuống cuồng theo những cơn đau của đứa học trò nhỏ và ứa nước mắt khi liên tưởng đến một sự nguy hiểm có thể xảy ra. Tùng an ủi tôi rất nhiều nhưng trong đôi mắt anh, tôi thoáng thấy niềm tuyệt vọng. Có một lần, nghĩ học giờ sau, tôi tạt vào nhà thương thăm Hợi, gương mặt nó thật xanh xao, nó mệt mỏi hỏi tôi:
- Cô Tiên ơi, răng cô không đem con Tý vào cho con thăm.
Tôi vuốt má nó:
- Tý còn nhỏ quá, cô chở không được.
Thằng Hợi đưa bàn tay run rẩy nắm lấy tay tôi:
- Cô Tiên ơi, con thương con Tý lắm.
- Ừ, như rứa là Hợi nghe lời cô, Hợi giỏi.
Thằng bé nói tiếp:
- Cô nhớ nhắn với mạ con, con không ghét con Tý mô, nghe cô.
- Ừ.
- Mạ con đang buồn con.
Tôi vỗ về:
- Không, mạ em hiểu em rồi, mạ em không buồn mô. Nếu thương em Tý, Hợi gắng ngoan mau lành bệnh nghe.
- Dạ.
Mười ngày sau khi vào nhà thương, bệnh thằng Hợi trở nên nguy kịch Tùng hốt hoảng chạy sang trường tìm tôi:
- Tiên, Tiên nên nghỉ học một buổi đến đến với thằng Hợi lần sau cùng.
Tôi trợn tròn mắt:
- Lần sau cùng.
Tùng cúi đầu:
- Tôi không còn biết làm sao hơn. Tiên nên đi với tôi ngay bây giờ.
Tôi trao cái cặp cho Kim Thoa, và như kẻ mất hồn, tôi bước theo Tùng. Gia đình ông bà Sâm đã túc trực sẵn đó tự bao giờ, Tùng giải thích:
- Tôi vừa cho xe bệnh viện xuống đón họ lên. Thằng Hợi muốn gặp mặt những người trong gia đình và một người nó thương yêu nhất, đó là Tiên.
Tôi òa khóc. Bà Sâm đứng dưới chân giường thằng Hợi cũng rưng rức theo tôi. Tùng đẩy vai tôi lại gần giường bệnh, thằng Hợi đang nhìn tôi với đôi mắt yếu hẳn đi. Tùng gọi nhỏ:
- Hợi, có cô Tiên đến thăm em.
Đôi mắt đó như lóe lên một tia sáng mừng vui, đôi môi thằng Hợi mấp máy:
- Cô Tiên.
Tôi cúi đầu sát mặt nó:
- Hợi, cô tới thăm em đây.
- Cô Tiên... con Tý mô ?
Ông Sâm dẫn con Tý lại, tôi vòng tay ôm con Tý vào lòng, nói với Hợi:
- Tý đây em.
Thằng Hợi nhìn em thương yêu, nó nói thật nhỏ:
- Cô Tiên, con thương con Tý.
Tôi nghẹn lời:
- Cô biết.
- Đứa mô con cũng thương hết, con Dậu, con Sửu, con...
Tôi ngăn nó:
- Em đừng nói nữa mà mệt, cô hiểu rồi, có phải là em muốn nói, em đã nghe lời khuyên của cô rồi phải không ?
Thằng Hợi hơi nhếch môi cười, tôi cầm lấy bàn tay xanh xao của nó:
- Cô hiểu em, tất cả mọi người đều hiểu em, em đừng thắc mắc chi nữa hết.
Thằng Hợi lại kêu:
- Ba ơi, mạ ơi !
Ông bà Sâm chạy đến, hơi thở thằng bé càng yếu:
- Cô Tiên ơi.
Đôi mắt thằng Hợi dại hẳn đi, cánh tay nó duỗi thẳng, một tiếng thở hắt ra. Tất cả đều chìm lắng, tất cả đều khô khan yên tĩnh, tôi nghe tiếng còi xe hồng tập tự rú lên trong sân nhà thương rùng rợn như vang vang một cõi hư vô nào đó thật xa xăm. Tùng lặng lẽ kéo tấm draps trắng phủ lên mặt thằng Hợi, bà Sâm ngất xỉu trong tay chồng và những đứa em Hợi òa lên khóc lóc thật thảm thê. Tôi nhìn sững vào tấm draps trắng toát lạnh người, tôi không còn nước mắt để khóc. Hợi ơi, em đã ra đi vĩnh viễn thật rồi sao ?
