Chương Mười Hai
Tác giả: Thùy Trang
Đường đi tới Phú Lâm chi3 bằng một nửa quãng đường trong tưởng tượng của tôi. Nói như vậy có nghĩa là nếu không vướng mấy cái va-li, thì tụi tôi cũng đã có thể đi bộ tới cho khỏe chân. Đâu có gì xa lắm. Dăm sáu cây số là cùng. Trước khi quẹo vào con đường nhỏ dẫn tới căn nhà, chúng tôi đi ngang qua một khu phố. Chúng tôi thấy có một tiệm bán tạp hóa giông giống như cái quán cà phê bình dân ở Thạnh Mỹ Lợi mà gia đình tôi đã có dịp vào ngồi.
Đạp xe ngang tiệm tạp hóa đó, Kiều hỏi:
- Ta có nên ghé vào tiệm mua một ít đồ ăn bây giờ, hay là đợi tới nhà cất va-li trước, rồi hãy trở lại mua sau?
- Thôi, để chút nữa đi.
Thu và tôi cùng nói. Không phải là vì tụi tôi muốn đi đi lại lại cho mất thì giờ, nhưng nếu đi đến chỗ ở trước, cất va-li gọn gàng, rồi hãy xuống phố lại để xem xét các cửa hiệu, phố xá và những thứ lạ mắt khác, thì thú vị hơn.
Tôi có đem hờ theo một số tiền riêng, lấy ở trong ống tiết kiệm của tôi, vì định bụng sẽ mua cho Mẹ một cái quần mới. Tôi đã làm hư hết cái quần Mẹ đưa cho mặc hôm nọ rồi. Bây giờ mua mấy thước vải ở cái phố xá nhỏ tí teo này có lẽ đặc biệt hơn. Mẹ sẽ có một cái quần để làm kỷ niệm, mặc dù, tôi chưa từng thấy ai tặng nhau quần để làm kỷ niệm cả.
Lúc quẹo vào con đường hẹp dẫn đến nhà ở, cái va-li nhỏ của tôi buộc ở đằng sau bị tuột ra. Tôi nhớ đã chằng dây kỹ lắm rồi mà, nhưng có lẽ vì phải đi xe Tuấn tôi chưa quen, nên chằng không đúng chỗ. Để bây giờ nó sút ra rồi. Và dĩ nhiên rơi bất ngờ như vậy, nên nắp vali cũng bật tung cả ra, rơi tung tóe áo quần và các thứ trong va-li: tất cả nằm ngổn ngang trên đường.
- Đợi một chút - Tôi gọi Kiều và Thu đang đạp xe ở đàng trước - Chậm lại mấy bồ ơi, chờ tôi một chút coi.
Kiều quay lại nhìn rồi xuống xe.
- Lại bồ nữa! Sao vậy nè?
Nghe giọng nó hỏi thật phát ghét. Nhưng tôi cũng chẳng muốn trách nó làm gì. Nghĩ lại những chuyện phiền phức trong chuyến đi này, tôi thấy lỗi tại tôi hết cả. Này nhé, tôi đã bắt hai cô bạn phải chờ kết quả xem Bố Mẹ tôi có bằng lòng cho tôi đi không đã, rồi tôi lại không có đúng kiểu áo mới theo thời trang, kế đó xe đạp của tôi bị bể bánh, và tới bây giờ cũng một mình tôi làm sút va-li rơi xuống đường.
Thu và Kiều cùng trở lại phụ với tôi để lượm đồ đạc vào va-li.
Chúng tôi đã lượm hết các đồ rơi trên mặt đường để xếp vào va-li. Không hiểu sao tôi có thể xếp đầy ngần ấy thứ vào một chiếc va-li nhỏ như vậy được. Cuối cùng rồi tôi cũng ấn chặt hết vào va-li. Cả ba lại leo lên xe đạp đi hết quãng dường ngắn để vào tới nhà.
Lúc bước xuống xe và dắt vào trong cửa, Kiều nói:
- Ba tôi cho tụi mình ba cái vé xem phim. Tuần trước Ba tôi lên đây chơi, gặp ông chủ rạp là bạn quen, ông ấy biếu Ba tôi mấy cái vé.
Vào tới trong nhà rồi, Kiều đưa cho mỗi đứa một cái vé, rồi nói:
- Đây, mỗi đứa một vé, phải giữ cho kỹ kẻo mất thì hết coi.