Tùng ngồi xuống cạnh tôi, hai bàn tay bóp chặt vào nhau:
- Lần đầu tiên, tôi bị thất bại khi chữa trị bệnh gan cho thằng bé.
Tôi nhíu mày suy nghĩ rồi nói với anh:
- Hay thằng Hợi đau bệnh chi khác ?
Tùng gật đầu:
- Tôi cũng nghi rứa nên đã cho thử máu. Chưa có kết quả thì thằng bé đã...
Tôi sụt sùi:
- Tội nghiệp thằng Hợi, vừa học giỏi vừa ngoan ngoãn dễ thương.
Tùng vẫn nói như tâm sự:
- Thật tôi buồn quá đi Tiên, tôi đã không cứu nổi thằng bé, tôi đã phụ lòng Tiên tin tưởng đến tôi. Tiên đừng giận tôi nghe.
Tôi gạt đi:
- Anh đừng nói rứa anh Tùng, anh đã hết lòng với Tiên, Tiên phải chịu ơn anh mới đúng, chứ ai lại đi giận anh răng chừ.
Có tiếng gọi Tùng nơi cửa sổ, tôi nhìn ra, người bạn của Tùng đưa tay vẫy:
- Tùng, ra nói cái ni coi.
Tùng đứng dậy:
- Xin lỗi Tiên. Tiên ngồi chờ tôi rồi tôi đưa Tiên về nghe.
Tôi vòng tay trước ngực nhìn lên trần nhà, ông Sâm vừa dìu bà Sâm qua phòng bên nằm nghĩ đã trở vào, trên tay cầm ba thẻ nhang và một chén cơm. Ông đặt chén cơm ở phía đầu nằm thằng Hợi rồi cắm ba cây nhang lên trên, ông gọi nhỏ:
- Con ơi, là con ơi, Hợi ơi là Hợi ơi !
Những giọt nước mắt lăn dài trên má người cha, không có cảnh nào xúc động khi nhìn một người đàn ông khóc con. Đàn em thằng Hợi lại rú lên khóc nức nở:
- Anh Hợi ơi, anh Hợi ơi !
Tùng bước vào ra dấu cho tôi đi theo anh. Chúng tôi ra đến sân, anh nói thật mau:
- Tiên, người ta tìm thấy trong máu thằng Hợi một lượng chất đồng quá thặng dư. Các bạn tôi vừa mới họp xong, họ muốn giải phẩu thằng bé.
Tôi nghe lạnh buốt xương sống:
- Giải phẩu ? Không, không thể được.
Tùng ôn tồn:
- Có rứa mới tìm ra nguyên nhân chứng bệnh được.
Tôi đau xót:
- Vô ích thôi, vì thằng Hợi đã chết rồi.
- Còn những đứa em của nó. Nếu đây là một bệnh di truyền, thì Tiên nghĩ răng ?
Tôi đề nghị:
- Hay là, hay là anh hỏi ba Tiên đi. Anh nên kể cho ba Tiên nghe những triệu chứng xảy ra cho thằng Hợi.
Tùng lắc đầu:
- Chưa đủ đâu Tiên. Phải có kết quả của cuộc giải phẩu, mới xác định chắc chắn được.
Tôi nhìn vào phòng, nơi mà từ đó, thằng Hợi đã ra đi:
- Chắc ba mạ nó không chịu để các anh giải phẩu mô.
Tùng tin tưởng:
- Tôi sẽ cố gắng thuyết phục, Tiên đừng lo. Cha mẹ mô lại chẳng thương con, nhưng họ phải nghĩ đến những đứa con còn sống chứ.
- Tiên có thể giúp chi cho anh nữa không ?
- Thôi, tôi đưa Tiên về. Xem Tiên có vẻ mệt mỏi lắm.
Tùng chở tôi về nhà, tôi nhắn:
- Anh nhớ nói Kim Thoa đem cặp trả Tiên nghe.
Bội Nga cũng vừa đi học về:
- Khỏi cần nhắn, em đem cặp về cho chị đây.
Cô bé hỏi tôi:
- Chị Tiên, đứa học trò của chị có can chi không ?
Tôi rưng rưng:
- Nó mất rồi em.
Bội Nga chép miệng:
- Tội nghiệp chưa.
Tùng rồ máy xe, tôi lại nhắn:
- Nhớ đem kết quả cuộc giải phẩu qua cho ba Tiên nghe anh Tùng.
Tùng cười:
- Chắc chắn rồi. Kỳ này nhất định phải hỏi thầy. Thôi Tiên và Nga vào nhà nghe, tôi về.