Tôi cầm lấy cái vé, lật qua lật lại xem. Tôi chưa hề thấy một cái vé phim bao giờ. Tôi liếc nhìn Thu xem cô ta có phán ứng gì không. Tôi đặt tấm vé xuống bàn rồi bắt đầu mở va-li soạn đồ đạc ra. Hai cô bạn cũng làm như vậy. Lúc đã xếp gọn gàng đâu vào đó, Kiều nói:
- Được rồi, thôi bây giờ tụi mình đi xuống phố mua một ít thức ăn, xong rồi sẽ vào rạp coi phim.
Tôi nói:
- Chỉ cần mua thức ăn, rồi thôi.
- Sao vậy? - Kiều ngạc nhiên - Tụi mình có ba cái vé mời đi xem không mất tiền mà. Chỉ được coi trong tuần này thôi đó.
Tôi muốn nghĩ rằng đi xem một phim thì cũng không sao. Kiều đã nói phim này đứng đắn lắm. Vì thỉnh thoảng tôi cũng thấy chiếu phim trong nhà thờ. Không biết phim chiếu ở rạp hát và phim chiếu ở nhà thờ có khác nhau gì không? Dù sao phim này cũng là phim đứng đắn.
Thu nói:
- Mình quên không nói cho Kiều biết là Thảo không đi coi hát đâu.
Tôi nhìn Thu ngạc nhiên hỏi:
- Thu có đi không?
- Đi cũng được chứ. Phim này đứng đắn mà.
- Thế ở nhà Ba Má Thu có biết không?
Thu thú nhận:
- Gia đình mình không có cái nhìn giống như mình đâu. Vả lại mình đâu có xem những phim bậy bạ, toàn là phim hay, trong sạch thôi.
Kiều nói chen vào:
- Tôi đâu có ngờ cái bà phá đám này đi chơi với tụi mình. Sao không nói cho tụi này biết là bồ không đi coi từ trước? Nếu nói trước thì tụi này đã rủ đứa khác đi cho rồi.
- Này Kiều, tôi đâu có biết là bồ định đi coi nữa. Tưởng chỉ lên đây đi chơi mát thôi chứ.
Kiều nhìn tôi trừng trừng:
- Bộ đi chơi mát rồi cứ ngồi đây suốt ngày cả ba ngày ba đêm liền sao? Nói gì kỳ vậy?
- Thôi, thôi tôi xin lỗi vậy. Nếu bồ và Thu muốn đi coi, thì đó là quyền của mấy bồ. Để mình tôi đi mua thức ăn vậy.
Kiều nói:
- Tôi thì sao cũng được.
Giọng nói của cô ta còn đáng ghét hơn cả lúc cô ta đã nói khi giúp tôi nhặt các đồ rớt ở va-li ra.
Thu lộ nét mặt của một kẻ phạm tội, hình như cô ta phân vân không biết có nên đi nữa hay không; nhưng Kiều có về cương quyết lắm. Kiều nói:
- Vậy thì đây, cầm lấy chìa khóa đi Thảo. Chắc bồ sẽ về nhà trước tụi tôi.
Tôi chợt cảm thấy như mình đã làm hỏng cả chương trình nghỉ mát cuối tuần của họ.
Cả ba đứa tôi lại lấy xe đạp xuống phố. Ra tới đầu đường, Kiều và Thu rẽ về một phía để tới rạp hát. Tôi cứ nhìn theo họ vì còn thắc mắc không biết Thu có thật sự coi hay không. Mãi đến lúc họ mở cửa và khuất sau bức màn để vào trong rạp, tôi mới quay sang phía đường bên này để đi tới tiệm tạp hóa. Trong tiệm cũng có khá nhiều thứ giống như những tiệm ở phố Thạnh Mỹ Lọi. Tôi thấy có cả một cái bàn lớn phủ một tấm khăn bằng nhựa đã cũ kỹ.
Nơi bàn có một người đàn ông đeo kính râm ngồi uống cà phê và hút thuốc lá. Nếu ông ta đừng phì phèo điếu thuốc, có lẻ tôi cũng thân thiện với ông ta được vì người ở phố này có vẻ tử tế và hiếu khách. Nhưng tôi lại không muốn nói gì hết. Tôi không đoán được tại sao ông khách đó lại đeo kính đen làm gì trong khi ngồi ở tiệm như vậy. Trời đâu có nang gắt quá.
- Em cần mua chi đó em?
Một người đàn bà khá mập mạp lên tiếng hỏi tôi. Bà ấy mỉm cười nhìn tôi, làm tôi có cảm tình ngay với bà.
- Chắc em mới tới đây chơi hả? Chà, tuần này ở đây có nhiều du khách quá. Ông này cũng là du khách mới tới đây.
Tôi nhìn lại người đàn ông đó một lần nữa, nhưng hình như ông ta chẳng để ý tới ai. Ông ta chỉ ngồi nơi bàn, phà khói thuốc ra đầy tiệm. Thấy vậy, tôi mới hiểu rằng ông ta mang kính là phải vì ít ra nó cũng chắn cho khói khỏi bay vào làm cay mắt.
Tôi nói cho bà chủ tiệm biết rằng tôi và hai cô bạn nữa mới tới đây chơi mát vài ngày. Ở tại căn nhà của ba má Kiều. Vì vậy tôi mua một ít thức ăn để sẵn đấy.
Bà chủ tiệm hỏi giọng đầy lo lắng:
- Thế là mấy em ở nhà đó một mình sao?
Tôi nói là chúng tôi muốn "tự lập” mấy ngày cho vui thôi, bà đừng lo về tụi tôi.
Người đàn bà mập mạp tử tế đó lại tiếp:
- Thôi được, mấy em ở cũng không xa đây bao nhiêu. Nếu có chuyện chi cần, các em cứ cho biết. Vợ chồng tôi ở đây coi hàng cả ngày.
Tôi cám ơn bà ta, và sau khi đã mua một số đồ ăn, tôi chào bà rồi bước ra cửa. Nhưng tôi quay lại:
- À quên, cháu muốn mua cho Mẹ cháu một ít vải may quần.
- Tôi có sa-ten đen thứ tốt đây. Em muốn mua bao nhiêu thước?
Chết chửa? Tôi có biết quần của Mẹ phải may hết bao nhiêu thước vải đâu. Còn đang luống cuồng thì bà chủ tiệm đã giúp tôi:
- Má em có mập hơn em không? Má em có bằng cỡ tôi không?
Tôi nhìn bà chủ tiệm chiều khách đó, thầm cám ơn bà đã vồn vã với tôi như vậy. Tuy nhiên vời hình dáng mập mạp của bà ta thì Mẹ tôi thật thua xa. Tôi ngập ngừng:
- Thôi bà cứ đo cho như cỡ của cháu, mà dài hơn một chút và mập hơn một chút thôi.
Bà ấy cười rung cả người; đôi mắt hấp háy và cả hai má cũng rung rung theo. Vừa đo vải bà vừa khen hàng vải tốt, bóng và bền thế nào cũng làm Mẹ tôi hài lòng. Tôi thấy vui vui.
Trả tiền xong, tôi bước ra cửa, vừa vặn thấy một người đàn ông cao lênh khênh mà lại gầy tong teo bước vào tiệm. Thây tôi, ông ta chào ngay, làm như đã biết tôi từ trước rồi:
- Chào em, đi mua đồ hả?
Người đàn bà chủ tiệm nhìn lên nói:
- Có mấy em nhỏ đến đây nghỉ mát đó mình ạ. Mới một mình em nhỏ này mua đồ thôi, còn hai em nữa.
Tôi thầm nghĩ sao họ lại kêu là "em nhỏ” nhỉ. Mấy người lớn, thiệt như nhau hết. Họ không bao giờ chịu nghĩ rằng chúng tôi cũng là những người đã lớn rồi sao.
Ông chồng bà chủ tiệm mập mỉm cười với tôi nói:
- Qua mong mấy em ở chơi vui vẻ. Chà, chắc ba má các em cũng mừng, vì mấy em tới đây chơi mát, chứ không có tới Thạnh Mỹ Lợi há.
Tôi hỏi:
- Thạnh Mỹ Lợi thì sao hử ông?
Ông chủ tiệm đáp:
- Thì ở đó toàn cảnh sát không à. Nghe đâu cái vụ cướp tiệm vàng gần ngã tư xa lộ đó, cả tên chủ mưu đã trốn thoát khỏi tù và đang lẩn lút quanh vùng đó.